Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Cẩn trọng tăng đường huyết vào ban đêm

 

Thứ hai, 19/9/2022, VnExpress.net

Cẩn  trọng  tăng  đường  huyết  vào  ban  đêm

Ăn nhiều tinh bột, đường trước khi ngủ; căng thẳng hay dùng quá ít insulin dễ làm tăng đường huyết ban đêm, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Đường huyết tăng nếu hơn 130 mg/dL lúc đói, hơn 180 mg/dL khoảng 2 giờ sau ăn hoặc hơn 200 mg/dL khi xét nghiệm ngẫu nhiên. Lượng đường trong máu cao sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim; tổn thương thận (suy thận), thần kinh và mắt... Theo Very well Health, nguyên nhân khiến đường huyết cao vào ban đêm có liên quan đến ăn uống, kinh nguyệt, vận động...

Ăn nhiều carbohydrate trước khi ngủ: Ăn nhiều tinh bột hoặc đường vào bữa tối có thể làm tăng đường huyết vào ban đêm và buổi sáng.

Dùng quá ít insulin hoặc thuốc tiểu đường: Khi cơ thể không sản xuất hoặc sử dụng insulin không hiệu quả nhưng người bệnh lại dùng insulin hay thuốc tiểu đường không đúng cách (quá ít) khiến cho glucose tích tụ trong máu. Lượng glucose quá nhiều không được các tế bào hấp thụ dẫn đến tăng đường huyết.

 

                             Nếu dùng quá ít insulin, người tiểu đường dễ

Nếu dùng quá ít insulin, người tiểu đường dễ bị tăng đường huyết. Ảnh: Freepik.

Ảnh hưởng của kinh nguyệt: Nghiên cứu của Đại học Y Liên bang Bahia (Brazil) cho thấy hormone progesterone ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có liên quan đến việc giảm sản xuất insulin và quá trình chuyển hóa glucose. Ở giai đoạn rụng trứng và sau rụng trứng mức progesterone cao và tương ứng với mức đường huyết cao, có xu hướng tăng vào buổi tối.

Mang thai: Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cũng là nguyên nhân khiến đường huyết thường tăng vào ban đêm.

Bệnh tật hoặc chấn thương: Các nhà nghiên cứu của Mỹ và Australia chỉ ra rằng chấn thương có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất, dẫn đến lượng đường trong máu cao. Tình trạng này có thể xảy ra vào ban đêm.

Căng thẳng: Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Hirosaki (Nhật Bản), căng thẳng khiến cho nồng độ hormone cortisol tăng lên, hormone này làm giảm độ nhạy insulin, dẫn đến lượng đường trong máu cao. Ngoài ra, khi căng thẳng, mọi người thường có xu hướng ăn uống không lành mạnh, có thể ăn nhiều đồ ngọt trước khi ngủ làm tăng đường huyết.

Ít tập thể dục: Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, tập thể dục hay vận động nhiều làm cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, giúp giảm lượng đường trong máu. Tập thể dục quá ít góp phần làm đường huyết cao vào ban đêm cũng như trong ngày.

Lượng đường trong máu cao vào ban đêm có thể khiến bạn khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc giữa đêm. Ăn nhiều trước khi đi ngủ cũng khiến người bệnh gặp hiện tượng bình minh, tức đường huyết cao vào buổi sáng.

Để giữ đường huyết ổn định, bạn chỉ nên ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Đồ ăn nhẹ nên kết hợp protein, chất béo lành mạnh, chất xơ và hạn chế carbohydrate. Một số thức ăn nhẹ phù hợp tiêu chí này như: một chén các loại hạt không muối, phô mai ít béo và bánh quy làm từ lúa mì (mỗi loại 100 g), một quả táo 100 g và một muỗng canh (16 g) bơ đậu phộng, 100 g sữa chua thêm chút trái cây, một phần ba cốc bỏng ngô,...

Tập thể dục thường xuyên, uống thuốc tiểu đường đúng liều, kiểm soát căng thẳng giúp duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh vào ban ngày. Đây cũng là cách ngăn ngừa đường huyết cao vào ban đêm. Thiếu ngủ là một yếu tố có thể gây ra bệnh tiểu đường type 2, duy trì chế độ ngủ lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường của đường huyết cao vào buổi tối như thay đổi đột ngột thị lực thì nên đi khám.

Mai Cát

(Theo Very well Health)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét