Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Sửa thói nhiều chuyện

 

Sửa  thói  nhiều  chuyện

Nguyễn Thị Bích Ngà • Thứ Sáu, 18/02/2022



Trong các giống loài, có lẽ chỉ có con người là nói nhiều hơn những điều cần thiết. Trong các giống người, có lẽ người Việt nói nhiều hơn những điều cần thiết và còn thường xuyên nói bậy, nói lắm, nói chuyện không phải của mình, nói thêm, nói bớt, chung quy lại gọi là nhiều chuyện.

Con người sống trong xã hội nên việc trao đổi thông tin cho nhau là một nhu cầu cần thiết trong đời sống. Nhưng, ở người Việt, cái nhu cầu này dường như không chỉ dừng lại ở việc trao đổi thông tin hữu ích mà còn xâm phạm vào chuyện riêng tư người khác, lấy chuyện người để mua vui, thậm chí để phục vụ cho các thói tính khác như ghen ghét, đố kỵ, hãm hại, trục lợi…

Hồi nhỏ, có lần, tôi từ nhà thằng Đức chạy ào về bảo mẹ, “Mẹ mẹ, nhà thằng Đức mới mua tivi đẹp, quá chừng tiền luôn.” Mẹ dửng dưng, “Ừ. Con gái con đứa gì mà chuyện trong nhà chưa tỏ chuyện ngoài ngõ đã tường vậy con?!” Lúc đó tôi chưa thực hiểu câu dạy đó, chỉ mang máng hiểu mẹ đang mắng.

Mẹ dạy, “Đi qua nhà ai đó chơi, người ta biểu ngồi đâu thì ngồi đó. Không tự ý đi luông tuồng từ trước ra sau. Không được ngó nghiêng chăm bẵm vô vật dụng trong nhà người ta. Không được hỏi người ta cái này bao nhiêu tiền cái kia bao nhiêu tiền.” Tôi thắc mắc, “Sao lại không được hả mẹ?” Mẹ bảo, “Vì như vậy là tò mò tọc mạch, xấu. Rồi nghe chuyện nhà người ta xong chạy về nhà nói hoặc đi nói với người khác thì thành đứa nhiều chuyện. Hổng ai ưa đứa nhiều chuyện. Chuyện nhà mình mình biết, chuyện của riêng mình mình biết, không có đi kể cho người khác nghe. Chuyện nhà người thì nhà người biết. Mình không được tọc mạch rồi nói tới nói lui sẽ thành ra phiền hà và phải tội vì mình đâu hiểu hết chuyện người ta, nói sai sự thật thì mình không tốt.”

Mẹ dạy và nhắc chuyện này rất kỹ, tới giờ tôi vẫn nhớ, nên tuy có nhiều tính xấu nhưng tôi không có tính xấu nhiều chuyện.

Sau này lớn, học thêm cách sống của phương Tây, tuyệt đối tôn trọng quyền riêng tư cá nhân người khác nên tôi càng tránh việc nói chuyện người khác.

Các bạn nói chuyện qua mạng với tôi sẽ nhận thấy rất rõ một điều: Các bạn hỏi gì tôi trả lời cái nấy, tôi chẳng hỏi lại các bạn câu nào: Ở đâu, làm gì, có gia đình chưa, mấy con,… Các bạn nói thì tôi nghe không tự nói thì thôi. Tôi không hỏi, không thắc mắc, không suy đoán.

Thương cho mấy đứa ngoài 25 trở đi lâu lâu về quê hoặc nhà có đám tiệc đông đông họ hàng, người quen đến là mệt mỏi với những câu hỏi: Chừng nào lấy chồng (vợ)? Đi làm lương nhiêu? Vợ (chồng) mày cỡ này sao rồi? Con học hạng mấy? Con em mày nó ung thư giai đoạn mấy rồi?… Không trả lời hoặc tỏ ra bực bội là bị giận, trách, “Xời, người ta quan tâm người ta mới hỏi, không quan tâm thì có cho vàng cũng hổng thèm ngó, làm như quý báu lắm vậy!”

Không ngừng ở đó, bà Năm gặp bà Tám sẽ, “Trời ơi, cái thằng Tư hiền lành vậy mà con Hiền nó bỏ thằng nhỏ à. Chắc có thằng nào giàu cưa rồi.” Cô Sáu gặp chú Bảy kể, “Con Voi nó bệnh ung thư mà bốn năm hổng chết. Người ta bị ung thư một năm là chết rồi. Mà tui có thấy nó lăn lộn đau đớn kêu la chi đâu. Người ta ung thư đau lắm, chịu hổng nổi. Mà tui nó thấy sân sẩn à nghen ông, chắc hổng phải bệnh thiệt!” Con Mắm gặp con Mẹt kêu, “Tao nghe nói con Thảo nó quen một lúc hai ba thằng mày ạ.”…

Mọi người trong xã hội đều bị người khác soi mói, tọc mạch, không công khai thì lén lút. Mọi câu chuyện của mỗi người đều bị người khác nói đi nói lại sau lưng với phần lớn là sự phán xét ẩu tả và ác ý. Không một ai có được sự riêng tư. Không một ai thoát, kể cả khi sống một mình, ít tiếp xúc.

Cái đứa không có tính xấu nhiều chuyện có được yên ổn không? Không. Có lần, tôi đi với một anh bạn vào quán của đứa em uống nước. Chúng tôi gặp anh K. đang ngồi cùng với một cô gái xinh. Cô ấy ôm tay anh và nói chuyện rất vui vẻ. Anh bạn tôi hỏi, “Em, cô kia là bồ anh K.” “Em hổng biết. Hổng quan tâm.” “Trời, nhìn vậy là đoán được rồi. Anh em chơi với nhau mà em kêu hổng quan tâm.” “Dạ, anh K. đâu có giới thiệu với em cô kia là bồ của ảnh đâu. Chừng nào anh K. giới thiệu: ‘Voi, đây là bồ anh’ thì em mới biết. Em không suy đoán. Giả dụ anh K. bị uýnh, bị đau gì thì em có mặt, vậy là quan tâm. Cái não em không hoạt động theo kiểu quan tâm suy đoán chuyện cá nhân.” Anh bạn hờn tôi. Lại có lần, chị bạn ở nước ngoài hỏi, “Voi, chị tin Voi nên mới hỏi nghen, D. với H. yêu nhau hả?” “Em không biết.” “Thân vậy mà kêu không biết?” “Đâu có giới thiệu với em đâu mà chị biểu em phải biết?!” Chị giận tôi, bảo rằng tôi không trung thực, che giấu thông tin!

Cái sự nhiều chuyện gây ra những điều rất tệ: con người sống không thật được với nhau, mất tình cảm, thù ghét trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn giả vờ, chia rẽ người với người, mất niềm tin, gây ra rất nhiều xào xáo trong gia đình, trong cơ quan, trong hội nhóm, trong cộng đồng.

Ai cũng biết nhiều chuyện là tính xấu nên không có một ai thừa nhận là mình nhiều chuyện, toàn đổ cho cả làng nhiều chuyện chừa mỗi mình mình ra. Người ta thường nhân danh sự quan tâm để ngụy biện cho tính nhiều chuyện và lặp đi lặp lại tính xấu với tất cả những người quen biết kể cả không quen.

Ba bà ngồi với nhau lúc nào cũng kể chuyện nhà, kể xấu chồng, than phiền con, hết chuyện nhà câu chuyện sẽ được tiếp diễn tới nhà thằng hàng xóm – những câu chuyện vô nghĩa.

Người Việt mình xấu vậy ư? Tôi nghĩ, nguyên nhân là do người Việt không có chuyện gì khác để nói.

Nếu người Việt chịu đọc sách, chịu quan tâm đến tình hình chính trị xã hội, chịu suy tư hơn thì sẽ có rất nhiều chuyện hữu ích để nói với nhau thay vì đi nói chuyện vô nghĩa.

Như trên đã nói, người nhiều chuyện không nhận mình là người nhiều chuyện, thế thì làm sao sửa được đây?

Trước tiên là nhận ra chính mình. Hãy tự hỏi bản thân có đặt ra những câu hỏi mang tính riêng tư với người khác không? Có hỏi ông A về cô B không? Nghe cô C nói chuyện xong có đi nói lại cho cô D nghe không? Có thắc mắc chuyện riêng của cô V rồi đi bàn luận với chú T không?… Nếu có, ta đích thị là người nhiều chuyện!

Khi nhận ra ta là người nhiều chuyện thì có nghĩa là đã đạt 50% quá trình sửa rồi. Tiếp tục sửa bằng cách kềm chế bản thân như lời mẹ tôi dạy: “Chuyện nhà mình mình biết, chuyện của riêng mình mình biết, không có đi kể cho người khác nghe. Chuyện nhà người thì nhà người biết. Mình không được tọc mạch rồi nói tới nói lui sẽ thành ra phiền hà và phải tội vì mình đâu hiểu hết chuyện người ta, nói sai sự thật thì mình không tốt.”

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà

Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét