Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Oct 20, 2013 - Chúa nhật 29 thường niên năm C - Cầu nguyện

Oct 20, 2013 - Chúa nhật 29 thường niên năm C
Cầu nguyện


Các Bạn thân mến,
Cầu nguyện là vấn đề mà Đức Giesu là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng khi xuống thế làm người cũng thường xuyên thực hành, nói đến, dạy bảo, khuyên nhủ các môn đệ, và hơn hai ngàn năm nay, Giáo hội cũng không ngừng tiếp nối cách làm đó cho các tín hữu. Rồi những lần Đức Giesu và Đức Mẹ hiện ra kêu mời mọi người cầu nguyện. Nhưng chúng ta, cụ thể có cô em mình, vẫn thấy lấn cấn, chẳng biết làm sao để chăm chỉ cầu nguyện và cầu thế nào cho đúng, không nhàm chán hầu phù hợp với tinh thần cầu nguyện là đối thoại, là tâm tình. Ngoài việc lần hạt Mân Côi, đọc kinh Lạy Cha, hay lập đi lập lại những lời kinh nguyện vắn tắt đã thuộc lòng! Rồi lại thấy đọc thuộc lòng dễ hơn suy niệm! Nhưng chờ đến khi nào mới có tâm tình sốt mến, tập trung để suy niệm?!- Không thể được, cũng không thể có! Thế là cô em quyết tâm cứ lần hạt thuộc lòng, đọc những lời nguyện vắn tắt mọi nơi mọi lúc, rồi mặc kệ, Chúa tính sao thì tính! Mà lạ thay, rồi cô em cũng vui thích với việc làm này, không còn khó khăn, cũng không quên nữa! Cô em làm được hằng ngày, nhất là những khi ra khỏi nhà, đi xe hay đi bộ, cô em lần hạt cho đến khi nào tới nơi hoặc không thể đọc được nữa! Ngày không đi đâu thì trước khi ngủ, cô em cũng lần ít nhất bốn chuỗi: năm sự Vui, Thương, Mừng và chuỗi Lòng Thương Xót Chúa.
Vẫn biết rằng cầu nguyện tốt và ý nghĩa nhất là là suy niệm. Nhưng cô em không làm được, nên chỉ biết đọc kinh như con vẹt! Nhưng cô vẫn vui sướng làm như thế, nên dù sao việc làm của cô em có lẽ cũng là một kinh nghiệm quí báu cho những ai ngại ngùng chiêm niệm, không muốn cầu nguyện, đọc kinh, vì không có sẵn tâm tình yêu mến sốt sắng. Có lẽ Chúa đã không chấp, nên ban ơn để cô em lần hạt Mân Côi rất nhiều hằng ngày không biết chán, trái với khi xưa, cô em chẳng đọc kinh bao giờ!
 Hôm nay Đức Giesu cho chúng ta thấy một gương mẫu và hiệu quả của việc cầu nguyện qua dụ ngôn:
1. Dụ ngôn quan tòa và bà goá:
     a) Quan toà:
 -   Vị quan tòa trong dụ ngôn là một trong những quan tòa ăn lương, được bổ nhiệm bởi Herode hay người La Mã.
 -   Là những người phải thi hành đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ chân lý, nghiêm minh xét xử, bênh vực người hiền lành cô thân cô thế.
 -   Nhưng ở Do Thái thời bấy giờ các vị này nổi tiếng tham ô, hống hách, nên dân chúng nghèo kém không hy vọng gì được xét xử công minh:"Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì."
 -    Xã hội với nhân viên tư pháp như thế thì dân lao động nghèo, thấp cổ bé họng chắc chắn sống trong bất công. 
 -    Nên phần lớn họ an phận tủi buồn, chỉ một số ít còn tin vào sự công chính, tin vào những điều cao cả, vượt lên quyền lực trần gian, để đòi công bằng cho mình.
  Như bà góa ở đây, bà kiên trì, quyết tâm kêu oan nên dù quan tòa không muốn, thì cũng phải xử công bình cho bà để tránh phiền hà, bực bội. 
    b) Bà góa:
 -   Xã hội nào cũng nhiều bà góa và họ tượng trưng cho những người nghèo nàn, cô thế, cô thân.
-    Riêng trong xã hội Do Thái, các bà còn chịu nhiều thiệt thòi ức hiếp mà không ai bênh vực. Như bà góa này, chỉ biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
 -   Bà đã nhiều lần đến thưa với quan toà:" Đối phương tôi hại tôi, xin Ngài minh xét cho."
   Không tiền bạc, không danh vị quyền thế nên bà chẳng hy vọng được xét xử theo công bình bởi những quan tòa thời ấy.
   Nhưng bà rất kiên trì, đây là vũ khí, là phương tiện duy nhất của bà, của những người yếu thế nghèo nàn.
   Đó là điều quan toà sợ, tuy không phải bạo lực, không phải tiền bạc, quyền thế, nhưng dai dẳng quấy rầy liên tục, bực mình, đành phải xét xử cho rồi.
  Thế là cuối cùng sự kiên trì của bà goá đã thắng.
  c) Bài học:
-   Bất công như viên thẩm phán mà còn phải thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên nhẫn.
  Nên chúng ta hãy gìn giữ sự công chính, đừng để quyền lực bất chính đè nén, trấn áp, mua chuộc...hãy dùng vũ khí ôn hòa, để đấu tranh, bảo vệ...hầu cải thiện cuộc sống càng ngày càng tốt hơn, cả phần đời và phần đạo.
 Tuy nhiên cần hiểu rằng dụ ngôn không có ý ví sánh Thiên Chúa với quan toà bất chính, nhưng sánh ngược lại với con người như thế, Chúa có ý nói:“vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao? Lẽ nào Người bắt chờ mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng mình xét cho họ.”
  Không gì an ủi và tin tưởng hơn cho chúng ta, đặc biệt những ai oan ức, hãy kêu cầu Chúa bằng những lời Ngài cam hứa này.
2.  Câu nguyện:
     a) Mục đích của cầu nguyện:
-   Dù hoàn thiện đến đâu, chúng ta cũng chỉ là tạo vật với muôn bề giới hạn. Nên  không ai có thể sống đời Kitô hữu tốt mà không cầu nguyện.
  Nhưng cầu nguyện không thay thế làm việc. Nhiều khi chúng ta cũng cầu nguyện cách này, nhất là khi cầu nguyện cho người khác. Chỉ là những lời nói, và những lời đó trở thành một cái cớ để chúng ta khỏi làm việc.
-   Tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng làm việc gì có thể để đạt được điều đó.  Sự cầu nguyện này khơi lên niềm hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp chúng ta cảm nhận rằng Chúa ở kề bên và không bỏ mặc chúng ta bao giờ.
  Cầu nguyện cũng không làm thay đổi tình trạng cũ như bệnh tật, nghèo đói, khổ đau, dốt nát hay tình hình thế giới, nhưng giúp dễ dàng trực diện với bất hạnh, chấp nhận chịu đựng để ý Chúa được hoàn thành.
 b) Hình thức cầu nguyện:
  Cầu nguyện riêng hay chung, cũng để chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa, rồi tâm sự, nói lên ước muốn của mình hay người khác.
  Nên cầu nguyện là một bổn phận, là lễ vật, nhận lãnh, phục vụ, cho đi… là niềm vui.
-   Vậy chúng ta cần rèn luyện để có thói quen cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, trong việc lớn, nhỏ, lúc thuận tiện, khi khó khăn, tổng quát hay chi tiết cụ thể, cho cả khi vui lẫn lúc buồn, cho cả chúng ta, lẫn người thân, kể lạ...
-   Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ ông khi cầu nguyện, chỉ xin những điều tốt lành.
  Đức Giesu thì dạy dùng kinh lạy Cha, kinh nghiệm đạo đức thì dạy chỉ xin được theo thánh ý Chúa.
-   Có nhiều cách cầu nguyện: đơn sơ, trịnh trọng, riêng, chung, tự phát hay mượn ý tưởng của Giáo Hội, một lời hát, một câu thơ, chiêm ngắm một bức tượng, hòa mình vào một bức tranh, một hoàn cảnh, một tai nạn… ngoài đường phố hay nơi thánh thiêng.
-    Đừng quên xin Thánh Thần soi sáng để cầu nguyện đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.
  Như thế, cầu nguyện không chỉ là vụ lợi, tránh né bổn phận, càng không phải việc liệt kê ước muốn để xin Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện chân thành chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Chúa, xin Ngài tiếp tục ban ơn cho chúng ta đủ sức thực hiện ý Ngài.
  Khi cầu nguyện, không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa đáp lời với cách thức có lợi nhất cho chúng ta, nên thường ban ơn khác với ước nguyện, nhưng bao giờ cũng thích hợp, hữu hiệu nhất cho hạnh phúc của chúng ta.
    c) Cầu nguyện những gì?
         * Chúng ta phải cầu nguyện vì là Tin hữu:
  Cầu nguyện để nhận biết được giới hạn và sự lệ thuộc của chúng ta: chúng ta đến từ Chúa, sống nhờ Chúa, và sẽ trở về với Chúa.
 Biết như vậy dễ trao phó bản thân chúng ta cho Ngài với lòng tín thác trọn vẹn.
  Cầu nguyện là một hành vi hiểu biết, tâm tình khiêm tốn biết ơn, một thái độ tin cậy và yêu mến phó thác.
  Cầu nguyện là một cuộc đối thoại nhiệm mầu, nhưng có thực với Thiên Chúa.
         * Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta là Kito hữu:
 Đối với Kito hữu thì việc cầu nguyện mang một sắc thái đặc thù, thay đổi bản chất và giá trị của cầu nguyện.
 Kito hữu là môn đệ Đức Giesu, Người mà với tư cách là một người, cuộc đời của Ngài là đời cầu nguyện liên lỷ, một hành vi liên tục kính thờ và yêu mến Chúa Cha.
  Kito hữu biết lời cầu nguyện của mình là Đức Giesu, mỗi lời cầu nguyện đến từ Đức Giesu, chính Ngài cầu nguyện trong chúng ta, với chúng ta và cho chúng ta.
 Tất cả những ai tin vào Thiên Chúa đều cầu nguyện, Kito hữu cầu nguyện trong Chúa Kito, Chúa Kito là lời cầu nguyện của chúng ta. 
        * Chúng ta phải cầu nguyện vì yếu đuối:
  Là tạo vật yếu hèn, với những ý nghĩ mơ hồ, thiển cận, khả năng hạn hẹp, cô đơn, tham vọng, hay thay đổi, dễ sa ngã, lầm lẫn…nên chúng ta cần sáng suốt, cần sự nâng đỡ và an ủi.
  Cầu nguyện để xin sức mạnh theo đuổi các ý tưởng cao cả, gìn giữ đức tin cậy mến, trong sạch, quảng đại, can đảm, để thấy và thẩm định các biến cố đời sống riêng tư của mình cũng như cả lịch sử viễn tượng cứu độ của Thiên Chúa.
 Vậy đừng để một ngày nào qua đi mà không cầu nguyện, hãy kiên nhẫn, hướng lòng về Chúa mỗi khi cầu nguyện.
  Thế nên cầu nguyện là niềm tin không chỉ có ở nơi Kito Hữu mà gần như có ở hết thấy mọi người, hết mọi tôn giáo.
  Tuy nhiên, sau khi kể xong dụ ngôn, Chúa hỏi một câu đượm về đau buồn:" Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
  Câu nói đó chính là lời cảnh cáo long trọng về hiểm họa tinh thần thế tục và vô tín sẽ thịnh hành, lấn át niềm tin vào sự thật.
 Nhưng chúng ta đừng tuyệt vọng, bởi Hội Thánh lúc nào cũng có kẻ thù, mặc dầu Hội Thánh luôn canh giữ ảnh hưởng của thế tục vây quanh.
  Bởi thế lời cầu nguyện không chỉ cần cho niềm tin cá nhân khỏi bị chao đảo, mà còn cần cho Hội Thánh, cho các vị lãnh đạo cũng như cho các tín hữu để lúc nào Hội Thánh cũng vững niềm tin, hiệp nhất, sống tốt lành và liên tục rao truyền cùng chứng minh Lời Chúa.
  Hơn thế nữa, niềm tin và cầu nguyện còn liên kết mật thiết với nhau. Niềm tin phát sinh cầu nguyện và cầu nguyện sẽ đem lại một niềm tin vững chắc hơn.
  d) Cầu nguyện luôn luôn, đừng nản chí:
-   Đức Giêsu đã dạy cứ gõ thi sẽ mở, cứ tìm sẽ thấy, cứ xin thì sẽ được, chẳng giới hạn, chỉ nhấn mạnh phải cầu nguyện thường xuyên, không nản lòng.
-   Bởi Sự cầu nguyện luôn:
        . soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta,
        giúp chúng ta phân biệt được điều quan trọng, với điều tầm thường,
        giúp chúng ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm, những nỗi khát khao bị quên lãng,
       . chỉ cho chúng ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới,
       . giữ chúng ta thường xuyên gần gũi với Chúa…
 3. Hiệu qủa của cầu nguyện:
-  Cựu Ước ghi rõ khi nào Môsê giang tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế; ngược lại khi Môsê mỏi mệt bỏ tay xuống thì quân Israel thua. Người ta mới lấy một tảng đá kê cho Môsê ngồi, lại cử thêm hai người giúp Môsê nâng tay lên. Nhờ đó Môsê có thể giang tay cầu nguyện lâu giờ, và kết quả là Israel đã toàn thắng quân thù.
 -  Điều đó nói rằng chiến thắng không phải do sức mạnh của quân Israel, mà nhờ sự phù hộ của Chúa do lời cầu nguyện của Môse.
 -  Như Môse quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà goá bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho con trai sám hối…
 -  Kết quả của cầu nguyện thật vĩ đại rõ ràng, chúng ta có thể nhận ra hay không, nó vẫn là một thực tế không thể phủ nhận. 
  -  Khoa học đã chứng minh qua những cuộc khảo sát về sức mạnh của sự cầu nguyện, được truyền thông báo chí đưa tin: các bác sĩ Hoa Kỳ đã có kết quả cụ thể về những bệnh nhân được nhờ người ẩn danh bí mật cầu nguyện thì mau thuyên giảm, bình phục hơn những người không được ai cầu nguyện cho.
-   Câu chuyện của 33 người thợ mỏ Chile: Mario Gomez, Jose Henriquez, Daniel Herrera, Mario Gomez, Esteban Rojas…đã thoát nạn nhờ những người thân quen trên mặt đất và chính bản thân họ sốt sắng cầu nguyện khi bị mắc kẹt 69 ngày dưới hầm mỏ sâu 700 mét cách đây vài năm đã làm nức lòng thế giới và là chứng minh hùng hồn nhất của đầu thế kỷ 21 về kết quả của sự cầu nguyện.
-  Thật vậy, trong hoàn cảnh tính mệnh nguy hiểm đến 99,99% ấy, họ vẫn an ủi, động viên nhau, tràn ngập niềm tin chắc chắn sẽ thoát ra ngoài, nên quyết tâm hằng ngày đọc, suy niệm kinh Thánh, hợp lời cầu nguyện với những thân hữu trên mặt đất.
 Và sự gì đến đã phải đến, tất cả 33 người từ 19 đến 63 tuổi đều được giải thoát. Họ đã quỳ xuống cầu nguyện ngay khi vừa được đưa lên mặt đất!
Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con qua cầu nguyện. Để tâm lòng chúng con luôn biết hướng về Chúa. Thân xác chúng con nên giống hình ảnh của Ngài.
Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi vui của Chúa trong nụ cười của chúng con; thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói, hành động của chúng con; thấy tình thương nhân hậu của Chúa qua sự chia sẽ và phục vụ của chúng con…
Xin cho chúng con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và anh em trên tất cả mọi nẻo đường đời, dù quanh co gập ghềnh, sỏi đá, hay bùn lầy. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
 Than men,
  duyenky

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Oct 13, 2013 - Chúa nhật 28 thường niên năm C - Đừng vô cảm!

Oct 13, 2013 - Chúa nhật 28 thường niên năm C
Đừng vô cảm!



 Các Bạn thân mến
Lần về thăm quê hương Việt Nam năm 2008, mình ghé thăm một trại cùi ở Qui Nhơn, nơi Hàn Mạc Tử đã sống những ngày tháng cuối cùng khổ đau vì bệnh phong cùi, vì tình yêu, đã chết và để lại nơi đây nhiều kỷ vật còn trưng bầy ngay tại căn phòng nhỏ mà Hàn Măc Tử đã ở: tranh ảnh, giường chiếu, dụng cụ cá nhân, và đặc biệt những bài thơ bất hủ ca ngợi, trách móc sự hững hờ của người yêu, cũng như cuộc đời chung quanh ông.
Trại cùi rộng lớn, bên hông thành phố, nhưng các căn nhà của bệnh nhân ẩn sâu trong rừng, chung quanh bao bọc bởi núi đồi sông biển, đẹp, nên thơ, lãng mạng, trữ tình vói những ghế đá, những chiếc võng đu đưa bên bờ vực sâu...nhưng tất cả như những hàng rào giang tay vô cảm bao vây, cô lập các bệnh nhân.
Đúng vậy, bởi bệnh hủi, phong, hay cùi là loại bệnh tách rời bệnh nhân với xã hội, và mang lại cho con người nhiều bất hạnh nhất về: thể xác, tình cảm, tinh thần. Đặc biệt ở Do Thái ngày xưa, nơi cả xã hội và tôn giáo đều phân chia con người thành nhiều tầng lớp khác nhau, phân biệt rõ ràng đến chi tiết, thì lọai bệnh này còn tủi nhục đau khổ hơn gấp bội bởi sự tẩy chay, xua đuổi, do những điều cấm kỵ nghiêm ngặt được đặt ra. Ngay cả với nguồn an ủi thiêng liêng duy nhất để người bệnh có thể chạy đến, than thở, van xin, nương tựa, trông chờ là chính Thiên Chúa của họ, cũng bị cấm đóan. Nên nếu được khỏi bệnh là cả một điều không tưởng, một ước mơ lớn, một niềm hy vọng cao độ của người phong cùi thời ấy. Nhưng với Thiên Chúa thì lại chẳng có gì là không thể. Thánh Luca ghi rằng:"Lúc Người vào làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Ngài. Họ dừng lại đàng xa và lên tiếng:" Lạy Thầy Giesu, xin dủ lòng thương chúng tôi!"  Lời tha thiết khẩn cầu ấy như công khai nói lên niềm tin của họ. Và Đức Giesu đã động lòng thương cho họ được lành mạnh.
Đây là một trong những kiểu chữa bệnh kỳ lạ của Ngài: không thuốc men, không đụng chạm, không dùng bất kỳ trung gian nào, chỉ ra lệnh cho bệnh nhân đi báo tin cho người đại diện tôn giáo để được xác nhận là đã khỏi bệnh.
Đức Giesu đã chữa lành tất cả, nhưng chỉ có một người Samari ngoại bang, quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Ngài.
Đây là một câu chuyện thật, được Thánh Luca ghi lại, chứ không phải là dụ ngôn Đức Giesu kể. Vì thế đoạn Tin Mừng này cho chúng ta nhiều bài học qúi gía về sự biết ơn. Cao hơn nữa, còn cho biết sự tỏ lòng biết ơn Đức Giêsu không phải vì Ngài mà vì ích lợi của chúng ta. Ngài muốn chúng ta có tâm tình tốt đối với Thiên Chúa, từ đó sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với Ngài, và liên hệ tốt này lại phát sinh nhiều ơn lành khác cho chúng ta.
Bởi cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp, đan xen kẽ nhau được ban phát ra từ Thiên Chúa, từ con người. Có những ơn Thiên Chúa ban trực tiếp, có những ơn Ngài ban gián tiếp qua các thụ tạo, qua cơ hội, qua hoàn cảnh; có những ơn trong qúa khứ, có những ơn hiện tại, và chắc chắn sẽ có những ơn cho tương lai.
Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận ơn phúc thì người nhận phải có lòng biết ơn, đó mới là người có nhân cách thực sự.

1. Hành động theo đức tin:
-   Sự chữa lành mười người cùi trên đường Đức Giesu tiến về Gierusalem này rất thích hợp, vì đặc điểm chính của câu chuyện là lòng biết ơn và phúc lành của một người Samari nói lên Đức Giesu là Đấng Cưú Thế cho cả nhân loại, không chỉ riêng người Do Thái biết.
-   Bên cạnh đó còn một đặc điểm nữa là Đức Giesu truyền lệnh cho tất cả:" Hãy đi trình diện với các thầy tư tế" rằng họ đã khoẻ mạnh trước khi họ được chữa lành.
-   Nhưng" Đang khi đi thì họ được chữa lành".
-   Rõ ràng những người này đã hành động theo đức tin, vì họ cầu xin Đức Giesu rủ lòng thương họ, nhưng Ngài chẳng đả động gì mà lại truyền họ đi, chắc chắn có người trong số họ ngỡ ngàng, ngạc nhiên, thắc mắc, nhưng họ không phản kháng, mà hoàn toàn im lặng đi theo lệnh truyền, chứng tỏ họ tin Ngài tuyệt đối. Vì thế lời cầu xin của họ đã được nhận.
-   Mệnh lệnh của Đức Giesu như bao hàm một lời hứa, và với lời hứa của Ngài, chúng ta có thể luôn tin cậy tuyệt đối.     
-    Có lẽ Đức Giesu cũng muốn thử thách đức tin: vì Ngài không chữa bệnh ngay cho họ.
 -   Lại mời gọi đức tin: nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa lành cho họ.
 -   Bởi Đức Giesu luôn tế nhị, tôn trọng quyền bính thế gian; dù độc lập, toàn quyền trên bệnh nhân, nhưng Ngài đã truyền cho họ đi khai báo với các thầy tư tế có quyền hành.
-   Họ làm theo, và đã khỏi bệnh. Hành động vì tin lời Ngài, chính là đức tin, nên họ đã được thưởng xứng đáng.
-   Đây cũng là một bài học cho tất cả những ai phải sống trong tình hình thiếu tự do, dưới một chính quyền thiếu dân chủ, để luôn biết tôn trọng chính quyền những khi có lợi cho tập thể mình.
 -   Một khía cạnh khác, mười người phong cùi ở đây đã quên thân phận mình là Do Thái hay Samari, chỉ nhớ họ cùng bất hạnh, cùng một ước mơ, để đứng chung với nhau.
 -   Đúng vậy, thực tế và kinh nghiệm cho thấy là có thể lôi kéo nhiều người lại gần với nhau do cùng một niềm tin, cùng một niềm khát khao chung của họ đối với Thiên Chúa.

 2. Nguồn ân huệ:
       a) Thiên Chúa:
-   Nhân loại đã lãnh nhận vô vàn vô số ân huệ Thiên Chúa ban cho từ khi được dựng nên giống hình ảnh Ngài, lại được hoàn thiện nhất trong các thụ tạo của Ngài.
-   Tiếp tục được nuôi dưỡng, quan phòng và cho làm chủ cả vũ trụ muôn loài, để con người được hạnh phúc ở đời này cũng như đời sau.
-    Nhưng chúng ta đã không tôn vinh thờ kính, cảm tạ Ngài cho xứng đáng, mà lại luôn làm ngược ý muốn của Ngài, phản bội, theo ý riêng, sa lầy vào đam mê tội lỗi.
-    Thiên Chúa chờ đợi, tìm kiếm chúng ta để tha thứ, ban ơn phục hồi, nhưng với cuộc sống đầy cạm bẫy, khó khăn, chúng ta tiếp tục tái phạm đi, sai phạm lại, không tự đứng dạy được, Thiên Chúa lại nâng đỡ cho đứng lên, cứ như thế, không biết chúng ta đã xúc phạm đến Ngài bao nhiêu lần, và Ngài đã thứ tha cho chúng ta gấp bao nhiêu bẩy mươi bẩy lần bẩy!
-    Bởi chúng ta rất mau quên, quên nhanh chóng tất cả và lại vô tư sống, coi mọi chuyện như tự nhiên đến rồi đi!
-    Tệ hơn nữa, nhiều khi chúng ta không những không cảm tạ, tôn thờ Thiên Chúa, mà còn ngạo mạn xúc phạm cách này cách khác qua tư tưởng, lời nói, cung cách hành xử với bản thân và mọi người.
-    Biết ơn Thiên Chúa về tất cả mọi sự vui buồn là một điều phải và rất tốt cho chính chúng ta: do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ ý thức hơn về tình thương của Thiên Chúa, nhận thức rõ hơn về thân phận mình cả hiện tại và qúa khứ; giúp chúng ta gắn bó với Chúa và nương tựa vào Ngài nhiều hơn.
-   Tuy nhiên không chỉ nói lời tạ ơn xuông, mà còn phải cảm tạ Thiên Chúa qua tư tưởng, hành động cụ thể: tôn thờ một mình Ngài, và phục vụ mọi người.
      b) Giáo Hội, Cộng đoàn:
 -    Chúa truyền lập Giáo hội để mọi người được thông công lợi ích, ân sủng, thăng tiến, nâng đỡ, chia sẻ, phục vụ nhau.
 -    Đây chính là một đại gia đình không dựa trên huyết thống, mà trên niềm tin và sự hiệp nhất, được tổ chức qui mô, chặt chẽ, với mạng lưới dày đặc, hoàn thiện theo đức tin Kito Giáo, thống nhất trên toàn thế giới, qua mọi thời đại.
 -   Nên chúng ta được hưởng biết bao tài sản thuộc linh, tinh thần, tình cảm, đạo đức, văn hóa, khoa học, hội họa, kiến trúc, công trình nghiên cứu, cơ sở vật chất...
 -   Tất cả đã do các Kito hữu đàn anh đàn chị các thệ hệ trước khổ công gian khó gây dựng nên. 
 -    Rồi thế hệ hiện tại vẫn tiếp nối sự nghiệp để chúng ta được tiếp tục thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa, sống trong lảnh mạnh và phục vụ bác ái.
 -     Chúng ta hãytự giác cảm tạ Gíao Hội, Cộng đoàn bằng những gì có thể, như tôn trọng, gìn giữ, đóng góp, phục vụ những gì thuộc Giáo hội, Cộng đoàn cũng như khi có yêu cầu, để bảo vệ, xây dựng Giáo Hội bền vững, phát triển.
      c) Gia đình:
-   Việt Nam chúng ta có câu:" Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra!"
 -   Thật thế, khi sinh ra, con người cần thời gian lâu dài nhất so với các loài, để có thể tự lo được nhu cầu thiết yếu cho đời sống mình. Nên ở mỗi giai đoạn cha mẹ có khó khăn lo âu riêng, dù chúng ta đã trưởng thành, làm cha nên mẹ của bày con.
-   Nhưng chúng ta ít quan tâm đến công lao dưỡng nuôi trời bể này, nhiều khi lại làm cha mẹ anh chị em buồn lòng.
-   Hãy nhớ rằng dù chúng ta có tài giỏi, giàu có hay quyền lực cũng không thể lấy lại tuổi thanh xuân cho cha mẹ anh chị em đã hy sinh cho chúng ta.
-   Vì tình thương yêu, cũng không ai bắt buộc chúng ta làm như vậy, nhưng tất cả sẽ rất hài lòng nếu chúng ta tỏ ra hiếu thảo: ân cần, thăm viếng, chuyện trò hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, đừng để cả năm mới có một lời vấn an!
      d) Xã hội, con người:
 -   Ngoài ra, chúng ta còn mang ơn lớn, nhỏ với cả nhân loại, với xã hội, đồng hương, dân làng, láng giềng; đó là những người có ngành nghề chuyên môn như giáo dục, y tế, quân đội, bảo vệ, cơ quan này, đoàn thể kia, cho đến cả một cụ gìa, một em bé...
-    Trong đời sống, chúng ta tiếp tục nhận biết bao ân huệ một cách tự nhiên cuả xã hội mình đang sống.
 -    Chúng ta cũng phải trả ơn xã hội, mọi người chung quanh bằng chính lối sống nghiêm chỉnh, hành động đúng đắn, bằng công việc làm, và sự đóng góp của mình.
-    Đừng có thái độ vô cảm, quậy phá, không biết ơn, không trả ơn; điều này như một thảm kịch của cuộc đời.
 Nước Mỹ có ngày lễ đầy ý nghĩa là lễ Thanksgiving hằng năm, với ý nhắc nhở chúng ta nhớ đến và cảm ơn cách thiết thực những ân nhân mọi ý nghĩa, mọi ngành nghề …để chúng ta được sống đầy đủ, sung mãn. Đừng biến nó thành một lễ hình thức, chỉ vui chơi tiệc tùng, mua sắm…

Lạy Chúa,  xin cho chúng con đừng vô cảm, mà luôn biết cảm tạ Thiên Chúa, Giáo Hội, xã hội, cộng đoàn và những ai đã làm ơn cho chúng con, dù chúng con có nhận ra hay không .
Cũng xin dạy chúng con biet cảm tạ cả những gì Chúa đã không ban hoặc những gì trái ý chúng con, vì chắc nó không ích lợi hay Ngài còn có ý khác tốt đẹp hơn cho chúng con, bởi mọi điều đều nằm trong sự quan phòng của Ngài.
Và xin cho chúng con sống xứng đáng với những ơn đã nhận được ở bất cứ nguồn nào.  Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,
duyenky