Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Sứ điệp Mùa chay năm 2022 của Đức Thánh Cha

 

Sứ  điệp  Mùa  chay  năm  2022  của  Đức  Thánh  Cha

24/02/2022-bantinconggiao.com



Cùng Chuyên Mục

ĐTC tuyên bố thứ Tư lễ Tro, 3/2, là Ngày ăn chay cầu nguyện cho Ucraina

ĐTC Phanxicô: Phải tìm lại sự liên kết, liên minh giữa người già và người trẻ

ĐTC sẽ trò chuyện online với các sinh viên đại học Mỹ châu

ĐTC Phanxicô tiếp Hội “Voir Ensemble”

ĐTC Phanxicô: Bài học về chiến tranh vẫn chưa được chú ý

Tiêu Điểm

Thứ Sáu tuần 7 Thường niên năm II (Mc 10,1-12)

Hội nghị của các giám mục và thị trưởng vùng Địa Trung Hải

Caritas châu Âu hưởng ứng lời kêu gọi của ĐTC về mức lương tối thiểu

Các giám mục Ấn Độ vận động cho quyền của Ki-tô hữu tầng lớp Dalit

Sứ điệp Mùa chay năm 2022 của Đức Thánh Cha

Ngọc Yến - Vatican News

“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a)

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho việc canh tân cá nhân và cộng đoàn, dẫn chúng ta đến Lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Đối với hành trình Mùa Chay năm 2022, sẽ rất ích lợi cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galat: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairos), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10)

1. Gieo và Gặt

Trong đoạn này, Thánh Tông đồ đã gợi lên hình ảnh gieo và gặt, một hình ảnh rất quen thuộc với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một thời điểm thích hợp để gieo điều tốt trong cái nhìn của một mùa gặt trong tương lai. Đối với chúng ta thời điểm thích hợp này là gì? Chắc chắn đó là Mùa Chay, nhưng ở đây cũng là tất cả sự hiện hữu trên mặt đất của chúng ta, theo một cách nào đó Mùa Chay là một hình ảnh. Trong cuộc sống chúng ta, lòng tham, sự kiêu ngạo, mong muốn chiếm hữu, tích lũy và tiêu thụ chiếm ưu thế, như câu chuyện về người khờ dại trong dụ ngôn Tin Mừng chỉ ra. Người này cho rằng cuộc sống của anh ta được an toàn và hạnh phúc nhờ thóc lúa dư thừa và của cải cất giữ trong kho (Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, để sự thật và vẻ đẹp của cuộc sống có thể đạt được không phải ở việc tích lũy quá nhiều nhưng là ở việc gieo điều tốt và chia sẻ.

Người gieo hạt đầu tiên là chính Thiên Chúa, với lòng quảng đại “tiếp tục gieo nơi nhân loại những hạt giống tốt” (Fratelli tutti 54). Trong Mùa Chay chúng ta được kêu gọi đáp lại ơn Chúa bằng cách đón nhận Lời “sống động và hữu hiệu” (Dt 4,12). Siêng năng nghe Lời Chúa giúp chúng ta trưởng thành, ngoan nguỳ sẵn sàng thi hành ý Chúa, cuộc sống sinh hoa trái. Nếu điều này đã làm cho chúng ta hạnh phúc, thì lời mời gọi trở thành “Cộng sự viên của Thiên Chúa” (1Cr 3,9), sử dụng thời gian hiện tại để gieo điều tốt còn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn (Ep 5, 16). Lời kêu gọi gieo hạt giống tốt lành không được xem như là một gánh nặng, nhưng đó là một ân sủng, theo đó Đấng Tạo Hoá muốn chúng ta tích cực hiệp nhất với sự tốt lành vô biên của Người.

Còn mùa gặt thì sao? Không phải chúng ta gieo hạt giống với mục đích để thu hoạch sao? Tất nhiên. Thánh Phaolô đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa gieo và gặt khi khẳng định: “Ai gieo ít thì sẽ gặt ít và ai gieo nhiều thì sẽ gặt được nhiều” (2Cr 9,6). Nhưng chúng ta đang nói về loại mùa gặt nào? Hoa quả đầu tiên của lòng tốt mà chúng ta gieo xuất hiện trong chính chúng ta và trong các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, cả trong những hành động tử tế nhỏ bé. Trong Chúa, không có hành vi yêu thương nào cho dù nhỏ bé, và không có “cố gắng quảng đại” nào bị mất đi (x. Evangelii Gaudium, 279). Như cây được nhận ra nhờ trái (Mt 7,16, 20), một cuộc sống đầy hành động tốt sẽ tỏa sáng (x. Mt 5,14-16) và mang lại hương thơm của Chúa Kitô cho thế giới (x. 2Cr 2,15). Phụng sự Thiên Chúa, trong sự tự do đối với tội lỗi, mang lại hoa trái là sự thánh thiện vì ơn cứu độ của tất cả (x. Rm 6, 22).

Thực vậy, chúng ta chỉ thấy một phần nhỏ hoa trái những gì chúng ta đã gieo, vì theo câu cách ngôn Tin Mừng, “kẻ này gieo, người kia gặt” (Ga 4,37). Khi chúng ta gieo vì lợi ích của người khác, chúng ta tham gia vào sự quảng đại của Thiên Chúa: “Thật cao quý khi có thể khởi sự những tiến trình mà người khác sẽ thu gặt hoa trái, trong khi luôn đặt hy vọng nơi sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành được vãi gieo” (Fratelli Tutti, 196). Gieo sự tốt lành vì người khác giải thoát chúng ta khỏi lợi ích cá nhân hẹp hòi, và đổ đầy hành động của chúng ta bằng tính nhưng không, và làm cho chúng ta trở thành một phần chân trời tuyệt vời của kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa.

Lời Thiên Chúa mở rộng và nâng cao cái nhìn của chúng ta. Lời loan báo cho chúng ta biết rằng mùa gặt thực sự là ngày cánh chung, ngày cuối cùng, ngày vĩnh cửu. Hoa trái chín muồi của cuộc sống và hành động của chúng ta là “hoa trái cho cuộc sống muôn đời” (Ga 4,36), sẽ là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12,33; 18,22). Chính Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh hạt giống chết trong lòng đất và sinh hoa kết trái để diễn đạt mầu nhiệm chết và phục sinh của Người (x. Ga 12,24); và Thánh Phaolô lặp lại điều này để nói về sự sống lại của thân xác chúng ta: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng tuyệt vời mà Chúa Kitô phục sinh đã mang đến cho thế giới: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,19-20), để những ai kết hợp mật thiết với Người trong tình yêu “nhờ được chết như Người đã chết” (Rm 6,5) cũng sẽ được liên kết với sự phục sinh của Người trong cuộc sống đời đời (Ga 5,29). “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ” (Mt 13,43)

2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống động những hy vọng trần thế với “niềm hy vọng lớn lao” về sự sống đời đời, gieo hạt cứu độ trong thời hiện tại của chúng ta (Thông điệp Spe salvi, 3; 7). Trước nỗi thất vọng cay đắng vì bao ước mơ tan vỡ, trước nỗi bận tâm vì những thử thách phía trước, trước sự chán nản vì sự nghèo nàn phương tiện, chúng ta bị cám dỗ rút vào ích kỷ cá nhân và dửng dưng trước những đau khổ của người khác. Thật vậy, ngay cả những nguồn lực tốt nhất cũng có những hạn chế: “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40,30). Nhưng Chúa “ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. […] Ai trông cậy vào Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”(Is 40,29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), để chỉ khi nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh (x. Dt 12, 2), chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của Thánh Tông đồ: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” (Gl 6,9).

Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy rằng cần phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Chúng ta cần cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm, khi chúng ta cho rằng chúng ta không cần gì khác ngoài chính mình. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta chạm vào sự yếu đuối của chúng ta về mặt cá nhân và xã hội, thì Mùa Chay này sẽ cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm an ủi khi tin vào Thiên Chúa, nếu thiếu điều này, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai được cứu một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung một con thuyền giữa bão tố của lịch sử; nhưng trên hết, không ai được cứu nếu không có Thiên Chúa, bởi vì chỉ có mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên dòng nước đen tối của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những gian truân trong cuộc sống, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, với niềm hy vọng lớn lao không làm thất vọng và bằng chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,1-5).

Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc diệt trừ cái ác khỏi cuộc sống của chúng ta. Xin cho việc chay tịnh thể xác mà Mùa Chay kêu gọi chúng ta củng cố tinh thần để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu xin tha thứ trong Bí tích Thống hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta đừng mệt mỏi khi chiến đấu chống lại những dục vọng, sự yếu đuối thúc đẩy lòng ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà qua nhiều thế kỷ tìm ra những cách khác nhau để đẩy con người vào tội lỗi (Fratelli tutti, 166). Một trong những cách này là nguy cơ nghiện các phương tiện kỹ thuật số, làm nghèo đi các mối quan hệ của con người. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này và trái lại để vun đắp một tương giao giữa con người với nhau trọn vẹn hơn (Fratelli tutti 43) được tạo nên từ những “cuộc gặp gỡ thực sự” (Fratelli tutti 50), diện đối diện.

Chúng ta đừng mệt mỏi khi làm việc bác ái cho người lân cận. Trong Mùa Chay này, chúng ta thực hành bố thí bằng cách vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9, 7). Thiên Chúa “là Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh làm của ăn nuôi dưỡng” (2Cr 9, 10) cung cấp cho mỗi chúng ta không chỉ để chúng ta được nuôi dưỡng, nhưng còn để chúng ta có thể quảng đại làm điều thiện cho người khác. Nếu quả thật cả cuộc sống chúng ta gieo điều tốt, thì chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để chăm sóc những người thân cận, để chúng ta gần gũi với những anh chị em đang bị thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm kiếm chứ không trốn tránh những người đang cần giúp đỡ; để đi đến chứ không phớt lờ những người đang cần một đôi tai cảm thông và một lời tốt lành; để thăm viếng chứ không bỏ rơi những người phải chịu đựng sự cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời kêu gọi làm việc tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người yếu nhất và không được bảo vệ, những người bị bỏ rơi và bị khinh thường, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Fratelli tutti 193).

3. “Đến mùa chúng ta sẽ gặt hái, nếu không sờn lòng”

Mùa Chay nhắc nhở chúng ta mỗi năm rằng “Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ đạt được một lần cho mãi mãi nhưng phải thực hiện mỗi ngày”(Fratelli tutti 11). Do đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta lòng kiên trì bền bỉ của người nông dân (x. Gc 5, 7) để không ngừng làm việc thiện, từng bước một. Nếu chúng ta vấp ngã, hãy đưa tay đến Chúa Cha, Đấng luôn nâng chúng ta lên. Nếu chúng ta lạc lối, bị phỉnh gạt bởi những lời dụ dỗ của kẻ ác, thì đừng ngập ngừng trở về với Đấng “rộng lòng tha thứ” (Is 55,7). Trong thời gian hoán cải này, tìm được sự đỡ nâng trong ân sủng Chúa và trong sự hiệp thông của Giáo hội, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo điều tốt. Đất được chuẩn bị bởi chạy tịnh, được tưới bởi cầu nguyện và được làm phong phú bởi việc bác ái. Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng “nếu không sờn lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt” và với kiên trì, chúng ta sẽ được hưởng điều Người đã hứa (x. Dt 10,36) cho ơn cứu độ chính mình và những người khác (x. 1Tm 4,16). Bằng cách thực hành tình yêu thương huynh đệ đối với tất cả mọi người, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta (x. 2Cr 5,14-15) và chúng ta nếm hưởng trước niềm vui Nước Trời, khi Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong muôn loài”(1Cr 15, 28).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19), ban cho chúng ta ơn kiên nhẫn. Xin Mẹ đồng hành với chúng ta với sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, để mùa hoán cải này sinh hoa trái cứu độ đời đời.

Roma, ngày 11 tháng 11 năm 2021, Lễ nhớ Thánh Martinô Giám mục.

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/su-diep-mua-chay-2022-duc-thanh-cha.html

Loạt đồ uống quen thuộc không nên dùng nhiều, coi chừng rước họa

 

Loạt  đồ  uống  quen  thuộc  không  nên  dùng  nhiều,  coi  chừng  rước  họa

https://photo-baomoi.zadn.vn/e9b048137951900fc940.png

Một số loại đồ uống quen thuộc được quảng cáo có lợi cho cơ thể. Vậy nhưng không giới hạn số lượng, uống nhiều lại gây hại sức khỏe trầm trọng.

Từ lâu, đồ uống có ga được khuyến nghị không nên dùng nhiều bởi chúng làm tăng nguy cơ béo phì. Kết quả nghiên cứu từng chỉ ra, mỗi ngày uống một lon nước này, sau một năm có thể tăng tới 9kg trọng lượng. Đáng lưu ý, béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. (Ảnh: Sohu, minh họa)

Tác hại đồ uống có ga hầu hết mọi người đều tường tận. Một số loại được cho là đồ uống lành mạnh song uống nhiều gây hại sức khỏe không phải ai cũng biết.

Nước trái cây. Nước trái cây chứa nhiều dưỡng chất, rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, hàm lượng đường fructose trong nước hoa quả rất cao. Khác với đường glucose, đường fructose đi vào cơ thể không được insulin điều tiết. Sử dụng quá nhiều sẽ chuyển hóa thành mỡ trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ, béo phì.

Ngoài ra, quá trình chuyển hóa đường fructose ở gan sẽ tạo nhân purin và sản phẩm cuối cùng của purin là axit uric. Axit uric tích tụ và kết tinh tạo thành hạt tophi – dấu hiệu bệnh gout.

Có thể nói, nước trái cây được xem là đồ uống lành mạnh song không nên uống quá nhiều, đặc biệt là người bị tăng axit uric máu và bệnh nhân gout. Về liều lượng, chuyên gia khuyến nghị một người khỏe mạnh nên hạn chế trong phạm vi 200-350g trái cây. Khi ép, bạn có thể thêm chút nước lọc hoặc các loại rau có hàm lượng đường thấp để tăng cường dinh dưỡng.

Sữa chua uống. Trên thị trường có nhiều sản phẩm nước giải khát chứa vi khuẩn lactic. Chúng được giới thiệu là “đồ uống tốt cho sức khỏe”, nhà sản xuất khuyến khích sử dụng. Thực tế, chúng chứa thành phần chủ yếu là men vi sinh sống, nước, đường và hương liệu; hàm lượng sữa rất thấp.

Mặc dù đồ uống có vi khuẩn lactic chứa lượng lớn men vi sinh sống song hầu hết các sản phẩm đều có hàm lượng đường cao; trong khi các chất dinh dưỡng như protein, canxi, vitamin… thấp hơn nhiều so với sữa chua, sữa tươi nguyên chất. Có thể nói loại đồ uống này chỉ cung cấp men vi sinh chứ không bổ sung được các chất dinh dưỡng khác. Nếu sử dụng, bạn nên chọn sản phẩm ít đường hoặc không đường để kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể.

Trà Pu’er. Trà Pu’er hay còn gọi là trà Phổ Nhĩ, có tác dụng loại bỏ mỡ thừa rất tốt. Mỗi ngày, một người khỏe mạnh có thể uống 1-2 lần trà Pu’er, mỗi lần 5-6g. Có thể uống trước hoặc sau bữa ăn.

Nhìn chung, người thường ăn dầu mỡ, hút thuốc, uống rượu bia có thể tăng lượng trà phù hợp. Vậy nhưng, phụ nữ có thai, trẻ em, người suy nhược thần kinh, người nhịp tim nhanh cần hết sức chú ý khi dùng loại đồ uống tốt cho sức khỏe này.

Sữa đậu nành. Sữa đậu nành chứa lượng protein thực vật lành mạnh, vitamin E, vitamin K, canxi, isoflavone giúp bổ sung dinh dưỡng và điều hòa lipid máu.

Tuy nhiên, đậu nành có chứa axit oxalic. Khi tự làm, bạn nên ngâm đậu qua đêm (nhiệt độ phòng 20-25°C). Sau đó để ráo nước để loại bỏ bớt axit oxalic và các chất có hại khác.

Chú ý không để sữa đậu nành quá đặc hoặc uống quá nhiều. Người trưởng thành khỏe mạnh không dùng quá 20g đậu hoặc 400ml sữa đậu nành (tỷ lệ đậu nước 1:20) mỗi ngày.

Định Tâm (Theo SH)

HÔN NHÂN TRONG CHIẾN TRANH Ở UKRAINE: LỜI HỨA DƯỚI BOM ĐAN

 

HÔN  NHÂN  TRONG  CHIẾN  TRANH  Ở  UKRAINE:  LỜI  HỨA  DƯỚI  BOM  ĐAN

Chiến tranh ở Ukraine, buộc cặp đôi phải đảo lộn kế hoạch cuộc sống của họ. Đó là câu chuyện của một đôi trẻ, những người sắp thề nguyện với nhau một tình yêu vĩnh cửu. Cô ấy 21 tuổi, anh ấy 24 tuổi, Yaryna và Sviatoslav đã kể cho CNN câu chuyện của họ sau cuộc xâm lược của Nga vào đất nước họ.

Yaryna Arieva và bạn trai Sviatoslav Fursin gặp nhau vào năm 2019 trong một cuộc biểu tình ở trung tâm Kiev. Tình yêu sét đánh và mong muốn mãnh liệt để giành vương miện cho tình yêu trong mơ của họ. Nhưng cặp đôi đã đính hôn không bao giờ có thể ngờ rằng sau một thời gian, đất nước họ sẽ hứng chịu cuộc xâm lược của Nga và đó là thảm kịch của một cuộc chiến tranh.

“Tình hình thực sự khó khăn”, cô dâu nói. “Chúng tôi sẽ chiến đấu vì đất nước của mình. Nhưng chúng tôi có thể chết, vì thế chúng tôi chỉ muốn được ở bên nhau trước đó ”, cặp đôi dự định tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng nhìn ra sông Dnepr. Lễ hôn phối được cử hành tại Tu viện Thánh Michael ở Kiev vào thứ Năm ngày 24 tháng 2, ngày đầu tiên của cuộc xung đột và tiếng còi báo động vang khắp thành phố.

Cặp đôi trẻ khoác tay nhau ngay sau khi hình ảnh của buổi lễ được công khai trên trang cá nhân Facebook: “Bức ảnh này chính là ảnh gia đình đầu tiên sau lễ cưới của chúng tôi. Ngày thứ hai của cuộc chiến. Sự thật sẽ chiến thắng!. “Chúng ta phải bảo vệ đất nước của chúng ta, những người chúng ta yêu thương và mảnh đất chúng ta đang sống”, đây là câu nói được cô dâu đưa ra ngay sau khi lên đường nhập ngũ.

“Có thể người Nga sẽ rời khỏi đất nước của chúng tôi và chúng tôi sẽ có cơ hội ăn mừng tiệc cưới bình thường. Tôi chỉ hy vọng rằng mọi thứ diễn ra tốt đẹp và đất nước của chúng tôi có thể an toàn và hạnh phúc mà không có người Nga”

Câu chuyện của cặp đôi này đã lan truyền khắp các mạng xã hội trong vòng vài giờ, khiến mọi người phải suy ngẫm về những hành động tàn bạo liên quan đến một cuộc xung đột chiến tranh.

Chuyển dịch từ web ilriformista

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

ĐỨC MẸ DẠY TÔI: LÚC NÀY HƠN BAO GIỜ HẾT HÃY TẬP LUYỆN YÊU THƯƠNG TỪNG NGÀY, TỪNG GIỜ, TỪNG PHÚT

 

 ĐỨC MẸ DẠY TÔI: LÚC NÀY HƠN BAO GIỜ HẾT HÃY TẬP LUYỆN YÊU THƯƠNG TỪNG NGÀY, TỪNG GIỜ, TỪNG PHÚT

ĐGM GB Bùi Tuần,Thứ ba - 22/02/2022 

+ Bằng phấn đấu với chính mình.

+ Bằng hạ mình xuống, lo phục vụ người khác.

 1.

+ Bằng phấn đấu với chính mình.

+ Bằng hạ mình xuống, lo phục vụ người khác.

+ Bằng gỡ bỏ mọi phô trương quyền lực.

 2.

+ Bằng dâng cho Chúa những khổ đau của mình, để xin Chúa an ủi kẻ khác đang phải khổ đau.

 3.

Khi tập luyện như thế, hãy xin Mẹ ban ơn giúp sức cho. Bởi vì, phấn đấu với chính mình là chuyện không dễ.

 4.

Điều quan trọng nhất tôi xin với Đức Mẹ, là xin Mẹ luôn ở bên tôi.

Bởi vì Satan nhiều lúc rất hung hăng quả quyết với tôi và Đức Mẹ đã bỏ tôi.

 5.

Nhưng nó thua, vì Đức Mẹ luôn có cách cho tôi nhận ra Mẹ vẫn ở bên tôi.  Cách đó là Đức Mẹ luôn khuyên dạy tôi đến với Chúa, để thực thi ý Chúa.

“Chúa ơi, này con đây, con xin đến để thực thi ý Chúa”

 6.

Chúa cho tôi biết ý Chúa là hãy tôi luyện yêu thương mọi lúc, mọi nơi.

 7.

Một dấu chỉ cho tôi nhận ra tôi có yêu thương người khác thực sự không, đó là tôi có tôn trọng sự tự do của họ không.

 8.

Sống thực sự yêu thương là luôn tránh áp đặt, cưỡng chế, nhưng tôn trọng và khuyến khích tự nguyện lo cho người khác, dám chết thay cho người khác,biết đau cái đau của người khác, biết đền tội thay cho người khác một cách âm thầm mà quảng đại.

 9.

Yêu thương như thế đòi phải tập luyện thường xuyên.

 10.

Trong tập luyện thường xuyên về yêu thương Chúa gửi đến tôi nhiều tấm lòng tốt để nâng đỡ tôi. Họ khổ đau vì tôi và cho tôi.

 11.

Tập luyện yêu thương như thế đang đem lại cho tôi bình an và hạnh phúc.

 12.

Tôi tin chắc Chúa đã cứu tôi, Chúa đã tha tội cho tôi.

Nhất là khi tập luyện yêu thương như thế, tôi cảm nhận chắc chắn: Chúa ở với tôi, Đức Mẹ ở bên tôi.

 13.

Đời tôi có ý nghĩa. Tôi đi về cõi sau một cách bình an trong tình yêu bao la của Chúa.

 Long Xuyên, ngày 22.02.2022

6 cách giúp cơ thể tỉnh táo không cần cà phê

 


Thứ bảy, 12/2/2022, 17:45 (GMT+7)


6  cách  giúp  cơ  thể  tỉnh  táo  không  cần  cà  phê




Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể giúp cơ thể tỉnh táo thay vì phải lệ thuộc vào cà phê.

Nancy Z.Farrell Allen, chuyên gia của Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống, Mỹ, cho biết, nhiều người bị căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian dịch bệnh đang tìm đến cà phê để tỉnh táo.

Nhưng uống quá liều có thể gây lo lắng, bồn chồn. Thậm chí, một số người có thể bị đau bụng, tiêu chảy, số khác có thể gặp các vấn đề về tim mạch như tăng nhịp tim, huyết áp...

Dưới đây là sáu cách giúp cơ thể tỉnh táo mà không cần lệ thuộc vào các đồ uống caffeine mỗi sáng.

Tập yoga 5 phút sau khi thức dậy

"Dành năm phút tập yoga mỗi sáng có thể cải thiện mức năng lượng của cơ thể", theo Stephanie Mansour, chuyên gia về sức khỏe và thể chất của CNN, đồng thời là huấn luyện viên giảm cân cho phụ nữ, nói.

Việc tập luyện giúp cơ thể cải thiện tuần hoàn, giảm bớt tình trạng căng cứng hoặc đau nhức xương. Não bộ cũng được khởi động bằng cách tạo ra hormone endorphin (loại chất được cơ thể sản xuất để giảm căng thẳng và cơn đau).

Dành 5 phút mỗi sáng để tập Yoga giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh. Ảnh minh hoạ: Commune

Dành 5 phút mỗi sáng để tập Yoga giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh. Ảnh minh hoạ: Commune

"Tôi thường tập trung vào các bài tập kéo căng cơ ngực, sau đó là lưng và thân dưới để lưu thông khí huyết và năng lượng", chuyên gia Mansour nói và cho biết các động tác đưa tay qua đầu, duỗi chân sau hoặc tăng tốc nhịp tim đều giúp cải thiện năng lượng.

Còn với Farrell Allen, cô nói sẽ bắt đầu ngày mới với việc tập thể dục sau khi bổ sung nước đầy đủ.

Đi dạo ngoài trời

Đánh thức cơ thể và tâm trí bằng cách vận động tự nhiên sẽ giúp lấy được nhiều năng lượng hơn từ tách cà phê. Đặc biệt, vận động ngoài trời có lợi ích cao gấp đôi.

Theo chuyên gia, đi bộ buổi sáng có thể mang lại cảm giác bình yên, giúp cơ thể hoà mình với thiên nhiên, cây cối. Tăng cường nguồn năng lượng cả trong lẫn bên ngoài.

Nghe các bản nhạc tươi vui

Nghe nhạc giúp nâng cao tinh thần, khiến cơ thể tỉnh táo nhanh. Ảnh minh hoạ: New York Times

Nghe nhạc giúp nâng cao tinh thần, khiến cơ thể tỉnh táo nhanh. Ảnh minh hoạ: New York Times

Nghe các bài hát sôi động vào buổi sáng giúp cơ thể tỉnh táo nhanh, đặc biệt là khi tập thể dục. Nghiên cứu trên tạp chí Frontiers in Psychology năm 2020 cho thấy, âm nhạc có nhịp độ cao tương đương khoảng 170 nhịp tim mỗi phút, có thể thúc đẩy tâm trạng người tập, giảm cản giác đau và mệt mỏi. Đồng thời cải thiện hiệu suất và độ bền.

Nạp đủ nước cho cơ thể

Cơ thể có xu hướng thiếu nước sau một giấc ngủ dài, điều này có thể cản trở hoạt động của não và cơ thể. Khi các cơ quan như thận, phải hoạt động trong môi trường không đủ nước, sẽ tốn nhiều năng lượng để vận hành, theo nghiên cứu của Viện Y tế Mỹ năm 2011. Do vậy, bổ sung một cốc nước lọc cho cơ thể sau khi thức giấc là sự lựa chọn phù hợp.

"Mỗi sáng sau khi thức dậy, tôi sẽ uống một cốc nước lớn, có thể hơi ấm với một chút chanh. Nó giúp tôi bắt đầu một ngày hiệu quả", Farrell Allen nói.

Thử dùng hương thơm

Nến thơm giúp cơ thể tỉnh táo thay vì uống cà phê. Ảnh minh hoạ: Heathyline

Nến thơm giúp cơ thể tỉnh táo thay vì uống cà phê. Ảnh minh hoạ: Heathyline

Liệu pháp hương thơm sử dụng các chất chiết suất từ thực vật thơm và tinh dầu để xông hơi, xoa bóp hoặc tắm trị liệu, có thể hiệu quả với một số người. Hoặc người dùng có thể thay sữa tắm bằng một số loại hương kích thích năng lượng như cam, quýt.

Bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm có mùi cà phê để cải thiện tinh thần thay vì uống.

Ăn sáng thông minh

Một bữa sáng lành mạnh bao gồm protein, chất béo lành mạnh và các nguồn carbohydrate phức tạp, giàu chất xơ sẽ giải phóng đường vào máu với tốc độ chậm, hỗ trợ năng lượng kéo dài hơn, giúp bạn nâng cao độ tập trung.

"Tôi thường ăn pho mát hoặc sữa chua ít béo, phủ thêm quả mọng, granola và quả óc chó. Để tăng cường protein, tôi cũng ăn trứng, thực phẩm thay thế trứng, bánh mì nướng nguyên cám phủ bơ, pudding gạo lứt quế với óc chó", Farrell Allen gợi ý cho những người thường gặp vấn đề về năng lượng vào buổi sáng.

Minh Phương (Theo CNN)

Vì sao ngày càng nhiều người ế?

 

Vì  sao  ngày  càng  nhiều  người  ế?

Chủ nhật, 13/2/2022,vnexpress.net

Một doanh nhân học thạc sĩ ở Đức về, đang trong buổi xem mắt vào tháng 6/2019 thông qua dịch vụ hẹn hò. Ảnh: Rudicaf.

Ngày càng có nhiều người độc thân, trong đó có những người ế vì nội tại, ngược lại có những người ế vì kén chọn.

Trước tiên cần phân biệt "kén" và "ế". Tuy ranh giới giữa hai khái niệm này đôi khi rất mong manh, nhưng không thể đánh đồng.

Kén là khi bản thân có điều kiện tốt nhưng đặt ra nhiều tiêu chuẩn chọn người yêu nên chưa tìm được người ưng ý. Còn ế là nhóm không có nhiều ưu điểm và sự hấp dẫn đối với người khác giới nên khó có cơ hội tìm người kết đôi.

Với 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực hẹn hò, chuyên gia Vũ Nguyệt Ánh, tác giả của hai cuốn sách Hẹn hò kiểu kén và Bắt đầu từ đâu để hết một mình, nhận ra một người độc thân lâu dài đều xuất phát từ những lý do cơ bản như sau.

Tư duy "mình đẹp - mình có quyền"

Tư duy "mình là số 1" - hay "ái kỷ" là một chứng bệnh mà rất nhiều người kén mắc phải. Ai cũng nghĩ mình giỏi, mình đẹp nên mình có quyền, nghĩ mình có điều kiện tốt nên việc đặt ra tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe cho người đồng hành. Vì vậy, họ biến hành trình tìm kiếm tình yêu thành một cuộc tuyển chọn.

Hầu hết nhóm khách hàng này tìm đến bà Ánh với một danh sách dài với những điều kiện kiểu "chắt lọc hết tinh hoa" của một con người đưa vào đó. Đơn cử có một doanh nhân khá thành đạt người Hà Nội yêu cầu tìm đối tượng nữ phải xinh theo một tiêu chuẩn "đóng khung trong trí tưởng tượng" của mình là "mặt không được góc quá cạnh, cũng không được quá tròn, cằm phải thon vào đúng như ảnh mẫu trên mạng, nhưng phải là tự nhiên".

Ảo tưởng

Trong khi người mắc chứng ái kỷ còn có điều kiện và tiêu chuẩn để "có quyền kén". Những người ảo tưởng đáng sợ hơn bởi thực chất họ chẳng có gì mà kén. Họ không định vị đúng bản thân, không đánh giá được mình ở đâu, không nhận ra được những vấn đề, điểm hạn chế của bản thân. "Nhóm này có mặt cả ở nam và nữ giới, song phổ biến ở phụ nữ hơn", Nguyệt Ánh nói.

Chuyên gia Ánh đã gặp không ít khách hàng nữ hình thức "chưa đạt mức ưa nhìn", học vấn và công việc trung bình, gia cảnh bình thường, nhưng đưa danh sách tiêu chuẩn "soái ca". Bà buộc phải từ chối khách hàng này vì một thực tế người đàn ông có nhiều ưu điểm như vậy thường sẽ tìm những phụ nữ tương xứng hơn.

Chưa hoàn thiện diện mạo và kỹ năng xã hội

Có thể do được gia đình bao bọc hoặc đôi khi là do tính cách nên nhiều bạn trẻ hiện nay chưa có ý thức về việc hoàn thiện diện mạo và các kỹ năng xã hội.

Có một nữ khách hàng du học thạc sĩ Pháp về, hiện làm cho công ty tài chính, gia đình giàu có nhưng đầu tóc lúc nào cũng bù xù, ăn mặc khá luộm thuộc và nói chuyện rất cộc lốc. Mẹ của cô gái sẵn sàng chi số tiền lớn nhờ dịch vụ tìm bạn trai cho con, song cuối cùng công ty của Ánh phải từ chối. "Trong 5 năm qua mẹ bạn ấy chi tiền cho hầu hết các dịch vụ hẹn hò ở Hà Nội nhưng bạn vẫn chưa có người yêu, vì một thực tế bạn rất bảo thủ, góp ý thế nào cũng không chịu cải thiện", chuyên gia kể.

Hay như một nam thạc sĩ từ Mỹ về, hiện làm việc cho một cơ quan cấp bộ, rất thiếu kỹ năng tối thiểu khi nói chuyện với phụ nữ. Anh chàng hay chê bai nhưng lại nghĩ mình đang "sống thật" nên vô tư góp ý bạn xem mắt. Kể cả một anh CEO có vốn trăm tỷ về mảng logistic, cũng bị bạn xem mắt "ghét" vì bệnh khoe mẽ.

Chuyên gia hẹn hò luôn nói với khách hàng "trước khi tìm ai đó hoàn hảo dành cho mình, bạn phải trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân cái đã".

Không biết mình muốn gì

Đây là nhóm khách hàng khiến những người làm hẹn hò ngại hơn cả nhóm kén. Họ thể hiện mình dễ tính nhưng thực chất là không biết mình muốn gì. Vì không hiểu rõ bản thân nên họ không biết mình phù hợp với một người như thế nào và một người như thế nào sẽ làm cho mình hạnh phúc.

Việt Nam đang theo xu hướng trên thế giới, độ tuổi kết hôn ngày càng muộn và số người lựa chọn độc thân ngày càng nhiều hơn. Có những người độc thân đã lâu thích cuộc sống này, không muốn mất thời gian vào chuyện hẹn hò, yêu đương. Một bộ phận còn khác muốn yêu nhưng ngại đi tìm. Họ vẫn đang nghĩ việc nam nữ gặp nhau, yêu nhau được là do duyên phận nên cứ đứng im chờ duyên tới.

Tuy nhiên với cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều người đang tìm đối tượng qua mạng xã hội, công ty mai mối hay app hẹn hò, việc chờ đợi một cuộc gặp gỡ giữa hàng triệu người dường như không đơn giản nữa, nhất là khi ngày càng lớn tuổi.

Thiếu cơ hội quen biết với các đối tượng phù hợp

Không chỉ những người sống khép kín, ít chủ động giao tiếp xã hội hoặc những người làm việc trong các môi trường một bề giới tính mới gặp vấn đề này. Rất nhiều người dù tính cách quảng giao, giao tiếp nhiều vẫn cần hỗ trợ để gặp được đối tượng phù hợp.

Một khách hàng nam được mệnh danh là "hot boy", rất hấp dẫn phụ nữ và ai cũng nghĩ không bao giờ thiếu mối. Tuy nhiên anh chia sẻ, các cô gái anh gặp trong mạng lưới quan hệ thường ngày hầu hết đam mê sự nghiệp hoặc cá tính quá mạnh. Trong khi anh chỉ muốn tìm một người vợ nữ tính, tất nhiên, cần có học thức và gia cảnh tốt nhưng lại không quá đam mê sự nghiệp hay cá tính gai góc.

Hoặc có khách hàng nữ đúng hình mẫu "lắm mối tối nằm không". Cô xinh đẹp, thông minh, sống sâu sắc, không để ý vẻ ngoài hào nhoáng của đàn ông mà ưu tiên sự hoà hợp tâm hồn. Trong nhiều năm cô bị rơi vào một tình cảnh trớ trêu là những người đàn ông đủ tự tin và bản lĩnh để theo đuổi cô lại là những người có phần gia trưởng, không có thời gian cho cô và cũng không chú trọng kết nối tâm hồn. Trong khi đó, những người đàn ông ít xuất sắc hơn, đôi khi không đủ tự tin tiếp cận cô.

Tồn tại các vấn đề tâm lý cá nhân

Có những khách hàng ngay buổi đầu tìm đến dịch vụ của Ánh đã lộ ra nguyên nhân tại sao ổn tới vậy mà vẫn ế. "Tôi cảm nhận ở họ có nguồn năng lượng thấp và không có vẻ gì sẵn sàng cho một mối quan hệ mới", chuyên gia hẹn hò này chia sẻ.

Họ bị các ám ảnh tuổi thơ, gia đình, có những người do sang chấn tâm lý, có những người bị tổn thương từ những mối quan hệ cũ hay biến cố khác trong cuộc sống. Họ nói muốn hẹn hò và kết hôn nhưng nhiều khi chỉ là do áp lực từ xung quanh hoặc bản thân thấy cô đơn nên muốn tìm. Trên thực tế ngay cả khi gặp được người phù hợp chưa chắc đã thành và kể cả bén duyên vẫn chưa chắc được lâu dài, bởi nếu bản thân còn chưa hạnh phúc và bình an, rất khó có để yêu thương hay mang hạnh phúc cho người khác được.

Phan Dương

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Ðức Mẹ đặt trong tôi một trái tim thao thức

 

Ðức  Mẹ  đặt  trong  tôi  một  trái  tim  thao  thức

Thứ Năm, 17 Tháng Hai, 2022-ĐGM GB Bùi Tuần



1.

Ðã từ rất lâu rồi, nhưng nhất là lúc này, tôi cảm thấy trong tôi một trái tim thao thức. Thao thức mãnh liệt. Thao thức thường xuyên. Tôi thao thức gặp gỡ Ðức Mẹ Maria, mẹ của tôi.

2.

Khi gặp Ðức Mẹ Maria, tôi thấy Mẹ có đủ mọi tước hiệu, đã được kể ra trong Phụng vụ, trong Kinh cầu Ðức Bà. Nhưng đối với riêng tôi, Mẹ mang một cái gì rất riêng tư. Yếu tố riêng tư đó không thể diễn tả được.

3.

Với yếu tố riêng tư đó, Mẹ là người tôi luôn yêu mến, luôn khao khát, luôn đợi chờ, luôn nhớ nhung, luôn gắn bó.

4.

Tôi luôn thao thức về Mẹ. Thao thức đó luôn đổi mới tôi.

Từ một người hay bi quan, tôi được đổi mới thành người lạc quan. Tôi lạc quan, nhờ có Mẹ.

5.

Từ một người hay sợ hãi, tôi được đổi mới thành người phó thác. Tôi phó thác, nhờ có Mẹ.

6.

Ðổi mới chính mình, nhờ Mẹ. Ðó là điều tôi ca ngợi và cảm tạ Chúa, từng giờ, từng phút.

7.

Thực vậy, tôi thấy không gì vui cho bằng thấy mình được đổi mới theo đúng hướng của Chúa.

8.

Ðức Mẹ là hướng Chúa chọn cho tôi lúc này.

Ðức Mẹ là hướng Chúa cũng chọn cho Hội Thánh lúc này.

Ðức Mẹ là hướng Chúa cũng chọn cho cả nhân loại lúc này.

9.

Với xác tín đó, tôi sống rất mật thiết với Ðức Mẹ. Lúc nào cũng nhớ Mẹ. Việc gì cũng gọi Mẹ.

10.

Ðức Mẹ là thao thức của tôi. Ngay khi tôi dâng thánh lễ, và làm giờ thánh kính lòng thương xót Chúa, tôi vẫn có Mẹ thao thức ở bên tôi. Nhờ vậy mà tôi trở nên bé nhỏ, được Mẹ ấp ủ, yêu thương, an ủi.

11.

Những ngày này, khi nhiều đồng bào của tôi, Tổ quốc của tôi, Hội Thánh của tôi vẫn còn lo lắng với đại dịch, tôi cũng thấy Ðức Mẹ thao thức ở giữa chúng tôi. Có vẻ như Mẹ khóc. Tôi không rõ Mẹ đang nói gì với Chúa. Chỉ chắc là Mẹ nói với Chúa về các con của Mẹ.

12.

Tôi tin, nhờ Mẹ cầu bầu, Chúa đang rộng mở kho tàng lòng thương xót Chúa, để cứu chúng ta.

13.

Ðức Mẹ đang thao thức. Các con của Mẹ cũng đang thao thức. Tôi sống trong bầu khí thao thức đó. Và tôi thấy mình được bình an, một sự bình an mà chỉ Chúa mới ban cho được mà thôi.

14.

Ðến đây, tôi thấy rõ: Biết sống thao thức, đó là một ơn cao quý Chúa thương ban.

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.

Ba nỗi sợ hãi kìm hãm con người

 

Ba  nỗi  sợ  hãi  kìm  hãm  con  người

Thứ sáu, 11/2/2022, vnexpress.net

Có những nỗi sợ kìm hãm bạn, vì thế cần phải xem lại có đáng để sợ không. Ảnh: Bernardmarr

Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, nhưng đó là phản ứng tự nhiên khi con người ở môi trường lạ, thử thách, không chắc chắn.

Vì thế lời động viên "Đừng sợ hãi" dường như vô tác dụng, bởi lẽ chẳng khác gì đang khuyên một người không được cười trước một chuyện hài hước.

Chuyên gia tâm lý Nataly Kogan, tác giả của những đầu sách về tâm lý nổi tiếng đã được giới thiệu trên The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, cho biết có ba loại sợ hãi phổ biến nhất ngăn cản mọi người thành công và cách để vượt qua.

1. Sợ thất bại

Khi tiếp nhận một điều gì mới, không có cách nào để biết liệu bạn có thành công hay không. Nhưng nếu cứ dồn tâm trí để lường hết những sai sót có thể xảy ra, bạn sẽ bị mất năng lượng và tinh thần cho mục tiêu chính.

Để vượt qua nỗi sợ, hãy xác định bao quát vấn đề, rằng mục đích đằng sau những việc bạn phải làm là gì. Tự hỏi bản thân những điều sau:

- Cách nào để những khó khăn, thử thách nào giúp bản thân phát triển hoặc đến gần mục tiêu? Hãy ngừng việc suy nghĩ rằng thứ đối nghịch của thành công là sự thất bại, mà hãy coi thất bại là đối nghịch của sự cố gắng. Bạn thất bại tức là bạn chưa đủ cố gắng.

- Làm thế nào biến những thách thức này để cải thiện cuộc sống của người khác? Đã có nghiên cứu cho thấy khi chúng ta áp dụng tư duy vì xã hội hoặc nghĩ về việc mình làm giúp ích gì người khác, chúng ta sẽ kiên cường và có động lực hơn.

2. Sợ mình không đủ tốt

Nỗi sợ hãi này có thể giống như "Công việc đó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng giao tiếp và tôi rất kém về khoản đó" hoặc "Công ty đó chỉ tuyển người tốt nghiệp đại học lớn, nên tôi không bao giờ có thể vào đây".

Bí quyết để vượt qua nỗi sợ hãi này là tự chỉnh suy nghĩ của mình. Hãy hỏi bản thân:

- Suy nghĩ này có đúng không? Có thể bạn sợ mình sẽ làm rối tung, làm không tốt một bài thuyết trình của nhóm trước công ty và sẽ bị đánh giá. Thực tế, suy nghĩ này bị điều khiển bởi thành kiến tiêu cực trong não và không bắt nguồn từ sự thật.

- Nhận được gì khi nghĩ mình kém? Giả sử bạn vừa được thăng chức, nhưng có một ai đó khiến bạn cảm giác mình không đủ năng lực cho nhiệm vụ mới. Hãy hỏi bản thân: Liệu suy nghĩ này có giúp bạn đảm đương nhiệm vụ tốt không? Dĩ nhiên là không. Một khi nhận ra, hãy nghĩ xem bạn có thể làm gì để tăng cơ hội thành công. Tham gia khóa học nâng cao kỹ năng, đọc sách và học hỏi từ một số người tài giỏi hơn sẽ có ích cho bạn.

3. Sợ làm người khác thất vọng

Không ai muốn là người khác thất vọng, đặc biệt với người mà ta rất ngưỡng mộ, tôn trọng. Nhưng những người thực sự quan tâm đến bạn không phải là giám khảo chấm điểm cho phần trình diễn của bạn. Họ muốn thấy bạn thành công, ngay cả khi phải thử, phải ngã, phải thất bại nhiều lần.

Điều quan trọng là dành thời gian để hiểu bản thân, xác định mục tiêu và xác định thành công có ý nghĩa như thế nào với bạn. Bằng cách này, bạn sẽ ít bị ám ảnh bởi ý kiến của người khác về mình hoặc những kỳ vọng mà bạn nghĩ rằng họ đặt cho bạn.

Bảo Nhiên (Theo CNBC)

Tại sao người ta hôn nhau?


Tại  sao  người  ta  hôn  nhau?

Thứ hai, 14/2/2022-vnexpress.net


Nhiều cặp đôi cho rằng hôn là cách để thể hiện tình cảm và duy trì một mối quan hệ. Ảnh minh họa: Labello

Nhiều người cho rằng nụ hôn đại diện cho tình yêu, sự may mắn, để chào và tạm biệt. Nhưng nụ hôn còn rất nhiều công dụng khác.

Một số nhà khoa học tin rằng hôn là hành động phải được học, bởi khoảng 10% số người trên thế giới không bao giờ hôn trong suốt cuộc đời. Nhưng số khác lại tin rằng hành động này thiên về bản năng và bắt nguồn từ sinh học.

Nụ hôn gây ra phản ứng hóa học trong não, bao gồm cả sự bùng nổ hormone oxytocin - "hormone tình yêu" kích thích cảm giác yêu và muốn gắn bó. Nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ năm 2013 cho thấy, oxytocin có vai trò quan trọng giúp nam giới gắn bó và chung thủy với vợ hoặc người yêu.

Còn xét tới nguồn gốc của nụ hôn, một số nhà khoa học liên hệ tới những giao tiếp xúc giác đầu tiên của một đứa trẻ chào đời là bú sữa mẹ. Hành động này giống như chim mẹ mớm mồi cho đàn con. Bởi vậy, nụ hôn là cách biểu đạt thân thiết, gần gũi, khiến hai cá thể xích lại gần nhau, bằng những thông điệp không lời.

Với những cặp đôi mới quen hoặc yêu lâu, thứ duy nhất giúp duy trì mối quan hệ chính là hormone dopamine - loại chất được giải phóng khi con người làm điều thích thú, hưng phấn, chẳng hạn như hôn hoặc dành thời gian với những người có cảm tình. Đặc biệt, cơ thể càng nhận được nhiều hormone này, sẽ càng ham muốn. Có thể thấy rõ nhất điều này ở các cặp đôi mới yêu, khi phần lớn thời gian ở bên nhau đều để "khóa môi".

Nếu có thể duy trì tần suất hôn ổn định như lúc mới yêu, con người sẽ tiếp tục tận hưởng những lợi ích của những hormone hạnh phúc. Kết quả đăng trên tập san của nhà xuất bản Springer Nature (Berlin, Đức) năm 2013, cho thấy các cặp vợ chồng duy trì thói quen hôn nhau có mức độ hài lòng và mong muốn ở bên cạnh đối phương dài lâu.

Bên cạnh đó, một số nụ hôn còn thúc đẩy ham muốn tình dục. Thực tế, một số người hôn nhau vì tình dục, thay vì tình yêu thuần túy. Nghiên cứu về sự khác biệt về giới tính trong nụ hôn lãng mạn, đăng trong cuốn Tâm lý học Tiến hóa năm 2007, đa số nữ giới được khảo sát nói rằng ít có khả năng quan hệ tình dục với ai đó mà không hôn trước. Họ cũng báo cáo nụ hôn có thể đập tan cơ hội tìm đến người thứ ba. Còn phái mạnh chỉ ra, hôn là cách để các hormone giới tính và protein sản sinh, giúp bạn tình dễ dàng tiếp nhận tình dục.

Ngoài hormone oxytocin và dopamine khiến con người cảm thấy dễ mến, hưng phấn, nụ hôn còn tiết ra serotonin - một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu, vui vẻ.

Có thể nói, nụ hôn khiến cơ thể cảm thấy tốt hơn, giúp con người được kết nối và cải thiện các mối quan hệ.

Minh Phương (Theo Healthline)