Giọt Thu Sầu
Thánh Đức
(Fri, 31/10/2014-Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)
Tháng Mười Một lại về,
về giữa mùa Thu, “điểm báo” cuối năm,
nhắc nhớ sự chết, nhắc nhớ về “cuộc hẹn”
bất ngờ với một người mà chúng ta không hề mong đợi: Tử Thần.
Tháng Mười Một là
Tháng Cầu Hồn: Buồn! Cầu hồn là cầu cho người đã khuất: Buồn! Cầu hồn là khoảng
trăm nhớ ngàn thương: Buồn! Tháng Mười Một lại trùng với khoảng thời gian mùa
Thu: Buồn! Một chuỗi buồn không sắc không màu mà vẫn khả dĩ cảm thấy vẻ ảm đạm!
Theo dòng thời gian,
những hạt buồn cứ nối kết với nhau, những giọt buồn cứ hòa tan vào nhau, những
nỗi buồn cứ đan quyện vào nhau...
Với tâm trạng đó,
trong khổ cuối của bài thơ “Chợt”,
một tác giả đã bất ngờ để rơi một nốt trầm da diết:
Chợt tiếng mưa lảnh lót tựa tiếng chim
Lạc vào Thu tình chiêm bao nửa giấc
Từng lá vàng úa nỗi buồn hốc hác
Trăm năm dài chợt ngắn chỉ gang tay!
Nỗi buồn rất lạ nếu
nỗi buồn đó “lạc” vào mùa Thu. Trong
ca khúc “Thu Sầu”, Nhạc sĩ Lam Phương
đã mô tả: “Mùa Thu thưa nắng gió mang niềm nhớ, trời chiều man mác buồn
nát con tim...”. Mùa Thu luôn có màu nắng nhạt, nhất là vào buổi chiều, gợi
lên niềm thương hoặc nỗi nhớ nào đó, khiến lòng người buồn man mác, nhưng chính
nỗi buồn có vẻ nhẹ nhàng đó vẫn đủ sức giã nát con tim những ai đang mang niềm
tâm sự. Tháng Mười Một, đối với người Công giáo, không ai lại không mang niềm
tâm sự riêng, vì ai cũng có những người thân đã ra đi rất xa...!
Đời người trăm năm,
tưởng dài mà ngắn quá, chưa làm được gì cho ra hồn mà đã sắp hết đời rồi! Nói
đến cái chết thì luôn liên quan nỗi buồn, mà nói tới nỗi buồn thì thường liên
quan nước mắt – dù nước mắt chảy ra ngoài hoặc nuốt vào trong. Triết gia
Voltaire định nghĩa: “Nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của nỗi đau buồn”.
Vâng, nước mắt là ngôn ngữ thâm thúy của trái tim mà chúng ta không thể diễn tả
bằng lời. Và Lord Byron gọi nước mắt là “giọt
sương của lòng trắc ẩn”. Hay quá chừng!
Nước mắt rất bình
thường mà cũng rất kỳ lạ. Đó là một dung dịch thể lỏng được tiết ra từ đôi
mắt thông qua tuyến lệ. Về mặt sinh học, nước mắt là dung dịch dùng để làm lau
sạch những bụi bẩn bám ở con ngươi, khi tuyến lệ tiết ra nước mắt để làm ướt và
làm trôi các bụi bẩn khỏi mắt. Khi gặp hơi cay làm khô mắt, tuyến lệ tiết ra
nước mắt để bảo vệ mắt.
Nước mắt còn có tác
dụng đào thải một số hormone và protein “xấu”
được sản sinh khi cơ thể bị căng thẳng. Nếu thi thoảng biết khóc, nước mắt có
thể làm sáng mắt, nhưng khóc nhiều quá có thể khiến mù mắt. Sophia Loren nói: “Nếu
bạn chưa từng khóc, đôi mắt bạn không thể đẹp”. Những đôi mắt ướt long lanh
có sức thu hút mạnh. Tuy nhiên, nước mắt không hẳn là biểu hiện của nỗi buồn,
mà có khi là biểu hiện của niềm vui: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại
cười” (thi phẩm “Cây Thông” của Nguyễn Công Trứ).
Tháng Mười Một có thể
gọi là Tháng Nước Mắt, Tháng Thương Nhớ, Tháng Thu Sầu, nhưng với những người
có niềm tin Kitô giáo, nỗi buồn đó không hề bi quan, không hề tuyệt vọng, mà
luôn đầy ắp niềm yêu thương và hy vọng. Vì thế, Tháng Mười Một trở thành Tháng Hy
Vọng, có thể gọi Tháng Mười Một là Giọt Thu Sầu Thánh Đức.
Trong ca khúc “Giọt Lệ Sầu” của Nhạc sĩ Lam Phương tâm
sự: “Lời thề nguyện muôn năm sau anh vẫn nhớ, nụ cười này, đôi mắt đó
làm sao quên...”. Ở đây, chúng ta hiểu ý nghĩa theo định hướng Kitô giáo
chứ không theo ý nghĩa trần tục. Người chết luôn nói thật, họ trăn trối chân
thành vì họ biết họ không còn dịp để nói nữa. Chẳng ai có thể quên được lời
trăn trối của người thân. Vâng, di ngôn luôn quý giá và đáng trân trọng. Trước
khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu cũng đã để lại di ngôn tuyệt hảo và vô
giá đối với nhân loại.
Phàm nhân yếu đuối
lắm, thế nên luôn cần phải nỗ lực không ngừng. Sống rất cần sự mạnh mẽ tinh
thần để có đủ can đảm vượt qua nghịch cảnh. Thật vậy, chúng ta phải
biết nhìn lại những giọt nước mắt có thể khiến chúng ta mỉm cười,
nhưng đừng bao giờ nhìn lại những nụ cười có thể khiến chúng ta bật
khóc.
Theo sinh học bình
thường, nước mắt cũng đã là loại hợp chất rất kỳ lạ, đặc biệt là chất mỡ
oleamide rất cần cho mắt. Nước mắt rất trong, rất nóng, rất mặn,... Về tâm
linh, nước mắt còn kỳ diệu hơn nhiều. Thánh Phaolô cũng đã từng có ấn tượng sâu
sắc vì giọt nước mắt của người khác: “Nhớ đến những giọt nước mắt của
anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui” (2 Tm 1:4). Nước
mắt còn kỳ diệu hơn như thế: Một nữ tội nhân đã dùng những giọt nước mắt để làm
trôi đi bao tội lỗi của mình (x. Lc 7:36-40).
Có khổ mới cần khóc.
Có khóc mới cần cười. Có cười mới thỏa vui. Vui nghĩa là hết khổ, là sung
sướng, là hạnh phúc. Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Ai nghẹn ngào ra đi
gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv
126:5-6). Với kinh nghiệm đã có, tác giả Thánh Vịnh vừa tâm sự vừa chia sẻ: “Tôi
lang thang như người khóc mẹ, tôi tủi buồn cúi mặt xuống mà đi” (Tv 35:14)
.
Chắc hẳn chúng ta cũng
đã từng hơn một lần như vậy. Các linh hồn nơi Luyện Hình cũng đang có tâm trạng
đau khổ lắm, nhưng họ chẳng làm được gì cho mình nữa, họ rất cần chúng ta,
những người còn sống trên trần gian. Chúng ta hy sinh và cầu nguyện cho họ càng
nhiều và càng chân thành thì họ càng mau được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa. Họ
đã thoát Hỏa Ngục, chắc chắn được trở thành thánh nhân bên Thiên Chúa hằng sống
đời đời. Và rồi Thiên Chúa sẽ “lau sạch
nước mắt” trên khuôn mặt của họ, những người đã từng chịu đựng gian truân
đau khổ và cùng chết với Đức Kitô, chính Thiên Chúa sẽ “dẫn đưa họ tới nguồn nước
trường sinh” (Kh 7:17). Cuối cùng, họ sẽ chẳng còn tang tóc, kêu than và
đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất (Kh 21:4).
Với niềm tin “xác loài người sẽ sống lại”, chúng ta
hãy biến Giọt Thu Sầu của Tháng Mười Một trở thành Giọt Hy Vọng và Giọt Thánh
Đức trong tình liên đới “các thánh thông
công”.
Kinh Thánh cho biết: “Ông
Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng
lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người
chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã
ngã xuống sẽ sống lại thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu
xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những
người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng
lễ tế đền tạ cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2
Mcb 12:43-46).
Requiescat in Pace – Xin cho các Linh Hồn được nghỉ
yên muôn đời!
Da mihi animas,
coetera tolle – Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi sự khác cứ lấy đi (Don
Bosco).
Laudetur Jesus
Christus – Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.
TRẦM THIÊN THU
Lễ các Đẳng – 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét