Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Lý do bạn nên dừng ăn mì tôm

Lý  do  bạn  nên  dừng  ăn  mì  tôm
(Thứ bảy, 25/6/2016-VnExpress.net)




Mì tôm chứa quá nhiều muối và các thành phần hóa học khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ bệnh tật và các hội chứng chuyển hóa nguy hiểm.

Mì ăn liền hay còn gọi mì tôm, mì gói, là món mì khô chiên trước với dầu, ăn sau khi ngâm nước sôi 3-5 phút. Mì ăn liền bắt nguồn từ các loại mì ramen của Nhật và giờ đây nó được phổ biến ở mọi nơi, trong đó có Việt Nam.
Với giá thành rẻ và tiện lợi, mì ăn liền được coi là bữa sáng ưa chuộng của người Việt. Song, các chuyên gia cảnh báo rằng, mì gói chắc chắn không tốt cho sức khỏe.




Dưới đây là những lý do Davidwolfe khuyên mọi người nên dừng hoặc hạn chế ăn món đồ ăn nhanh này ngay lập tức.

Chứa quá nhiều natri
FDA khuyến cáo, mỗi người tiêu thụ không quá 2.300 mg muối mỗi ngày. Thế nhưng, trong mỗi gói mì ăn liền có hơn một nửa số muối đó. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều natri, cơ thể sẽ có nguy cơ đối mặt với bệnh tim, huyết áp cao, đột quỵ, loãng xương và ung thư dạ dày...

Hội chứng chuyển hóa
Trong năm 2014, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng tiến hành nghiên cứu chế độ ăn của 10.711 người trưởng thành trong độ tuổi từ 19 và 64. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ ăn mì tôm hai lần hoặc nhiều hơn mỗi tuần có nhiều khả năng bị hội chứng chuyển hóa.
Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các điều kiện bất thường sức khỏe bao gồm huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mỡ bụng dư thừa và mức độ cholesterol bất thường. Nguyên nhân được cho là trong mì có một hóa chất là bisphenol.

Vấn đề tiêu hóa 
Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành phân tích mối quan hệ giữa mì tôm và sự tiêu hóa. Kết quả cho thấy, người ăn mì ramen sau hơn 2 giờ nhưng các sợi mì vẫn chưa được phá vỡ mà vẫn ở trong đường tiêu hóa. Điều này cho thấy hệ thống tiêu hóa sẽ phải làm việc rất nỗ lực để phá vỡ những sợi mì này. 
Chứa nhiều thành phần hóa học
Mì ăn liền chứa nhiều propylene glycol, phụ gia chống oxy hóa, xi-rô ngô và dầu... Các chuyên gia nói rằng, lượng đường trong xi-rô ngô, chất béo bão hòa trong dầu... có thể gây buồn nôn, đau đầu, đỏ bừng, đổ mồ hôi và nhịp tim tăng. Ngoài ra, chất phụ gia chống oxy hóa là một chất bảo quản có thể gây buồn nôn, mê sảng và ù tai...
Thu Hiền


Đoàn Việt Nam tham dự ĐHGT TG lần 31 tại Krakow Ba Lan 2016


Đoàn  Việt  Nam  tham  dự  Đại  Hội  Giới  trẻ  Thế  giới  lần  31  tại  Krakow  Ba  Lan 2016
(Lm Giuse Nguyễn Hữu An7/27/2016)


KRAKOW – Còn nhớ, cuối thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, tại thành phố Rio de Janeiro, Brasil năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo thời điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới: “Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Cracovia, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”. Phái đoàn 
các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.

Hình ảnh

Sau 3 năm chuẩn bị, nay Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31, được tổ chức tại thành phố Krakow, Balan, từ ngày 25 đến 31 tháng 7 năm 2016. Đức Thánh Cha Phanxicô đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp đặc biệt này.

Đại hội lần này diễn ra trong Năm Thánh Lòng thương xót 2016, cho nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn câu phúc âm “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) làm chủ đề. Đây cũng là dịp kỷ niệm 1050 năm nước Balan đón nhận Tin Mừng. Theo thống kê của Ban Tổ Chức, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay, sẽ có 47 vị Hồng Y, 800 vị giám mục và 20.000 linh mục và hơn 2 triệu bạn trẻ từ khắp thế giới tham dự Đại Hội Giới Trẻ. Thành phố Krakow được chọn làm địa điểm chính cho Đại hội, nơi đây là quê hương của Thánh Nữ Maria Faustina, sứ gỉa của lòng Chúa thương xót, và là quê hương của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, chính ngài đã phong Thánh cho Maria Faustina và ngài đã thành lập lễ kính lòng Chúa thương xót vào ngày Chúa Nhật sau lễ Chúa Giêsu phục sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Phái đoàn Việt Nam gồm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên – Chủ tịch Uỷ ban mục vụ giới trẻ thuộc HĐGMVN, 18 linh mục (trong đó có cha Phêrô Quý thuộc giáo phận Bùi chu đã 78 tuổi mà vẫn trẻ trung yêu đời) và 32 bạn trẻ. Đức Cha Giuse đi qua đây trước mấy ngày, có 9 bạn trẻ Sài gòn đi trước mười ngày nay để làm tình nguyện viên.

Đoàn chúng tôi có 22 người, gồm 13 linh mục và 9 bạn trẻ đi theo tour do Công ty Carnival Group Sài gòn tổ chức. Chúng tôi đi từ Sài gòn, tối thứ hai lúc 9 giờ ngày 25/7. Sau 7 giờ bay đến Dubai, tiếp tục 7 giờ bay nữa mới đến sân bay Warsaw.

Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26.7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại công viên Blonia. Thật đáng tiếc, do không kịp giờ tham dự cho nên chúng tôi đi đến Czestochow, thánh địa của người Công Giáo Ba Lan, dâng thánh lễ tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa (Đức Mẹ Đen). Đây là Đền Thánh quốc gia Ba Lan, là một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ trên toàn thế giới.

Tại Đền Thánh này đặc biệt có bức linh ảnh là Đức Bà Czestochowa, thường gọi là Đức Bà Đen vì có màu da ngăm đen. Bức ảnh bằng gỗ cao 1,2m vẽ Đức Trinh Nữ mặc bộ áo thêu nhiều nhánh hoa huệ đang chỉ tay qua Chúa Giêsu là nguồn mọi ân sủng. 



Thật lạ, nhìn bức linh ảnh Czestochowa ai cũng thấy trên má của Đức Mẹ có hai vết chém.

Truyền thuyết kể lại rằng bức linh ảnh do Thánh Sử Luca vẽ, ngài sử dụng một chiếc bàn thợ mộc mà Chúa Giêsu đã dùng. Khi vẽ, Thánh Luca cũng lắng nghe những câu chuyện cuả Mẹ Maria kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, do đó mà trong Tin Mừng thứ ba có viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

Huyền thoại cùng cho rằng chính Thánh Nữ Helena đã đến Jerusalem vào năm 326 để tìm Thánh Giá thật, Bà đã tìm thấy bức ảnh này. Bà đã đem tặng cho con trai là hoàng đế Constantine, và vị hoàng đế đã xây dựng một ngôi đền ở thành đô Constantinople để tôn kính.

Khi thành Constantinople bị quân Hồi Giáo Saracens vây hãm, người ta đã rước bức linh ảnh lên tường thành và quân Saracen đã bị đánh bại. Khi vua Charlemagne thống nhất Châu Âu và được tấn phong Hoàng Đế cuả 'Đế Quốc Thánh Roma', ông đã tặng bức linh ảnh cho vua Leo của Ruthenia (phía tây bắc Hungary, là vùng đất cuả giống người Slav, bao gồm Lithuania và Balan ).

Vào thế kỷ 11 Ruthenia bị xâm lăng bởi một vương quốc lớn mạnh hơn nhiều, nhà vua đã cầu nguyện với Đức Mẹ để che chở cho mình, và sự việc xẩy ra là trời đất đã đen khịt lại, bóng tối che phủ toàn thể quân địch, và họ đã tấn công tiêu diệt lẫn nhau.

Vào thế kỷ 14 thì bức linh ảnh được đưa tới Jasna Gora ở Ba Lan, từ đó chúng ta bắt đầu có những ghi chép cẩn thận vể những biến cố xảy ra sau này.

Năm 1382 quân Tartar vây hãm pháo đài Belz đang lưu giữ bức linh ảnh, một mũi tên đã ghim vào cổ của hình Đức Mẹ. Ông hoàng trấn thủ pháo đài lo sợ bức ảnh có thể rơi vào tay địch quân nên đã chạy trốn trong đêm và mang bức linh ảnh tới thị trấn Czestochowa.

Bức linh ảnh được đặt trong một nhà thờ nhỏ, và sau đó một tu viện được xây lên để đảm bảo sự an toàn cho bức linh ảnh.

Tuy nhiên vào năm 1430, loạn quân Hussites đã tràn ngập tu viện cướp được linh ảnh. Một tên cướp đã đặt bức linh ảnh vào một chiếc xe ngựa để đem đi. Nhưng những con ngựa không chịu bước. Tức giận, nó đã rút gươm và chém vào bức tranh hai lần, khi nó vung gươm lên lần thứ ba, thì đột nhiên ngã xuống, quằn quại trong đau đớn, và chết.

Những nỗ lực để sửa chữa những vết sẹo từ mũi tên và thanh kiếm đã gặp rắc rối và người ta đã phủ lên bức linh ảnh một lớp sơn pha với lòng trứng và sáp. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn thấy dấu tích cuả các vết thương.

Vào năm 1655, Ba Lan đã thua trận và gần như hoàn toàn bị tàn phá bởi Vua Charles X của Thụy Điển, chỉ còn vùng chung quanh tu viện cuả bức linh ảnh là chưa bị chiếm. Một cách kỳ diệu, với chỉ có 70 thầy tu và 180 dân quân tình nguyện từ các làng xã lân cận mà họ chống trả được một lực lượng tinh nhuệ cuả Thuỵ Điển đông đến 4.000 trong suốt 40 ngày đêm, sau cùng quân Thuỵ Điển đã nản chí phải lui binh. Từ đó nước Ba Lan đã lật ngược thế cờ và đánh đuổi được quân xâm lược.

Sau sự kiện kỳ diệu đó, vua John II Casimir Vasa đã đăng quang bức linh ảnh Đức Bà Czestochowa là Nữ Hoàng Ba Lan, đặt quốc gia dưới sự bảo vệ cuả Mẹ.

Trong thời cận đại, đã vẫn có những câu chuyện lạ được truyền tụng liên quan đến bức linh ảnh, như trong cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan năm 1920, khi quân Nga tiến đến bờ sông Vistula và đe dọa thành phố Warsaw, thì họ nhìn thấy hình ảnh của Đức Mẹ xuất hiện trong đám mây trên thành phố, và họ đã rút.

Czestochowa là địa điểm hành hương quan trọng nhất cuả người Ba Lan. Từ năm 1711 cho đến nay vẫn có nhiều người tham gia một cuộc hành hương đi bộ, họ khời hành từ Warsaw vào ngày 6 tháng 8 và đi qua một đoạn đường dài 230 km (140 dặm) đến nơi đây. Ngay trong những lúc khó khăn nhất vẫn có người thm gia cuộc hành hương này, nhiều cụ già vẫn còn nhớ lại những đêm tối mò mẫm, bất chấp hiểm nguy, đi lén lút theo những con đường mòn trong thời Ba Lan bị Đức Quốc Xã xâm chiếm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng từng đi lén lút như vậy trong thời Ngài còn là một sinh viên.

Sau thánh lễ, chúng tôi cầu nguyện sốt mến trước linh ảnh Đức Mẹ, tham quan thánh đường rồi về nghĩ ngơi lấy sức cho ngày mai.

Sáng nay ngày 27 tháng7, chúng tôi đến Nhà thờ nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tại số 24 Garncarska để học giáo lý. Đây là một trong 240 địa điểm làm nơi học hỏi giáo lý của kỳ đại hội. Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên vui mừng đón tiếp các phái đoàn bạn trẻ người Việt đến từ nhiều nước trên thế giới. Tay bắt mặt mừng hỏi han tâm sự, bầu khí thân thiện, ấm áp tình gia đình.

Trong 3 ngày, Đức Cha Giuse trình bày 3 đề tài giáo lý: Đây là thời gian của lòng thương xót; Để cho lòng thương xót Chúa Kitô chạm tới; Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ của lòng thương xót Chúa.

Buổi đầu, sau 45 phút Đức Cha khai triển đề tài, các phái đoàn tự giới thiệu, các bạn tình nguyện viên chia sẻ…Bầu khí thật thân thương tình huynh đệ.

Đến 11 giờ, thánh lễ đồng tế, cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa. Sau khi ghi lại những tấm hình lưu niệm, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau, mỗi đoàn theo chương trình hành hương riêng của mình.Chúng tôi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp nhảy múa ca hát reo hò của những nhóm bạn trẻ khắp năm châu.

Vào năm 1938, khi nữ tu Faustina qua đời, chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để các ngài có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, chúng tôi thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.

Đến với Krakow, bạn trẻ Công Giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Như lời Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz trong bài giảng lễ khai mạc, ngài mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.

Đại Hội Giới trẻ Thế giới chính là hình ảnh môt Giáo Hội trẻ trung năng động đầy sức sống. Cầu chúc đại hội lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Xin cho các bạn trẻ luôn là khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

101 lợi ích từ quả măng cụt

101  lợi  ích  từ  quả  măng  cụt
(Chủ nhật, 10/7/2016-VnExpress.net)

Quả măng cụt giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư, chống lão hóa, tinh thần hưng phấn, giảm cholesterol, hạ huyết áp...

Quả măng cụt. Ảnh: News.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng cụt rất được ưa chuộng vì có mùi vị thơm ngon. Mọi người thường có thói quen chỉ ăn phần ruột màu trắng, trong khi ở lớp vỏ màu mận giữa của quả măng cụt chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư. Nghiên cứu cho thấy măng cụt có tính mát, vị ngọt, mọng nước, thành phần dinh dưỡng có calories, chất đạm, xơ, canxi, sắt, photpho…  Trang Health giới thiệu nhiều công dụng của măng cụt đối với sức khỏe:

Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư

Măng cụt chứa hàm lượng các xanthone (một hợp chất hóa học có hoạt tính chống oxy hóa) cao nhất trong các loại trái cây, có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư. Chất này được tìm thấy nhiều trong vỏ măng cụt, song do có vị đắng nên được kết hợp với một số vị khác để làm thuốc trong Đông y. Có thể dùng vỏ măng cụt sắc uống để trị tiêu chảy, kiết lỵ. Nước sắc dùng làm dung dịch rửa vệ sinh phụ nữ.

Chống lão hóa

Mọi người thường chọn cách nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng miễn dịch để chống chọi với các bệnh tật bằng một số loại thuốc bổ như vitamine C và E. Nghiên cứu cho thấy 2 vitamin này có nhiều trong măng cụt, do vậy các chuyên gia khuyên ăn măng cụt tốt hơn uống thuốc bổ. Mỗi tuần ăn từ 2 đến 3 lần măng cụt giúp chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Giúp tinh thần hưng phấn

Măng cụt chứa axit tryptophan liên hệ trực tiếp với serotonin mang lại giấc ngủ ngon, điều khiển tâm trạng và khẩu vị, cảm giác thư thái, hưng phấn tinh thần.

Giảm cholesterol, hạ huyết áp

Khi cholesterol xấu bị lão hóa sinh ra những mảng bám trong mạch máu. Các công trình nghiên cứu cho thấy, kháng thể xanthones trong măng cụt giúp làm giảm tác dụng gây lão hóa của cholesterol xấu và ngăn ngừa hình thành các mảng bám. Vì vậy, người bị bệnh cao huyết áp, tim mạch nên bổ sung loại trái cây này vào khẩu phần ăn.

Một số bài thuốc hay từ quả măng cụt

-  Tiêu chảy: Dùng vỏ măng cụt khô 24 g, hạt thì là mỗi thứ 2 g. Tất cả đem nấu lấy nước, uống 2 lần trong ngày.

- Lỵ: Dùng vỏ quả măng cụt 6 g, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa, mỗi thứ 8 g, trà xanh loại ngon 6 g, cam thảo, vỏ quýt, mỗi thứ 4 g, 3 lát gừng. Hoặc dùng 8 g vỏ quả măng cụt nướng thơm, rau má 10 g; rau dền tía, khổ sâm, gương sen, củ rối sao đen, vỏ lựu, mỗi vị 8 g, hạt cau già 6 g, cam thảo, vỏ quýt nướng, mỗi vị 4 g. Tất cả nấu lấy nước uống trong ngày.

Lưu ý: Bổ sung liên tục bất kỳ loại thảo dược nào trong thời gian dài đều không được khuyến khích và măng cụt cũng không ngoại lệ. Khi thấy các triệu chứng bệnh đã giảm thì nên ngưng sử dụng.


Thi Trân

Cần một trái tim biết thương xót theo thánh ý Chúa


Cần  một  trái  tim  biết  thương  xót  theo  thánh  ý  Chúa
(Chủ nhật - 24/07/2016-ĐGM Bui Tuan)



1.    Để là linh mục tốt, tôi cần rất nhiều điều. Theo tôi, điều cần nhất là có một trái tim biết thương xót. Nhờ đó, tôi mới có thể sống tốt điều răn mới mà Chúa Giêsu trao cho tôi : “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34).

Chúa dạy tôi bài học chung đó qua Phúc Âm và nhiều nguồn tu đức.

Chúa lại dạy riêng tôi bài học chung đó qua nhiều người và nhiều biến cố. Ở đây, tôi chỉ xin được nhắc qua vài kỷ niệm.



2.    Tôi dâng thánh lễ đầu tiên tại Long Phước thôn, Thủ Đức, ngày 11.7.1955.

Ngay trước thánh lễ, trong phòng mặc áo, cạnh bàn thờ, tôi quỳ xưng tội. Cha giải tội là cha Minh Đăng. Cha khuyên tôi một điều, mà tới bây giờ, tôi vẫn thấy rất đúng, rất cần. Ngài khuyên tôi đại khái: “Nguy hiểm nhất cho đời linh mục là trở thành vô cảm, chai đá mà không hay biết. Chúng ta hãy luôn xin Chúa cho mình được một trái tim biết thương xót. Biết thương Chúa và biết thương người. Biết xót xa trước cảnh khổ của con người, và cảnh khổ của Chúa trong lịch sử mình đang sống. Cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cũng dâng mình làm của lễ, để Chúa dùng, mà đánh thức lương tâm anh em linh mục. Của lễ sẽ phải chịu nhiều đau đớn, trong cuộc sống và trong cái chết”.

3.    Nhờ lời khuyên trên đây của cha Minh Đăng, hằng ngày tôi dâng thánh lễ bàn thờ như khởi đầu của thánh lễ cuộc đời, trong đó xin Chúa đốt trái tim tôi thành lửa tình yêu thương xót. Xin Chúa đốt lên lửa đó. Tôi rất cần lửa xót thương được đốt lên từ Chúa.

4.    Mấy ngày sau lễ thụ phong Giám mục (30.4.1975), trong một đêm, tôi ngủ mà như thức. Tôi chiêm bao gặp Chúa Giêsu.

Tôi đang đi một mình giữa cánh đồng bao la, trên con đường lớn, thì tôi thấy đàng xa một người đi trên bờ ruộng nhỏ, tiến về phía tôi.

Hai người gặp nhau. Tôi nhận ra ngay, đó là chính Chúa Giêsu. Người cầm tay tôi đi qua một thành phố đông đúc. Người dẫn tôi vào một bệnh viện, có vô số người nằm. Người vừa đi, vừa tỏ vẻ đau đớn chỉ cho tôi các bệnh nhân nằm la liệt. Ngài không nói lời gì. Nhưng tôi cảm được những đau đớn của Người và của các bệnh nhân. Tới một lúc, chính tôi cảm thấy đau đớn như không chịu nổi.

Tôi bừng thức dậy. Tôi hiểu ngay bài học Chúa dạy tôi về mục vụ, mà Chúa muốn tôi thực hiện. Đó là hãy biết cùng với Chúa, mà xót thương những con người đau khổ. Chính Chúa đốt lên lửa xót thương đó trong tôi.

Tôi hiểu Chúa muốn tôi và các mục tử hãy là những người có trái tim biết xót thương trước những đau khổ của con người hôm nay. Biết xót thương như Chúa xót thương.


5.     Càng đi sâu vào mục vụ giữa một lịch sử phức tạp như hiện nay, tôi thấy đau khổ, mà con người đang phải chịu, thuộc rất nhiều loại. Đau khổ nào của họ cũng cần xót thương. Nhưng Chúa dạy tôi có những đau khổ của họ đang gởi đến trái tim mục tử những lời kêu cứu tha thiết và khẩn cấp. Đau khổ đó là bị tội lỗi xiềng xích, khống chế, dẫn vào con đường diệt vong đời này và đời sau.

6.    Cứu họ là cả một mạo hiểm khó lường. Chỉ biết chắc là sẽ rất khó, khó lắm. Có lần, tôi đem vấn đề này trình bày với các vị, mà người ta cho là thánh sống, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Các ngài chỉ trả lời một cách chung chung là : Hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng, để biết phân định điều gì nên làm, điều gì không nên làm trong một tình hình cụ thể.

7.    Áp dụng lời khuyên đó, tôi dần dần hiểu : Nơi người mục tử, trái tim biết xót thương không phải chỉ do cảm tính, mà còn cần được soi dẫn bởi lương tri và ơn Chúa, để hợp với chân lý và thánh ý Chúa. Tôi hiểu điều này : Thánh ý Chúa là tôi cần làm điều Chúa sai tôi làm. Không phải hễ điều gì tốt đều nên làm, nên nói, bất cứ lúc nào, cách nào. Nhưng thánh ý Chúa là : Tôi cần làm điều đó đúng nội dung, đúng lúc, đúng cách, đúng nơi mà Chúa muốn.

8.     Để xót thương theo thánh ý Chúa một cách đích thực, tôi rất cần tỉnh thức. Bởi vì, tôi rất dễ dán nhãn hiệu XÓT THƯƠNG và THÁNH Ý CHÚA trên các việc tôi làm. Đang khi trước mặt Chúa, các việc tôi làm đó lại bị Chúa kết án. Tôi nhớ lại lời nghiêm khắc Chúa Giêsu nói xưa :

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

Trong những ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?

Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).

9.    Như thế, có nghĩa là : Cũng có nhiều người nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, nhưng lại bị Chúa gọi là : bọn làm điều gian ác. Đang khi họ lại khoe họ làm những việc đó nhân danh Chúa.

Những lời Chúa vừa dạy trên đây cảnh giác tôi hãy rất khôn ngoan trong việc thực thi các việc bác ái nhân danh Chúa.

Đúng là người mục tử rất cần có trái tim xót thương. Nhưng phải biết xót thương theo gương Chúa và đúng thánh ý Chúa.


Nguồn tin: cgvdt

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Nỗi khổ của người đàn ông chọn cứu mẹ trước cứu vợ

 Nỗi  khổ  của  người  đàn  ông  chọn  cứu  mẹ  trước  cứu  vợ
(Thứ ba, 26/7/2016-VnExpress.net)

Khi cơn lũ đổ về, Gao Fengtai (Trung Quốc) bị đặt vào tình thế phải lựa chọn.
 Mẹ, vợ hay con, ai quan trọng nhất với đàn ông?
Gao Fengtai sống ở làng Daxian, thuộc Hình Đài (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Tuần trước, biết tin có một trận mưa bão lớn, anh vội vã từ nơi làm việc trở về nhà để kiểm tra xem mẹ mình - người đang sống một mình - có sao không. Anh đậu xe trước cửa nhà mẹ 3 giờ nhưng chưa thấy có gì xảy ra. Mệt mỏi sau một ngày dài, anh trở về nhà và chìm vào giấc ngủ.

noi-kho-cua-nguoi-dan-ong-chon-cuu-me-truoc-cuu-vo
Anh Gao thất thần khi rơi vào tình thế khó xử sau cơn lũ.

Đến nửa đêm, vợ của Gao nghe thấy thông báo của làng về việc cơn lũ đang đến. Chị đánh thức chồng dậy. Anh Gao cuống cuồng chạy đến nhà mẹ. Sau khi giúp mẹ ổn định, anh trở về nhà để xem vợ đã chắn cửa chắc chắn chưa. Khi thấy cơn lũ ào đến, anh hét to bảo vợ đưa các con và bố anh (một người tàn tật) lên nóc nhà tránh lũ. Còn anh chạy ngay sang chỗ mẹ.

Chỉ có một mình, vợ Gao kéo hai đứa con và người bố chồng tàn tật lên mái nhà. Khi cơn lũ đi qua, vợ Gao quyết định rời khỏi nhà. Chị mang theo 2 đứa con, một bé trai 2 tuổi và bé gái 4 tuổi, cùng 2.000 nhân dân tệ.

"Cô ấy là người vợ tốt, cá tính mạnh mẽ và luôn chăm sóc cho bố mẹ tôi rất chu đáo", anh Gao nói trên tờ Shanghaiist.

Khi phóng viên hỏi lúc đó anh có thể cùng vợ đưa các con và bố lên mái nhà trước, sau đó mới đến giải cứu mẹ, anh trả lời: "Đó là điều không thể, tôi không chắc được ai là người tôi nên cứu đầu tiên".

"Tôi không biết được cô ấy đã suy nghĩ gì khi tôi đi cứu mẹ. Không cứu mẹ là đáng trách, nhưng để lại vợ một mình thì cũng không thể chấp nhận được. Tôi biết cô ấy đã thất vọng vì mình", anh nói thêm.

Người đàn ông này dự định đến nhà cha mẹ vợ cầu xin, dù không chắc vợ anh có tha thứ cho mình.

 noi-kho-cua-nguoi-dan-ong-chon-cuu-me-truoc-cuu-vo-1

Cơn lũ tàn phá ngôi làng của anh Gao, khiến nhiều người thiệt mạng.
Người dùng mạng Weibo đã thảo luận sôi nổi về trường hợp của anh Gao và câu hỏi nên cứu vợ hoặc cứu mẹ trước tiên.

"Chúng ta nên đặt mình vào vị trí của vợ anh ấy. Cô ấy không chỉ đang cứu con mà là cả bố chồng nữa, trong khi anh ta chỉ cứu mẹ mình. Nếu tôi là cô ấy, chắc chắn tôi sẽ rời khỏi anh ta. Ai có thể chấp nhận được một người chồng mà không thể dựa vào lúc nguy hiểm", một người nói.

"Tôi nghĩ anh ta là một người đàn ông ngu ngốc. Tại sao anh ta lại ở trong xe 3 giờ. Lúc đó anh có thể di dời mẹ đến một nơi an toàn và quay về hỗ trợ vợ con", một cư dân mạng khác bình luận.

Dù hiện tại vợ của anh Gao đã bỏ đi, nhiều người cho rằng anh vẫn còn may mắn. Bởi cơn mưa bão vừa qua đã khiến ít nhất 130 người ở Hồ Bắc thiệt mạng, riêng ngôi làng của Gao có 17 người.


Bảo Nhiên

Chọn ai, mẹ hay vợ?!



Chọn  ai,  mẹ  hay  vợ?!
Trần Mỹ Duyệt
(Riêng tặng các hiền mẫu trong Gia Đình Nazareth)


Ngồi nghĩ lại sau gần một năm xa mẹ, tôi thấy bồi hồi xúc động và cảm thấy thấm thía thân phận của một kẻ mồ côi. Mãi mãi tôi sẽ không bao giờ còn có mẹ, nhìn thấy mẹ, và nghe tiếng mẹ, lý do, mẹ tôi nay đã ra người thiên cổ. Chính vì vậy, mà mới đây trong một buổi gặp gỡ, khi nghe người bạn đưa ra một tiền đề tranh luận: “Giữa cha mẹ, vợ, và con, khi cần chọn một bạn chọn ai?” tôi tự nhiên thấy có một động lực thôi thúc cần phải viết lên để cho thấy rằng lý luận này rất thiếu nhân văn, chủ quan và làm mất đi giá trị, hình ảnh đẹp của tình mẫu tử, tình phu phụ, cũng như tình phụ tử.

Tư tưởng chọn mẹ, chọn vợ, hoặc chọn con tuy đã cũ lắm rồi, ai trong chúng ta cũng đã một lần được nghe nói đến và có lẽ cũng đã tham dự vào những cuộc tranh luận về đề tài này. Đối với những người đặt nặng hoặc coi trọng chữ hiếu thì việc chọn mẹ là một quyết định đúng. Họ cho rằng vợ chết có vợ khác, ngay cả khi bị vợ bỏ người ta cũng có thể kiếm được vợ khác, nhưng mẹ chết thì không có mẹ nào khác.

Với những người quan tâm đến chữ tình, thì chọn vợ là điều quan trọng. Mẹ già rồi đàng nào cũng sẽ qua đi, còn vợ thì phải sống với mình cho đến mãn đời. Vợ chồng đầu gối tay ấp. Hơn nữa, chính Chúa cũng đã phán bảo: “Đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một” (Sáng Thế 2:24). Lại nữa, trong lời thề hôn phối, hai kẻ yêu nhau phải gắn bó với nhau khi vui cũng như khi buồn, lúc mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau… Do đó, lúc chơi vơi giữa dòng nước cuốn, thì sự gắn bó, đòi hỏi ấy càng trở nên mãnh liệt cho quyết định “chọn vợ”.

Nhưng đối với tình mẫu tử thì hầu như các bà sẽ chọn con. Bởi vì dù có phải hy sinh tính mạng, người mẹ, đa số cũng không thể bỏ quên con mình. “Nước mắt chảy xuôi”. Dĩ nhiên, những đứa con được sinh ra vào đời là do tình yêu cha mẹ và do ân sủng của Thượng Đế nên dù gì đi nữa người cha, người mẹ cũng sẵn sàng hy sinh vì con mình. Mẹ chết vì tương lai của con, như Khái Hưng đã viết trong cuốn “Anh phải sống” rất đau lòng nhưng cũng đầy tình phu phụ, tình mẫu tử của một người vợ sẵn sàng hy sinh để chồng được sống mà nuôi con. Sau khi đã nhắc tên những đứa con, nàng liền buông tay chồng để cho dòng nước cuốn trôi nàng!

Ai cũng có những quan niệm, suy nghĩ và cái nhìn riêng tư. Kẻ chọn mẹ, người chọn vợ, người khác chọn con. Khi ý kiến đã đến hồi gây cấn, có người đã dùng đến thế giá của vài linh mục để biện minh và cho rằng khi cần quyết định sự chọn lựa giữa cha mẹ và vợ, người chồng phải chọn vợ, vì căn cứ vào lời Chúa…

Thật ra, ý kiến của một vài linh mục không phải là những tín điều, và là sự khôn ngoan bất biến. Nhưng ý kiến đó cũng chỉ mang tính cách lý thuyết và gợi ý. Ở một nghĩa nào đó, nhiều linh mục không có cái kinh nghiệm thiết thực về tình yêu cha mẹ, tình yêu vợ chồng, và tình yêu con cái. Bởi vì, họ là những người đã lìa xa gia đình có khi còn rất trẻ để theo đuổi một mục đích khác, một cuộc sống khác. Đời sống như vậy dĩ nhiên phần nào ảnh hưởng đến tình cảm, mặc dù họ vẫn yêu cha mẹ nhưng không phản ảnh đầy đủ kinh nghiệm của những người con ngày ngày sống gần gũi với cha mẹ. Ca dao Việt Nam có câu: “Xa mặt cách lòng”. Họ cũng là những người không có kinh nghiệm về yêu đương, về những gắn bó tình cảm, kể cả tình yêu sinh lý vợ chồng, nên chọn lựa của họ có thể là quá lý tưởng, hoặc không thực tế. Sau cùng, họ không có cái cảm giác và hạnh phúc của một người làm cha mẹ nên tầm nhìn của họ về con cái cũng phần nào phiến diện, nếu không muốn nói là lý thuyết.

Như vậy thì chọn ai, bỏ ai?
Cá nhân tôi, tôi không lựa chọn mẹ, vợ hoặc con. Thử hỏi trong khi một gia đình đang chèo thuyền dong chơi trên một dòng sông bất ngờ thuyền bị lật thì phản ứng đầu tiên là gì? Là giơ tay ra mà chộp được ai thì cứu sống người đó. Trong những trường hợp như thế phản ứng tự nhiên sẽ thay thế cho lý trí, vì còn giờ đâu mà suy nghĩ xem mình phải cứu ai, bỏ ai. Mà dù có cứu ai, có bỏ ai thì người ấy cũng là ruột thịt của mình. Nỡ lòng nào mà suy nghĩ, lựa chọn!

Ngoài ra, giữa mẹ, vợ và con, người ta không được dùng từ “chọn”. Dùng từ này đối với cha mẹ là bất xứng, và không thực tế. Thử hỏi có ai trên cõi đời này được chọn lựa người cha hoặc người mẹ mình bao giờ. Mà dù không được quyền chọn lựa, nhưng tình cảm cha con, mẹ con vốn đã là một tình cảm thiêng liêng nên sự gắn bó, thân thiết không cho phép người con chọn cho mẹ mình sống hay chọn để cha mình chết.

Người đời có thể chọn vợ, chọn chồng, chọn người yêu. Nhưng từ ngữ chọn ở đây cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Đúng hơn là sự đáp trả tiếng gọi của con tim. Và sau khi hai con tim đáp lại tiếng gọi của nhau, thì tình yêu như một phép mầu đã biến họ trở nên một xương và một thịt. Đã là một, thì không ai lại đang tâm chọn bỏ vợ hay chọn bỏ chồng trong những lúc thập tử nhất sinh. Sự chọn lựa này cũng đồng nghĩa với việc tự ý cắt đôi thân mình, bỏ đi một nửa và giữ lại một nửa. Một điều mà không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Sau cùng cả cha lẫn mẹ đều mong muốn có những người con, nhưng họ cũng không được phép hoặc có phép chọn những đứa con theo ý mình. Con cái đến với cha mẹ là do kết quả của tình yêu, và là một món quà của Thượng Đế ban cho. Như vậy, nếu cha mẹ không có quyền chọn lựa, thì cũng không có quyền bỏ đi.

Tóm lại, chọn lựa là một từ không thích hợp và không tương xứng với tình yêu, với thứ tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ với con cái, giữ vợ chồng với nhau mà ngôn ngữ tự nhiên không thể định nghĩa, phân tích một cách đầy đủ được. Và do đó, cũng không thể đem cân, đo, đong, đếm được. Vì thế, trong những hoàn cảnh xảy ra có ảnh hưởng đến những tình cảm thiêng liêng này, sự chọn lựa đúng nhất là theo bản năng sinh tồn và khả năng có thể dựa trên mỗi hoàn cảnh. Trong những lúc như vậy, không nên dừng lại ở lý luận, phân tích, hoặc giải đoán theo lý trí. Thí dụ, giữa mẹ, vợ và con khi gặp tai nạn mình có thể cứu ai được, và ai trong những người thuận tiện nhất, thích hợp nhất đối với khả năng, hoàn cảnh lúc bấy giờ. Hoặc nếu khả năng, tình thế cho phép, thì cứu người nào gần với mình nhất, rồi tùy khả năng, hoàn cảnh cứu người kế tiếp.

Mẹ, vợ, hoặc con phải cứu ai và chọn lựa ai? Có lẽ chúng ta không nên dùng những lý luận này vào những lối giải thích chủ quan vì làm như vậy sẽ đem lại sự tủi nhục, đau đớn cho cha mẹ là người đã cưu mang, sinh thành và dưỡng dục mình. Nó cũng làm cho người mà bây giờ đã trở thành nửa thân thể, nửa cuộc sống, và nửa hạnh phúc của đời mình phải đau lòng nhìn thấy sự vô cảm, sự coi thường tình yêu mà người đó đã dành cho mình. Và cũng làm cho người con mà mình đã sinh ra trong hạnh phúc, trong vui mừng, và cũng là máu thịt của chính mình phải cảm thấy bị coi thường như một đồ vật cho một lựa chọn.

Trên tất cả, tình yêu chính là yếu tố cho quyết định, và cũng chính tình yêu sẽ tăng thêm sức mạnh, sự khôn ngoan để ta biết phải làm gì trong những lúc như vậy. Những lý luận thuộc phạm vi lý trí chỉ là một mớ lý thuyết vô bổ mà mục đích của nó không đem lại gì ngoài sự buồn lòng cho những người mà chúng ta đem ra so sánh và chọn lựa.

Ngày Hiền Mẫu

8 tháng 5 năm 2016

CHUYỆN TÍCH TRỮ (CHÚA NHẬT XVIII TN, NĂM C)

CHUYỆN  TÍCH  TRỮ
( CHÚA  NHẬT  XVIII  TN,  NĂM  C)



Cuộc đời luôn có nhiều điều bất ngờ không thể biết trước, dù chỉ là dự đoán. Điều bất ngờ đáng sợ nhất là lúc chúng ta “gặp” tử thần – vị khách không ai mời mà vẫn tới. Thảo nào Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Với ít nhiều kinh nghiệm, ai cũng biết rằng cuộc sống luôn có nhiều bất trắc xảy ra bất kỳ lúc nào, không ai biết trước, dù chuyện to hay chuyện nhỏ. Vì thế người ta luôn phải cố gắng “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Về vật chất nên biết tiết kiệm, chứ không hà tiện, biết dè sẻn để tránh nợ nần. Biết “dự trù” vật chất như vậy là tốt – theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” chứ không nên “ăn xổi, ở thì” hoặc “vung tay quá trán”, nhưng có điều còn quan trọng hơn đó là phải biết tích trữ về tinh thần, tích trữ kho tàng nhân đức, như người ta thường nói là “sống để đức cho con cháu”.

Nhưng Chúa Giêsu lại khuyên: “Đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:31-34). Mâu thuẫn chăng? Chắc chắn Ngài không xúi dại chúng ta đâu!
Mở đầu sách Giảng Viên đã có lời nhận định của ông Cô-he-lét (Qohéleth): “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1:2). Càng lớn khôn thì người ta càng nhận biết đó là sự thật, và dù đó là sự thật buồn thì chúng ta cũng vẫn phải chân nhận. Thật vậy, ngay cả những gì chúng ta có cũng không thể mãi mãi là của mình.
Sách Giảng Viên nói rõ: “Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ” (Gv 2:21). Ngạc nhiên chưa? Không chỉ là phù vân mà còn là “đại họa”. Khủng khiếp quá! Vậy chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả chúng ta phải chịu dưới ánh mặt trời? Luống công vô ích ư? Sách Giảng viên xác nhận: “Đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:23).
Sự thật buồn ấy vẫn mãi mãi đúng là sự thật. Chính con người của chúng ta cũng chỉ là “đồ vay mượn”, thế nên chúng ta chẳng có gì để mà kiêu ngạo. Chúng ta được Thiên Chúa tạo nên từ cát bụi, rồi chẳng chóng thì chày, chúng ta cũng có lúc phải trở về cát bụi theo lệnh Chúa: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3). Có sống thọ cũng chỉ được trăm năm, mà cũng chỉ như cơn gió thoảng, tựa bóng câu qua cửa sổ, chẳng là gì cả! Trong khi đó: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:4). Vì thế, tác giả Thánh vịnh cho biết: “Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn” (Tv 90:5-6).
Thân phận bụi tro, sống nay chết mai, chúng ta rất cần Chúa, thế nên phải luôn kiên tâm cầu nguyện như tác giả Thánh vịnh: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca” (Tv 90:12-14).
Đồng thời chúng ta còn phải biết cầu xin được ơn nhận biết Chúa, nhận biết Đại Dương Tình Yêu, nhận biết Lòng Thương Xót bao la của Ngài: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm” (Tv 90:17). Sau những tháng ngày hoang đàng chi địa, Thánh Augustinô đã phải thốt lên: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Và thánh nhân đã khôn ngoan cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1-2). Khó lắm, chẳng dễ chút nào! Thật vậy, bay lên bao giờ cũng khó hơn lao xuống, lên dốc bao giờ cũng mệt hơn xuống dốc, vì thế mà phải cố gắng không ngừng.
Thánh Phaolô giải thích chi tiết: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:3-5). Rất rõ ràng, rất mạch lạc, rất chính xác. Điều xấu không cần học cũng biết, điều tốt cứ học mãi mà vẫn chẳng thông. Bạn tốt tìm đỏ mắt mà không gặp, bạn xấu thì nhan nhản, khỏi cần tìm đâu xa. Chất bổ dưỡng khó hấp thụ, chất độc lại dễ nhiễm dù cố gắng tránh.
Cũng vậy, biết rằng tập thể dục tốt cho sức khỏe, khả dĩ ngăn ngừa bệnh tật và trường thọ, thế mà có mấy ai kiên trì luyện tập, ba bữa nửa tháng là chán ngay. Lười vận động, nằm ì ra xem ti-vi, miệng nhâm nhi quà vặt, thoải mái thế nên đâu cần cố gắng, ấy vậy mà lên cân một chút lại la toáng lên, tìm thuốc trị. Muốn giữ sắc đẹp mà chiều xác thịt thì làm sao đẹp được? Đó là dạng ngẫu tượng hiện đại: Tôn thờ chính mình. Thiên Chúa luôn công minh và chính trực, đâu ra đó, không thiên vị ai. Luật tự nhiên là Luật Chúa!
Quả thật, chúng ta tham lam nhiều thứ lắm. Mà Thánh Phaolô bảo “tham lam cũng là thờ ngẫu tượng”. Chết thật! Thánh Phaolô còn nhắc nhở về dạng ngẫu tượng tinh thần và khuyên nhủ: “Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá để được ơn thông hiểu” (Cl 3:9-10). Ai đổi mới trong Đức Kitô thì không còn phân biệt hoặc kỳ thị bất kỳ thứ gì: “Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người (Cl 3:11). Vâng, tất cả mọi người đều bình đẳng, đều là thụ tạo của Thiên Chúa. Nói đến điều này là có liên quan vấn đề NHÂN VỊ, NHÂN PHẨM và NHÂN QUYỀN.
Thánh sử Luca kể rằng: Một hôm, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12:13). Người không trả lời trực tiếp mà hỏi lại: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12:14). Ai cũng gãi đầu và im như thóc thối. Rồi Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Một câu nói thấm thía quá, buốt thấu tận tủy xương. Như có lần Chúa Giêsu đã ví von thực tế: “Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Mt 24:28; Lc 17:27).
Sau đó, Người nói dụ ngôn này: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Chúng ta cũng thường tự nhủ như vậy. Giàu và nghèo đều có hai dạng: Vật chất hoặc tinh thần. Giàu vật chất thì dễ hiểu, nhưng mấy ai nghĩ mình giàu tinh thần? Giàu tinh thần ở đây không có nghĩa là giàu nhân đức, vì giàu nhân đức thì quá tốt, vấn đề là giàu các thói hư và tật xấu, đó mới là điều đáng sợ! Người giàu kiểu nào cũng tự mãn, tự nhủ và tự sắm đủ thứ để “hưởng thụ”.
Nhưng Thiên Chúa bảo: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12:20). Ky cóp cho cọp nó xơi. Tay trắng lại hoàn trắng tay. Thế mà người ta vẫn kèn cựa nhau, chà đạp lên nhau, thậm chí sát hại nhau, chỉ cốt sao mình có lợi! Có lần Chúa Giêsu xác định: “Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó” (Mt 6:21). Người Việt cũng thường nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Một khi “chạm” tới tiền bạc hoặc vật chất thì sinh muôn giống tội, ngay cả tình máu mủ cũng chỉ là “số không”. Thánh Phaolô phân tích: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng HAM MUỐN TIỀN BẠC, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10).
Cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:21). Thế thì tiêu! Và thật chí lý với câu tục ngữ Hán Việt: “Thiên thai lạc lối, thiên thu lạc đường”.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết tránh vướng bận vật chất, địa vị, chức quyền, danh vọng,... để có thể quyết tâm tích trữ kho tàng nhân đức. Chúng con làm vậy cũng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng thực sự ích lợi cho chúng con, cả hôm nay và ngày mai. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Những nguyên nhân gây béo phì ít ai ngờ tới

Những  nguyên  nhân  gây  béo  phì  ít   ai  ngờ  tới
(19/07/2016 Thanh Niên Online)


Một trong những tác dụng phụ của thuốc kháng sinh là làm tăng cân.

Hoá ra, không hẳn do ăn uống thiếu khoa học hay lười tập thể dục mới ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể, mà vấn đề cân nặng tăng lên vù vù còn do những lí do không ngờ sau.

Suy thoái kinh tế
Các nhà nghiên cứu Trường ĐH John Hopkins (Mỹ) thấy rằng giai đoạn từ 2008 - 2012, lúc tình hình suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng đã có tương quan mạnh với tỷ lệ thất nghiệp và làm tăng nguy cơ béo phì lên đến 21%. Lí do, kinh tế eo hẹp, người ta ít quan tâm đến sức khỏe hơn và cũng bắt đầu hạn chế chi tiêu cho các mục đích như mua sắm các thực phẩm xa xỉ hay đến các phòng tập chất lượng.

Gien
Theo Reader’s Digest, nếu một người mang trong mình gien béo phì thì khả năng hấp thụ chất béo của họ cao hơn nhưng hoạt động trao đổi chất thì chậm hơn người bình thường. Chính vì lẽ đó, một khi họ ăn ít đi hoặc nhịn ăn, do quá trình trao đổi chất chậm lại nên cơ thể họ không những không sử dụng mỡ thừa, tạo năng lượng nuôi cơ thể mà còn là nguyên nhân tích tụ lượng mỡ thừa, gây béo phì.
Đồng thời, do thiếu năng lượng để hoạt động khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, không hoạt động hiệu quả, dẫn tới thừa cân.

Ô nhiễm không khí
Ảnh hưởng của những chất gây ô nhiễm môi trường không chỉ dừng lại ở việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, mà còn gây ra béo phì. Một nghiên cứu do Đại học Duke (Mỹ) phát hiện những chuột tiếp xúc với không khí ô nhiễm nặng không chỉ có nhiều khả năng trở nên béo phì, mà còn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, và hội chứng chuyển hóa.



Thuốc kháng sinh
Kháng sinh là một trong những phép màu tuyệt vời của y học hiện đại, nhưng một vài loại thuốc chống nhiễm trùng có thể đem lại một số tác dụng phụ ngoài ý muốn, cụ thể là làm tăng cân. Sau khi các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch tiến hành theo dõi đồng thời 170.404 bệnh nhân mắc béo phì độ 2 và 1,3 triệu bệnh nhân không mắc bệnh, kết quả cho thấy nguy cơ mắc chứng béo phì ở mức cao nhất chính là những người dùng thuốc kháng sinh bảo vệ cơ thể chống lại một số loại vi khuẩn.
Lí do theo các nhà nghiên cứu, có thể là trong khi giết các vi khuẩn gây bệnh thì kháng sinh cũng tiêu diệt luôn các vi khuẩn cần thiết cho việc tiêu hóa thức ăn và dẫn đến tăng cân.

Thuốc trừ sâu
Viện Y học môi trường quốc gia Mỹ (NEH) 
Mỹ vừa kết thúc một nghiên cứu dài kỳ và phát hiện một số hóa chất trong thuốc trừ sâu được xem là thủ phạm gây tăng cân, béo phì ở con người.
Các nhà khoa học nhận thấy hóa chất trong thuốc trừ sâu can thiệp tới các hormone của hệ thống trao đổi chất trong cơ thể, cụ thể là nhóm thuốc trừ sâu Organochlorine và Carbamates (thường được dùng trong gia đình để diệt trừ sâu bọ, muỗi).

Nhiều người khi giảm cân thường muốn thử những phương pháp hay một điều gì đó mới mẻ để cải thiện vóc dáng. Thay đổi chế độ ăn là lựa chọn lý tưởng, vì một số loại thực phẩm có thể hỗ trợ giảm cân rất tốt.

Phụ gia thực phẩm
Chất phụ gia được sử dụng khá phổ biến trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. Một nghiên cứu mới của nhà vi trùng học Benoit Chassaing từ ĐH Georgia (Mỹ) tìm thấy các chất phụ gia làm ảnh hưởng đến hoạt động của vi khuẩn đường ruột, làm giảm khả năng kháng viêm nhiễm, gây ra hội chứng chuyển hóa và tăng cân.

Ngọc Khuê