Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Những việc đơn giản dạy con tự lập từ nhỏ

 hứ sáu, 30/9/2022, VnExpress.net

Những  việc  đơn  giản  dạy  con  tự  lập  từ  nhỏ

Trẻ tự lập có thể tự làm mọi việc mà không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Bởi vậy, bố mẹ nên dạy càng sớm càng tốt.

Nhờ trẻ đưa ra chỗ đậu xe hoặc chỉ đường về nhà.

Để giúp con phát triển kỹ năng điều hướng và ghi nhớ, dù đi bất kỳ đâu, bố mẹ nên để trẻ dẫn đến chỗ đậu xe hoặc chỉ đường về nhà. Cách làm này giúp trẻ tự tin và xây dựng tính độc lập. Có thể áp dụng phương pháp này kể cả khi chạy bộ, câu cá hay đưa con đi mua sắm cùng.

Dạy con ghi nhớ tên họ đầy đủ của mình

Nhiều trẻ dù lớn nhưng lại không biết tên họ đầy đủ của mình, vì chúng thường được gọi với biệt danh ở nhà. Việc này khá nguy hại trong trường hợp con bị lạc đường. Ngay từ nhỏ, nên dạy trẻ tên họ đầy đủ của chúng, của bố mẹ cũng như phải ghi nhớ địa chỉ nhà riêng, số điện thoại của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.

Sắp xếp lại nhà cửa giúp trẻ tiếp cận mọi thứ an toàn.

Trẻ biết sắp xếp đồ chơi, phòng ốc lúc còn nhỏ thì khi trưởng thành, chúng sẽ trở nên tự lập. Bởi vậy, người lớn nên đặt những đồ dùng trong nhà như khăn ăn, bát đĩa, nước và quần áo... ở những vị trí mà trẻ có thể với tới và dễ tiếp cận. Nên để trẻ tự làm mọi việc của mình ngay từ khi nhỏ, nếu không, con bạn sẽ chẳng còn cơ hội tự lập nữa.

Đừng thúc ép công việc với trẻ thường xuyên.

Nếu bạn thường xuyên cằn nhằn, sẽ chỉ phản tác dụng vì khiến trẻ chán không muốn làm việc, ngày càng phụ thuộc vào cha mẹ. Bởi vậy, đừng bao giờ cằn nhằn những câu kiểu như: "Đừng quên rửa bát nếu con muốn thêm thời gian chơi". Nói như vậy, trẻ sẽ quen với việc bị thúc ép và nhắc nhở chứ không phải tự chúng muốn làm.

Chỉ nên nhắc nhở trẻ một lần, sau đó tạo cơ hội cho chúng chứng minh bản thân có thể tự lập.

Cho trẻ cơ hội lựa chọn ngay cả khi được khen thưởng.

Cha mẹ khi muốn khen thưởng con bằng một thứ gì đó như kẹo bánh, trái cây, nên hỏi xem chúng muốn bao nhiêu quả/cái. Ví dụ: "Con muốn ba hay năm quả táo?", thường trẻ sẽ chọn số lớn hơn và cảm thấy bản thân như hoàn thành một đầu việc được giao. Bằng cách này, chúng sẽ trở nên tự tin hơn mà cũng rèn được tính tự lập.

Việc cho trẻ tiếp xúc với những con số cũng như việc tự đưa ra quyết định sẽ giúp chúng hiểu hơn về giá trị đồng tiền.

Khuyến khích trẻ tự chơi một mình.

Khi trẻ một tuổi, bạn có thể khuyến khích chúng tự chơi một mình. Hãy bắt đầu bằng việc để trẻ chơi trong phòng vài phút mà không có người lớn kèm, sau đó tăng dần thời gian. Mỗi khi vào bếp chuẩn bị bữa tối, cũng nên đưa trẻ chiếc bát và một vài cái thìa để chúng chơi một mình. Nếu những cách trên không hiệu quả, có thể cho trẻ ăn một bữa nhẹ trong lúc chờ bố mẹ hoàn thành công việc.

Trang Vy
(Theo Brightside

Hơn 300.000 người Việt sống chung với ung thư

 

Thứ sáu, 30/9/2022, VnExpress.net

Hơn  300.000  người  Việt  sống  chung  với  ung  thư

Hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư, nhiều trường hợp phát hiện muộn, nguy cơ tử vong cao.

Thông tin được Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, nói tại Hội thảo Ung thư Quốc gia, ngày 30/9.

Theo ông Quảng, năm 2020, nước ta có hơn 182 nghìn trường hợp mắc mới và 122.000 người qua đời vì ung thư, gấp 18 lần tử vong vì tai nạn giao thông, gấp ba lần tử vong vì dịch Covid-19 tính đến tháng 8/2022. Trong khi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có gần 20 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì căn bệnh này, 2/3 là ở các nước đang phát triển.

"Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến khám ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn", PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K, nói và thêm rằng ung thư có hai đặc tính quan trọng nhất là tái phát và di căn. Trong đó, tế bào ung thư phát triển nhân lên vô độ, nên cần hạn chế tình trạng này bằng mổ, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch.

"Từ nhiều năm trước, liệu pháp miễn dịch đã được các nhà khoa học dự đoán rằng có thể sẽ trở thành một trong những phương pháp điều trị quan trọng và kỳ vọng sẽ cải thiện tỷ lệ tử vong do ung thư", ông Bình cho biết.

Hiện Việt Nam đã triển khai hai phương pháp về miễn dịch. Cách thứ nhất là dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để tháo bỏ các "chốt" do tế bào ung thư tạo ra, nhằm kìm hãm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Cách thứ hai, dùng máu của chính bệnh nhân, tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cơ thể người bệnh. Liệu pháp này giúp tăng cường sức đề kháng đánh bại tế bào ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống.

 

Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật cho một bệnh nhân ung thư. Ảnh: Thái Hà

Bệnh viện K cũng áp dụng điều trị miễn dịch cho nhiều loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng, phổi, ung thư tiền liệt tuyến... và một số lĩnh vực thần kinh, nhi khoa.

"Kết quả bước đầu cho thấy liệu pháp này có nhiều triển vọng, giúp tỷ lệ sống thêm cao hơn, tỷ lệ tái phát và di căn giảm", ông Bình nói và cho biết nhiều bệnh nhân khỏi ung thư, kéo dài sự sống nhờ liệu pháp miễn dịch. Như một trường hợp được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ví như "câu chuyện cổ tích giữa đời thường"- là người phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú khi mang thai. Người mẹ đã hy sinh cá nhân để giữ lại thai nhi. Chị được điều trị với các phương pháp khác nhau, trong đó có điều trị miễn dịch, điều trị đích. Sau đó, người phụ nữ đã sinh con an toàn, bé phát triển tốt.

Lê Nga

THIÊN THẦN BẢN MỆNH

 

Fri, 30/09/2022 -Trầm Thiên Thu

THIÊN THẦN BẢN MỆNH

 


Mỗi người được Thiên Chúa ban cho một “cận vệ” là Thiên Thần Bản Mệnh (TTBM), cũng gọi là Thiên thần Hộ thủ – lễ ngày 2 tháng Mười. TTBM luôn ở bên chúng ta mà lại bị chúng ta “quên” hoặc “làm ngơ,” không hề nhớ hoặc cầu nguyện với các ngài. Chúng ta thật là tệ!

Các thiên thần được đề cập hơn 300 lần trong Kinh Thánh, nhưng nhiều người vẫn biết ít về các thiên thần.

Các thiên thần là các “đặc phái viên” (God’s emissaries) của Thiên Chúa, luôn ở bên chúng ta, mọi nơi và mọi lúc, để canh chừng chúng ta, bảo vệ chúng ta, chiến đấu thay chúng ta.

Năm 1985, sau khi chị thị kiến TTBM, chị Vassula Ryden đã viết một cuốn sách về TTBM, cuốn “Heaven is Real, But So is Hell” (Thiên Đàng Có Thật, mà Hỏa Ngục cũng Có Thật), phát hành ngày 16-3-2013, thuộc loại “bestseller” (bán chạy như tôm tươi). Chị đã chia sẻ với hàng triệu người tại 80 quốc gia. Sách của chị được dịch ra 40 thứ tiếng. Trang Facebook của chị là “Jesus Is Returning” (Chúa Giêsu Sẽ Trở Lại) đã có hơn 1 triệu lượt ghé thăm, trang Twitter của chị được hơn 200.000 lượt ghé thăm.

Đây là 9 điều chị chia sẻ về các thiên thần:

1. THẦN TỐT NHIỀU HƠN THẦN XẤU

Đạo binh thiên thần tốt lành của Thiên Chúa nhiều hơn hẳn về quân số và mạnh hơn hẳn so với tà binh. Ma quỷ tức giận vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và nên chúng tìm mọi cách để hủy hoại chúng ta. Tuy nhiên, chúng phải chịu “bó tay.”

2. THIÊN THẦN NGUYỆN GIÚP CẦU THAY

Vũ khí lợi hại nhất mà chúng ta phải sử dụng trong cuộc chiến tâm linh là cầu nguyện. Chúng ta may mắn vì TTBM luôn cầu thay nguyện giúp cho mỗi chúng ta. TTBM cầu nguyện cho chúng ta thay lòng đổi dạ và biết trở về với Thiên Chúa, giải hòa với Ngài sau khi chúng ta “nổi loạn.”

3. TTBM LUÔN CẬN KỀ

TTBM giống như “lính gác,” không bao giờ rời xa chúng ta. Dù chúng ta đi đâu hoặc làm gì, TTBM vẫn theo dõi, đồng thời TTBM cũng vẫn luôn hiện diện trước Tôn Nhan Thiên Chúa.

4. THẾ GIỚI TÂM LINH BAO QUANH CHÚNG TA

Xung quanh chúng ta có cả thiên thần và ma quỷ, ảnh hưởng mọi lúc trong cuộc đời chúng ta.

5. CUỘC CHIẾN RẤT DỮ DỘI

Có những cuộc chiến tâm linh xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chính chúng ta vẫn tham chiến dù chúng ta có ý thức hay không.

6. KHÔNG PHẢI CÁC THIÊN THẦN ĐỀU TỐT

Các thiên thần sa ngã là ma quỷ. Luxiphe và các ác thần bị Tổng lãnh Thiên thần Micae và các thần lành xua đuổi vì đã dám phản nghịch chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ luôn tìm các cám dỗ và hủy diệt con cái của Thiên Chúa, chúng ngăn cản để Ý Chúa không được thực hiện trên thế gian này.

 7. THIÊN THẦN BẢO VỆ CHÚNG TA

Thiên thần bản mệnh bảo vệ chúng ta khỏi sự ác. Một đêm nọ, chị Ryden thấy con rắn (ma quỷ) muốn hại chị. TTBM liền triệt hạ con rắn.

8. THIÊN THẦN MUỐN TỐT CHO CHÚNG TA

Khi TTBM đến thăm chị Ryden, ngài cho chị biết tình trạng tội lỗi của chị. Chị cảm thấy hổ thẹn lắm. Chị buộc phải nhìn vào nội tâm và thấy những gì Thiên Chúa cũng thấy. TTBM an ủi chị, muốn chị trở về với Thiên Chúa, và TTBM cho biết sẽ cầu xin Chúa cho chị.

9. THIÊN THẦN VÀ MA QUỶ CÙNG HIỆN HỮU

Một trong các mưu mô thâm độc nhất của ma quỷ là giả vờ như không hiện hữu. Nhiều người không muốn nhắc tới ma quỷ, nhưng ma quỷ là có thật, chúng có thể ảnh hưởng tới chúng ta.

Lòng sùng kính các TTBM bắt đầu phát triển từ khi bắt đầu có truyền thống tu trì. Thánh Bênêđictô thúc đẩy việc này cùng với Bernard Clairvaux, nhà cải cách hồi thế kỷ XII và nhà hùng biện về TTBM. Lòng sùng kính các thiên thần có từ hồi đó. Lễ kính các TTBM được cử hành lần đầu hồi thế kỷ XVI. Năm 1615, ĐGH Phaolô V thêm lễ này vào lịch Công giáo Rôma.

Lạy Thiên Thần Bản Mệnh, con xin lỗi ngài vì con thường xuyên quên ngài, xin ngài tha thứ, tiếp tục yêu thương che chở và nguyện giúp cầu thay. Amen.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Tháng 10: Ngắm mưa sao băng kỳ thú xuất hiện trên bầu trời Việt Nam

 

Tháng 10: Ngắm mưa sao băng kỳ thú xuất hiện trên bầu trời Việt Nam

 29/09/2022 - THANH NIÊN ONLINE

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú sẽ xuất hiện tại Việt Nam và thế giới vào tháng 10 này. Đáng chú ý là 2 trận mưa sao băng rực rỡ trên bầu trời và nhật thực một phần không thể bỏ lỡ.

Mưa sao băng Draconids Draconids (7.10)

Đây là một trận mưa sao băng nhỏ kéo dài chỉ tạo ra khoảng 10 sao băng mỗi giờ. Nó được tạo ra bởi những hạt bụi sao chổi 21P Giacobini-Zinner để lại, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1900.

 

Tháng 10: Ngắm mưa sao băng kỳ thú xuất hiện trên bầu trời Việt Nam - ảnh 1

Nhiều trận mưa sao băng kỳ thú sẽ xuất hiện trong tháng 10 này

HAS

Draconids là một trận mưa sao băng bất thường vì thời điểm đẹp nhất để xem nó là vào chập tối thay vì rạng sáng như phần lớn những trận mưa sao băng khác. Trận mưa sao băng diễn ra từ ngày 6 - 10.10 hàng năm và năm nay sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 7.

Năm nay, trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ làm lu mờ tất cả trừ những sao băng sáng nhất. Nếu bạn kiên nhẫn, bạn vẫn sẽ có thể bắt gặp được một vài cảnh đẹp. Thời điểm quan sát tốt nhất sẽ là chập tối từ một địa điểm tối cách xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Draco nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời

Sao Thủy đạt ly giác cực đại phía Tây (8.10)

Sao Thủy sẽ đạt góc ly giác tây lớn nhất vào 18 độ tính từ Mặt trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát sao Thủy vì nó sẽ ở vị trí cao nhất phía trên đường chân trời vào lúc sáng. Hãy tìm kiếm hành tinh nằm thấp dưới bầu trời phía đông ngay trước khi bình minh.

Trăng tròn (9.10)

Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất so với Mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Giai đoạn này xảy ra lúc 03:55 (giờ Việt Nam). Người châu Mỹ bản địa gọi nó là Trăng Thợ Săn vì vào thời điểm này trong năm, lá bắt đầu rơi, động vật bắt đầu béo no và sẵn sàng cho việc săn bắn. Trăng lần này cũng được biết đến như là Trăng Du Lịch và Trăng Máu.

Tháng 10: Ngắm mưa sao băng kỳ thú xuất hiện trên bầu trời Việt Nam - ảnh 2

Mưa sao băng Orionids (21 - 22.10)

Mưa sao băng Orionids là trận mưa sao bằng trung bình, tạo ra lên đến 20 ngôi sao một giờ khi đạt cực đại. Nó được tạo ra bởi những hạt bụi còn sót lại của sao chổi Halley, đã được biết đến và được quan sát từ thời cổ xưa.

Trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 2.10 đến ngày 7.11. Cực đại của năm nay là vào đêm ngày 21.10. Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ để lại bầu trời đêm cho một màn trình diễn tốt. Thời điểm quan sát tốt nhất là từ một địa điểm tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Orion nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Trăng mới (25.10)

Mặt trăng sẽ ở cùng hướng với Trái đất so với Mặt trời và sẽ không xuất hiện trên bầu trời đêm. Giai đoạn này diễn ra vào 17:49 (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát những thiên thể mờ nhạt như thiên hà và cụm sao bởi chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.

Nhật thực một phần (25.10)

Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt trăng chỉ che đi một phần của Mặt trời, đôi khi trông giống như một chiếc bánh quy cắn dở. Nhật thực chỉ có thể được quan sát an toàn nếu có tấm lọc ánh sáng mặt trời hoặc bằng cách nhìn vào bóng của nó.

Nhật thực một phần lần này sẽ được quan sát tốt nhất ở một vài khu vực phía tây nước Nga và Kazakhstan. Địa điểm quan sát tốt tất là ở trung tâm nước Nga với độ che phủ là 80%. Rất tiếc, hiện tượng này không quan sát được ở Việt Nam.

Vì sao ăn cua biển có thể gây sốc phản vệ?

 

Vì  sao  ăn  cua  biển  có  thể  gây  sốc  phản  vệ?

Lê Cầm - camle.bctt@gmail.com

29/09/2022    THANH NIÊN ONLINE

Tôi thường bị nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu sau khi ăn cua biển, tôi nghe nói ăn cua biển dễ gây dị ứng và sốc phản vệ xin hỏi bác sĩ nguyên nhân do đâu? (Thu Tuyết, 29 tuổi, ở Bình Dương)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Cua biển và các loại tôm thuộc loài giáp xác. Dị ứng với thực phẩm loài giáp xác là một trong các loại dị ứng thường gặp nhất. Dị ứng với cua biển, thường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Theo thống kê chung trên toàn thế giới, dị ứng với cua biển đứng hàng thứ ba sau đậu phộng và các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, đào lộn hột...).

Dị ứng đối với cua biển, cũng như dị ứng với các thực phẩm khác, có nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể đáp ứng với protein có trong thức ăn. Cơ thể chúng ta cho rằng các protein vốn vô hại này là mối đe dọa và phóng thích các hóa chất gây triệu chứng dị ứng. Thành phần gây dị ứng đối với loài giáp xác là một protein cơ gọi là tropomyosin. Một người dị ứng với tropomyosin của một loài giáp xác có thể dị ứng cả với thực phẩm của loài giáp xác khác.

 

Vì sao ăn cua biển có thể gây sốc phản vệ? - ảnh 1

Cua biển là loại thức ăn ngon nhưng dễ gây dị ứng


TUY AN

Phản ứng dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ, đây là tình trạng phản ứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm tính mạng, cần cấp cứu kịp thời.

Bạn cũng lưu ý rằng một người dị ứng với cua biển và các loài giáp xác có thể không dị ứng với các loài cá biển do tác nhân gây dị ứng ở 2 loại thực phẩm này là khác nhau. Do đó, người dị ứng cua biển vẫn có thể ăn cá biển, và ngược lại (trừ trường hợp bạn dị ứng với cả loại thức ăn này).

Dán miệng chặn tiếng ngáy, trào lưu gây tranh cãi

 

Thứ năm, 29/9/2022, VnExpress.net

Dán  miệng  chặn  tiếng  ngáy,  trào  lưu  gây  tranh  cãi

Một ước tính cho thấy khoảng 57% nam giới và 40% phụ nữ ngủ ngáy. Do đó, trào lưu # mouthtaping hiện hot trên TikTok được nhiều người học theo.

Trào lưu này xuất phát từ một video đã có 33 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Video dạy cách xử lý tiếng ngáy bằng cách dán miệng bằng băng keo, băng dính y tế, buộc bạn phải thở bằng mũi. Xu hướng này lan tỏa, nhiều người nói rằng việc dán miệng có thể giúp đối tác lẫn bản thân họ ít ngáy hơn.

Dán miệng khi ngủ là phương pháp Buteyko, xuất hiện vào những năm 1950 bởi bác sĩ người Ukraine Konstantin Pavlovich Buteyko. Ông cho rằng nếu chăm chỉ luyện tập thở bằng mũi, những vấn đề liên quan đến sức khỏe của phổi sẽ giảm dần và biến mất theo thời gian.

Một số quan điểm cổ xúy cách làm này. Theo Cleveland Clinic, thở bằng mũi có lợi hơn thở bằng miệng như giảm huyết áp, lọc các chất gây dị ứng, giữ ẩm cho cổ họng, giảm lo lắng, điều chỉnh nhiệt độ hơi thở của bạn. Trong khi đó, thở bằng miệng có thể gây khô miệng, hôi miệng và đau họng. Người thở bằng miệng cũng có xu hướng ngáy nhiều hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia về giấc ngủ cho rằng cách làm này có hại.

Dán miệng khi ngủ để ngăn tiếng ngáy là cách làm gây nguy hại cho sức khỏe, tuyệt đối không nên làm theo. Ảnh: Reviewed/Jon Cha

Vậy, dán miệng vào khi đi ngủ có an toàn không?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Dán miệng có thể làm hạn chế luồng không khí và đó là một ý tưởng rất tệ nếu bạn thở bằng mũi không tốt, hoặc bạn nghi ngờ mình bị ngưng thở khi ngủ.

Carleara Weiss, tiến sĩ kiêm cố vấn khoa học về giấc ngủ tại trung tâm Aeroflow Sleep, Mỹ cho biết, chứng ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn đường hô hấp trên, làm hạn chế lượng không khí nạp vào và dẫn đến lượng oxy trong não thấp. Về lâu dài, oxy não thấp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, rối loạn tim mạch và tiểu đường loại hai. Chuyên gia này khẳng định, ngáy hoặc thở hổn hển khi ngủ là một cơ chế bảo vệ để mở đường thở và tăng lượng oxy. Trong khi đó, dán miệng lại sẽ chặn cơ chế này.

Trước đó, một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 36 bệnh nhân bị hen suyễn cho thấy tình trạng ngủ ngáy không được cải thiện. Một nghiên cứu năm 2022 được xuất bản trên tạp chí Sleep & Breathing cho thấy mọi người cố gắng thở bằng miệng ngay cả khi miệng của họ bị dán, điều này gây cản trở giấc ngủ của họ được tốt.

Weiss nhấn mạnh, ngay cả khi việc dán miệng có thể làm giảm các trường hợp ngủ ngáy, nó không điều trị được nguyên nhân gây ra chứng ngáy ngủ. Một nhược điểm khác là băng dán có thể gây kích ứng hoặc làm hỏng da.

Bạn nên làm gì với chứng ngủ ngáy?

Theo Cleveland Clinic, tình trạng ngáy xảy ra khi không khí không thể dễ dàng đi qua miệng hoặc mũi. Khi luồng không khí bị hạn chế, vòm miệng, amiđan, màng đệm và lưỡi rung vào nhau khi không khí bị đẩy ra ngoài. Điều này tạo ra âm thanh ồn ào.

Một số vấn đề khiến chứng ngáy trở nên tồi tệ hơn là rượu hoặc thuốc an thần, mỡ cơ thể dư thừa gây thêm áp lực lên các mô mềm hoặc mang thai gây viêm mũi.

Lauri Leadley, người sáng lập, chủ tịch và nhà giáo dục lâm sàng về giấc ngủ tại Valley Sleep Center, cho biết nếu bạn ngáy thường xuyên và quá to ảnh hưởng đến đối tác, hãy đến gặp bác sĩ về giấc ngủ. Họ sẽ xác định nguyên nhân gây ra chứng ngáy của bạn và loại trừ chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục chứng ngủ ngáy nếu chứng ngưng thở khi ngủ không phải là nguyên nhân:

Thay đổi tư thế ngủ, tránh uống rượu, duy trì cân nặng hợp lý, dùng thuốc để giảm nghẹt mũi.

Dán miệng hay tìm kiếm bất kỳ biện pháp khắc phục nào trên TikTok không phải là thuốc hỗ trợ cho vấn đề ngáy ngủ, Leadley nói. Tốt nhất là bạn tìm nguyên nhân gốc rễ, điều trị nó hiệu quả.

Thùy Linh (Theo Yahoo News)

PHỤC VỤ TIN YÊU

 

Wed, 28/09/2022 -  Trầm Thiên Thu

PHỤC  VỤ  TIN   YÊU

Khi Thánh LM Charles Eugène de Foucauld (1858-1916, Pháp) còn trẻ, một đứa cháu đã hỏi ngài: “Cậu làm được những việc rất hay, nhưng cậu đã làm gì cho Chúa chưa?” Một câu hỏi nhỏ nhưng hàm súc ý tưởng lớn. Chính câu hỏi đó đã khiến chàng trai trẻ Charles giật mình, đi xưng tội và xin vào Dòng Xitô (O.C.S.O. – Ordre Cistercien de la Stricte Observance, Dòng Xitô Tuân Thủ Nghiêm Ngặt). Trong thời gian phục vụ tại Tuareg, thuộc vùng sa mạc Sahara ở Algeria, ngài bị ám sát chết. Ngài sống thầm lặng và hèn mọn nhưng rất vĩ đại, cao cả.

Chắc hẳn chúng ta cũng giật mình vì câu hỏi của người cháu dành cho người cậu Charles de Foucauld ngày xưa, đồng thời cũng là câu hỏi để chúng ta tự vấn: “Tôi đã làm gì cho Chúa chưa?” Liệu chúng ta có thể trả lời ngay? Và câu trả lời thế nào? Thật là khó, nhưng đừng lo, vì chúng ta có thể hành động theo cách của Mẹ Thánh Teresa Calcutta: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhoi với tình yêu vĩ đại.” Hạt cát nhỏ không là gì đối với sa mạc, giọt nước nhỏ chẳng là gì đối với biển cả, nhưng sa mạc không thể thiếu hạt cát nhỏ đó, và biển cả cũng không thể thiếu giọt nước nhỏ đó.

Khinh suất điều nhỏ có thể gây hại lớn: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền.” Có những con người nhỏ bé, ở những nơi nhỏ hẹp, làm những điều nhỏ nhặt, nhưng lại có thể làm thay đổi diện mạo của thế giới. Chính những điều nhỏ mọn trong cuộc sống lại khả dĩ thể hiện tình yêu lớn lao nhất. Nữ văn sĩ Hellen Keller (1880-1968, người Mỹ) tâm sự: “Tôi khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả, nhưng trách nhiệm chính của tôi là làm được những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả.” Vâng, vấn đề là làm được những điều bình thường một cách phi thường. “Chuyện nhỏ” mà… không hề nhỏ. Đúng là không đơn giản chút nào!

Trong 12 tiểu ngôn sứ thời Cựu Ước, ông Khabacúc (Habakkuk) là ngôn sứ thứ 8. Tên ông có nghĩa là “ôm chặt” hoặc “vật lộn.” Ông là người khác thường trong các ngôn sứ, vì ông đã HỎI VỀ CÔNG VIỆC CỦA THIÊN CHÚA. (Kb 1:3a và 1:13b)

Trình thuật Kb 1:2-3 là lời phàn nàn thứ nhất của ông về “sự công chính suy thoái.” Ông mạnh dạn đặt vấn đề với Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt? Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.” Có lẽ chúng ta cũng đã từng đặt vấn đề như vậy, nhất là những con người yêu chuộng công lý và hòa bình, họ không thể ngồi yên khi thấy sự ác hoành hành khắp nơi. Ai cũng muốn sống trong một đất nước hòa bình thực sự. Muốn vậy thì phải thực thi công lý, bảo vệ sự thật. Có công lý thì mới khả dĩ có hòa bình. Phải hành động, không thể biết rồi thôi!

Đấng thấu suốt mọi sự là Thiên Chúa, (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) nhưng Ngài vẫn im lặng, vì thế đôi khi có người nghi ngờ về sự hiện hữu của Ngài. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Ngài im lặng vì Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thay đổi ngay hoàn cảnh của chúng ta vì Ngài muốn tâm hồn chúng ta thực sự biến đổi. Cụ thể như đại dịch covid, nó giúp người ta ý thức hơn về nhiều phương diện – cả đời và đạo.

Thiên Chúa trả lời và nói rõ ràng với ông: “Hãy VIẾT lại thị kiến và KHẮC vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu. Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình.” (Kb 2:2-4)

Thật tuyệt vời với ý tưởng của thi sĩ Paul Claudel (1868-1955, Pháp, kiêm nhà viết kịch và ngoại giao) khi ông xác định: “Chúa Giêsu xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau.” Thánh TS Teresa Lisieux phân tích: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ban ơn cho chúng ta mà hoàn toàn không cần chúng ta đền đáp. Tất cả những gì của chúng ta, ngay cả cái yếu đuối, Ngài cũng yêu.” Thiên Chúa biết tất cả, chỉ cần người ta cố gắng vượt qua chính mình và không bao giờ thất vọng.

Cảm nhận được điều quan yếu đó, Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2) Thiên Chúa là Đấng nhân lành, (Mc 10:18; Lc 18:19; Ga 10:11 & 14) Ngài thoải mái và tươi cười chứ không “nghiêm khắc” như chúng ta tưởng: “Thiên Chúa mến chuộng dân Ngài.” (Tv 149:4a) Thế thì chắc chắn Ngài cũng rất vui khi ở giữa chúng ta. Ngài nghiêm túc chứ không khó tính, cằn nhằn, càm ràm,... Thế thì chúng ta không thể không yêu mến Ngài.

Thật hạnh phúc khi chúng ta nhận biết và tôn thờ một vị Thiên Chúa như thế. Ca tụng Ngài và yêu mến Ngài là bổn phận và trách nhiệm tín nhân, đồng thời đó cũng là niềm hãnh diện của mỗi chúng ta. Vì thế, hãy đồng tâm nhất trí với nhau mà làm việc này: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7) Chính Thiên Chúa đã từng khuyến cáo dân Israel: “Các ngươi chớ CỨNG LÒNG như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi ĐÃ từng thách thức và DÁM thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9) Lời khuyến cáo này cũng đang và sẽ dành cho mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai – đặc biệt là về đức tin.

Hồng ân Thiên Chúa luôn chan hòa, phép lạ luôn xảy ra với chúng ta mọi nơi và mọi lúc, không cần phải tìm sự lạ ở đâu xa, nhưng đôi khi chúng ta vô tình hoặc cố ý làm ngơ mà thôi. Không khí là một phép lạ về sự sống mà có lẽ ít người nhận biết mà tạ ơn. Chúng ta làm được điều gì có vẻ “coi được” thì cũng do Thiên Chúa tác động, đúng như Chúa Giêsu minh định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5b) Vì thế, luôn phải cảnh giác với chính mình kẻo ảo tưởng, cậy sức mình rồi vênh vang tự đắc và nhìn người khác bằng nửa con mắt lé. Chúa mà “nghỉ chơi” một cái là “ngu suốt kiếp” luôn!

Thánh Phaolô nhắc nhở ông Timôthê về các ơn đã nhận được: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.” (2 Tm 1:6-8) Ngài nói thêm: “Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” (2 Tm 1:13-14) Rõ ràng có làm được việc gì – dù to hay nhỏ, dù thành công hay thất bại, chúng ta cũng phải nhờ và chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi. Đó là hệ quả của niềm tín thác và yêu mến.

Biết tin là có phúc, mặc dù không hề thấy tỏ tường. (x. Lc 1:45; Ga 20:29) Quả thật, đức tin rất quan trọng trong đời sống tâm linh – kể cả đời thường.

Trình thuật Lc 17:5-10 cho biết hai vấn đề: [1] sức mạnh của lòng tin, và [2] cách phục vụ khiêm tốn. Vì tin tưởng mà phục vụ: LÀM / KHÔNG LÀM bất cứ điều gì cho người khác là LÀM / KHÔNG LÀM cho chính Thiên Chúa, (x. Mt 25:31-46) dù chỉ là cho người khác một chén nước lã. (x. Mt 10:42; Mc 9:41) Tất cả đều được Thiên Chúa “chấm công” đầy đủ.

Có tin thì mới làm. Nghi ngờ thì không ai dám hành động. Ngày xưa, các Tông Đồ đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Một lời cầu nguyện thật đẹp và rất cần. Chúa Giêsu rất vui khi thấy các trò biết cầu nguyện như vậy, và còn hơn thế nữa, Ngài xác định: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Hạt đức tin nhỏ bé như lại có sức vươn cao, lớn mạnh lạ lùng.

Những người vô danh tiểu tốt, thậm chí còn bị người đời khinh miệt, ghét bỏ, nhưng họ lại là những con người “khổng lồ” trong cách nhìn của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã từng xác định: “Người nhỏ nhất là người lớn nhất.” (Lc 9:48) Đó là lời khuyến cáo đối với mọi người, vì chúng ta thường nhìn người khác theo bề ngoài, ai không hợp ý mình thì gièm pha, chê bôi, thậm chí là ghét bỏ. Đừng quên rằng bất cứ một động thái nhỏ nào của chúng ta đều được “ghi chép,” “ghi âm” và “thu hình” mọi chi tiết, ngày mai Chúa sẽ tính sổ!

Chúa Giêsu phân tích về cách phục vụ: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi,’ chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” Bổn phận và trách nhiệm là việc phải làm, không được so đo, phân bì. Thiên Chúa vẫn “chấm công” cho những người miệt mài phục vụ vì công ích, vì tha nhân, vì vinh danh Thiên Chúa, và vì Nước Trời. Ngoài ra, không có ý đồ gì khác.

Sách Châm Ngôn so sánh: “Người biếng nhác việc bổn phận mình là anh em với quân phá hoại.” (Cn 18:9) Và sách Huấn Ca xác định: “Hãy cứ bổn phận của con mà làm cho chu đáo, và chăm lo công việc cho đến già.” (Hc 11:20)

Chính Chúa Giêsu khuyến cáo: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những ĐẦY TỚ VÔ DỤNG, chúng tôi đã chỉ làm việc BỔN PHẬN đấy thôi.” Đó là cung cách phục vụ theo đức khiêm nhường – nền tảng vững chắc của Tòa Nhà Nhân Đức. Đồng thời tín nhân còn phải “tránh xa mọi điều bất chính” và thi hành “bổn phận đối với tha nhân,” bởi vì Thiên Chúa đã “truyền cho ai nấy PHẢI THI HÀNH.” (Hc 17:14)

Thật vậy, Thiên Chúa cho biết rạch ròi: “Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.” (Gr 17:10) Không chỉ vậy, từng lời nói cũng phải cẩn trọng: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:36-37)

Lạy Thiên Chúa công minh chính trực, xin soi sáng và hướng dẫn chúng con biết việc phải làm theo ý Ngài muốn, không ngại khó, không ba hoa, không khoe mẽ,không ỷ lại, hợm mình,... Xin giúp chúng con biết im lặng, không tự biện hộ, không buồn khi bị người khác chỉ trích, vẫn sẵn sàng bỏ qua cho họ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Căn bệnh 'tổn thương đạo đức'

 

Thứ tư, 28/9/2022, VnExpress.net

Căn  bệnh  'tổn  thương  đạo  đức'

MỸMôi trường làm việc độc hại, thiếu công bằng dễ khiến nhiều người tổn hại về mặt đạo đức, lâu dài gây căng thẳng và các bệnh lý tâm thần.

Kết luận được Đại học Sheffield và công ty tư vấn phòng chống kiệt sức Softer Success nêu trong một nghiên cứu công bố đầu tháng 9. Các chuyên gia cho biết "tổn thương về đạo đức" thường do làm việc trong môi trường độc hại, khiến người lao động cảm thấy bất công.

Nghiên cứu tiết lộ tổn thương về đạo đức hình thành khi chứng kiến hành vi vi phạm niềm tin về đạo đức của mỗi người tại nơi làm việc. Tình trạng này có tác động lâu dài, gây căng thẳng, dẫn đến kiệt sức.

Người lao động khó vượt qua những tổn thương về đạo đức. Nghiên cứu cho thấy trong phần lớn trường hợp, mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài nghỉ việc. Một số người có cảm xúc giống như đang trong một mối quan hệ lạm dụng.

Các yếu tố gây ra tổn thương về đạo đức tại nơi làm việc bao gồm: đồng nghiệp phản bội, cơ chế tuyển dụng không công bằng, hành vi sai trái không bị tố giác, những lời nói xúc phạm, thao túng hoặc kiểm soát của lãnh đạo.

Khi trải qua điều này trong một khoảng thời gian, người lao động bị tổn thương tâm lý, gặp các triệu chứng như e ngại trước các sự kiện tại nơi làm việc; thường xuyên mệt mỏi, trì hoãn; cảm thấy sợ hãi, lo lắng khó lý giải trong ngày.

Một số người không thể ngừng làm việc để nghỉ ngơi, thư giãn. Họ thường suy nghĩ đến các tình huống xấu; cảm thấy không hứng thú trong cả công việc lẫn cuộc sống hàng ngày; suy kiệt về mặt tình cảm, tinh thần và thể chất.

Nếu các triệu chứng này kéo dài và không được kiểm soát, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

 

Môi trường làm việc độc hại khiến nhiều người bị tổn hại về cả thể chất và tinh thần. Ảnh: Freepik

Cara de Lange, chuyên gia chăm sóc sức khỏe người lao động, người sáng lập của Softer Success, cho biết: "Tổn thương tinh thần là kết quả của văn hóa công sở độc hại, các đãi ngộ không công bằng đối với nhân viên. Thông qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện những người bị kiệt quệ về cảm xúc, hoài nghi và tổn thương đạo đức quá lâu có thể dẫn đến kiệt sức nói chung".

Trước đó, các chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tổn thương đạo đức với các công việc có tính rủi ro cao, chẳng hạn quân đội hoặc y tế. Những tình nguyện viên của nghiên cứu mới phong phú hơn, làm việc tại lĩnh vực quảng cáo, luật, công nghệ, viễn thông, chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp, nhân sự, kế toán, ngân hàng và tài chính. Họ có mức độ thâm niên khác nhau.

Các hành vi gây tổn hại tâm lý ở nơi làm việc mà họ phải chịu đựng bao gồm kỳ thị đồng tính, làm việc dưới trướng các lãnh đạo có thói quen sỉ nhục, kiểm soát và thao túng nhân viên. Nhiều công ty không tuân thủ luật pháp, sử dụng sai nguồn vốn, không hỗ trợ nhân viên trong các trường hợp y tế khẩn cấp.

Theo nghiên cứu, khi chứng kiến các hành vi vi phạm niềm tin về đạo đức, nhân viên cảm thấy sốc, bối rối, choáng váng. Một số người vượt qua được cú sốc này và trở nên lãnh cảm.

Hầu hết tình nguyện viên đều lập tức hành động để khắc phục tình hình. Tuy nhiên, chính cách phản ứng của tổ chức khiến tâm lý họ căng thẳng hơn.

Cảm giác bất lực và vi phạm đạo đức khiến nhiều người quyết định nghỉ việc hoặc nghỉ phép dài hạn. Số khác thành lập doanh nghiệp riêng hoặc trở nên trầm cảm, lo lắng.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, những sự kiện như vậy khiến người lao động thờ ơ, chán nản, giảm động lực. Họ phải chịu cảm giác tức giận, tuyệt vọng, bị phản bội,và bất lực. Nhiều tình nguyện viên ví trải nghiệm của họ với một mối quan hệ lạm dụng không thể trốn thoát.

"Chúng tôi nhận thấy người bị công ty ép buộc thực hiện những hành vi đi ngược lại giá trị đạo đức đã cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, họ không thành công, đều nghỉ việc và nỗ lực tìm công việc mới", Karina Nielsen.

Thông thường, những người đã nghỉ việc tìm cách bù đắp hành vi họ cho là sai trái bằng cách làm tình nguyện hoặc thành lập doanh nghiệp riêng, nơi họ có thể đảm bảo mọi thứ được tiến hành theo giá trị đạo đức.

Theo các chuyên gia, người trải qua tình trạng kiệt quệ về mặt đạo đức nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ trong hoặc ngoài công ty, chẳng hạn gia đình, bạn bè, thậm chí huấn luyện viên cá nhân hoặc cố vấn về tâm lý. Người lao động nên chăm sóc bản thân, tập thể dục, học cách chấp nhận và dành thời gian phục hồi.

Thục Linh (Theo Huffington Post)

Bí quyết để cuộc sống vợ chồng không nhàm chán

 

Thứ tư, 28/9/2022, VnExpress.net

Bí  quyết  để  cuộc  sống  vợ  chồng  không  nhàm  chán

Bí quyết để vợ chồng luôn hạnh phúc là giữ được sự thú vị và vui vẻ khi ở bên nhau. Nhưng không phải ai cũng biết cách duy trì niềm vui đó.

Sara Kuburic là một nhà trị liệu mối quan hệ (Canada) đưa ra bốn gợi ý giúp giữ lửa hôn nhân.

Hãy tò mò

Một trong những tác nhân nguy hiểm nhất giết chết mối quan hệ là chúng ta cho rằng mình đã biết quá rõ về bạn đời, nên ngừng chú ý, ngừng lắng nghe.

Thực tế, con người ngày càng phát triển và thay đổi. Để mối quan hệ tốt đẹp, chúng ta phải luôn nắm bắt và theo kịp những thay đổi của đối phương. Có thể bạn biết sở thích tình dục hoặc món ăn yêu thích của bạn đời khi mới yêu, nhưng gần đây, bạn đã kiểm tra lại chưa?

Mối quan hệ cần là không gian an toàn, nơi mỗi người có thể khám phá, tò mò về chính mình và bạn đời là một phần của hành trình đó. Cảm giác quen thuộc vô căn cứ không chỉ khiến chúng ta nghĩ mình vẫn ở bên một người từ rất lâu mà còn dễ dẫn đến sự nhàm chán và tự mãn.

 

                                            Ảnh minh họa: Shutterstock

Thử những điều mới

Đi đến nhà hàng quen thuộc, thực hiện một số sở thích cùng nhau, có thói quen quan hệ và đi chơi không thay đổi... là những việc không sai. Nhưng muốn nó thú vị, hãy nên thử những điều mới.

Bạn có thể rủ bạn đời cùng học kỹ năng mới. Anh chồng tham gia lớp học nấu ăn để phụ vợ vào bếp và thử vài món mới ở nhà. Người vợ học về massage để giúp chồng đỡ đau đầu do căng thẳng.

Một số đôi thử tư thế quan hệ tình dục mới mỗi tháng một lần hoặc đến một sự kiện, cố gặp ít nhất một người mới. Không có sai hay đúng khi làm những điều này, chỉ là hãy tìm ra cách phù hợp với vợ chồng bạn.

Làm cho nhau ngạc nhiên

Hành động tự phát thường đem lại bất ngờ vẻ vui, nhưng đôi khi, bạn phải lên kế hoạch cho sự tự phát của mình.

Hãy thể hiện cho bạn đời bạn vẫn đang quan tâm, lắng nghe khi họ nói về mơ ước hoặc món ăn yêu thích. Bạn có thể làm họ ngạc nhiên với một ngôi nhà sạch sẽ, một tờ giấy nhớ dễ thương hoặc chuyến dã ngoại cuối tuần. Sự ngạc nhiên không chỉ là quy mô của hành động mà là sự chu đáo đằng sau nó.

Tán tỉnh

Bạn đã thành công trong việc tán tỉnh nên mới có mối quan hệ thực tại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những câu nói hóm hỉnh, ngọt ngào không còn. Ngược lại, nó thực sự quan trọng để giữ ham muốn và sự kết nối trường tồn.

Gửi tin nhắn tán tỉnh hoặc ánh mắt yêu thương với bạn đời trong bữa tối gia đình, đôi khi là mẹo nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.

Nhật Minh (Theo SCMP)

TRỞ NÊN VĨ ĐẠI

 

Wed, 28/09/2022 - Lm Minh Anh

TRỞ  NÊN  VĨ ĐẠI

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

Phillip Brooks nói, “Cách thực sự để khiêm tốn không phải là khom lưng cho đến khi bạn nhỏ hơn chính mình, mà là đứng ở ‘độ cao thực’ so với một bản chất cao hơn nào đó. Điều này cho thấy sự ít ỏi thực sự của cái ‘được gọi’ là vĩ đại nơi bạn. Vậy mà, càng nên bé nhỏ, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Càng nên nhỏ bé, bạn càng ‘trở nên vĩ đại!’”. Tư tưởng của Phillip Brooks được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Ai ‘hạ mình’ trước Chúa, ‘nhún mình’ trước người; kẻ ấy ‘trở nên vĩ đại!’. Như một em bé, Gióp hạ mình trước Chúa; cũng với một em bé đứng bên cạnh mình,Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường, “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

Bài đọc Gióp kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa và Satan. Thật thú vị, đầu dây mối nhợ, Chúa đem Gióp ra khoe như khoe ‘cục cưng’ của mình; đúng hơn, Ngài ném Gióp trước Satan như một thách thức, “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Chẳng có ai trên đời này giống như nó: vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh xa điều ác!”. Satan dể duôi, “Ngài cứ thử đưa tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, hẳn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”. Phóng lao theo lao, Chúa phó mọi tài sản của Gióp vào tay Satan, trừ mạng sống ông. Vậy là tai ương dồn dập ập xuống Gióp; Gióp mất con trai, con gái, chiên bò… không còn gì cả. Nhưng chẳng một lời trách móc; trái lại, Gióp thêm lòng yêu mến, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng; Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Danh Chúa”. Nhờ cậy trông vào Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu!”, Gióp vượt qua tất cả. Hú hồn! Chúa toàn thắng Satan; Ngài ban cho Gióp nhiều hơn trước. Gióp ‘trở nên vĩ đại!’.

Với bài Tin Mừng, khi biết các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng, bằng cách đặt một đứa trẻ bên cạnh mình để cho họ thấy ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ tranh cãi xem ai là người lớn nhất! Chúng ta không làm điều tương tự sao? Ham muốn địa vị và quyền lực dường như đã tiềm ẩn trong máu mỗi người. Ai lại không ấp ủ tham vọng trở thành một “ai đó”, được người khác ngưỡng mộ, hơn là trở nên “không ai?”.

Vậy một trẻ nhỏ có thể tiết lộ cho chúng ta điều gì về sự vĩ đại? Trẻ em trong thế giới cổ đại không có quyền, vị trí hoặc ưu tiên; trẻ ở dưới cùng của bậc thang xã hội, phục vụ người lớn như một tôi tớ. Cử chỉ đặt một trẻ bên cạnh, nâng nó lên trước các môn đệ cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giêsu. Ngay cả ngày nay, chủ nhà vẫn để vị khách danh dự ngồi bên phải của mình. Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Kẻ khiêm nhường mang thân phận của một tôi tớ!

Anh Chị em,

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”. “Tiếp đón em nhỏ này” nghĩa là nên bé nhỏ! Chúa Giêsu là khuôn mẫu “trở nên bé nhỏ” của chúng ta. Trong Thánh Thể, Đấng Vĩ Đại trở nên bé nhỏ để đến với chúng ta. Đón tiếp Đấng Vĩ Đại, ngày càng nên giống Ngài, con người ‘trở nên vĩ đại’. Chúa Giêsu ước mong mỗi người chúng ta ngày càng nên giống Ngài. Giống Ngài trong yêu thương, giống Ngài trong phục vụ; giống Ngài trong việc buông mình cho Thiên Chúa Cha, giống Ngài trong việc tự hiến cho con người. Cũng thế, khi chúng ta làm những việc nhỏ mọn bởi tình yêu dành cho Đấng Vĩ Đại, Đấngđã hiến mình cho chúng ta, chúng ta ‘trở nên vĩ đại’. Chúa muốn chúng ta trở nên những chiếc bình rỗng để Ngài có thể đổ đầy vinh quang, quyền năng và tình yêu Ngài; để từ đó, chúng ta trở nên những dụng cụ ân sủng của Ngài, tràn dâng cho người khác. Chính lúc ấy, chúng ta thực sự ‘trở nên vĩ đại!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để làm vinh danh Chúa, những gì con nhận cũng là những gì con trao. Cho con biết cúi xuống, trở nên một người phục vụ. Và đó là phương thế con ‘trở nên vĩ đại!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)