Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Căn bệnh 'tổn thương đạo đức'

 

Thứ tư, 28/9/2022, VnExpress.net

Căn  bệnh  'tổn  thương  đạo  đức'

MỸMôi trường làm việc độc hại, thiếu công bằng dễ khiến nhiều người tổn hại về mặt đạo đức, lâu dài gây căng thẳng và các bệnh lý tâm thần.

Kết luận được Đại học Sheffield và công ty tư vấn phòng chống kiệt sức Softer Success nêu trong một nghiên cứu công bố đầu tháng 9. Các chuyên gia cho biết "tổn thương về đạo đức" thường do làm việc trong môi trường độc hại, khiến người lao động cảm thấy bất công.

Nghiên cứu tiết lộ tổn thương về đạo đức hình thành khi chứng kiến hành vi vi phạm niềm tin về đạo đức của mỗi người tại nơi làm việc. Tình trạng này có tác động lâu dài, gây căng thẳng, dẫn đến kiệt sức.

Người lao động khó vượt qua những tổn thương về đạo đức. Nghiên cứu cho thấy trong phần lớn trường hợp, mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài nghỉ việc. Một số người có cảm xúc giống như đang trong một mối quan hệ lạm dụng.

Các yếu tố gây ra tổn thương về đạo đức tại nơi làm việc bao gồm: đồng nghiệp phản bội, cơ chế tuyển dụng không công bằng, hành vi sai trái không bị tố giác, những lời nói xúc phạm, thao túng hoặc kiểm soát của lãnh đạo.

Khi trải qua điều này trong một khoảng thời gian, người lao động bị tổn thương tâm lý, gặp các triệu chứng như e ngại trước các sự kiện tại nơi làm việc; thường xuyên mệt mỏi, trì hoãn; cảm thấy sợ hãi, lo lắng khó lý giải trong ngày.

Một số người không thể ngừng làm việc để nghỉ ngơi, thư giãn. Họ thường suy nghĩ đến các tình huống xấu; cảm thấy không hứng thú trong cả công việc lẫn cuộc sống hàng ngày; suy kiệt về mặt tình cảm, tinh thần và thể chất.

Nếu các triệu chứng này kéo dài và không được kiểm soát, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

 

Môi trường làm việc độc hại khiến nhiều người bị tổn hại về cả thể chất và tinh thần. Ảnh: Freepik

Cara de Lange, chuyên gia chăm sóc sức khỏe người lao động, người sáng lập của Softer Success, cho biết: "Tổn thương tinh thần là kết quả của văn hóa công sở độc hại, các đãi ngộ không công bằng đối với nhân viên. Thông qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện những người bị kiệt quệ về cảm xúc, hoài nghi và tổn thương đạo đức quá lâu có thể dẫn đến kiệt sức nói chung".

Trước đó, các chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tổn thương đạo đức với các công việc có tính rủi ro cao, chẳng hạn quân đội hoặc y tế. Những tình nguyện viên của nghiên cứu mới phong phú hơn, làm việc tại lĩnh vực quảng cáo, luật, công nghệ, viễn thông, chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp, nhân sự, kế toán, ngân hàng và tài chính. Họ có mức độ thâm niên khác nhau.

Các hành vi gây tổn hại tâm lý ở nơi làm việc mà họ phải chịu đựng bao gồm kỳ thị đồng tính, làm việc dưới trướng các lãnh đạo có thói quen sỉ nhục, kiểm soát và thao túng nhân viên. Nhiều công ty không tuân thủ luật pháp, sử dụng sai nguồn vốn, không hỗ trợ nhân viên trong các trường hợp y tế khẩn cấp.

Theo nghiên cứu, khi chứng kiến các hành vi vi phạm niềm tin về đạo đức, nhân viên cảm thấy sốc, bối rối, choáng váng. Một số người vượt qua được cú sốc này và trở nên lãnh cảm.

Hầu hết tình nguyện viên đều lập tức hành động để khắc phục tình hình. Tuy nhiên, chính cách phản ứng của tổ chức khiến tâm lý họ căng thẳng hơn.

Cảm giác bất lực và vi phạm đạo đức khiến nhiều người quyết định nghỉ việc hoặc nghỉ phép dài hạn. Số khác thành lập doanh nghiệp riêng hoặc trở nên trầm cảm, lo lắng.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, những sự kiện như vậy khiến người lao động thờ ơ, chán nản, giảm động lực. Họ phải chịu cảm giác tức giận, tuyệt vọng, bị phản bội,và bất lực. Nhiều tình nguyện viên ví trải nghiệm của họ với một mối quan hệ lạm dụng không thể trốn thoát.

"Chúng tôi nhận thấy người bị công ty ép buộc thực hiện những hành vi đi ngược lại giá trị đạo đức đã cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, họ không thành công, đều nghỉ việc và nỗ lực tìm công việc mới", Karina Nielsen.

Thông thường, những người đã nghỉ việc tìm cách bù đắp hành vi họ cho là sai trái bằng cách làm tình nguyện hoặc thành lập doanh nghiệp riêng, nơi họ có thể đảm bảo mọi thứ được tiến hành theo giá trị đạo đức.

Theo các chuyên gia, người trải qua tình trạng kiệt quệ về mặt đạo đức nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ trong hoặc ngoài công ty, chẳng hạn gia đình, bạn bè, thậm chí huấn luyện viên cá nhân hoặc cố vấn về tâm lý. Người lao động nên chăm sóc bản thân, tập thể dục, học cách chấp nhận và dành thời gian phục hồi.

Thục Linh (Theo Huffington Post)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét