Chị còn nợ em…
Giáng Sinh 2010
Đúng vậy, chị còn nợ em
không chỉ một điều muốn nói mà chưa nói, nhưng còn cả một bữa tiệc mừng Chúa
Giáng Sinh đã hứa nữa!
Hôm đó chị nói mấy ngày
nay chị không mở được email, không đọc được tin tức gì, em qua coi giúp chị đi!
Thế là chiều thứ hai, 17.12.2012 trước khi ra nhà cháu ngoại, em ghé qua chị để
xem máy Latop của chị thế nào. Loay hoay một hồi em mới biết là máy không nối
được internet. Em nói:”không có internet
thì em chịu thua, để em bảo các cháu đến sửa cho chị.”
Rồi em chào anh chị ra
về. Xuống đến hết mấy chục bậc cầu thang, em nghe tiếng chị:”Em lên đây chị noí cái này đã!”
Quay người ngước lên,
thấy chị đứng ở đầu cầu thang trên nhà, em bước lên được hai ba bậc cầu thang
thì lại nghe:“Thôi đi ra cháu ngoại đi, để hôm đó (ngày mừng Chúa Giáng
Sinh) rồi chị nói luôn! Thế là em lại
quay gót. Đó là lần cuối cùng em nhìn thấy chị gọn gàng trong bộ đồ ôm bó người
với mái tóc mới uốn đẹp để mừng Chúa Hài Nhi!
Những ngày bình thường
sau đấy vẫn trôi qua, bỗng trưa thứ năm, 20.12.2012 một cú điện thoại lạ báo
tin chị đang nằm phòng cấp cứu bệnh viện…vì bị té cầu thang ở trạm xe lửa Bryn
Marw lúc 12 giờ trưa. Gia đình cần gặp chị ngay vì tình hình chị rất xấu! Thế
là cả nhà cùng lao đến bệnh viện, chị đã bất tỉnh nằm đó từ bao giờ, nét mặt như
đang ngủ!
Em chỉ còn biết nắm hết
bàn tay phải, lại bàn tay trái, ghé bên tai phải rồi lại tai trái thỏ thẻ cho
chị nghe về lòng thương xót Chúa, cùng nhắc nhở chị trông cậy kêu xin Chúa cứu
giúp. Bởi em chẳng nhớ tai nào chị nghe rõ, tai nào không!
Rồi đêm tối ập xuống,
chỉ còn hai mẹ con em với chị. Bác sĩ thực tập một lần nữa lại vào đòi rút các
dụng cụ trợ thở ra, nhưng em vẫn không chịu, em muốn chị phải được an nghỉ bằng
an tự nhiên, với thân xác nguyên vẹn như Chúa cùng ba má đã sinh ra chị, em không
muốn một bộ phận nào của chị nhập vào một thân thể ai khác, để lại sống tiếp kiếp
trần gian trôi nổi, không biết sẽ trôi dạt đến bến bờ nào, và cứ ghép qua ghép
lại như vậy chừng nào chị mới thật sự lìa trần gian?! Chừng nào chị mới được
thanh thản? Em còn băn khoăn chuyện ấy thật ra không biết là làm phúc hay phải
tội? Cống hiến cho khoa học còn có thể an tâm, chứ cho cá nhân thì lo lắng lắm,
bởi ai biết được năm sáu người ghép tạng của chị sống ra sao, có sức khỏe rồi họ
lại tự do phóng túng, quậy phá xã hội, đập nát gia đình thì sao?! Chắc chị cũng
chẳng muốn thế, vì có lần chị kể cho em nghe việc người ta gởi thơ đến nhà xin
hiến tặng các bộ phận cơ thể trước khi chết, và chị nói ngay:“Trời ơi ghê quá, ai mà dám!” Chị nhút
nhát đơn sơ vậy thôi, chứ chẳng nghĩ đến chuyện to lớn cứu người, làm ơn bác ái
gì cả!
Câu chuyện“thời sự”qua đi nhanh chóng và bị lãng
quên. Đến khi chị bị tai nạn khó qua khỏi, thì chuyện ấy trở thành một vấn đề cấp
bách. Nhưng cũng không khác gì, vì chị có nói chi đến chuyện đó đâu, cả trên giấy
tờ và trên ID của chị. Đơn giản chỉ là chị không muốn. Thế thì ai, người nào,
dám nhân danh cái gì, điều chi, bác ái, hay cứu người, mà muốn mang thân xác chị
đi làm phúc!?
Em toại nguyện vì chị
được chết toàn thây! Nhưng nghĩ đến tình người, tình đời, lòng em vẫn rất đắng
cay, em lại đến bên chị, tay nắm tay, qua lại hai bên tai chị thỏ thẻ. Cứ như vậy
cho đến khi cháu Cattien ôm vai em nói:“Bác
sắp đi rồi!” Em giật mình nhìn lên bảng biểu diễn mạch tim chị đang từ từ
giảm dần, giảm dần rồi tới một đường thẳng nằm ngang và ngừng lại! Hai mẹ con
em gục đầu bên chị cho đến khi bàn tay em cảm thấy lạnh, thì ra cái lạnh ở tay
chị đã truyền sang tay em! Ngẩng lên thấy nét mặt chị đã nhạt nhòa, trán, má, mũi,
miệng chị đã cứng trơ! Ôi, sao lại có thể như thế, sự sống có cánh không mà vuột
bay nhanh đến thế? 12 giờ đồng hồ em chờ mong một phép lạ, mà phép lạ chẳng đến!
Nhưng đến làm gì nhỉ? Để chị lại tiếp tục sống chịu đựng khổ đau, lúc nào cũng phập
phồng dọn mình chết, vì không biết khi nào Chúa gọi! Em nhìn chị xót thương, vì
ngay cả khi chết, chị cũng không biết mình sẽ chết! Bác sĩ Ninh bảo như vậy mới
sướng, chết mà không biết mình chết mới thật sự sướng! Em hơi băn khoăn, nhưng
rồi hiểu ngay ra rằng chị cô đơn, thật thà, yếu đuối, mà phải đối diện với cái
chết với những trăn trở, những cám dỗ của ma quỉ thì làm sao chị chịu thấu? Ôi!
lòng nhân từ Chúa thật chẳng ai hiểu nổi! Xin chúc tụng và cảm tạ Chúa đến muôn
dời!
Thế rồi nguyên cả năm
nay em chẳng thể nghĩ chị đã ra đi vĩnh viễn, em vẫn mong lúc nào đó chị trả nợ
cho em, đừng để em băn khoăn thắc mắc mãi không biết chị muốn nói gì với em? -
Lời hay? Ý trách? Dặn dò? Nhắn nhủ? hay chia gia tài?!
Và em vẫn thấy bóng
dáng chị ở những nơi quen thuộc, vẫn nghiêm trang với bộ áo dài lên rước lễ, vẫn
tay ôm, tay xách mấy giỏ quần áo của các cháu vừa giặt xong, vẫn kéo cái xe nhỏ
chứa đầy đồ ăn vào phòng em sau mỗi lần đi chợ Việt Nam, vẫn với bộ áo dài đỏ đẹp
tươi, tay bê chai nước ngọt rót vào từng ly cho mọi người mừng Xuân…và em vẫn
chờ, vẫn đợi những lời mời, những lời bảo:“Giáng
Sinh này sang nhà chị ăn rồi đi lễ đêm luôn!”,“Tết thì muốn ăn vào Giao Thừa
hay Mồng Một Tết, và muốn ăn món gì?”. Những câu hỏi cũ mềm nhưng năm nào chị cũng hỏi! Rồi lúc nào chị cũng chiều theo ý mấy mẹ
con em. Vì đâu chỉ ăn uống, chị muốn họp mặt gia đình, mừng lễ, chúc Tết, vui vẻ,
chứ ngày nào cũng như ngày nấy, ông đi ra, bà đi vào, còn nhịp điệu nào sơ cứng
hơn? Cứ thế mà chị đã tạo được một nếp sâu đậm, các cháu“phải”đến mừng Giáng Sinh, chúc Tết anh chị mỗi năm. Rồi cũng quen,
không cháu nào vắng mặt trong hai lần ấy, khi hai cháu lớn chuyển đi xa, thì
cũng cứ giờ ấy, ngày ấy gọi điện thoại về Mừng Chúc hai bác, ba mẹ, chị em…
Hóa ra chị cũng hay thật
đấy, chị biết rõ chị chẳng muốn vào bếp, chẳng thích nấu nướng nhưng không sao,
chị chỉ mời ăn vào những ngày đặc biệt là tụi bay phải đến, tụi bay phải giữ
phong tục tập quán quê hương, chúc Tết ông bà cha mẹ, rồi sẽ được lì xì, ăn uống
hẳn hoi!
Tết Nguyên Đán năm con Cọp 2010
Có lần cháu nhỏ nói vụng sau lưng
chị:“Bác nấu nướng thì chả biết nấu mà cứ
đòi mời ăn hoài!” Chị chẳng nghe, chị cứ mời, không chỉ con cháu trong nhà,
mà còn cả người ngoài nữa, nào cha này thầy nọ…Mình nghe như chị trả lời:“Đúng rồi, bác chả biết nấu nướng gì, nhưng
tuị bay đừng lấy cớ đó mà từ chối, mà sù luôn những bữa cơm gia đình. Tụi bay
muốn ăn gì, Bác sẽ mua ở tiệm cho, không sao, còn bác chỉ nấu mấy món chay cho
chồng bác thôi!” Thế là ổn, có đồ ăn ngon, có vui vẻ, có lì xì đậm…còn lý
do nào để từ chối bữa cơm gia đình? Sống trên nước Mỹ mà chị đã làm được như vậy
quả là tuyệt vời, vì ngay tại quê hương Việt Nam, báo chí, mạng lưới thông tin cũng
lên tiếng nhiều về sự suy giảm tình nghĩa, báo động về bữa cơm đoàn tụ: “Bữa
cơm gia đình Việt đang dần biến mất”! mà em đã được đọc rồi chia sẻ với các bạn
trong nhóm vào dịp Thanksgiving Day Năm 2012 như sau:
Các Bạn thân
mến,
Tháng 8/2012
vừa qua trong mục”Bạn đọc” của
VnExpress.net có một Bạn viết“Bữa cơm
gia đình Việt đang dần biến mất”! Nội dung bài viết của độc giả đó như
sau:
Bữa cơm chung, đầm ấm,
thân mật trong gia đình Việt đang dần biến mất vì thừa kinh tế và thiếu thời
gian. Có không ít gia đình mỗi người một tô, ngồi một góc, kẻ ăn trước, người
ăn sau, xô bồ, dần thành nếp quen và coi đó là chuyện thường.
Việc dạy trẻ nền nếp
ăn uống, sinh hoạt là cả một quá trình và là "kỳ công của cha mẹ" để
khi lớn lên, các cháu sẽ hình thành được thói quen hành xử có văn hóa, nền nếp,
lễ giáo, biết cách cảm thụ được món ngon, cách ăn uống tốt để bảo vệ sức khỏe
cho bản thân và gia đình.
Ngay từ khi bắt đầu tự xúc ăn, tôi luôn đặt
cháu ngồi vào bàn ăn cùng gia đình. Tắt tivi, khẩu phần ăn được xới vào bát,
đĩa.
Không ăn chung cơm với canh vì lười nhai sẽ
khó tiêu, hình thành thói quen húp "xì xụp", người khác nghe rất
hoảng sợ. Không được dùng đũa cho vào tô canh bởi khi nào cũng có một cái muỗng
canh sẵn trong tô.
Các món ăn, nước chấm đều phải dùng thìa,
muỗng riêng để lấy thêm khẩu phần, trừ vài món có thể dùng đũa gắp ra.
Ngay cả việc dùng tăm sau khi ăn, cả nhà đều ý
thức tăm đã dùng sẽ bị bẻ đôi để cả trẻ em và người lớn đều biết đó là tăm bẩn.
Với gia đình tôi và nhiều gia đình khác nữa
bữa cơm chung rất quan trọng và là thời điểm tốt để hình thành dần nền nếp,
thói quen văn hóa, lễ độ, giao tiếp xã hội cho các cháu nhỏ.
Ngày nay, không ít gia đình không thể tổ chức
được bữa cơm gia đình, do hoàn cảnh, mải mê kiếm tiền, công kia việc nọ…
Sau đó VnExpress.net có cuộc thăm
dò ý kiến bạn đọc với câu hỏi:“Bạn có hay ăn cơm cùng gia đình mình?”và kết quả của 1.406 phiếu tổng cộng như sau:
Hàng ngày
|
54.3%
|
764 phiếu
|
Chỉ các buổi tối và
cuối tuần
|
26.0%
|
365 phiếu
|
Thỉnh thoảng
|
6.8%
|
96 phiếu
|
Lâu lâu mới ăn một
bữa
|
8.5%
|
120 phiếu
|
Không
|
4.3%
|
61 phiếu
|
Tỷ
lệ không cao nhưng như vậy cũng tạm cho là phân nửa dân chúng tại Việt Nam còn
giữ được truyền thống quay quần bên nhau trong bữa ăn gia đình. Mặc dù tỉ lệ đó
do phần lớn người dân ở các tỉnh lẻ đóng góp.
Rồi cũng được
một số bạn đọc chia sẻ về nội dung bữa
cơm truyền thống gia đình Việt Nam ấy. Xin tóm gọn các ý kiến đó như sau:
- Bữa cơm chung, đầm ấm,
thân mật trong gia đình Việt đang dần biến mất vì thừa kinh tế và thiếu thời
gian. Đó thật là một điều đáng tiếc.
- Vì miếng cơm manh áo,
kinh tế khó khăn, người người bỏ nhà đi làm xa xứ, gia đình mỗi người một nơi, vợ xa chồng, con
xa bố mẹ, ông bà....
- Chỉ ở những thành phố lớn tình trạng này mới
thường xẩy ra, còn các thành phố nhỏ, hay ở thị trấn, thôn quê, mọi người trong
gia đình vẫn quây quần bên mâm cơm đầm ấm để cùng ăn cơm với nhau.
- Gia đình tôi chuyển lên định cư ở Hà Nội và
vẫn giữ được nếp sinh hoạt này, không bao giờ có chuyện người ăn trước người ăn
sau. Tuy rằng người xưa vẫn nói: "Người đi không bực bằng người trực mâm
cơm" nhưng ở nhà tôi khi một người về muộn thì cả nhà cùng chờ cơm chỉ trừ
khi báo là không ăn cơm nhà.
- Thực
sự bữa cơm gia đình đầy đủ mọi người thì thật vui vẻ đầm ấm và cũng là lúc mà
mọi người thăm hỏi, trao đổi với nhau các thông tin trong ngày. Đó là hình ảnh
đẹp!
- Giữa các thế hệ hiện nay có suy nghĩ khác
nhau cũng góp phần làm mất dần hình ảnh bữa cơm gia đình. Bản thân tôi cũng rất
buồn vì khá lâu rồi không được ngồi ăn cơm cùng cha mẹ, anh em, không thể cùng
chia sẻ hay tâm sự gia đình như xưa nữa.
- Vai trò, giá trị lớn nhất của bữa cơm gia đình
không phải chỉ giải quyết chuyện nhu cầu cho bao tử, mà đó chính là nơi mà các
thành viên trong gia đình quay quần bên nhau, trao đổi những câu chuyện trong
sinh hoạt hàng ngày, thăm hỏi nhau, nhắc nhở nhau những điều tốt và chưa tốt.
Đó là những thời điểm thích hợp nhất để siết chặt mối dây thân ái trong gia
đình, trong thân tộc... Vì vậy, ai ơi xin đừng vì những khó khăn sinh kế hay
vật chất tạm thời mà bỏ qua phong tục, tập quán tốt đẹp này.
- Thật
hạnh phúc khi cùng ngồi ăn và tâm sự. Đó chính là hạnh phúc của một gia đình
cần được giữ mãi mãi. Rút ra được một điều là:"hạnh phúc do mình tạo ra,
không ai tạo hạnh phúc cho mình cả".
- Tôi
đồng ý với bạn về bài viết "Bữa cơm gia đình". Ngày nay chúng ta ăn
một bữa cơm gia đình tại nhà với người thân như cha, mẹ, anh em, con cháu...thì
thật là khó có thể, do nhiều nguyên nhân. Làm sao khắc phục?
- Phong tục Á Đông, mà nhất là người
Việt Nam thì tập trung với nhau ăn bữa cơm gia đình ít nhất là buổi tối, rất có
ý nghĩa, bởi vì các thành viên trong nhà có thể trao đổi nói chuyện vui vẻ với
nhau...qua đó rèn luyện cho phụ nữ Việt đức tính đảm đang nội trợ gia đình, mà
mình cảm tưởng dần mất đi trong xã hội ngày nay.
- Xã
hội phát triển, hầu hết mọi người đều tất bật, mỗi người một
việc, thời gian quây quần bên nhau của gia đình rất hạn chế.
- Thử
thống kê lại trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày chúng ta có được
bao nhiêu thời gian quây quần bên nhau, ngoài các bữa ăn, đi du lịch cả
gia đình... trong đó bữa ăn là cơ hội nhiều nhất, thường gặp nhất.
Nếu ít nhất mỗi ngày không có một bữa ăn gia đình thì có lẽ khái
niệm, hình ảnh, cuộc sống gia đình sẽ dần bị mờ nhạt, mất đi sự
ấm áp, bao bọc chở che, chia sẻ, bảo ban khuyên nhủ ... Buổi sáng, buổi
tối, nếu chúng ta chịu khó một chút chắc chắn sẽ có ít nhất 2 bữa
ăn cùng gia đình!
- Gia
đình là tế bào xã hội. Văn hóa không theo kịp kinh tế, các nhà họach định chính
sách nên xem xét kỹ: tăng ca kéo dài, ca kíp lệch nhau, làm luôn cả chủ nhật là
hiện tượng phổ biến hiện nay của tầng lớp lao động. Chính phủ phải có giải pháp
khắc phục, chúng ta không thể để gia đình là tế bào của xã hội bị khiếm khuyết.
- Tôi
rất tâm đắc khi ăn cơm cùng gia đình và người thân. Giả sử thôi, trong gia đình
có một người ốm thôi không ăn cơm cùng cũng buồn.
- Gia
đình tôi không có điều kiện như người khác, hai vợ chồng sống cùng mẹ tôi và
hai con tôi. Cả nhà ăn cơm rất vui vẻ mặc dù căn phòng nhà tôi sống chỉ có 20 mét vuông. Nhưng đôi khi do hoàn cảnh mà phải có người ăn trước, ăn
sau. Ví dụ, trông con nhỏ, bận đột xuất.
- Nói
thật không còn thời gian để ý đến "nét văn hóa" này vì theo tôi nó là
thói quen từ nhỏ. Rèn cho con nhỏ là cần thiết nhưng tôi thiết nghĩ mình cũng
không đủ thời gian cho việc đó.
- Nói
chung thời gian không chờ chúng ta, nhưng hoàn cảnh kinh tế như vậy cũng khó để
giữ được. Không mất đi là may lắm rồi. v.v…
Tóm lại, đa số bạn đọc
của VnExpress công nhận hình ảnh mọi thành viên trong gia đình quây quần với
nhau bên bữa cơm là một hình ảnh đẹp tuyệt vời, hình ảnh của sự ấm cúng, êm
đềm, đoàn tụ, trên thuận dưới hòa của truyền thống gia đình nền nếp Việt Nam.
Nhưng thật đáng tiếc vì nó đang dần dần mai một đi với nhiều lý do: kinh tế, đời
sống khắc nghiệt, hoàn cảnh, và vì gia đình…nên dần dần ít người tham dự được
bữa cơm ấy.
Lý do nào cũng thấy đúng,
cũng dễ cảm thông, nhưng mình thấy những lý do đó hay còn những lý do khác cũng
chưa phải là tất cả, chưa đúng hoàn toàn. Bởi có bạn chia sẻ là gia đình sống
ngay tại thủ đô Hà Nội văn minh, sầm uất, phức tạp, ai cũng bận rộn suốt ngày, nhưng
gia đình bạn ấy vẫn giữ được bữa cơm đầm ấm cho mọi người trong nhà đấy!
Mình có một gia đình
thông gia, sống ngay tại New York, nước Mỹ. Nơi mà trên thế giới này chắc không
còn chỗ nào văn minh, bận rộn, phức tạp, xô bồ hơn! Nhưng mỗi tuần cả nhà gồm mẹ
và tám người con cả dâu rể; người làm ca ngày, người làm ca đêm, vẫn ăn chung
với nhau một bữa cơm vào tối thứ năm hằng tuần.
Gia đình một cậu em ở
San Jose-California, nước Mỹ; cũng là nơi sầm uất, đông đúc và bon chen! Hai vợ
chồng cậu này có sáu người con cả trai, gái, mà bây giờ thêm dâu rể, con cháu
thành một đàn luôn! Gia đình phần lớn làm nghề tự do nên khá giả và đầu tắt mặt
tối nguyên tuần. Thế nhưng mỗi tối thứ ba hằng tuần, đều tập trung tại nhà một
người (thay phiên nhau) để đọc kinh, ăn uống chung với nhau.
Sống trên nước Mỹ như
hai gia đình này, thì không còn gì quí bằng phải không các Bạn? Hiển nhiên còn
rất nhiều gia đình vẫn giữ được nền nếp truyền thống tốt đẹp như vậy mà chúng ta
chưa biết thôi.
Như có bạn cho rằng Gia đình là tế bào xã hội thì nếu gia
đình hạnh phúc, êm ấm, nền nếp, con cái được ăn học, giáo dục đến nơi đến chốn
thì xã hội cũng sẽ tốt là điều chắc chắn. Tuy nhiên điều tốt nào con người cũng
phải được giáo dục, rèn luyện, giữ gìn, bảo vệ, ý thức, trân trọng cùng biết hy
sinh, mới có thể bảo tồn được.
Nếu không, dù già hay
trẻ, dù cả nhà cùng có mặt vào giờ cơm; hoặc chỉ có hai vợ chồng ở nhà cả ngày,
thì mỗi người cũng một tô, mỗi người cũng một góc, mỗi người cũng ăn một thứ!
Tệ hơn nữa, có người
cho chuyện ăn chung, ăn riêng là bình thường, chẳng mất mát gì! Mà họ có biết
đâu đấy là hiện tượng suy thoái âm thầm, chầm chậm của đạo đức cá nhân, của nền
nếp gia đình mà sau đó xã hội phải gánh chịu những bất ổn, những xáo trộn,
những hậu quả của tự do phóng túng do lớp người ấy tạo ra.
Ước mong chúng ta, cùng
cố gắng gìn giữ tinh hoa đất nước, truyền thống tốt đẹp dân tộc và nền nếp gia
phong của mình và nhắc nhở con cháu cùng làm cùng giữ như vậy thì chẳng bao giờ
chúng ta bị thoái hóa, không khi nào mất gốc phải không các Bạn?
Bởi cũng chẳng khó
khăn lắm nếu một tuần, một tháng, một quí, hay một năm chúng ta cố gắng xum họp
gia đình lớn, nhỏ, cùng ăn với nhau vài bữa cơm đầm ấm vào dịp lễ này, lễ nọ,
như ở Mỹ thì Thanksgiving, Kito giáo thì lễ Giáng Sinh, người Việt Nam thì phải
biết đến Tết Nguyên Đán…
Mình có một chị bạn còn
có một sáng kiến rất hay, đấy là khuyên khích mọi người trong gia đình lấy phép
năm vào dịp Tết Nguyên Đán để cùng nhau đi lễ Giao Thừa, chúc tụng cảm tạ Thiên
Chúa rồi chúc thọ mừng Xuân ông bà cha mẹ anh chị em và cùng ăn bữa cơm gia
đình. Quá hay và đáng học tập, nhân rộng ra phải không các Bạn, mà cũng chỉ cần
một hai ngày phép thôi!
Thế nên nói“muốn thì có thể làm được tất cả” nghe
có vẻ hơi quá nhưng nếu thêm vào sau câu nói của cha ông:“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
câu“khéo tính toán sắp xếp thì điều gì cũng có thể đâu vào đấy như ý muốn” phải không các Bạn? Vậy đừng buồn phiền, than thở nhăn nhó nữa,
hãy khéo léo thêm một chút nữa đi, chúng ta sẽ có nhiều lần họp mặt gia đình vui
vẻ các Bạn nhé!
Như bà chị
mình nè, đơn sơ, nhút nhát, không con cái, sống ở Mỹ, cũng đi làm, tuy chỉ đủ chi
tiêu bình thường, nhưng năm nào các em, các cháu cũng“phải” đến chúc mừng Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán đấy, bà ấy tài tình
khéo léo quá phải không các Bạn?
Chúc Mừng Năm
Mới Quí Vị và Các Bạn Nhé!
Thân mến,
Duyenky
·
Nhân giỗ đầu chị Maria Catharine Duyên. Kính xin quí vị và các
Bạn cầu nguyện cho chị. Duyenky chân thành cám ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét