Wed, 28/09/2022 - Trầm Thiên Thu
PHỤC VỤ TIN YÊU
Khi Thánh LM Charles
Eugène de Foucauld (1858-1916, Pháp) còn trẻ, một đứa cháu đã hỏi ngài: “Cậu
làm được những việc rất hay, nhưng cậu đã làm gì cho Chúa chưa?” Một câu hỏi nhỏ
nhưng hàm súc ý tưởng lớn. Chính câu hỏi đó đã khiến chàng trai trẻ Charles giật
mình, đi xưng tội và xin vào Dòng Xitô (O.C.S.O. – Ordre Cistercien de la
Stricte Observance, Dòng Xitô Tuân Thủ Nghiêm Ngặt). Trong thời gian phục vụ tại
Tuareg, thuộc vùng sa mạc Sahara ở Algeria, ngài bị ám sát chết. Ngài sống thầm
lặng và hèn mọn nhưng rất vĩ đại, cao cả.
Chắc hẳn chúng ta cũng giật
mình vì câu hỏi của người cháu dành cho người cậu Charles de Foucauld ngày xưa,
đồng thời cũng là câu hỏi để chúng ta tự vấn: “Tôi đã làm gì cho Chúa chưa?” Liệu
chúng ta có thể trả lời ngay? Và câu trả lời thế nào? Thật là khó, nhưng đừng
lo, vì chúng ta có thể hành động theo cách của Mẹ Thánh Teresa Calcutta: “Không
phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm
những điều nhỏ nhoi với tình yêu vĩ đại.” Hạt cát nhỏ không là gì đối với sa mạc,
giọt nước nhỏ chẳng là gì đối với biển cả, nhưng sa mạc không thể thiếu hạt cát
nhỏ đó, và biển cả cũng không thể thiếu giọt nước nhỏ đó.
Khinh suất điều nhỏ có thể
gây hại lớn: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền.” Có những con người nhỏ bé, ở những nơi nhỏ
hẹp, làm những điều nhỏ nhặt, nhưng lại có thể làm thay đổi diện mạo của thế giới.
Chính những điều nhỏ mọn trong cuộc sống lại khả dĩ thể hiện tình yêu lớn lao
nhất. Nữ văn sĩ Hellen Keller (1880-1968, người Mỹ) tâm sự: “Tôi khao khát làm
được những điều vĩ đại và cao cả, nhưng trách nhiệm chính của tôi là làm được
những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả.” Vâng, vấn đề là làm được
những điều bình thường một cách phi thường. “Chuyện nhỏ” mà… không hề nhỏ. Đúng
là không đơn giản chút nào!
Trong 12 tiểu ngôn sứ thời
Cựu Ước, ông Khabacúc (Habakkuk) là ngôn sứ thứ 8. Tên ông có nghĩa là “ôm chặt”
hoặc “vật lộn.” Ông là người khác thường trong các ngôn sứ, vì ông đã HỎI VỀ
CÔNG VIỆC CỦA THIÊN CHÚA. (Kb 1:3a và 1:13b)
Trình thuật Kb 1:2-3 là lời
phàn nàn thứ nhất của ông về “sự công chính suy thoái.” Ông mạnh dạn đặt vấn đề
với Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái
nghe, con la lên: ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt? Sao Ngài bắt con phải chứng
kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh
phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.” Có lẽ chúng ta
cũng đã từng đặt vấn đề như vậy, nhất là những con người yêu chuộng công lý và
hòa bình, họ không thể ngồi yên khi thấy sự ác hoành hành khắp nơi. Ai cũng muốn
sống trong một đất nước hòa bình thực sự. Muốn vậy thì phải thực thi công lý, bảo
vệ sự thật. Có công lý thì mới khả dĩ có hòa bình. Phải hành động, không thể biết
rồi thôi!
Đấng thấu suốt mọi sự là
Thiên Chúa, (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2
Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc
23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) nhưng Ngài vẫn im lặng, vì thế
đôi khi có người nghi ngờ về sự hiện hữu của Ngài. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Ngài
im lặng vì Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thay đổi ngay hoàn cảnh
của chúng ta vì Ngài muốn tâm hồn chúng ta thực sự biến đổi. Cụ thể như đại dịch
covid, nó giúp người ta ý thức hơn về nhiều phương diện – cả đời và đạo.
Thiên Chúa trả lời và nói
rõ ràng với ông: “Hãy VIẾT lại thị kiến và KHẮC vào tấm bia cho ai nấy đọc được
xuôi chảy. Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới
chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới thì cứ đợi chờ,
vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu. Này đây, ai không có tâm hồn
ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của
mình.” (Kb 2:2-4)
Thật tuyệt vời với ý tưởng
của thi sĩ Paul Claudel (1868-1955, Pháp, kiêm nhà viết kịch và ngoại giao) khi
ông xác định: “Chúa Giêsu xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải
nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau.” Thánh TS Teresa Lisieux phân tích:
“Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ban ơn cho chúng ta mà hoàn toàn không cần
chúng ta đền đáp. Tất cả những gì của chúng ta, ngay cả cái yếu đuối, Ngài cũng
yêu.” Thiên Chúa biết tất cả, chỉ cần người ta cố gắng vượt qua chính mình và
không bao giờ thất vọng.
Cảm nhận được điều quan yếu
đó, Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là
Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu
hát cung đàn.” (Tv 95:1-2) Thiên Chúa là Đấng nhân lành, (Mc 10:18; Lc 18:19;
Ga 10:11 & 14) Ngài thoải mái và tươi cười chứ không “nghiêm khắc” như
chúng ta tưởng: “Thiên Chúa mến chuộng dân Ngài.” (Tv 149:4a) Thế thì chắc chắn
Ngài cũng rất vui khi ở giữa chúng ta. Ngài nghiêm túc chứ không khó tính, cằn
nhằn, càm ràm,... Thế thì chúng ta không thể không yêu mến Ngài.
Thật hạnh phúc khi chúng
ta nhận biết và tôn thờ một vị Thiên Chúa như thế. Ca tụng Ngài và yêu mến Ngài
là bổn phận và trách nhiệm tín nhân, đồng thời đó cũng là niềm hãnh diện của mỗi
chúng ta. Vì thế, hãy đồng tâm nhất trí với nhau mà làm việc này: “Hãy vào đây
ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính
Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người
dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7) Chính Thiên
Chúa đã từng khuyến cáo dân Israel: “Các ngươi chớ CỨNG LÒNG như tại Mơriva,
như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi ĐÃ từng thách thức và DÁM thử
thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:8-9) Lời khuyến cáo này cũng
đang và sẽ dành cho mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai – đặc biệt là về đức tin.
Hồng ân Thiên Chúa luôn
chan hòa, phép lạ luôn xảy ra với chúng ta mọi nơi và mọi lúc, không cần phải
tìm sự lạ ở đâu xa, nhưng đôi khi chúng ta vô tình hoặc cố ý làm ngơ mà thôi.
Không khí là một phép lạ về sự sống mà có lẽ ít người nhận biết mà tạ ơn. Chúng
ta làm được điều gì có vẻ “coi được” thì cũng do Thiên Chúa tác động, đúng như
Chúa Giêsu minh định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5b) Vì
thế, luôn phải cảnh giác với chính mình kẻo ảo tưởng, cậy sức mình rồi vênh
vang tự đắc và nhìn người khác bằng nửa con mắt lé. Chúa mà “nghỉ chơi” một cái
là “ngu suốt kiếp” luôn!
Thánh Phaolô nhắc nhở ông
Timôthê về các ơn đã nhận được: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên
Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng
ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một
Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh
đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người
tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với
tôi để loan báo Tin Mừng.” (2 Tm 1:6-8) Ngài nói thêm: “Với đức tin và đức mến
của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời
lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo
toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” (2 Tm 1:13-14) Rõ ràng có làm được
việc gì – dù to hay nhỏ, dù thành công hay thất bại, chúng ta cũng phải nhờ và
chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi. Đó là hệ quả của niềm tín thác và yêu mến.
Biết tin là có phúc, mặc
dù không hề thấy tỏ tường. (x. Lc 1:45; Ga 20:29) Quả thật, đức tin rất quan trọng
trong đời sống tâm linh – kể cả đời thường.
Trình thuật Lc 17:5-10
cho biết hai vấn đề: [1] sức mạnh của lòng tin, và [2] cách phục vụ khiêm tốn.
Vì tin tưởng mà phục vụ: LÀM / KHÔNG LÀM bất cứ điều gì cho người khác là LÀM /
KHÔNG LÀM cho chính Thiên Chúa, (x. Mt 25:31-46) dù chỉ là cho người khác một
chén nước lã. (x. Mt 10:42; Mc 9:41) Tất cả đều được Thiên Chúa “chấm công” đầy
đủ.
Có tin thì mới làm. Nghi
ngờ thì không ai dám hành động. Ngày xưa, các Tông Đồ đã thưa với Chúa Giêsu:
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Một lời cầu nguyện thật đẹp và rất
cần. Chúa Giêsu rất vui khi thấy các trò biết cầu nguyện như vậy, và còn hơn thế
nữa, Ngài xác định: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo
cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời
anh em.” Hạt đức tin nhỏ bé như lại có sức vươn cao, lớn mạnh lạ lùng.
Những người vô danh tiểu
tốt, thậm chí còn bị người đời khinh miệt, ghét bỏ, nhưng họ lại là những con
người “khổng lồ” trong cách nhìn của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã từng
xác định: “Người nhỏ nhất là người lớn nhất.” (Lc 9:48) Đó là lời khuyến cáo đối
với mọi người, vì chúng ta thường nhìn người khác theo bề ngoài, ai không hợp ý
mình thì gièm pha, chê bôi, thậm chí là ghét bỏ. Đừng quên rằng bất cứ một động
thái nhỏ nào của chúng ta đều được “ghi chép,” “ghi âm” và “thu hình” mọi chi
tiết, ngày mai Chúa sẽ tính sổ!
Chúa Giêsu phân tích về
cách phục vụ: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi
nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi,’ chứ không bảo: ‘Hãy dọn
cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống
sau’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” Bổn
phận và trách nhiệm là việc phải làm, không được so đo, phân bì. Thiên Chúa vẫn
“chấm công” cho những người miệt mài phục vụ vì công ích, vì tha nhân, vì vinh danh
Thiên Chúa, và vì Nước Trời. Ngoài ra, không có ý đồ gì khác.
Sách Châm Ngôn so sánh:
“Người biếng nhác việc bổn phận mình là anh em với quân phá hoại.” (Cn 18:9) Và
sách Huấn Ca xác định: “Hãy cứ bổn phận của con mà làm cho chu đáo, và chăm lo
công việc cho đến già.” (Hc 11:20)
Chính Chúa Giêsu khuyến
cáo: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm
thì hãy nói: chúng tôi là những ĐẦY TỚ VÔ DỤNG, chúng tôi đã chỉ làm việc BỔN
PHẬN đấy thôi.” Đó là cung cách phục vụ theo đức khiêm nhường – nền tảng vững
chắc của Tòa Nhà Nhân Đức. Đồng thời tín nhân còn phải “tránh xa mọi điều bất
chính” và thi hành “bổn phận đối với tha nhân,” bởi vì Thiên Chúa đã “truyền
cho ai nấy PHẢI THI HÀNH.” (Hc 17:14)
Thật vậy, Thiên Chúa cho
biết rạch ròi: “Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta
sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm.” (Gr 17:10) Không
chỉ vậy, từng lời nói cũng phải cẩn trọng: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải
trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được
trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:36-37)
Lạy Thiên Chúa công minh chính trực, xin soi sáng và hướng dẫn chúng
con biết việc phải làm theo ý Ngài muốn, không ngại khó, không ba hoa, không
khoe mẽ,không ỷ lại, hợm mình,... Xin giúp chúng con biết im lặng, không tự biện
hộ, không buồn khi bị người khác chỉ trích, vẫn sẵn sàng bỏ qua cho họ. Chúng
con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét