Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

4 thói quen khiến trẻ tăng cân không lành mạnh

 

Thứ hai, 15/4/2024, VnExpress.net

4 thói quen khiến trẻ tăng cân không lành mạnh

Uống nước ngọt, ăn vặt thường xuyên, không đúng bữa là những thói quen gây hại, khiến trẻ tăng cân không kiểm soát, kèm nhiều nguy cơ khác.

Ăn bất kỳ lúc nào

Khi bé than đói, phản xạ đầu tiên của phụ huynh là cho con ăn. Tuy nhiên, trẻ có thể chưa thực sự đói mà chỉ thèm ăn.

BS.CKI Lâm Bội Hy, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyên cha mẹ cần cho con ăn theo lịch cố định ba bữa một ngày và một bữa xế nhẹ. Trẻ tuổi mẫu giáo có thể ăn hai bữa nhẹ. Phụ huynh cũng nên dạy trẻ nhận biết dấu hiệu đói và no, tuyệt đối không ép dùng hết đĩa thức ăn của mình. Khi trẻ đòi ăn, phụ huynh nên kiểm tra bữa ăn trước cách bao nhiêu giờ.

Nếu trẻ thực sự đói vì cách xa bữa ăn chính, hãy cho trẻ ăn một ít trái cây; tránh ăn cam, quýt, chuối, hồng, dứa khi đói vì có thể khiến con đầy bụng, ợ chua.

Ăn nhẹ khi đang di chuyển

Vì lý do bận rộn công việc, lịch học, tham gia hoạt động ngoại khóa, nhiều gia đình có thể cho trẻ ăn thức ăn nhẹ trên đường đi học thêm, đi bơi. Phụ huynh không nên đưa đồ ăn cho trẻ mỗi khi lên xe di chuyển, chỉ cho bé ăn vào giờ ăn nhẹ theo lịch.

Các món ăn chế biến sẵn như pizza, xúc xích, thịt xiên nướng, tôm chiên xù, khoai tây chiên, gà rán, bánh rán, mì xào, cá viên chiên... rất hấp dẫn trẻ. Nhưng nên hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đường phố vì khiến bé có nguy cơ tăng cân, nhiễm khuẩn E. coli gây tiêu chảy, bệnh đường ruột.

Phụ huynh cho con chọn món yêu thích nhưng hạn chế ăn nhiều món bánh ngọt không lành mạnh. Ảnh: Tuệ Diễm

 


Uống nước chứa đường

Theo bác sĩ Bội Hy, một lon nước ngọt có ga có thể chứa 10 muỗng cà phê đường. Nếu trẻ uống nước ngọt có ga thường xuyên có thể dẫn đến tăng cân, đái tháo đường, kháng insulin và các vấn đề sức khỏe khác.

Ngoài nước ngọt, các đồ uống khác như đồ uống thể thao, nước ép trái cây, các loại trà ngọt, trà sữa chế biến sẵn... cũng chứa lượng đường lớn, nên phụ huynh cần hạn chế sử dụng. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn bằng cách sử dụng nước mát.

Không nói đúng về cân nặng trẻ

Giai đoạn 2-10 tuổi, mỗi năm trẻ tăng trung bình 2-3 kg, chiều cao tăng 5-7cm. Trẻ 11-18 tuổi, tức trong giai đoạn dậy thì, cân nặng và chiều cao tăng nhanh, có thể đạt 8-10 kg và 8-10 cm mỗi năm. Để theo dõi sự phát triển của con, phụ huynh nên thường xuyên cân và đo chiều cao cho con.

Đối với trẻ thừa cân, béo phì, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc trò chuyện với con về cân nặng thực tế. Một số có khuynh hướng che giấu cân nặng, để trẻ không bị tủi thân, bạn bè trêu chọc. Tuy nhiên, bác sĩ Bội Hy khuyên phụ huynh nên động viên, đồng hành với con tập thể dục, giữ cơ thể khỏe mạnh, phát triển tốt, không để tăng cân mất kiểm soát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét