Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng
và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu
(17)
(Wed, 29/06/2016 - Vũ Văn An)
V. Các Suy Nghĩ Của Hệ Thống (tiếp theo)
5. Trái Tim Chúa Giêsu mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa
Việc
mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa có nơi chốn cụ thể là Chúa Giêsu Kitô.
Nơi Người, Thiên Chúa đã chọn tất cả chúng ta từ thuở đời đời. Ai thấy Người là
thấy Chúa Cha (Ga 14:9). Thư gửi tín hữu Do Thái viết rằng: Người đã trở nên
giống chúng ta trong mọi sự, để Người có thể là thầy cả thượng phẩm đầy lòng
thương xót trước mặt Thiên Chúa (Dt 2:17). Người là tòa ơn thánh, mà ta lui tới,
một cách đầy tin tưởng, để tìm lòng thương xót và ơn thánh (Dt 4: 16). Là Con
nhập thể của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô là tòa thương xót (116).
Trong
nhiều thế kỷ, việc tôn sùng thánh tâm Chúa Giêsu đóng vai trò như một phát biểu
đức tin cách đặc biệt vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được mặc
khải nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngày nay, lòng sùng kính này đã trở nên xa lạ với
chúng ta nhiều cách khác nhau. Các nhấn mạnh mới mà phong trào phụng vụ đã đưa
ra cho lòng đạo đức cũng đã góp phần vào diễn tiến này. Nhưng việc trình bầy
thánh tâm Chúa Giêsu, như ta đã quen thuộc từ thế kỷ 18 và thế kỷ 19, cũng góp
phần làm giảm lòng sùng kính thánh Tâm Chúa. Vì các trình bầy này, vốn mô tả
Chúa Giêsu với một trái tim bị đâm thủng và thường được bao quanh bởi một mão
gai, bị chúng ta ngày nay coi là thiếu thận trọng, khiếm nhã và hào nhoáng.
Chúng cũng đáng bị nghi vấn về thần học vì chúng tập chú vào trái tim thể lý
của Chúa Giêsu, hơn là hiểu trái tin như là biểu tượng ban sơ và là tiêu điểm
của con người nhân bản, theo nghĩa toàn bộ (holistically) (117).
Một
cái nhìn vắn vỏi trở về với lịch sử lòng đạo đức cũng có thể phá đổ sự chú tâm
có tính giới hạn trên vào trái tim thể lý của Chúa Giêsu và giúp ta đi sâu một
lần nữa vào cốt lõi và ý nghĩa sâu xa của việc sùng kính trái tim Chúa. Để bắt
đầu, ta cần chứng minh rằng việc sùng kính trái tim Chúa Giêsu có gốc rễ trong
Thánh Kinh. Ta có thể đã thấy các gốc rễ này nơi lời hứa tìm thấy trong Sách Tiên
Tri Giacaria (12:10), câu mà Tin Mừng Gioan đã trích dẫn như sau: “Họ sẽ nhìn lên đấng họ đã đâm thâu”
(19:37). Trong lời tiên tri này, trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu tượng
trưng cho nhân tính của Chúa Kitô trong tính toàn diện của nó, một nhân tính đã
được hiến mình chịu chết vì chúng ta. Nhìn vào trái tim bị đâm thâu này, cùng
một lúc, sẽ giải thoát tầm nhìn để ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa nhập thể
nơi Chúa Giêsu. Ta tìm được những lời tốt đẹp sau đây nơi Thánh Bonaventura: “Qua các vết thương hữu hình ta thấy các vết
thương của tình yêu vô hình” (Per vulnus visibile vulnus amoris
invisibilis vedeamus) (118). Nơi trái tim Chúa Giêsu, ta nhận ra: Thiên
Chúa có một trái tim (cor) dành cho ta, những kẻ khốn cùng (miseri),
và do đó, theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, Người là Đấng hay thương xót (misericors).
Theo cách này, trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, một
tình yêu đã nhập thể nơi Chúa Giêsu Kitô.
Các
gốc rễ Thánh Kinh trên được khai triển từ từ trong lịch sử lòng đạo đức và
trong diễn trình khai triển này, đã kinh qua một số biến đổi không hẳn là không
có ý nghĩa. Kết quả không phải là những phát biểu chỉ có tính giáo dục. Chúng
có một nền tảng tín lý sâu sắc trong học lý cổ xưa của Giáo Hội về Chúa Giêsu
Kitô, một học lý vốn kết hợp cả Đông lẫn Tây Phương. Vì học lý của Giáo Hội vốn
tin chắc rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, là duy nhất
và như nhau. Theo nghĩa này, Giáo Hội đã nói tới một hypostasis duy nhất,
nghĩa là một ngôi duy nhất trong hai bản tính của Chúa Kitô. Từ xác quyết này,
Công Đồng Chung Êphêsô thứ ba (431) và Công Đồng Chung Constantinốp thứ hai
(553) đã kết luận rằng nơi Chúa Giêsu Kitô, chỉ một hành vi thờ phượng đơn nhất
cũng đủ cho cả thần tính và nhân tính của Người rồi, đến nỗi, việc thờ phượng
thần tính của Người không thể tách biệt khỏi việc thờ phượng nhân tính Người
(119). Do đó, việc thờ phượng (cultus latreiae) cũng phải có đối với
trái tim Chúa Giêsu hiểu như thành phần cấu tạo và là cốt lõi biểu tượng cho
nhân tính của Người (120). Dưới sự soi sáng của tín điều Kitô học nơi các công đồng
sơ khai, ta phải hiểu trái tim Chúa Giêsu, một trái tim từng chịu đau khổ vì ta
và vì phần rỗi của ta như là sự đau khổ của chính Con Thiên Chúa. Trái tim Con
Thiên Chúa đập và đau khổ trong trái tim Con Thiên Chúa nhập thể. Bởi thế, Đức
Piô XI đã có thể mô tả lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu như là bản tóm lược
của toàn bộ tôn giáo (121).
Muốn
hiểu lòng đạo đức đã lên khuôn việc sùng kính thánh tâm Chúa Giêsu ở thời các
giáo phụ ra sao, ta có thể dựa vào cuốn trình bầy toàn diện của Hugo Rahner
(122). Các giáo phụ tham chiếu lời Chúa Giêsu nói rằng từ trái tim Người, suối
nước trường sinh sẽ vọt ra (Ga 7:38). Các ngài giải thích câu quả quyết này
bằng cách lưu ý tới lời khẳng định theo đó máu và nước đã tuôn ra từ trái tim Chúa
Giêsu khi nó bị lưỡi đòng đâm thâu (Ga 19:34). Đối với các ngài, máu và nước có
ý nhắc đến hai bí tích căn bản của Giáo Hội là Phép Rửa và Phép Thánh Thể. Dựa
vào khởi điểm này, lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu thời các giáo phụ đã có
đặc điểm bí tích, nói cho chính xác hơn, đã có đặc điểm Thánh Thể rồi. Thánh
Augustinô giải thích việc mở trái tim Chúa Giêsu như sau: “ở đấy, cửa dẫn vào sự sống đã mở ra, từ đó, các bí tích của Giáo Hội
đã tuôn chẩy, mà không có chúng, ta không thể đạt tới sự sống vốn là sự sống
chân thật” (123).
Với
Thánh Bernard thành Clairvaux, ta thấy có việc quay lưng đối với nền huyền
nhiệm khách quan về Chúa Kitô của các giáo phụ để hướng tới một lòng đạo đức
nội tâm hóa chủ quan về Người. Thánh Bernard dựa vào Diễm Ca và giải thích nó
theo nghĩa tình yêu Thiên Chúa trở thành hữu hình nơi trái tim bị đâm thâu của
Chúa Giêsu (124). Lòng đạo đức chủ quan đối với Chúa Kitô này được trình bầy bằng
một hình ảnh nổi tiếng trong đó, Chúa Giêsu chịu đóng đinh đích thân từ thập
giá cúi xuống với Thánh Bernard. Thời cao điểm của Kinh Viện trung cổ, Thánh
Bonaventura đã đào sâu tư tưởng này về phương diện thần học. Ngài giải thích
vết thương ở cạnh sườn Chúa Giêsu như là vết thương của tình yêu vì bất cứ ai
đã yêu đều bị tình yêu làm cho bị thương (Dc 4:9). Do đó, trái tim đáng thương
và rất thường tẻ nhạt của ta có thể được bừng lửa như mới và rực cháy trở lại
nhờ sự nồng ấm của tình yêu nơi trái tim Chúa Giêsu. Tình yêu của Chúa Giêsu
cũng có thể làm trái tim ta bị thương, ấy thế nhưng ta không thể không yêu
thương trái tim của Người (125). Trên thực tế, Thánh Bonaventura quả có nói thế
này: “trái tim Chúa Giêsu trở nên trái
tim ta” (126).
Nền
huyền nhiệm có tính bản vị này về Chúa Kitô đã được khai triển hơn nữa trong
nền huyền nhiệm nữ giới thời trung cổ. Các nhà huyền nhiệm như Gertrude thành
Helfta, Mechthild thành Magdeburg, Mechthild thành Hackeborn, và nhiều vị khác,
do đó, đã thiết lập ra lòng đạo đức kính trái tim Chúa Giêsu, như ta đã biết
(127). Ta cũng tìm thấy lòng đạo đức này nơi Meister Eckhart, John Tauler và
Henry Suso. Thời cận đại, loại lòng đạo đức này đã được loan truyền rộng rãi nhờ
các thị kiến của Thánh Nữ Margaríta Alacoque tại Paray-le-Monial. Sau khai
triển này, Lễ thánh Tâm Chúa Giêsu đã được từ từ đưa vào lịch phụng vụ. Các Đức
Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô XI, Piô XII, Gioan Phaolô II và cuối cùng Bênêđíctô
XVI đã liên tiếp cổ vũ việc tôn sùng thánh tâm Chúa Giêsu. Các nhật ký của nhà
huyền nhiệm Ba Lan, Nữ Tu Faustina Kowalska, đã đem lại một thúc đẩy mới cho
lòng tôn sùng này. Đối với bà, lòng thương xót là thuộc tính lớn nhất và cao
nhất của Thiên Chúa và tượng trưng cho sự hoàn thiện của Thiên Chúa, tinh ròng
và đơn giản (128). Do những trải nghiệm khủng khiếp của thế kỷ 20, Đức Gioan
Phaolô II hiểu sứ điệp của bà như một sứ điệp quan trọng cho thế kỷ 21 (129).
Người
ta có thể có những ý kiến khác nhau về óc thẩm mỹ của các tranh ảnh vẽ trái tim
Chúa Giêsu trong mấy thế kỷ trước đây; họ cũng có thể có những ý kiến khác nhau
về bức ảnh vẽ trái tim của Người phát sinh từ thị kiến của Nữ Tu Faustina. Tuy
nhiên, các vấn nạn về óc thẩm mỹ như thế không nên làm ta không chú ý tới sự kiện
quan trọng hơn thế nhiều: việc sùng kính trái tim Chúa Giêsu thời cận đại đã
lan tràn khắp nơi trong bối cảnh Phong Trào Ánh Sáng, phong trào thế tục hóa và
cả cảm thức mỗi ngày một mạnh hơn cho rằng Thiên Chúa không hiện diện, thậm chí
đã chết rồi (130). Từ đó, bóng tối của Gôngôtha (Lc 23:44tt) đã phủ lên thế
giới như chiếc màn che khuất Thiên Chúa. Giữa đêm đen của đức tin suy tàn vào
Thiên Chúa này và giữa sự trì độn mỗi ngày mỗi gia tăng của thế giới cũng như
sự lãnh cảm đối với tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, ta có thể cảm
nghiệm được sự đau khổ của Thiên Chúa vì thế giới và tình yêu bất diệt của
Người đối với ta.
Nơi
trái tim bị đâm thâu của Con Người, Thiên Chúa chỉ cho ta thấy Người đã đi đến
cực điểm để, qua sự đau khổ đến chết của Con Người, Người mang lấy sự đau khổ
vô lường của thế giới, sự lạnh nhạt của ta, và trái tim không biết yêu của ta,
và tìm cách cứu chuộc chúng. Nhờ nước và máu chẩy ra từ trái tim bị đâm thâu
của Chúa Giêsu, ta được rửa sạch, trong Phép Rửa, khỏi mọi dơ bẩn vốn chồng
chất trong ta và trong thế giới; và trong Phép Thánh Thể, ta luôn có thể làm nguôi
cơn khát những điều không tầm thường như những điều bao quanh ta và, theo nghĩa
bóng, ta có thể thoả mãn cơn khát những điều không phải chỉ là “nước ngọt” được cung cấp cho ta tại đó.
Bởi thế, cùng với lời Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô của Thánh Inhaxiô thành
Loyola, ta có thể thân thưa: “Lạy máu
thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến Chúa. Lạy nước từ cạnh sườn Chúa Kitô,
xin rửa con thanh sạch”.
Hai
đoạn trong Tin Mừng Thánh Gioan có thể cung cấp cho ta một trình bầy sống động
về cái hiểu đổi mới của Thánh Kinh, của giáo phụ và của tín lý về lòng đạo đức
kính trái tim Chúa Giêsu, một lòng đạo đức rất thích ứng với các mẫn cảm thời
nay. Một đàng, có những tranh ảnh thời Trung Cổ vẽ về tình yêu của Chúa Kitô, mô
tả môn đệ yêu dấu đã tựa vào lòng Chúa Giêsu ra sao (Ga 13:23). Các tranh ảnh
này có thể minh họa rằng: giữa những băn khoăn lo lắng và náo động trên thế
giới, vẫn có một nơi để chúng ta tìm được yên tĩnh và bình an nội tâm. Một bức
tranh khác bắt nguồn từ cảnh Tông Đồ “Tôma
hay hoài nghi” gặp Chúa sống lại. Theo cảnh đó, Tông Đồ Tôma ưa hoài nghi
chỉ tìm lại được đức tin khi ngài đút được ngón tay vào vết thương ở cạnh sườn
Chúa Giêsu, một việc được vinh danh trong biến cố Phục Sinh (Ga 20:24-29). Cuộc
gặp gỡ này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ai hiện nay có nhiều câu hỏi hay
khốn khổ vì hoài nghi. Vì, theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều giống “Tôma hay hoài nghi” này. Giống ngài, ta
thường không muốn tin khi chỉ dựa vào lời nói của người khác. Bởi thế, cũng như
Thánh Tôma, ta chỉ tìm được đường vào đức tin trong một cuộc gặp gỡ đích thân
với Chúa sống lại. Giống Thánh Nữ Maria Mađalêna, ta không thể đụng tới thân
xác Người và đút ngón tay thể lý của ta vào vết thương mở rộng ở cạnh sườn
Người. Tuy nhiên, về phương diện thiêng liêng, trái tim bị đâm thâu của Chúa
Giêsu cũng có thể trở thành con đường để chúng ta ý thức được tình yêu của
Thiên Chúa, một tình yêu đã bị thương tích vì chúng ta. Blaise Pascal dường như
đã trực giác điều này, khi ông viết: “Đối
với tôi, hình như Chúa Giêsu chỉ cho phép đụng tới các vết thương của Người sau
khi Người sống lại. ‘Đừng đụng đến Ta’” (Ga 20:17) (131).
Ta
không nên có bất cứ luận bác nào chống lại lòng đạo đức đối với trái tim Chúa
Giêsu như trên, một lòng đạo đức tự nhiên phải được coi như một điều làm ấm
lòng, đúng hơn, như một điều gì thuộc tình cảm theo nghĩa tốt. Vì trái tim và
các xúc cảm đáng có một chỗ không thể thiếu trong lòng đạo đức. Nơi nào xúc cảm
đạo đức bị ngăn cấm, nơi ấy thứ xúc cảm vô trật tự và hoang dại mà ta thường thấy
ngày nay, sẽ chiếm chỗ. Ta không nên để các xúc cảm bị tước mất khỏi ta và ta
cũng nên xấu hổ vì chúng. Như Chúa Giêsu đã nói trong giới răn yêu thương
chính, tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi trọn bộ con người nhân bản với mọi sức mạnh
thể lý, tâm lý và tâm linh của họ (Mc 12:30 tt). Cuối cùng, lòng đạo đức đương
đầu với lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người tử sinh chúng ta, và tình
yêu thì luôn xúc động mạnh. Xét cho cùng, đây là vấn đề đích thân đối thoại với
Thiên Chúa. Đức Hồng Y Newman nói lên điều này theo hướng đó trong khẩu hiệu
dùng làm huy hiệu của ngài: Cor ad cor loquitur (lòng nói với lòng).
Cuộc
gặp gỡ đích thân này không nên nằm lại ở phạm vi hoàn toàn có tính bản thân; nó
cần tự mở ra với tất cả những ai đang đau khổ ngay cạnh ta và chung quanh ta.
Trong diễn trình chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, ta thực sự cảm
nghiệm được rằng Thiên Chúa quả yêu thương thế giới đến độ đã hiến Người Con duy
nhất của Người (Ga 3:16). Nhờ thế, ta được phép và có thể tham dự một cách
thiện cảm vào sự đau khổ của Thiên Chúa, và do đó, vào tình liên đới với tất cả
những ai đang đau khổ trong bóng tối và sự man rợ của thế giới hiện tại. Với
Chúa Giêsu, ta có thể lao mình vào đêm đen Gôngôtha của thế giới, cùng chịu
đựng nó với Chúa Giêsu và nhân danh rất nhiều người đang đau khổ vì nó cho tới
tận cùng. Là nhiệm thể của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, toàn thể Giáo Hội
tham dự vào cuộc thống khổ của Chúa Kitô trên thế giới. Theo Pascal, cuộc thống
khổ của Chúa Giêsu vẫn tiếp diễn cho tới tận cùng thời gian (132). Do đó, là
nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội có thể tham dự theo tính cách đại biểu vào sự đau
khổ của thế giới, đồng hành với nó một cáh đầy thiện cảm, và hoàn toàn mang lấy
nỗi đau của nó. Trong mỗi “đêm đen”
của thế giới, nhờ ngắm nhìn trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, ta đều biết
chắc chắn rằng nơi trái tim này, trái tim của Thiên Chúa đang đập vì thế giới
chúng ta. Trái tim của Thiên Chúa là trái tim của thế giới, là sức mạnh bên
trong của nó, và là niềm hy vọng hoàn toàn và trọn vẹn của nó (133). Nhờ thế, ta
có thể chịu đựng đêm đen của Thứ Sáu Tuần Thánh trong sự chắc chắn sẽ thấy bình
minh mới và trường cửu của Ngày Phục Sinh. Đây là sự chắc chắn mà không điều
gì, cả sự sống lẫn sự chết, sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên
Chúa trong Chúa Giêsu Kitô (Rm 8:35-39).
Kỳ
sau: 6. Thiên Chúa, Đấng chịu đau khổ với chúng ta một cách đầy thương xót
____________________________________________________________________________________
(116) Scheeben, Handbuch der katholischen Dogmatik, 2:266.
(117) Xem Karl Rahner, “Some Theses for a Theology of Devotion to the Sacred Heart” trong Theological Investigations cuốn 3, bản dịch của Karl-H. và Boniface Kruger (Baltimore: Helicon, 1967), 331-52; Joseph Ratzinger, Behold the Pierced One: An Approach to a Spiritual Christology (San Farncisco: Ignatius Press, 1986), 51-56.
(118) Thánh Bonaventura, Cuộc Hành Trình tới Thiên Chúa của Tâm Trí, III, 5. J. Ratzinger nhắc đến câu này trong Behold the Pierced One, 53.
(119) Denzinger, Enchiridion, 259, 431.
(120) Đức Piô XII trình bầy luận điểm này một cách chi tiết trong thông điệp năm 1956 của ngài Haurietis Aquas (“Về Việc Tôn Sùng Thánh Tâm”). Gần đây hơn, J. Ratzinger cũng như L. Scheffczyk đã nhấn mạnh tới bối cảnh của lòng tôn sung này trong lịch sử học lý: J. Ratzinger, Behold the Pierced One, 51-69 và L. Scheffczyk, “Her Jesu II”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 5:53tt.
(121) Đức Piô XI, Miserentissimus Redemptor (1928)
(122) Hugo Rahner, Symbole der Kirche, 177-235.
(123) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 120,2.
(124) Thánh Bernard thành Clairvaux, Commentary on the Song of Songs, 61,4.
(125) Ibid.
(126) Thánh Bonaventura, Vitis Mystica, III, 4.
(127) Karl Richtstatter, Die Herz-Jesu-Verehrung des deutschen Mittelalters: Nach gedruckten und ungedruckten Quellen dargestellt (Paderborn: Bonifacius, 1919).
(128) Tagebuch der Schwester Maria Faustina Kowalska (Hauteville: Parvis Verlag, 1993).
(129) Xem chương I.
(130) Đặc biệt Karl Rahner đã chỉ rõ hiện tượng này: “Some Theses for a Theology of Devotion to the Sacred Heart”, 339-40.
(131) Pascal, Pensées, 323.
(132) Ibid. 313.
(133) Balthasar, Heart of the World, bản dịch của Erasmo S. Leiva (San Francisco: Ignatius, 1979).
____________________________________________________________________________________
(116) Scheeben, Handbuch der katholischen Dogmatik, 2:266.
(117) Xem Karl Rahner, “Some Theses for a Theology of Devotion to the Sacred Heart” trong Theological Investigations cuốn 3, bản dịch của Karl-H. và Boniface Kruger (Baltimore: Helicon, 1967), 331-52; Joseph Ratzinger, Behold the Pierced One: An Approach to a Spiritual Christology (San Farncisco: Ignatius Press, 1986), 51-56.
(118) Thánh Bonaventura, Cuộc Hành Trình tới Thiên Chúa của Tâm Trí, III, 5. J. Ratzinger nhắc đến câu này trong Behold the Pierced One, 53.
(119) Denzinger, Enchiridion, 259, 431.
(120) Đức Piô XII trình bầy luận điểm này một cách chi tiết trong thông điệp năm 1956 của ngài Haurietis Aquas (“Về Việc Tôn Sùng Thánh Tâm”). Gần đây hơn, J. Ratzinger cũng như L. Scheffczyk đã nhấn mạnh tới bối cảnh của lòng tôn sung này trong lịch sử học lý: J. Ratzinger, Behold the Pierced One, 51-69 và L. Scheffczyk, “Her Jesu II”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 5:53tt.
(121) Đức Piô XI, Miserentissimus Redemptor (1928)
(122) Hugo Rahner, Symbole der Kirche, 177-235.
(123) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 120,2.
(124) Thánh Bernard thành Clairvaux, Commentary on the Song of Songs, 61,4.
(125) Ibid.
(126) Thánh Bonaventura, Vitis Mystica, III, 4.
(127) Karl Richtstatter, Die Herz-Jesu-Verehrung des deutschen Mittelalters: Nach gedruckten und ungedruckten Quellen dargestellt (Paderborn: Bonifacius, 1919).
(128) Tagebuch der Schwester Maria Faustina Kowalska (Hauteville: Parvis Verlag, 1993).
(129) Xem chương I.
(130) Đặc biệt Karl Rahner đã chỉ rõ hiện tượng này: “Some Theses for a Theology of Devotion to the Sacred Heart”, 339-40.
(131) Pascal, Pensées, 323.
(132) Ibid. 313.
(133) Balthasar, Heart of the World, bản dịch của Erasmo S. Leiva (San Francisco: Ignatius, 1979).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét