Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Dec 24, 2013 - Đại Lễ Giáng Sinh năm A



Dec 24, 2013 - Đại Lễ Giáng Sinh năm A
Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã Gíang Sinh cho chúng ta





Các Bạn thân mến,
Giáo Hội đã chọn ngày 25 tháng 12 hằng năm để cử hành kỷ niệm Chúa Gíang Sinh vì lý do:
  * Ðây là ngày mà mặt trời chiếu sáng nhất và là ngày dài nhất trong năm;
  * Xưa kia ngày này là lễ mừng Thần Mặt Trời của người Rôma ngoại giáo.
Giáo Hội muốn chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu chính là Mặt Trời đích thực đánh tan tối tăm của tội lỗi và sự gian tà.
Theo Phụng vụ thì Lễ Giáng Sinh năm A, B hay C đều được cử hành với 4 thánh lễ vào 4 thời điểm khác nhau:
     - Lễ Vọng Giáng Sinh: trước 10 giờ đêm ngày 24.12
     - Lễ Đêm: sau 10 giờ đêm ngày 24.12
     - Lễ Rạng Đông và Lễ Ban Ngày: sáng ngày 25.12
Tin Mừng trong các Thánh Lễ khác nhau. Để sốt sắng và thuận tiện, theo thường lệ, mình cũng chia sẻ vắn tắt cả 4 Tin Mừng trong bốn Thánh lễ đó:

 A.  Lễ Vọng Giáng Sinh: Tin Mừng Thánh Mattheu (1, 1-25)
     -   Thánh Mattheu sao chép lại gia phả đầy đủ của Đức Giesu Kito.
     -   Người Do Thái cũng như người Châu Á chúng ta khi xưa, rất chú trọng đến vấn đề gia phả, tức là phổ hệ liên tục của một gia đình.
     -   Khi có vấn đề quan trọng như tuyển lựa, trao trách nhiệm hay cưới gả, thường phải biết rõ phổ hệ của người đó; trách nhiệm càng cao lớn, phổ hệ càng phải rõ ràng, liên tục nhiều đời.
     -   Người Do Thái quan tâm đến phổ hệ vì họ còn muốn bảo tồn một kho tàng qúi nhất về tính thuần chủng của dân tộc. Và thực tế họ cũng đã rất thành công về chuyện này, ngay cả những thời gian bị lưu đầy rất dài và rải rắc trên khắp thế giới.
     -   Gia phả được bảo vệ cẩn thận, kỹ lưỡng; các gia phả lớn thường nhờ toà án tối cao cất giữ.
     -   Cách sắp đặt phổ hệ của Đức Giesu ở đây có một biểu tượng về cuộc sống của con người.    
     -    Được chia làm 3 phần dựa trên 3 giai đoạn lớn của lịch sử Do Thái:
          . Từ tổ phụ Apraham đến vua Davit là 14 đời: thời hoàng kim thịnh vượng, dân tộc Do Thái hùng mạnh bậc nhất thế giới.
          . Từ vua Davit đến thời kỳ lưu đầy ở Babylon là 14 đời: Giai đoạn khổ nhục, bi đát, đầy tai họa cho dân tộc.
          . Từ thời lưu đầy vua Giokhongia đến Đức Giesu là 14 đời: thời Đấng Giải phóng dân Do Thái khỏi vòng nô lệ, khỏi mọi thảm họa, và thắng trận khải hoàn.
Ba phân đọan này cũng tiêu biêu cho ba giai đọan trong lịch sử thuộc linh của lòai người:
  1. Loài người được dựng nên cách cao trọng:
   - "Thiên Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Ngài."
   -  Cho con nguoi cao trọng hơn hết mọi lòai, mọi vật, được cầm quyền và thụ hưởng mọi sự, được tự do trên các vật thụ tạo.
   -  Được hạnh phúc, thân cận, tâm giao với Thiên Chúa.
   -  Nhưng phải tôn thờ vâng phục Đấng Tạo ra mình là Thiên Chúa.
 2. Loài người đánh mất sự cao trọng đó:
   -  Lợi dụng tự do, kiêu căng của mình, con người đã mắc nhiều sai phạm.
   -  Thay vì làm tôi tớ Thiên Chúa, con người đã trở nên nô lệ cho mọi thứ ở trần gian, cho tội lỗi và cho Satan.
   -  Con người đã dùng ý chí tự do, hiểu biết của mình để bài bác, bất tuân, và chống lại Thiên Chúa.
   -  Vì thế chương trình, kế hoạch trong công cuộc sáng tạo con người của Thiên Chúa đã bị con người phá hỏng.
 3. Loài người có thể phục hồi sự cao trọng:
    Con người phản loạn, chống nghịch Thiên Chúa, nhưng Ngài không bỏ mặc con người theo phương thế riêng của họ.
   -  Ngài không cho phép con người tự tiêu diệt mình bằng sự điên dại của mình.
   -  Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu đến trong thế gian để giải cứu con người, phục hồi mối tương quan đã mất với Thiên Chúa.
   -  Theo gia phả thì Đức Giesu chính là con cháu Vua Davit, Đấng đến để đem lại vinh quang, thỏa mãn ước mơ của người Do Thái.
   -  Ngài còn là thành tựu của các tiên tri, vì Ngài đến để sứ điệp của các tiên tri thành sự thật.
   -  Nhưng tiếc thay, loài người mãi mãi ngoan cố, không thấy, không nghe, không hiểu như vậy, mà luôn chạy theo những ước mơ quyền thế, giàu sang, vật chất tiện nghi, tham vọng bá chủ...Coi thường lời Tiên tri dạy bảo, cảnh cáo, phủ nhận sự thật, chối bỏ chân lý...
   -  Không quan tâm tới những giấc mơ tốt đẹp về bình an, sự cao trọng, sự sống đời đời, sự mở mang nước Chúa...
     *  Vậy chúng ta hãy ngưng ảo tưởng để hướng về Thiên Chúa và xin Ngài cho chúng ta biết cuộc sống và thế giới này không phải ở trên con đường vô định, nhưng là trên một con đường dẫn tới mức đích Thiên Chúa đã vạch sẵn.

 B. Lễ Nửa Đêm: Tin Mừng Thánh Luca (2, 1-14)
Thánh Lễ chính của Lễ Giáng sinh được cử hành ban đêm vì Đức Giêsu là Ánh sáng, Ngài sinh xuống trần gian như Ánh sáng bừng lên trong đêm khuya, xóa tan mọi tối tăm.
-  Ánh Sáng của Vầng Đông Giêsu cho chúng ta phân biệt chính tà, thiện ác, và  giúp chúng ta nhận ra người chung quanh là anh em của mình.
-  Nếu còn mù mờ lẫn lộn thật gỉa, còn coi tha nhân là xấu xa, thù địch hay là người xa lạ thì chúng ta đang còn ở trong bóng đêm, đang thuộc về thế giới tối tăm.
-  Ánh sáng nầy sẽ giúp nhân loại tìm được chân lý, tìm về với Thiên Chúa, nhận ra mọi người là anh em con cùng một Cha, và như thế con người sẽ không phải sống trong tối tăm lạnh lẽo, nhưng được sưởi ấm bằng tình yêu thương của Chúa và anh em.
-  Tin Mừng Thánh Luca ghi lại sự kiện kiểm tra dân số đầu tiên của vua Augutto, dẫn đến việc ông Giuse đưa bà Maria về nguyên quán của mình là Belem, miền Giude, thành của vua Davit, đúng như lời các Tiên tri:
      1. Nơi Hài Nhi Giesu sinh ra:
- "Khi hai người đang ở đó, thì Bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ."
-  Giữa đêm khuya thanh vắng ấy, một Thiên Sứ sáng chói đến báo tin cho các mục đồng trong vùng:"Anh em đừng sợ, này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại. Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra trong thành vua Davit, Người là Đấng Kito Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."
-  Đó là hình ảnh Chúa Cứu Thế giáng sinh trong cảnh nghèo hèn đơn bạc.
-  Tin Mừng đặc biệt này được gởi đến trước tiên cho những người chăn chiên nghèo khổ.
-  Thế nên tinh thần nghèo của Lễ Giáng sinh và của Ðấng Giáng sinh phải thấm sâu và thể hiện ra bằng một lập trường sống không tôn thờ tiền bạc, bằng một thái độ đối xử tôn trọng, yêu thương người nghèo và bằng một cách nhìn thấy chính Chúa trong người nghèo khổ.
  *  Vậy đừng biến Lễ Giáng Sinh thành lễ trình diễn muôn ngàn kiễu trang trí lấp lánh tự tạo, những món qùa linh tinh, những cuộc vui tiệc tùng không mang dấu hiệu của hài Nhi Giesu.
  *  Mà cần khắc ghi đúng dấu hiệu của Ngài: một hình ảnh, một lập trường sống như trẻ nhỏ, đơn sơ giản dị, vâng ý Thiên Chúa, đón nhận mọi người, không phân biệt đối xử, không tham lam của cải, danh vọng, quyền bính, sắc dục...
    2. Lịch sử cứu rỗi loài người tập trung nơi sự xuất hiện của Đức Giesu:
-  Chúa Hài Nhi sinh ra trong một hang bò hôi hám ngoài cánh đồng hoang vu.
-  Đây là một bức tranh như kiểu mẫu, nói lên cách đối xử của loài người với Con Thiên Chúa.
-  Nhưng sự Giáng Sinh của Ngài mãi mãi là trung tâm điểm của lịch sử Cứu rỗi nhân loại.
-  Ngày nay, không phân biệt tôn giáo, con người ở khắp nơi đều mừng kỷ niệm lễ Giáng Sinh của Đức Giesu cách long trọng, huy hoang lộng lẫy, và hân hoan vui mừng.
-  Nhưng không biết lòng con người có đón nhận Ngài không, có chỗ nào cho Ngài không? Hay cũng không còn chỗ, vì ngổn ngang bao sự việc của đời?
-  Chắc chắn sự không đón tiếp Ngài ngày nay sẽ nặng tội hơn rất nhiều so với những chủ quán trọ ngày xưa. 
-  Đừng đchỉ những người nghèo khó cùng khốn mới có chỗ trống đón Ngài và  nghe Tin Mừng của Ngài.
-  Hãy lưu ý rằng lịch sử cứu rỗi vẫn còn đó, nhưng chẳng bao giờ Ngài ép buộc chúng ta phải mở cửa lòng ra cho Ngài vào.
    3. "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương":
-  Đó là những lời của muôn ngàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
-  Mỗi năm Giáng Sinh về là một dịp nhớ lại Hài Nhi Giesu đến với chúng ta, nhắc nhở chúng ta vinh danh Thiên Chúa trên mọi tạo vật, như vậy Ngài sẽ ở với chúng ta và ban bình của Ngài cho chúng ta.
-  Hãy nhìn kỹ vào tâm lòng mình, để hiểu biết ý nghĩa cao trọng này, dành chỗ đón tiếp Ngài, đừng chất chứa những lo toan, đam mê, ước vọng với công việc và công việc.
-  Mặt khác, khi đã đón nhận Ngài rồi, cũng đừng nhốt Ngài, hãy như thiên sứ, như các mục đồng, nhanh chóng loan báo Tin Mừng cho những người khác cùng vui theo.
-  Cần cảnh giác rằng Thiên Chúa vẫn thế, vẫn muốn mọi người phải dọn chỗ sẵn sàng đón rước Ngài.
-  Ngài thường xuất hiện ở những nơi, những lúc người ta ít chờ đợi; cách của Ngài đôi khi lại làm chúng ta choáng váng vì những kỳ công, sáng kiến, hoàn cảnh lạ lùng, biến cố bất ngờ.
-  Bởi Thiên Chúa muốn chúng ta đón Ngài bằng lòng tin, không phải bằng lý luận. 
-  Tuy nhiên không phải Ngài muốn hù dọa, hãm hại, hay mê hoặc chúng ta. Mà chính Ngài là vinh quang, tình yêu, cứu rỗi, bình an, và quảng đại nhân từ.
-  Những điều ấy luôn có những cách thế phù hợp để tự bày tỏ những sự lớn lao, vượt trên mọi suy luận của phàm trần cũng như bày tỏ chính mình cho từng người chúng ta.
-  Thiên Chúa đã đến, hiện diện qua hài nhi bé nhỏ yếu đuối như con người, đấy là một sự thật có chứng cớ.
-  Chúng ta đã được kêu mời cùng với cả trần gian đến để thờ lạy, chiêm ngưỡng dung nhan Ngài, đừng cố tình làm lơ, đừng cứng cỏi từ chối.
-  Công bố mầu nhiệm Giáng Sinh còn là bày tỏ cho thế giới biết Ngôi Lời nhập thể, nói lên tiếng nói cuối cùng thâm sâu và tuyệt vời. Không bao giờ bị lấy mất, không bao giờ phai mờ. Đó là Thiên Chúa muốn hiện diện giữa nhân loại.
-  Chúng ta hãy vui mừng vì được phục hồi làm con Thiên Chúa, được sống trong ân sủng, bình an, hạnh phúc của Ngài.  

 C. Lễ Rạng đông: Tin Mừng theo Thánh Luca( 2, 15-20)
-  Theo hướng dẫn của Thiên Sứ, nhóm mục đồng đã đến tận nơi, vào một hang bò lừa nhỏ bé, hôi hám để chiêm ngưỡng và thờ lạy Hài Nhi Giesu.
- "Và kể lại những đỉều Thiên Sứ nói với họ về Hài Nhi này. Ai cũng ngạc nhiên, còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”
-  Rồi sau đó, họ đã hân hoan nhẩy mừng chạy về làng báo cho dân chúng biết tin vui này.
-  Đây là một trong bảy lời chứng ban đầu từ môi miệng của những người có lòng tin kính thốt lên về sự sinh ra của Chúa Hài Đồng, nhấn mạnh Ngài là Đấng Cứu Thế, đem lại ánh sáng, hạnh phúc, với lòng xót thương vô bờ để chuộc tội cho loài người.
-  Kể từ biến cố ấy cho đến nay, đã có hằng hà sa số sự kiện chứng minh cho chân lý của những lời chứng trên.
-  Bởi Thiên Chúa tạo dựng con người có bản năng khao khát tìm kiếm Ngài.
-  Nhưng để tránh chìm đắm trong bóng tối, chúng ta đừng tự dò dẫm tìm Ngài, hãy theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa và những ai thuộc về Ngài.
-  Vì Ngài là Cha nhân lành, trung thành, đã thực hiện những lời hứa với Tổ phụ chúng ta, và cả chính chúng ta nữa.
  * Xin Chúa hãy ngự trong lòng chúng ta như nơi máng cỏ, vì đời chúng ta có khác chi, còn nhơ nhớp vô dụng hơn nhiều.
  * Cùng xin Ngài cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria, suy ngẫm những điều đã thấy và những gì Ngài đã làm, cùng chia sẻ Tin Mừng cho mọi người với niềm vui như các mục đồng.

C. Lễ Ban Ngày: Tin Mừng theo Thánh Gioan(1, 1-18)
- "Ngôi Lời đã trở thành xác phàm ở giữa chúng ta, đầy ơn sủng và chân lý."
-  Đó là lời khẳng định của Thánh Gioan tông đồ nói về Lời Chúa Trời, Lời quyền năng sáng tạo và sinh động.
-  Vốn là tác nhân của công cuộc sáng tạo vũ trụ, là Lời hướng dẫn điều khiển, kiểm sóat, thiết lập trật tự trong vũ trụ, đặt tâm trí con người.
-  Ngôi Lời đã đến trong thế gian bằng hình thể con người và được nhìn thấy thật sự có tính cách vật lý, nghĩa là với con mắt bằng thịt của chúng ta.
-  Một khía cạnh nữa, biến cố Giáng sinh là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, vượt lên, tách rời mọi tư tưởng có từ trước là Thượng Đế, Ông Trời, Tạo Hóa, Ngôi Lời..., không bao giờ có thể mặc lấy một thân xác thịt xấu xa, gian ác, hư họai, yếu hèn như con người.
-  Vì thế đây là điều mới mẻ, bất ngờ, khó tin, khó hiểu, đã làm rung động tất cả bởi Chúa Trời trở thành một người, Chúa Trời bước vào cuộc đời chúng ta đang sống để sống với chúng ta. 
-  Sau đó vẫn tiếp tục làm choáng váng, ngạc nhiên, băn khoăn, khó tin nơi một số người, ngay cả trong Giáo Hội.
-  Thật ra đó có thể là sự phát sinh từ một thái độ tin kính sai lầm, từ tinh thần tôn trọng, sợ hãi xúc phạm nên không dám nói, không dám công nhận Ngôi Lời, Đức Giesu, vốn là Đấng trọn vẹn, đích thật mà lại làm người với xác thịt như người phàm!
-  Cũng có thể do sự thường qúa nhiệt thành bảo vệ sự kiện Đức Giesu hoàn toàn là Chúa Trời, đến nỗi có khuynh hướng quên sự kiện Ngài cũng là một con người trần gian như chúng ta. 
-  Ở đây chúng ta thấy trọn vẹn nhân tính của Đức Giesu đã được công bố cách vẻ vang rõ ràng.
-  Trong Đức Giesu, chúng ta thấy Thiên Chúa sống đúng như Thiên Chúa sẽ phải sống nếu Ngài làm người.
-   Ngài cũng đã tỏ ra cho chúng ta biết Thiên Chúa sẽ sống cuộc đời mà chúng ta phải sống nếu Ngài là một người.

 Lạy Chúa Hài Nhi Giesu, Ngài giáng sinh là Ngài đã làm người yếu đuối mỏng dòn như chúng con, đã hiểu gánh nặng của phận người với cuộc sống gian truân, khổ đau, mệt mỏi, xao xuyến; lại thêm nhiều cạm bẫy lôi cuốn mời mọc.
Xin nâng đỡ để chúng con không bỏ cuộc, không cô đơn tuyệt vọng, mà biết sống nhẹ nhàng thanh thóat với con tim rộng mở, biết đón nhận và biết cho đi những gì Ngài muốn cho hoàn cảnh của thời đại hôm nay.
Ước gì mọi tín hữu chúng con hăng hái rao truyền sứ điệp Gíang Sinh đến với mọi người, để cả thế giới cùng được ngợi khen Thiên Chúa rằng:
                         “ Vinh danh Thiên Chúa trên Trời,
            Bình An dưới thế cho người Chúa Thương.”  Amen.
Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét