RỒNG RỒNG RỒNG RỒNG
(Chuyện phiếm của Gã
Siêu – cgvn)
Hình như số báo xuân nào, người ta cũng phải tán
hươu tán vượn về con giáp. Chẳng hạn năm nay là năm Canh Thìn, cầm tinh con
rồng, thì chắc chắn là phải đá động tới loài động vật “huyền thoại” này.
Chẳng hiểu ngày xưa thì thế nào, chứ còn bây giờ
gã xin cam đoan cả hai tay lẫn hai chân rằng: Chưa một ai đã được nhìn thấy
rồng. Thế mà rồng lại len lỏi vào mọi nền văn hóa và có mặt ở khắp mọi nơi mọi
chốn, bên tây cũng như bên ta, mặc dù hình thù có khác nhau đôi chút.
Theo tự điển “Larousse”
của mấy ông tây, thì rồng là một con vật hoang đường, hình rắn nhưng lại có
cánh và có đuôi. Còn theo Tự điển Việt Nam của Lê văn Đức, thì phe ta xem rồng
là một con vật mình dài, có vảy to, miệng rộng, một sừng, chân có vấu, được
sinh ra ở dưới nước nhưng lại biết bay trên mây. Rồng lại còn được mấy chú ba
tàu xếp vào hàng đầu trong tứ linh, bốn con thú linh thiêng, đó là long, ly,
quy, phụng :
- Áo đen năm nút con rồng,
Ở xa con phụng, ở gần con quy.
Dù hình dong bên ngoài hơi khác nhau vài ba tí,
chẳng hạn như có cánh hay không có cánh, có sừng hay không có sừng, có chân hay
không có chân…thì rồng vẫn được mọi người quí mến:
- Bao giờ cá lý hóa long,
Đền ơn Cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Và từ chỗ quí mến ấy, hầu như mọi người Việt Nam
chúng ta đều rất thích mơ được làm…rồng.
Thực vậy, dân tộc nào trên mặt đất này cũng có
niềm tự hào riêng về gốc gác, về cội nguồn của mình.
Chẳng hạn như dân Nhật bản chính gốc Phù tang
luôn hãnh diện vì mình là con cháu của “Thái
dương thần nữ”. Thảo nào mà lá cờ của họ chỉ có mỗi một hình tròn đỏ, tượng
trưng cho Mặt trời, nổi bật trên nền trắng.
Chẳng hạn như dân Pháp chính gốc Phú lãng sa
luôn hãnh diện vì mình thuộc nòi gà trống Gaulois. Thảo nào mà ngày xưa vào
thời Cách mạng 1789, người ta đã vẽ hình con gà trống lên quốc kỳ của mình.
Thảo nào mà ngày nay trong những trận đá banh quốc tế, các cầu thủ Pháp thường
thả một chú gà trống vào trong sân để cầu may. Thảo nào mà mấy cố tây, mặc dù
đã tu hành, nhưng vẫn mang nặng đầu óc dân tộc và luôn hướng về đất mẹ của
mình, đã đặt chú gà trống ở đỉnh cao cây thánh giá trên ngọn tháp nhà thờ chính
tòa thành phố Đalạt. Vì thế, ngôi nhà thờ này vốn được bàn dân thiên hạ gọi là
nhà thờ Con Gà.
Còn người Việt Nam chúng ta, chính gốc Giao chỉ,
thì lại hãnh diện vì mình là con rồng cháu tiên. Niềm tự hào này bắt nguồn từ
một truyền thuyết như sau:
Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy
hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là
Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi Kinh Dương Vương, xưng hiệu là Lạc
Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng,
nở ra một trăm người con. Có sách thì ghi một trăm người con này bao gồm một
nửa là con giai, còn một nửa là con gái, cũng có sách lại chép tất cả đều là
đực rựa. Ngày kia, Lạc long Quân nói với Âu Cơ :
- Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn
khanh là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay đã
được một trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi đứa lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm
mươi đứa xuống biển.
Từ truyền thuyến này mà người Việt Nam chúng ta
thường vốn tự hào vì mình có “long phụ
tiên mẫu”, cha rồng mẹ tiên. Hay mình thuộc về dòng “tiên long”, thuộc về giống tiên rồng. Và như thế, đã là người Việt
Nam, sinh ra và lớn lên trên quê hương này, ai mà chẳng lấy làm vinh dự về cội
nguồn ấy, và ai mà chẳng thích mơ…làm rồng. Rồng là một con vật được mọi người
yêu quí.
Trong khi đó, dưới chế độ quân chủ, thì nhà vua
là người “ngon lành” nhất trong cả và
đất nước. Chính vì vậy, hình ảnh con rồng vốn thường được dùng làm biểu tượng
cho nhà vua, cũng như tất cả những gì thuộc về nhà vua…đều được gắn nhãn hiệu
chữ “long” lên đầu.
Trước hết về hình dong bên ngoài của nhà vua,
chúng ta ghi nhận: long thể nghĩa là thân thể của nhà vua. Vì thế mỗi khi
nhà vua cảm cúm, nhức đầu sổ mũi và…hắt xì, người ta liền bảo rằng: long thể
lại bất an. Rồi long nhan nghĩa là khuôn mặt nhà vua. Không hiểu long tu có
phải là râu của nhà vua, hay chỉ là một giống lan rừng ?
Tiếp đến là những đồ vật lỉnh kỉnh bên cạnh nhà
vua. Thôi thì đủ thứ: long sàng là giường cho nhà vua nằm, long bào là áo cho
vua mặc, long án là bàn cho vua viết, long xa là xe cho vua đi và long châu là
thuyền cho vua ngự…Chẳng hiểu còn bao nhiêu thứ “long” nữa thì gã xin khất vào một dịp khác sẽ kê đơn hoàn tán sau,
chứ bây giờ mà phải kể tất tật ra thì e rằng bản thân gã sẽ phải…long đong lắm
lắm.
Có lẽ cũng vì phẩm chất cao quí này mà ngày xưa
những chiếc kiệu của các xứ đạo ngoài Bắc đều được sơn son thếp vàng và hai đòn
khiêng đều mang hình con rồng, điều đó nói lên rằng cha ông chúng ta muốn dành
cho Thiên Chúa, cho Đức Mẹ hay cho các thánh vinh dự số một. Âu cũng là một
cách “hội nhập văn hóa” hết xảy của
các bậc tiền bối. Xin “khẩu phục tâm
phục”.
Từ những điều vừa trình bày, thì nhà vua hẳn là
người mơ làm rồng nhiều nhất. Tuy nhiên, giấc mơ này không phải chỉ là độc
quyền dành cho nhà vua, bởi vì dân gian cũng muốn xí phần và ăn có, hay nói một
cách nghiêm túc hơn, cũng muốn chia sẻ tí đỉnh giấc mơ này, nghĩa là cũng muốn
được làm rồng, được gặp rồng, hay ít nữa là được giống rồng…
Trước hết là kẻ sĩ trong xã hội ngày xưa.
Đây là giai cấp học rộng biết nhiều, luôn vâng
theo những lời dạy bảo của Khổng tử: Khi thì ở ẩn để mà tồn tâm dưỡng tánh, khi
thì nhập thế để mà hành động, khi thì xuất thế để mà về hưu. Chính vì vậy, khi
thời cơ thuận lợi đến, kẻ sĩ tự mơ thấy mình chính là rồng gặp được mây, nên
tha hồ mà vùng vẫy để phục vụ xã hội. Chả thế mà Nguyễn công Trứ đã từng viết:
- Rồng
mây khi gặp hội ưa duyên,
Đem tất cả sở tồn làm sở dụng.
Hay trong truyện “Phan trần” cũng có câu:
-
Bây giờ cha tuổi tác này,
Mong con gặp hội rồng mây kịp người.
Ăn theo với kẻ sĩ chính hiệu con nai vàng
là các cụ đồ.
Giấc mơ của các cụ đồ thì khiêm tốn hơn, chỉ
mong sao cho nét bút của mình được lả lướt, được mát mắt thiên hạ để mọi người
ưa thích, hầu kiếm tí tiền còm khi ngồi viết câu đối vào mỗi dịp tết đến, như
Vũ đình Liên đã mô tả trong bài “Ông đồ
già” :
- Mỗi năm
hoa đào nở,
Lại
thấy ông đồ già,
Bày
mực tàu giấy đỏ,
Bên
phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết,
Tâm tắc ngợi khen tài,
Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa rồng bay…
Ngoài ra, những kẻ tài giỏi, giàu sang hay quyền
thế cũng thích mơ được làm rồng, hay tự đồng hóa mình với…rồng. Chẳng hạn như
một anh chồng tài giỏi và ranh mãnh, chẳng may vớ phải một cô vợ dốt đặc cán
mai. Khi “phút đầu gặp em tinh tú quay
cuồng” đã hết và tuần trăng mật cũng đã tan, bước vào đời thường, lúc phải
đối mặt với cái ngây ngô ngốc nghếch của vợ, hẳn anh ta đã phải quát tháo:
- Ngu chi
ngu lạ, ngu vừa vừa thôi chứ, để cho con người ta còn ngu nữa với.
Và nếu
biết ca vọng cổ, anh sẽ quai mồm ra mà hét:
- Rồng
vàng tắm nước ao tù,
Người
khôn ở với người ngu bực mình.
Còn nếu như kẻ có tí quyền hay tí chức mà rộng
tay ban phát ơn huệ hay đích thân thăm viếng một kẻ khố rách áo ôm, thì lúc bấy
giờ chẳng khác gì “rồng đến nhà tôm”
vậy.
Mình mơ làm rồng đã đành, mà hơn thế nữa, còn
muốn cho những người mình yêu, mình thương cũng sẽ trở thành rồng. Sở dĩ như
vậy là vì “yêu nên tốt, ghét nên xấu”.
Khi đã “chịu đèn” mí nhau rồi, thì củ
ấu cũng tròn, trái bồ hòn cũng ngọt và một trăm chỗ lệch cũng được kê cho bằng.
Chính vì thế, cô vợ dù có xấu đến đâu chăng nữa, thì anh chồng cũng vẫn cứ hít
hà khen lấy khen để :
-
Lỗ mũi thì tám gánh lông,
Chồng
thương chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm
thì ngáy o o,
Chồng
thương chồng bảo ngáy cho vui nhà,
Đi chợ mất tám tiền quà,
Chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm…
Lông mũi nàng mà anh chồng cứ mơ tưởng là râu rồng,
thì quả là tuyệt vời và hết ý. Chỉ khi nào không còn thương, hay là thương
không nổi nữa, thì anh ta bèn quay phắt 180 độ như thiên hạ vốn diễn tả: Vợ
người thì đẹp, văn mình thì hay.
Còn chị vợ khác, khi thấy anh chồng của mình yếu
kém về nghệ thuật nói dối, đã ăn vụng mà lại không chịu chùi mép cho
sạch, thành thử chẳng dấu được ai, thì cũng đã sánh ví anh chồng…yêu quí ấy như
“rồng nằm bể cạn” :
- Rồng
nằm bể cạn phơi râu,
Mấy
lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
Hầu như ở mọi nơi và trong mọi lúc, rồng đều
được mặc lấy những đặc tính tốt đẹp, chỉ có một vài trường hợp là rồng đã gây
nên những thảm họa cho cuộc sống. Rất may, trong những trường hợp này, thì
không phải là rồng thứ thiệc, mà chỉ là một loại rồng dổm mà thôi.
Chẳng hạn như rồng hút nước, rồng rê…đây là một
hiện tượng thiên nhiên, tạo nên những cơn lốc xoáy, hút nước lên trời hay giật
sập nhà cửa dưới đất của một vùng rộng lớn.
Còn khi ngồi vào bàn tiệc, mà một anh chàng phàm
ăn tục uống, thuộc vào hàng “lấy cái bụng
làm chúa”, chẳng thèm để ý chi tới những người chung quanh, cứ gục đầu
xuống như muông chim, thoải mái húp canh chùn chụt, chắc hẳn sẽ được thiên hạ
kê ngay tủ đứng vào miệng:
- Ăn uống chi mà cứ như rồng cuốn…không chừng
nuốt phăng cả bát đĩa và bàn ghế.
Qua những điều được bàn rộng tán dài, gã thấy
dân Việt Nam ta rất khoái rồng và cũng không ít người luôn mơ được hoá thành
rồng.
Chuyện phiếm
của Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét