Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Sáng tạo tay vịn lên xuống cầu thang AssiStep



Sáng tạo tay vịn lên xuống cầu thang AssiStep 
thay thế ghế cầu thang 



Một start-up của Na-uy đã sáng tạo ra AssiStep – tay vịn lên xuống cầu thang (stair walker) để thay thế cho ghế cầu thang (stair lift) thông thường.

Theo thống kê, cứ 20 phút lại có một người cao tuổi tử vong vì ngã tại Mỹ và ngã cầu thang là nguyên nhân dẫn đến 1900 ca tử vong và 1,3 triệu ca cấp cứu mỗi năm. Cầu thang là một chướng ngại vật lớn đối với người già hay người có khả năng vận động hạn chế, tuy nhiên nó cũng là một công cụ hữu ích để luyện tập ngay tại nhà.

Vì vậy tay vịn lên xuống cầu thang AssiStep đã ra đời để giải quyết vấn đề này. Ba sinh viên của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Na-uy tại Trondheim, gồm Halvor Wold, Ingrid Lonar và Eirik Medbø, đã nảy ra ý tưởng về AssiStep từ năm 2012 và cùng nhau thành lập công ty AssiTech AS, sau đó cho ra mắt sản phẩm này vào cuối năm 2015. Cho đến nay, AssiStep đã có mặt tại Na-uy, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Áo và Thụy Sĩ và chuẩn bị tiến vào các thị trường mới vào mùa thu năm 2018.

Theo Eirik Medbø, “Bà tôi chính là nguồn động lực để tôi tạo ra AssiStep. Sau khi hồi phục từ cơn đột quỵ, bà không thể tự lên xuống cầu thang và luôn cần phải có sự trợ giúp từ các thành viên trong gia đình. Vì vậy, khi học về cầu thang tại trường, tôi đã ngay lập tức nhận ra vấn đề lớn nhất mà người dùng gặp phải khi sử dụng cầu thang bộ là gì.”

Sau quá trình xây dựng thiết kế với sự hợp tác của người dùng và chuyên gia trị liệu, AssiStep đã được thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận bởi TÜV tại Đức vào năm 2015 và bắt đầu ra mắt thị trường.

Đối tượng khách hàng chính là người cao tuổi, người khuyết tật hoặc người gặp khó khăn trong việc đi lại. Nạng, khung tập đi chỉ hỗ trợ được họ trên những bề mặt phẳng còn AssiStep là giải pháp cho cầu thang bộ, thay thế cho tay vịn và ghế cầu thang thông thường.



AssiStep được lắp đặt dọc theo cầu thang, cấu tạo gồm tay vịn đi kèm với một chiếc tay cầm để người dùng vịn vào. Tay cầm có thể chịu được sức nặng lên tới 120kg và dễ dàng điều chỉnh độ cao như ý muốn. Cơ chế phanh cũng giúp sản phẩm an toàn hơn khi sử dụng. Khi không dùng tới, tay cầm có thể được gập vào sát tường để tiết kiệm không gian.

Halvor Wold cho biết, “Chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm mà có thể linh hoạt khi sử dụng. Mỗi căn nhà lại có thiết kế cầu thang, tường và sàn khác nhau. Vì vậy tay vịn được chúng tôi thiết kế linh hoạt với đường thẳng và gấp khúc khác nhau để có thể dễ dàng lắp đặt cho mọi loại cầu thang.”

AssiStep lần đầu tiên ra mắt thị trường quốc tế vào năm 2016 tại Rehacare- một triển lãm lớn nhất thế giới về các công cụ hỗ trợ và nhận được phản hồi rất tích cực. Công ty AssiTech AS cũng đã đoạt giải thưởng Dự án Cộng tác xuất sắc nhất của Na-uy trong cuộc thi sáng tạo công nghệ chăm sóc sức khỏe vào năm 2016.
Xem thêm thông tin sản phẩm tại đây

assistep.com/MINH PHUONG/designs.vn

Dồn nhiều tiền cho con ăn học có thể là sai lầm của bố mẹ


Dồn  nhiều  tiền  cho  con  ăn  học 
 có  thể  là  sai  lầm  của  bố  mẹ
Thứ ba, 9/10/2018.VnExpress.net

Ảnh: sg.theasianparent.

Nếu dồn hết tiền của nuôi con ăn học, bố mẹ có thể sẽ hối hận khi đến tuổi về hưu, họ cạn tiền, lại trở thành gánh nặng cho con.
Một nghiên cứu mới đây của hãng Nielsen (một hãng chuyên nghiên cứu, khảo sát thị trường) tại Singapore cho thấy có tới 66% người trẻ nước này lo lắng rằng cha mẹ họ không thể tự chủ tài chính khi về hưu. Từ đó, dấy lên ý kiến tranh luận rằng: Cha mẹ tốt có nên hy sinh tiền để dành khi về hưu để lo học phí cho con?

Thực tế, nhiều cha mẹ đang dồn phần lớn tài chính lo cho con ăn học, thậm chí bán nhà cửa cho con đủ tiền đi du học...

Đừng để khi con bay đi chỉ còn “cái tổ trống rỗng”

Anh Zafar Anjum, tác giả bài báo trên The Asian Parent đã chỉ ra một cách nhìn khác về “đầu tư cho con”.

“Bạn có nghĩ rằng mọi trách nhiệm kết thúc khi con bạn đi học đại học và bắt đầu cuộc sống riêng? Chưa chắc. Trách nhiệm của bạn với bản thân và vợ hay chồng mình sẽ vẫn còn tiếp tục”.

Các bậc cha mẹ châu Á nói chung, thường có tâm lý “hy sinh tất cả” cho con, tuy nhiên đây thực sự đã là một cách nghĩ lỗi thời.

Tác giả Zafar ví von khi bọn trẻ lớn lên, chúng như bầy chim bay khỏi tổ. Nếu như không chuẩn bị, thì lúc đó cha mẹ chỉ còn lại “cái tổ trống rỗng”. Cha mẹ nếu không có đủ tài chính để tự lo chăm sóc sức khỏe cũng như các nhu cầu khác khi về hưu, chắc chắn sẽ trở thành gánh nặng của con cái.

Vì vậy, việc tích lũy ngay từ khi còn trẻ, con còn bé để lo cho lúc nghỉ hưu là vấn đề cấp thiết với các bậc cha mẹ.

Nghiên cứu gần đây của hãng Nielsen cho thấy ở Singapore có tới 90% các bậc cha mẹ sẵn sàng hy sinh khoản tiền để dành khi về hưu để dồn cho chi phí giáo dục, phát triển của con cái.

Trong khi đó, người trẻ Singapore không mấy mặn mà với cách suy nghĩ truyền thống này. 80% số người trẻ được hỏi đồng ý rằng cha mẹ nên tiết kiệm tiền cho tuổi về hưu, thay vì đổ tiền vào lo các khoản học phí đắt đỏ cho con.

66% người trẻ đã tính đến việc tương lai sẽ phải lo cho cha mẹ già, và chỉ 8% trong số họ tự tin rằng họ có thể hỗ trợ được cha mẹ. Nhiều người vô cùng lo lắng, có tới 70% đã hạ mức chi tiêu ngay từ sớm để lo cho vấn đề này.

Cha mẹ nên làm gì để lợi cả đôi đường

Trong kế hoạch tài chính, để cha mẹ và con cái “hai bên cùng có lợi” trong việc tích lũy cho tương lai, tác giả Zafar đề xuất:

- Cha mẹ nên tìm những cách sáng tạo để vừa hỗ trợ con, vừa tích lũy tiền cho tuổi về hưu. Hãy nói chuyện thẳng thắn với con về định hướng, kế hoạch của con cũng như của cha mẹ trong tương lai.

- Nếu như con khao khát học đại học, con có thể cần phải tìm học bổng, các nguồn tài trợ để đi học.

- Con không nhất thiết phải được đi du học, học các lớp phát triển kỹ năng đắt đỏ mới thành công. Nhưng cha mẹ chắc chắn phải có nguồn tiền tích lũy để lo cho bản thân khi về hưu.

- Cha mẹ có thể dành thời gian, tình cảm và kinh nghiệm sống để hỗ trợ con, không nhất thiết phải dùng tiền.

Trong điều kiện tuổi thọ ngày càng cao, việc người già có thể tự lo cho bản thân khi về hưu là vấn đề đau đầu của không ít gia đình. Vì thế, việc các bậc cha mẹ nên suy nghĩ vấn đề này từ sớm, khi còn đang ở tuổi lao động là hết sức cần thiết. Chẳng ai muốn mình là gánh nặng của con cái trong tương lai, đồng thời chính thế hệ trẻ cũng rất lo ngại về vấn đề này.

Thăm dò Cha mẹ có nên dồn nhiều tiền học phí cho con?
. Nên, đó phải là khoản đầu tư lớn nhất
. Nên, nhưng không chiếm quá nhiều ngân quỹ của gia đình
. Không nên, vì còn nhiều thứ khác phải lo
. Các con nên tự mình kiếm tiền học, cha mẹ nuôi ăn là chính
Biểu quyết   
 Xem kết quả

Nguyễn Phượng

Vô số nẻo đường dẫn đến Nước Trời


Vô  số  nẻo  đường  dẫn  đến  Nước  Trời
22/10/2018-Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

1. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ.

2. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

3. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

4. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

5. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

6. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

7. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

(Mt5, 1-12a)

Chúa Giê-su đang trong thời gian rất được hoanh ngênh, đám đông theo Ngài. Đây là lúc thích hợp để loan báo sứ điệp của Chúa. Và thánh sử Mát-thêu dẫn vào Lời Chúa Giê-su theo cách của các ngôn sứ Cựu Ước: “2 Người mở miệng dạy họ rằng” (Mt 5,1).

Chữ mở miệng là một đặc ngữ long trọng báo trước điều sẽ nói.  Mười hai thế kỷ trước, trên một đỉnh núi khác – tại Si-nai – ông Mô-sê truyền lại cho dân chúng những điều răn Thiên Chúa. Trên núi Ga-li-lê, Chúa Giê-su đi xa hơn trong sự mạc khải và đề nghị một phương cách mới xem xét những điều răn này.  Ngài trình bày những điều nghịch lý cũng như thánh Phao-lô nói cho các tín hữu thành Cô-rin-tô: Nghịch lý giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của loài người.

Mỗi câu đều bắt đầu bằng chữ “phúc cho ai”. Từ ngữ này thường thấy trong Cựu Ước, luôn vang lên như một lời ca ngợi, một lời ca ngợi thật sự tốt đẹp nhất ta có thể mơ ước. Dịch giả Thánh Kinh André Chouraqui dùng chữ “tiến đến”, có ngụ ý nói: “bạn đi đúng hướng, đang tiến về Nước Trời”.

Tôi nghĩ rằng một trong những phương cách đọc Những Mối Phúc Thật là xem những câu này như vô số nẻo đường dẫn đến Nước Trời : mỗi người trong chúng ta đóng góp vào việc xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa bằng những phương tiện nhỏ bé của mình.

Chúa Giê-su nhìn đám đông và nhìn họ với mắt Thiên Chúa. Hãy nhìn kìa, Ngài nói với những môn đệ, ở đây có những kẻ nghèo khó, những kẻ hiền từ, những kẻ đau khổ và khao khát công chính, những kẻ đầy lòng trắc ẩn, những con tim trong trắng, những người xây dựng hoà bình, những người bị bách hại… tất cả những tình cảnh này không tương ứng chút nào với những gì thế gian cho là hạnh phúc.

Thế nhưng, Chúa nói những ai sống những tình trạng đó là những người có cơ may nhận được và xây dựng Vương Quốc. Kiếp sống của con người tiến đến chân trời, chân trời ấy là Vương Quốc Thiên Chúa : tất cả những con đường khiêm hạ của chúng ta đều dẫn đến đó. Bằng cách ấy Chúa Giê-su dạy chúng ta nhận xét kẻ khác và ngay cả chúng ta bằng cách nhìn khác. Ngài dạy chúng ta nhìn như Chúa Giê-su nhìn, và dạy chúng ta luôn biết kinh ngạc thán phục.

Ngài chỉ cho chúng ta sự hiện diện của Nước Trời nơi mà chúng ta không bao giờ chờ đợi: tâm hồn nghèo khó, lòng hiền lành, tâm hồn trong sạch, bị bách hại, vu khống, sỉ vả …

Đối với con người, sự khám phá quá nghịch lý khác thường ấy lại dẫn chúng ta đến những ân sủng tuyệt vời. Sự yếu đuối của chúng ta lại là nguyên liệu cho Vương Quốc. Vì tất cả những Mối Phúc Thật ấy nằm trong câu đầu: “3 Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

Ở đây không phải lý tưởng hoá sự nghèo khó vật chất, Thánh Kinh luôn trình bày sự nghèo khó như một điều xấu phải chống lại. Nhưng trước hết cũng phải nói rằng không phải những giai cấp xã hội có thế lực, quan trọng là thành phần đông nhất theo Chúa Giê-su! Người ta thường trách Chúa hay đi lại với bất cứ những ai!

Điều thứ hai, chữ “nghèo” trong Cựu Ước không liên quan gì với tài khoảng trong ngân hàng:

những người “nghèo” theo Thánh Kinh là những người không có lòng kiêu hãnh, hay có cái nhìn trịnh thượng như trong các thánh vịnh chép.

Người ta còn gọi họ là những người “lưng còm”. Đó là những người nhỏ bé, khiêm nhu trong nước, theo cách nói của các ngôn sứ. Họ không phải những người hưởng thụ, hài lòng, hài lòng với chính họ, nhưng họ thiếu một cái gì. Vì thế Chúa bù lấp cho họ.

Chúng ta tìm thấy nơi đây, dưới ngòi bút của thánh sử Mát-thêu một tiếng vang của dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế : mặc dù người Pha-ri-sêu rất thánh thiện nhưng ông không thể đón nhận Thiên Chúa vì lòng ông đầy tràn về chính mình ; trong lúc đó người thu thuế, ai cũng biết là kẻ tội lỗi, hướng về Chúa và chờ đợi ơn cứu độ đến từ  Ngài, anh ta được bù lấp.

Đây chính là chất lượng, “tinh thần nghèo khó”, có nghĩa là phẩm chất của kẻ “tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa”. (Xp3,12), như Xô-phô-ni-a nói, kẻ cần đến Chúa, những kẻ nhận tất cả từ Chúa như những món quà. Và tất cả những gì trong các Mối Phúc Thật khác (Có lòng xót thương, tức là biết tha thứ, đói khát lẽ công chính…), tất cả những thứ ấy đều là quà nhưng không đến từ Thiên Chúa, và chúng ta chỉ có thể  có tận dụng mọi khả năng ấy phục vụ cho Nước Trời khi chúng ta lãnh nhận trong tinh thần này.

Thực ra mối Phúc đầu tiên làm cho chúng ta có thể lãnh nhận những Mối Phúc khác: “3 Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”: hãy đặt tin tưởng nơi Chúa, Ngài sẽ bù lấp bằng những của cải của Ngài, những của cải…  “Phúc thay“, có nghĩa là sau này mọi người sẽ thèm muốn được như bạn.

Tôi buột miệng muốn nói : đó là bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là người nghèo cao cả nhất, hiền từ, khiêm nhu. Thực ra, nếu chúng ta nhìn kỹ bài Tin Mừng này, thì đó là chân dung chính Chúa Giê-su. Chúng ta đã thấy Ngài hiền lành và giàu lòng thương xót, cảm thông với người khổ cùng và tha thứ cả những đao phủ của mình, khóc cho sự đau khổ người này, khóc cho lòng chai đá kẻ khác.

Đói khát công lý và chấp nhận bị bách hại, và nhất là trong mọi tình huống, có tâm hồn nghèo khó, nghĩa là luôn chờ đợi nơi Cha Ngài và tạ ơn Chúa Cha đã “mặc khải cho những người bé mọn” ( Mt 11,25) .

Bài này có thể đọc ngược lại như một bài mô tả Nước Trời : đây là nơi ngự trị sự khiêm nhu, lòng nhân từ, niềm vui, lẽ công chính, lòng xót thương, sự trong sạch và bình an. Nhưng, trên thực tế sở dĩ Cựu Ước rất gắn bó với Thánh Địa, đó là vì nơi đây có thiên chức, ngay từ dưới thế gian này, là hình bóng của Nước Trời, một nơi của tình huynh đệ, của công lý và hoà bình.

Trong lúc chúng ta thường nhắc tới mừng kim khánh, có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại tất cả những nơi chúng ta cư trú đều cũng có ơn gọi là hình bóng của Nước Trời, nơi ấy chúng ta sống những Mối Phúc Thật.

 Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Khổng Nhuận

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Những bộ phận của thịt, cá không nên ăn để bảo vệ sức khỏe


Những  bộ  phận  của  thịt,  cá  không  nên  ăn  
để  bảo  vệ  sức  khỏe
Thanh Xuân

Lớp màng đen trong bụng cá chính là phần tanh nhất và mùi hôicủa bùn nặng nhất trong cá (Ảnh từ internet)



Thịt, cá là thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa ăn của các gia đình. Tuy nhiên ít ai để ý hoặc quan tâm đến việc có một số bộ phận trên thịt cá không nên ăn, bởi nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy thì những bộ phận nào của thịt, cá chúng ta không nên ăn và nguyên nhân vì sao?

1. Đầu gà, mào gà, phao câu gà

Tốt nhất là không nên ăn đầu gà, đặc biệt là mào gà. Vì sao gà càng già, độc tính của đầu gà càng mạnh? Bởi vì khi ăn, gà sẽ hấp thụ nhiều chất thuộc nhóm kim loại nặng, những chất này dần dần tích tụ trong đầu gà. Thường xuyên ăn phần đầu gà sẽ dễ ăn phải những chất này. Còn phao câu gà là nơi tập trung bạch huyết có chứa nhiều đại thực bào của gà. Loại thực bào này có khả năng nuốt vi khuẩn, virus và các loại chất ngoại sinh khác. Sau khi vi khuẩn và chất ngoại sinh giải phóng trong đại thực bào thường sẽ tích tụ trong tế bào một thời gian ngắn, trong đó có chứa không ít các chất gây ung thư.

2. Cổ gà, cổ vịt

Phần thịt ở cổ rất ít, nhưng mạch máu và tuyến bạch huyết thì thường tập trung nhiều ở đây. Có những người thích ăn cổ, đôi lúc ăn thì cũng không sao, nhưng cần chú ý là tuyệt đối đừng ăn lớp da. Các tuyến thải độc như bạch huyết đều tập trung ở lớp mỡ dưới da cổ, vì vậy bạn sẽ ăn phải cả các chất độc. Có vài người quen ăn hết cả phần cổ, nhưng trước khi ăn, tốt nhất là bỏ đi khí quản bên trong xương cổ, bởi vì khí quản là nơi trao đổi không khí của cơ thể nên sẽ dễ có vi khuẩn.

3. Cổ heo


Ở vùng cổ lợn thường có những mụn thịt tối màu, hoặc màu vàng,
màu đỏ lẫn trong lớp mỡ (Ảnh từ internet)

Bên dưới cổ heo là bộ phận mạch máu, đa số là hạch bạch huyết và mỡ. Cổ heo có chứa nhiều chất có hại hơn cho cơ thể. Ngoài ra, không được ăn phần thịt có nổi mụn nước màu xám, vàng hoặc đỏ nhạt, trong cái gọi là “xúc xích” này có rất nhiều vi khuẩn và virus, nếu ăn vào sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Tương tự với cả thịt bò và dê.

4. Lớp màng đen trong bụng cá

Hai bên thành bụng của cá có một lớp màng đen, đây là phần hôi mùi bùn nhất, có chứa rất nhiều histamin, lysozyme và hợp chất este, nếu ăn vào có thể sẽ gây buồn nôn hoặc đau bụng. Ngoài ra, cũng có người nói rằng phần lườn cá cũng cần phải được làm sạch.

5. Gân dê


Ảnh từ Sohu

Gân dê còn được gọi là “Đề bạch châu” mọc trên móng, là nơi sinh ra vi khuẩn sinh ra trong móng dê, thường có các nốt hình tròn, trước khi ăn móng dê cần nhớ cạo sạch.

Thanh Xuân

Để con trở nên giỏi giang, cha mẹ cần phải “dám”


Để  con  trở  nên  giỏi  giang,  cha  mẹ  cần  phải  “dám”
Ngọc Trúc • Chủ Nhật, 07/10/2018 • trithucvn.net

Kết quả hình ảnh cho trẻ em trồng cây (Ảnh qua vuontrentuong.vn)



Người ta nói “Con cái là món quà quý giá nhất mà ông trời dành cho cha mẹ”, bởi vì quý giá nên có nhiều bậc cha mẹ chăm bẵm con quá mức, quá bảo bọc con trẻ. Ở nhà không dám để con chịu khổ, ra ngoài không dám nhìn con chịu thiệt, cứ như vậy lâu dần đứa trẻ sẽ trở nên sợ sệt và yếu đuối.

Trên thực tế, sức mạnh tiềm ẩn của trẻ rất kỳ diệu, nguồn năng lượng này sẽ dần dần thay đổi từ lúc nào mà bạn không hay, trẻ không yếu mềm như bạn nghĩ.

Thật ra, bạn càng dám thu lại đôi cánh bảo bọc của mình với con, dám làm 4 điều sau, con cái của bạn sẽ trưởng thành càng nhanh.

Dám để con chịu thiệt
Người xưa thường nói: “Chịu thiệt là phúc”. Chịu thiệt ở đây hoàn toàn khác với yếu đuối, hèn nhát. Việc để con chịu thiệt này thật ra là sự bao dung, chấp nhận lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác, học cách từ bỏ những lợi ích nhỏ nhoi trước mắt để đổi lấy kết quả tốt đẹp sau này, cũng như không có nghĩa là chịu để người khác bắt nạt.

Kết quả hình ảnh cho trẻ con giúp đỡ người khác (Ảnh qua okchicas.com)

Con trai của chị họ tôi năm nay 9 tuổi, nhưng ở trường cháu lại chẳng có lấy một người bạn, trẻ con hàng xóm cũng không thích chơi cùng thằng bé. Điều này khiến chị họ rất đau đầu nên đã cầu cứu tôi. Để biết rõ nguyên nhân, tôi quyết định đi cùng chị họ và cháu đến khu vui chơi thiếu nhi một ngày.

Khi đang chơi, có một bạn nhỏ bất cẩn dẫm phải chân cháu tôi, thằng bé lập tức nổi nóng. Dù cho cô bé kia có xin lỗi, nhưng thằng bé vẫn tỏ ra không chịu thiệt, quyết không chấp nhận lời xin lỗi. Sau khi tôi khuyên giải nhiều lần, thằng bé mới tha thứ cho bạn.

Từ việc này tôi đã hiểu, thì ra ở trường thằng bé cũng “keo kiệt khó chịu” như vậy. Người khác nhờ nó giúp lấy đồ, nó lại sợ mệt nên không chịu lấy, hay khi có người hỏi mượn cục tẩy, nó cũng không cho mượn vì sợ người ta không trả.

Chính vì thái độ “không muốn chịu thiệt” này mới khiến cho cháu không có bạn.

Thật ra, cuộc đời rất dài, dạy con chịu thiệt một chút cũng sẽ mang đến nhiều thứ tốt đẹp khác cho trẻ.

Dám để con tự làm
Tính độc lập của trẻ phải bắt đầu xây dựng từ khi còn nhỏ. Nếu ngay cả những kỹ năng sống cơ bản như giặt quần áo, nấu cơm mà bạn cũng phải làm thay con, vậy thì đến khi nào trẻ mới học được cách tự lập đây?

Bạn phải hiểu rằng càng ôm đồm mọi thứ, không nỡ để con làm thì trẻ sẽ càng chẳng biết gì cả.

Những trẻ thiếu tính độc lập không chỉ không thể rời xa được vòng tay của cha mẹ, mà quan hệ xã hội cũng sẽ dễ trở nên khó khăn. Hãy thử nghĩ mà xem, khi con bạn ở kí túc xá mà quần áo cũng không biết giặt, cứ chất đống ở đó đợi cha mẹ đến mang đi giặt, vậy thì không chỉ ảnh hưởng đến nơi ở, mà còn sẽ khiến bạn cùng phòng bất mãn vì mùi khó chịu. Lâu dần, con của bạn làm sao xử lý được mối quan hệ với bạn cùng phòng đây?

Thật ra thì dù chỉ là một vài chuyện nhỏ nhặt như để con tự mình đánh răng, tự ăn cơm, tự thay quần áo, tự lấy đồ, nhờ con làm việc nhà… cũng là cho trẻ cơ hội được luyện tập rất tốt.

Trong quá trình con trẻ dần dần trở nên độc lập, chỉ cần trẻ chịu làm thì cha mẹ cũng có thể khen thưởng và cổ vũ trẻ để xây dựng lòng tự tin của con.

Dám bầu bạn cùng con
Có rất nhiều bậc phụ huynh than phiền rằng mỗi ngày họ đều bận rộn, nào có thời gian để bầu bạn cùng con? Thật ra thì, tôi muốn nói rằng đây chỉ là lời bào chữa cho việc không muốn bầu bạn cùng con mà thôi. Thời gian thì có thể trích ra được, chỉ cần bạn muốn dành thời gian cho con, trẻ nhất định cũng sẽ chịu trò chuyện cùng bạn.

Tôi từng thấy rất nhiều bậc phụ huynh ban ngày thì cặm cụi làm việc, về nhà lại chăm chú chơi điện thoại. Con la hét ở bên cạnh gọi cha chơi cùng. Bạn lại nói: “Qua ngay, đợi cha chơi hết vòng này đã”. Hoặc là con chạy vào phòng gọi mẹ cùng xem phim hoạt hình. Nhưng bạn nói: “Ngoan nào, con tự mình xem đi, mẹ còn chưa giặt đồ”.

Thế nhưng việc của bạn có thật sự quan trọng đến vậy không? Khi trẻ hết lần này đến lần khác xin bạn nhưng không được đáp lại, lâu dần con sẽ không muốn nói với bạn chuyện của mình nữa. Nên biết rằng bạn không muốn dành thời gian cho con, đến khi trẻ lớn lên, tự nhiên cũng không muốn ở bên bạn.

Có rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình khá giả, suốt ngày tiêu tiền của cha mẹ một cách hoang phí, ra vào hộp đêm, chơi với những người bạn không đứng đắn, chúng lại mạnh miệng nói rằng mình là “đứa trẻ không có gia đình”.

Đến khi cha mẹ ý thức được con ngày càng xa cách mình thì lại nhận ra rằng, thì ra bạn luôn khổ sở đuổi theo suy nghĩ cho con cuộc sống vật chất tốt nhất mà các con lại không hiểu, ngược lại còn khiến con oán hận mình hơn.

Thật ra, bầu bạn không phải là cha mẹ phải ở bên cạnh con 24/24, mà là khi con cần, bạn có thể bầu bạn với con, cho con sự quan tâm và ủng hộ.

Sự giáo dục tốt nhất dành cho con là bầu bạn, chịu dành thời gian để ở bên con, điều này có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ.

Dám ‘kiểm soát’ con
Sinh ra mà không chăm sóc, nuôi dưỡng mà không dạy dỗ, đây là sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ. Có những bậc phụ huynh sinh con ra mỗi ngày chỉ chăm cho ăn uống, không hề quan tâm đến trách nhiệm với việc giáo dục con trẻ, không kiểm soát con, để con đến mức hình thành tính cách “vô tình” khi trưởng thành, thậm chí còn làm ra những việc phạm pháp.

Kiểm soát con không phải là phê bình đánh mắng khi gặp chuyện, còn ngày thường thì không quan tâm gì cả, mà là phải giáo dục đến nơi đến chốn trong mọi việc một cách phù hợp thì mới được.

Khi con kêu gào đòi mua vé xem đêm diễn của thần tượng, đừng vội bỏ tiền ra để giúp con thực hiện ước mơ, mà hãy kiểm soát tính cách bốc đồng của con, cho trẻ biết nếu muốn xem thì trước tiên phải học cách kiếm tiền đã.
 .
Nếu trẻ lén trộm đồ, không được làm ngơ, cũng đừng phê bình trẻ dồn dập, càng không nên đánh. Mà hãy ngồi xuống lắng nghe ý kiến của trẻ, tìm ra nguyên nhân phạm lỗi của con, kiểm soát tâm lý “trộm đồ” của con, cảnh báo con không được phạm lỗi như vậy nữa.

Tính cách của trẻ con rất mềm dẻo, càng dám dạy dỗ con, tỉ lệ thành tài của con sẽ càng cao.

Trong việc dạy dỗ con, cha mẹ có thể sẽ cảm thấy chúng ta có gì mà “không dám”, chỉ cần là tốt với con, dù là ăn xin trên đường, dù có phải tốn kém, chúng ta đều sẽ cố gắng hết sức để chiều con. Thế nhưng, việc “dám” này thật sự không phải là vấn đề tiền bạc. Cái gọi là “dám” ở đây không chỉ là việc cha mẹ dám tiêu tiền cho con, mà quan trọng hơn hết đó là cha mẹ dám cho con sự đủ đầy về tinh thần.

Bạn càng “dám” thì con sẽ càng ưu tú!

Ngọc Trúc biên dịch

NHỚ


NHỚ NHỚ NHỚ
Mon, 29/10/2018 - Trầm Thiên Thu


GIÁO HỘI HÂN HOAN HÒA NỖI NHỚ 
TÍN NHÂN THA THIẾT CHẠNH NIỀM THƯƠNG


Nhớ có thể là Nhớ Nhung hoặc Ghi Nhớ. Nhớ Nhung liên quan nỗi buồn, Ghi Nhớ liên quan niềm vui. Lễ Các Thánh nhắc nhở về cách sống tốt lành của các ngài mà chúng ta nên/phải Ghi Nhớ và cố gắng thực hiện với hy vọng ngày mai được đoàn tụ cùng các ngài nơi Thiên Quốc – Miền Trường Sinh.

Tất cả là MỘT mà thôi, bởi vì “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Giáo hội duy nhất nhưng có ba thành phần: Giáo hội Khải hoàn (các thánh vinh hiển), Giáo hội Đau khổ (các linh hồn nơi luyện hình), và Giáo hội Chiến đấu (những người đang lữ hành trần gian). Ba thành phần của Giáo hội được gọi là “các thánh cùng thông công”.

Tính thông công đó được thể hiện rõ ngay trong hai ngày đầu tiên của Tháng Mười Một – Mùa Cầu Hồn:Ngày mồng một kính mừng chư thánh hiển vinh, và ngày mồng hai tưởng niệm các tín hữu đã qua đời.

Trời và đất khác nhau, xa nhau, nhưng không tách rời, vì Đức Giêsu đã từ trời xuống đất để kéo những người từ đất lên trời. Thật kỳ lạ! Tông đồ Gioan kể lại thị kiến: “Tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả,rằng: ‘Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta’. Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (Kh 7:2-4). Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người.

Tiếp tục Thánh Gioan cho biết: “Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’. Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 7:9-12). Thiên Chúa muốn cho biết trước những điều kỳ diệu trên trời để củng cố đức tin cho chúng ta, nhờ đó mà vững bước cho chân cứng đá mềm.

Và rồi một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi Thánh Gioan: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” (Kh 7:9-13).Thánh Gioan trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14). Đó là những người tốt lành và thánh thiện, chúng ta gọi họ là thánh nhân.

Cũng đã từng là con người sống trên trần gian, các thánh cũng đã chịu trăm cay ngàn đắng – thậm chí là mất mạng vì những kẻ ác, thế nhưng các ngài vẫn một niềm kiên tâm bền chí, đặc biệt là các ngài đã “giặt sạch” và “tẩy trắng” chiếc áo của mình trong chính Máu Cứu Độ của Đức Kitô. Thật tuyệt vời biết bao! Đó là ước mơ cháy bỏng của những người tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể và là Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Thiên Chúa toàn năng và toàn quyền, điều đó được Thánh Vịnh gia minh định: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Nền trái đất, Người dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông” (Tv 24:1-2). Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài, là Đấng chí minh và chí thiện. Thiên Chúa cực thánh như vậy thì “ai được lên núi Chúa và ai được ở trong đền thánh của Người?”.Đơn giản thôi, Thánh Vịnh gia cho biết rạch ròi:“Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24:4). Những ai “sống sạch” như vậy sẽ “được Thiên Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng” (Tv 24:5). Quả thật, chính họ mới là “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp” (Tv 24:6). Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5 & 9; Is 6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16; Ga 6:69), ai muốn ở gần Ngài cũng phải thánh.

Thật vậy, các thánh là những người đã quyết tâm thực hành Thánh Luật của Thiên Chúa, thực hiện tới cùng, thực hiện tới chết, bất chấp mọi nguy hiểm. Chắc chắn các ngài đã cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình Chúa yêu thương, của lòng Chúa thương xót.



Diễm phúc biết bao vì chúng ta đã nhận biết Thiên Chúa, được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, tức là chúng ta đều là những người có kinh nghiệm của việc “trở về từ cõi chết”, được tắm gội trong dòng suối Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta phải cố gắng noi gương các thánh. Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (1 Ga 3:1). Chuyện ngỡ chỉ có trong mơ tưởng, thế nhưng lại hoàn toàn có thật!

Đúng là khó mà tin được, và đôi khi người ta lại không muốn tin như vậy, nhưng Thánh Gioan xác định rằng “thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Vô cùng lạ lùng, thật là mầu nhiệm, đúng là phép lạ ! Bởi vì chúng ta đang là tôi tớ, là nô lệ, là tội nhân, thậm chí là “đang chết”, thế mà lại được sống lại và được làm con cái của Ngài – Thiên Chúa hằng sinh. Những người không có niềm tin Kitô giáo thực sự đúng mức thì không thể nào tin được. Thảo nào người ta bảo các Kitô hữu là ảo tưởng, thế nhưng không hề ảo giác hoặc ảo mộng chi cả!

Như để tái xác định và củng cố, Thánh Gioan nhắc lại và giải thích: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1 Ga 3:2-3). Sự thật minh nhiên, nhưng đầu óc “bã đậu” của phàm nhân chúng ta lúc này không thể nào hiểu thấu, và trí tưởng tượng “dỏm” của chúng ta cũng không thể nào hình dung ra được. Quá kỳ lạ!

Chúng ta được biết rằng Thiên Đàng là cõi phúc. Nơi đó không phải là cõi thiên thai mà Lưu Nguyễn lạc vào ngày xưa hoặc như những cõi bồng lai tiên cảnh trong truyện cổ tích, mà thực sự là Nước Trời – Thiên Quốc. Trình thuật Mt 5:1-12 nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Bài Giảng Trên Núi). Đây là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do chính Chúa Giêsu soạn thảo, là Đệ Nhất Tuyên Ngôn so với bất kỳ Bản Tuyên Ngôn nào của các quốc gia trên thế giới.Đặc biệt là Bản Tuyên Ngôn này ngắn gon nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và tuyệt đối.

Cũng chính Bản Tuyên Ngôn Thiên Quốc này đã được Chúa Giêsu đọc công khai trước bàn dân thiên hạ.Có điều khác lạ là khi đó Chúa Giêsu không ra vẻ trịnh trọng như bất kỳ một vị nguyên thủ quốc gia nào, còn các môn đệ đứng gần bên cũng rất tự nhiên. Đúng là khác người, chả giống ai. Thế mới thật, thế mới tự nhiên, thế mới thân thiện, không cần “ra vẻ” chi cho mệt. Chúa Giêsu thật tuyệt vời! Ngài điềm đạm và dõng dạc tuyên bố:

1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.

2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Không trịnh trọng, chẳng kiểu cách, Chúa Giêsu cũng chẳng văn hoa bóng bẩy, không hoa hòe hoa sói, mà dùng lời lẽ bình dị, ai cũng có thể hiểu. Ôi, nghe rất sướng cái lỗ tai! Cuối cùng, Ngài còn nói thêm:“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12). Chắc chắn “cái phúc” không thể tự dưng mà có được!

Quả thật, các thánh đã anh dũng chiến đấu không ngừng – khó nhất là chiến đấu với chính mình. Nhưng các ngài không hề nao núng, ngoan cường tới cùng, mỗi người mỗi vẻ, nên đã đạt được mục đích là được lãnh nhận Ơn Cứu Độ. Gương sáng của các thánh gần gũi với chúng ta là chính tiền nhân da vàng máu đỏ của chúng ta: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Lạy Thiên Chúa, xin tăng lực Tin Cậy Mến để chúng con đủ sức quyết tâm noi gương các thánh và trung kiên làm chứng về Đức Kitô cho tới hơi thở cuối cùng, can đảm bất chấp mọi nguy hiểm. Xin chư thánh cầu thay nguyện giúp và trợ giúp chúng con hiên ngang theo sát gót các ngài mọi nơi và mọi lúc trên đường lữ hành. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU



Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

PHO - MÁT (Bác Sĩ Nguyễn Ý- Đức)



PHO - MÁT

 Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức



Theo huyền thoại thì pho mát được một nhà kinh doanh tình cờ khám phá ra cách nay nhiều ngàn năm. Trong một chuyến đi buôn xa, ông mang theo nhiều lương thực, trong đó có sữa đựng trong một cái bao tử lạc đà khô.

Một hôm, lấy sữa ra uống thì thấy sữa đã đông đặc dưới ảnh hưởng của hơi nóng mặt trời và vài hóa chất còn dính lại ở bao tử lạc đà. Nếm thử “cục sữa” ông ta thấy ngon và béo. Thế là ông ta tìm hiểu thêm rồi sản xuất món sữa đông rắn này và làm giầu.

Từ đó pho mát được nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất và trở thành món ăn rất phổ thông trong bữa ăn chính, để tráng miệng, ăn khai vị cũng như ăn vặt trong ngày.

Cách làm

Pho mát có thể làm từ bất cứ loại sữa động vật nào như cừu, dê, trâu, lạc đà, lừa... nhưng thông thường nhất vẫn là từ sữa bò.

Nguyên tắc làm cũng giản dị.

 Vi khuẩn Lactobacilli hoặc Streptococci được cho thêm vào sữa để chuyển hóa lactose và tạo ra acid lactic. Acid này làm chất đạm casein của sữa đóng bánh. Một diếu tố lấy từ bao tử bò non được thêm vào rồi để lắng đọng khoảng 24 giờ. Thời gian lắng đọng càng lâu thì pho mát càng chắc hơn.

Sau đó cục casein được vắt bớt nước đi rồi đun nóng cho bay hơi, làm pho mát cứng hơn nữa.

Thế là ta đã có miếng pho mát tươi. Loại pho mát này chưa ngấu, dễ hư nên cần được để trong tủ lạnh và chỉ dùng trong dăm ngày. Pho mát được ăn chung với sà lách, bánh mì hoặc để nấu.

 Muốn có phó mát ngấu, phải lấy bớt chất lỏng ra bằng muối rồi chế thêm vi khuẩn Penicillum camembert (pho mát Camembert, Brie) hoặc vi khuẩn Penicillium roquefort (pho mát Roquefort, Blue cheese).

Chế biến pho mát là một phương thức giúp chúng ta chuyển một thực phẩm dễ hư là sữa, sang một thực phẩm ít bị hư hơn và đồng thời cũng là cách để dành sữa dưới dạng có thể giữ được lâu.

Các loại pho mát

Pho mát được phân loại theo nhiều cách.

Pho mát tươi như cream, cottage cheese và pho mát ngấu như Chedda, Swiss, Camembert, Gorganzola,

Thông thường nhất là phân loại tùy theo sự cứng mềm hoặc độ ẩm của pho mát:

Pho mát mềm như Cottage, Ricotta, cream; Trung bình như Morazella, Blue, Camembert, Pizza, Edam, Swiss, Chedda, Provolone; Cứng như Dry Ricotta, Mysost, Romano, Parmesan.

Dinh dưỡng

Pho mát giữ nguyên được các chất dinh dưỡng từ sữa đã sản xuất ra chúng: chất đạm với các amino acid cần thiết, ít chất béo và cholesterol hơi cao. Hầu hết pho mát có nhiều sinh tố A. Calci có nhiều trong pho mát rắn, ít trong pho mát mềm.

Trung bình 30gr pho mát cung cấp 100 calori, 180mg calci, 8gr chất béo, 9gr chất đạm.

Chất béo làm pho mát có hương vị hấp dẫn đặc biệt nhưng cũng gây ra vài không tốt cho sức khỏe. Ngày nay có pho mát ít chất béo hoặc pho mát làm từ sữa đậu nành.

Ăn pho mát

Pho mát thường được dùng như món ăn chơi hoặc trộn lẫn với thực phẩm khác như đậu, rau, mì sợi, bánh mì, chứ không dùng làm món ăn chính, mặc dù có nhiều chất dinh dưỡng.

Vài điểm cần lưu ý.

a-Một vài loại pho mát như Cheddar, Swiss, Rocquefort có thể bảo vệ răng khỏi bị sâu. Pho mát kích thích nước miếng tiết ra để trung hòa acid do vi sinh vật trong miệng tác dụng trên thức ăn kẹt trong răng. Acid này ăn mòn men răng, khiến răng mau hư.

b-Bác sĩ thường khuyên người bị cao huyết áp, cao cholesterol, nặng quá ký không nên ăn pho mát vì có nhiều chất béo và muối sodium.

c-Ai bị dị ứng với Penicillin không nên ăn blue cheese vì pho mát này được làm với tác dụng của nấm penicillin.

 đ-Pho mát có nhiều tyramine, một hóa chất làm động mạch co thắt và có thể gây ra cơn cao máu bất thình lình, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc trị trầm cảm dạng ức chế monoamine oxidase inhibitors (MAO inhibitor).

Tyramine có nhiều trong các loại pho-mát Camembert, Cheddar, Roquefort, Blue; rất ít trong Cottage, cream cheese.

e-Khi mua, lựa pho mát bầy trong ngăn tủ lạnh, coi kỹ ngày bán và ngày tiêu thụ; không mua loại bị mốc meo, ngoại trừ khi meo là thành phần cấu tạo của pho mát như blue cheese.

g-Về nhà nên cất pho mát vào tủ lạnh, gói kín để khỏi khô. Cất gói cẩn thận, pho mát rắn có thể để dành sáu tháng, còn pho mát mềm nên dùng trong vòng một tuần.

KEM.

 Kem (Ice cream) vẫn là món tráng miệng được ưa thích của nhiều người.

 Có nhiều loại kem khác nhau, nhưng thông dụng nhất là vanilla, chocolate, dâu, xoài riêng. Kem sữa bột ngô (custard), nước trái cây (Sherbet) và sữa để đông lạnh cũng là những món tráng miệng hấp dẫn.

Theo tiêu chuẩn, kem phải có ít nhất 10% chất béo và 20% chất đạm của sữa.

Chất béo tạo ra một hương vị ngầy ngậy và vẻ mịn mặt của kem. Càng nhiều chất béo, kem càng ngon.

Chất đạm là phần chính trong cấu trúc của kem.

 Kem có nhiều calci, một ít riboflavin và sinh tố A.

 Một nửa cup kem vanilla có 180 calori, 12gr chất béo, 2gr chất dạm, 76mg calci.

Kem cần được giữ kín trong bình giấy hoặc bình nhựa ở nhiệt độ đông lạnh. Giữ như vậy có thể dùng dần được một tuần. Khi hộp kem đã mở, thì phải đậy cho kín để tránh bốc hơi, kem sẽ bị khô.


Bơ được làm bằng cách đánh nhuyễn chất béo của sữa đã khử trùng.

Theo tiêu chuẩn chung, bơ phải có ít nhất 80% chất béo của sữa. Chất béo của bơ có 62% là béo bão hòa, 35% đơn bất bão hòa và 4% đa bất bão hòa.

Một muỗng ăn canh bơ có 11gr chất béo, 7gr chất béo bão hòa, 31gr cholesterol và 1100 IU sinh tố A.

 Bơ có thể có muối hoặc không có. Khi không có muối thì phải ghi rõ là bơ không muối mà nhiều người quen gọi là bơ ngọt.

Bơ được phân chia ra làm loại A và AA. Loại AA thì thơm, dịu ngọt, mịn mặt và dễ phết mỏng hơn loại A.

Nên giữ bơ trong giấy bao kín để tránh không khí và lẫn mùi thực phẩm khác trong tủ lạnh. Mặc dù để trong tủ lạnh, chất béo trong bơ cũng tác dụng với oxy làm bơ có mùi dầu khét. Ánh sáng và hơi nóng cũng làm bơ mau khét.

Gói kín cất trong tủ đá, bơ để dành được cả bốn, năm tháng.

Bơ cũng được dùng để rán thực phẩm nhưng đun lửa quá nóng bơ sẽ bốc khói và thành mầu vàng cháy. Bơ không dùng để chiên ngập (deep fried)  như dầu mỡ được.

Margarin

Vì bơ có nhiều chất béo bão hòa, có nguy cơ gây ra nhiều bệnh tim mạch, ung thư nên nhiều người đã chuyển sang dùng margarin. Hầu hết margarin được chế biến từ dầu thực vật.

Margarin được một nhà hóa học Pháp là Hippolyte Mege-Mouries chế tạo ra vào năm 1870 khi hoàng đế Nã Phá Luân III (1808 – 1873) treo  giải thưởng cho ai có thể làm ra một loại bơ khác với bơ từ sữa bò.

Margarin được làm bằng cách trộn đánh chất béo lỏng với sữa không chất béo đã khử trùng, rồi thêm một vài gia vị thơm.Thường thường khoảng 15,000 IU sinh tố A được cho thêm vào margarine.

Năm 1993, các nhà nghiên cứu tại Đại Học Harvard đã nêu ra một nghi vấn về sự an toàn của margarin và cho là một vài loại có thể gây ra bệnh tim nhiều hơn là bơ thật.

 Thông tin này làm cho người tiêu thụ cảm thấy bối rối, không biết nên dùng bơ hay margarin. Có điều chắc chắn là bơ cho nhiều hương vị hơn là margarin. Nhưng margarin có nhiều chất béo bất bão hòa hơn bơ do đó lành hơn, nhất là loại margarin mềm. Nếu margarin lại được làm từ dầu cây canola, hướng dương (sunflower), dầu ngô thì lại càng tốt hơn nữa.

 Cả bơ và margarin đều cho một số calori bằng nhau.

Khi margarin lỏng được chuyển sang rắn thì lại có nhiều chất béo bão hòa Trans Fatty acid. Đây là chất mà nhiều người cho là có thể làm tăng cholesterol trong máu.

 Bác Sĩ Nguyễn Ý-Đức, MD.