Nghĩa tử là nghĩa
tận
R.I.P. – Requiescat in Pace – Xin cho các
Linh hồn được nghỉ yên!
(Mon, 03/11/2014 - Trầm Thiên Thu
–Thanhlinh.net)
Cầu nguyện cho các linh
hồn là trách nhiệm liên đới Kitô giáo. Đó cũng là tính hiệp nhất của cả ba Giáo
hội: Giáo hội Khải hoàn (chư thánh), Giáo hội Đau khổ (các linh hồn nơi Luyện
hình, chắc chắn sẽ làm thánh), và Giáo hội Chiến đấu (những người còn tại thế).
Theo truyền thống tốt lành của Giáo hội Công giáo, tháng Mười Một là tháng đặc
biệt cầu cho các linh hồn. Dĩ nhiên, chúng ta phải cầu nguyện cho các linh hồn
hàng ngày, chứ không chỉ trong tháng Mười Một.
Đây là mong muốn “không giống ai” của Thánh Lm Don Bosco: “Da mihi animas, coetera tolle –
xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi”. Thánh nhân đã cảm nhận rất sâu sắc nên
mới mong ước như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đề cập tầm quan trọng của việc cứu
các linh hồn khi Ngài nói với Thánh nữ Faustina: “Đừng sợ, hỡi ái nữ bé
nhỏ, con không đơn độc đâu. Hãy chiến đấu can trường, vì tay Ta luôn nâng đỡ
con. Hãy chiến đấu vì phần rỗi các linh hồn, khuyến khích họ tin vào Lòng
Thương Xót của Ta, vì đó là nhiệm vụ của con ở đời này và và
đời sau” (Nhật Ký, số 1452).
Sinh ký, tử quy. Sống
gởi, thác về. Đó là quy luật muôn thuở. Kể cũng lạ, người đời mà cũng nói “tử quy – thác về”. Phải chăng người ta cũng “mơ hồ” nhìn nhận “chết là đi về” một cõi vĩnh hằng? Động từ “về” là nói tới việc di chuyển đến “nhà mình”, chí ít cũng là một nơi “thân quen”. Không ai nói “về” một nơi xa lạ hoặc nơi mình không
thích. Tháng Mười Một cũng có thể coi là một Mùa Vọng khác và một Mùa Chay
khác: Sám hối. Thiết nghĩ, dù có đức tin hay không, đó vẫn là “sự tiền định” – dù người vô tín ngưỡng (hoặc vô
thần) hoặc những loại tôn giáo “phi
đức tin” (non- hoặc no-) cho
đó là “vô lý” hoặc “vô nghĩa”, người có “niềm tin” khác nói đó là “vòng luân hồi”. Ngày nay, điều đó có vô nghĩa với
người có niềm tin? (Ở đây muốn nói niềm tin chính đáng, không nói
niềm tin lệch lạc). Tháng Mười Một nhắc nhớ về Sự Chết, phàm nhân cần phải sám
hối để được cứu độ.
Càng sống lâu, người ta
càng có “cơ hội” thấy những người khác “ra đi không hẹn trở lại” và tham dự nhiều đám tang. Dù giàu hay
nghèo, dù sang hay hèn, dù giỏi hay dốt,... ai cũng buông xuôi đôi bàn tay
trắng! Đó là những dịp nhắc chúng ta nhớ lại quy luật Thiên Chúa đã tiền định
từ ngàn xưa:“Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Cho
sống hay bắt chết là quyền của Đấng Tạo Hóa: “Chúa lấy sinh khí lại, là
chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29).
“Thời giờ thấm thoắt thoi
đưa, nó đi đi mất chẳng chờ đợi ai”. Ca dao Việt Nam đã ví von như vậy. Thời gian qua mau thì đời
người cũng mau qua. Mới sinh ra mà đã mau về già: “Tính tuổi thọ trong
ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà
phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”
(Tv 90:10). Khi tư tưởng chín muồi thì thân xác rã rời. Đó là
nghịch-lý-thuận, hoặc có thể coi là một dạng “tỷ
lệ nghịch” – cái này tăng,
cái kia giảm.
Kiếp người mong manh là
thế, không có lý do gì để mà chúng ta “hành hạ” nhau, ghen ghét nhau, thù hận nhau,
hoặc không tha thứ cho nhau. Thật khó hiểu khi có những người vẫn kèn cựa nhau
từng chút, kể cả những điều nhỏ nhoi nhất. Kinh Thánh đặt vấn đề: “Nếu
Chúa chấp tội, nào ai rỗi được?” (Tv 130:3). Một câu hỏi nhỏ nhẹ mà gây “nhức đầu” lắm!
Khi bị người khác ghét,
nếu xét theo lương tâm ngay thẳng mà thấy mình không sai trái, về phương diện
bản tính nhân loại, mới đầu chúng ta có thể cảm thấy buồn, nhưng rồi chúng ta
sẽ cảm thấy thanh thản vì được nên giống Đức Kitô. Chính kẻ thù lại cũng là ân
nhân đấy, vì nhờ họ ghét mà mình hoàn thiện theo ý Đức Kitô. Vậy là chúng ta
đang dần dần nên thánh đấy. Thật chí lý khi Chúa Giêsu bảo chúng ta “yêu kẻ thù, cầu nguyện cho những
kẻ ngược đãi mình, và làm ơn cho kẻ ghét” (Mt 5:44; Lc 6:27; Lc 6:35).
Rồi tất cả sẽ qua, cuộc
đời này chẳng là chi cả, càng thu vén, càng nuối tiếc, càng tự dày vò mình:“Kiếp
phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng
là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103:15-16). Nhưng thật
may, các Kitô hữu có một chỗ vĩnh cư: Thiên Đàng, nơi có Thiên Chúa Ba Ngôi,
Đức Maria, Đức Giuse, chư thần và chư thánh. Đại Gia Đình này mãi mãi hợp xướng
liên khúc Yêu Thương và Cảm Tạ. Tuyệt vời biết bao!
Nếu cuộc sống là “vòng luân hồi”, chúng ta chẳng cần cố gắng chịu khổ
chi cho cực thân, cứ hưởng thụ và xả láng, tức là không cần “vác thập giá”. Tại sao? Vì chết một cuộc đời này thì
chúng ta lại có kiếp sống khác, dù kiếp khác có thể là một con vật, thậm chí
chỉ là kiếp phù dung. Nghĩa là được “chuyển
kiếp”, sống lại lần nữa rồi
tái sống lại lần nữa. Chẳng có gì phải lo sợ! Thế nhưng không phải vậy đâu,
người ta chỉ có một kiếp sống thôi. Kiếp sau là đời đời, một là huy hoàng, hai
là khốn nạn. Đôi nơi cách biệt, người bên này không thể qua bên kia, hoặc ngược
lại (x. Lc 16:19-31), đó là điều Tổ phụ Áp-ra-ham đã xác định trong dụ ngôn “Phú hộ và Ladarô”. Vì thế mà người ta mới phải cố gắng
sống tốt để trường sinh bất tử trên Thiên Quốc.
Thời Cựu Ước, ông
Cô-he-lét đã nhận xét: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù
vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao
gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng
trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống
nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui
xoay tới rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra
biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.
Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng
chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. Điều đã có, rồi
ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có
chi mới lạ?” (Gv 1:2-9). Chẳng có gì bền vững, cái gì cũng chỉ có “một thời” mà thôi (x. Gv 3:1-8).
Kiếp người đầy gian
truân, đời người tưởng dài mà ngắn: “Con người khác chi hơi thở, vùn
vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144:4). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thắc
mắc về thân phận con người:“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về
làm cát bụi…” (Cát Bụi). Ông không là Kitô hữu, nhưng nhân sinh quan và ý
thức hệ của ông rất gần với Công giáo.
Trong ca khúc “Một Mai Em Đi”, Nhạc sĩ Trường Sa viết: “Một
mai xa nhau xin nhớ cho nhau nụ cười, cho cuộc tình người hẹn hò
nhau đến kiếp mai. Đừng hận nhau nữa, lệ nào em khóc cho đầy, tình
đã mù theo sương khói, theo cơn gió lùa tả tơi”.
Sự xa nhau là chuyện của
hai người yêu nhau về tình cảm nam nữ. Ở đây chúng ta không bàn về chuyện đó,
mà nói về “sự xa nhau” giữa con người với con người, tức là
sự chết. Đại từ “em” ở đây không hẳn là ngôi thứ hai số ít,
mà có thể là bất kỳ ai. Và người ta thường nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
Có ý nói rằng, dù có giận ghét nhau tới đâu thì người ta cũng sẵn sàng tha thứ
cho nhau khi đứng giữa làn ranh Sinh – Tử, đối diện với Tử thần.
“Một mai em đi ngày tháng
bơ vơ giận hờn, nhớ về tình người buồn như con nước đã vơi.
Lời nào gian dối để người đã lỡ một giờ, một đêm nào em đã lỡ buông tay ngậm
ngùi xót xa”. Gần nhau thì coi thường nhau, có yêu thương thì đôi khi cũng chỉ
là môi miệng, lẻo mép. Khi “xa nhau” rồi mới thấy thương tiếc, yêu thương,
muốn nói lời xin lỗi mà không còn kịp nữa rồi. Người “ra đi” có thể còn buồn hoặc không, nhưng chắc
chắn người ở lại sẽ buồn nhiều, thậm chí còn bị lương tâm cắn rứt khôn nguôi!
Câu kết của ca khúc “Một Mai Em Đi” thật là thấm thía: “Đời vui
không mấy, niềm đau đã chín kiếp người, lòng đâu phụ nhau thêm nữa, khi
mai không còn có nhau”. Vâng, nghĩa tử là nghĩa tận, đừng phụ
lòng nhau nữa. Và như vậy, chắc hẳn không ai lại nỡ khép lòng lại với nhau, mà
sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau mọi thứ – cả tinh thần lẫn vật chất.
Nghĩa tử là nghĩa tận.
Chúng ta cũng nên “tập chết” hàng ngày. Hãy yêu thương và tha thứ,
kẻo không còn cơ hội. Đừng “Hận
Tình” (ca khúc của Nhạc sĩ
Anh Bằng và Mạc Phong Linh) mà thắc mắc với nhau: “Nếu mai anh (em)
chết em (anh) có buồn không? Sao em (anh) không đến khi anh (em) còn sống? Lỡ
mai anh (em) chết em (anh) khóc nhiều không. Anh (em) xin bia đá ghi tên ngưòi
sống”. Sự hối hận luôn mang ý nghĩa muộn màng, và sự muộn màng luôn đồng
nghĩa với sự nuối tiếc!
Ở dưới bầu trời này, mọi
sự đều có lúc, mọi việc đều có thời (Gv 3:1-8). Vâng, tất cả chỉ là phù vân,
chẳng có gì bền vững, chỉ có Thiên Chúa là Đấng vạn đại trường tồn (Tv 102:25).
Con người chẳng là chi, vậy mà Thiên Chúa vẫn cần biết đến (x. Tv 144:3). Và
còn hơn thế nữa, Ngài yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1), làm ngơ mọi tội
lỗi tày trời của chúng ta, bằng chứng là Chúa Giêsu đã đổ đến giọt máu và nước
cuối cùng (Ga 19:34). Đặc biệt là Thiên Chúa rất muốn chúng ta được hạnh phúc
bên ngài mãi mãi. Thật là mầu nhiệm quá!
Tháng Mười Một, Giáo hội
mời gọi chúng ta: “Oremus pro
Defunctis – Xin cầu cho các linh hồn”. Cầu cho người mà lại có lợi cho
mình: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Thánh Phanxicô
Assisi). Tháng Cầu Hồn phủ đầy màu tím rịm, khói buồn lan tỏa, nghi ngút
nén nhang thương nhớ, đặc biệt là chúng ta ghi nhớ lời Thánh Vịnh: “Dù
sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác
chi con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49:13).
Trong ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau”, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương tâm
sự: “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngát... Ôi những người khóc lẻ
loi một mình...!”. Nỗi cô đơn lớn quá! Ở đây chúng ta hiểu nghĩa “tím” và “lẻ
loi” theo định hướng Kitô
giáo, chứ không hiểu theo nghĩa “đời
thường”. Vâng, một trong các
nghĩa “cô đơn” đó là nghĩa cô đơn của em Phạm Thị
Nhung và gia đình em Nhung. Đó là ai???
Em Phạm Thị Nhung là học
sinh lớp Ba, con nhà nghèo, 10 tuổi, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Bồng
(xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Em bị bệnh tim bẩm sinh, vì nhà
nghèo nên phải nhịn đói buổi sáng để đến trường. Em chết vì ĐÓI lúc 10 giờ ngày
25-9-2014. Em có là Kitô hữu hay không, đó không là vấn đề, vấn đề là có
phần TỘI của chúng ta liên quan trong cái chết của em, vì chúng ta cứ leo
lẻo bảo “xóa đói, giảm nghèo”, nhưng chúng ta đã “giảm” được gì và “xóa” được gì, chúng ta có làm được gì thực
tế chưa? Hay chỉ theo “bề nổi” để vinh danh mình? Thậm chí, ngay khi
chúng ta đi làm từ thiện, có vẻ chúng ta vẫn trọng “bề ngoài” (để đăng báo, để đưa tin,...) hơn là
yêu mến thật lòng. Có oan không??? Ai có thể biện hộ cho cái chết của bé Nhung?
Chúng ta trả lời với Chúa như thế nào đây??? Vâng, lạy Chúa, lỗi tại
con mọi đàng. Con xin lỗi Chúa!
Tháng Mười Một là tháng
của... Sự Chết. Ngoài Thiên Chúa, chắc hẳn không ai có thể biết ngày giờ chết.
Thế mà có người được Thiên Chúa cho biết ngày giờ chết. Đó là Tu sĩ Gioan, qua
đời năm 1501, một nông dân chính hiệu, chỉ là “người
làm vườn” thôi, và tới nay
cũng chỉ mới được Giáo hội tôn phong là Tôi Tớ Chúa, nhưng ngài đã được ơn biết
trước giờ đối diện với Tử Thần.
Ngài sinh trưởng trong
một gia đình nghèo ở Bồ Đào Nha. Mồ côi sớm, chính ngài phải đi ăn xin vài
năm để sống. Sau khi có việc làm ở Tây Ban Nha là chăn chiên, ngài chia
sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình với những người nghèo khổ hơn mình. Người
khác nhìn thấy thế chắc hẳn cho ngài là “đồ
khùng”, nghèo mà còn “chảnh”. Một hôm, hai tu sĩ dòng Phanxicô gặp
Gioan trên đường đi, trong khi nói chuyện, hai tu sĩ này thấy quý mến một con
người đơn giản và mời Gioan đến làm việc tại tu viện của họ ở
Salamanca. Gioan chấp nhận và được phân công làm vườn. Một thời
gian sau, Gioan đã nhập Dòng Phanxicô, sống cuộc đời chiêm niệm, ăn chay, giúp
đỡ người nghèo, và dành thời gian ban đêm để cầu nguyện. Vì công việc của ngài
là làm vườn và chăm sóc hoa để cắm trên bàn thờ, ngài nổi tiếng với danh xưng “người làm vườn”.
Thiên Chúa ban cho Gioan
có biệt tài nói tiên tri và biết rõ tâm hồn người khác.
Các nhân vật quan trọng, kể cả các hoàng tử, cũng đến với ngài để xin lời
khuyên. Ngài là người khiêm nhườngvà tuyệt đối vâng lời.
Ngài yêu thương cả những người muốn chống đối ngài. Lời khuyên của
ngài là tha thứ vì ngài bảo đó là hành động đẹp lòng
Chúa nhất. Ngài đã tiên báo đúng ngày ngài qua đời:
11-1-1501.
Ai là người lớn nhất
trong Nước Trời? Đó là người có cách sống đơn sơ như trẻ em (Mt
18:1-5; Mc 9:33-37; Lc 9:46-48). Theo nghĩa “lớn”
– thậm chí là vĩ đại – của
Chúa Giêsu, người lớn KHÔNG là người cao niên, quyền thế, giỏi giang, giàu
có,... Thánh nữ Teresa học chẳng bằng ai, tu chẳng bao lâu, làm chẳng được việc
gì lớn, thế mà Giáo hội tôn vinh là Tiến sĩ nhờ bí quyết “Con Đường Thơ Ấu”. Còn chúng ta, đủ loại bằng cấp, quyền
cao chức trọng, tiền rừng bạc bể, uy tín nhiều,... để làm gì? Vấn đề quan trọng
là chúng ta có Bằng Cấp Bác Ái (mến Chúa, yêu người) hay không. Mỗi người phải
tự trả lời!
Nghĩa tử là nghĩa tận –
với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình!
Lạy Thiên Chúa giàu lòng
thương xót, xin thương tha thứ hình phạt cho các linh hồn và sớm cho các ngài
về hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Xin giúp chúng con biết cố gắng sống cho trọn
ba đức đối thần và các nhân đức đối nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng
con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét