Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Khôn ngoan và Tỉnh thức

Khôn  ngoan  và  Tỉnh  thức
(Chúa Nhật XXXII TN, năm A)
(Mon, 03/11/2014 - TRẦM THIÊN THU – Thanhlinh.net)


Khôn ngoan là một nhân đức cần thiết trong cuộc sống. Người khôn ngoan là người biết tiên liệu và dự phòng mọi thứ có xảy ra bất ngờ. Khôn ngoan không có nghĩa là học cao, vì có cả một bụng chữ cũng chưa chắc khôn ngoan. Người không học nhiều nhưng vẫn có thể khôn ngoan. Sống lâu cũng chưa chắc khôn ngoan hơn người ít tuổi. Menander (342-291 trước công nguyên) xác định: “Tóc bạc không sinh ra sự khôn ngoan”.
Sự khôn ngoan là một nhân đức liên quan sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức hoặc sự cảnh giác rất cần thiết. William Arthur Ward (1921-1994, Hoa Kỳ) so sánh: “Khắc ghi một sự thật lớn lao vào trí nhớ là đáng nể, nhưng khắc ghi sự thật đó vào đời mình mới là khôn ngoan”. Sách Giảng Viên cho biết: “Người khôn biết mở mắt nhìn, kẻ dại bước đi trong tăm tối” (Gv 2:14).
Trước khi có thể đạt được quyền lực, chúng ta phải đạt được sự khôn ngoan để có thể dùng tốt quyền lực đó, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Vua Salômôn thực sự khôn ngoan khi xin Chúa ban cho được khôn ngoan và hiểu biết để lãnh đạo dân. Và rồi ông đã có mọi thứ, vì điều ông xin đã làm Thiên Chúa hài lòng: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp. Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3:11-13; 1 Sbn 1:11-12).

KHÔN NGOAN
Sự khôn ngoan vô cùng cần thiết: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà” (Kn 6:12-14).
Hãy thử suy nghĩ vài “điều nhỏ” này: (1) Nếu chỉ biết sáng xách ô đi, chiều xách ô về, ăn uống, xem ti vi, rồi ngủ, thế thì người đó chẳng khác gì loài động vật; (2) Nếu bạn chỉ có ý định ăn cắp một cái gì đó của người khác thì đó cũng là lúc đen tối nhất của cuộc đời rồi; (3) Người thầy mà không dạy cho học trò biết ham muốn học tập thì đó là người thầy tồi; (4) Học trò mà không biết lắng nghe thầy cô giảng bài thì đó là học trò ngu dốt, không có trách nhiệm với chính bản thân mình, chẳng hy vọng gì mai sau; (5) Người nóng vội, bộp chộp, động thái đó ảnh hưởng xấu tới cả tinh thần lẫn thể lý, ảnh hưởng xấu tới cả những người xung quanh, xét về phương diện tinh thần thì người đó không hơn gì một con chó giữ nhà; (6) Sống mà không có ước mơ, luôn than phiền, người đó chẳng khác loài tầm gửi, chỉ biết bám víu vào cây khác để hút nhựa sống, hoặc như loài đỉa hút máu người khác để sống. Và còn nhiều điều khác tương tự như vậy. Đó là ích kỷ, chỉ biết yêu mình, không sáng suốt và không khôn ngoan!
Sự Khôn ngoan rất tuyệt vời. Người khôn ngoan là người sâu sắc, nói ít, nghe nhiều, trầm lặng để thấm nhuần đức khôn ngoan vào máu thịt: “Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn toàn hảo. Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu. Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ” (Kn 6:15-16). Ở đây không là sự khôn ngoan của phàm nhân mà là sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa.
Người khôn ngoan biết tìm kiếm những thứ bền vững, không hư hỏng, dù cho họ có thể bị coi là “điên rồ” trong tầm nhìn của loài người. Nhưng điều trường cửu đó là điều thuộc về Thiên Chúa. Hằng ngày họ cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài” (Tv 63:2-3).
Người khôn ngoan là người chuyên tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và họ có được Thiên Chúa. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm và chia sẻ: “Ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca. Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ với Ngài. Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui” (Tv 63:8).
Thiếu khôn ngoan, người ta sẽ khắc khoải, bất an và nuối tiếc. Người ta trở nên bình an thư thái khi được ơn Chúa tác động. Đó là dạng “giác ngộ” theo thuyết nhà Phật. Lúc về già, thi sĩ Bùi Giáng sống như người mất trí, ông lang thang khắp nơi với phong cách rất “bụi”. Ông đã từng than thở:
                                     Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật
                                    Thế cho nên tất bật đến bây giờ!
Trong thi phẩm “Dại Khôn”, thi sĩ Trần Tế Xương nhận định:
                                    Thế sự đua nhau nói dại khôn
                                     Biết ai là dại, biết ai khôn
Chẳng biết ai dại, ai khôn. Chúng ta tưởng người khôn mà hóa ra người dại, chúng ta tưởng người dại mà hóa ra người khôn: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” (1 Cr 1:25). Nhưng khôn ngoan nhất là đây: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111:10). Làm người sống ở đời, chẳng ai biết ngày mai trời mưa hay nắng, cũng không thể biết cuộc đời mình ra sao, vì thế mà luôn cần tỉnh thức. Người khôn ngoan là người luôn biết tỉnh thức!

TỈNH THỨC
Thiên Chúa đã cảnh báo mỗi người chúng ta: “Nếu ngươi không tỉnh thức thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi” (Kh 3:3). Bão lũ, lụt lội, giông tố, động đất, sóng thần,... không ai biết lúc nào, dự báo thời tiết cũng chỉ là dự đoán, không thể biết chắc thời điểm nào. Ngay giữa lòng thành phố Saigon mà có nhà tự dưng sụp hố làm lọt xe và người xuống. Ai có thể dự đoán? Chắc chắn là “bó tay” thôi!
Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Ngài luôn hiện hữu trong mọi biến cố lịch sử của cuộc đời mỗi người. Danh nhân thông thái Rabindranath Tagore (Rabīndranātha Thākura, 1941-1961, Ấn Độ) đã cảm nhận sâu sắc về Đấng Toàn Năng: “Bạn không nghe thấy bước chân Người thầm lặng đó sao? Người tới và luôn luôn thường tới. Người tới và luôn luôn thường tới hằng giờ, hằng đêm, hằng ngày, hằng thời đại,… Người tới và luôn luôn thường tới qua lối đi nho nhỏ trong rừng, vào những ngày Xuân đượm nắng ngạt ngào. Người tới và luôn luôn thường tới trên xe mây ầm ầm tiếng sấm, vào những đêm Thu mưa ướt tối mù. Bước chân Người đã giẫm lên tim tôi đang ôm nặng những nỗi buồn dai dẳng. Khi niềm vui trong tôi ngời sáng, ấy là do chân Người vàng óng chạm vào. Tư tưởng của R. Tagore rất gần với Công giáo, đặc biệt là tập thơ “Lời Dâng” (Gitanjali), với bút danh Bhānusiṃha (Sư Tử Thái Dương).
Tương tự, tác giả Thánh Vịnh cũng thân thưa: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:1-5). Thật vậy, đến từng sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được Thiên Chúa đếm cả rồi (Mt 10:30; Lc 12:7).
Sợi tóc chẳng là gì mà Thiên Chúa còn quan phòng, huống chi chuyện sinh – tử, liên quan mạng sống của con người. Thánh Phaolô cho biết: “Về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4:13-14).
Sống ở đời, người ta không chỉ đi bằng đôi chân, mà quan trọng hơn, đó là phải đi bằng cái đầu. Cũng vậy, sống không chỉ cần lương thực nuôi sống thân xác, mà quan trọng hơn, đó là phải cần lương thực nuôi sống tinh thần và linh hồn. Kitô hữu cần cả Thánh Thể và Lời Chúa.
Thánh Phaolô giải thích: “Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1 Tx 4:15-18). Qua đó, chúng ta biết chắc chắn thời đại của chúng ta là thời cánh chung, nhưng không biết chúng ta có được diễm phúc chứng kiến thời điểm lịch sử vĩ đại nhất hay không.
Vì không biết nên chúng ta mới phải tỉnh thức, và không ngừng sống trong tình trạng tỉnh thức, nghĩa là phải sống yêu thương đến từng chi tiết: “Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy, vì công việc họ làm. Hãy sống hoà thuận với nhau. Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người” (1 Tx 5:13-14).
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ” (Mt 25:1-13), nêu rõ vấn đề “tỉnh thức”. Đây là một trong các dụ ngôn “quen thuộc”, đặc biệt nói về thời điểm cánh chung, nói chi tiết là liên quan ngày tận thế riêng của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Các cô khôn mang đèn và mang chai dầu dự trữ. Vì chú rể đến chậm, nên các cô ngủ thiếp. Nửa đêm, có tiếng báo “chú rể đến”. Bấy giờ, tất cả các cô đều thức dậy và sửa soạn đèn.
Tuy nhiên, đèn của năm cô dại cạn dầu, không đủ sáng. Họ xin dầu các cô khôn. Năm cô khôn không dám vì không thể đủ dầu thắp đèn sáng cho mình và cho người khác, thế nên họ bảo năm cô dại ra hàng mà mua dầu. Đang lúc năm cô dại đi mua dầu thì chú rể tới, năm cô khôn đã sẵn sàng nên được đi theo chú rể vào phòng dự tiệc cưới. Sau đó, cửa liền đóng lại.
Ngay lúc đó, năm cô dại về đến nơi và gọi cửa. Nhưng chú rể bảo: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”. Thế là xong! Vì thế, Chúa Giêsu vừa căn dặn vừa cảnh báo: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.
Ai khôn, ai dại thì đã rõ, không còn mơ hồ hoặc phỏng đoán. Người mà chúng ta tưởng là khôn lại chỉ là người dại, người mà chúng ta tưởng là dại lại chính là người khôn. Cũng trong thi phẩm “Dại Khôn”, thi sĩ Trần Tế Xương đã “ngộ” ra và kết luận:
                                        Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Ai nên khôn mà không khốn một lần? Đau khổ càng nhiều thì kinh nghiệm càng dày. Ngay cả trong lĩnh vực tinh thần hoặc tâm linh, chúng ta thấy tuyết tương đối của Bác học Einstein vẫn đúng. Kỳ diệu thật! Tất nhiên chính Thiên Chúa đã tác động để ông khả dĩ thấu hiểu quy luật tự nhiên và đưa ra định luật như vậy.

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, xin dạy chúng con thấu triệt lẽ khôn ngoan (Tv 51:8). xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan (Tv 90:12). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét