Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Ăn gì để não khỏe?

 Chủ nhật, 31/12/2023, 10:00 (GMT+7)

Ăn gì để não khỏe?

Việt quất, trứng, chocolate có chứa các chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa hỗ trợ sức khỏe tổng thể và chức năng não.

Việt quất chứa vitamin C, K, mangan và chất dinh dưỡng thực vật giúp kích thích lưu lượng máu và oxy trong não, cải thiện khả năng tập trung.

Nghiên cứu năm 2019, của Trường Đại học Charité Berlin và Đại học kỹ thuật Braunschweig, Đức, với hơn 28.000 người tham gia, cho thấy ăn quả việt quất có thể giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer do tuổi tác.

Lượng chất xơ cao trong thực phẩm này hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, giảm viêm và thúc đẩy tâm trạng tốt hơn.

Dầu ô liu nguyên chất rất tốt cho não. Ăn dầu ô liu còn giảm tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer bằng cách khuyến khích quá trình làm sạch tế bào của chính cơ thể.

Quả bơ rất giàu axit béo omega-3, hỗ trợ cải thiện khả năng tư duy và trí nhớ. Bơ rất giàu khoáng chất quan trọng như kali và magiê - chất cần thiết để sản xuất chất dẫn truyền thần kinh chi phối sự tập trung và nhận thức trong não.

Trứng chứa nhiều choline, có thể giảm viêm và thúc đẩy chức năng não như duy trì trí nhớ, giao tiếp giữa các tế bào não.

Nghiên cứu năm 2019, với gần 2.500 nam giới tham gia, của Trường Đại học Đông Phần Lan và Đại học Helsinki, Phần Lan, cho thấy người hấp thụ lượng phosphatidylcholine trong trứng cao giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và tăng khả năng nhận thức tốt hơn.

Cà chua tốt cho sức khỏe não bộ nhờ hàm lượng lycopene. Loại carotenoid này đã được chứng minh có thể ngăn các rối loạn nhận thức như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Một quả cà chua tươi cỡ vừa chứa khoảng 3,2 mg lycopene.

Theo Trường Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, mỗi người nên bổ sung khoảng 9-21 mg lycopene mỗi ngày để bảo vệ cơ thể và bộ não.

Củ nghệ chứa curcumin có thể bảo vệ hỗ trợ tăng trưởng tế bào não, chống lại bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu năm 2019 từ Trường Đại học Khoa học Y khoa Tehran, Iran, trên 139 người, phát hiện chất curcumin trong nghệ có thể làm tăng mức BDNF trong não. BDNF ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, học tập và trí nhớ và cũng gây ra rối loạn hành vi.

Chocolate đen chứa flavonoid, caffeine và chất chống oxy hóa nên có thể tăng cường trí nhớ và làm chậm quá trình suy giảm tinh thần do tuổi tác.

Nghiên cứu năm 2022 của Trường Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc, cho thấy người ăn chocolate đen (85% cacao) có tâm trạng tích cực và hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng hơn so với người không ăn.

Các nhà khoa học lý giải chocolate hỗ trợ tăng prebiotic (một loại chất xơ), từ đó cải thiện trạng thái cảm xúc tiêu cực thông qua kết nối ruộ - não

Huyền My (Theo Healthline, Eating Well)

BÀI HỌC NÀO CHO GIA ĐÌNH?

 

Sun, 31/12/2023 -   Lm. J.B Nguyễn Minh Hùng

BÀI  HỌC  NÀO  CHO  GIA  ĐÌNH?

LỄ THÁNH GIA 2023 - NĂM B

Như bao gia đình, Thánh Gia không thiếu ngày ấm áp đan xen ngày bão tố. Chắc chắn trong gia đình ấy đơm đầy khoảnh khắc an vui, ngọt bù, nhưng cũng chẳng thiếu lo âu, khổ đau, nước mắt và thách thức...

Từ khởi đầu, Thánh gia phải chứng kiến toàn khổ đau. Hiểu lầm nhau vì bào thai lớn dần trong dạ Maria; sinh con giữa đồng không mông quạnh; ngay trong đêm bồng con vượt khỏi biên giới quê nhà khi con còn đỏ hỏn...

Tin Mừng hôm nay còn cho thấy khổ đau của gia đình Thánh không chỉ quá khứ hay hiện tại, mà còn hứa hẹn tương lai: "Trẻ này... là mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà".

Năm 12 tuổi, Chúa Giêsu cùng cha mẹ hành hương Đền thờ. Với người Do thái, 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Sau khi dự lễ, Chúa Giêsu ở lại Đền thờ tranh luận với các tiến sĩ luật. Chúa bộc lộ sự khôn ngoan của mình.

Nhưng chính thời gian dài đến ba ngày tìm Chúa là thời gian mà lòng Đức Mẹ và thánh Giuse như bị nung đốt. Đến lúc gặp Chúa, họ lại được nghe những lời dễ chạnh lòng, nếu cho rằng đó là lời xúc phạm: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc nhà Cha con sao?".

Ngay trong mầu nhiệm Giáng Sinh và Ẩn Dật, chúng ta đã có thể nhận ra cây thánh giá của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và của thánh Giuse.

Nếu tra tiếp những trang Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy cây thánh giá ngày càng lộ dần, nặng nề hơn, khủng khiếp hơn, đau đớn hơn. Kết thúc của hành trình thánh giá cuộc đời Chúa Giêsu là bao nhiêu tang thương, bao nhiêu sỉ nhục, bao nhiêu thách thức tưởng chừng quá sức người, tiếp tục diễn ra. Chúa Giêsu cùng Đức Mẹ sẽ đi đến cùng của cuộc đổ máu và chết chóc trước những tàn bạo đến mức không còn nhân tính của loài người.

Vậy giữa trùng trùng lớp lớp những thách thức vây bũa, Thánh Gia đã làm gì? Bài học nào cho chúng ta từ cuộc sống của Thánh Gia?

1. Bài học cầu nguyện và can đảm vâng phục thánh ý Chúa.

Hình ảnh thánh Giuse mau mắn thi hành những "giấc chiêm bao thánh", Đức Maria không phàn nàn khi đối diện nghịch cảnh, Chúa Giêsu tuân hành thánh ý Thiên Chúa nhập thể và sống kiếp người là những bằng chứng dữ dội về một gia đình thánh luôn đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời sống.

Như Thánh Gia, mỗi gia đình Kitô giáo nếu biết đặt lời Chúa dạy, thánh ý Chúa và chính hình ảnh Chúa làm đường hướng sống, kim chỉ nam cho đời sống của từng thành viên, chắc chắn gia đình sẽ đơm đầy hoa thơm, trái ngọt bởi tình yêu toát ra từ từng thành viên trong gia đình ấy.

Dù phải dối diện với bất trắc, khổ đau đến đâu, tình yêu phát xuất từ một lòng quyết yêu nhau, đùm bọc nhau trong tinh thần đức tin và trong ý thức cao độ, quyết đặt Chúa ngự trị trong tâm hồn của từng thành viên, gia đình sẽ dễ dàng vượt qua.

Hãy nhớ, Thiên Chúa chính là người điều khiển gia đình. Như gia đình Thánh Gia, biết luôn ý thức và chấp nhận sự điều khiển của Chúa, dù cuộc sống đang phẳng lặng hay giông bão, gia đình vẫn giữ được hạnh phúc.

Có Chúa trong tim và trong đời sống, từng thành viên của gia đình sẽ nghĩ về nhau, nghĩ cho nhau, đặt mình vào vị trí nhau, từ đó dễ chung vai đấu cật sát cánh đối đầu cùng đêm dài, thậm chí đêm dài chìm trong buốt giá.

Hiến chế Ánh sáng muôn dân cho biết: "Gia đình như một Hội Thánh nhỏ" (số 11). Thánh Gioan Phaolô II cũng định nghĩa: "Gia đình là Hội Thánh tại gia" (Tông huấn Đời sống gia đình - số 11).

Nói đến Hội Thánh là nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Có nơi nào, có tổ chức nào, có quyền lực nào trên thế gian có được sự hiện diện và tình yêu lan tràn của Thiên Chúa như trong cộng đoàn Hội Thánh!

Vì thế, một khi gia đình "là Hội Thánh", nghĩa là gia đình được phủ đầy sự hiện diện của Thiên Chúa.

Để giữ mãi Chúa trong gia đình, giữ mãi tình yêu của Chúa làm trung tâm gia đình, các gia đình phải bắt chước thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, Chúa Giêsu, luôn nối kết với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngơi nghỉ, cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, cầu nguyện trong vô vàn khoảnh khắc riêng tư lẫn những lúc gia đình quy tụ cùng nhau để có được giờ tôn thờ dành cho Chúa trong lúc ở cạnh bên nhau.

Chính tinh thần cầu nguyện sẽ là sức mạnh để sống và vâng phục thánh ý Chúa mọi nơi, mọi lúc, dù khi khỏe mạnh hay khi ốm đau, dù khi thịnh vượng hay lúc gian nan, điều mà chính vợ chồng đã thề hứa với nhau, trước mặt Thiên Chúa, trước mặt thừa tác viên, trước cộng đoàn Hội Thánh.

2. Bài học biến gia đình của chính mình thành mái ấm.

Trong tông huấn về gia đình, thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở: Thiên Chúa "khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông" (số 11).

Để càng ngày càng phát sinh yêu thương trong cùng một mái nhà, người ta không thể sống riêng rẽ, mỗi người một tính toán, mỗi người một đường lối, mỗi người một bí mật, mỗi người là những thực thể không liên quan gì nhau.

Gia đình nào để xảy ra tình trạng như trên, gia đình ấy không chỉ không còn là mái ấm mà sẽ là nhà tù giam nhau, thậm chí là địa ngục đọa đày nhau.

Chúng ta dễ dàng học bài học yêu thương và hiệp thông nơi gia đình Thánh Gia. Bởi từng thành viên trong gia đình Thánh ấy, vừa hết sức tôn trọng nhau nhưng cũng luôn thông cảm và thông chia cho nhau những tâm tư, những vui buồn, những liên hệ cần thiết để giúp nhau hoàn thành bổn phận trong vị trí của mình nơi chính gia đình mà mình đang hiện diện và sống.

Giả sử nếu cái đêm được thánh Giuse thông báo phải đem Hài Nhi vượt biên giới lập tức, lại bị Đức Mẹ xem thường và bỏ qua, thì tính mạng của Chúa Giêsu sẽ nguy hiểm thế nào?

Nếu cả hai thánh Giuse và Đức Mẹ không cảm thông, không chia sẻ tâm tư của Chúa Giêsu khi Chúa thông báo: "Con phải làm việc của Cha con", thì phản ứng của cả hai, sau nhiều ngày tìm con, nhiều ngày đau khổ, nhiều ngày lo âu, nhiều ngày đầy vất vả..., sẽ như thế nào, khó có ai mường tượng hết...

Nhưng tình yêu và sự hiệp thông, không chỉ trao tặng các ngài sự vững vàng, sự thấu hiểu, sự tôn trọng dành cho nhau, mà còn khiến các ngài nhìn thấy cả thực tại thánh thiêng phía sau mọi hành động của Chúa Con.

Cả thánh Giuse và Đức Mẹ khi gặp lại Chúa Con đều phản ứng trong chiều kích tin tưởng, tín thác và cậy trông vào Thiên Chúa.

Bắt chước gia đình Thánh Gia, các thành viên trong từng gia đình hãy dành cho nhau vị trí số một trong trái tim và trong suy nghĩ của mình. Chỉ có tình yêu thực sự, yêu không vụ lợi nhưng luôn trao chính mình cho người bên cạnh, muốn cho người bên cạnh mọi điều tốt lành, mới có thể mang lại sự hiệp thông bền vững trong gia đình.

Nhờ tình yêu và sự hiệp thông, niềm vui, sự bình an mới có cơ may triển nở. Tạo được niềm vui, tạo được bình an trong trái tim mình, người ta mới có thể làm lan tỏa sự sống tích cực đến với người xung quanh.

Dưới bất cứ mái nhà nào mà niềm vui và bình an ngự trị, mái nhà đó là thiên đàng, là nơi đáng sống, nơi Thiên Chúa ngự trị và ấp ủ. Thiên Chúa sẽ chúc lành ai biết tạo tình yêu, niềm bình an khi họ được sống cạnh nhau.

Để kết luận, xin anh chị em nghe Đức Phanxicô, luôn đặt Chúa Giêsu làm trung tâm, để gia đình là nơi nghỉ ngơi, nơi chúng ta quay về, nơi ham thích sống, nơi trao dâng tình yêu và nhận lãnh tình yêu.

Đức Thánh Cha mời gọi: "Chúa Giêsu nói: 'Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai vất vả và bị đè nén'! Chúa biết những cơ cực của anh chị em, những gánh nặng trong cuộc sống chúng ta. Nhưng Ngài cũng biết ước muốn sâu xa của chúng ta mong tìm được niềm vui được bồi dưỡng! Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu đã nói: 'Ước gì niềm vui của các con hôm nay được tràn đầy' (Ga 15,11). Ngài nói điều đó với các tông đồ và hôm nay, Ngài lập lại điều đó với chúng ta. Vì vậy đây là điều đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em, và đó là một câu của Chúa Giêsu: 'Hãy đến cùng Thầy, hỡi các gia đình trên toàn thế giới, và Thầy sẽ bồi dưỡng cho các con, để niềm vui của các con được tràn đầy' (Bài nói chuyện dịp hành hương của các gia đình tại Roma, thứ bảy  26.10.2013).

Lm JB NGUỸEN MINH HÙNG

 

 

GẶP GỠ CỦA CÁC THẾ HỆ

 

Sun, 31/12/2023 - Lm Minh Anh

GẶP  GỠ  CỦA  CÁC  THẾ  HỆ

“Chim hải âu dạy chúng ta bay tự do, bay một mình; và cuối cùng, sẽ chết vì sự ghen ghét của đồng loại. Ngỗng trời dạy chúng ta bay theo gia đình!” - Richard Bach.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Richard Bach được gặp lại qua Tin Mừng Chúa Nhật lễ Thánh Gia hôm nay; ở đó, một cuộc ‘gặp gỡ của các thế hệ’ xảy ra. Giuse - Maria cùng đứa con của họ và Simêon và Anna. Ba thế hệ tác động và hỗ tương nhau.

Trong gia đình, kể cả gia đình Hội Thánh, gia đình thế giới, liên hệ của các thế hệ đều vô cùng quan trọng. Chúng ta có nhiều thứ để nhận và cho nhau; đặc biệt, khi nói đến đời sống đức tin. Giuse - Maria đã học được từ Simêon - Anna rằng, con của họ là ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi mọi người.

Tất cả chúng ta đều được soi sáng bởi Hài Nhi Giêsu, và được kêu gọi mang ánh sáng tình yêu và hoà bình của Ngài cho nhau, cho gia đình, cho cộng đồng mình ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện, dù trẻ hay già, nam hay nữ. Gia đình được mô tả là Hội Thánh tại gia; vì thế, trên hết, chính trong từng gia đình, Thiên Chúa muốn gặp gỡ mỗi người, chạm vào cuộc sống mỗi người. Dẫu không có gia đình nào của chúng ta là thánh thiện hoặc hoàn toàn yêu thương; tuy nhiên, Chúa luôn hiện diện ở đó, hỗ trợ chúng ta trong cuộc đấu tranh hàng ngày để sống một cuộc sống tốt đẹp và yêu thương.

Cuộc sống gia đình là nơi cho phép sự ‘gặp gỡ của các thế hệ’, các thế hệ gắn kết với nhau theo những cách thức mang lại lợi ích sâu sắc cho mọi người. Với những người già, Đức Phanxicô nói, “Các thế hệ mới mong đợi nơi chúng ta một lời ngôn sứ, mở ra những cánh cửa cho những ‘quan điểm mới’ của thế giới từ bên ngoài; một thế giới vô tâm của tham nhũng, của những thứ đồi bại. Ý nghĩa là thế này: người già trở nên một ngôn sứ về sự thối nát, nói với những người trẻ rằng, ‘Dừng lại, tôi đã đi theo con đường này và nó không dẫn đến đâu! Tôi sẽ kể cho bạn nghe kinh nghiệm đau đớn của tôi!’”.

Ngài nói, “Cầu nối giữa người trẻ và người già sẽ là sự chuyển giao bao khôn ngoan nhân loại. Chúng ta bị cám dỗ xua đuổi tuổi già bằng cách che giấu các nếp nhăn và giả bộ luôn trẻ trung. Dường như chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc sống trong tình trạng vỡ mộng, cam chịu vì không còn ‘trổ sinh hoa trái!’”. Tuy nhiên, “Tuổi già là thời điểm hoàn hảo để làm chứng cho đức tin, nhất là cho các thế hệ trẻ”. “Tuổi già làm chứng cho con cháu rằng, chúng là phúc lành, bao gồm cả tốt đẹp lẫn khó khăn trong mầu nhiệm về đích đến của cuộc đời mà chẳng gì có thể tiêu diệt được, kể cả cái chết”.

Anh Chị em,

Đức Phanxicô kết luận, “Hiện nay, một nền văn hoá vụ lợi khăng khăng coi người già như một gánh nặng. Nền văn hoá này nghĩ rằng, người già không những không sản xuất mà còn là một “phiền toái!”. Kết quả của lối suy nghĩ đó là gì? Người già bị loại bỏ. Thật tồi tệ khi chứng kiến cảnh người già bị bỏ rơi, đó là một điều xấu xa, một tội lỗi! Không ai dám nói công khai nhưng người ta đã làm điều đó. Thói quen của văn hoá vứt bỏ thật thấp hèn. Chúng ta quen với việc loại bỏ con người, chúng ta muốn xoá bỏ nỗi sợ hãi ngày càng tăng về sự yếu đuối và dễ bị tổn thương; nhưng khi hành động như vậy, chúng ta làm tăng thêm nơi người già nỗi lo lắng vì bị đối xử tệ bạc và bị bỏ rơi”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con bay một mình; dạy con biết chấp cánh cùng ‘gia đình’ và trong ‘gia đình’. Ở đó, cuộc ‘gặp gỡ của các thế hệ’ sẽ nâng đỡ con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Nói chúc mừng năm mới bằng 10 thứ tiếng

 Chủ nhật, 31/12/2023, VnExpress.net

Nói chúc mừng năm mới bằng 10 thứ tiếng

Đều có ý nghĩa "chúc mừng năm mới" nhưng người Hàn sẽ chúc nhau "nhiều sự tốt lành", trong khi người Nga cùng nhau đón chờ "những niềm vui mới".

Nếu bạn muốn gây bất ngờ cho gia đình, bạn bè bằng những lời chúc đa ngôn ngữ thú vị, hãy tham khảo những cách nói "Chúc mừng năm mới" dưới đây:

Ngôn ngữ

Lời chúc năm mới

Cách đọc

Diễn giải ý nghĩa

Anh

Happy New Year

/hæp-i njuː ˈjɪə/

Happy: chúc mừng

New year: năm mới

→ Chúc mừng năm mới

Pháp

Bonne Année

/bɔn aneə/

Bonne: tốt lành

Année: một năm

→ Chúc một năm tốt lành.

Trung Quốc (Quan Thoại)

新年快乐

Xīnnián kuàilè

Xīnnián: năm mới

Kuàilè: hạnh phúc, vui vẻ

→ Năm mới hạnh phúc.

Hàn Quốc

새해 복 많이 받으세요

Saehae bog manh-i bad-euseyo

Saehae: năm mới

Bog: phúc, điều tốt lành

Manh-i: nhiều

Bad: nhận

-euseyo: cách nói lịch sự, mang nghĩa "xin hãy"

→ Chúc bạn nhiều sự tốt lành trong năm mới.

Nhật Bản

明けましておめでとう ございます

Akemashite omedetō gozaimasu

Ake: khởi đầu của năm mới

Omedetō: chúc mừng

→ Chúc mừng một năm mới đang bắt đầu.

Thái Lan

สวัสดีปีใหม่

Sawad-dee ppee-mai

Sawad dee: chào mừng, chúc mừng

Ppee mai: năm mới

→ Chúc mừng năm mới.

Tây Ban Nha

Feliz Año Nuevo

Feh-lees ah-nyoh nweh-boh

Feliz: chúc mừng

Año nuevo: năm mới

→ Chúc mừng năm mới.

Italy

Buon anno

/bwˈɔn ˈanno/

Buon: tốt lành

Anno: một năm

→ Chúc một năm tốt lành.

Nga

С Новым Годом! С новым счастьем!

S novym godom! S novym schast'yem!

Novym godom: năm mới

Novym schast'yem: niềm vui mới

→ Chúc mừng năm mới và những niềm vui mới.

Đức

Frohes neues Jahr

Fro-hes neu-es jahr

Fro-hes: chúc mừng

Neu-es jahr: năm mới

→ Chúc mừng năm mới.

Phương Anh (Theo Doulingo)

Thế giới năm 2023

 

Thế giới năm 2023

Thế giới năm 2023 chấn động với các cuộc xung đột, thiên tai, nắng nóng kỷ lục, đồng thời chứng kiến sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và kỳ vọng kinh tế cải thiện cho năm sau.

Xung đột Israel - Hamas nổ ra

Hamas ngày 7/10 mở chiến dịch tấn công với quy mô chưa từng có vào loạt ngôi làng, thị trấn biên giới Israel, khiến cường quốc quân sự thứ tư toàn cầu không kịp trở tay, trong khi cả thế giới bàng hoàng bởi mức độ thảm khốc của nó. 1.140 người thiệt mạng và khoảng 240 người bị đưa về Dải Gaza làm con tin, trở thành ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quốc gia Do Thái.

Khoảng 6h30, loạt rocket mở màn đợt tấn công
Video Player is loading.
Current Time 0:22
/
Duration 2:25
Loaded: 0%
Progress: 0%
Ngày Hamas tấn công Israel. Video: WSJ

Israel huy động hơn 300.000 quân mở chiến dịch tấn công đáp trả quyết liệt vào Dải Gaza với mục tiêu xóa sổ Hamas. Khoảng 30.000 quả bom đã được ném xuống dải đất 2,3 triệu dân, khiến hơn 21.000 người thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, biến Gaza thành đống đổ nát, gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có khi khoảng 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, sống trong cảnh đói khát và bom đạn rình rập.

Nhiều nỗ lực hòa giải đã được thực hiện nhằm xuống thang căng thẳng, dẫn đến lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày giữa đôi bên, giúp trả tự do cho 105 con tin. Dù vậy, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, Tel Aviv đã mở rộng chiến dịch sang phía nam Dải Gaza, tuyên bố: chỉ dừng lại sau khi "loại bỏ Hamas" và giải cứu hơn 100 con tin còn lại bằng sức ép quân sự.

Liên Hợp Quốc và nhiều nước đã kêu gọi ngừng bắn, lên án các hành động quân sự nhắm vào dân thường, trong khi Mỹ, đồng minh chiến lược của Israel, cũng cảnh báo nguy cơ Tel Aviv thất bại chiến lược nếu tiếp tục gây thương vong lớn cho người dân Gaza. Tuy nhiên, Israel đến nay chưa có dấu hiệu chấp nhận đàm phán với Hamas về ngừng bắn lâu dài.

Dải Gaza trước và trong chiến sự
 
 
Dải Gaza trước và trong chiến sự. Video: Guardian

Khủng hoảng ở Gaza tiềm ẩn nguy cơ đẩy Trung Đông vào xung đột quy mô lớn sau thời gian dài yên tĩnh, khi các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đe dọa sẽ mở mặt trận thứ hai nhắm vào Israel để chia lửa với Hamas. Trong khi lực lượng Hezbollah ở Lebanon liên tục giao tranh với quân đội Israel ở biên giới, nhóm Houthi ở Yemen tiến hành hàng chục vụ tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ, đe dọa một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, buộc Mỹ phải thành lập liên minh hải quân 20 nước để đối phó.

Cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó vẫn là những câu hỏi, nhưng chiến sự Israel - Hamas đã khiến thế giới thêm bất ổn và làm tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhân loại hứng chịu nhiều hậu quả vì xung đột Nga - Ukraine.

Triển vọng kết thúc chiến sự Nga - Ukraine sụp đổ

Đầu năm 2023, Ukraine và các đồng minh phương Tây kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt chiến sự đã kéo dài hơn một năm bằng cuộc phản công quy mô lớn, đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ở miền đông, thậm chí có thể giành lại cả bán đảo Crimea, thay đổi cục diện trên chiến trường, từ đó buộc Moskva ngồi vào bàn đàm phán.

Chiến dịch phản công của Ukraine (video cuối năm)
 
 
Chiến dịch phản công của Ukraine bế tắc. Video: Reuters, AFP

Cuộc phản công bắt đầu ngày 4/6, với nhiều lữ đoàn Ukraine được NATO huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại của phương Tây tung vào trận. Nhưng phòng tuyến kiên cố của Nga đã khiến các đơn vị Ukraine hứng chịu tổn thất nặng nề ngay từ ngày đầu, với hàng loạt xe tăng, thiết giáp phương Tây mắc kẹt và bị phá hủy giữa bãi mìn.

Ukraine chỉ tiến được tổng cộng 17 km sau 6 tháng phản công. Các đồng minh phương Tây của Kiev thất vọng, mệt mỏi, thậm chí chia rẽ vì chiến sự ngày càng lan rộng. Nguồn viện trợ Ukraine giảm xuống mức thấp kỷ lục. Kỳ vọng chấm dứt chiến sự trong năm 2023 sụp đổ.

Các mũi tiến công của Ukraine và phản công của Nga. Đồ họa: WP

Khi mùa đông khắc nghiệt đến, cuộc phản công của Ukraine đình trệ, chiến tuyến gần như đóng băng và hai bên đều trong thế bế tắc. Thực tế này khiến chiến sự sẽ kéo dài sang năm 2024, có thể với những trận chiến khốc liệt hơn, khi Nga dần chuyển sang thế tiến công.

Cả hai bên đến nay đều không thể hiện bất cứ ý định đàm phán nào. Giới chuyên gia nhận định xung đột chỉ có thể được giải quyết trên chiến trường. Chỉ khi một bên hứng chịu thất bại nặng nề và nguồn lực dự trữ cạn kiệt, cánh cửa đàm phán mới có thể mở ra để kết thúc cuộc chiến bi thảm nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Khi cuộc chiến càng kéo dài, tình trạng chia rẽ, phân cực trên thế giới càng sâu sắc, đối đầu giữa phương Tây và Nga ngày càng quyết liệt, có thể tạo ra những liên minh, khối hợp tác mới, khiến nhân loại khó phối hợp cùng nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu như nguy cơ khủng hoảng lương thực, khí hậu hay ứng phó thiên tai, thảm họa.

59.000 người chết trong thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Sáng 6/2, khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria rung chuyển dữ dội trong trận động đất 7,8 độ. Đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ, và cũng là một trong những thảm họa động đất chết chóc nhất thế giới. Hơn 59.000 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương, mức thương vong nặng nề nhất kể từ sau trận động đất năm 2010 ở Haiti.

Trận động đất khiến hơn 160.000 tòa nhà đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, tạo ra 100 triệu mét khối gạch vụn, bê tông, sắt thép và các vật liệu xây dựng khác, đủ để bao phủ một nửa thủ đô Washington của Mỹ trong đống đổ nát cao một mét. Các chuyên gia kinh tế nhận định Ankara cần tới 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng sau thảm họa.

Ông Mesut Hancer nắm chặt tay con gái đã qua đời trong đống đổ nát ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2. Ảnh: AFP

Không chỉ gây ra thảm họa nhân đạo quy mô lớn, vụ động đất còn phơi bày nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cơn sốt xây dựng được chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thúc đẩy từ năm 2019 đã khiến hàng nghìn công trình mọc lên mà không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, để rồi nhiều chung cư cao cấp đổ sập như giấy trong động đất. Hơn 600 người liên quan đã bị điều tra, trong đó có hàng loạt nhà thầu, chủ sở hữu bất động sản, đơn vị sửa chữa.

Người dân tìm kiếm các nạn nhân và người sống sót dưới đống đổ nát của những tòa nhà bị đổ sập ở làng Besnaya, tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Tại Syria, động đất còn khoét sâu thêm vết thương chiến tranh của người dân ở khu vực tây bắc nước này, vốn đã mắc kẹt trong giao tranh giữa quân đội chính phủ và các nhóm nổi dậy. Hàng nghìn nạn nhân được chôn trong mộ tập thể, trong khi gần 300.000 người ở tỉnh Aleppo phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Syria đào mộ tập thể chôn nạn nhân động đất
 
 
Người dân thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo, Syria, đào mộ tập thể chôn người thiệt mạng sau trận động đất. Video: Reuters

Dù vậy, thảm họa cũng cho thấy tình người và lòng nhân đạo tỏa sáng trong nghịch cảnh như thế nào. Hàng loạt quốc gia đã quyên góp tiền hỗ trợ các nạn nhân và gửi những đội tình nguyện tới hiện trường để trực tiếp tham gia cứu hộ, góp phần giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Syria vượt qua thảm kịch.

Donald Trump bị truy tố

Các cựu tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà Trắng thường rút khỏi chính trị, tận hưởng cuộc sống yên bình, nhưng Donald Trump là ngoại lệ. Ông Trump hồi tháng 3 trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố trong lịch sử Mỹ, khi tòa án New York đưa ra cáo trạng điều tra ông chi tiền "bịt miệng" sao khiêu dâm, ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.

Tỷ phú 77 tuổi sau đó đối mặt thêm ba vụ truy tố cấp bang và liên bang, gồm giữ trái phép tài liệu mật, tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn ở quốc hội Mỹ tháng 1/2021 và âm mưu thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 tại bang Georgia. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử phải chụp ảnh hồ sơ khi trình diện nhà tù Atlanta, Georgia.

Ảnh lưu hồ sơ nhà tù của Trump. Ảnh: Cảnh sát hạt Fulton

Với 91 tội danh bị cáo buộc, ông Trump đối mặt án tù lên tới hơn 717 năm nếu bị kết tội. Tuy nhiên, ông vẫn đủ điều kiện tranh cử tổng thống năm 2024, do hiến pháp Mỹ không cấm người bị truy tố chạy đua vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Trump đã tận dụng điều này để truyền đi thông điệp mình là nạn nhân của "cuộc săn phù thủy", qua đó lôi kéo người ủng hộ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông giữ vị thế dẫn đầu và ngày càng gia tăng khoảng cách so với những ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa. Ông thậm chí còn dẫn trước ứng viên hàng đầu đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden trong một số cuộc khảo sát.

Tỷ lệ ủng hộ các ứng viên nội bộ đảng Cộng hòa từ đầu năm 2023 đến ngày 19/12. Ảnh: Real Clear Politics

Rắc rối pháp lý với ông Trump tăng lên sau khi Tòa án Tối cao Colorado ra phán quyết gạt tên cựu tổng thống khỏi phiếu bầu sơ bộ ở bang này, cho rằng ông có liên quan đến vụ bạo loạn Đồi Capitol, do đó không đủ tư cách để giữ vị trí tổng thống. Tòa án Tối cao Mỹ đầu tháng sau sẽ quyết định có thụ lý sự việc theo kháng cáo của ông Trump hay không.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm chia rẽ trong dư luận Mỹ, cũng như định đoạt số phận chính trị của ông Trump và cục diện cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử, nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử sẽ có một tổng thống đồng thời là bị cáo và có nguy cơ phải ngồi tù.

Kịch bản này nhiều khả năng sẽ khiến chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ hai của Trump sẽ trở nên khó đoán định hơn, cũng như làm sâu sắc hơn tình trạng phân cực ở nước Mỹ và trên thế giới.

Nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục

2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 15,1 độ C, cao hơn 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức cao nhất trong 125.000 năm qua. "Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói, cảnh báo kỷ nguyên "sôi sục toàn cầu" đã đến với những hậu quả khó lường.

Năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử
 
 
Nhiệt độ đại dương ở mức nóng hơn trung bình (thể hiện qua màu đỏ) trên khắp thế giới trong nửa đầu tháng 6. Video: Scott Duncan

Các tháng kể từ tháng 6 đến tháng 9 đều phá kỷ lục toàn cầu về mức nhiệt độ trung bình. Hệ thống khí hậu của hành tinh bị ảnh hưởng khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và mưa bão xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn.

Châu Âu là châu lục đang nóng lên nhanh nhất thế giới, nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980. Trung Quốc, sau một mùa hè khô hạn và nắng nóng cực đoan, đang hứng chịu mùa đông lạnh chưa từng có, khi "xoáy Bắc Cực" suy yếu do biến đổi khí hậu và không thể ngăn không khí cực lạnh từ khu vực này tràn xuống phía nam.

Sương giá kết băng trên lông mày, tóc, khẩu trang và bịt tai của một người dân đi tập thể dục ngoài trời tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, ngày 20/12. Ảnh: AFP

Thế giới đã tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, nghiên cứu các công nghệ mới giúp giảm phát thải cũng như hút CO2 ra khỏi bầu khí quyển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về mức độ hiệu quả của các công nghệ đó, khi việc sản xuất và phát thải nhiên liệu hóa thạch tiếp tục gia tăng.

Biến động nhiệt độ trung bình toàn cầu qua các năm. Đồ họa: Berkeley Earth

Hội nghị khí hậu toàn cầu COP28 đã đạt được thỏa thuận kêu gọi các nước "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này, để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050", nhưng không nhất trí được về nỗ lực "loại bỏ nhiên liệu hóa thạch", khiến nhiều người lo ngại nhân loại có thể đã bỏ lỡ cơ hội tránh biến đổi khí hậu thảm khốc.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất dự báo GDP toàn cầu năm nay chỉ tăng 3%, thấp hơn 3,5% năm ngoái và dưới trung bình giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%. Cơ quan này nhận định tăng trưởng toàn cầu đi xuống là hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến, khi ngân hàng trung ương các nước ồ ạt nâng lãi suất để ghìm lạm phát và đối phó tác động từ chiến sự Nga - Ukraine.

Lãi suất cao đã giúp các nước giảm lạm phát từ mức hai chữ số về 2-3%, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực đồng euro, Đức, Anh đang cận kề suy thoái, khi GDP quý trước co lại. Nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ sụp đổ trong nửa đầu năm vì lãi suất cao. Yen Nhật, đồng tiền vốn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động, cũng trở nên kém hấp dẫn vì chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nước phương Tây.

Người dân xếp hàng bên ngoài văn phòng của Silicon Valley Bank hôm 13/3 ở California, sau khi ngân hàng này sụp đổ. Ảnh: AFP

Khi nền kinh tế có dấu hiệu chịu tổn thương từ chính sách thắt chặt, các ngân hàng trung ương buộc phải dừng đà tăng lãi suất. Sau 10 lần tăng liên tiếp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất nửa năm qua, nhằm đánh giá thêm ảnh hưởng từ các động thái trước đó lên nền kinh tế. Mỹ được dự báo có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024, với tổng cộng mức giảm năm sau có thể lên hơn 150 điểm (1,5%).

Các nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York theo dõi thông báo giữ nguyên lãi suất của Fed hôm 13/12. Ảnh: Reuters

Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng nối gót, góp phần tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu. Giá vàng thế giới tăng mạnh nửa cuối năm, có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.135 USD một ounce. Chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản đều khởi sắc trong tháng này.

Trí tuệ nhân tạo bùng nổ

Bước vào năm 2023, thế giới chứng kiến một cơn sốt toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Ngoài ChatGPT, nhiều hãng công nghệ lớn cũng cho ra mắt chatbot tương tự như Google với Bard, Microsoft có Bing Chat, xAI với Grok, Baidu với Ernie Bot. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.

Theo khảo sát mới nhất của McKinsey Global, chưa đầy một năm sau khi các công cụ này ra mắt, hơn 30% người được hỏi cho biết tổ chức của họ đang sử dụng AI tạo sinh cho ít nhất một chức năng kinh doanh. Gần 25% số giám đốc được hỏi cho biết họ đang sử dụng công cụ AI cá nhân cho công việc, 40% nói rằng tổ chức của họ sẽ tăng đầu tư vào AI vì những lợi ích mà chúng mang lại.

Dự báo giá trị thị trường AI. Đồ họa: McKinsey Global

Giáo sư Shen Yanggu thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc gần đây đưa tác phẩm The Land of Machine Memories (Vùng đất của ký ức máy) tham gia cuộc thi tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tại Giang Tô lần thứ 5 và vượt qua gần 200 đối thủ để giành giải nhì. Tiểu thuyết gồm 43.000 ký tự, hoàn toàn được viết và vẽ tranh minh họa bằng AI.

Sự bùng nổ của AI đã gây ra tranh luận về việc công nghệ này đang mở ra kỷ nguyên mới cho sáng tạo và thịnh vượng của con người, hay sẽ tạo ra tương lai đầy bất trắc với nhân loại. Một số người cảnh báo AI có thể gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội, đặt ra vấn đề về đạo đức kỹ thuật số, cũng như có nguy cơ phát triển nhanh hơn khả năng kiểm soát của con người.

Nhưng các nhà quan sát đánh giá công nghệ này đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có, cho phép nhanh chóng tạo ra những loại thuốc mới, giải mã nhiều bí ẩn y học, cũng như hỗ trợ đắc lực cho con người trong công việc và giải trí. Giáo viên, học sinh có thể dùng chatbot như công cụ hỗ trợ cho các môn cần tóm tắt lượng lớn thông tin, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp có thể chuẩn bị các bài phát biểu, soạn email cho nhân viên, đối tác bằng văn phong phù hợp với sự hỗ trợ của AI.

Nhiều người còn dùng chatbot để tra cứu thông tin thay cho tìm kiếm qua Google, Bing Search, trong khi giới trẻ đang có xu hướng sử dụng AI để vẽ tranh, tạo ảnh hay avatar cá nhân.

Tranh minh họa trong tiểu thuyết The Land of Machine Memories do AI tạo ra, kể về nữ chính Li Xiao, một kỹ sư mất hết ký ức về gia đình sau một cuộc thí nghiệm, cố gắng thám hiểm không gian metaverse để tìm hiểu quá khứ của bản thân. Ảnh: Weibo/Capital Television

Kỳ vọng lạc quan năm 2024

Tại hội nghị G20, ông Guterres cho rằng thế giới của chúng ta, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải đối mặt với rất nhiều thách thức như bất bình đẳng gia tăng, xung đột và đói nghèo lan rộng, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Nhưng nhân loại vẫn trông đợi vào tương lai tươi sáng hơn với những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ và các nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau thời gian khó khăn vì đại dịch và xung đột. Theo một khảo sát tiến hành ở 34 quốc gia trên 5 châu lục, khoảng 70% dư luận thế giới lạc quan rằng tình hình sẽ tích cực hơn, khoảng 50% tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm tới.

"2023 có thể là năm bước ngoặt của nhân loại với nhiều biến động và thách thức", Julie Kofoed, giám đốc cấp cao tại Sáng kiến Phát triển Bền vững, đánh giá. "Nhưng lịch sử đã cho thấy rằng trong những thời điểm khó khăn, hỗn loạn, những điều mới mẻ sẽ xuất hiện và sinh sôi".

VnExpress