Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Cảnh quan hùng vĩ Nhà thờ Đức Bà Reims


Cảnh  quan  hùng  vĩ  Nhà  thờ  Đức  Bà  Reims


Sau hơn ba năm sửa chữa, Nhà thờ Đức Bà Reims vào mùa hè 2018 đã mở lại toàn bộ mặt tiền cho khách tham quan. Được xem như là một trong những kỳ quan của nghệ thuật kiến trúc gothic (thế kỷ thứ XIII), Nhà thờ Đức Bà Reims nay được ‘‘tân trang’’ diện mạo, hùng vĩ lộng lẫy y như lúc mới được xây cất cách đây hàng trăm năm.

Sau ba năm trùng tu, Nhà thờ Đức Bà Reims tìm lại được nét hùng vĩ

Chi phí công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Reims còn được gọi ngắn gọn là Thánh đường Reims, lên tới 3,3 triệu euro. Phần lớn phí tổn là do chính quyền địa phương đảm nhận, một phần ba còn lại là do Hiệp hội những người bạn của Thánh đường Reims (Société des Amis de la Cathédrale de Reims) bao gồm nhiều mạnh thường quân và các nhà tài trợ tư nhân.

Một khi giàn giáo bằng sắt che khuất mặt tiền Thánh đường Reims đã được tháo gỡ, khách thăm viếng được dịp chiêm ngưỡng 56 pho tượng chạm trỗ công phu bao bọc tầng cao nhất của nhà thờ chính toà của tổng giáo phận Reims. Ba pho tượng quan trọng nhất nằm ở chính giữa, đó là bức tượng của đức vua Clovis Đệ Nhất đang chấp hai tay xin ơn Chúa nhân lễ rửa tội, phía bên trái là bức tượng của hoàng hậu Clotilde, còn bên phải là tượng thánh Remi nguyên là giám mục kinh thành Reims.


Mặt tiền phía Đông của Nhà thờ Đức Bà Reims với các tượng vua trên tầng cao

Tục truyền rằng một con chim bồ câu từ trên trời cao bay xuống, trong miệng ngậm một lọ Dầu Thánh (Saint Chrême hay là Sainte Ampoule). Ngài Remi, giám mục thành Reims đã dùng lọ Dầu Thánh mà Chúa Trời đã ban cho để làm lễ rửa tội cho vua Clovis Đệ Nhất (vào khoảng năm 496), được sách sử xem như là vị vua đầu tiên của xứ Franc, sau này là vương quốc Pháp. Từ điển tích này, kinh thành Reims được chọn làm nơi tổ chức lễ đăng quang của các vì vua Pháp.

Kể từ đầu thế kỷ XI trở đi, khoảng 30 vì vua của nước Pháp đã chính thức lên ngai vàng tại Nhà thờ Đức Bà Reims, vị vua đầu tiên lên ngôi là Henri Đệ Nhất vào năm 1027, vị vua cuối cùng là Charles X vào năm 1825. Hầu hết các vì vua Pháp từng được đăng quang tại Reims sau đó đã được tạc tượng, và được vinh danh trên mặt tiền Thánh đường Reims trên tầng cao gọi là ‘‘Galerie des Rois’’.



Các cửa sổ kính màu ở chính điện của thánh đường Reims

Thánh đường Reims nổi tiếng nhờ vào lối kiến trúc độc đáo, hùng vĩ, công phu tinh tế với các vòm cung nhọn và hai tháp chuông cao thuộc vào hàng nhất nhì nước Pháp. Ngoài các pho tượng ‘‘đế vương’’ ở mặt tiền, còn nổi tiếng nhờ vào hơn 2.300 bức tượng đá minh họa các điển tích Kinh Thánh ở bên ngoài cũng như tượng trang trí ở bên trong nhà thờ.

Một trong những bức tượng được chụp hình nhiều nhất là ‘‘Nụ cười thiên thần’’ (Le Sourirre de l’Ange), nay được chọn làm biểu tượng của thành phố Reims. Cùng với nhà thờ tu viện Basilique Saint Remi, Thánh đường Reims từng được cơ quan UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1991.



Gian chính của nhà thờ Reims cao đến 38 mét, hai tháp chuông cao 87 mét

Đi vào phía bên trong nhà thờ, khách tham quan được dịp ngắm nhìn trong một bầu không khí tĩnh lặng trang nghiêm, các cửa sổ kính màu khổng lồ, một trong những nét độc đáo nhất của Thánh đường Reims. Ngoài các cửa sổ với những họa tiết đặc biệt mà danh họa Marc Chagall đã từng vẽ riêng cho nhà thờ Đức Bà Reims vào năm 1974, hầu hết các kính màu còn lại đều tuân thủ truyền thống, từ chất liệu cho đến màu sắc, được làm lại y hệt như các bộ kính đầu tiên thực hiện vào cuối thế kỷ XIIII.

Một trong những cửa sổ kính màu lộng lẫy nhất chính là cửa kính hình hoa hồng (rosace hay là rose window) nằm trên cổng chính phía tây. Với đường kính rộng hơn 12 thước, loại cửa sổ kính màu to lớn này được xem như là một kỳ công về mặt kiến trúc thời Trung Cổ.

Cửa sổ kính màu hình hoa hồng giúp tăng thêm chiều cao và ánh sáng cho Thánh đường ReimsCửa sổ hình hoa hồng nói riêng và cửa sổ kính màu nói chung giúp cho các nhà thờ có thêm được chiều cao và giúp cho ánh sáng tự nhiên lọt vào bên trong. Vào ban ngày, Thánh đường Reims không cần phải thắp đèn mà vẫn sáng nhờ vào lượng ánh nắng ban ngày. Trong lối kiến trúc này, toàn bộ các cửa sổ như thể đã được sắp xếp, lắp đặt để thu hút càng nhiều ánh sáng tự nhiên càng tốt.

Mặc dù chỉ cách Paris có 45 phút đi bằng tàu điện cao tốc, nhưng Thánh đường Reims (khởi công xây cất vào năm 1211) thu hút hàng năm khoảng một triệu rưỡi lượt khách tham quan, tức chỉ bằng khoảng một phần mười so với Nhà thờ Đức Bà Paris (xây vào năm 1163). Đến thăm Reims nhân dịp hè nhưng lại không thấy cảnh đám đông đứng xếp hàng, chật kín quảng trường.

Góc triển lãm về công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Reims, ở gian sau gần cửa sổ Chagall
Có lẽ cũng vì lượng khách tham quan không quá đông, mà du khách có thêm thời gian để quan sát chiêm ngưỡng các đường nét tinh xảo của trường phái Reims trong nghệ thuật điêu khắc, cũng như cách tạo dáng công phu cầu kỳ của các bộ kính màu. Một khi gộp lại, tất cả những yếu tố đó cho thấy Thánh đường Reims là một kỳ công của giai đoạn ‘‘gothique rayonnant’’, nhờ cửa sổ khổng lồ mà quần thể kiến trúc lại càng lộng lẫy tỏa sáng.

Theo RFI
Tags: kiến trúc Pháp, nhà thờ reims

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét