LẮNG NGHE NGƯỜI
ĐÃ CHẾT
(Thứ ba - 04/11/2014 - ĐGM GB Bùi Tuần - tinvui@dmin)
1.
Tháng
11, tôi nhớ tới những người đã qua đời một cách đặc biệt. Tôi cầu nguyện cho họ.
Tôi cầu xin với họ. Tôi hỏi họ. Tôi lắng nghe họ. Điều mà mọi người thân của
tôi đã qua đời, đều nhắc nhở và nhấn mạnh, đó là hãy luôn phấn đấu thuộc về
Chúa, và làm điều Chúa muốn. Khi tôi thực hiện sự từ bỏ mình và chấp nhận sự sai đi như thế,
tôi thấy mình phải hy sinh rất nhiều, nhưng hy sinh đó đem lại niềm vui sâu xa.
Tôi xin đón nhận lời khuyên trên đây một cách hân hoan. Tôi tin
những người thân của tôi đang sống ở cõi đời bên kia đã trao cho tôi một kinh
nghiệm quý báu. Tôi coi đó là con đường chắc chắn dẫn tôi về bên Chúa, sau khi
tôi chết.
2.
Tôi phấn đấu thuộc về Chúa và làm điều Chúa muốn một cách đơn sơ,
như Phúc Âm dạy. Tôi nghĩ là sẽ chưa đủ, nếu tôi thiếu sự nâng đỡ của người
khác. Vì thế, mà hôm nay tôi xin chia sẻ, với mục đích xin được đỡ nâng.
Trước hết, xin nói về những
việc tôi quen làm, để thuộc về Chúa.
3. Việc đầu tiên và căn bản, chính là việc cầu nguyện.
Cầu nguyện, đối với tôi, là thở. Tôi cầu nguyện luôn luôn, để đón
nhận Chúa vào lòng tôi. Tôi cầu nguyện luôn luôn, để sẵn sàng ra đi, bất cứ lúc
nào Chúa gọi. Tôi cầu nguyện luôn luôn, để có thể làm tốt bổn phận.
Bổn phận của tôi là làm chứng cho đức tin qua đức ái. Bổn phận đó
phải nhận là rất khó. Chỉ với sự cầu nguyện, tôi mới được Chúa giúp thực hiện
tốt trong cuộc đời luôn phức tạp.
Cầu nguyện, đối với tôi, cốt ở tấm lòng. Tấm lòng của tôi chủ yếu
là yêu mến Chúa. Tôi để ý mến yêu Chúa trong bất cứ lúc nào, và bất cứ làm gì.
Tôi cần được Chúa đến với tôi, như lời Chúa hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến
người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
Chúa tỏ mình ra cho tôi, không phải bằng những thị kiến, mà bằng
một thứ sức mạnh thiêng liêng, khiến tôi không thể không tin rằng: có Chúa
hướng dẫn tôi.
Như vậy, cầu nguyện luôn luôn là một thái độ sống với Chúa, hơn là
một việc làm. Thái độ đó ví như thái độ một trẻ thơ đối với người cha, người
mẹ. Thái độ như thế lớn lên trong nội tâm.
4.
Do vậy, nội tâm là một điều, tôi được Chúa dạy phải hết sức quan
tâm, để thuộc về Chúa.
Sống nội tâm, đối với tôi, đòi phải hồi tâm. Hồi tâm là một bầu
khí tĩnh mạc. Tĩnh mạc trong trái tim, trong trí nhớ, trong trí khôn. Tĩnh
mạc cả trong con mắt, trong lỗ tai, trong miệng lưỡi.
Tĩnh mạc nội tâm giúp cho cuộc
sống thân mật với Chúa được phát triển. Nhờ vậy, tôi mới hy vọng đem tình yêu
Chúa đến cho người khác. Nhất là khi tôi quan niệm đem tình yêu Chúa đến cho
người khác chính là một cách biết ơn họ, kính trọng họ và yêu thương họ.
5.
Thêm vào việc cầu nguyện và hồi tâm, tôi còn được Chúa dạy là, ai
muốn thuộc về Chúa, sẽ phải chịu đau khổ, hy sinh.
Theo tôi, đau khổ và hy sinh
lớn nhất, chính là chu toàn bổn phận của mình với tất cả tình yêu đối với Chúa
và đối với mọi người. Muốn được như vậy, tôi phải bỏ ý riêng mình, đó là điều
không luôn dễ. Rồi còn phải đem hết tình yêu và trách nhiệm vào mọi việc thuộc
bổn phận, từ việc nhỏ đến việc lớn, đó cũng là điều không dễ chút nào.
Mẹ Têrêsa Calcutta luôn nhắc
nhở các chị em Dòng của Ngài một ơn, mà Ngài cho là rất quan trọng, đó là: Điều
tốt đẹp nhất mà Chúa ban cho chị em chính là sự từ bỏ mình và đời sống dễ dãi
muốn gì làm đó, để được sai vào một cuộc sống nghèo, hầu chia sẻ một cách quảng
đại với Chúa Giêsu nghèo nơi những người nghèo khổ.
Khi tôi thực hiện sự từ bỏ mình
và chấp nhận sự sai đi như thế, tôi thấy mình phải hy sinh rất nhiều, nhưng hy
sinh đó đem lại niềm vui sâu xa.
6.
Bây giờ, tôi xin phép nói về sự tôi tìm thực thi thánh ý Chúa.
Không cần phải dựa vào lý luận
nào, tôi được Chúa cho xác tín điều này. Thánh ý Chúa, mà Chúa muốn tôi thực
hiện trong sự vụ của tôi tại Việt Nam hôm nay là “yêu thương” (x. Ga 13,34). Phúc âm dạy điều đó, lịch sử đợi chờ
điều đó.
Thực hiện yêu thương trong hoàn
cảnh cụ thể hiện nay của Quê Hương Việt Nam và Hội Thánh trên Quê Hương yêu dấu
này là một công việc phức tạp.
Có biết bao người đói ăn.
Có biết bao người đói tình
thương.
Có biết bao người đói chân lý.
Có biết bao người đói văn hoá.
Có biết bao người đói đạo
đức,
Có biết bao người đói Lời Chúa,
vv...
7.
Sẽ là vô tâm, nếu tôi không muốn nghe hay không nghe được những
kêu rên từ những cảnh đói khổ đó.
Nhưng sẽ là ác tâm, nếu tôi lại
lợi dụng những cảnh đói khổ đó, để tìm tư lợi, hoặc làm cho người nghèo khổ
càng nghèo khổ thêm, do thái độ khinh khi của tôi.
Vô tâm và ác tâm, nếu vô tình
thì còn dễ tha. Còn nếu cố tình, như một lựa chọn, thì sẽ phá hoại yêu thương
một cách tàn nhẫn.
Vô tâm và ác tâm là những gì đã
xảy ra cho tôi, do người xa và cả những người gần. Tôi rất đau đớn. Có thể cũng
lỗi tại tôi. Đau đớn của tôi giúp tôi hiểu đau đớn của bao người khác. Do vậy,
tôi thấy yêu thương là một cuộc chiến đấu, đòi nhiều tha thứ, biết ơn, và tỉnh
thức, để những gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì đừng bao giờ làm
cho kẻ khác.
8. Nhưng con người luôn yếu
đuối. Tôi thấy Chúa thương giúp tôi, bằng lửa của trái tim Người. Lửa đó là lửa
mến Chúa yêu người. Do vậy, tôi thấy khủng hoảng lớn hiện nay chính là khủng
hoảng về thiếu lửa mến Chúa yêu người.
Những người đã qua đời nhắn nhủ
tôi đừng coi thường khủng hoảng đó. Bởi vì không có lửa mến, rất nhiều người sẽ
bị đuổi đi, không được vào thiên đàng.
9.
Tới đây, tôi nhận ra điều này: Lắng nghe người đã chết đem lại cho
tôi nhiều chân lý sống động cần thiết cho phần rỗi đời đời. Nhờ vậy cuộc sống
trên trần gian này sẽ bớt tội lỗi và tăng thêm đạo đức. Nhưng rất nhiều người
không muốn lắng nghe người đã chết. Hơn nữa, họ trốn tránh để khỏi nghe. Kết
quả là tiếp tục phạm tội, rồi cái gì phải tới sẽ tới, đó là hình phạt ở đời
sau. Lúc đó đã quá muộn cho sự trở về.
Lạy Chúa, hôm nay và ngay lúc
này con xin trở về với Chúa. Con xin cảm tạ Chúa đã cho con biết lắng nghe
những người đã chết. Rồi, con cũng sẽ chết. Nên con xin được trối lại cho mọi
người một chút kinh nghiệm của con về con đường con đi về với Chúa.
Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con
trong tay Chúa.
Long Xuyên, ngày 1.11.2014.
ĐGM GB Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét