Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

THỨ  NĂM  TUẦN  THÁNH

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 31/Mar/2021

Tin Mừng: Ga 13, 1-15

“Đức Giê-su yêu họ đến cùng.”

Bạn thân mến,

Mỗi năm cứ đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh là bạn và tôi đều nghe được những bài Phúc Âm nói đến tình yêu của Đức Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và cho nhân loại tội lỗi, bởi vì trong ngày thứ năm đặc biệt này, Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu chuộc chúng ta- đã thực hiện ba công việc bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta, tôi xin chia sẻ với bạn những tâm tình ấy như sau:

1. Rửa chân - dấu chỉ phục vụ.

Trước khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích Truyền Chức Thánh, Đức Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ công khai và khiêm hạ đối với các môn đệ của mình, đó là rửa chân cho họ, một thái độ chưa từng thấy ở nơi các thầy thông luật và những người biệt phái Pha-ri-siêu, hay ở bất cứ nơi nhà lãnh đạo nào khác của thế giới, thái độ rửa chân cho các môn đệ của Đức Chúa Giê-su chính là bài học dạy các môn đệ hãy rửa chân cho nhau, tức là phục vụ nhau với tất cả tinh thần yêu thương.

Việc Đức Chúa Giê-su cúi mình xuống để rửa chân cho các môn đệ là một hành vi của người tôi tớ, mà chỉ có những tôi tớ của Thiên Chúa mới làm như thế với các môn đệ của mình, cũng như với các anh chị em đồng loại. Đó là một bài học cho các môn đệ, mà chút nữa đây chính Ngài sẽ cất nhắc các môn đệ lên hàng công hầu danh tướng trong Giáo Hội của ngài, để hướng dẫn những người tin vào Ngài đi tiếp con đường cứu độ mà Ngài đã đi qua. Bài học khiêm tốn này, người phải thực hành trước nhất chính là các môn đệ của Ngài, bởi vì càng muốn làm lớn thì càng phải phục vụ, bởi vì nếu không phục vụ tha nhân thì không ai biết được các ngài là môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

2. Bí tích Thánh Thể - nguồn yêu thương.

Đây là một ý nghĩ siêu việt của Thiên Chúa, mà chỉ có Thiên Chúa mới nghĩ ra được việc này mà thôi: ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế trong bí tích Thánh Thể. Đây là bí tích tỏ hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, một tình yêu không những trong ý tưởng, mà còn là hiện hữu trong cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo và của mỗi một người Ki-tô hữu là những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su.

Bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương kết nối những người tin vào Đức Chúa Giê-su lại với nhau, và qua sự đoàn kết yêu thương và phục vụ nhau của họ, mà người ta nhận biết Đức Chúa Giê-su đang ở trong họ.

Bí tích Thánh Thể là bí tích vừa cao quý vừa cao trọng nhất trong bảy bí tích mà Đức Chúa Giê-su lập ra, bởi vì nơi bí tích này Ngài đã trao ban Mình và Máu Thánh của chính mình cho nhân loại, bởi vì chính vì yêu mà Ngài đã hy sinh chết trên thập giá, và Mình và Máu của Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống linh hồn các kẻ tin.

Nhờ bí tích Thánh Thể mà Giáo Hội mỗi giờ mỗi khắc và mỗi ngày dâng hiến lên Đức Chúa Cha những công lao vất vả và khó nhọc của con người, và những công lao vất vả khó nhọc mồ hôi đó, mà bánh và rượu yêu thương trên bàn thờ đã trở nên Mình và Máu của Đức Chúa Giê-su, để những ai ăn và uống Máu Thịt này sẽ trở nên bánh cho anh chị em của mình ăn...

3. Bí tích Truyền Chức Thánh – tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ.

Đức Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể và đồng thời cũng lập bí tích Truyền Chức Thánh, để nhờ bí tích này mà nhân loại được thông phần ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho qua các linh mục của Giáo Hội Công Giáo.

Bí tích Truyền Chức Thánh là một trong những kế hoạch yêu thương nhân loại của Thiên Chúa, và không phải ngẫu nhiên mà Đức Chúa Giê-su đồng thời vừa lập bí tích Thánh Thể vừa lập bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng hai bí tích này gắn liền mật thiết với nhau không thể tách rời nhau, bởi vì ở đâu có linh mục thì ở đó có cử hành bí tích Thánh Thể, và bí tích Thánh Thể chính là nguồn sức mạnh và lương thực thiêng liêng của các linh mục và của tất cả những ai tin vào Đức Chúa Giê-su Thánh Thể.

Bí tích Truyền Chức Thánh không phải do con người lập ra, nhưng do chính Đức Chúa Giê-su lập ra, nó sẽ tồn tại với bí tích Thánh Thể cho đến ngày Chúa lại đến...

Bạn thân mến,

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh là ngày đặc biệt của chúng ta, trong thánh lễ Rửa Chân chiều thứ năm này, bạn sẽ thấy Giáo Hội –qua các linh mục- sẽ thực hiện lại việc Đức Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, và lập hai bí tích Thánh Thể và Truyền Chức Thánh, để bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại.

Trong thánh lễ này, bạn và tôi cũng hết lòng cảm tạ Thiên Chúa đã ban phát tình yêu thương của Ngài cho chúng ta qua Đức Chúa Giê-su, để nhờ sự phục vụ và ban phát ân sủng của Ngài qua bí tích Thánh Thể của Giáo Hội mà chúng ta được tham dự bàn tiệc Nước Trời ngay tại trần gian này.

Bạn và tôi cũng cầu nguyện cho các linh mục của Giáo Hội cách đặc biệt trong ngày này, vì nếu không có các ngài thì không có thánh lễ và cũng không có bí tích Thánh Thể, không có các ngài thì chúng ta cũng sẽ không có mục tử dẫn dắt đến nguồn ân sủng của Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Ai cũng cần một vòng tay ôm

 

Ai  cũng  cần  một  vòng  tay  ôm

Lê Hữu-Nguồn:The Dallas Morning News


Amber Guyger, shown with defense attorney Toby Shook during her murder trial.(Tom Fox / Staff Photographer)

Tên nhân vật đã được thay đổi

Genny gửi đi dòng text cuối cho Dick, bạn trai và cũng là đồng nghiệp của cô ở sở cảnh sát Dallas, khi bước đến gần căn apartment của cô ở lầu 3. Lúc ấy khoảng gần 10 giờ đêm. Cô về muộn hơn mọi ngày sau ca trực kéo dài suốt 14 tiếng… Một ngày đầu tuần khá mệt mỏi và nhức đầu vì những chuyện lỉnh kỉnh chẳng đâu vào đâu. Cô cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Khi vừa tra chìa khóa vào ổ khóa cửa phòng, Genny cảm thấy có điều gì bất thường. Cô luôn cẩn thận khóa cửa, tắt đèn mỗi khi rời nhà. Cửa dường như không khóa, cô xoay nhẹ tay nắm cửa, cánh cửa mở he hé. Genny khẽ giật mình, đặt tay lên báng súng như một phản xạ tự nhiên. Ánh đèn vàng từ bên trong hắt ra. Genny suy nghĩ thật nhanh. Ngoài Dick ra, không ai biết chỗ ở của cô. Kẻ nào đã đột nhập vào phòng cô?… Genny rút súng, lùi lại một bước, tay giơ cao khẩu súng ngắn, chân đạp mạnh vào cánh cửa.

“Đứng yên tại chỗ. Giơ tay lên!” Genny hét lớn.

Cửa mở toang. Cô trông thấy một gã đàn ông ngồi dựa lưng trên ghế sofa, hai chân duỗi thẳng, tay cầm vật gì đó.

“Bỏ ngay cái đó xuống. Giơ hai tay lên!” Genny nắm chặt khẩu súng bằng cả hai tay, mũi súng chĩa thẳng về phía kẻ lạ mặt.

Trước mắt cô là gã đàn ông da màu lạ hoắc. Gã mặc quần short, tay cầm vật gì lấp lánh cô không nhìn thấy rõ. Gã chồm người dậy, nhìn chòng chọc vào cô.

“Giơ hai tay lên! Bỏ cái đó xuống ngay, nếu không tôi bắn.” Genny quát lên và lùi lại một chút, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng.

Gã đàn ông đứng bật dậy, dáng cao lớn, khệnh khạ̣ng.

“Hey! Hey! Hey!” Gã trợn mắt, xăm xăm bước về phía cô.

“Đoàng! Đoàng!” Genny nổ liền hai phát. Gã bật ngửa ra sau, nằm ngay đơ, đầu gối lên thành ghế sofa.

Suốt những năm hành nghề cảnh sát, Genny vẫn được đồng nghiệp thán phục về tài thiện xạ, đã bắn thì không trật vào đâu được. Cô từ từ bước qua cửa, men sát theo vách tường rồi lọt hẳn vào phòng trong lúc hai tay vẫn không rời khẩu súng, hai mắt vẫn chăm chăm nhìn xuống thân hình bất động dưới chân sofa. Gã da màu nằm im không nhúc nhích, máu loang trước ngực.

Genny đảo mắt một vòng, nhìn quanh. Và, chỉ trong một vài giây, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng khách, cô nhận ra điều gì khác thường… Cô lắc lắc đầu mấy cái cho thật tỉnh táo. Genny bỗng lạnh sống lưng. Cô thấy chóng mặt, rồi khẩu súng trong tay rớt xuống lúc nào cô không hay.

Đây không phải là căn apartment của cô. Cô đã vào nhầm phòng.

Genny vội quỳ xuống bên người đàn ông. Gã nằm ngửa, hai mắt mở lớn, trợn trừng.. Bàn tay phải mở ra cho thấy vật trong tay gã là chiếc muỗng nhôm. Một ly kem ăn dở và hộp kem mở nắp ở trên chiếc bàn thấp cạnh sofa. Máu vẫn loang trên sàn nhà…

Genny ngồi bật dậy, hoảng hốt… Cô đã làm gì vậy?! Cô đã giết người. Rồi Genny lại quỳ xuống, đặt tay lên ngực gã.. Cô nhớ tới những thao tác CPR từng ứng dụng. Vô ích, viên đạn trúng ngay tim. Dưới chân cô đã là một xác chết. Cô nhìn lại bàn tay mình. Máu. Genny cố trấn tĩnh, gọi số 911 trước khi gieo mình xuống chiếc sofa mà người đàn ông đã ngồi trước đó ít phút..

Tiếng TV ở góc phòng phát đi bản tin về vụ cướp ở đâu đó. Genny nghe tiếng lao xao và tiếng chân người từ ngoài hành lang…

Phiên tòa bước sang ngày thứ 5, dự trù sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm. Genny trông hốc hác, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Cô phải trả lời nhiều câu hỏi từ công tố viện. Trả lời câu hỏi đầu tiên, Genny nói cô không biết gì về Bruce, người hàng xóm đã thiệt mạng vì hai phát súng nghiệt ngã của cô đêm ấy. Người thanh niên da màu chết bất ngờ, không hiểu được vì sao mình phải chết.

Bruce ở lầu số 3, trong căn phòng ngay bên dưới phòng của Genny ở lầu 4. Anh là nhân viên kế toán của một công ty tài chánh. Bruce kém cô ba tuổi, là một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Ngoài công việc ở sở, anh là thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại một nhà thờ ở địa phương trong nhiều năm.

Công tố viên muốn cô diễn lại trình tự mọi chuyện xảy ra vào hôm ấy và phóng ra liên tiếp những câu hỏi như không để cô có thì giờ đắn đo suy nghĩ.

“Chuyện gì làm cô không tỉnh táo hôm ấy?”

“Tôi không rõ. Có thể tôi đã làm việc quá sức. Tôi đã làm đến hơn 14 tiếng thay cho người bạn trong sở nghỉ bệnh.”

“Còn gì nữa?”

“Tôi về muộn, khá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Từ lúc xuống xe ở parking, tôi vừa đi vừa text message với người bạn cùng sở nên không nhận ra mình đang ở lầu 3 chứ không phải lầu 4.”

“Mỗi phòng đều có tấm biển ghi số phòng gắn trên cửa, cô không nhìn số phòng?”

“Không,” Genny lắc đầu. “Phòng tôi ở dãy bên tay phải, cạnh phòng cuối cùng của hành lang. Rất dễ nhận biết, tôi cứ đi thẳng tới đó.”

“Khi mở cửa phòng, cô không nhận ra đấy không phải là phòng mình?”

“Không,” Genny lắc đầu. “Đèn không đủ sáng. Cách bài trí nơi phòng khách khá giống với phòng tôi. Bộ sofa cũng gần như cùng một kiểu, một màu.”

“Cô nghĩ gì và phản ứng thế nào vào lúc ấy?”

“Một kẻ lạ nào đó đột nhập phòng mình. Tôi rút súng ra. Tôi cần phản ứng thật nhanh, nghề nghiệp dạy tôi như vậy.”

Công tố viên không hỏi tiếp. Phòng xử chìm trong im lặng vài phút.

“Cô nghĩ gì trong đầu khi nổ súng vào người đó?”

“Tôi sợ,” Genny trả lời, giọng run run. “Tôi yêu cầu anh ta đứng yên và giơ tay lên đến mấy lần, nhưng anh ta bỗng hét lớn ‘Hey, hey, hey!’ như bị kích động và sấn về phía tôi. Tôi nghĩ anh ta sẽ giết mình. Tôi không còn cách nào. Bắn chậm thì chết.” Genny khóc nức lên…

Nhiều tiếng lào xào… Bà thẩm phán Tammie nhìn Genny chăm chú, khẽ gật gù.

“Tôi ngu ngốc quá!…” Genny nói trong tiếng nấc. “Tôi muốn được trừng phạt.”

“Cô nói tiếp đi, rồi sao nữa? Mọi người vẫn đang nghe cô.” Thẩm phán Tammie lên tiếng.

“Tôi thấy mình thật xấu xa, kinh tởm.” Genny nói nhỏ, cúi gầm mặt. “Tôi thù ghét tôi mỗi ngày. Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được một ngày bình yên trong suốt phần đời còn lại.”

Genny sẽ nhận bản án chung thẩm hôm nay. Việc xét xử và nghị án có khuynh hướng bất lợi cho cô trong bối cảnh khá căng thẳng do những đợt biểu tình phản đối tình trạng bạo hành của cảnh sát đối với người da màu gần đây vẫn chưa lắng xuống. Công tố viện có vẻ muốn cáo buộc tội sát nhân cho cô hơn là ngộ sát để làm dịu bớt những làn sóng phẫn nộ. Trong suốt phiên xử Genny tránh cái nhìn từ phía những người thân của Bruce. Cô tin là họ căm ghét cô và chỉ muốn cô phải chịu bản án nặng nhất.

Công tố viện đề nghị bản án 28 năm tù giam, bằng con số tuổi của Bruce vào ngày sinh nhật của anh ta trong tháng này nếu như anh còn sống. Genny đã lấy đi những năm tuổi đẹp nhất của anh ta và cô phải trả lại đúng số năm ấy.

Sau nhiều giờ nghị án của bồi thẩm đoàn, Genny sau cùng nhận phán quyết chung thẩm là 10 năm tù giam và có thể xin được ân xá sau 5 năm ngồi tù. Những nguời thân trong gia đình nạn nhân được phép lên tiếng. Alice, mẹ của Bruce, chỉ sụt sùi kể lể, không nói được gì nhiều. Beck, ông bố, lắc lắc đầu tỏ dấu không muốn lên tiếng. Mọi người hướng về Ben, em trai của Bruce, người nói những lời sau cùng. Chàng trai 18 tuổi, mặc bộ vest đen chỉnh tề, đeo kính trắng, khuôn mặt có nét từa tựa ông anh cậu.

“Tôi không ghét chị, cho dù chị đã làm chúng tôi phải xa lìa Bruce.” Ben cất tiếng sau ít giây im lặng. Cậu đưa mắt về phía Genny, nói chậm rãi. “Tôi thực lòng mong muốn những điều tốt lành cho chị. Tôi cũng không muốn chị phải vào tù một ngày nào. Và tôi tin là Bruce, anh tôi, cũng muốn như vậy. Tôi hiểu Bruce hơn ai hết. Anh ấy rất mau quên và dễ tha thứ, anh ấy không muốn chị phải vào tù đâu. Anh ấy chẳng oán ghét ai bao giờ, và cũng chẳng muốn làm ai buồn khổ. Những gì tôi nói ra đây là những điều tôi học được từ Bruce. Giá như anh ấy có ở đây thì anh ấy cũng sẽ nói giống như tôi vậy. Việc đã rồi, chị đâu có muốn như thế, phải không? Chẳng ai muốn như thế cả.”

Ben ngừng lại. Phòng xử không một tiếng động. Mọi người im lặng, chờ nghe cậu nói tiếp. Ben nhìn thật lâu vào đôi mắt Genny đỏ hoe.

“Anh ấy chắc chắn tha thứ cho chị. Chị cũng cần tha thứ cho chị.” Ngừng một chút, Ben nói tiếp, “Nếu chị không làm được vậy, chị hãy tìm đến với Chúa. Một khi chị biết lỗi và hối lỗi thì Chúa sẽ tha thứ cho chị. Phần tôi…, tôi cũng tha thứ cho chị.”

Ai cũng cần một vòng tay ôm Ben lại ngừng một chút, rồi cậu hướng cái nhìn về bà thẩm phán Tammie.

“Liệu tôi có thể dành cho chị ấy một cái ôm không?”

Không có tiếng trả lời.

“Tôi có được phép ôm chị ấy không?” Ben hỏi lại lần nữa, giọng khẩn khoản. “Tôi được phép chứ? Xin cho tôi…”

“Được,” bà thẩm phán nói, sau ít giây bối rối.

Ben rời bàn, bước xuống. Phía bên kia, Genny đưa mắt nhìn viên cảnh sát bên cạnh cô. Anh ta đứng lặng yên, không nói năng gì. Cô bước ra khỏi hàng ghế tiến về phía Ben. Khi tới gần Ben, cô dang rộng cánh tay, lao vào ôm chầm lấy cậu. Hai cánh tay cô quấn chặt cổ cậu.

Mọi người nghe rõ tiếng khóc nức lên của hai người.


https://dmn-dallas-news-prod.cdn.arcpublishing.com/resizer/eYgeZbS7XyLX3-tYgwOEQ-www1c=/930x0/smart/filters:no_upscale()/arc-anglerfish-arc2-prod-dmn.s3.amazonaws.com/public/KTKBURR57NBKSM26XKJ3BWNDY4.jpgBen ôm lấy tấm lưng Genny, hai bàn tay cậu xòe rộng xoa xoa, vỗ dọc lưng cô.

“Em tha thứ cho tôi?” Genny thì thầm. “Tôi không nghe lầm chứ? Tôi muốn được nghe lại một lần nữa. Xin làm ơn…”

“Tôi tha thứ cho chị.” Ben khẽ nói. “Bruce muốn tôi làm việc đó. Anh ấy và tôi tha thứ cho chị.”

Genny áp mặt vào ngực Ben. Cô buông lỏng đôi tay, rồi cô lại ôm chặt lấy Ben lần nữa.

“Thế còn những người khác trong gia đình em?”

“Tôi không rõ, tôi tin mọi người rồi sẽ tha thứ cho chị.” Ngừng một chút, Ben nói, “Tin tôi đi, khi tìm đến với Chúa, chị sẽ được bình an thôi. Hãy can đảm lên, chị hứa với tôi đi.”

 “Tôi hứa, tôi hứa…” Genny nghẹn lời. Khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt.

“Peace be with you,” Ben thì thầm lời cuối trong lúc chậm rãi buông cô ra.

Không một ai trong phòng nghe được họ nói gì. Viên cảnh sát dìu Genny về lại chỗ ngồi.

Ben quay nhìn Genny trong một thoáng trước khi rời phòng xử.

Ted, luật sư biện hộ cho Genny, chìa tay bắt tay bố của Ben khi hai người cùng bước ra ngoài hành lang.

“Cậu bé này tốt hơn chúng ta rất nhiều, bản thân tôi phải học nhiều ở cậu. Chỉ có chiếc ôm ấy mới chữa lành được những vết thương.”

“Đúng thế,” Beck khẽ gật gật đầu.

Rồi ông quay nhìn con trai mình đứng phía sau, đưa ngón tay cái lên. Hai bố con cùng bước xuống những bậc thang cấp của tòa án.

“Vậy là xong,” Beck siết chặt vai cậu, nói. “Bố cám ơn con. Bố yêu con, Ben. Bây giờ Bố cảm thấy nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa, giờ đây Bố Mẹ vẫn có con bên cạnh. Tất cả rồi sẽ qua đi. Chúng ta cần phải sống. Mọi người cần phải sống. Chúng ta không để bất cứ thứ gì đè nặng trái tim mình.”

Ben im lặng, cậu cũng nghĩ như bố.

“Mỗi người một phần số,” Beck nói tiếp. “Chúng ta không làm khác đi được, nhưng chúng ta có thể làm nhẹ bớt phần nào những gánh nặng. Ai cũng cần một vòng tay ôm.”

Ben vẫn im lặng. Cậu hít sâu và thở ra một hơi dài. Cậu cũng cảm thấy nhẹ nhõm như bố.

Chiều xuống dần. Hai bố con sánh đôi bên nhau. Beck lại bóp nhẹ mấy cái vào vai Ben. Và ông choàng hẳn tay qua vai cậu, rồi khoác vai cậu bước đi thân mật như hai người bạn.

“Bố nói đúng,” Ben thầm nghĩ. “Ai cũng cần một vòng tay ôm.”

Lê Hữu

(Viết phỏng theo bản tin báo The Dallas Morning News, 2/10/2019)

Ăn sáng đúng cách

 

Ăn  sáng  đúng  cách

ThS. BS. Lê Thị Hải - cđtg.net


Bữa ăn sáng lành mạnh bao gồm đủ chất dinh dưỡng.


Suckhoedoisong.vn – Với nhịp sống hối hả và mong muốn giảm cân, rất nhiều người đã bỏ qua bữa sáng. Nhưng trên thực tế, một bữa sáng lành mạnh không những không gây tăng cân, mà còn cung cấp thêm năng lượng để bạn khởi đầu một ngày mới tốt đẹp.

***

Tầm quan trọng của bữa ăn sáng

***

Bữa sáng khởi động quá trình trao đổi chất, giúp bạn đốt cháy calo trong suốt cả ngày. Nó cũng cung cấp năng lượng cần để hoàn thành công việc và sự tập trung của một ngày. Đó chỉ là một vài lý do tại sao nó được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nhiều nghiên cứu đã liên kết việc ăn sáng với sức khỏe tốt, bao gồm trí nhớ và sự tập trung tốt hơn, mức cholesterol LDL thấp hơn và khả năng mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim và thừa cân thấp hơn.

Khi thức dậy, lượng đường trong cơ thể cần để làm cho cơ bắp và não hoạt động thường ở mức thấp và bữa sáng sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng này. Nếu cơ thể không nhận được nhiên liệu đó từ thực phẩm, chúng ta có thể cảm thấy bị cạn kiệt năng lượng và nhiều khả năng ăn quá nhiều vào cuối ngày.

Bữa sáng cũng cho cơ thể cơ hội nhận được một số vitamin và chất dinh dưỡng từ thực phẩm lành mạnh như sữa, ngũ cốc và trái cây. Nhiều người bỏ qua bữa ăn sáng vì vội vã, là một sai lầm vì chúng ta cần thực phẩm để cho hệ thống cơ thể hoạt động trước giờ ăn trưa.

Bữa sáng lành mạnh là bữa ăn đầy đủ và cân đối: Giàu protein, chất béo, chất xơ, vitamin và chất khoáng. Khẩu phần bữa sáng hợp lý sẽ được kết hợp các thực phẩm ở trong các nhóm thực phẩm để mang lại giá trị dinh dưỡng theo khuyến nghị; là bữa ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, không gây tăng cân, giúp bạn làm việc hiệu quả và tỉnh táo, không mệt mỏi. Để đạt được điều đó bữa sáng tốt nhất nên kết hợp các loại thực phẩm chứa chất bột đường (carbs) sẽ cung cấp năng lượng ngay lập tức, chất đạm (protein) cung cấp năng lượng sau đó, chất béo lành mạnh và chất xơ giữ cảm giác no sau khi ăn.

Bữa sáng lành mạnh không gây tăng cân

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trung bình, những người ăn sáng thường gầy hơn những người không ăn. Điều đó có thể là do ăn thực phẩm có protein và chất xơ vào buổi sáng giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn trong thời gian còn lại của ngày. Một nghiên cứu gần đây đã so sánh việc giảm cân giữa những người ăn sáng với những người không ăn sáng cho thấy, việc ăn sáng và không ăn sáng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt. Việc cắt giảm lượng calo bằng cách bỏ bữa ăn sẽ không giúp ích gì cho việc giảm cân

Những thực phẩm nên lựa chọn cho bữa sáng lành mạnh: Trứng, sữa chua ít đường hoặc không đường, sữa tươi không đường ít béo hoặc sữa hạt, bột yến mạch, hạt chia, quả mọng, các loại hạt, trà xanh, trái cây, hạt lanh, pho – mai…

Những điều cần tránh khi ăn sáng

Hiện nay nhiều người đã thấy được tầm quan trọng của bữa ăn sáng, tuy nhiên không ít người ăn sáng không đúng cách gây hại đến sức khỏe của mình. Dưới đây là một số điều cần tránh khi ăn sáng:

Ăn sáng ngay sau khi thức dậy: Nhiều người có thói quen ăn sáng ngay khi vừa thức dậy. Nhưng ăn sáng quá sớm không những không có lợi cho cơ thể và còn ảnh hưởng đến dạ dày. Sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối. Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để “xử lý” và hấp thụ nốt phần ăn đó. Nếu bạn ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Không nên ăn trái cây thay thế bữa sáng, vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể.

Nếu thức dậy sớm thì tốt nhất nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. Sau đó khoảng 20 đến 30 phút mới nên ăn sáng.

Ăn sáng quá muộn: Không chỉ khiến bạn mất cảm giác ngon miệng vì cơn đói đã đi qua mà còn khiến cho cơ thể không hấp thu được những dưỡng chất có trong thực phẩm, gây rối loạn đồng hồ sinh học trong cơ thể. Tốt nhất nên ăn sáng trước 9 giờ.

Ăn vặt thay cho bữa sáng: Không nên dùng đồ ăn vặt như bánh quy, chocolate…  thay cho đồ ăn sáng. Đồ ăn vặt sẽ khiến việc tiêu hóa của cơ thể bị ảnh hưởng,  bởi buổi sáng cơ thể luôn trong trạng thái thiếu nước còn đồ ăn vặt lại rất khô. Đồ ăn vặt chỉ cung cấp năng lượng tạm thời, trong một thời gian ngắn. Ăn sáng với các loại thực phẩm khô dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cũng như sự suy giảm về thể chất, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh.

Ăn nhiều thịt: Nhiều người cho rằng, nếu bữa ăn sáng không ăn thịt sẽ dễ bị đói vì không cung cấp đủ calo. Bạn không nên ăn nhiều thịt hay nhiều dầu vào bữa sáng. Bởi những loại thức ăn này chứa nhiều protein và chất béo nên không tốt cho dạ dày.

Ăn đồ ăn thừa từ hôm trước: Không ít người dùng ăn đồ ăn còn lại tối hôm trước cho bữa sáng để tiết kiệm, an toàn. Thực tế, đây là một quan niệm sai lầm. Thức ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng toàn vẹn sau thời gian dài lưu trữ, thậm chí thức ăn qua đêm có thể sản sinh ra chất độc và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.

Ăn trái cây thay cho bữa sáng: Nhiều người có thói quen ăn bữa sáng bằng trái cây, đặc biệt là chị em phụ nữ muốn giảm cân. Điều này không nên vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể. Ngoài ra, các loại trái cây như quả hồng vàng, cà chua, chuối… không thích hợp để ăn khi đói, gây hại cho dạ dày và tiêu hóa.

Ăn đồ ăn lạnh: Buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông. Tình trạng này kéo dài sẽ gây khó chịu ở đường tiêu hóa, thậm chí gây táo bón, da trở nên xấu hơn hoặc thậm chí có đờm ở cổ họng. Thay vào đó nên thưởng thức một tô cháo nóng, bánh mì, ngũ cốc nóng, sữa nóng.

Vừa đi vừa ăn: Nhiều người (đặc biệt là dân văn phòng) do buổi sáng không có thời gian nên tranh thủ vừa ăn vừa đi bộ hoặc ăn khi chờ xe buýt… Đây là một thói quen không có lợi cho cơ quan tiêu hóa, nhất là tăng nguy cơ đau dạ dày.

ThS. BS. Lê Thị Hải

RƯỢU


RƯỢU

Thursday, March 4, 2021-Trầm Thiên Thu,



Tôi lớn lên trong một ngôi nhà đầy rượu. Là một gia đình Công giáo gốc, rượu được phục vụ cho người lớn trong nhiều dịp khác nhau. Có lẽ rượu đã được phục vụ trong bữa tiệc hoặc buổi tụ họp. Trong nhà tôi, chúng tôi đi quanh một chén rượu chúc tụng để biểu thị một dịp đặc biệt như rửa tội, rước lễ lần đầu, sinh nhật,... Một số người bạn không theo Công giáo của tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rượu trong tủ lạnh của chúng tôi. Vì thế, cách giải quyết vấn đề với rượu là gì? Kinh Thánh rõ ràng: Chúa quý rượu!

Thời Cựu Ước, rượu được sử dụng như một biểu tượng mạnh mẽ. Rượu tượng trưng cho trí tuệ. (Cn 9:1-5; Hc 17-21) Rượu tượng trưng cho luật pháp và các nghi lễ kết hôn. (Dc 1:2-4; 4:10; 5:1; 7:2) Ngôn sứ Isaia nói về một cuộc tụ họp của tất cả mọi người để dùng bữa tiệc rượu thịnh soạn, khi Thiên Chúa đến cứu họ. (x. Is 25:6-9) Ngôn sứ Amốt báo trước về những ngày Thiên Chúa sẽ phục hồi Nước Đavít: “Này đây sắp đến những ngày thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy.” (Am 9:13)

Chúa Giêsu dùng rượu trong các sách Phúc Âm. Phép lạ đầu tiên của Ngài được thực hiện trong bối cảnh nổi tiếng của tiệc cưới tại Cana. Trong khi Chúa Giêsu và Đức Mẹ dự tiệc cưới, chàng rể bắt đầu cạn rượu để phục vụ khách. Trong thế giới ngày nay, việc hết đồ uống giải khát trong một bữa tiệc hoặc buổi tụ tập có thể gây bực bội hoặc bất tiện cho chủ nhà và khách. Hết rượu trong một bữa tiệc cưới theo truyền thống Do Thái xưa là hành động “thảm khốc” rất có thể phá hủy địa vị xã hội của một gia đình trong cộng đồng địa phương.

Mary nhận thấy tai họa đang tích tụ này khi cô nói với anh ta: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3) Lời tuyên bố này khởi động phép lạ công khai đầu tiên của Chúa Giêsu. Đức Mẹ nhận ra nhu cầu của người ta, và Mẹ đã can thiệp thay cho họ. Sau khi thảo luận ngắn với Con Yêu, Đức Mẹ nói với những người phục vụ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2:5) Sự tương tác giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu rất giống khuynh hướng cầu nguyện của Công giáo, liên quan đến sự chuyển cầu của Đức Mẹ. Cũng giống như các khách dự tiệc cưới, chúng ta đến gần Đức Mẹ với lời cầu xin của chúng ta. Đức Mẹ trực tiếp chuyển lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa với hy vọng được phúc lành dồi dào. Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng ban phúc lành cho chúng ta với lòng quảng đại tràn đầy. (x. 2 Cr 8:2)

Sau khi nghe lời cầu xin của Đức Mẹ, Chúa Giêsu tỏ vẻ ưu ái với yêu cầu của Đức Mẹ, và Ngài đã làm rất nhiều rượu. Những chiếc chum đá được sử dụng cho nghi lễ của người Do Thái thường chứa được 20 đến 30 gallon nước. (x. Ga 2:6) Như vậy Chúa Giêsu đã làm khoảng 120 gallon rượu (chừng 500 lít) một cách kỳ diệu! Chúng ta biết rằng đó là loại rượu hảo hạng, có vị ngon nhất, bởi vì khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ!” (Ga 2:9-10)

Chúa Giêsu đã tạo ra loại rượu ngon nhất từ​​trời cho tiệc cưới Cana. Điều này không có nghĩa là Kinh Thánh dung túng cho việc say xỉn. Ngược lại, Kinh Thánh nói rõ rằng nên tránh uống rượu quá nhiều bất kỳ lúc nào. Khi pha rượu, ông Nôê đã bị say và té ngã (tương đương với ông Ađam), làm cho chu kỳ thất bại của con người kéo dài suốt Cựu Ước. (x. St 9:21) Trong Tân Ước, Thánh Phaolô cảnh báo về việc uống rượu quá mức. (x. 1 Tm 3:8; 1 Cr 5:11) Tốt nhất nên uống rượu có chừng mực, phải biết “tiết độ và tỉnh thức.” (1 Pr 5:8)

Với sự báo trước về cái chết của Ngài, rượu chứng tỏ là một biểu tượng hữu ích để hướng sự chú ý của chúng ta đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Hãy cân nhắc sự so sánh điển hình giữa Lễ Vượt Qua (Quá Hải, Pesah) trong sách Xuất Hành và Cuộc Khổ Nạn của Chúa trong Phúc Âm. Khi cứu dân Israel khỏi ách nô lệ, ông Môsê được Thiên Chúa hướng dẫn cách tổ chức bữa ăn vĩnh viễn theo các chỉ dẫn cụ thể: Thiên Chúa bảo ông Môsê sát tế một con cừu non 1 tuổi, tinh tuyền và không có xương gãy. Sau đó, Thiên Chúa bảo ông Môsê lấy máu của Chiên Con và dùng nhánh hương thảo quét lên cửa ngõ của dân Israel. (Xh 12:21-23) Khoảnh khắc lịch sử này đã trở thành truyền thống của người Do Thái được ghi vào truyền thống Do Thái với việc cử hành Lễ Vượt Qua hằng năm.

Điều thú vị cần lưu ý là bữa ăn Seder ngày xưa có bốn chén rượu, tượng trưng cho sự giải thoát của dân Israel khỏi ách nô lệ: (1) Chén của sự thánh hóa: Ta sẽ đưa các ngươi ra ngoài; (2) Chén của sự giải thoát: Ta sẽ giải cứu thoát ngươi; (3) Chén của sự cứu độ: Ta sẽ cứu chuộc ngươi; (4) Chén của sự chúc tụng: Ta sẽ chọn các ngươi là dân của Ta. Chén thứ năm đã được dành cho Êlia với hy vọng rằng ông sẽ đến thăm trong dịp lễ. Chén này được để nguyên.

Chúa Giêsu Kitô, Đấng được Gioan Tẩy Giả tuyên bố là “Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1:29) Ngài là Chiên hiến tế mới, cử hành bữa tiệc Vượt Qua với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.” (Mt 26:27-29)

Chúa Giêsu tuyên bố rằng Ngài sẽ không uống chén rượu cuối cùng cho đến khi Nước Trời của Cha Ngài hoàn tất. Ngay ngày hôm sau, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu không uống chút rượu nào: “Chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống.” (Mt 27:34) Rồi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá: “Sau đó, Chúa Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’ Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.” (Ga 19:28-29)

Cuối cùng, sau khi nếm rượu trên một nhành hương thảo, Chúa Giêsu nói: “Τετέλεσται” (Tetelestai) – Thế là đã hoàn tất. (Ga 19:30) Những gì đã được hoàn tất? Đêm trước, Chúa Giêsu đã bỏ qua chén thứ tư trong bữa ăn Lễ Vượt Qua, và biến nó thành bữa ăn Lễ Vượt Qua của Giao Ước Mới: Bí tích Thánh Thể. Chúa Cứu Thế của chúng ta đã uống Chén Cuối Cùng – chén dành cho Êlia. Một giải thích hấp dẫn của tiến sĩ Scott Hahn, học giả Kinh Thánh Công giáo, gợi ý rằng Lễ Vượt Qua Mới kết thúc khi Chúa Giêsu nếm rượu trên Thập Giá. Đức Kitô uống Chén Cuối Cùng, chén của Giao Ước Mới. Chén Cuối Cùng này có sẵn cho tất cả những ai kêu cầu Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.

Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được trình bày qua việc ăn bánh và uống rượu. Cầu mong chúng ta mãi mãi “ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi.” (Gv 3:13)

MARK HAAS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Mùa Chay – 2021

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Những thực phẩm tuyệt đối không ăn cùng trứng gà

 

Những  thực  phẩm  tuyệt  đối  không  ăn cùng  trứng  gà

Trứng gà là thực phẩm quá quen thuộc trong các bữa ăn gia đình, có thể kết hợp với các thực phẩm khác để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên có một số thực phẩm thì tuyệt đối không ăn cùng trứng gà, cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Những thực phẩm tuyệt đối không ăn cùng trứng

Trứng gà là một món ăn bổ dưỡng, là một trong những thực phẩm được sử dụng thường xuyên của mọi người, mọi gia đình. Tuy nhiên, ăn trứng gà thế nào thì tốt cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết. Cùng tham khảo những loại thực phẩm không thể dùng cùng với trứng gà qua bài viết dưới đây nhé!

1Lá trà xanh

Trà xanh không được ăn cùng với trứng

Axit tannic trong lá trà khi kết hợp với protein trong trứng sẽ tạo thành hợp chất protein axit tannic làm chậm hoạt động của nhu động ruột, kéo dài thời gian tích trữ phân trong ruột - nguyên nhân gây táo bón, tăng nguy cơ tích trữ các chất độc hại cho cơ thể.

2Óc lợn

Tuy món óc lợn tráng trứng rất hấp dẫn nhưng dùng trứng chung với óc lợn sẽ làm tăng cholesterol trong máu. Vì vậy, không nên ăn nhiều món này nhất là những người huyết áp cao.

Xem thêmNhững lợi ích của óc heo với sức khoẻ và ăn thế nào là đúng

3Sữa đậu nành

Sữa đậu nành không nên ăn cùng trứng

Trong sữa đậu nành có chứa men protidaza. Loại men này kết hợp với protein có trong trứng gà gây cản trở tiêu hóa, gây khó chịu, đầy bụng.

4Thịt ngỗng, thịt thỏ

Thịt ngỗng không ăn cùng trứng

Không nên ăn thịt ngỗng, thịt thỏ ngay sau khi ăn trứng vì thị thỏ, thịt ngỗng có tính hàn. Trứng cũng thuộc nhóm thực phẩm này và cả hai đều chứa một số chất có hoạt tính sinh học, khi ăn cùng nhau sẽ xảy ra phản ứng kích thích đường tiêu hóa, gây tiêu chảy.

5Nước đường thắng

Một số người còn giữ thói quen dùng nước đường thắng để lấy màu khi chế biến món thịt kho trứng. Điều này sẽ làm cho protein fructose axit amin trong trứng tiếp hợp với lysine, tạo thành chất khó hấp thu trong cơ thể.

6Quả hồng

Quả hồng không ăn cùng trứng

Ăn hồng ngay sau khi ăn trứng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột cấp tính. Sau khi ăn 1-2 giờ, có thể dẫn tới nôn mửa.

Một số lưu ý khi ăn trứng gà

Không ăn trứng gà đã chín qua đêm: Nếu trứng gà được luộc chín lòng đào nhưng sau khi để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sản sinh ra vi khuẩn. Bên cạnh đó, khi luộc trứng gà protein đã bị phá hỏng một phần lại để qua đêm thì giá trị dinh dưỡng sẽ giảm đi nhiều và không tốt cho sức khỏe.

Không dùng các loại thuốc chống viêm: Trứng rất giàu protein, trong khi các chứng viêm trong cơ thể lại liên quan đến lượng protein. Vì vậy khi bắt đầu tình trạng viêm, cần lưu ý không uống thuốc sau khi ăn trứng. Đặc biệt là các bệnh tiêu hóa, tiêu chảy có thể thậm chí không ăn trứng.

Không nên ăn quá nhiều: Mặc dù giá trị dinh dưỡng của trứng gà rất cao nhưng ăn nhiều dễ gây ra dư thừa dinh dưỡng, dẫn đến béo phì, tăng thêm gánh nặng cho gan, thận.

Trên đây là một số thực phẩm không nên ăn cùng trứng gà. Hy vọng đã bổ sung kiến thức giúp bạn phòng tránh những nguy cơ tìm ẩn khi ăn cùng lúc những thực phẩm kị nhau

9 dấu hiệu bạn nên nghỉ việc lập tức

 

9  dấu  hiệu  bạn  nên  nghỉ  việc  lập  tức

Chủ nhật, 28/2/2021,vnexpress.net



Ảnh minh họa: HuffPost.

Khi công việc không mấy thuận lợi, chúng ta học được cách vượt qua thử thách, khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải cam chịu trong mọi tình huống.

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên nghỉ việc.

Bị đánh giá thấp

Theo một khảo sát của PayScale với hơn 38.000 người, lý do hàng đầu họ nghỉ việc là muốn có khoản thu nhập tốt hơn.

"Chênh lệch lương tiếp tục là một vấn đề đối với phụ nữ. Thu nhập phải phù hợp với những đóng góp tại nơi làm việc. Nếu không, người lao động cảm thấy bị đánh giá thấp", Keni Dominguez, chiến lược gia tại nơi làm việc, cho biết.

Nếu bạn đã chắc chắn đang bị trả lương thấp và bạn không thể được tăng lương trong một khoảng thời gian hợp lý, Dominguez đề xuất nên tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn.

Cicely Horsham-Brathwaite, một nhà tâm lý học và huấn luyện viên điều hành, cho biết: "Càng ở lâu ở một nơi mà bạn không thấy được đánh giá cao hoặc được trả lương thỏa đáng sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ về sự nghiệp và công việc của mình. Nó khiến bạn nhận càng lúc càng mơ hồ về thế mạnh và kỹ năng của bạn thân. Bạn bắt đầu nhìn nhận mình dựa trên cách người quản lý hoặc công ty ghi nhận giá trị của bạn".

Công ty có văn hóa "vắt kiệt sức"

Nếu công ty bắt làm việc 24/7 và không được nghỉ phép hoặc nghỉ ốm, đây là công ty có văn hóa làm việc đến kiệt sức. Hãy đi khỏi đây khi có thể.

Lisa Orbé-Austin, một nhà tâm lý học và huấn luyện viên điều hành cho biết: "Các công ty này quan tâm nhiều đến việc bạn phục vụ họ hơn là việc bạn được đáp ứng các nhu cầu".

Vị này cho rằng một tổ chức có văn hóa "vắt kiệt sức nhân viên" sẽ khiến bạn không còn gì. Bạn sẽ khó tìm kiếm, khó có động lực để nghĩ về tương lai nếu mãi tồn tại ở đó.

Bạn cần giải tỏa sau giờ làm việc

Kiệt sức là tình trạng căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc. Nó có thể khiến bạn càng lúc càng chán nản và hoài nghi. Kết quả là bạn phải tìm cách giải tỏa để có thể tồn tại trong một tuần. Bạn sử dụng chất kích thích vào cuối tuần để thứ Hai đi làm lại.

"Mọi người bắt đầu uống rượu, chơi điện tử để giải tỏa khi ngày làm việc kết thúc. Đây là những hành vi nhằm nỗ lực xoa dịu nỗi đau trong ngày", Orbé-Austin nói.

Để xác định hành vi có liên quan đến công việc không, hãy theo dõi các triệu chứng của mình, bao gồm thời điểm chúng được kích hoạt và tần suất bạn thực hiện hành vi đó.

Thể chất căng thẳng

Mất ngủ ban đêm, đau cơ, đau dạ dày, đau đầu và các triệu chứng căng thẳng khác vì công việc là dấu hiệu cho thấy đây là công việc độc hại. Trong thời gian dài, sự thiếu tự chủ và không an toàn về kinh tế ở nơi làm việc đều có thể gây hại. Bạn cần phải từ bỏ thay vì cố gắng đối phó.

Khi chúng ta ở trong giai đoạn căng thẳng cao độ, thật khó để đưa ra quyết định hợp lý. Horsham-Brathwaite khuyên bạn nên nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần để cân nhắc các lựa chọn, bao gồm bỏ việc hoặc nghỉ phép nếu sức khỏe của bạn bị tổn hại.

Khóc khi đi làm

Huấn luyện viên nâng cao năng lực nghề nghiệp Melanie Denny cho biết, nếu bạn khóc mỗi ngày khi đi làm, đó là một dấu hiệu cần chú ý.

"Bạn đã sợ hãi khi đến văn phòng thì chắc chắn đã đến lúc phải nghỉ. Mặc dù có một số lý do bạn cảm thấy như vậy, nhưng chẳng có gì quan trọng bằng sự tỉnh táo và sức khỏe cả. Hãy rời khỏi đó càng sớm càng tốt", Denny nói.

Không thể là chính mình

Giả vờ có thể gây tổn thất nặng nề về tâm lý. Nếu thấy mình phải liên tục thực hiện các hành động không phù hợp với bản thân hoặc không được sếp chấp thuận chỉ để làm hài lòng đồng nghiệp thì thật không công bằng.

"Bạn không thể tỏa sáng và trở thành người tốt nhất nếu không là chính mình. Có rất nhiều công ty cho phép nhân viên thể hiện tính cách của mình. Bạn hãy bắt đầu tìm kiếm những công ty như vậy", Horsham-Brathwaite nói.

Chuyên gia cho hay, đã từng nghe nhiều người than vãn: "Tôi từng ấm áp và quan tâm mọi người, từng rất thoải mái. Nhưng bây giờ, tôi thấy mình bị lôi kéo và không biết mình là ai". Nếu bạn cũng trong tình cảnh như vậy, Horsham-Bathwaite khuyên nên nhảy việc.

Bạn buồn chán

Nếu công việc đang làm không khiến bạn cảm thấy đang hoàn thành hoặc đạt được thành tựu, điều đó sẽ khiến bạn nhàm chán. "Khi không có cơ hội để làm những việc tiếp theo dù bản thân đã sẵn sàng, hãy rời khỏi đó", Orbé-Austin nói.

Lynn Taylor - chuyên gia nghiên cứu nghề nghiệp tại Mỹ cho rằng, các biểu hiện phổ biến là: bạn dành phần lớn thời gian trong ngày để mua sắm trên Internet, chơi game, hay liên tục nhìn đồng hồ.

Dành nhiều thời gian để nghĩ đến chuyện "nhảy việc"

Khi bị cuốn hút bởi niềm đam mê khác công việc hiện tại, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp. Đam mê đó thôi thúc bạn nghiên cứu, đọc về nó, tham gia các nhóm".

Ramona Ortega, người sáng lập My Money My Future, một nền tảng tài chính cá nhân, nói rằng khi cô đang đọc, nói chuyện và mơ mộng về một hướng đi mới trong sự nghiệp, đó thường là tín hiệu cho thấy đã sẵn sàng thay đổi.

Khi nghĩ đến việc bắt đầu My Money My Future, cô "mè nheo" bản thân rằng:"Mình phải làm điều này, bởi vì nếu không phải là mình thì ai?".

Bạn thấy bất an

"Khi bạn không cảm thấy thoải mái với chính mình ... đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải đi theo một hướng khác," bà trùm truyền thông Oprah Winfrey nói với một nhóm sinh viên trường Kinh doanh Sau đại học Stanford vào năm 2014.

"Cách vượt qua thử thách là đứng yên và tự hỏi bản thân: 'Động thái đúng tiếp theo là gì?', 'Nước đi đúng đắn tiếp theo là gì?'".

Ortega cho rằng hầu hết mọi người không yêu thích công việc, nhưng vẫn có điều gì đó ở nơi làm việc khiến họ thích thú: thích đồng nghiệp, thích văn phòng... Họ thoải mái dù không thấy công việc thú vị.

Tuy nhiên, khi bạn "không thoải mái với hầu hết mọi thứ về công việc của mình, thì có lẽ đó là lúc" bạn nên nghỉ việc.

Nhật Minh (Theo HuffPost)

Tam Nhật Vượt Qua

 

Tam  Nhật  Vượt  Qua

3/26/2015-Trầm Thiên Thu 



Tam Nhật Vượt Qua (Paschal Triduum), cũng gọi là Tam Nhật Thánh (Holy Triduum) hoặc Tam Nhật Phục Sinh (Easter Triduum). Đó là trung tâm điểm của đức tin: Sự Chết và Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

GIỚI THIỆU

Tam nhật Vượt qua – gồm Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday), và Lễ Phục Sinh (Easter). Điều này bao gồm Đêm Vọng Phục Sinh (Great Easter Vigil), đỉnh cao của Tam Nhật Thánh. Từ Triduum có gốc tiếng Latin nghĩa là “ba ngày”. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào kinh chiều (Evening Prayer) của Chúa Nhật Phục Sinh. Như vậy, Tam Nhật Thánh gồm 3 ngày trọn vẹn bắt đầu và khết thúc vào chiều tối. Tam Nhật Thánh là một phần của Mùa Chay (ít là theo phụng vụ), nhưng Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn được tính vào 40 ngày Mùa Chay truyền thống. Tam Nhật Thánh cử hành trung tâm điểm của đức tin và ơn cứu độ: Sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Như vậy, Tam Nhật Thánh tưởng niệm Bí tích Thánh Thể (Bí tích của các Bí tích), cuộc khổ nạn, sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Cùng với việc Thăng Thiên, các sự kiện quan trọng này tạo nên Mầu nhiệm Vượt Qua (Paschal Mystery).

Mặc dù năm phụng vụ khởi đầu vào Mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào Lễ Phục Sinh, lễ trọng của các lễ trọng, gọi là đại lễ. Giáo lý Công giáo mô tả tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh thế này:

Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là “năm của ân sủng Thiên Chúa”. Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta (Giáo lý Công giáo, số 1168)

LỊCH SỬ

Các Kitô hữu tưởng niệm cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự sống lại của Ngài là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng lễ Phục Sinh. Trong Đêm Vọn Phục Sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các tân tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.

Từ việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đêm Vọng Phục Sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công giáo Tây phương. Luật năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ đã tái tiết lập Tam Nhật Thánh là mùa sau Mùa Chay trong Giáo hội Công giáo. Nhiều Giáo hội Tin Lành không coi Tam Nhật Thánh là mùa phụng vụ, và cử hành Mùa Chay cho tới trước Đêm Vọng Phục sinh.

Thứ Năm Tuần Thánh

Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday hoặc Holy Thursday) khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua – ba ngày quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Thời gian này kỷ niệm Bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn, và Sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Trong khi dùng Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu, rồi trao cho các môn đệ. Các Kitô hữu tiếp tục cùng chia sẻ bánh và rượu là một phần trong việc thờ phượng trong Giáo hội. Đó là Thánh Thể Đức Kitô.

Bữa Tiệc Ly là tiệc Vượt Qua – bữa ăn mà người Do Thái chia sẻ với nhau để kỷ niệm thời gian Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Đêm Thứ Năm Tuần Thánh là đêm Chúa Giêsu bị môn đệ Giuđa phản bội tại Vườn Gết-sê-ma-ni (Vườn Dầu).

Chữ Maundy có gốc tiếng Latin là “mandatum”, nghĩa là “điều răn” hoặc “mệnh lệnh”. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu truyền lệnh: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hành động này đôi khi được thực hiện theo nghĩa đen như một cách tốt để nhắc nhở những người cai trị rằng họ có chức có quyền là để phục vụ mọi người chứ không phải để được phục vụ hoặc hưởng thụ.

Tại Anh quốc, thói quen Quốc vương rửa chân cho người khác được thể hiện tới năm 1689. Lúc đó Hoàng đế hoặc Nữ hoàng rửa chân cho người nghèo vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Tu viện Westminster. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng các chủ tiệm giặt quần áo phải rửa chân cho người khác trước khi Quốc vương phải rửa và hôn chân họ. Thực phẩm và quần áo được trao tặng cho người nghèo.

Ngày nay, tại Anh quốc, Nữ hoàng theo truyền thống là “lì xì” tiền cho những người hưu trí, gọi là Maundy Money (tạm dịch “tiền lệnh”). Truyền thống “lì xì” tiền cho người nghèo có từ thế kỷ XIII, thời Vua Edward I.

Có một thời, những người nhận tiền phải cùng phái tính với Quốc vương, nhưng từ thế kỷ VIII, luật này không còn. Hằng năm, vào ngày này, Nữ hoàng tham dự Lễ Hoàng Gia (Royal Maundy service) tại một trong các đại giáo đường trong nước. “Tiền lệnh” được “lì xì” cho quý ông và quý bà hưu trí ở gần nhà thờ đó.

Các vệ sĩ đựng “tiền lệnh” trong các ví da đỏ và trắng trên khay vàng để trên đầu. Tiền trong ví đỏ là tiền thay cho thực phẩm và quần áo, còn tiền trong ví trắng là tiền đồng bằng kim loại dùng để “lì xì”. Năm 2009, mỗi người nhận được trao 2 ví – ví đỏ có đồng 5 Bảng Anh, kỷ niệm lần thứ 500 ngày lên ngôi của Vua Henry VIII và đồng 50 xu để kỷ niệm ngày thành lập Vườn Kew, còn ví trắng có 83 xu vì Nữ hoàng được 83 tuổi.

Nhiều Kitô hữu kỷ niệm Bữa Tiệc Ly là cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Tại nhiều nhà thờ có nghi thức rửa chân. Sau Thánh lễ, bàn thờ được bỏ khăn. Nhiều nơi tổ chức chầu Thánh Thể suốt đêm cho tới sáng, với ý thông phần đau khổ với Đức Kitô trong những giờ cuối đời của Ngài tại Vườn Dầu, trước khi Ngài bị xử tử vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Hãy cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời-mình, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho nhau, để thực hiện mệnh lệnh yêu thương của Thầy Chí Thánh Giêsu!

Thứ Sáu Tuần Thánh

Tại sao Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành? Thứ Sáu là ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh, vậy tại sao là tốt lành?

Đây là vấn đề gây “rối trí” không chỉ đối với trẻ em mà cả nhiều người lớn. Chúng ta không nói Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt, vì đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá. Làm sao Thứ Sáu Tuần Thánh có thể là tốt khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên Chúa?

Nhưng Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành vì Đức Kitô, qua cái chết của Ngài, đã tỏ lòng thương xót bao la đối với nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Tốt lành ở đây có nghĩa là thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày thánh và quan trọng đối với các Kitô hữu Đông phương, cả Công giáo và Chính thống giáo. Thứ Sáu Tuần Thánh cũng được gọi là ngày thánh trong ngôn ngữ Rôma.

Anh ngữ gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday). Không rõ nguồn gốc, một số người cho là do cách nói “God's Friday” (Thứ Sáu của Chúa) mà thành; một số người khác lại cho là do Đức ngữ là Gute Freitag, chứ không là gốc Anh ngữ. Đôi khi, ngày này được người Anglo-Saxons gọi là “Thứ Sáu Dài” (Long Friday), trong tiếng Đan Mạch cũng vậy. Đức ngữ gọi ngày Thứ Sáu Tốt Lành là Karfreitag – nghĩa là Thứ Sáu Đau Buồn hoặc Thứ Sáu Đau Khổ.

Chẳng ai rõ nguồn gốc, nhưng lý lẽ thần học rất giống cách diễn tả trong Giáo lý Baltimore: Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt vì chính cái chết của Đức Kitô dẫn tới sự sống lại trong Chúa Nhật Phục Sinh, đem lại sự sống mới cho những người tin.

Thứ Sáu Tuần Thánh có là ngày buộc? Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo tưởng niệm sự đóng đinh và sự chết của Đức Kitô, gọi là Cuộc Khổ Nạn. Người Công giáo được khuyến khích tham dự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh để chuẩn bị đầy đủ cho sự sống lại của Đức Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh, như vậy Thứ Sáu Tuần Thánh không là ngày buộc. Tuy nhiên, đây lại là ngày buộc ăn chay và kiêng thịt.

Tháng 7-2007, cựu giáo hoàng Biển Đức XVI, trong Tự sắc Summorum Pontificum, đã duy trì Thánh lễ Latin Truyền thống là một trong hai dạng Thánh lễ được duy trì, người ta cho rằng ngài cũng sẽ xem lại các “Lời nguyện Trọng thể” (Solemn Prayers) dùng trong Thứ Sáu Tuần Thánh. Các lời nguyện này cầu cho Giáo hội và mọi người Công giáo, rồi cầu cho các Kitô hữu ngoài Công giáo, cầu cho người Do Thái, và cuối cùng cầu cho người ngoại giáo.

Các lời nguyện khác nhau nhưng có điểm chung: Nhận biết Đức Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Do đó, các lời cầu xin cho người Công giáo mạnh mẽ trong đức tin, các Kitô hữu ngoài Công giáo trở về hiệp nhất trong đức tin Công giáo, người Do Thái và ngoại giáo nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa cứu độ họ. Nói cách khác, hy vọng mọi người được cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô.

Thứ Hai, ngày 4-2-2008, Thư ký Tòa thánh thông báo rằng cựu giáo hoàng Biển Đức đã xem lại lời nguyện này, và bản chỉnh sửa được dùng trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh theo sách lễ truyền thống là Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) xuất bản năm 1962.

Trong thư gởi Giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô viết: “Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ. Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp” (Rm 11:24-26)

Theo Thánh Phaolô, Ơn Cứu Độ chỉ đến từ Đức Kitô, do đó, bác ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta cầu nguyện cho mọi người cùng trở lại. Sẽ là sai nếu chúng ta tin Đức Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại mà lại loại trừ người Do Thái. Chúa Giêsu đã vì mọi người mà chịu chết để cứu độ mọi người tin vào Ngai.

Thứ Bảy Tuần Thánh

Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày cuối cùng của Mùa Chay, của Tuần Thánh, và của Tam Nhật Vượt Qua, ngay trướ Đại lễ Phục Sinh. Thứ Bảy Tuần Thánh đang tròng thời gian tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô, và chuẩn bị việc Ngài phục sinh.

Cũng được gọi là Vọng Phục Sinh (đúng ra là đêm Thứ Bảy Tuần Thánh), Thứ Bảy Tuần Thánh có một lịch sử dài và thay đổi. Bách khoa Công giáo ghi: “Thời Giáo hội sơ khai, đây là Thứ Bảy duy nhất phải ăn chay”. Ăn chay là dấu hiệu sám hối, vì vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta bằng Giá Máu của Ngài. Như vậy, từ nhiều thế kỷ qua, các Kitô hữu đã coi Thứ Bảy và Chúa Nhật (ngày Chúa Giêsu phục sinh) là những ngày cấm ăn chay. Cách thực hành này vẫn có trong luật mùa Chay của các Giáo hội Công giáo Đông phương và Chính thống giáo Đông phương, giảm nhẹ việc ăn chay vào các Thứ Bảy và Chúa Nhật.

Thế kỷ II, các Kitô hữu bắt đầu ăn chay toàn phần (không ăn bất kỳ thứ gì) suốt 40 giờ trước lễ Phục Sinh, nghĩa là trọn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay.

Cũng như vào Thứ Sáu Tuần Thánh, không có Thánh lễ trong ngày Thứ bảy Tuần Thánh. Lễ Vọng Phục Sinh diễn ra sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, đúng là thuộc về Chúa Nhật Phục Sinh, vì theo phụng vụ, mỗi ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước. Đó là lý do mà dự lễ vọng đêm Thứ Bảy có thể đã giữ trọn luật dự lễ Chúa Nhật. Khác là vào ngày Thứ Sáu, rước lễ khi tham dự phụng vụ buổi chiều tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh thì Thánh Thể chỉ được trao có các tín hữu như “của ăn đàng” (viaticum) – nghĩa là trong trường hợp nguy tử.

Trong Giáo hội sơ khai, các tín hữu họp nhau vào chiều Thứ Bảy Tuần Thánh để cầu nguyện và rửa tội cho các tân tòng – đã trải qua mùa Chay để chuẩn bị được đón nhận vào Giáo hội. Theo Bách khoa Công giáo, thời Giáo hội sơ khai, Thứ Bảy Tuần Thánh và vọng lễ Ngũ Tuần (Pentecost) là những ngày duy nhất có thể rửa tội cho tân tòng. Thời gian vọng này kéo dài cả đêm tới sáng Chúa Nhật Phục Sinh, khi bài Alleluia được hát lần đầu tiên kể từ đầu mùa Chay, và các tín hữu – kể cả những người mới được rửa tội – kết thúc 40 giờ ăn chay (nhịn mọi thứ) bằng việc rước lễ.

Thời Trung Cổ, khoảng đầu thế kỷ VIII, các nghi thức Vọng Phục Sinh, nhất là làm phép lửa mới và thắp Nến Phục Sinh, được áp dụng từ rất sớm. Cuối cùng, các nghi thức này được cử hành vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh. Cả ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trước đây là ngày than khóc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và mong đợi Ngài sống lại, ngày nay chỉ còn là việc tham dự Đêm Vọng Phục Sinh.

Với cải cách phụng vụ Tuần Thánh năm 1956, các nghi thức này trở thành chính Lễ Vọng Phục Sinh (nghĩa là Thánh Lễ được cử hành sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh), và như vậy là tính chất nguyên thủy của Thứ Bảy Tuần Thánh được phục hồi.

Tới khi có bản sửa đổi luật ăn chay và kiêng thịt năm 1969, việc ăn chay và kiêng thịt nghiêm ngặt tiếp tục được giữ vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, điều đó nhắc các tín hữu nhớ tới bản chất u sầu của ngày này và chuẩn bị vui mừng đón Lễ Phục Sinh. Ăn chay và kiêng thịt không còn bắt buộc vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng việc thực hành các luật mùa Chay vẫn là cách tốt để cử hành ngày thánh này.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ ChurchYear.net, Resources.Woodlands-Junior.kent.sch.uk,

Catholicism.about.com)