NGƯỜI CHỒNG MUỐN ĐƯỢC LÀM ĐÀN ÔNG
(Thứ năm - 06/11/2014
23:04 - tinvui@dmin
Một tác giả đã nói: “Không người chồng nào ve vãn tán tỉnh vợ mình suốt cả đời”.
Sau thời gian hẹn hò, sau những ngày thần tiên
của tuần trăng mật, nhiều người đàn bà đã thất vọng. Con người “người đàn ông”
của thời gian hẹn hò, của những ngày đầu đời cuộc sống vợ chồng không còn nữa.
Trước mắt họ, giờ đây chỉ còn là một người chồng với rất nhiều giới hạn và
khiếm khuyết. Con người lý tưởng họ đã từng ôm ấp trong trái tim giờ đây để lộ
chân tướng của mình.
1. Chúng tôi xin được phép
khyên những người vợ trẻ, đừng thất vọng. Hãy thực tế để chấp nhận chồng mình, một người
chồng với rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Người chồng đó là một người đàn
ông, nghĩa là một con người có những suy nghĩ, hành động, cách cư xử khác với
đàn bà; một người đàn ông luôn muốn được làm đàn ông theo cách thế riêng của
họ.
Trong truyện ngắn “Tôi Muốn
Làm Đàn Ông”, tác giả kể chuyện một giáo viên gương mẫu sống với người vợ
đảm đang và hai đứa con thông minh của mình. Ai nhìn vào gia đình ấy cũng đều
cho đó là một cảnh êm ấm tuyệt vời. Thế nhưng, cảnh êm ấm ấy suýt đổ vỡ vì sự
xuất hiện của một cô giáo mới và nhất là vì người giáo viên kia muốn thực sự là
một người đàn ông.
Một buổi chiều trên đường về nhà, người giáo viên bước ra phía sau
khu chung cư của trường. Cảnh cô giáo mới phải loay hoay với chiếc búa và cái
đinh trong tay làm người giáo viên cảm thấy xót xa và từ đó, bản tính đàn ông
cũng bừng dậy một cách mãnh liệt.
Tuy với bàn tay vụng về của một nhà giáo, người giáo viên cũng
giúp cho cô giáo mới đến đóng xong cái đinh, sửa lại cái ghế trong nhà. Ông
hãnh diện vì sự giúp đỡ ấy và nhất là thấy được rằng, mình là một người đàn ông
hữu dụng. Đó là công việc mà vợ ông không bao giờ cho ông đụng đến. Là một
người đàn bà đảm đang, bà làm tất cả mọi việc trong nhà, kể cả những việc của
đàn ông.
Có lần trong nhà cũng có cái ghế xiêu vẹo, người giáo viên sực nhớ
mình đã hơn một lần cầm búa giúp sửa chữa bàn ghế trong nhà cô giáo ở khu chung
cư. Ông muốn tỏ ra mình là một người đàn ông, nên đã mau mắn đi lấy dụng cụ bắt
tay vào việc. Nhưng cách làm việc chậm rãi của ông đã khiến cho người vợ sốt
ruột. Bà chụp lấy đồ nghề và chỉ trong chớp nhoáng bà đã chữa xong cái ghế.
Người giáo viên lại một lần nữa thấy mình chỉ là một đứa con nít thừa thãi
trong gia đình.
Những lần đi dạy về, ông thường ghé vào khu chung cư để giúp đỡ cô
giáo và nhất là để thể hiện tính đàn ông của mình. Dần dà, căn hộ của cô giáo
đã trở thành gian phòng quen thuộc của ông.
Dĩ nhiên, ai cũng có thể đoán được giữa hai người đã có sự khắng
khít hoà hợp gần như vợ chồng. Người giáo viên gần như đóng vai trò của một
người chồng đối với cô giáo. Cô giáo nương tựa vào ông. Cô hỏi ý kiến ông trong
tất cả mọi sự. Nhưng với lương tâm của những nhà giáo, hai người đã biết dừng
lại đúng lúc. Dù vậy, người giáo viên ấy cũng đã nói lên tâm trạng của mình như
sau:
“Người đàn ông trong tôi vừa mới hồi sinh đã bị chết ngay, chết
vĩnh viễn trong ngôi nhà có một người đàn bà toàn diện. Cho nên, nếu có ai hỏi
tôi ước ao điều gì, thì tôi xin trả lời: ước ao được làm người đàn ông trong
cái vỏ đàn ông của mình”.
2. Người đàn ông nào cũng muốn
đóng trọn vai trò đàn ông của họ trong gia đình. Người đàn ông nào cũng muốn
thể hiện tính đàn ông của mình, và dĩ nhiên, theo cách thế đàn ông của họ, chứ
không theo sự chỉ đạo và yêu cầu của người vợ.
Trong những cuộc xích mích và cãi cọ giữa hai người, người vợ
thường gọi chồng mình là kẻ ích kỷ. Đây không phải là một kết luận sai lầm. Quả
thực, người đàn ông nào cũng có đôi chút ích kỷ. Ý thức hay vô thức, người đàn
ông nào cũng ích kỷ. Sự ích kỷ ấy thường thể hiện bằng nỗi khát khao được độc
lập nơi chính mình.
Tự bản chất, người đàn ông không thích sống dựa vào đàn bà như một
bóng mờ. Họ muốn làm chủ. Họ muốn điều khiển trong gia đình. Sự độc lập ấy cũng
thường được biểu lộ qua những phản ứng đầy tự ái của họ.
Nói chung, người đàn ông không thích được vợ lên lớp chỉ bảo. Cho
dẫu rất yếu đuối khi đứng trước đàn bà, dẫu là nô lệ của rất nhiều đam mê,
người đàn ông vẫn luôn tỏ ra làm chủ được tư tưởng, đời sống trí thức, những
xác tín về tôn giáo và chính trị của mình. Người đàn ông không muốn tỏ ra lệ
thuộc vào cách suy nghĩ của đàn bà. Lắm khi chúng ta nghe họ thốt lên: “Chuyện
đàn bà! Chuyện vớ vẩn!”.
3. Không muốn tỏ ra lệ thuộc
vào đàn bà, người đàn ông đương nhiên muốn tỏ ra mình là chủ trong nhà. Tính
khí đàn ông khiến họ muốn điều khiển và chỉ đạo trong nhà. Từ đó, chúng ta
không ngạc nhiên khi thấy có nhiều đàn ông cư xử một cách độc tài.
Đấy cũng chỉ là một thể hiện của sự ích kỷ nơi người đàn ông. Họ
muốn được mọi tiện nghi trong nhà. Họ muốn thấy tất cả mọi sự phải sẵn sàng khi
họ về đến nhà. Hình ảnh của một người chồng vừa về đến nhà vội nằm ngửa trên
ghế bành, bật tivi, đọc báo… trong khi vợ mình phải đầu tắt mặt tối trong bếp,
đó là hình ảnh tiêu biểu nhất của những người đàn ông ích kỷ và độc tài. Sự ích
kỷ đôi khi cũng khiến cho người chồng thiếu quan tâm đến vợ mình. Ông muốn ngồi
yên một chỗ. Ông chán cả những âu yếm vuốt ve của người vợ.
Dĩ nhiên không phải mọi người đàn ông đều hành động theo sự ích kỷ
của mình. Sự rèn luyện, tình yêu thương đối với vợ con giúp cho rất nhiều người
đàn ông thắng vượt những hẹp hòi nhỏ nhen của họ để có thể hy sinh sống trọn
vẹn cho vợ con.
Tuy nhiên, không có người đàn ông nào là lý tưởng cả. Mỗi người là
một thực thể độc nhất vô nhị. Mỗi người đàn ông đều có những đức tính và những
khuyết điểm của họ.
Trong những đức tính và khuyết điểm ấy, điểm nổi bật hơn cả nơi
đàn ông chính là muốn thể hiện tính đàn ông của mình. Người đàn ông nào cũng
muốn làm và được hãnh diện làm đàn ông. Hôn nhân là điều kiện để cho tính đàn
ông của họ được thể hiện một cách trọn vẹn. Vai trò của người vợ là giúp cho
chồng mình được trở nên đàn ông hơn. Sống với đàn ông có nghĩa là chấp nhận
những tham vọng, những khó khăn, những khuyết điểm của người đó. Nhưng đồng
thời cũng giúp cho họ tăng trưởng theo những đức tính của họ.
Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng, được vun xới trong
chân lý và bác ái. Trong chân lý nghĩa là chấp nhận và chịu đựng những khuyết
điểm, những thiếu sót của nhau, cũng như những khác biệt trong bản chất của mỗi
người. Trong bác ái, nghĩa là không ngừng cảm thông và tha thứ.
Xét cho cùng, sự hiện diện và tình yêu của người chồng là một
thách đố đối với người vợ. Người chồng sẽ là động cơ, là trợ lực giúp cho người
vợ sống trọn ơn gọi đàn bà của họ hơn.
Tác giả bài viết: Radio Veritas Asia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét