Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

MÙA VỌNG: NHỮNG DẤU CHỈ DỌN ĐƯỜNG

MÙA  VỌNG:  NHỮNG  DẤU  CHỈ  DỌN  ĐƯỜNG
(ĐGM GB Bùi Tuần-Tinvui)


M
ùa Vọng là thời gian mong chờ Chúa Cứu thế. Tâm tình mùa Vọng là cầu nguyện, kêu van. Việc đó phải rất chân thành. Ngoài ra, việc làm mùa Vọng còn là bắt chước những việc của các nhân vật quan trọng dọn đường cho Chúa.
Mỗi nhân vật có một việc được đề cao. Có thể coi những việc đó là những dấu chỉ dọn đường cho Chúa đến.
Dưới đây xin kể vắn tắt những việc làm đó.

1. Đức Mẹ Maria đi thăm viếng bà thánh Elisabet
Phúc Âm kể: "Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabet" (Lc 1,39-40).
Từ Nadarét là quê Đức Mẹ đến làng Ain-Karim là quê bà Elisabet, đường xa khoảng 150 kilômét.
Đi bộ phải mất 4 ngày 4 đêm.
Đức Mẹ Maria bấy giờ là một cô gái rất trẻ. Sự thường với sức khoẻ của tuổi ấy, Đức Mẹ không dám lên đường. Nhưng Đức Mẹ đã vội vã khởi hành. Sức mạnh nào đã thúc đẩy Maria? Thưa Chúa Thánh Thần.
Cuộc hành trình có 3 giai đoạn: Xuất hành, qua miền núi như qua sa mạc và tới Đất Hứa. Suốt chuyến đi, Mẹ Maria vừa giữ tâm hồn chiêm niệm, vừa ngắm cảnh, vừa vui vẻ chào hỏi những người mình gặp.
Mẹ mang niềm vui có Chúa trong lòng. Niềm vui của Mẹ là được chia sẻ niềm vui ấy, và thấy niềm vui ấy trong ánh mắt và thái độ nơi những người khác.
Vừa gặp bà Elisabet, Mẹ Maria chào bà. Từ lời chào ấy, bà Elisabet cảm nhận được một niềm vui lạ lùng khôn tả.
Mẹ Maria đã trao tặng bà Elisabet niềm vui cứu độ. Chứng tỏ rằng: điều quan trọng trong bác ái không phải là cho đi, mà là cho đi cái gì. Đức Mẹ ở lại nhà bà Elisabet 3 tháng, để chăm sóc cho bà.
Chia sẻ niềm vui cứu độ và làm các việc bác ái, đó là một dấu chỉ dọn đường cho Chúa.

2. Bà Elisabet cảm nhận được ơn thánh hoá
Phúc Âm kể: "Bà Elisabet vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1,41-42).
Bà Elisabet, khi được ơn Chúa Thánh Thần, đã trở nên con người nhạy bén. Bà cảm thấy những việc thánh hoá Chúa làm, dù những việc đó xảy ra kín đáo. Bà nghiệm được những kỳ công của Chúa, dù những kỳ công đó là do đức tin. Bà nói với Đức Mẹ: "Em thực có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1,45).
Bà nhận ra những ai là kẻ được Chúa chúc phúc. Đó là Đức Mẹ và con của Đức Mẹ, bản thân bà và con của bà. Bà nhận ra một cách chắc chắn với niềm vui sướng hồn nhiên, khiêm tốn, đầy cảm tạ. Từ đó, bà gợi ý cho Đức Mẹ nói lên lời ca tụng chan chứa niềm hy vọng: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi..." (Lc 1,46-55).
Cảm nhận được ơn thánh hoá của Chúa và chúc tụng Chúa, đó là dấu chỉ dọn đường cho Chúa.

3. Ông Dacaria nói về con trẻ Gioan
Phúc Âm kể: Khi làm phép cắt bì cho con trẻ Gioan, ông Dacaria "được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: ... Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao. Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, làm cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội lỗi" (Lc 1,76-77).
Con trẻ Gioan sau này là Gioan Tiền Hô, cũng gọi là Gioan Baotixita. Ngài nổi tiếng về việc hay giảng về tội, như ăn năn tội, chừa tội, rửa tội, đền tội.
Nhưng cũng có một cách khác để nói về việc thánh Gioan dọn đường cho Chúa, đó là Ngài giúp người ta cảm nghiệm được tình Chúa xót thương tha thứ tội lỗi.
Ông Dacaria đã nói về Gioan như một tiên tri về lòng Chúa thứ tha: "Người sẽ cứu độ là tha thứ cho họ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn" (Lc 1,77-78).
Để nếm được ơn tha tội, người ta cần biết mình tội lỗi, mà tội lỗi là cái gì xấu xa tồi tệ. Nhưng khi người ta biết mình và sám hối, Chúa sẽ tha thứ. Thứ tha là niềm vui của Chúa giàu lòng thương xót.
Hơn nữa, Chúa đi tìm người tội lỗi, để tha thứ cho họ. Chỉ cần họ biết đón nhận ơn tha thứ, bằng cách sửa mình và tín thác vào tình yêu Chúa.
Lo việc sám hối và gẫm suy về sự Chúa xót thương tha thứ tội lỗi, đó là dấu chỉ dọn đường cho Chúa.

4. Nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hôm nay
Nhìn vào hiện tình Hội Thánh Việt Nam, chúng ta thấy phong trào đón mừng lễ Chúa Giáng sinh là rất rầm rộ.
Rầm rộ, như làm hang đá, trang trí nhà thờ, gửi thiệp chúc mừng, tặng quà Noel.
Chúng ta rất mừng, vì bên cạnh những tổ chức bề ngoài, vẫn có những dấu chỉ dọn đường như nói ở trên, tức là
  • Chia sẻ Tin Mừng cứu độ và làm việc bác ái dưới nhiều hình thức,
  • Xưng tụng các việc thánh hoá Chúa đã làm,
  • Đón nhận sự tha thứ của lòng thương xót Chúa.
Điều cần quan tâm là, hãy làm hết sức để đi vào chiều sâu khi làm ba việc đó.
Đi vào chiều sâu là thực sự có ơn Chúa Thánh Thần trong mình, khi làm bác ái, khi xưng tụng những việc Chúa thánh hoá, khi nói về sự đón nhận ơn Chúa thứ tha.
Đi vào chiều sâu là thực sự có sự sống Thiên Chúa trong mình, khi thực hiện những việc làm có tính cách là dấu chỉ dọn đường cho Chúa.
Sự khiêm nhường và sự nghèo khó là đặc điểm của tình yêu dâng hiến nơi Đức Mẹ Maria, thánh Elisabet và thánh Gioan Tiền Hô. Các người dọn đường cho Chúa sau này cũng vậy.
Tình hình Hội Thánh Việt Nam hôm nay là rất phức tạp. Chúa đang đến để cứu. Người cứu bằng tình yêu khiêm tốn, tự hạ, quên mình. Người đòi sự cộng tác của Hội Thánh. Nếu chúng ta không tỉnh thức đón nhận Người và cách Người giải cứu, thì hậu quả sẽ là tai hoạ khôn lường. Tuy nhiên, chúng ta tin vào sự khôn ngoan của Hàng Giám mục Việt Nam chúng ta.
Xin thân ái cầu chúc cho nhau một mùa Vọng như lòng Chúa mong ước.
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần 

Cách nói chuyện với con gái về kỳ kinh đầu tiên


Cách  nói  chuyện  với  con  gái  về  kỳ  kinh  đầu  tiên
(Thứ ba, 25/11/2014 – Sức khỏe – VnExpress.net)


 Nếu không được chuẩn bị trước, trẻ có thể vô cùng bối rối, thậm chí sợ hãi khi lần đầu thấy máu. Mẹ nên đề cập với con về chủ đề này từ sớm, một cách từ từ.

Khi con còn nhỏ, bạn nên bắt đầu bằng những chủ đề chung chung, trong khuôn khổ hoạt động bình thường của cơ thể, để bé tiếp nhận dễ dàng hơn. Chẳng hạn có thể nói: “Con biết không, một ngày nào đó cơ thể con sẽ lớn lên và trông như mẹ đây này, ngực con sẽ nhô ra, tại một số chỗ kín đáo sẽ có những sợi lông nhỏ mọc lên. Cơ thể sẽ thay đổi rất nhiều và con sẽ trở thành một phụ nữ trưởng thành".
Hãy trả lời câu hỏi của con bằng những thông tin đơn giản, thực tế, phù hợp với lứa tuổi, không đi vào chi tiết. Chẳng hạn nếu con gái học lớp một vô tình tìm thấy túi băng vệ sinh và hỏi bạn dùng nó để làm gì, hãy giải thích một cách đơn giản: “Mẹ dùng thứ này hàng tháng, khi có kinh nguyệt”, đừng giải thích gì thêm về chu kỳ kinh nguyệt.
Đôi khi con trẻ đặt những câu hỏi mà chúng ta chưa sẵn sàng để trả lời. Tại những thời điểm như vậy, bạn có thể tìm cách hoãn binh: "Câu hỏi hay đấy, để mẹ suy nghĩ về chuyện này và trả lời con sau nhé”. Nhớ là bạn sẽ phải quay lại vấn đề này và đừng nghĩ rằng con sẽ không hỏi lại.
Với trẻ lớn hơn
Khi con lớn hơn, bạn có thể đi vào chi tiết, mô tả kinh nguyệt là gì, lần đầu tiên có kinh sẽ ra sao. Có thể tận dụng các video quảng cáo băng vệ sinh trên TV, hay lần đi cửa hàng mua băng vệ sinh cùng con để bắt đầu trò chuyện về kinh nguyệt.
Có thể chọn cách tiếp cận tự nhiên, dùng kinh nghiệm của mình để bắt đầu cuộc tranh luận: "Con biết không, khi bằng tuổi con, mẹ rất sợ kỳ kinh đầu tiên vì nghĩ chắc sẽ đau lắm. Con có lo lắng về chuyện này không?". Bạn cũng có thể hỏi xem con biết những gì rồi và bắt đầu từ đó.
Có thể sử dụng một cuốn sách hay một cuộn phim làm điểm xuất phát cho những trao đổi giữa mẹ và con nhưng đừng quẳng cho con cuốn sách hay cuộn băng và nghĩ rằng mình đã làm xong bổn phận. Hãy đọc sách hay xem phim cùng con rồi hai mẹ con cùng thảo luận.
Nếu có thể, hãy chọn từ ngữ rõ ràng, chẳng hạn dùng thuật ngữ "âm đạo" thay vì giải thích quanh co về nơi ra máu. Điều này làm giảm bớt cảm giác đây là chủ đề cấm kỵ, đáng xấu hổ, giúp bé cởi mở hơn.
Nhấn mạnh rằng kinh nguyệt là chuyện hoàn toàn bình thường và tự nhiên, đó là một phần của quá trình phát triển của cơ thể và tất cả phụ nữ đều trải qua chuyện ấy. Cần giải thích rằng con có thể mang thai nếu quan hệ tình dục.
Đừng quên các cậu con trai, chúng cũng cần biết về kinh nguyệt. Hãy nói chuyện với con trai giống như cách bạn nói chuyện với con gái về những biến đổi tâm lý đi kèm chu kỳ kinh nguyệt và các lý do sinh học đằng sau chu kỳ kinh. Điều này giúp các bạn trai hiểu được những gì diễn ra với các bạn gái hằng tháng.
Những điều bé gái muốn biết về kỳ kinh đầu tiên
Khi giai đoạn dậy thì tới gần, các bé gái thường hồi hộp vì sắp được trở thành người lớn, nhưng chúng cũng có thể rất lo lắng về kinh nguyệt. Sau đây là gợi ý cách trả lời cho một số vấn đề mà các bé gái thường quan tâm.
Con gái thường có kinh ở độ tuổi nào?
Phần lớn các bạn gái bắt đầu có kinh lúc 11-14 tuổi nhưng nói chung kinh nguyệt xuất hiện trong khoảng 9-16 tuổi đều được coi là bình thường.
Làm sao con biết khi nào mình sắp bắt đầu có kinh?
Thường thì kinh nguyệt sẽ bắt đầu khoảng 2 năm sau khi ngực con bắt đầu phát triển và một năm sau khi có chất tiết màu trắng từ âm đạo. Đa số bé gái bắt đầu phát triển ngực khi 9-10 tuổi. Ngoài ra, sự xuất hiện của lông nách và lông mu cũng là những tín hiệu báo rằng con sắp có kinh, chúng thường xuất hiện 6 tháng trước kỳ kinh đầu tiên.
Con chưa có kinh nhưng quần hay bị dây bẩn bởi dịch màu trắng, điều này có đáng lo không?
Dịch tiết âm đạo là cách để cơ thể giữ cho bộ phận này được sạch sẽ, đó là điều hoàn toàn bình thường, không có gì đáng lo.
Con cần chuẩn bị những gì cho kỳ kinh đầu tiên?
Nên mang theo người băng vệ sinh để khi chuyện đó xảy ra, con không phải cuống quýt đi tìm chúng. Nếu sự cố xảy ra khi con đang ở trường và không có băng vệ sinh bên mình, hãy nói chuyện với cô giáo hay cô y tá của trường để được giúp đỡ. Trường hợp bí quá, con có thể dùng giấy vệ sinh đặt tạm vào trong quần lót.
Nhiều bé gái sợ bị hành kinh khi ở trường hay lúc đi chơi xa. Hãy giúp con chuẩn bị một túi nhỏ đựng vài miếng băng vệ sinh, một chiếc quần lót sạch. Nhắc con luôn giữ túi này khi đi học hay đi chơi. Túi vệ sinh là cách giúp con vượt lên nỗi sợ bị dính máu ra quần hay váy. Nói với con rằng nếu quần lót bị bẩn thì con có thể thay quần mới, bọc quần cũ trong giấy vệ sinh để mang về giặt. Khi gia đình đi chơi xa, bạn cũng có thể mang một túi như thế này bên mình để ứng cứu nếu con gái quên túi vệ sinh của mình.
Kỳ kinh đầu tiên của con kéo dài bao lâu?
Kinh nguyệt có thể kéo dài 3-7 ngày. Kỳ kinh đầu tiên có thể tương đối ngắn vì cơ thể cần thời gian để làm quen và dần đi vào chu kỳ đều đặn.
Bao lâu con sẽ bị hành kinh một lần?
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu ra máu trong tháng này tới ngày đầu ra máu trong tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 ngày nhưng chu kỳ 21- 45 ngày cũng là bình thường. Trong những năm đầu, kinh nguyệt của con thường chưa đều ngay. Có thể phải mất tới 5-6 năm hoặc hơn để chu kỳ kinh nguyệt trở nên đều đặn.
Con có bị mất nhiều máu không?
Khi hành kinh, con sẽ có cảm giác mình bị mất rất nhiều máu, trên thực tế lượng máu đó bằng khoảng 3-5 thìa súp (45-75 ml). Trong những chu kỳ đầu tiên máu thường ra ít và không đều. Máu có thể có màu đỏ, nâu, thậm chí là đen.
Nhỡ máu chảy ra ngoài quần thì sao?
Trở thành phụ nữ là chặng đường dài đối mặt với nhiều rủi ro khó xử. Con có thể che những vết bẩn khi chưa thể thay đồ bằng cách buộc một chiếc áo khoác vòng quanh eo chẳng hạn. Con cũng có thể giữ một chiếc quần dự trữ ở ngăn tủ tại trường hay trong cặp sách, tránh mặc quần hoặc váy sáng màu khi có kinh.
Hành kinh có gây đau bụng, khó chịu không?
Một số bạn gái có thể bị đau bụng dưới, đau lưng và thấy ngực căng ngay trước và trong khi hành kinh. Một số bạn có thể bị chóng mặt, đau đầu hoặc buồn nôn, tiêu chảy. Khi đau bụng đau lưng, con có thể dùng thuốc giảm đau, tập thể dục, chườm nóng ở vùng bụng dưới và lưng dưới. Nếu vẫn đau bụng dữ dội sau khi dùng thuốc giảm đau thì cần đi khám bác sĩ.
Con nên dùng băng vệ sinh hay tampon?
Cả băng vệ sinh và tampon (băng vệ sinh dạng que hình tăm bông) đều an toàn cho các bé gái nhưng băng vệ sinh phù hợp hơn khi con mới bắt đầu hành kinh. Chỉ nên dùng tampon khi con đã quen với chuyện kinh nguyệt. Đa số các bạn gái thường dùng băng vệ sinh cho sinh hoạt hàng ngày và dùng tampon khi chơi thể thao.
Con nên dùng băng vệ sinh thế nào?
Băng vệ sinh được đặt bên trong quần lót. Một số loại băng có "cánh" ở hai bên giúp cố định băng chặt hơn. Con nên thay băng 4-8 giờ một lần, khi băng bị ướt hết hoặc khi con cảm thấy không ổn.
Con nên sử dụng tampon thế nào?
Khi dùng tampon, con nên bắt đầu từ loại có kích thước nhỏ để đánh giá loại nào phù hợp nhất với mình. Thay tampon mỗi 4-8 giờ để tránh rò rỉ và nhiễm trùng, rửa sạch tay trước và sau đi đặt tampon.
Tampon có bị lạc vào trong người con không?
Không, khi con đưa tampon vào trong, nó sẽ nằm lại trong âm đạo. (Có một cửa khác để vào cơ thể là cổ tử cung, ở phía trên của âm đạo, nhưng lỗ này quá nhỏ, tampon không thể đi qua được. Chỉ có máu và tinh trùng có thể đi qua cổ tử cung).
Các tampon đều có một sợi dây ở đầu nằm bên ngoài cơ thể. Con có thể dùng dây này để kéo tampon ra khi con muốn. (Cũng có thể xảy ra chuyện tampon bị tụt vào trong âm đạo, nhưng thường thì con sẽ có thể cảm nhận được tampon và kéo nó ra ngoài).
Lưu ý: Tùy theo lứa tuổi của trẻ mà chọn lời giải thích đơn giản hay chi tiết. Thông tin trong ngoặc dành cho trẻ đủ lớn.
Nếu con quên tháo tampon thì sao?
Nếu con quên tháo tampon - ví dụ vào cuối chu kỳ - thì tampon có thể bị ép chặt vào phần trên của âm đạo, khiến việc kéo tampon ra rất khó khăn. Kể cả nếu tampon bị kẹt bên trong âm đạo, con cũng đừng hoảng sợ. Âm đạo dài khoảng 7,5-10 cm, con hãy dùng các ngón tay để nắm bắt sợi dây hay chính tampon và kéo nó ra ngoài. Nếu không thành công, nên đến bác sĩ.
Con có cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình không?
Việc lập lịch theo dõi hàng tháng có thể giúp con nắm được chu kỳ kinh nguyệt của mình và dự báo kỳ kinh tiếp theo. Đánh dấu X vào ngày đầu hành kinh và những ngày ra máu tiếp theo. Coi dấu X đầu tiên là ngày một, đếm tiếp đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo để biết chu kỳ của mình dài bao nhiêu.
Vào một ngày đẹp trời, nếu nghe con gái thông báo đã bắt đầu ra máu, bạn cần tuyệt đối giữ bình tĩnh. Dù cảm thấy ái ngại vì con mới học lớp 3 đã bắt đầu hành kinh, bề ngoài bạn vẫn nên giữ vẻ bình thản. Kể cả nếu bé là người đầu tiên trong số các bạn gái ở lớp bắt đầu có kinh nguyệt, hãy nói với con rằng cơ thể con biết rõ cần làm điều gì.
Đưa con đi khám bác sĩ nếu:
-  Vô kinh (không có kinh nguyệt): Bé gái dưới 16 tuổi chưa có kinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên cần đưa đi khám nếu con bắt đầu có kinh rồi ngừng lại trong hơn 3 tháng.
-  Ra quá nhiều máu: Máu ra quá nhiều, phải thay băng vệ sinh 1-2 giờ một lần, hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, trẻ thấy đau đầu, chóng mặt, mạch nhanh.
-  Đau bụng dữ dội trong kỳ kinh, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau.
-  Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ dưới 21 ngày hoặc hơn 45 ngày.

Bác sĩ Trần Thu Thủy

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

ÔN LẠI NHỮNG KỶ NIỆM CỦA LỊCH SỬ VĨ ĐẠI

ÔN  LẠI  NHỮNG  KỶ  NIỆM  CỦA  LỊCH  SỬ  VĨ  ĐẠI

CHÚA NHẬT I B MÙA VỌNG
(Is 63:16b-17, 64:1,3-8; 1Cr 1:-9; Mc 13:33-37)
(Bác sĩ Nuyễn Tiến Cảnh, MD-CGVN)

Tuần này, Giáo Hội bắt đầu Năm Phụng vụ là Mùa Vọng. Người Kito hữu chúng ta tuyên xưng đấng Thiên Sai thực sự đang đến và Vương Quyền Thiên Chúa đang ở trong tầm tay.

 MÙA VỌNG LÀ GÌ?
 Vậy Mùa Vọng là gì? Là Hy vọng. Chúa đang đến. Mùa Vọng không làm thay đổi Thiên Chúa. Mùa Vọng làm cho lòng ước muốn của chúng ta trở nên sâu đậm, chờ mong Thiên Chúa thực hiện những điều mà các tiên tri và ngôn sứ đã hứa. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chấp nhận những ước mong của chúng ta, giúp chúng ta cảm nhận thấy lời hứa cứu chuộc đang ở đâu đó quanh chúng ta.
 
Trong khi chờ đợi Chúa đến, Giáo Hội thiết tha mời gọi chúng ta cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, phản ảnh ánh sáng chúa Kito, tức chính chúa Kito. Nhưng quả là khó khăn để phản ảnh ánh sáng chúa Kito, khi mà chúng ta bị mê hoặc bởi cuộc sống trần thế, đã sống quá quen thuộc với những thói hư tật xấu, lẽ tầm thường và sự trống rỗng của thế gian. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta phải sẵn sàng đón gặp Thiên Chúa bất cứ ở đâu và lúc nào trong cuộc sống. Giống như chiếc đồng hồ báo thức, Mùa Vọng đánh thức người Kito hữu đang mê ngủ trong cuộc sống trần gian. 
 
Vậy thì chúng ta phải đợi chờ ai và cái gì trong cuộc sống? Chúng ta phải cầu xin những nhân đức gì/hồng ân gì trong năm nay? Chúng ta mong ước hàn gắn vết thương hay hòa giải, nối lại những sợi dây liên lạc đã bị đứt đoạn hoặc đổ vỡ giữa bạn bè, thân hữu? Giữa những đen tối, buồn phiền và bí ẩn của cuộc đời, chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của chúng là gì? Chúng ta đã sống với lời hứa lúc chịu phép Thanh Tẩy thế nào? Chúng ta tìm kiếm những nhân đức gì của chúa Kito nơi cuộc sống của chúng ta trong mùa Vọng này? Rất nhiều lần, nhiều việc, nhiều nhân đức, ân sủng hay con người mà chúng ta đợi chờ đã cho chúng ta trí thông minh để hiểu biết chúng ta thực sự là ai và ở trong ai. Hãy nói với tôi bạn đang chờ đợi ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai!
 
Mùa Vọng là thời gian mở rộng đôi mắt để nhìn, để có một viễn kiến chính xác và chú tâm giữ lấy cái viễn cảnh về Thiên Chúa hiện diện nơi trần thế và trong chính cuộc sống của chúng ta.
 
Trong bài đọc 1 sách tiên tri Isaiah, Thiên Chúa toàn năng thở hơi thở Hy Vọng vào hồn trí dân Israel, uốn nắm họ thành những hình thù mới tùy theo ý Chúa giống như người thợ gốm nặn đất sét.
 
Trong bài đọc 2 thư gửi cho tín hữu Corinto, Phaolo nhìn về tương lai, “Ngày của Chúa chúng ta” khi đức Giesu tỏ lộ ơn cứu chuộc cho những ai được Người kêu gọi.
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Marco lấy thí dụ người giữ cửa có nhiệm vụ phải tỉnh thức để canh cửa vì ông chủ có thể “bất ngờ trở về” là hình ảnh mà chúng ta chờ mong Chúa, những việc mà chúng ta sẽ làm trong suốt năm, đặc biệt trong mùa Vọng này.
 
Phép Thanh Tẩy mà chúng ta đã chịu chính là một chia sẻ trong sứ mệnh ngôn sứ và vương quyền của đức Giesu. Bất cứ ai chia sẻ sứ mệnh này thì sẽ chia sẻ trách nhiệm, đặc biệt, săn sóc những kẻ đau khổ và khốn cùng. Mùa Vọng là cơ hội tuyệt vời để làm “sống lại” lời cam kết của chúng ta khi chịu phép Thánh Tẩy.
 
HY Joseph Ratzinger, sau này là giáo hoàng Biển Đức XVI có lần đã viết: “Mục đích của năm Giáo Hội là liên tục ôn lại những kỷ niệm của lịch sử vĩ đại, đánh thức ký ức của tâm hồn để nó có thể nhận ra được “Sao Hy Vọng”. Đó là nhiệm vụ tuyệt đẹp của mùa Vọng có chủ đích khơi động trong tâm khảm tất cả chúng ta những kỷ niệm về việc thiện và nhờ vậy có thể mở rộng cánh cửa hy vọng.” 

 
ĐÔI LỜI KẾT
 Mùa Vọng này cho phép chúng ta tự do tranh cãi. Kiến tạo hòa bình. Tìm lại những người bạn đã quên. Bỏ qua những nghi ngờ và thay thế bằng tin tưởng. Hãy viết một bức thư tình. Hãy chia sẻ những gì mình ưa thích. Hãy vui vẻ trả lời dù bạn rất khó có thể làm. Hãy khuyến khích những người bạn trẻ để họ tự tin vào họ. Bạn hãy tỏ ra trung thành trong lời nói và việc làm. Hãy giữ lời hứa. Hãy tìm cho ra thì giờ. Hãy tạo ra thời giờ. Hãy bỏ qua những hận thù. Hãy tha thứ cho kẻ thù. Hãy vui mừng với phép hòa giải. Hãy lắng nghe nhiều hơn nữa. Hãy biết xin lỗi nếu sai lầm. Hãy tử tế ngay cả khi bạn không làm gì sai trái!
 
Hãy cố gắng hiểu biết. Đừng tỵ hiềm. Hãy xem xét những đòi hỏi mà bạn yêu cầu nơi người khác. Hãy nghĩ đến tha nhân trước. Hãy biết mở miệng nói lời cám ơn. Hãy tử tế. Hãy dịu hiền. Hãy cười vui. Hãy tin tưởng. Hãy chiến đấu chống lại gian trá. Đừng tự mãn. Hãy tỏ lòng biết ơn. Hãy đến nhà thờ. Hãy ở lại nhà thờ lâu hơn bình thường. Hãy làm cho con trẻ vui tươi, hồn nhiên. Hãy sung sướng trước vẻ đẹp thiên nhiên và ngỡ ngàng về trái đất. Hãy nói lên tình yêu của bạn. Nói nữa đi và nói thật to.Hãy nói cả trong thầm lặng nữa.
 
Hãy hân hoan, vì Thiên Chúa gần đến!
[1] Cardinal Ratzinger, Seek That Which Is Above (San Francisco: Ignatius press, 1986)

     Fleming Island, Florida
Nov. 27, 2014
NTC
Fxavvy@aol.com

Tác giả:  Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Hãy coi chừng! (Chúa Nhật I mùa Vọng, năm B)


Hãy  coi  chừng!
(Chúa  Nhật  I  mùa  Vọng,  năm B)
(Mon, 24/11/2014 - Trầm Thiên Thu – thanhlinh.net)


 Mùa Vọng khởi đầu Năm Phụng Vụ mới, ngày Tết Phụng Vụ của Giáo hội. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắn: “Hãy coi chừng!”. Đó là lời cảnh báo về điều gì đó nghiêm trọng, đặc biệt là điều có thể nguy hại đến tính mạng. Hằng ngày, chúng ta có rất nhiều tứ phải coi chừng, thậm chí từng phút, từng giây. Coi chừng không chỉ về thể lý mà cả về tinh thần và tâm linh – từ điều lớn tới điều nhỏ. Mọi nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào!

Thật vậy, hãy cẩn thận với suy nghĩ, vì nó có thể biến thành lời nói; hãy cẩn thận với lời nói, vì nó có thể biến thành hành động; hãy cẩn thận với hành động, vì nó có thể biến thành thói quen; hãy cẩn thận với thói quen, vì nó có thể biến thành tính cách; hãy cẩn thận với tích cách, vì nó có thể biến thành số phận. Một chuỗi liên kết rất lô-gích!

Chúng ta biết rằng Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mừng đón Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Việc chuẩn bị này được tìm thấy trong sách ghi chép về Công nghị Saragossa, ở Tây Ban Nha năm 380 (sau Công Nguyên). Công hội này tuyên bố các Kitô hữu đã rửa tội nên có mặt ở nhà thờ từ 17/12 đến 25/12, thời gian này không là Mùa Vọng trọn vẹn nhưng là một sự khởi đầu. Các Giáo hội Đông phương bắt đầu cử hành Mùa Vọng từ thế kỷ VIII như thời gian “ăn chay nghiêm nhặt và kiêng khem” – việc thực hành này vẫn phổ biến trong Chính Thống giáo Đông phương (Eastern Orthodoxy). Việc thực hành này cũng phản ánh tính tương tự với Mùa Chay. Màu đỏ là màu phụng vụ của Mùa Vọng trong các Giáo hội Đông phương, còn với Công giáo là màu tím.

Cả cuộc đời chúng ta trên đường lữ hành trần gian là Mùa Vọng kéo dài, luôn phải tỉnh thức, như Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Tỉnh thức là biết mong chờ và sẵn sàng. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Hồn tôi trông đợi Chúa Trời, còn hơn lính gác mong trời hừng đông. Bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (Tv 130:6-7).

Trong cuộc sống đời thường, kể cả tinh thần, chúng ta luôn có nhiều mơ ước, và mong chờ kết quả mỹ mãn. Dù chúng ta có đạt được ước vọng cháy bỏng nào đó, rồi cũng qua. Chỉ có Thiên Chúa mới là niềm vui trọn vẹn và vĩnh cửu. Ngôn sứ Isaia đã kêu lên: “Quả chính Ngài là Cha chúng con! Chúng con không được ông Áp-ra-ham biết đến, không được ông Ít-ra-en nhìn nhận, còn Ngài, lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại” (Is 63:16-17).

Hai người yêu nhau không muốn xa nhau một khoảnh khắc nào, xa nhau một ngày mà cứ tưởng lâu lắm. Đứa bé không muốn rời tay mẹ dù chỉ trong chốc lát, vắng mẹ một lúc thì đứa bé đã khóc. Còn với Thiên Chúa, chúng ta còn cần Ngài hơn như vậy, nhất là những khi chúng ta bất xứng: “Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63:19).

Thiên Chúa xuất hiện khiến mọi thứ biến đổi: “Khi thấy Ngài làm những điều kinh hồn táng đởm mà chúng con không ngờ: Ngài ngự xuống: và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan! Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình” (Is 64:2-3). Thiên Chúa quá đỗi kỳ diệu, vô hình mà hiện hữu, hữu hình mà không thể nhìn thấy. Cách hành động của Ngài cũng không thể dự đoán. Có những điều trái ngược ý muốn của chúng ta nhưng thực sự là Ý Chúa, vì Ngài biết trước mọi sự và Ngài thực hiện để cho chúng ta được ích lợi nhất.

Sách Isaia cho biết: “Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy. Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con, nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát. Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi. Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài, vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con” (Is 64:2-6). Thiên Chúa có phương pháp giáo dục rất độc đáo, khác hẳn kiểu của phàm nhân. Ngài không chỉ vẽ cặn kẽ theo kiểu “nói toạc móng heo”, nhưng khéo léo làm cho chúng ta “sáng mắt” bằng cách để chúng ta tự ý thức mà tự nguyện đón nhận Ngài. Thế đấy! Tại sao? Kinh Thánh mách nước cho chúng ta biết: “Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64:2-7). Quả thật, Thiên Chúa là Nghệ Sĩ siêu phi thường!

Chắc chắn không có niềm khao khát mong chờ bằng khao khát Thiên Chúa. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về niềm khao khát cháy bỏng: “Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe! Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá, xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im, Ben-gia-min và Mơ-na-se được thấy. Xin khơi dậy uy dũng của Ngài, đến cùng chúng con và thương cứu độ” (Tv 80:2-3).

Thiên Chúa là Đấng siêu phàm, vắng Ngài chỉ trong tích tắc là chúng ta tiêu tan ngay: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên” (Tv 104:29-30). Biết chắc như vậy, tác giả Thánh Vịnh luôn mong chờ Thiên Chúa đến và luôn tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh” (Tv 80:15-16).

Cá lớn nuốt cá bé, cuộc đời cũng luôn có những điều bất công, chỉ khổ cho những người ngước đầu không nổi vì thấp cổ, la lớn không nổi vì bé miệng, có la khàn giọng cũng chẳng ai thèm nghe. Không chỉ vậy, họ còn bị những người có quyền lực đè đầu, bóp cổ và bịt miệng. Họ bị tước mất quyền căn bản nhất của con người: Quyền sống. Và họ chỉ còn biết trông cậy vào Thiên Chúa: “Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu là con người được Chúa ban sức mạnh. Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài” (Tv 80:18-19).

Chúng ta cũng đã từng bị như vậy, cách này hoặc cách khác, cả đời lẫn đạo. Đặc biệt là chúng ta bị thế lực bóng tối ma quỷ chèn ép. Thánh Phaolô bày tỏ với cộng đoàn Côrintô: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1:3-4).

Thánh Phaolô không chỉ nói đến khoảng mong chờ của Mùa Vọng, mà mạnh mẽ đề cập cuộc tái lâm của Thiên Vương Giêsu Kitô: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:6-9).

Ngày đó không ai biết lúc nào, thuộc tương lai xa hay gần, vì thế mà chúng ta phải luôn canh thức và trông mong, tức là phải luôn “coi chừng” – coi chừng tiên tri giả, coi chừng những kẻ lừa bịp, coi chừng những tà thuyết, coi chừng những kẻ phản Kitô, coi chừng các tin đồn nhảm, cẩn thận với các “sự lạ”,… Đúng như tiền nhân nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Đồng thời chúng ta phải quyết tâm: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, tôi đây vẫn vững như kiềng ba chân”. Hãy vững tin vào những điều Chúa Giêsu đã dạy!

Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mác-cô ngắn gọn nhưng súc tích. Chúa Giêsu mạnh mẽ cảnh báo:“Anh em phải coi chừngphải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13:33). Ngài dùng hình ảnh cụ thể đời thường: “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (Mc 13:34). Rồi Ngài căn dặn: “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mc 13:35-37).

Chỉ một đoạn văn ngắn mà có tới 4 từ “canh thức”, một từ “coi chừng” và một từ “tỉnh thức”. Tất cả đều ở thể mệnh lệnh cách: PHẢI. Điều đó cho thấy sự cấp bách của việc tỉnh thức mong chờ Đức Giêsu Kitô. Lá vàng hoặc xanh cũng có thể rụng bất cứ lúc nào. Thời gian rụng cũng không ai biết: Sáng sớm, trưa, chiều, tối, khuya hoặc nửa đêm về sáng. Thực tế này quá rõ ràng, ai cũng biết.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết tỉnh thức mà mong chờ Ngài đến bất cứ lúc nào. Xin canh giữ chúng con trước mọi mánh khóe của cuộc đời này. Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa, xin mau đến giải thoát chúng con. Người là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Giao thừa Xuân Cứu Độ – 2015

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Nov 30, 2014 - Chúa nhật thứ I Mùa Vọng năm B

Nov  30,  2014 - Chúa  nhật  thứ  I  Mùa  Vọng   năm  B
Sứ  điệp  đầu  tiên  của  Đấng  Cứu  Thế 




Các Bạn thân mến,
Lễ Thanksgiving kết hởp với mừng lễ các Thánh Tử Đạo Viet Nam nên thuận lợi và vui vẻ thoải mái phải không các Bạn? Nhắc nhở chúng ta cảm tạ cha ông đã anh dũng bảo vệ đức tin bằng muôn ngàn cực hình để rao truyền Tin Mừng cho con cháu nối bước. Sau này được cùng vui mừng với các Ngài trên Nước Trời. Lại có thêm một cuối tuần nghỉ dài dịp cuối năm cho chúng ta họp mặt gia đình, bạn bè và mua sắm hàng hạ gía, đại hạ giá; thế là thêm một chuyện để chúng ta tạ ơn! Đúng là con người luôn nặng trĩu những ân huệ cần phải trả. Mong sao chúng ta đừng bao giờ quên những điều tốt lành đã nhận được. Đừng như chín người cùi trong Tin Mừng thánh Luca khi được Đức Giesu chữa lành bệnh rồi đi thẳng, chẳng một lời cảm tạ Thiên Chúa, cảm ơn Người chữa lành bệnh nan y cho mình. Thế ra tới chín chục phần trăm con người không biết cảm tạ tri ân là gì! Tệ qúa nhỉ? Nhưng còn con người ngày nay thì sao? Nói lời cám ơn thì tỉ lệ chắc rất cao, vì quá dễ dàng, nói là xong ngay, không vướng bận gì nữa! Còn cám ơn bằng hành động thiết thực với Chúa, với cha mẹ, với những ân nhân thì tỉ lệ có hơn những người cùi năm xưa không? Đừng như chín anh cùi, vì không chỉ những may lành, mà còn cả những bất hạnh đã nhận, cũng đều là hồng ân để cảm tạ, vì không có gì ngòai thánh ý Chúa!
Về Phụng vụ, chúa nhật này chúng ta bước vào chu kỳ Phụng vụ năm 2015 với các bài đọc của năm B của thánh Marco
Năm 2014 cũng đang đi dần tới ngày cùng tháng tận. Thời điểm luôn có nhiều vấn đề làm con người trăn trở ray rứt. Vì là cái mốc quan trọng cho mọi người, dù giàu, nghèo, vui, buồn, thành đạt hay thất bại...có cơ hội nhìn lại cuộc sống, công việc với những gì đã qua, để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, bù đắp trang trải, và để đón nhận thửơng phạt...cũng như hoạch định cho một năm tương lai rất gần sẽ đến. Nhưng lo lắng khó khăn nặng nề hơn vẫn là những kẻ bất hạnh, bất ổn!
Cái bất hạnh và bất ổn có khi khách quan, nhưng nhiều lúc vẫn là do chủ quan của chúng ta. Vì thường tình người nào biết nhìn xa trông rộng, biết làm chủ mình, biết sống và làm việc có kế hoạch, biết nhạy bén với hoàn cảnh, cơ hội, thời gian thì tỉ lệ thành công chắc chắn cao, phải hơn hẳn những người chỉ rong chơi, mê muội, thiếu thức tỉnh, không lo xa trước về một cuộc đời gần như không thể nào biết trước.
 Vì vậy Giáo Hội mở đầu năm phụng vụ bằng chúa nhật thứ I Mùa Vọng, với ý nghĩa:“Mùa Vọng có hai đặc tính, vì là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong đó kính nhớ việc con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông chờ chúa Kito đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do, mùa Vọng được coi như mùa sốt sáng và hân hoan.”( AC 39)
1.    Chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh:
-         Dù bây giờ chỉ là kỷ niệm kính nhớ Con Thiên Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất, nhưng Giáo Hội vẫn để 4 tuần lễ cho chúng ta chuẩn bị chu đáo, và mong đợi vì:
     .  Chúng ta luôn cần Chúa, cần tình thương và ơn cứu độ của Ngài.
     .  Ngài "là đường, là sự thật và là sự sống", những điều quan trọng cần thiết cho cuộc đời lưu lạc trần gian của chúng ta.
-         Nên dù Ðấng Messia đã đến. Nhưng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi, chờ cho sự công chính được hoàn thành nơi bản thân mình. Vì Ðức Giêsu nói "Phúc cho ai đói khát điều công chính". Ðói khát điều công chính và chờ đợi công chính thực hiện chính là tám mối phúc.
-         Những giây phút chờ đợi là thời gian căng thẳng nhất, nhưng cũng có ý nghĩa nhất: Những người yêu nhau chờ tới ngày cưới, cha mẹ chờ đứa con ra đời, gia đình chờ một người thân trở về, người lao động chờ công việc mình sinh kết quả tốt...
-         Trong cuộc sống người ta luôn chờ đợi một cái gì đó. Khi không còn chờ gì nữa, không còn mong gì nữa thì cuộc đời kể như sắp chết.
-          Chờ đợi cách chủ động, tích cực tẩy rửa bợn nhơ, tì vết xấu, để chuẩn bị tâm hồn trong sạch, nồng nhiệt đón Chúa tới thăm, ở lại cách sâu đậm và sống mãi nơi chúng ta.
-         Mở rộng tâm lòng với mọi người để tha thứ, đón tiếp, đòan kết, kêu mời, hợp thông chuẩn bị cùng mời Chúa tái sinh trong chúng ta.
-         Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin thì “tất cả là hồng ân", nhìn nơi nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc Chúa đến viếng thăm cách thiêng liêng trong tam hồn chúng ta.
2. Chúa đến trong lần tận thế:
-   Đây là lần thứ hai chắc chắn Chúa sẽ đến cách cụ thể, trực tiếp với loài người, với mỗi cá nhân, là lần cuối cùng, quan trọng và có tính quyết định nhất.
-  Tin Mừng tuần này với lời kêu gọi của chính Ngôi Hai Giáng Trần và cũng là Đấng Cứu Thế:“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến...”
-  Những lời lẽ đó không chỉ được lập đi lập lại trong Mùa Vọng, mà còn xuyên suốt cả cuộc đời của Tín Hữu chúng ta để chờ Đấng quang lâm.
-  Đây là sứ điệp mà những bài đọc hôm nay muốn nhắn nhủ chúng ta. Sứ điệp đó là chính Đức Giêsu, Đấng đã sống ở trần gian cách đây hơn hai ngàn năm, sẽ trở lại vào ngày tận thế đúng lúc chúng ta không ngờ. Khi Ngài trở lại, Ngài sẽ xét xử từng cá nhân về cách thức hoàn thành công việc mà Ngài đã giao cho chúng ta làm.
-  Nhưng Đức Giesu lại công khai nói rằng chính Ngài cũng không biết ngày giờ Ngài sẽ đến lần thứ hai. Thế nhưng con người, là tạo vật yếu đuối, mà đôi khi lại muốn tính toán ngày giờ cho việc của Thiên Chúa, muốn truy tầm, tra vấn những điều mà chính Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa cũng sẵn lòng vâng phục, trao trọn vào tay Chúa Cha, mà không thắc mắc, không cần tìm biết.
-  Nếu ai thường sống thơ ơ lãnh đạm với Thiên Chúa, thiếu tỉnh thức, coi thường giáo luật, chẳng cần tâm linh, bất cẩn về tham sân si, thì chắc chắn phải lo âu, buồn phiền, sợ hãi khi đứng trước mặt Đáng công chính thánh thiện.
-  Vì vậy Mùa vọng là dịp để chúng ta sống đậm đà tình con thảo hiếu với Thiên Chúa, cùng nhắc lòng tin cậy phó thác, vì Chúa là Cha nhân từ, sẵn lòng tha thứ và an ủi nâng đỡ chúng ta.
-  Dù Ngài đến như kẻ trộm, cũng không lo lắng, chỉ cần biết chắc chắn rằng lịch sử mọi loài mọi vật trong cuộc đời này sẽ phải đi tới một điểm nào đó, phải có kết thúc xẩy ra.
-  Điều ấy có nghĩa như trong mọi sự, mà quên Thiên Chúa hoặc không màng gì đến Ngài thì thật là một việc làm điên dại tột cùng.
 -  Sự tận cùng của mỗi con người không chỉ là ý thức của chúng ta, mà Đức Giesu, vì tình thương, không muốn một ai phải hư đi nên đã nhắc nhở, khuyên răn, cảnh cáo rất nhiều lần, rất cụ thể với nhiều dụ ngôn đa dạng, sống động, được rút ra từ thực tiễn của đời sống.
-  Để nhắc nhở chúng ta rằng mọi người đang sống trong cái bóng của cõi đời đời. Không có lý do gì để sợ hãi hoặc nóng lòng sốt ruột chờ trông. Mà cần làm tròn phận của mình mỗi ngày. Với ý thức tin tưởng, phó thác, sống lành mạnh, an tâm chờ đợi việc trở lại của Ngài lúc nào cũng như một việc bình thường phải đến.
-  Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta nhiệm vụ quan trọng là mỗi ngày phải làm việc thích hợp để Ngài xem xét. Những việc ấy được làm trong thời gian nhất định mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, tùy khả năng.
-  Nếu có cuộc sống ngay lành công chính, và luôn sáng suốt tỉnh thức thì chẳng lo lắng chi khi phải hiện diện lần cuối cùng trước sự uy nghi của Thiên Chúa.
-  Nhưng có một sự thực, đó là nếu chúng ta không thường gặp Chúa trong cuộc sống, thì chúng ta cũng sẽ không thể gặp Ngài vào giây phút cuối cuộc đời mình.
3. Để thức tỉnh, sẵn sàng:
-  Nhiều lúc cô đơn, khổ đau, chúng ta có cảm tưởng như Thiên Chúa vắng bóng. Thật ra Ngài vẫn luôn hiện diện bên cạnh, nâng đỡ chúng ta trong âm thầm, nhưng không hoặc chưa hành động theo nguyện vọng của chúng ta mà thôi.
Giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy sống tin cậy, phó thác và tỉnh thức ngóng đợi để không bị lỡ mất cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa.
-  Chờ đợi bằng cách tỉnh thức, cầu nguyện và biết chuẩn bị những gì cần cho bản thân mình, cả trong hiện tại và tương lai, biết sắp xếp, biết lo liệu, biết nhận định đúng đắn, đúng sự việc và làm việc không ngừng để chăm sóc căn nhà tinh thần mà Thiên Chúa trao ban, sẽ trở nên công trạng của riêng mình để xứng đáng lãnh công của Ngài. 
-  Không có thời điểm nào trong một ngày của đời người cho phép chúng ta cái cảm giác nghỉ ngơi hay lười biếng, bởi sự nghỉ ngơi hay lười biếng được coi như thời gian xa Chúa và có nguy cơ đánh mất Ngài!
-  Vì vậy phải luôn sẵn sàng và ngóng đợi để gặp được Thiên Chúa vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu mà Ngài xuất hiện.    
-  Luôn tích cực tìm kiếm Chúa trong cuộc sống, bằng các phương thế thích hợp: cầu nguyện, đọc, nghe, suy niệm và thực thi Lời Chúa bằng cách làm những việc tốt lành thánh thiện và hữu ích cho bản thân mình tha nhân.
-  Chúng ta phải dùng cả tinh thần và vật chất để cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, tiếp đón khách đến nhà, làm việc cho hoà bình, và yêu thương nhau bởi Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.
-  Từ bỏ những thứ làm cản trở cuộc gặp giữa Thiên Chúa và bản thân, những thói quen xấu, những đam mê mù quáng, những ước muốn chiếm đoạt quanh co, những thiếu sót. Cũng có nghĩa là sắp sẵn cho mình một hành trang nhẹ nhàng, thanh thoát.   
Sự tỉnh thức gợi lên một tương quan thân tình. Như gia nhân rất mong đợi giây phút người Chủ thân yêu mình trở về.
-  Ý thức được mục đích đời sống mình là đáng sống, xứng đáng là con Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài. Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn sống với Đấng ban ơn, như tạo vật sống với Đấng Tạo Hóa, như môn đệ sống với Thầy, như gia nhân, đầy tớ ngóng đợi chủ của mình trở về, sẽ làm chúng ta thanh thoát, tránh được mọi gánh nặng.
-  Không phải chỉ tôn trọng người khác, tránh gây tổn thương, bất lợi cho tha nhân mà tự nhiên trở nên người công chính, vô tội; mà phải có ơn Chúa, phải tự trao dồi rèn luyện đạo hạnh, phải ước muốn luôn hoàn thiện, phải mong ước luôn gắn liền với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo Hội.
 -  Chúa còn hỏi về những điều chúng ta thiếu sót, những điều nhẹ nhàng chúng ta không làm cho anh em. Là những điều xưa nay chúng ta thường lãng quên, có khi coi thường.
 -  Cũng cần phân biệt thức tỉnh với ngủ quên, mê mải, miệt mài, hay bị cuốn hút vào công việc vào vấn đề nào đó khiến chúng ta quên dần những điều cần phải nhớ, cần phải làm.
 -  Mà có thể tất cả những điều tốt lành làm chúng ta say mê trong cuộc sống trần gian này cũng có thể giảm dần tỉnh thức, chần chừ, bỏ quên, hay lơ là bổn phận cần làm cho mình và anh em.
 -  Vì thế cả những điều chính đáng như danh dự, lợi lộc, quyền lực, khả năng, sở thích, công ăn việc làm, các việc đạo đức...cũng có thể ru ngủ chúng ta cách dễ dàng êm ái.
 -  Khi đó chúng ta có thể quên bổn phận hay chậm trễ, ngại ngùng làm cho mình và mọi người trở nên tốt lành, hạnh phúc hơn.
 -  Thậm chí không dám công khai bênh vực người yếu đuối, kẻ nghèo khổ, oan nghiệt; không dám lên tiếng trước quyền bính, áp lực xấu, bất công, sai trái, sự thật... 
-  Tóm lại thái đsống cthể là sống hướng về ngày Chúa đến, có thể được diễn tả:
       * Tương đối hóa hiện tại: ý thức rõ ràng mọi giá trị ở đời này là những điều tốt lành mà chúng ta phải cố gắng thực hiện theo thánh ý của Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình, nhưng đó chưa phải là những cái tuyệt đối đáng coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái lại, chúng ta chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích thực của đời chúng ta. Thái độ sống này làm cho chúng ta nên khôn ngoan, sáng suốt, chừng mực và tự do.
      * Phải cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình và chung quanh mình, trong gia đình, trong xã hội. Đ dọn đường cho Chúa ngự đến.
      * Phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung, hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng để hoàn thành công việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào.

Lay Chua, xin ban cho chúng con sức mạnh, để khi gặp khó khăn rắc rối chúng con không lo âu, buồn phiền, sợ hãi những vất vả chồng chất của cuộc đời, với tương lai mù mịt cùng những toan tính riêng khiến chúng con muốn bỏ cuộc.
Xin ban cho chúng con tình yêu của Ngài, để chúng con luôn biết tỉnh thức, chuẩn bị sẵn sàng và mong mỏi gặp gỡ đón mừng Ngài.
Xin ban cho chúng con tâm trí và đôi mắt khôn ngoan sáng suốt, để tránh những cạm bẫy cám dỗ làm chúng con u mê, đen tối, khờ dại chạy theo mọi thứ của cải, chức quyền, danh vọng, lạc thú và tình yêu của thế gian. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duyenky