Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Năm Mới An Bình



Năm  Mi  An  Bình

Các Bn thân mến,
 Chúng ta cùng xin Thiên Chúa là Chúa t không gian thi gian,
đp tan mi mưu mô ác đc ca nhng k d
đ chúng ta và toàn thế gii được mt năm mi 2014 an bình nhé!
Xin chúc tng và cm t Thiên Chúa đến muôn đi. Amen
Thân mến,
duyenky



Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Xôi khúc (cúc)



Xôi khúc (cúc)





      
                                                                                                                                          
                                                                                             
                                                                                                                                               

Các Bạn thân mến,
Xôi khúc là một loại xôi mặn rất ngon, gồm gạo nếp, bột nếp, đậu xanh, rau xanh,và cả thịt heo xay nữa, nên có thể ăn sáng, trưa, chiều, tối, ăn chơi, ăn thật!
Tết Dương Lịch năm nay, chúng ta cùng làm món xôi đặc biệt, công phu này để dâng biếu Cha Mẹ mình, người đã sinh thành và dưỡng nuôi chúng ta dầy công phu lắm đấy!
I.Vật liệu:

        1. Nếp ngon, hột dài: khỏang 4-5 lbs.
   2. Bột nếp: 2 bịch nhỏ loại 16 oz (1 lb) bán ở chợ VN.
   3. Nước súp gà Thái Lan: một hộp loại 1 lít.
   4. Đậu xanh cà không vỏ: một bịch nhỏ loại 14 oz.
     5. Thịt heo xay: 1 lb
       6.   Rau khúc (VN) hoặc cải cúc hay spinach: một bó nhỏ.
       7. Hành phi (một hũ 8 oz), hành ta tím (vài củ), hành lá (một bó nhỏ), hành tây (một củ lớn).
  8. Đường trắng mịn.
    9.Tiêu trắng.
      10.  Bột nêm.
      11.  Dầu hào.

II. Thực hiện:
   a)Chuẩn bị:
-  Nếp ngâm 2, 3 tiếng đồng hồ rồi đãi sạch, nêm chút bột nêm, chút dầu ăn, chút tiêu. Nếm thấy vừa là được.
-  Đậu xanh ngâm qua đêm, rồi cho chút muối vào trà sát đều, xong xả sạch bằng nước lạnh. Cho vào trõ đồ chín, rồi cà nát.
-  Ướp thịt heo xay với củ hành tím bằm (hành ta, hành hương), hành tây thái hạt lựu, đầu trắng hành lá, tiêu, bột nêm, dầu hào, chút xíu đường.
-  Bỏ nước súp gà vào máy xay chung với rau cải cúc cho nát (hay spinach), lấy cả nước cả cái.
      b) Tiến trình
-  Bỏ hành tím, đầu hành lá, chút tỏi đã bằm nhỏ, hành tây thái hạt lựu vào chảo nóng, xào cho thơm, vàng rồi bỏ thịt xay, dầu hào, bột nêm, tiêu vào xào cho ráo hết nước.
-  Sau đó bỏ đậu xanh đã nghiền nát vào xào chung cho đều.
-  Vài phút sau bỏ nhiều hành phi vào, lấy ra khỏi bếp, trộn đều. Có thể cho thêm hành lá.
-  Nắn hỗn hợp thịt thành những cục nhỏ tròn đều.
-  Đun sôi hỗn hợp nước súp gà và rau cải cúc, cho thêm bột nêm, tiêu rồi đồ từ từ vào 2 bịch bột nếp, nhào đều cho đến khi bột không dính tay là được, dùng khăn hay giấy ẩm ủ vài phút cho bột nở.
-  Cắt bột thành những cục nhỏ đều, cán mỏng rồi bỏ cục nhân thịt đậu xanh vào, nắn bột bao kín cục nhân.
-  Dùng gạo nếp bao một lớp kín, đều quanh cục bột đã có nhân bên trong.
-  Đổ nước vào hơn nửa nồi hấp một chút, đun sôi nước rồi rải đều một lớp nếp trên đáy xửng, xếp các cục xôi sống vào (cách nhau một chút), lấy nếp phủ đầy trên cục xôi sống, và các kẽ hở giữa các cục xôi.
-  Đục nhiều lỗ để thông hơi nước sôi lên cho xôi chín đều, không nhão ở các mép thành và đáy xửng.
-  Thỉnh thoảng quay vòng nồi hấp cho lửa đều.
-  Khi xôi khúc chín, lấy xôi trắng đắp đều thêm chung quanh từng cục xôi, bỏ hành phi vào cục xôi rồi bao lại, ăn nóng ngay hoặc để ngăn đá, khi ăn thì hâm lại.

* Lưu ý:
.  Xôi khúc cần nhiều tiêu, và hành phi mới dậy mùi thơm ngon. 
.  Nhân thịt, lớp bột, lớp nếp bao phủ chung quanh đều phải nêm nếm cho vừa ăn.
. Xôi trắng cũng rất ngon, nên có thể bao một lớp dầy chung quanh cục nhân. 
. Với liều lượng như trên sẽ cho hơn 30 cục xôi khúc. Hy vọng các Bạn hài lòng với món xôi đặc biệt này!

Happy New Year 2014!

Thân mến,

duyenky

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Dec 29, 2013 - Lễ Thánh Gia

Dec  29, 2013 - Lễ Thánh Gia - Mẫu gương gia đình hoàn thiện




Các Bạn thân mến,
Giáng sinh sốt sắng và vui vẻ hạnh phúc chứ các Bạn? Năm nay thời tiết lạnh nhiều lại lạnh sớm phải không? Không gian ngày Giáng Sinh bao phủ một màu tuyết trắng xóa nơi những xứ lạnh, làm khung cảnh yên tĩnh không chỉ ban đêm, mà còn cả ban ngày nữa, càng làm tăng thêm sự huyền nhiệm của Chúa Giáng trần. Chắc chắn ở những nơi xa ánh đèn văn minh, nhiều người đang phải chống cự với cái giá lạnh của đêm đông. Sẽ có nhiều người không chống cự nổi, phải lìa bỏ cuộc đời. Ngay tại Chicago, một thành phố vãn minh, công nghiệp, và du lịch, chính quyền chăm lo phục vụ tốt đời sống dân chúng, thế mà năm nào tin tức cũng cho biết có hàng mấy chục người chết vì lạnh. Dù đối tượng là những người già yếu, cô đơn, không xử dụng được các thiết bị sưởi nóng; và những người thích cuộc sống đi lang thang ngoài trời...Với lý do nào chăng nữa cũng làm chúng ta liên tưởng đến mái ấm gia đình phải không các Bạn?
Thật vậy, gia đình là một đơn vị xã hội nhỏ nhất, nhưng lại đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống mà không ai có thể quên. Bởi thế cha mẹ là những người mang trách nhiệm nặng nề không chỉ với Thiên Chúa và con cái của mình và còn với xã hội nữa.
Giáo Hội cũng đã có rất nhiều sách báo, văn kiện, hội thảo, hướng dẫn xây dựng một gia đình hạnh phúc, thành công trong hiện tại và tương lai. Rồi đã dành chúa nhật đầu tiên sau lễ Giáng Sinh để kính Thánh Gia, một gương mẫu hoàn thiện cho mọi gia đình noi theo.
Tin Mừng Thánh Luca hôm nay nói về Thánh Gia, gia đình của Đức Giesu:
1.   Chu toàn luật lệ:
 Khi đã đến ngày thanh tẩy, Thánh Giuse và Mẹ Maria đưa Hài Nhi Giesu lên đền thờ để chu toàn tập tục Luật đã truyền về Con Trẻ.
Thánh Luca chỉ nói như vậy, nhưng thật ra cả Mẹ Maria cũng phải thực hiện thủ tục thanh tẩy.
    a) Cắt bì:
-   Sau khi được mẹ sinh ra khoảng tám ngày, mỗi con trai của người Do Thái đều phải chịu cắt bì.
-   Nghi lễ này rất quan trọng, nên có thể làm vào ngày Sabat, là ngày mà luật cấm hầu hết không được làm các công việc không tuyệt đối cần thiết.
-    Và trong ngày nay, con trẻ được đặt tên.
     b) Chuộc con đầu lòng:
-    Luật dạy:"Mỗi con trai đầu lòng phải được gọi là của Thánh, dành cho Chúa".
-    Đây là sự tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống.
-   Dĩ nhiên nếu tục lệ đó được nghiêm chỉnh thi hành thì sự sống đã bị hạn chết rất nhiều.
-    Nên có thêm nghi lễ chuộc con đầu lòng.
-    Là dâng một số tiền theo qui định thì cha mẹ có thể chuộc lại đứa con từ nơi Thiên Chúa.
    c) Lễ tẩy sạch sau khi sinh nở:
-    Người đàn bà sinh con bị coi là ô uế ít nhiều, tùy vào việc sinh con trai hay con gái.
-    Thời gian này người mẹ không được đến đền thờ, không được tham dự các nghi lễ tôn giáo, phải ở nhà, với công việc trong nhà.
-    Sau thời hạn qui định, người mẹ phải vào đền thờ, mang theo lễ vật để chuộc tội.
-    Đây là lễ vật khá tốn kém, tùy khả năng, có thể là một con chiên, một đôi chim gáy, hoặc một đôi chim bồ câu non.
-   Những nghi lễ này là nghi lễ cổ xưa, nhưng hàm chứa một niềm tin rằng con cái là ơn phúc Chúa bán cho.
-   Trong những on phúc Chúa ban thì đây là ơn phúc to lớn nhất vì là nuôi dưỡng và giáo dục con cái cho nên người, là những thành viên của gia đình, xã hội và giáo hội.
2.  Gia đình:
-    Một đơn vị gia đình nhỏ gồm người cha, mẹ và con cái.
-    Thế nên ai cũng có một gia đình, vi được sinh ra bởi cha và mẹ.\
-    Gia đình nuôi dưỡng, xây dựng con người, là nền tảng và tương lai của xã hội.
-    Gia đình là nhà trường đầu tiên, người cha người mẹ là những thầy cô giáo ban đầu và gần như xuyên suốt cuộc đời con cái.
-    Phải đặt giáo dục con cái lên hàng đầu, với phương pháp hướng dẫn và cộng tác cùng con cái.
-   Quá trình này lâu dài, khó khăn, đa dạng, theo độ tuổi, cá tính, sự phát triển tâm sinh lý con trẻ và cả xã hội.
-   Nhưng truyền thống gia đình càng ngày càng giảm sút bởi hiện tượng ly thân, ly dị, khủng hoảng, xáo trộn, thiếu trung thành, thiếu trách nhiệm…
-   Nên cần thường xuyên xem xét để sớm nhận ra những thiếu sót của chúng ta đối với những người trong gia đình.
-   Can đảm, nhẫn nhục chịu đựng, tích cực đóng góp, hàn gắn những thiếu xót, rạn vỡ.
-   Huấn Ca có rất nhiều những lời khuyên về cách sống trong gia đình, đặc biệt là con cái thảo kính với cha mẹ cũng như nhiều tấm gương để chúng ta nói theo.
-   Ngoài gia đình tự nhiên, Kito hữu chúng ta còn có một gia đình thiêng liêng, trong đó Thiên Chúa là Cha, Đức Maria là Mẹ và tất cả chúng ta là anh em với nhau.
-   Nên nhớ chúng ta vào thiên đàng không mang theo được gì, ngoài con cháu, nếu chúng ta xây dựng cho chúng một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa.
-   Vì gia đình là nơi tình yêu được trao ban hoàn toàn nhưng không.
3.    Thánh Gia:
-   Người cha có công ăn việc làm ổn định, người mẹ nội trợ và người con luôn vâng phục cha mẹ mình.
-  “Hài nhi ngày càng lớn, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hàng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”
-    Lời đó chứng tỏ gia đình Chúa là một gia dinh đạo đức, hạnh phúc.
-   Chúng ta hãy nhìn đặc tính và hành động của Thánh Gia để tự học tập:
   a)   Thánh Giuse:
-    Âm thầm làm việc, hy sinh, kiên trì nuôi sống gia đình trong mọi hoàn cảnh.
-    Luôn thinh lặng: một điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tinh thần.
-   Luôn lắng nghe: gần như mọi chuyện quan trọng thánh Giuse đều được thiên thần báo mộng. Và hành động theo những gì được mặc khải trong giấc mơ.
-   Luôn chia sẻ: cùng lên đền thờ với Mẹ Con Hài Nhi, cùng tìm kiếm Chúa khi Ngài bị lạc…
-   Lưu ý rằng việc thiên thần chỉ làm việc với Thánh Giuse qua những giấc mộng để hướng dẫn Ngài cách bảo vệ gia đình; điều này như muốn nói rằng có mối dây liên lạc chặt chẽ, hiệu quả giữa Thiên Chúa Cha và nguoi cha trong gia đình.
-   Người tín hữu tin rằng ai sống công chính thì sẽ được Thiên Chúa ban phúc, trước hết cho gia đình họ: công ăn việc làm kết quả, vợ hiền còn tháo, gia đình bằng an khỏe mạnh sống lâu  
-   Thật đúng với Thánh Giuse vì Tin Mừng đã nói ông là người công chính.
   b)   Mẹ Maria:
-   Mặc dù Tin Mừng không nói nhiều về Mẹ Maria, nhưng qua câu truyện sứ thần truyền tin, tiệc cưới Cana… chúng ta nhận ra đó là một người có những đức tính nhân bản, đạo đức, đoan trang, khiêm nhu, nhẫn nại, tha thứ, nhạy cảm…
-   Đúng là Thiên Chúa đã trao cho Maria thiên chức làm mẹ, một nhiệm vụ của sự sống.
-   Sau ba ngày vất vả tìm kiếm con, khi gặp lại, Mẹ vui mừng khôn tả, những câu trách móc nhẹ nhàng của Mẹ thể hiện con người của Mẹ, và cho thấy tất cả tình yêu thương của Mẹ Cha đối với Đức Giesu là một sự kính yêu.
-   Trước mọi biến cố, Mẹ "hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng, để suy ngẫm."
-   Rõ ràng Mẹ có một đời sống nội tâm sâu thẳm, kín đáo, cùng có một sự thinh lặng như Thánh Giuse.
-    Nền tảng và nguồn gốc của những đức tính đó là chính Thiên Chúa.
-    Nên Mẹ đã biết luôn ngẫm suy những Lời Chúa
-    Và gia đình là nơi tốt nhất để thực hiện những đức tính ấy.
    c) Đức Giesu:
-  Tất cả cuộc sống của Đức Maria và thánh Giuse tập trung vào Đức Giesu, trong khi Ngài lớn lên bình thường như những con trẻ khác. Và hằng vâng phục cha mẹ mình.
-   Vì ơn nghĩa của Thiên Chúa vẫn ở với Ngài
-   Sự đóng góp của Chúa Giesu đã tạo nên một gia đình hạnh phúc.
-   Đây là bí quyết đơn giản và siêu nhiên của một gia đình hoàn thiện, chính là sự hiện diện của Đức Giesu,
-   Đức Giesu là trung tâm của gia đình, là một điển hình hoàn hảo nhất cho gia đình Kito hữu.
-   Khi đó dù có những thử thách khắt khe, những thách đố bất ngờ của cuộc sống, mọi người vẫn có thể vượt qua để cảm nhận hạnh phúc là được yêu thương nhau dưới cái nhìn của Thiên Chúa.
-    Đặc biệt, Đức Giesu mới mười hai tuổi, đã ý thức được sứ mệnh và thân phận mình.
-    Ngài biet rõ phải chu toàn sứ mệnh đã được Chúa Cha trao.
-    Ngài đã tìm cơ hội, tự ý ở lại đền thờ mà không cho cha mẹ hay.
-    Nhưng khi cha mẹ tìm lại được và nghe Ngài giải thích, thì mọi chuyện ổn ngay:" Đức Giesu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hàng vâng phục các Ngài."
-   Trong tiệc cưới Cana, dù giờ hành động của Ngài chưa đến, Ngài vẫn đáp lại lời yêu cầu của Mẹ Maria, cảm thông với gia chủ. 
-   Ngài trung hiếu với Chúa Cha, không làm việc gì mà không cầu nguyện và xin ý kiến; và thảo kính cha mẹ cùng hết lòng với anh em.
-   Cả đến khi sắp chết trên thập gía, Ngài cũng không quên tìm người thay thế để chăm sóc Mẹ mình
-    Rồi khi sống lại, Ngài đã đến viếng thăm Mẹ mình trước nhất.
-    Ngài đã ban thường cho Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng còn ý thức được rằng mỗi phần tử trong gia đình phải noi theo Thành Gia, để gia đình thật sự trở nên đền thánh của sự sống và tình yêu thương trong sự vâng phục ý Thiên Chúa.
Cùng cho chúng con biết trân quí học tập những mẫu gương như ông Simeon và bà Anna về cách sống hy vọng và trung thành, để chúng con cũng được ban thưởng như họ. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen

Than men,
  duyenky



        

        


     















Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Chị còn nợ em…

Chị  còn  nợ  em…

Giáng Sinh 2010

Đúng vậy, chị còn nợ em không chỉ một điều muốn nói mà chưa nói, nhưng còn cả một bữa tiệc mừng Chúa Giáng Sinh đã hứa nữa!
Hôm đó chị nói mấy ngày nay chị không mở được email, không đọc được tin tức gì, em qua coi giúp chị đi! Thế là chiều thứ hai, 17.12.2012 trước khi ra nhà cháu ngoại, em ghé qua chị để xem máy Latop của chị thế nào. Loay hoay một hồi em mới biết là máy không nối được internet. Em nói:”không có internet thì em chịu thua, để em bảo các cháu đến sửa cho chị.”
Rồi em chào anh chị ra về. Xuống đến hết mấy chục bậc cầu thang, em nghe tiếng chị:”Em lên đây chị noí cái này đã!”
Quay người ngước lên, thấy chị đứng ở đầu cầu thang trên nhà, em bước lên được hai ba bậc cầu thang thì lại nghe:“Thôi đi ra cháu ngoại đi, để hôm đó (ngày mừng Chúa Giáng Sinh) rồi chị nói luôn! Thế là em lại quay gót. Đó là lần cuối cùng em nhìn thấy chị gọn gàng trong bộ đồ ôm bó người với mái tóc mới uốn đẹp để mừng Chúa Hài Nhi!
Những ngày bình thường sau đấy vẫn trôi qua, bỗng trưa thứ năm, 20.12.2012 một cú điện thoại lạ báo tin chị đang nằm phòng cấp cứu bệnh viện…vì bị té cầu thang ở trạm xe lửa Bryn Marw lúc 12 giờ trưa. Gia đình cần gặp chị ngay vì tình hình chị rất xấu! Thế là cả nhà cùng lao đến bệnh viện, chị đã bất tỉnh nằm đó từ bao giờ, nét mặt như đang ngủ!
Em chỉ còn biết nắm hết bàn tay phải, lại bàn tay trái, ghé bên tai phải rồi lại tai trái thỏ thẻ cho chị nghe về lòng thương xót Chúa, cùng nhắc nhở chị trông cậy kêu xin Chúa cứu giúp. Bởi em chẳng nhớ tai nào chị nghe rõ, tai nào không!
Rồi đêm tối ập xuống, chỉ còn hai mẹ con em với chị. Bác sĩ thực tập một lần nữa lại vào đòi rút các dụng cụ trợ thở ra, nhưng em vẫn không chịu, em muốn chị phải được an nghỉ bằng an tự nhiên, với thân xác nguyên vẹn như Chúa cùng ba má đã sinh ra chị, em không muốn một bộ phận nào của chị nhập vào một thân thể ai khác, để lại sống tiếp kiếp trần gian trôi nổi, không biết sẽ trôi dạt đến bến bờ nào, và cứ ghép qua ghép lại như vậy chừng nào chị mới thật sự lìa trần gian?! Chừng nào chị mới được thanh thản? Em còn băn khoăn chuyện ấy thật ra không biết là làm phúc hay phải tội? Cống hiến cho khoa học còn có thể an tâm, chứ cho cá nhân thì lo lắng lắm, bởi ai biết được năm sáu người ghép tạng của chị sống ra sao, có sức khỏe rồi họ lại tự do phóng túng, quậy phá xã hội, đập nát gia đình thì sao?! Chắc chị cũng chẳng muốn thế, vì có lần chị kể cho em nghe việc người ta gởi thơ đến nhà xin hiến tặng các bộ phận cơ thể trước khi chết, và chị nói ngay:“Trời ơi ghê quá, ai mà dám!” Chị nhút nhát đơn sơ vậy thôi, chứ chẳng nghĩ đến chuyện to lớn cứu người, làm ơn bác ái gì cả!
Câu chuyện“thời sự”qua đi nhanh chóng và bị lãng quên. Đến khi chị bị tai nạn khó qua khỏi, thì chuyện ấy trở thành một vấn đề cấp bách. Nhưng cũng không khác gì, vì chị có nói chi đến chuyện đó đâu, cả trên giấy tờ và trên ID của chị. Đơn giản chỉ là chị không muốn. Thế thì ai, người nào, dám nhân danh cái gì, điều chi, bác ái, hay cứu người, mà muốn mang thân xác chị đi làm phúc!?
Em toại nguyện vì chị được chết toàn thây! Nhưng nghĩ đến tình người, tình đời, lòng em vẫn rất đắng cay, em lại đến bên chị, tay nắm tay, qua lại hai bên tai chị thỏ thẻ. Cứ như vậy cho đến khi cháu Cattien ôm vai em nói:“Bác sắp đi rồi!” Em giật mình nhìn lên bảng biểu diễn mạch tim chị đang từ từ giảm dần, giảm dần rồi tới một đường thẳng nằm ngang và ngừng lại! Hai mẹ con em gục đầu bên chị cho đến khi bàn tay em cảm thấy lạnh, thì ra cái lạnh ở tay chị đã truyền sang tay em! Ngẩng lên thấy nét mặt chị đã nhạt nhòa, trán, má, mũi, miệng chị đã cứng trơ! Ôi, sao lại có thể như thế, sự sống có cánh không mà vuột bay nhanh đến thế? 12 giờ đồng hồ em chờ mong một phép lạ, mà phép lạ chẳng đến! Nhưng đến làm gì nhỉ? Để chị lại tiếp tục sống chịu đựng khổ đau, lúc nào cũng phập phồng dọn mình chết, vì không biết khi nào Chúa gọi! Em nhìn chị xót thương, vì ngay cả khi chết, chị cũng không biết mình sẽ chết! Bác sĩ Ninh bảo như vậy mới sướng, chết mà không biết mình chết mới thật sự sướng! Em hơi băn khoăn, nhưng rồi hiểu ngay ra rằng chị cô đơn, thật thà, yếu đuối, mà phải đối diện với cái chết với những trăn trở, những cám dỗ của ma quỉ thì làm sao chị chịu thấu? Ôi! lòng nhân từ Chúa thật chẳng ai hiểu nổi! Xin chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn dời!
Thế rồi nguyên cả năm nay em chẳng thể nghĩ chị đã ra đi vĩnh viễn, em vẫn mong lúc nào đó chị trả nợ cho em, đừng để em băn khoăn thắc mắc mãi không biết chị muốn nói gì với em? - Lời hay? Ý trách? Dặn dò? Nhắn nhủ? hay chia gia tài?!
Và em vẫn thấy bóng dáng chị ở những nơi quen thuộc, vẫn nghiêm trang với bộ áo dài lên rước lễ, vẫn tay ôm, tay xách mấy giỏ quần áo của các cháu vừa giặt xong, vẫn kéo cái xe nhỏ chứa đầy đồ ăn vào phòng em sau mỗi lần đi chợ Việt Nam, vẫn với bộ áo dài đỏ đẹp tươi, tay bê chai nước ngọt rót vào từng ly cho mọi người mừng Xuân…và em vẫn chờ, vẫn đợi những lời mời, những lời bảo:“Giáng Sinh này sang nhà chị ăn rồi đi lễ đêm luôn!”,“Tết thì muốn ăn vào Giao Thừa hay Mồng Một Tết, và muốn ăn món gì?”. Những câu hỏi cũ mềm nhưng năm nào chị cũng hỏi! Rồi lúc nào chị cũng chiều theo ý mấy mẹ con em. Vì đâu chỉ ăn uống, chị muốn họp mặt gia đình, mừng lễ, chúc Tết, vui vẻ, chứ ngày nào cũng như ngày nấy, ông đi ra, bà đi vào, còn nhịp điệu nào sơ cứng hơn? Cứ thế mà chị đã tạo được một nếp sâu đậm, các cháu“phải”đến mừng Giáng Sinh, chúc Tết anh chị mỗi năm. Rồi cũng quen, không cháu nào vắng mặt trong hai lần ấy, khi hai cháu lớn chuyển đi xa, thì cũng cứ giờ ấy, ngày ấy gọi điện thoại về Mừng Chúc hai bác, ba mẹ, chị em…
Hóa ra chị cũng hay thật đấy, chị biết rõ chị chẳng muốn vào bếp, chẳng thích nấu nướng nhưng không sao, chị chỉ mời ăn vào những ngày đặc biệt là tụi bay phải đến, tụi bay phải giữ phong tục tập quán quê hương, chúc Tết ông bà cha mẹ, rồi sẽ được lì xì, ăn uống hẳn hoi!


Tết Nguyên Đán năm con Cọp 2010

Có lần cháu nhỏ nói vụng sau lưng chị:“Bác nấu nướng thì chả biết nấu mà cứ đòi mời ăn hoài!” Chị chẳng nghe, chị cứ mời, không chỉ con cháu trong nhà, mà còn cả người ngoài nữa, nào cha này thầy nọ…Mình nghe như chị trả lời:“Đúng rồi, bác chả biết nấu nướng gì, nhưng tuị bay đừng lấy cớ đó mà từ chối, mà sù luôn những bữa cơm gia đình. Tụi bay muốn ăn gì, Bác sẽ mua ở tiệm cho, không sao, còn bác chỉ nấu mấy món chay cho chồng bác thôi!” Thế là ổn, có đồ ăn ngon, có vui vẻ, có lì xì đậm…còn lý do nào để từ chối bữa cơm gia đình? Sống trên nước Mỹ mà chị đã làm được như vậy quả là tuyệt vời, vì ngay tại quê hương Việt Nam, báo chí, mạng lưới thông tin cũng lên tiếng nhiều về sự suy giảm tình nghĩa, báo động về bữa cơm đoàn tụ: “Bữa cơm gia đình Việt đang dần biến mất”!  mà em đã được đọc rồi chia sẻ với các bạn trong nhóm vào dịp Thanksgiving Day Năm 2012 như sau:
Các Bạn thân mến,
Tháng 8/2012 vừa qua trong mục”Bạn đọc” của VnExpress.net có một Bạn viết“Bữa cơm gia đình Việt đang dần biến mất”! Nội dung bài viết của độc giả đó như sau:
Bữa cơm chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt đang dần biến mất vì thừa kinh tế và thiếu thời gian. Có không ít gia đình mỗi người một tô, ngồi một góc, kẻ ăn trước, người ăn sau, xô bồ, dần thành nếp quen và coi đó là chuyện thường.
Việc dạy trẻ nền nếp ăn uống, sinh hoạt là cả một quá trình và là "kỳ công của cha mẹ" để khi lớn lên, các cháu sẽ hình thành được thói quen hành xử có văn hóa, nền nếp, lễ giáo, biết cách cảm thụ được món ngon, cách ăn uống tốt để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Ngay từ khi bắt đầu tự xúc ăn, tôi luôn đặt cháu ngồi vào bàn ăn cùng gia đình. Tắt tivi, khẩu phần ăn được xới vào bát, đĩa.
Không ăn chung cơm với canh vì lười nhai sẽ khó tiêu, hình thành thói quen húp "xì xụp", người khác nghe rất hoảng sợ. Không được dùng đũa cho vào tô canh bởi khi nào cũng có một cái muỗng canh sẵn trong tô.
Các món ăn, nước chấm đều phải dùng thìa, muỗng riêng để lấy thêm khẩu phần, trừ vài món có thể dùng đũa gắp ra.
Ngay cả việc dùng tăm sau khi ăn, cả nhà đều ý thức tăm đã dùng sẽ bị bẻ đôi để cả trẻ em và người lớn đều biết đó là tăm bẩn.
Với gia đình tôi và nhiều gia đình khác nữa bữa cơm chung rất quan trọng và là thời điểm tốt để hình thành dần nền nếp, thói quen văn hóa, lễ độ, giao tiếp xã hội cho các cháu nhỏ.
Ngày nay, không ít gia đình không thể tổ chức được bữa cơm gia đình, do hoàn cảnh, mải mê kiếm tiền, công kia việc nọ…
Sau đó VnExpress.net có cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc với câu hỏi:Bạn có hay ăn cơm cùng gia đình mình?”và kết quả của 1.406 phiếu tổng cộng như sau:

Hàng ngày
54.3%
764 phiếu
Chỉ các buổi tối và cuối tuần
26.0%
365 phiếu
Thỉnh thoảng
6.8%
96 phiếu
Lâu lâu mới ăn một bữa
8.5%
120 phiếu
Không
4.3%
61 phiếu
Tỷ lệ không cao nhưng như vậy cũng tạm cho là phân nửa dân chúng tại Việt Nam còn giữ được truyền thống quay quần bên nhau trong bữa ăn gia đình. Mặc dù tỉ lệ đó do phần lớn người dân ở các tỉnh lẻ đóng góp.
Rồi cũng được một số bạn đọc chia sẻ về nội dung bữa cơm truyền thống gia đình Việt Nam ấy. Xin tóm gọn các ý kiến đó như sau:
-  Bữa cơm chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt đang dần biến mất vì thừa kinh tế và thiếu thời gian. Đó thật là một điều đáng tiếc.
-  Vì miếng cơm manh áo, kinh tế khó khăn, người người bỏ nhà đi làm xa xứ,  gia đình mỗi người một nơi, vợ xa chồng, con xa bố mẹ, ông bà....
-  Chỉ ở những thành phố lớn tình trạng này mới thường xẩy ra, còn các thành phố nhỏ, hay ở thị trấn, thôn quê, mọi người trong gia đình vẫn quây quần bên mâm cơm đầm ấm để cùng ăn cơm với nhau.
-  Gia đình tôi chuyển lên định cư ở Hà Nội và vẫn giữ được nếp sinh hoạt này, không bao giờ có chuyện người ăn trước người ăn sau. Tuy rằng người xưa vẫn nói: "Người đi không bực bằng người trực mâm cơm" nhưng ở nhà tôi khi một người về muộn thì cả nhà cùng chờ cơm chỉ trừ khi báo là không ăn cơm nhà.
 -  Thực sự bữa cơm gia đình đầy đủ mọi người thì thật vui vẻ đầm ấm và cũng là lúc mà mọi người thăm hỏi, trao đổi với nhau các thông tin trong ngày. Đó là hình ảnh đẹp!
-  Giữa các thế hệ hiện nay có suy nghĩ khác nhau cũng góp phần làm mất dần hình ảnh bữa cơm gia đình. Bản thân tôi cũng rất buồn vì khá lâu rồi không được ngồi ăn cơm cùng cha mẹ, anh em, không thể cùng chia sẻ hay tâm sự gia đình như xưa nữa.
-  Vai trò, giá trị lớn nhất của bữa cơm gia đình không phải chỉ giải quyết chuyện nhu cầu cho bao tử, mà đó chính là nơi mà các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau, trao đổi những câu chuyện trong sinh hoạt hàng ngày, thăm hỏi nhau, nhắc nhở nhau những điều tốt và chưa tốt. Đó là những thời điểm thích hợp nhất để siết chặt mối dây thân ái trong gia đình, trong thân tộc... Vì vậy, ai ơi xin đừng vì những khó khăn sinh kế hay vật chất tạm thời mà bỏ qua phong tục, tập quán tốt đẹp này.
-  Thật hạnh phúc khi cùng ngồi ăn và tâm sự. Đó chính là hạnh phúc của một gia đình cần được giữ mãi mãi. Rút ra được một điều là:"hạnh phúc do mình tạo ra, không ai tạo hạnh phúc cho mình cả".
-  Tôi đồng ý với bạn về bài viết "Bữa cơm gia đình". Ngày nay chúng ta ăn một bữa cơm gia đình tại nhà với người thân như cha, mẹ, anh em, con cháu...thì thật là khó có thể, do nhiều nguyên nhân. Làm sao khắc phục?
-  Phong tục Á Đông, mà nhất là người Việt Nam thì tập trung với nhau ăn bữa cơm gia đình ít nhất là buổi tối, rất có ý nghĩa, bởi vì các thành viên trong nhà có thể trao đổi nói chuyện vui vẻ với nhau...qua đó rèn luyện cho phụ nữ Việt đức tính đảm đang nội trợ gia đình, mà mình cảm tưởng dần mất đi trong xã hội ngày nay.
-  Xã hội phát triển, hầu hết mọi người đều tất bật, mỗi người một việc, thời gian quây quần bên nhau của gia đình rất hạn chế.
-  Thử thống kê lại trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày chúng ta có được bao nhiêu thời gian quây quần bên nhau, ngoài các bữa ăn, đi du lịch cả gia đình... trong đó bữa ăn là cơ hội nhiều nhất, thường gặp nhất. Nếu ít nhất mỗi ngày không có một bữa ăn gia đình thì có lẽ khái niệm, hình ảnh, cuộc sống gia đình sẽ dần bị mờ nhạt, mất đi sự ấm áp, bao bọc chở che, chia sẻ, bảo ban khuyên nhủ ... Buổi sáng, buổi tối, nếu chúng ta chịu khó một chút chắc chắn sẽ có ít nhất 2 bữa ăn cùng gia đình!
-  Gia đình là tế bào xã hội. Văn hóa không theo kịp kinh tế, các nhà họach định chính sách nên xem xét kỹ: tăng ca kéo dài, ca kíp lệch nhau, làm luôn cả chủ nhật là hiện tượng phổ biến hiện nay của tầng lớp lao động. Chính phủ phải có giải pháp khắc phục, chúng ta không thể để gia đình là tế bào của xã hội bị khiếm khuyết.
-  Tôi rất tâm đắc khi ăn cơm cùng gia đình và người thân. Giả sử thôi, trong gia đình có một người ốm thôi không ăn cơm cùng cũng buồn.
-  Gia đình tôi không có điều kiện như người khác, hai vợ chồng sống cùng mẹ tôi và hai con tôi. Cả nhà ăn cơm rất vui vẻ mặc dù căn phòng nhà tôi sống chỉ có 20 mét vuông. Nhưng đôi khi do hoàn cảnh mà phải có người ăn trước, ăn sau. Ví dụ, trông con nhỏ, bận đột xuất.
-  Nói thật không còn thời gian để ý đến "nét văn hóa" này vì theo tôi nó là thói quen từ nhỏ. Rèn cho con nhỏ là cần thiết nhưng tôi thiết nghĩ mình cũng không đủ thời gian cho việc đó.
-  Nói chung thời gian không chờ chúng ta, nhưng hoàn cảnh kinh tế như vậy cũng khó để giữ được. Không mất đi là may lắm rồi. v.v…

Tóm lại, đa số bạn đọc của VnExpress công nhận hình ảnh mọi thành viên trong gia đình quây quần với nhau bên bữa cơm là một hình ảnh đẹp tuyệt vời, hình ảnh của sự ấm cúng, êm đềm, đoàn tụ, trên thuận dưới hòa của truyền thống gia đình nền nếp Việt Nam. Nhưng thật đáng tiếc vì nó đang dần dần mai một đi với nhiều lý do: kinh tế, đời sống khắc nghiệt, hoàn cảnh, và vì gia đình…nên dần dần ít người tham dự được bữa cơm ấy.
Lý do nào cũng thấy đúng, cũng dễ cảm thông, nhưng mình thấy những lý do đó hay còn những lý do khác cũng chưa phải là tất cả, chưa đúng hoàn toàn. Bởi có bạn chia sẻ là gia đình sống ngay tại thủ đô Hà Nội văn minh, sầm uất, phức tạp, ai cũng bận rộn suốt ngày, nhưng gia đình bạn ấy vẫn giữ được bữa cơm đầm ấm cho mọi người trong nhà đấy!
Mình có một gia đình thông gia, sống ngay tại New York, nước Mỹ. Nơi mà trên thế giới này chắc không còn chỗ nào văn minh, bận rộn, phức tạp, xô bồ hơn! Nhưng mỗi tuần cả nhà gồm mẹ và tám người con cả dâu rể; người làm ca ngày, người làm ca đêm, vẫn ăn chung với nhau một bữa cơm vào tối thứ năm hằng tuần.
Gia đình một cậu em ở San Jose-California, nước Mỹ; cũng là nơi sầm uất, đông đúc và bon chen! Hai vợ chồng cậu này có sáu người con cả trai, gái, mà bây giờ thêm dâu rể, con cháu thành một đàn luôn! Gia đình phần lớn làm nghề tự do nên khá giả và đầu tắt mặt tối nguyên tuần. Thế nhưng mỗi tối thứ ba hằng tuần, đều tập trung tại nhà một người (thay phiên nhau) để đọc kinh, ăn uống chung với nhau.
Sống trên nước Mỹ như hai gia đình này, thì không còn gì quí bằng phải không các Bạn? Hiển nhiên còn rất nhiều gia đình vẫn giữ được nền nếp truyền thống tốt đẹp như vậy mà chúng ta chưa biết thôi.
Như có bạn cho rằng Gia đình là tế bào xã hội thì nếu gia đình hạnh phúc, êm ấm, nền nếp, con cái được ăn học, giáo dục đến nơi đến chốn thì xã hội cũng sẽ tốt là điều chắc chắn. Tuy nhiên điều tốt nào con người cũng phải được giáo dục, rèn luyện, giữ gìn, bảo vệ, ý thức, trân trọng cùng biết hy sinh, mới có thể bảo tồn được.
Nếu không, dù già hay trẻ, dù cả nhà cùng có mặt vào giờ cơm; hoặc chỉ có hai vợ chồng ở nhà cả ngày, thì mỗi người cũng một tô, mỗi người cũng một góc, mỗi người cũng ăn một thứ!
Tệ hơn nữa, có người cho chuyện ăn chung, ăn riêng là bình thường, chẳng mất mát gì! Mà họ có biết đâu đấy là hiện tượng suy thoái âm thầm, chầm chậm của đạo đức cá nhân, của nền nếp gia đình mà sau đó xã hội phải gánh chịu những bất ổn, những xáo trộn, những hậu quả của tự do phóng túng do lớp người ấy tạo ra.
Ước mong chúng ta, cùng cố gắng gìn giữ tinh hoa đất nước, truyền thống tốt đẹp dân tộc và nền nếp gia phong của mình và nhắc nhở con cháu cùng làm cùng giữ như vậy thì chẳng bao giờ chúng ta bị thoái hóa, không khi nào mất gốc phải không các Bạn?
Bởi cũng chẳng khó khăn lắm nếu một tuần, một tháng, một quí, hay một năm chúng ta cố gắng xum họp gia đình lớn, nhỏ, cùng ăn với nhau vài bữa cơm đầm ấm vào dịp lễ này, lễ nọ, như ở Mỹ thì Thanksgiving, Kito giáo thì lễ Giáng Sinh, người Việt Nam thì phải biết đến Tết Nguyên Đán…
Mình có một chị bạn còn có một sáng kiến rất hay, đấy là khuyên khích mọi người trong gia đình lấy phép năm vào dịp Tết Nguyên Đán để cùng nhau đi lễ Giao Thừa, chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa rồi chúc thọ mừng Xuân ông bà cha mẹ anh chị em và cùng ăn bữa cơm gia đình. Quá hay và đáng học tập, nhân rộng ra phải không các Bạn, mà cũng chỉ cần một hai ngày phép thôi!
Thế nên nói“muốn thì có thể làm được tất cả” nghe có vẻ hơi quá nhưng nếu thêm vào sau câu nói của cha ông:“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” câu“khéo tính toán sắp xếp thì điều gì cũng có thể đâu vào đấy như  ý muốn” phải không các Bạn? Vậy đừng buồn phiền, than thở nhăn nhó nữa, hãy khéo léo thêm một chút nữa đi, chúng ta sẽ có nhiều lần họp mặt gia đình vui vẻ các Bạn nhé!
Như bà chị mình nè, đơn sơ, nhút nhát, không con cái, sống ở Mỹ, cũng đi làm, tuy chỉ đủ chi tiêu bình thường, nhưng năm nào các em, các cháu cũng“phải” đến chúc mừng Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán đấy, bà ấy tài tình khéo léo quá phải không các Bạn?
Chúc Mừng Năm Mới Quí Vị và Các Bạn Nhé!
Thân mến,
Duyenky

·        Nhân giỗ đầu chị Maria Catharine Duyên. Kính xin quí vị và các Bạn cầu nguyện cho chị. Duyenky chân thành cám ơn.