Lòng thương xót,
Fri, 15/07/2016 - Vũ
Văn An
VII. Giáo Hội được cân đo bằng lòng thương xót
1. Giáo Hội: Bí tích tình yêu và lòng thương xót
Giới
răn thương xót không những áp dụng cho các Kitô hữu cá thể, mà còn cho Giáo Hội
như một toàn thể nữa. Giống trường hợp Kitô hữu cá thể, giới răn đòi Giáo Hội
phải có lòng thương xót đặt cơ sở trên hữu thể Giáo Hội như nhiệm thể Chúa
Kitô. Do đó, Giáo Hội không phải là một thứ cơ quan xã hội hay bác ái; trong tư
cách nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội là bí tích của sự hiện diện liên tục và hữu
hiệu của Chúa Kitô trong thế giới. Trong tư cách ấy, Giáo Hội là bí tích của
lòng thương xót. Giáo Hội là bí tích này trong tư cách “Chúa Kitô toàn diện”, nghĩa
là Chúa Kitô làm đầu và làm chi thể. Như thế, Giáo Hội gặp gỡ chính Chúa Kitô
ngay trong các chi thể của mình và trong các người đang cần sự giúp đỡ. Giáo
Hội giả thiết phải làm cho Tin Mừng thương xót, vốn là chính Chúa Giêsu Kitô
bằng người, trở thành hiện diện, qua lời nói, bí tích, trọn đời sống mình trong
lịch sử, và đời sống các Kitô hữu cá thể. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng là đối tượng
của lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thân thể Chúa Kitô, Giáo Hội được Chúa Giêsu
Kitô cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội chứa đựng người tội lỗi trong lòng mình và, do
đó, cần được thanh tẩy đi thanh tẩy lại ngõ hầu hiện diện ở đó tinh tuyền,
thánh thiện (Ep 5:23, 26tt). Thành thử, Giáo Hội phải luôn tự hỏi mình một cách
phê phán xem liệu mình có sống thực điều mình là và nên là không. Ngược lại,
như Chúa Giêsu Kitô đã làm, chúng ta cũng thế, chúng ta giả thiết phải xử lý
các lỗi lầm và thiếu sót của Giáo Hội, không theo cách tự cho mình là đúng,
nhưng theo cách thương xót. Tuy thế, ta phải hiểu rõ điều này: Giáo Hội nào không
có đức ái và lòng thương xót thì không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nữa.
Các
phát biểu nền tảng liên quan tới yếu tính và sứ mênh của Giáo Hội, sự thánh
thiện của Giáo Hội và nhu cầu phải canh tân liên tục không thể được biện minh
hay khai triển chi tiết ở đây được. Việc này cần phải được làm với một học lý
của Giáo Hội, mà chúng ta giả thiết đã có trước bối cảnh hiện nay của chúng ta
(1).
Dây
nối kết nội tại giữa đức ái và Giáo Hội, hay nói cho chính xác hơn, giữa đức
ái/lòng thương xót và tính hợp nhất của Giáo Hội đặc biệt trở nên rõ ràng trong
một bản văn của Thánh Augustinô. Ngài nhắc tới bài ca tình yêu trong 1Cr 13:
“nếu tôi không có tình yêu, tôi không là gì cả”. Về phương diện này, ngài hiểu
tình yêu, không những theo nghĩa cá thể như công việc của các Kitô hữu cá thể,
mà còn theo nghĩa Giáo Hội như yếu tố hợp nhất Giáo Hội. Thành thử, các việc
làm của tình yêu, việc bố thí, cả đức đồng trinh, thậm chí tử đạo nữa sẽ không
có một giá trị nào bên ngoài tình yêu trong Giáo Hội và bên ngoài cộng đồng
Giáo Hội. Không có cộng đồng tình yêu này, dây gắn bó hợp nhất sẽ bị xé nát và
các việc làm tốt giống như cành lá bị cắt khỏi cây nho (2). Do đó, để trả lời
nhóm ly giáo Đônatô, Thánh Augustinô liên tiếp nhấn mạnh điểm này: không có
tình yêu và bên ngoài cộng đồng Giáo Hội, mọi điều khác không là gì cả (3).
Các phát biểu sau đây, trong nền tảng, luôn luôn đúng: đức ái và lòng thương xót không phải là bổn phận tư riêng của các Kitô hữu cá nhân; đức ái và lòng thương xót trong Giáo Hội cũng phải chỉ là các hành vi phục vụ xã hội, giống như nhiều dịch vụ khác hiện nay. Đúng hơn, chúng có chiều kích Giáo Hội; xét về yếu tính, chúng thuộc cộng đồng Giáo Hội, đức tin Giáo Hội, và thuộc sự hợp nhất sống động của Giáo Hội.
Mặt
khác, ngày nay, khi nghĩ đến phong trào đại kết, chúng ta khó có thể nói lại
các phát biểu trích từ Thánh Augustinô, vốn được rút ra từ cuộc tranh luận của
ngài với ly giáo Đônatô. Chúng ta phải hiểu các lời lẽ đó cùng với những phát
biểu khác mà Thánh Augustinô đã đưa ra trong cùng một bối cảnh. Trong đó, ngài
nói rằng nhiều người chỉ ở trong Giáo Hội một cách hời hợt, nhưng tâm hồn họ
thì ở bên ngoài Giáo Hội; trong khi ấy, nhiều người ở ngoài Giáo Hội nhưng tâm
hồn họ thì ở bên trong Giáo Hội (4). Chỉ làm chi thể bề ngoài mà thôi không đủ.
Người ta phải thuộc về Giáo Hội với cả cõi lòng của mình, nghĩa là, sống bằng
Chúa Thánh Thần, có tinh thần yêu thương. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy lòng
yêu thương này ở bên ngoài, nơi những người không thuộc Giáo Hội hữu hình.
Công
đồng Vatican II đã tiếp thu các suy nghĩ trên. Công đồng thừa nhận rằng Giáo
Hội Công Giáo quả có sự viên mãn trong các phương thế cứu rỗi, nhưng Chúa Thánh
Thần vẫn hành động trong nhiều hồng ân thiêng liêng ở bên ngoài các biên giới
hữu hình của Giáo Hội này (5). Cũng có những việc yêu thương và thương xót ở
bên ngoài Giáo Hội Công Giáo nữa. Trong nhiều cách, ta có thể lấy những người
không phải là Công Giáo, thậm chí không phải là Kitô hữu, làm mẫu mực về phương
diện này và học hỏi nơi họ. Ngược lại, những người thuộc Giáo Hội hữu hình phải
cố gắng hết sức để sống thực tình yêu Giáo Hội và làm tình yêu này trở thành
hiển hiện qua các hành vi thương người phần hồn và phần xác.
Do
đó, sứ điệp thương xót có nhiều hậu quả không những đối với đời sống các Kitô
hữu cá nhân, mà cả đối với giáo huấn, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội nữa
(6). Một trong những kết án nặng nề nhất có thể nêu lên và thực tế đã từng được
nêu lên chống lại Giáo Hội là định chế này không làm điều mình công bố với
người khác. Thực vậy, nhiều người cảm nhận Giáo Hội quá cứng ngắc, thiếu lòng thương
xót. Vì lý do này, lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan
XXIII đã nói rằng trước hết, Giáo Hội phải dùng thuốc thương xót (7). Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận lời tuyên bố này trong thông điệp Dives in
Misericordia của ngài và dành cả một chương cho chủ đề “Lòng Thương Xót
của Thiên Chúa trong Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Ngài nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của
Giáo Hội là làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa (8).
Việc
trên có thể diễn ra ba cách: Giáo Hội phải công bố lòng thương xót của Thiên
Chúa; Giáo Hội phải cụ thể cung cấp cho dân lòng thương xót của Thiên Chúa
trong bí tích thương xót, tức bí tích hòa giải; và Giáo Hội phải để cho lòng
thương xót của Thiên Chúa xuất hiện và được thể hiện trong các cơ cấu cụ thể,
trong trọn đời sống và thậm chí trong các luật lệ của nó.
2. Công bố lòng thương xót
Nhiệm
vụ thứ nhất của Giáo Hội là công bố sứ điệp thương xót. Trong tình thế hiện
thời, trong đó, nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu, Giáo Hội
không được để mình bị đẩy qua bên lề hay bị dành cho những địa điểm hạng nhì để
công bố sứ điệp này. Giáo Hội cần phải xốc tới tâm điểm sứ điệp của Tin Mừng và
biến sứ điệp Thiên Chúa hay thương xót thành tập chú của mình. Do đó, Giáo Hội
phải công bố, không phải một Thiên Chúa nhạt nhẽo, mơ hồ, hoặc có tính tôn giáo
chung chung và trừu tượng kiểu triết lý, cũng không thể nói một cách tầm phào
về một “Thiên Chúa dấu yêu” kiểu bọc đường hoặc khiến người ta lo lắng với những
câu truyện về một Thiên Chúa ưa phán xử và trừng phạt. Bằng các thánh vịnh,
Giáo Hội phải ca ngợi lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa và công bố Người
như “Người Cha của mọi thương xót và là Thiên Chúa của mọi ủi an” (2 Cr 1:3),
“Đấng giầu lòng thương xót” (Ep 2:4). Giáo Hội phải thuật lại lịch sử cụ thể
của việc Thiên Chúa tương tác với dân của Người, như đã chứng thực trong cả Cựu
lẫn Tân Ước. Giáo Hội phải trình bầy lịch sử này, như Chúa Giêsu đã trình bầy trong
các dụ ngôn của Người, và làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng đã rạch ròi mạc khải
lòng thương xót của Người trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.
Trong
công bố của mình, Giáo Hội phải chứng tỏ rằng lịch sử các chứng cớ về lòng
thương xót của Thiên Chúa là một lich sử chân thực đối với chúng ta và các
người nghe khác của thời nay (xem Lc 4:21). Theo một nghĩa nào đó, lịch sử cứu
rỗi của thời đó trở thành lịch sử cứu rỗi của thời nay và do đó, trở thành lịch
sử đời sống ta hiện nay. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, ta tìm được một điển hình
trong Thánh Kinh nói về một công cuộc phúc âm hóa như thế đối với ngày nay. Thư
này được viết trong một hoàn cảnh trong đó, sự phấn khích lúc ban đầu đã vơi
đi, và mối nguy nhiều người sẽ sa ngã là một điều có thực. Trong một hoàn cảnh
như thế, một hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh chúng ta ngày nay, chữ “ngày nay”
hay “hôm nay” này được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hôm nay, khi các bạn nghe
tiếng Người, đừng cứng lòng nữa” (Dt 3:7-8; xem 15); “hãy khuyên bảo nhau mỗi
ngày bao lâu còn được gọi là ngày ‘hôm nay’” (3:13). Vì trong lòng thương xót
của Người, Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần nữa ngày ‘hôm nay’” (4:7).
Sứ
điệp về Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, mà hôm nay đã trở thành sống
động, nhận được tính liên quan của nó một cách đặc biệt trong bối cảnh tân phúc
âm hóa, một bối cảnh không lưu tâm tới việc hội nhập hoặc chế biến rẻ tiền theo
thời trang và tính khí thời nay (9). Tân phúc âm hóa không thể công bố một tân
tin mừng, nhưng là làm cho tin mừng duy nhất và trước sau như một trở thành
hiện thời trong hoàn cảnh mới. Là những nhà rao giảng, chúng ta chỉ có thể đánh
động được tâm hồn người nghe nếu biết nói về Thiên Chúa một cách cụ thể, dưới
ánh sáng của chính những khốn khó và đau buồn của họ, và giúp họ khám phá ra
Thiên Chúa thương xót ngay trong cuộc sống của họ. Trong diễn trình này, chỉ
phê phán thế giới hiện đại và con người hiện thời, trong đó có chúng ta, là
điều không ích lợi chi. Ta phải lưu tâm tới hoàn cảnh hiện nay một cách thương
xót và nói rằng, vượt trên sương mù và sự ảm đạm của thế giới chúng ta, dung
nhan từ bi thương xót của Cha chúng ta vẫn luôn trổi vượt; Người là Đấng nhẫn
nại và nhân hậu, Người biết và yêu thương mỗi cá nhân, và Người biết ta cần gì
(Mt 6:8, 32).
Tân
phúc âm hóa có thể nói với những ai đang xa lìa Thiên Chúa và Giáo Hội rằng
Thiên Chúa là Đấng gần gũi với họ một cách nhân hậu và đầy thương xót, ngay cả
khi họ tưởng họ xa lìa đối với Người, và giống hệt người cha trong dụ ngôn đứa
con trai hoang đàng, chạy ra gặp đứa con này, Thiên Chúa cũng đang chờ mong họ
để nghinh đón họ trở về và tái lập họ làm con theo quyền của họ (xem Lc 15:20-24).
Như người Samaria tốt lành, Thiên Chúa cũng nâng họ dậy như thể từ ven đường,
cúi xuống với họ, và băng bó các vết thương cho họ (Lc 10:30-35). Giống người
chăn chiên lành, Người đi tìm họ, khi họ đi lạc và vướng vào bất cứ bụi rậm
nào, và khi tìm thấy, bèn vác lên vai và hân hoan đem họ trở về với cộng đoàn
Kitô hữu. Chúng ta có thể trấn an những người xa lạc nhưng lại là những người
thường gần gũi hơn họ tưởng, rằng trên trời vui mừng với một người tội lỗi ăn
năn hơn là với chín mươi chín người công chính, không cần phải ăn năn (xem Lc
15:3-7).
Khi
làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội không những công bố sự
thật sâu xa nhất của Thiên Chúa, mà còn công bố cả sự thật sâu xa nhất về con
người nhân bản nữa. Vì sự thật sâu xa nhất về Thiên Chúa là sự thật này: Người
là tình yêu tự cho đi và sẵn sàng tha thứ lần nữa (1Ga 3:8, 16). Sự thật sâu xa
nhất về con người nhân bản là sự thật này: vì tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng chúng
ta một cách tuyệt diệu, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng
ta tự tách xa ra khỏi Người, Người luôn thương xót tái lập chúng ta và phẩm giá
chúng ta một cách còn tuyệt diệu hơn nữa (10). Người xuống thế với chúng ta một
cách hạ mình hết sức để nâng chúng ta lên với Người và kéo chúng ta lại gần
trái tim Người. Ở đấy, cuối cùng, chúng ta tìm được sự nghỉ ngơi và bình an.
Thánh Augustinô bắt đầu cuốn Tự Thú của ngài sau một đời thao thức bằng cách
nói rằng “Ngài khiến chúng con mừng vui khi ca ngợi Ngài; vì Ngài đã nặn nên
chúng con cho Ngài, và trái tim chúng con sẽ thao thức cho tới khi tìm được
nghỉ ngơi nơi Ngài” (11).
Chúng
ta chỉ có thể công bố sứ điệp về Thiên Chúa thương xót một cách khả tín khi
ngôn từ của chúng ta được lên khuôn bởi lòng thương xót. Ta nên dấn thân vào
một cuộc tranh luận với những kẻ đối nghịch Tin Mừng, mà ngày nay rất đông,
cũng như ngày xưa vậy, luôn kiên định trong chính nghĩa của mình, nhưng không
xùi bọp mép theo nghĩa luận chiến, cũng không lấy oán báo oán. Dưới ánh sáng
Bài Giảng Trên Núi, trả đũa đối thủ mình không phải là tác phong được Giáo Hội
biện minh. Ngay trong các cuộc tranh luận với các địch thủ, không phải luận
chiến nhưng đúng hơn là cố gắng nói sự thật một cách yêu thương và hành động
theo chiều hướng này phải xác định ra cung cách nói năng của ta (Ep 4:15).
Thánh Chrysostom dạy: ta phải lâm chiến cho sự thật một cách cương quyết, nhưng
không ngược với đức ái (12). Do đó, Giáo Hội không được quở trách cử tọa của
mình từ trên cao trong cung cách ta đây biết hết. Chỉ nhìn thế giới ngày nay
một cách tiêu cực, như một hiện tượng suy đồi, là không công bằng và bị coi là
không công bằng. Giáo Hội nên trân trọng các quan tâm chính đáng của con người
hiện nay và sự tiến bộ của nhân loại đang diễn ra thời hiện đại, và xử lý một cách
đầy thương xót các nan đề và các vết thương của họ.
Lòng
thương xót mà không có sự thật sẽ là một sự an ủi không chân chính; nó có thể
chỉ là một hứa hẹn trống rỗng và, xét cho cùng, chỉ là một chuyện tầm phào sáo
rỗng. Ngược lại, sự thật mà không có lòng thương xót chỉ là môt sự thật lạnh
lùng, thô bạo, và gây thương tích. Chúng ta không thể công bố sự thật theo khẩu
hiệu “chìm hay bơi”. Sự thật không như chiếc khăn ướt chúng ta dùng chấm quanh
tai người ta; nó như chiếc áo khoác nhiều hơn, mà ta dùng khoác vào người ta để
họ được ấm áp và được che chở khỏi thời tiết độc hại.
Về
phương diện trên, ta cần phải có một giọng điệu mới và một phong thái đối thoại
mới. Phong thái luận chiến mà ta đã thấy ở một số trường hợp trong Tân Ước
(13), thường lại hay có nơi các giáo phụ. Thần học tranh biện (controversial
theology [*]) đôi khi không có đặc điểm công bằng, khách quan, và biết sẵn sàng
nghe và hiểu người khác. Tương phản với nó, Công Đồng Vatican II đã bỏ phiếu
cho một phong thái đối thoại mới. Phong thái này không hề nhằm tương đối hóa sự
thật hoặc che đậy các phản đề hiện có. Cuộc đối thoại nào không quan tâm tới sự
thật thì không xứng danh đối thoại. Hiểu cho đúng, đối thoại giả thiết phải có
một tâm hồn biết lắng nghe và biết lắng nghe nhau. Nó có nghĩa phải hỗ tương
xác minh sự thật và tiến tới việc trao đổi, sẵn sàng hiểu sự thật để có thể
tiến tới một thỏa thuận chung trong sự thật, bao nhiêu có thể, nhưng nếu một
thỏa thuận như thế không thể đạt được, thì phải trung thực nói rằng mình thỏa
thuận để bất đồng (14). Cần phải nói sự thật trong yêu thương. Chỉ khi ấy, sự
thật mới lôi cuốn và có tính thuyết phục; chỉ khi ấy, nó mới được hiểu và được
chấp nhận như là sự thật cứu rỗi.
Kỳ
sau: 3. Thống Hối: Bí Tích Thương Xót
____________________________________________________________________________________________________________
[*] Thần học tranh biện là nền thần học bênh vực giáo huấn của Giáo Hội chống lại các phản bác.
____________________________________________________________________________________________________________
[*] Thần học tranh biện là nền thần học bênh vực giáo huấn của Giáo Hội chống lại các phản bác.
(1)
Xem Walter Kasper, Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung
(Freiburg i.Br.: Herder 2011), 126-29, 190-96, 247-54.
(2) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 13, 15-17; xem 6, 23.
(3) Thánh Augustinô, "Về Phép Rửa", I, 8,10 v.v...
(4) Thánh Augustinô, "Về Phép Rửa", VI, 28, 39. Xem Lumen Gentium, 14.
(5) Lumen Gentium, 15; Unitatis Redintegratio, 3.
(6) Karl Bopp, Barmherzigkeit im pastoralen Handeln der Kirche: Eine symbolische-kritische Handlungstheorie zur Neuorientierung kirchlicher Praxis (Munich: Don Bosco Verlag, 1998); Paul M. Zulehner, Gott ist Grӧẞer als unser Herz (1John 3, 20): Eine Pastorale des Erbarmens (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006).
(7) Đức Gioan XXIII, "Diễn Văn Khai Mạc Công Đồng Vatican II" trong The Documents of Vatican II, do Walter M. Abbott hiệu đính (New York: Guild Press, 1966), 716.
(8) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 7.
(9) Căn cứ vào bản chất của nó, chương trình cổ vũ tân phúc âm hóa không mới mẻ gì. Liên tiếp trong lịch sử Giáo Hội, vẫn đã có những nhà giảng thuyết và các phong trào gây kích động kêu gọi người ta thống hối, hồi tâm, và đổi mới. Thời gian sau Công Đồng Trent, các kỳ đại phúc (giảng phòng) bình dân và sau đó các kỳ đại phúc vùng và đô thị, đã chứng tỏ là các khí cụ có giá trị để đạt mục đích này. Trong những thời gần đây hơn, người ta có thể nghĩ tới Kỳ Đại Phúc Pháp và Kỳ Đại Phúc Paris. Từ thời Công Đồng Vatican II, tông thư Evangelii Nuntiandi (1975) của Đức Phaolô VI và thông điệp Redemptoris Missio các số 32-38 (1990) của Đức Gioan Phaolô II đã có tính quyết định. Đức Bênêđíctô XVI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng chuyên lo việc Tân Phúc Âm Hóa và chính ngài triệu tập một thượng hội đồng giám mục về chủ đề này vào mùa thu năm 2012. Liên quan đến đề tài này, xem: Walter Kasper, "Neue Evangelisierung als theologische, pastorale und geistliche Herausforderung" trong Das Evangelium Jesu Christi (Freiburg i.Br.: Herder, 2009) nhất là các trang 284-91.
(10) Lời Nguyện Thánh Lễ thứ ba lúc ban ngày của Lễ Giáng Sinh.
(11) Thánh Augustinô, Tự Thú, I, 1.
(12) Thánh John Chrysostom, Chú Giải Thư gửi Tín Hữu Rôma, 2.
(13) Điều này đúng liên quan tới cách trình bầy của Tân Ước về Biệt Phái. Nó càng đúng hơn khi nói tới cách Thư thứ hai của Thánh Phêrô xử lý các kẻ đối nghịch mình.
(2) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 13, 15-17; xem 6, 23.
(3) Thánh Augustinô, "Về Phép Rửa", I, 8,10 v.v...
(4) Thánh Augustinô, "Về Phép Rửa", VI, 28, 39. Xem Lumen Gentium, 14.
(5) Lumen Gentium, 15; Unitatis Redintegratio, 3.
(6) Karl Bopp, Barmherzigkeit im pastoralen Handeln der Kirche: Eine symbolische-kritische Handlungstheorie zur Neuorientierung kirchlicher Praxis (Munich: Don Bosco Verlag, 1998); Paul M. Zulehner, Gott ist Grӧẞer als unser Herz (1John 3, 20): Eine Pastorale des Erbarmens (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006).
(7) Đức Gioan XXIII, "Diễn Văn Khai Mạc Công Đồng Vatican II" trong The Documents of Vatican II, do Walter M. Abbott hiệu đính (New York: Guild Press, 1966), 716.
(8) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 7.
(9) Căn cứ vào bản chất của nó, chương trình cổ vũ tân phúc âm hóa không mới mẻ gì. Liên tiếp trong lịch sử Giáo Hội, vẫn đã có những nhà giảng thuyết và các phong trào gây kích động kêu gọi người ta thống hối, hồi tâm, và đổi mới. Thời gian sau Công Đồng Trent, các kỳ đại phúc (giảng phòng) bình dân và sau đó các kỳ đại phúc vùng và đô thị, đã chứng tỏ là các khí cụ có giá trị để đạt mục đích này. Trong những thời gần đây hơn, người ta có thể nghĩ tới Kỳ Đại Phúc Pháp và Kỳ Đại Phúc Paris. Từ thời Công Đồng Vatican II, tông thư Evangelii Nuntiandi (1975) của Đức Phaolô VI và thông điệp Redemptoris Missio các số 32-38 (1990) của Đức Gioan Phaolô II đã có tính quyết định. Đức Bênêđíctô XVI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng chuyên lo việc Tân Phúc Âm Hóa và chính ngài triệu tập một thượng hội đồng giám mục về chủ đề này vào mùa thu năm 2012. Liên quan đến đề tài này, xem: Walter Kasper, "Neue Evangelisierung als theologische, pastorale und geistliche Herausforderung" trong Das Evangelium Jesu Christi (Freiburg i.Br.: Herder, 2009) nhất là các trang 284-91.
(10) Lời Nguyện Thánh Lễ thứ ba lúc ban ngày của Lễ Giáng Sinh.
(11) Thánh Augustinô, Tự Thú, I, 1.
(12) Thánh John Chrysostom, Chú Giải Thư gửi Tín Hữu Rôma, 2.
(13) Điều này đúng liên quan tới cách trình bầy của Tân Ước về Biệt Phái. Nó càng đúng hơn khi nói tới cách Thư thứ hai của Thánh Phêrô xử lý các kẻ đối nghịch mình.
(14)
Xem Kasper, Katholische Kircirche, 47tt, 417tt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét