Lòng Mến Là Thước Đo Cho Mọi Giá Trị Đạo Đời
CN
5 C - Lm
Nguyễn Hữu An- Fri, 04/02/2022
Đọc lại trình thuật ơn gọi
các Ngôn sứ lớn trong Cựu ước, ta sẽ thấy các ngài luôn ý thức sự thấp hèn bất
xứng của mình.
- Môisen: người chăn cừu cho nhạc phụ Yethrô.
Có một lần ông lùa đàn cừu tận núi Khoreb, bỗng nhiên ông nhìn thấy một quang cảnh
hùng vĩ: Bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi. Bị cuốn hút trong khung cảnh
hùng vĩ ấy, ông chạy đến để nhìn xem. Khi ông tới gần, một tiếng nói uy nghiêm
từ bụi gai tuyên phán: Chớ lại gần, cởi dép ra vì đất ngươi đang đứng là Đất
Thánh. Rồi Chúa gọi Môisen nhưng ông ngại ngùng thoái thác:“Lạy Chúa, tôi là ai
mà dám đối đầu với Pharaon …Từ xưa tới giờ, tôi đâu có lợi khẩu, tôi chỉ là một
đứa nói cà lăm…vì thế, lạy Chúa, Chúa muốn chọn ai thì chọn, sai ai thì sai,
nhưng xin tha cho tôi” ( Xh 3,11;4,13). Chúa thuyết phục Môisen “cứ yên tâm! Ta
sẽ ở với ngươi, cho ngươi làm phép lạ, tài ăn nói và cho cả Aaron nói thay
ngươi”. Môisen đã nhận lời nhưng vẫn run sợ sứ vụ cao cả Chúa trao.
- Isaia đã kể lại ơn gọi
của mình: Trong một thị kiến đã nhìn thấy Đức Chúa trong một khung cảnh huy
hoàng của Đền thờ. Các Thiên Thần tung hô “Thánh! Thánh! Thánh! Đức Chúa đạo
binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”. Tôi thốt lên với tất
cả nổi kinh sợ: “ Khốn cho tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế,
tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa
các đạo binh!”. Một trong các thần Xêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn
than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than vào ấy
chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được
tha lỗi và xá tội”. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán; “Ta sẽ sai ai đây?
Ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi thưa: “dạ con đây, xin sai con đi” (Is 6,1-8).
- Giêrêmia cũng kể về việc
Chúa gọi ông: Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: “Trước khi cho ngươi thành
hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh
hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho dân”. Nhưng tôi thưa: “Ôi! Lạy Đức Chúa
là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”. Đức Chúa phán với
tôi: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu ngươi cứ đi; Ta truyền cho
ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát
ngươi”. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: “Đây Ta đặt lời Ta vào
miệng ngươi. Coi, hôm nay Ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật,
để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,4-10).
Các Ngôn sứ luôn có tâm
trạng kinh hãi đến run sợ trước sứ vụ Thiên Chúa trao. Tại sao phải kinh khiếp
và run sợ như vậy? Nổi run sợ phát xuất từ cảm nhận cùng một lúc sự thánh thiện
tuyệt đối của Thiên Chúa và thân phận tội lỗi của mình. Cảm nhận khoảng cách
tuyệt đối giữa Thiên Chúa Chí Thánh và con người yếu đuối; giữa sứ vụ trọng đại
và thân phận hèn mọn bé bỏng của mình.Ý thức khoảng cách ấy làm cho con người
ta run sợ.
Trang Tin Mừng hôm nay
cũng thuật lại, ngư phủ Simon run sợ, cảm nhận sự thấp hèn trước Thiên Chúa chí
thánh. Thấy mẻ cá lạ lùng, Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói : “Lạy
Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” ( Lc 5,8). Chúa không tránh xa
mà lại gần và chọn Phêrô: Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá. Thế rồi:
Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Từ ngày theo Chúa, cuộc đời
của Phêrô có nhiều sôi nổi, có nhiều lỗi lầm, nhiều va vấp và nhiều yếu đuối.
Cho đến khi xác tín ba lần: “Thưa Thầy, Thầy biết là con yêu mến Thầy”, thánh
Phêrô đã viết nên một thiên anh hùng ca cho Giáo hội sơ khai, rao giảng, làm chứng
và chết cho Chúa Giêsu.
Đức cha Giuse Võ Đức Minh
suy niệm về ba nét đẹp của cuộc đời Thánh Phêrô, đó là người môn đệ đi theo
Chúa, người môn đệ yếu đuối và vấp ngã, người môn đệ yêu mến Chúa (x.bài giảng
tĩnh tâm linh mục GP Phan thiết năm 2010).
Từ bỏ để đi theo Chúa.
Không thể đi theo Chúa nếu
không có sự từ bỏ. Khoa khảo cổ bên thánh địa đã khai quật lên cơ ngơi của
thánh Phêrô. Ngôi nhà lớn kế bên biển hồ Tibêria.Theo những chuyên viên về khảo
cổ thì thánh Phêrô là người rất giàu có, có những đội thuyền, có gia sản, sự
nghiệp và có người vợ yêu quý.
Theo Chúa nên Phêrô đã từ
bỏ tất cả: gia sản, của cải, danh vọng, ngay cả tình yêu chính đáng của mình. Sự
từ bỏ này đưa Phêrô tới một hồng phúc rất lớn lao đó là yêu mến Chúa Giêsu. Từ
bỏ để yêu mến và đi theo Chúa.
Tất cả những ai tin Đức
Giêsu là Đấng Kitô mới có thể trung thành đi theo Người.Chúa Giêsu bộc lộ sứ mạng
của Đấng Kitô là phải lên Giêrusalem, chịu nạn, chịu chết, ngày thứ ba sống lại.
Phêrô yêu mến Chúa, gắn bó với Chúa nên thủ thỉ với Thầy và tìm mọi cách can
ngăn. Chúa Giêsu quay lại trước mặt anh em và mắng Phêrô: Xéo đi Satan! Chúa
nói công khai. Trong đời có vị tông đồ nào bị mắng như thế chứ kể cả Giuđa bị
mang tiếng là Satan. Phêrô hiểu được rằng đã là môn đệ đi theo Chúa thì không
được đi trước mặt Chúa. Đây là cốt lõi của vấn đề cuộc hành trình người môn đệ.
Phêrô cản Chúa nghĩa là muốn đi trước Chúa. Phêrô không thể mở đường vào ơn cứu
độ. Phêrô phải đi sau lưng để Chúa đi trước. Người môn đệ đi sau Thầy của mình,
người môn đệ đặt vết chân của mình vào dấu chân của Thầy, người môn đệ không lớn
hơn Thầy của mình. Bài học này Phêrô thật thấm thía. Từ bỏ để yêu mến, yêu mến
để đi theo. Phêrô rao truyền bài học ấy cho mọi người.
Yếu đuối vấp ngã để khiêm
tốn
Theo Chúa nhưng Phêrô là
môn đệ yếu đuối và vấp ngã. Thường tình khi nói về một vị thánh, người ta thường
nói những điểm tốt nhất, tích cực nhất, anh hùng nhất để ca ngợi. Còn về Phêrô,
nếu đọc kỹ Thánh kinh sẽ thấy thật lạ lùng. Phêrô có nhiều giới hạn, nhiều khuyết
điểm và thậm chí rất nhiều vấp ngã.
Chúa đã chọn Phêrô ở giữa
những con người tầm thường. Chúa không thay đổi sự tầm thường của Phêrô, nhưng
xuyên qua sự tầm thường của Phêrô, Chúa trao ban kho tàng vô giá. Thấm thía điều
đó nên sau này một người bạn của Phêrô là Phaolô đã nói: “Tôi chỉ là chiếc bình
sành dễ vỡ trong khi tôi được chứa đựng kho tàng vô giá là Đức Giêsu Kitô”.
Qua những yếu đuối và vấp
ngã của Phêrô, Chúa đã uốn nắn con người từng bước một. Xuyên qua những va vấp
lỗi phạm của Phêrô, Chúa nâng đỡ và tha thứ cho ông. Một con người cần người
khác nâng đỡ thì họ không bao giờ quá tự tin. Một con người cần lãnh nhận ơn
tha thứ thì sẽ dễ dàng nói lời tha thứ với những người xung quanh, dễ cảm thông
với người thất bại. Không yếu đuối, không cảm thông. Không phạm tội, không thể
nào hiểu được niềm hạnh phúc của con người được tha thứ. Nói như thế không có
nghĩa là nên phạm tội. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm đó. Thánh Phaolô nói
rằng: “Điều phải làm tôi lại không làm, điều phải tránh tôi lại làm”.
Suy niệm về kinh nghiệm yếu
đuối và vấp ngã của Phêrô để chúng ta không trở nên những quan tòa. Khi tin rằng
mình vững vàng mà quên ơn Chúa thì có thể sẽ vấp ngã. Đêm tiệc ly, Chúa Giêsu
nói “Đêm nay chúng con sẽ bỏ Thầy mà đi hết”. Mọi môn đệ khác im lặng lắng nghe
run sợ, còn Phêrô gần như vỗ ngực để thưa với Chúa rằng: “Thà chết không bỏ Thầy,
con sẵn sàng liều chết với Thầy”. Chúa nói: “Đêm nay trước khi gà gáy, con sẽ
chối Thầy ba lần”. Phêrô tự phụ: “Người khác chối chứ làm sao con chối Thầy được”.
Vậy mà sau đó Phêrô chối Thầy đến ba lần.Nếu không tựa vào ơn của Chúa, chúng
ta sẽ vấp ngã. Nếu không có ơn Chúa, sức người không thể nào làm được. Thánh
Phêrô để lại cho chúng ta bài học rất quý giá. Người môn đệ với nhiều lỗi lầm
đi theo Chúa. Điều lạ lùng là Phêrô không bao giờ giận Chúa, không lúc nào bỏ
Chúa mà vẫn luôn xác tín “bỏ Thầy con biết theo ai?”. Điều hết sức huyền nhiệm
là Chúa lại chọn người yếu đuối vấp ngã ấy làm Tảng Đá để xây dựng Giáo hội và
trao chìa khoá Nước Trời.
Yêu mến Chúa hết tâm hồn.
Thánh Phêrô là con người
yếu đuối hay lầm lỗi nhưng rất chân thành và tràn đầy lòng yêu mến Thầy.Trong
cuộc khổ nạn của Chúa, Thánh Phêrô đã bộc lộ sự yếu đuối và lòng mến của mình
cách rõ ràng nhất. Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy đến ba lần.
Phêrô chối Thầy vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy. Trước cái chết
của Thầy, Phêrô rùng mình sợ hãi, tìm đường chạy trốn. Lúc bình tĩnh lại, đối
diện với sự yếu đuối và vấp ngã của mình, Phêrô đã khóc lóc hối hận, nước mắt
ăn năn nhạt nhoà khuôn mặt hốc hác hằn những nếp nhăn. Gà gáy lần thứ ba, Phêrô
nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa trẻ,
khóc thoả thích, khóc cho vơi hết bao sầu muộn chất chứa trong lòng.
Cuộc đời Thánh Phêrô là sự
giằng co giữa yếu đuối và dũng cảm, giữa trọn vẹn và dang dở. Trái tim ngài có
u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Sứ vụ Tông đồ có tự tin gặp
vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Chính trong sự vấp ngã vì yếu đuối, cuộc đời
của Thánh Phêrô vẫn luôn có một tấm lòng yêu mến, gắn bó với Chúa.
“Tôi đi đánh cá đây, anh
em hãy đi với tôi”. Lao nhọc vất vả suốt đêm mà không được gì cả. Đang lúc chán
nản thì có tiếng bảo: Hãy thả lưới bên hữu thuyền. Phêrô buông lưới và cá quá
nhiều, họ kéo cá lên, thuyền gần như chìm. Khi đó, có tiếng nói của Gioan: Chúa
đó. Lời ấy như nhắc bảo Phêrô, tự sức mình không đưa tới kết quả đâu. Phải có
Chúa, bao lâu hình ảnh của Chúa rọi soi nơi lời nói, việc làm, đời sống của
Phêrô thì bấy giờ mới có thành quả. Còn nếu Phêrô chỉ dựa trên tài sức của
mình, dù lao nhọc suốt đêm không bắt được một con cá nào.
Chúa đã thu phục nhân tâm
bằng yêu thương. Chúa gọi Phêrô ra một bên và hỏi: Con có mến Thầy không? Lần
thứ nhất Phêrô trả lời: Lạy Chúa, có. Lần thứ hai ông nói: Lạy Chúa, có. Lần thứ
ba Chúa hỏi thì Phêrô buồn vì Chúa hỏi cùng một câu hỏi đến ba lần. Nhưng Phêrô
xác tín : Lạy Thầy, Thầy thông hay mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Và Chúa
nói : Hãy chăm sóc đoàn chiên. Giống như Đức Maria thưa : Này tôi là tôi tớ
Chúa ; Phêrô nói: Con chỉ là vật mọn phàm hèn trước mặt Chúa mà thôi. Chính khi
đó, Chúa Giêsu mới trao cả Hội Thánh cho Phêrô. Con biết con là ai thì con có
thể chăm sóc Hội Thánh; bởi vì con đang làm công việc Thiên Chúa ủy thác và tin
tưởng con. Con đang làm việc của Chúa!
Nhìn cuộc đời Thánh Phêrô
ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim ông lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả
khi Chúa bảo ông là Satan, ông cũng không giận Chúa. Ngay khi vì sợ hãi mà chối
Chúa thì ông vẫn yêu mến Chúa. Không phải vì Phêrô yếu đuối hay tội lỗi mà Chúa
bỏ ông. Tình yêu chân thành trong tâm hồn ông làm Chúa giữ ông lại và đặt làm
lãnh đạo đoàn chiên của Chúa.Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh có một dung mạo
là người môn đệ đi theo Chúa, người môn đệ yếu đuối và vấp ngã, nhưng đã đứng dậy,
không chán nản, không để mất phương hướng, không đầu hàng, không bỏ cuộc; người
môn đệ sống bởi ơn Chúa, chan hòa ân sủng, bình an, niềm vui của Chúa. Hội
Thánh được xây dựng trên Tảng Đá là tông đồ Phêrô, hay đúng hơn là trên đức Tin
vào Chúa Giêsu là "Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16; 1Cr
3,10). Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì để trở thành viên đá sống động xây nên
tòa nhà Hội Thánh (x.1Cr 3,16-17), hay nên Đền Thờ của Thiên Chúa, có nền móng
là các Tông Đồ và Ngôn Sứ, và Đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa tin
tưởng và trao trách nhiệm cho người từ bỏ đi theo Chúa, hiểu biết Chúa, yêu mến
Chúa và đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Chúng con sẽ được Chúa tin tưởng và trao sứ
mệnh xây dựng Hội Thánh, nếu chúng con có lòng tin, lòng cậy và lòng mến Chúa
cho dù chúng con yếu đuối hay vấp ngã. Xin Chúa cho chúng con có một đức tin vững
chắc, một lòng cậy trông tín thác và một lòng mến chân thành như Thánh Phêrô để
chúng con có thể trở thành một viên đá sống động, góp phần xây nên tòa nhà Hội
Thánh. Khi yêu mến Chúa, chúng con sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng
con luôn xác tín lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét