Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Valentine biến mất sau đám cưới


Valentine  biến  mất  sau  đám  cưới

Thứ hai, 14/2/2022,


Bình hoa hơn 200 đóa hồng nhập ngoại người chồng ở quận 3, TP HCM tặng vợ nhân Valentine, tháng 2/2018. Ảnh:Vân Nguyễn.

Mười năm kết hôn, Mai chỉ nhận được quà Valentine của chồng một lần vào năm đầu tiên. Những năm sau, cô chỉ nhận được sự khó chịu của chồng, nếu gợi ý.

Cô "nhớ như in" ngày 14/2 năm ngoái, con gái 9 tuổi thắc mắc: Tại sao cô Lan (hàng xóm) được tặng hoa còn mẹ thì không?.

"Từ lâu tôi không còn cảm nhận tình yêu của chồng. Cuộc hôn nhân này đã tê liệt từ lâu, nó chỉ được duy trì vì hai đứa con", Thanh Mai, 37 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nói.

Cô là nhân viên văn phòng, ngày đi làm, tối lo con cái cơm nước. Chồng Mai là giám đốc doanh nghiệp, đi sớm về muộn. Giờ giấc khác biệt, có những ngày họ chẳng chạm mặt nhau. Bởi vậy, những ngày như 14/2 cô rất trông chờ, để hâm nóng tình cảm vợ chồng.

Trước đây, Mai cũng gợi ý khéo khi kể bạn bè, đồng nghiệp được chồng tặng hoa, socola... nhưng chồng chỉ nhăn mặt bảo: "Vẽ chuyện, lấy nhau rồi cần lãng mạn gì nữa". Nghe xong, người vợ im bặt. Nhớ lại khoảng thời gian yêu nhau bốn năm, chẳng khi nào anh quên quà hoa vào những ngày này. "Anh ấy đã thay đổi quá nhiều. Valentine của tôi đã biến mất ngay sau đám cưới", cô thở dài.

Phương Nga, sống tại Mỹ Đình, Hà Nội cũng thừa nhận " 365 ngày trong năm y chang như nhau, trừ Tết". Hồi mới cưới, vào ngày lễ Tình nhân, chồng cô cũng mua hoa nhưng bị vợ phàn nàn đắt đỏ, lãng phí rồi quy ra bỉm sữa cho con. Thấy thái độ "gạo tiền" của vợ, anh chồng chán, dần dần ngó lơ những ngày lễ. Mấy hôm nay, đi làm qua các hàng hoa, Nga bỗng thấy tủi thân.

Một bông hồng đỏ nhuộm có màu lạ được ưa chuộng tại cửa hàng hoa TP HCM vào dịp lễ Valentine năm 2022. Ảnh:Thanh Vân

Bông hồng in chữ "LOVE" tại một cửa hàng hoa ở quận 1, TP HCM rất đắt hàng dịp lễ Valentine năm 2022. Ảnh: Thanh Vân

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyện "Valentine biến mất sau đám cưới" là điều dễ hiểu và thường xảy ra khi cuộc sống hôn nhân bị phủ bóng bằng gạo, dầu, mắm muối, sự lãng mạn dường như trở thành một thứ xa xỉ. Tuy vậy, dường như các vợ chồng quên mất một điều người kia vẫn đang âm thầm mong đợi nhận được "điều gì đó" từ nửa kia của mình.

Khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến W&S tiến hành năm 2012 với 2.000 người tại một số thành phố lớn ở Việt Nam cho thấy, 39% cho rằng ngày lễ Valentine có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chỉ 17% coi ngày lễ Valentine chỉ đơn thuần là "theo trào lưu". Lý do quan trọng nhất thúc đẩy mọi người mong đợi ngày lễ Valentine là "vì có cơ hội hâm nóng tình cảm", tương ứng 33% sự lựa chọn. Đứng đầu trong những món quà mong muốn được tặng nhất trong dịp lễ Valentine chính là "Một nụ hôn ngọt ngào", chiếm 58%, sau mới đến nước hoa, quần áo, chuyến du lịch hai người...

"Khi đã là vợ chồng vẫn cần thể hiện tình yêu. 14/2 chính là dịp nhắc chúng ta tạm bỏ công việc để chạm vào nhau nói lời yêu thương, nhắc cho nhau về tình yêu của mình", ông Tú nói.

Theo nhà văn, ngày lễ này giống như một hồi chuông báo thức. Nếu như chuông vang lên mà người chồng vẫn quên mất vợ mình, người vợ vẫn thui thủi một mình thì hôn nhân đó đã "chết lâm sàng".

Dù không còn ở cái tuổi thích "nụ hôn ngọt ngào" nhưng bà Hồng Vân, ở Văn Giang, Hưng Yên vẫn cảm động mỗi khi được chồng tặng hoa vào ngày Valentine. Hai ông bà đều ngoài 60 tuổi, họ thường bị con cái trêu: "Bố mẹ còn lãng mạn hơn lớp trẻ". Từ hồi về hưu, ông Cường trồng vài bụi hồng trong vườn, cứ đến ngày tình nhân hay 8/3, ông lại hái một bó to tặng vợ.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, trải nghiệm và cảm nhận về cuộc sống hôn nhân của người này không thể áp dụng cho người khác. Không phải ai cũng thích hoa hồng, điều cần là tìm ra con đường hạnh phúc cho riêng mình. "Hạnh phúc trong hôn nhân luôn có điểm chung, đó là sự quan tâm và thấu hiểu". Quan tâm không phải bằng lời nói suông, cũng không phải là thứ trừu tượng, mà rất rõ ràng: Sự ưu tiên. Người chồng nghĩ tới vợ đầu tiên trong danh sách ưu tiên của họ như bỏ điện thoại xuống khi nghe tiếng vợ thở dài, hay xếp lịch ưu tiên vợ trước những việc khác nếu như không quá cấp thiết. Ưu tiên cả khi vợ chưa nói ra, là để tâm đến vợ mình nhiều hơn. Đừng hơn thua với vợ. Đừng tranh thắng với vợ.

"14/2 xét cho cùng là dịp để chúng ta nhắc nhau rằng: Anh trân trọng em, anh trân trọng cuộc hôn nhân này thay cho lời cảm ơn vì đã có mặt bên nhau", nhà văn khẳng định.

Nếu người vợ làm nội trợ, vào ngày Lễ Tình nhân, người chồng chỉ cần chủ động nấu ăn và nói với vợ: "Anh cảm ơn em vì tất cả", trái tim cô ấy hẳn sẽ rất ấm áp. Hoặc như người chồng bận rộn với công việc, luôn trở về nhà khi đã tối muộn. Ngày 14/2, vợ hãy chuẩn bị bữa tối và nói với chồng "Dù anh về muộn thế nào, em cũng sẽ đợi". Chắc chắn, họ sẽ ngập tràn hạnh phúc.

"Chỉ cần hành động từ trái tim, dù những điều vụn vặt cũng thể hiện được hơi thở của tình yêu", tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Minh, Phân viện Học viện quốc gia TP HCM chia sẻ.

Theo tiến sỹ, với những cặp kết hôn đã lâu, sự quan tâm không thể hiện dựa trên giá trị quà tặng, điều quan trọng là tình cảm chân thành của người tặng. Nếu Valentine được chồng tặng quà, những ngày còn lại không quan tâm tới vợ con, người vợ cũng chẳng thể hạnh phúc. Thứ giá trị nhất mà vợ chồng có thể tặng cho nhau chính là sự chia sẻ, cảm thông, kéo đối phương vào cuộc đời mình.

Hôn nhân càng dài không đồng nghĩa với việc tình yêu được bảo chứng bền vững. Hôn nhân càng lâu năm càng cần đượm đà để không bạc màu đi. Thứ khiến cho hôn nhân đượm đà chính là việc vợ chồng không quên "chất củi" hâm nóng, chăm bẵm và làm mới nó. "Ngày 14/2 là một trong những thời điểm tốt để thực hành điều đó", bà Minh khẳng định.

Sau nhiều năm không có Lễ Tình nhân, năm nay Mai quyết định tạo bất ngờ cho chồng khi chủ động đặt một bàn ăn chỉ có hai người với lý do không muốn hôn nhân của mình chết già. Còn với Nga, nhận được lời rủ đi xem phim của chồng khi Hà Nội vừa mở lại các cụm rạp, cô lập tức đồng ý, kèm lời nhắn: "Valentine nào em cũng muốn có riêng hai đứa mình".

Hải Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét