Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Lệnh truy nã



Lệnh  truy  nã
(Sun, 29/03/2015 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)



 Truy nã là biện pháp mạnh áp dụng cho những kẻ phạm pháp nghiêm trọng mà bỏ trốn, không thành tâm sám hối, không đầu thú. Dạng truy nã đặc biệt là dạng mạnh mẽ đối với kẻ phạm tội nguy hiểm, có thể truy nã toàn quốc hoặc quốc tế. Có những lệnh truy nã với giải thưởng cao dành cho người phát hiện kẻ bị truy nã.

Mỗi lãnh thổ, mỗi quốc gia, mỗi vùng,... đều có luật pháp riêng. Trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản liên quan không có thuật ngữ “truy nã địa phương” hoặc “truy nã toàn quốc”, bởi bất kỳ ai, ở địa phương nào cũng có quyền bắt người truy nã, vì vậy hiệu lực về lãnh thổ của lệnh truy nã được ngầm hiểu là toàn quốc. Việc truy nã quốc tế cũng không có quy định cụ thể, bởi tính khả thi của việc thực thi luật pháp Việt Nam ngoài phạm vi lãnh thổ.

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ tội phạm. Theo điều 82 của Bộ luật Tố tụng Hình sự về việc bắt giữ người đang có quyết định truy nã: “Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến các cơ quan thẩm quyền ở nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Thông thường, công dân Việt Nam phạm tội tại Việt Nam sẽ áp dụng phạm vi truy nã trên toàn quốc, trong trường hợp có căn cứ hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền, phối kết hợp với Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) hoặc các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để thực hiện việc bắt và dẫn độ người phạm tội về nước để xét xử.

Với những tên tội phạm “khét tiếng”, tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế, việc truy nã là điều cần thiết và cấp bách, vì họ có thể nguy hiểm cho cộng đồng nhân loại. Đó là điều tất nhiên, ai cũng đồng tình, chắc chắn chẳng ai phản đối. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, từ Á sang Âu, có một người bị truy nã ráo riết, bị coi là tội phạm đặc biệt, dù con người này không chỉ vô tội mà còn rất nhân lành: Đức Giêsu Kitô.

Trình thuật Ga 11:45-54 (tương đương Mt 26:1-5; Mc 14:1-2; Lc 22:1-2) cho biết rằng các thủ lãnh Do Thái đã quyết định tìm mọi cách bắt giết Đức Giêsu cho bằng được.

Trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria – em gái của cô Mácta và chị của cậu Ladarô, họ được chứng kiến việc Đức Giêsu làm và có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Đúng là tâm địa xấu, thóc mách vì ghen tức. Thấy người khác giỏi hơn thì tìm cách trù dập, thấy người khác tốt lành hơn thì gièm pha,... Ngày nay, loại người này vẫn thấy nhan nhản ở khắp nơi, từ cộng đồng xã hội tới cộng đồng tôn giáo.

Sau khi nghe lũ “bà tám” rỉ tai như vậy, các thượng tế và các người Pharisêu liền triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11:47-48). Rõ ràng ghen tức, nhỏ mọn, hèn hạ. Tại sao người ta tin Ông Ấy? Tại sao mình không được người khác tin? Tại sao không tự xét mình để chấn chỉnh mà lại ngậm máu phun người?

Ngay lúc đó, một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11:49b-50). Khốn nạn thật! Ra cái vẻ nhân đức, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tâm, nhân hậu, nhân từ,...! Đủ thứ “nhân” mà không hề đức độ, chỉ như “nhân” của loại hạt hoặc chiếc bánh mà thôi!

Ông ta không tự mình nói ra điều đó, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi mà còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giêsu. Do đó, Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa. Ngài đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim, rồi ở lại đó với các môn đệ.

Như vậy, Lệnh Truy Nã đã được chính thức công bố, yết thị khắp nơi!

Chúng ta nhớ lại một lần nọ, Đức Giêsu đã khiển trách nặng với ba “cái khốn” dành cho các người Pharisêu và các nhà thông luật: “Khốn cho các người, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, dù một ngón tay cũng không động vào. Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11:46, 47 và 52).

Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận ra mặt, và vặn hỏi Ngài về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Ngài nói điều gì sai chăng (Lc 11:53-54). Thật kinh khủng quá, nghe mà rợn cả người! Họ là ai? Là người có chức quyền, có địa vị, cả xã hội và tôn giáo.

Một lần khác, sau khi nghe những dụ ngôn Chúa Giêsu kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Ngài ám chỉ họ. Thế là họ tìm cách bắt Ngài, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là một ngôn sứ (Mt 21:45-46). Dịp may chưa đến với họ. Và họ tiếp tục ngấm ngầm toan tính mưu mô thâm hiểm.

Còn nữa, sau khi nghe Chúa Giêsu nói dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22:1-14; Lc 14:15-24), nhóm Pharisêu nhận thấy Ngài cũng nói về chính họ nên họ đã toa rập với nhau tìm cách bắt giết Ngài. Họ đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy về việc nộp thuế cho Xêda, nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, giả hình, bảo họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22:21). Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Ngài lại đó mà đi, nhưng trong lòng ấm ức lắm.

Điều gì đến cũng sẽ đến, chỉ hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi (Mc 14:1). Tệ hơn là chính Giuđa Ítcariốt, một người trong Nhóm Mười Hai, “đi đêm” với các thượng tế để nộp Ngài cho họ. Nghe vậy, họ rất mừng và hứa cho tiền. Gã Giuđa liền tìm cách nộp Ngài sao cho tiện (Mc 14:11). Ném đá nhưng muốn giấu tay, thọc gậy bánh xe hoặc giật dây, nhưng đó là lỗi của cái gậy hoặc sợi dây, chứ “tôi vô can”, nếu cần thì rửa tay như tổng trấn Philatô (Mt 27:24). Vô tư!

Chúa Giêsu đã bị chê là lộng ngôn, khùng điên, ba trợn, thậm chí tên cướp khét tiếng Baraba còn được coi là “tốt lành” hơn Chúa Giêsu, thế nên hắn đã được hưởng ân xá đặc biệt là được tha bổng vô điều kiện (Mt 27:11-26; Mc 15:2-15; Lc 23:13-25; Ga 18:28-40).

Muốn so sánh thì phải có ít nhất hai cái. Nếu không có cái so sánh thì lấy gì phân biệt? Thật vậy, có cái xấu mới khả dĩ nhận ra cái đẹp, có cái ác mới khả dĩ nhận biết cái thiện. Tất cả chúng ta đều là người xấu (x. Lc 11:13), đã từng xấu xa bằng cách này hay cách nọ, và chúng ta cũng đã từng suy nghĩ hoặc nói ra như Kinh Thánh đề cập: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2:12). Nhận biết mình xấu thì mới biết thương người xấu, nhờ đó mà nhận thấy chí lý khi Chúa Giêsu dạy PHẢI yêu thương kẻ thù (Mt 5:43-48; Lc 6:27-35). Động từ “phải” nói lên sự bắt buộc, nhưng rất thấm thía! Thánh Ý Chúa mầu nhiệm, “mọi lời Thiên Chúa phán đều được chứng nghiệm” (Cn 30:5).

Khi Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem, khoảnh khắc vinh quang quá vắn vỏi, ngay sau đó là khoảng đau khổ dài dằng dặc. Cuộc đời chúng ta cũng không thể không như vậy, niềm vui quá ít và nhỏ nhoi, nhưng nổi sầu khổ quá nhiều và quá lớn. Nếu ví cuộc đời là chiều dài 1m thì khoảng vui chỉ dài 1dm, mà khoảng buồn dài tới 9dm.

Có lẽ ít người lưu ý câu Kinh Thánh này: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11:14). Điều này giúp chúng ta nhận biết sự mầu nhiệm của Thánh Ý Chúa, chúng ta không bao giờ hiểu hết. Chúng ta đừng bao giờ “truy nã” nhau, và hãy ghi nhớ điều này suốt đời: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi” (Cn 3:5-6).

Tuần Thánh bắt đầu, chúng ta cố gắng đồng hành với Đức Kitô suốt Đường Thánh Giá, hãy nhìn sâu vào mắt Ngài và nghe di ngôn mà Ngài căn dặn lần cuối: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).

Lạy Chúa-Giêsu-đau-khổ, xin thương xót chúng con, xin biến đổi chúng con, và chúng con xin tín thác vào Ngài. Xin giúp chúng con chịu đau khổ với Ngài, chịu chết với Ngài, và được phục sinh với Ngài – Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến thiên thu vạn đại. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Tam Nhật Vượt Qua

Tam   Nhật   Vượt   Qua
(Tue, 24/03/2015 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)


Tam Nhật Vượt Qua (Paschal Triduum), cũng gọi là Tam Nhật Thánh (Holy Triduum) hoặc Tam Nhật Phục Sinh (Easter Triduum). Đó là trung tâm điểm của đức tin: Sự Chết và Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

GIỚI THIỆU

Tam nhật Vượt qua – gồm Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), Thứ Bảy Tuần Thánh (Holy Saturday), và Lễ Phục Sinh (Easter). Điều này bao gồm Đêm Vọng Phục Sinh (Great Easter Vigil), đỉnh cao của Tam Nhật Thánh. Từ Triduum có gốc tiếng Latin nghĩa là “ba ngày”. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào kinh chiều (Evening Prayer) của Chúa Nhật Phục Sinh. Như vậy, Tam Nhật Thánh gồm 3 ngày trọn vẹn bắt đầu và khết thúc vào chiều tối. Tam Nhật Thánh là một phần của Mùa Chay (ít là theo phụng vụ), nhưng Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn được tính vào 40 ngày Mùa Chay truyền thống. Tam Nhật Thánh cử hành trung tâm điểm của đức tin và ơn cứu độ: Sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Như vậy, Tam Nhật Thánh tưởng niệm Bí tích Thánh Thể (Bí tích của các Bí tích), cuộc khổ nạn, sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Cùng với việc Thăng Thiên, các sự kiện quan trọng này tạo nên Mầu nhiệm Vượt Qua (Paschal Mystery).

Mặc dù năm phụng vụ khởi đầu vào Mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào Lễ Phục Sinh, lễ trọng của các lễ trọng, gọi là đại lễ. Giáo lý Công giáo mô tả tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh thế này:

Bắt đầu bằng Tam Nhật Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này, năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là “năm của ân sủng Thiên Chúa”. Sự cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên báo là “sự nếm trước” và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng ta (Giáo lý Công giáo, số 1168).

LỊCH SỬ

Các Kitô hữu tưởng niệm cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự sống lại của Ngài là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng lễ Phục Sinh. Trong Đêm Vọn Phục Sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu vào sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các tân tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.

Từ việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đêm Vọng Phục Sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công giáo Tây phương. Luật năm Phụng vụ và lịch Phụng vụ đã tái tiết lập Tam Nhật Thánh là mùa sau Mùa Chay trong Giáo hội Công giáo. Nhiều Giáo hội Tin Lành không coi Tam Nhật Thánh là mùa phụng vụ, và cử hành Mùa Chay cho tới trước Đêm Vọng Phục sinh.

 Thứ Năm Tuần Thánh

 Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday hoặc Holy Thursday) khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua – ba ngày quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Thời gian này kỷ niệm Bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn, và Sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Trong khi dùng Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu, rồi trao cho các môn đệ. Các Kitô hữu tiếp tục cùng chia sẻ bánh và rượu là một phần trong việc thờ phượng trong Giáo hội. Đó là Thánh Thể Đức Kitô.

Bữa Tiệc Ly là tiệc Vượt Qua – bữa ăn mà người Do Thái chia sẻ với nhau để kỷ niệm thời gian Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Đêm Thứ Năm Tuần Thánh là đêm Chúa Giêsu bị môn đệ Giuđa phản bội tại Vườn Gết-sê-ma-ni (Vườn Dầu).

Chữ Maundy có gốc tiếng Latin là “mandatum”, nghĩa là “điều răn” hoặc “mệnh lệnh”. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu truyền lệnh: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hành động này đôi khi được thực hiện theo nghĩa đen như một cách tốt để nhắc nhở những người cai trị rằng họ có chức có quyền là để phục vụ mọi người chứ không phải để được phục vụ hoặc hưởng thụ.

Tại Anh quốc, thói quen Quốc vương rửa chân cho người khác được thể hiện tới năm 1689. Lúc đó Hoàng đế hoặc Nữ hoàng rửa chân cho người nghèo vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Tu viện Westminster. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng các chủ tiệm giặt quần áo phải rửa chân cho người khác trước khi Quốc vương phải rửa và hôn chân họ. Thực phẩm và quần áo được trao tặng cho người nghèo.

Ngày nay, tại Anh quốc, Nữ hoàng theo truyền thống là “lì xì” tiền cho những người hưu trí, gọi là Maundy Money (tạm dịch “tiền lệnh”). Truyền thống “lì xì” tiền cho người nghèo có từ thế kỷ XIII, thời Vua Edward I.

Có một thời, những người nhận tiền phải cùng phái tính với Quốc vương, nhưng từ thế kỷ VIII, luật này không còn. Hằng năm, vào ngày này, Nữ hoàng tham dự Lễ Hoàng Gia (Royal Maundy service) tại một trong các đại giáo đường trong nước. “Tiền lệnh” được “lì xì” cho quý ông và quý bà hưu trí ở gần nhà thờ đó.

Các vệ sĩ đựng “tiền lệnh” trong các ví da đỏ và trắng trên khay vàng để trên đầu. Tiền trong ví đỏ là tiền thay cho thực phẩm và quần áo, còn tiền trong ví trắng là tiền đồng bằng kim loại dùng để “lì xì”. Năm 2009, mỗi người nhận được trao 2 ví – ví đỏ có đồng 5 Bảng Anh, kỷ niệm lần thứ 500 ngày lên ngôi của Vua Henry VIII và đồng 50 xu để kỷ niệm ngày thành lập Vườn Kew, còn ví trắng có 83 xu vì Nữ hoàng được 83 tuổi.

Nhiều Kitô hữu kỷ niệm Bữa Tiệc Ly là cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Tại nhiều nhà thờ có nghi thức rửa chân. Sau Thánh lễ, bàn thờ được bỏ khăn. Nhiều nơi tổ chức chầu Thánh Thể suốt đêm cho tới sáng, với ý thông phần đau khổ với Đức Kitô trong những giờ cuối đời của Ngài tại Vườn Dầu, trước khi Ngài bị xử tử vào Thứ Sáu Tuần Thánh
.
Hãy cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời-mình, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho nhau, để thực hiện mệnh lệnh yêu thương của Thầy Chí Thánh Giêsu!

Thứ Sáu Tuần Thánh

 Tại sao Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành? Thứ Sáu là ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh, vậy tại sao là tốt lành?

Đây là vấn đề gây “rối trí” không chỉ đối với trẻ em mà cả nhiều người lớn. Chúng ta không nói Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt, vì đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá. Làm sao Thứ Sáu Tuần Thánh có thể là tốt khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên Chúa?

Nhưng Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành vì Đức Kitô, qua cái chết của Ngài, đã tỏ lòng thương xót bao la đối với nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Tốt lành ở đây có nghĩa là thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày thánh và quan trọng đối với các Kitô hữu Đông phương, cả Công giáo và Chính thống giáo. Thứ Sáu Tuần Thánh cũng được gọi là ngày thánh trong ngôn ngữ Rôma.

Anh ngữ gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday). Không rõ nguồn gốc, một số người cho là do cách nói “God's Friday” (Thứ Sáu của Chúa) mà thành; một số người khác lại cho là do Đức ngữ là Gute Freitag, chứ không là gốc Anh ngữ. Đôi khi, ngày này được người Anglo-Saxons gọi là “Thứ Sáu Dài” (Long Friday), trong tiếng Đan Mạch cũng vậy. Đức ngữ gọi ngày Thứ Sáu Tốt Lành là Karfreitag – nghĩa là Thứ Sáu Đau Buồn hoặc Thứ Sáu Đau Khổ.

Chẳng ai rõ nguồn gốc, nhưng lý lẽ thần học rất giống cách diễn tả trong Giáo lý Baltimore: Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt vì chính cái chết của Đức Kitô dẫn tới sự sống lại trong Chúa Nhật Phục Sinh, đem lại sự sống mới cho những người tin.

Thứ Sáu Tuần Thánh có là ngày buộc? Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo tưởng niệm sự đóng đinh và sự chết của Đức Kitô, gọi là Cuộc Khổ Nạn. Người Công giáo được khuyến khích tham dự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh để chuẩn bị đầy đủ cho sự sống lại của Đức Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh, như vậy Thứ Sáu Tuần Thánh không là ngày buộc. Tuy nhiên, đây lại là ngày buộc ăn chay và kiêng thịt.

Tháng 7-2007, cựu giáo hoàng Biển Đức XVI, trong Tự sắc Summorum Pontificum, đã duy trì Thánh lễ Latin Truyền thống là một trong hai dạng Thánh lễ được duy trì, người ta cho rằng ngài cũng sẽ xem lại các “Lời nguyện Trọng thể” (Solemn Prayers) dùng trong Thứ Sáu Tuần Thánh. Các lời nguyện này cầu cho Giáo hội và mọi người Công giáo, rồi cầu cho các Kitô hữu ngoài Công giáo, cầu cho người Do Thái, và cuối cùng cầu cho người ngoại giáo.

Các lời nguyện khác nhau nhưng có điểm chung: Nhận biết Đức Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Do đó, các lời cầu xin cho người Công giáo mạnh mẽ trong đức tin, các Kitô hữu ngoài Công giáo trở về hiệp nhất trong đức tin Công giáo, người Do Thái và ngoại giáo nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa cứu độ họ. Nói cách khác, hy vọng mọi người được cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô.

Thứ Hai, ngày 4-2-2008, Thư ký Tòa thánh thông báo rằng cựu giáo hoàng Biển Đức đã xem lại lời nguyện này, và bản chỉnh sửa được dùng trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh theo sách lễ truyền thống là Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) xuất bản năm 1962.

Trong thư gởi Giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô viết: “Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ. Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp” (Rm 11:24-26).

Theo Thánh Phaolô, Ơn Cứu Độ chỉ đến từ Đức Kitô, do đó, bác ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta cầu nguyện cho mọi người cùng trở lại. Sẽ là sai nếu chúng ta tin Đức Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại mà lại loại trừ người Do Thái. Chúa Giêsu đã vì mọi người mà chịu chết để cứu độ mọi người tin vào Ngài.

Thứ Bảy Tuần Thánh

 Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày cuối cùng của Mùa Chay, của Tuần Thánh, và của Tam Nhật Vượt Qua, ngay trước Đại lễ Phục Sinh. Thứ Bảy Tuần Thánh đang trong thời gian tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô, và chuẩn bị việc Ngài phục sinh.

Cũng được gọi là Vọng Phục Sinh (đúng ra là đêm Thứ Bảy Tuần Thánh), Thứ Bảy Tuần Thánh có một lịch sử dài và thay đổi. Bách khoa Công giáo ghi: “Thời Giáo hội sơ khai, đây là Thứ Bảy duy nhất phải ăn chay”. Ăn chay là dấu hiệu sám hối, vì vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta bằng Giá Máu của Ngài. Như vậy, từ nhiều thế kỷ qua, các Kitô hữu đã coi Thứ Bảy và Chúa Nhật (ngày Chúa Giêsu phục sinh) là những ngày cấm ăn chay. Cách thực hành này vẫn có trong luật mùa Chay của các Giáo hội Công giáo Đông phương và Chính thống giáo Đông phương, giảm nhẹ việc ăn chay vào các Thứ Bảy và Chúa Nhật.

Thế kỷ II, các Kitô hữu bắt đầu ăn chay toàn phần (không ăn bất kỳ thứ gì) suốt 40 giờ trước lễ Phục Sinh, nghĩa là trọn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay.

Cũng như vào Thứ Sáu Tuần Thánh, không có Thánh lễ trong ngày Thứ bảy Tuần Thánh. Lễ Vọng Phục Sinh diễn ra sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, đúng là thuộc về Chúa Nhật Phục Sinh, vì theo phụng vụ, mỗi ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước. Đó là lý do mà dự lễ vọng đêm Thứ Bảy có thể đã giữ trọn luật dự lễ Chúa Nhật. Khác là vào ngày Thứ Sáu, rước lễ khi tham dự phụng vụ buổi chiều tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh thì Thánh Thể chỉ được trao có các tín hữu như “của ăn đàng” (viaticum) – nghĩa là trong trường hợp nguy tử.

Trong Giáo hội sơ khai, các tín hữu họp nhau vào chiều Thứ Bảy Tuần Thánh để cầu nguyện và rửa tội cho các tân tòng – đã trải qua mùa Chay để chuẩn bị được đón nhận vào Giáo hội. Theo Bách khoa Công giáo, thời Giáo hội sơ khai, Thứ Bảy Tuần Thánh và vọng lễ Ngũ Tuần (Pentecost) là những ngày duy nhất có thể rửa tội cho tân tòng. Thời gian vọng này kéo dài cả đêm tới sáng Chúa Nhật Phục Sinh, khi bài Alleluia được hát lần đầu tiên kể từ đầu mùa Chay, và các tín hữu – kể cả những người mới được rửa tội – kết thúc 40 giờ ăn chay (nhịn mọi thứ) bằng việc rước lễ.

Thời Trung Cổ, khoảng đầu thế kỷ VIII, các nghi thức Vọng Phục Sinh, nhất là làm phép lửa mới và thắp Nến Phục Sinh, được áp dụng từ rất sớm. Cuối cùng, các nghi thức này được cử hành vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh. Cả ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trước đây là ngày than khóc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và mong đợi Ngài sống lại, ngày nay chỉ còn là việc tham dự Đêm Vọng Phục Sinh.

Với cải cách phụng vụ Tuần Thánh năm 1956, các nghi thức này trở thành chính Lễ Vọng Phục Sinh (nghĩa là Thánh Lễ được cử hành sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh), và như vậy là tính chất nguyên thủy của Thứ Bảy Tuần Thánh được phục hồi.

Tới khi có bản sửa đổi luật ăn chay và kiêng thịt năm 1969, việc ăn chay và kiêng thịt nghiêm ngặt tiếp tục được giữ vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, điều đó nhắc các tín hữu nhớ tới bản chất u sầu của ngày này và chuẩn bị vui mừng đón Lễ Phục Sinh. Ăn chay và kiêng thịt không còn bắt buộc vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng việc thực hành các luật mùa Chay vẫn là cách tốt để cử hành ngày thánh này.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ ChurchYear.net, Resources.Woodlands-Junior.kent.sch.uk, Catholicism.about.com)




Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Giọt lệ

Giọt  lệ  Giọt  lệ  Giọt  lệ

(Thứ ba - 24/03/2015-  TRẦM THIÊN THU-tinvui)


 Trong nhạc phẩm “Giọt Lệ Sầu”, nhạc sĩ Lam Phương tâm sự: “Giọt lệ này anh/em cho em/anh hơn tất cả, giọt lệ sầu em/anh đã giết trọn tim anh/em… Lời thề nguyện muôn năm sau anh/em vẫn nhớ: Nụ cười này, đôi mắt đó, làm sao quên!…”. Đó là lệ tình. Nói cho ngay, giọt lệ nào cũng vì một loại tình cảm nào đó.

Ai sinh ra cũng khóc. Đứa bé khóc là bình thường, thân nhân vui mừng, đứa bé không khóc thì thân nhân… lo! Vậy khóc là “tín hiệu tốt” chứ không phải là cười.
Rồi khôn lớn dần, trong cuộc sống, ai cũng đã từng hơn một lần rưng rưng nước mắt hoặc đầm đìa nước mắt. Mà nói đến nước mắt là nói đến trạng thái khóc. Thường thì khóc là thể hiện tâm trạng buồn. Nhưng cũng có thể khóc vì vui, như thi hào Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Buồn mà lại cười, đó là lúc người ta quá buồn, buồn muốn phát điên, buồn muốn khóc, và rồi khóc đến cạn nước mắt. Có thể đó là “cái bí ẩn” trong cách nói của người Việt Nam thường nói: “Buồn cười quá!”. Buồn mà lại cười. Lạ thật! Nhưng có lẽ nhờ vậy mà người ta mới có thể tiếp tục sống được.
Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng “khóc”, vì ông đã “ngồi buồn mà trách ông xanh” và mong ước:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Nhưng với chúng ta, những người có niềm tin vào Đức-Kitô-tử-nạn-và-phục-sinh, chúng ta có quyết tâm tích cực hoàn toàn khác:
Kiếp sau xin vẫn làm người
Và làm thánh giữa Nước Trời trường sinh
Chúng ta không chỉ “vẫn làm người”, vì thân xác chúng ta cũng được sống lại và lên trời, đặc biệt là còn làm “thánh nhân”. Nhưng trước khi “về Nhà Cha” hưởng phúc trường sinh vinh quang, chúng ta không thể không phải chịu đau khổ, nghĩa là có những lúc buồn nẫu ruột, buồn đến chết, buồn đến bật khóc,… đến nỗi những người kém lòng tin đã tự tử.
Khóc có nhiều kiểu. Khóc có nhiều nguyên nhân. Khóc có nhiều mức độ. Thế nên nước mắt cũng có nhiều loại, kể cả “nước mắt cá sấu”. Và tất nhiên, nước mắt không chỉ có vị mặn mà còn có những vị khác nữa!
Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông có “Giọt Nước Mắt Ngà” mang nỗi niềm tâm sự:
 “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa. Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu… Thôi một giọt nước mắt này, cho cuộc tình đam mê, cho người tình trăm năm… Giọt lệ nào thương vay, tình đành tràn mi cay… Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên!”. Giọt-nước-mắt-ngà của NS họ Ngô là giọt-lệ-tình-sầu, một “kiểu” nước mắt của riêng ông.
Người đời có nhiều loại nước mắt, riêng người Công giáo có thêm loại nước-mắt-ăn-năn, nước-mắt-khóc-cho-tội-mình mang vị mặn chát, nhưng đó là loại nước-mắt-thánh-thiện rất cần thiết. Nước mắt làm cho sáng mắt, và nước mắt có thể làm “trôi đi” phần nào nỗi buồn.
Tác giả Thánh vịnh có kiểu khóc thế này:
 “Tôi lang thang như người khóc mẹ, tôi tủi buồn cúi mặt xuống mà đi” (Tv 35:14). Nước mắt chảy nhiều đến nỗi tác giả “xin lấy vò mà đựng nước mắt” (Tv 56:9), và thường đem “nước mắt hoà nước uống” (Tv 102:10). Có những giọt nước mắt bình thường hoặc tầm thường, nhưng có những giọt nước mắt quý giá – gọi là châu lệ.
Thánh Phaolô cũng đã từng phải khóc:
 “Tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm” (2 Cr 12:21).
Thánh sử Luca tường thuật:
 “Có một phụ nữ tội lỗi cúi sát chân Chúa Giêsu mà khóc. Chị lấy nước mắt mình mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7:38). Những giọt nước mắt như vậy thực sự là châu lệ, vì đầy tâm tình sám hối và tin yêu. Do đó, Chúa Giêsu đề cao tấm gương của phụ-nữ-tội-lỗi này: “Yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lc 7:47).
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của Giáo hội, đúng ra là Thế Giới Tang. Nhiều người chú trọng nhiều đến “bề ngoài”, lo “bày tỏ” bằng cách này hay cách nọ để “đánh” vào thị hiếu của giới bình dân, như một lễ hội đời. Nếu thực sự ngoại tại có thể giúp nội tại thì cũng tốt, nhưng đừng thái quá. Đây là điều cần nhất mà Thiên Chúa thực sự mong muốn:
 “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2:13). Khóc cho tội và chết cho tội là thành tâm sám hối và quyết tâm chừa tội, đó mới là cách Chúa muốn. Cứ lo “diễn” bề ngoài mà không chú ý nội tâm thì chắc chắn Chúa không muốn. Thà không có còn hơn!
Chính Đức Giêsu cũng đã khóc vì thương tiếc thành Giêrusalem (x. Lc 19:41), nhưng khi người ta than khóc Ngài vì thấy Ngài vác Thập giá, dù Ngài đang rất mệt mỏi và đau đớn mà vẫn ráng quay lại nói:
 “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).
Đó cũng chính là lời cảnh báo Ngài nói thẳng với chúng ta. Và rồi khi “Ngài ngự đến giữa đám mây”, nghĩa là lúc Ngài đến thế gian lần thứ hai, “ai nấy sẽ thấy Ngài, cả những kẻ đã đâm Ngài. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Ngài” (Kh 1:7).
Cuộc đời là chuỗi-đau-khổ-đầy-nước-mắt, nhưng chính đau khổ lại là diễm phúc:
 “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Khóc không bị chê trách mà được chúc phúc. Giọt-nước-mắt đó đầy vị-mặn-yêu-thương. Chỉ có một loại nước mắt tệ hại nhất và vô phúc nhất là giọt-nước-mắt-trong-hỏa-ngục, vì phải đời đời “khóc lóc và nghiến răng” (Mt 8:12; Mt 13:42; Mt 13:50; Mt 22:13; Mt 24:51; Mt 25:30; Lc 13:28).
Chúa Giêsu đã dùng chính sự thất bại để chiến thắng, dùng chính đau khổ để đạt vinh quang, và dùng chính cái chết để đạt sự phục sinh. Đấng Cứu Thế đã vậy thì chúng ta không thể không như Ngài – nghĩa là cũng phải khóc lóc và rơi lệ hằng ngày. Tuy nhiên, Ngài đã chết để chúng ta được sống, và rồi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta” (Kh 7:17; Kh 21:4).
Mắt con lệ đẫm hoen mờ
Lặng quỳ dâng Chúa thiết tha đôi lời
Đời con tội lỗi đầy vơi
Thành tâm sám hối một đời nhân gian

Lạy Chúa Cha hằng hữu đầy lòng thương xót, vì tội lỗi khốn nạn của chúng con mà Ngài bắt Đức Kitô, Con Yêu Dấu của Cha, phải chết đau thương. Chúng con thành tâm xin lỗi Đức Giêsu Kitô, xin cho nước mắt của chúng con được hòa với Máu và Nước của Ngài để nài xin lòng thương xót cho chính chúng con và toàn thế giới. Chúng con khẩn thiết Chúa Cha thương xót và tha thứ cho chúng con, xin giúp chúng con trung tín với Ơn Chúa để đừng làm khổ Đức Giêsu chút nào nữa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Tác dụng kỳ diệu của các thảo dược tự nhiên

|

Tác  dụng  kỳ  diệu  của  các  thảo  dược  tự  nhiên

(Thứ ba, 24/3/2015-VnExpress.net)
Năm loại thảo dược dưới đây với tác dụng nổi 
bật là chống khuẩn, chống viêm, chống lão 
hóa, giúp điều trị vết thương, giảm đau, giảm 
ngứa…

Hoa oải hương (Lavender)
Được mệnh danh là loài hoa của sự êm ái và tinh 
khiết như ánh nắng mặt trời, oải hương có tính 
diệt khuẩn cao, giúp khử trùng, chống nhiễm 
khuẩn, sưng viêm, giúp điều trị vết thương, 
chống lây nhiễm, giảm đau tại các vết bỏng, 
chống phồng nước, không đau rát... Ngoài ra còn 
có tác dụng chữa trị các vết do côn trùng cắn, 
giúp xua đuổi muỗi, làm giảm sưng, đỏ các nốt dị 
ứng, nốt đỏ do phát ban, mẩn ngứa...
Chiết xuất hoa oải hương chứa acid ursolic có 
công dụng kháng khuẩn, giúp chống lại quá trình
 ôxy hóa chất béo và ức chế elastase dẫn đến 
việc thoái hóa các mô. Acid rosmarinic và các 
dẫn xuất polyphenolic với đặc tính chống ôxy 
hóa của oải hương còn giúp nó trở thành thành 
phần ngăn lão hóa da hiệu quả.
Hoa oải hương có tính diệt khuẩn cao và Hoa cúc La Mã giúp chống viêm, giảm đau, nhanh liền sẹo
Hoa oải hương có tính diệt khuẩn cao và cúc La Mã giúp chống viêm, giảm đau, nhanh liền sẹo.
Hoa cúc La Mã (Chamomille)
Tác dụng chữa bệnh của loài hoa này đã được 
biết đến từ thời La Mã cổ đại cách đây hàng 
nghìn năm và được ghi nhận trong y văn của 
Hippocrate. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại 
dùng chamomille để chữa bệnh ngoài da bằng 
cách giã nhỏ để đắp hoặc chườm lên các vết 
thương, vết loét giúp phòng nhiễm khuẩn, giảm 
đau, nhanh liền sẹo.
Người ta tìm thấy trong chiết xuất hoa cúc La 
Mã nhiều chất quan trọng như sesquiterpene, 
terpenoids, flavonoids, coumarins, acid 
chlorogenic và acid caffeic, flavon, alpha-
bisabolol... Trong số này, chất alpha-bisabolol có 
tính sát trùng, kháng viêm, chống dị ứng. Acid
 chlorogenic và acid caffeic chống ôxy hóa, 
kháng khuẩn, chống viêm.
Chiết xuất hoa cúc La Mã còn có tác dụng làm 
mềm, phục hồi các tế bào và bề mặt da bị kích 
ứng, kích thích sự thay mới lớp biểu bì, đẩy 
nhanh quá trình lành da và màng nhầy giúp làm 
dịu và ngăn ngừa viêm, giảm thiểu những vết 
mẩn đỏ trên da.
Hoa đỗ quyên (Rhododendron, Azalea)
Hoa đỗ quyên được chọn là quốc hoa xứ Nepal 
với mùi thơm ngọt ngào, nhẹ nhàng, giúp tinh 
thần thoải mái, tập trung hơn. Loài hoa 
này chứa 
các chất chống ôxy hóa, giàu chất dưỡng ẩm cho 
da, có công dụng chống viêm, giảm ngứa, 
thường được dùng để chữa các chứng khí hư,
 mụn nhọt, viêm loét, dị ứng.
Hoa đỗ quyên giúp chống viêm, giảm ngứa.
Các nhà khoa học người Italy khi nghiên cứu về 
chiết xuất hoa đỗ quyên đã tách được các hợp 
chất có các dụng kháng khuẩn, có thể chống lại 
tất cả chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, 
Enterococcus faecalis, Bacillus subtilis, 
Mycobacterium tuberculosis và nấm Candida.
Cây hương thảo (Rosemary)
Rosemary xuất phát từ tên gọi Latin, có nghĩa là 
“Sương mai của biển”, là thảo dược hữu dụng 
trong chữa viêm, sưng. Ở châu Âu, người ta 
dùng lá hương thảo làm pommat và thuốc xoa trị 
thấp khớp và đau nửa đầu. Nước hãm (nấu một 
nắm lá trong nửa lít nước để chiết hết thuốc) 
dùng rửa các vết thương nhiễm trùng và lâu 
khỏi.
Chiết xuất hương thảo chứa các chất quan trọng
 như Axit Caffeic và dẫn xuất của nó như Axit 
Rosmarinic có tính kháng nấm và kháng khuẩn,
 làm trẻ hóa làn da bằng cách cải thiện lưu thông
 máu vào trong mao mạch da. Nó có thể chống 
lại các chứng viêm, kích ứng da, Eczema và các
 bệnh ngoài da khác…
Cây xô thơm (Salvia officinalis)
Xô thơm giúp khử trùng, làm se, chống viêm sưng. Hương thảo là thảo dược kỳ diệu trong việc chữa viêm, sưng.
Trong tiếng Latin, cây xô thơm có nghĩa là 
“chữa lành”, được biết đến với các công dụng 
chính là khử trùng, làm se, chống ôxy hóa, 
chống viêm sưng.
Xô thơm chứa các chất chính như monoterpen, 
thujon, camphor, cineol, borneol, caffeoyl-
fructosyl glucosid, caffeoyl-apiosylglucosid… có 
tác tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng 
siêu vi... Những nghiên cứu mới cho thấy xô 
thơm còn có tác dụng giảm sưng đau khi bôi nhờ
 acid ursolic và kháng tiết mồ hôi khi bôi ngoài da.
Thu Ngân