Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

NGƯỜI VIỆT…XẤU XÍ



NGƯỜI  VIỆT … XẤU  XÍ
Chuyện phiếm của Gã Siêu

Tiếng hát Khánh Ly vang lên thật day dứt  từ một quán nước bên đường:
-Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu,
  Một trăm năm đô hộ giặc Tây,
  Ba mươi năm nội chiến từng ngày…
Suy nghĩ về lời ca của Trịnh Công Sơn, gã cảm thấy thương thay cho số phận nghiệt ngã của dân tộc mình. Chính cái số phận nghiệt ngã này đã để lại biết bao nhiêu hậu quả tai hại, mà dấu ấn đã in sâu vào tận cõi lòng và làm thành cái bản chất thâm căn cố đế của con người Việt Nam hôm nay.
Thực vậy, dù sống dưới trào Tàu hay trào Tây, người dân vẫn bị bóc lột tới tận xương tủy. Nào là sưu cao thuế nặng, để vơ vét về mà cống nạp cho mẫu quốc. Nào là phu phen tạp dịch để cung phụng cho những vị tai to mặt lớn.
Ấy là gã chưa nói tới một hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm khắc, nhằm củng cố và giữ vững chế độ. Người dân trật me một tí là tù tội mọt gông như chơi.
Mặc dù gặp phải những khó khăn, nhưng với bản năng sinh tồn, người dân vẫn phải tìm cách luồn và lách để sống còn, vẫn phải tìm cách che đậy và dấu giếm để qua mặt luật pháp cũng như chính quyền, hầu kiếm chút lợi nhuận cho bản thân và gia đình. Vì thế, cái khó không còn bó cái khôn, nhưng trái lại, cái khó đã ló cái khôn.
Tuy nhiên, cái khôn được ló ra trong những hoàn cảnh đen tối như vậy, thường là cái khôn lỏi, khôn vặt và khôn ranh…chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại sau lưng, chỉ thấy cái lợi của cá nhân, mà quên mất cái hại của đất nước. Có khôn mà lại không có ngoan.
Hầu như bàn dân thiên hạ trên khắp cùng bờ cõi trái đất đều ca ngợi sự đoàn kết nhất trí của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam khi đứng trước những khó khăn gặp phải : Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh.
Chính nhờ sự đoàn kết nhất trí này, mà biểu tượng là Hội Nghị Diên Hồng, dân Việt chúng ta đã chiến thắng những đế quốc sừng sỏ và hùng mạnh nhất thế giới như Tàu, Tây và Mỹ, hầu đem lại nền độc lập tự do cho quê hương.
Cũng vậy, mỗi khi tai ương hoạn nạn xảy ra cho một phần đất nào đó của xứ xở này,  chúng ta lại được chứng kiến tình tương thân tương ái tuôn chảy tràn trề, bởi vì một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
Người ta rộng rãi cứu trợ đúng với tiêu chuẩn :
- Một miếng khi đói, bằng cả một gói khi no.
Người ta hào phóng giúp đỡ trong tinh thần lá lành đùm lá rách, còn lá đã rách thì cũng cố gắng đùm lá te tua.
Thế nhưng, khi hòa bình trở lại, hay khi đã tai qua nạn khỏi, những bất ổn bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống đời thường, khiến cho đất nước phải xất bất xang bang và dân tộc phải lao đao cùng khốn.
                                                                                          
BẤT ỔN THỨ NHẤT LÀ GIAN THAM
Theo định nghĩa thì gian là xảo quyệt và dối trá, còn tham là lấy thật nhiều cho riêng mình, bất chấp cả lương tâm, coi thường cả liêm xỉ.
Nếu suy nghĩ một chút, gã thấy được rằng hai hành động này luôn gắn bó và cấu kết mật thiết với nhau : Vì tham lợi lộc, nên người ta mới đưa ra mọi mánh mung và tìm đủ mọi phương cách để lừa gạt lẫn nhau.
Ngoài Bắc, khi còn chế độ hợp tác xã, người nông dân nhiều lúc đã phải cắt xén phần hoa lợi bằng cách khai gian hay nói dối, để gia đình có cái mà nhồi nhét vào chiếc bao tử rỗng tuếch.
Trong Nam, khi nhà nước còn thu thuế bằng sản phẩm, gã thấy có những người đã trộn cát vào lúa thóc, hay tưới thêm nước vào đay bô để được nặng ký hơn một chút, trước khi mang đi nộp thuế.
Hiện nay, sự gian tham dường như đã trở thành một tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động. Dối trá và xảo quyệt thì được coi là khôn ngoan và tài giỏi. Còn thành thực đơn sơ thì bị chê là khờ dại và ngu đần. Chính vì thế, sự gian tham đã có mặt trên mọi lãnh vực.
Chẳng hạn trong lãnh vực học hành : Hơn bao giờ hết, hiện nay nghệ thuật quay cóp trong phòng thi đã phát triển tới bến. Những tài liệu được in ấn thật nhỏ và gọn, được gọi là “phao” và được thí sinh nhét vào cạp quần, hay được thân nhân liệng vào để cứu cho con em mình một bàn thua trông thấy. Thậm chí, có những thí sinh còn xài cả điện thoại di động để tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nếu chẳng may thi rớt, ít tiền thì xài bằng giả. Nhưng bằng gải thì lại rất nguy hiểm khi bị phát giác. Còn nhiều tiền thì phải chịu khó vất vả lo lót để mua lấy một mảnh bằng thứ thiệc, có gốc gác hẳn hoi, mà nghênh ngang với đời.
Chẳng hạn trong lãnh vực buôn bán : Bước vào phố chợ, chúng ta sẽ bắt gặp vô số hàng giả, hàng nhái, hàng dổm, hàng kém chất lượng. Vì tham lợi nhuận, người ta sẵn sàng trộn hàn the vào bánh phở để được dẻo và dai, sẵn sàng ướp thịt bằng “phọc môn”  để giữ được lâu, bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Còn việc sử dụng cân thiếu và thước hụt chỉ là chuyện thường ngày ở huyện và xưa rồi…Diễm ơi.
Chẳng hạn trong lãnh vực làm ăn và liên hệ : Cũng vì tham cái lợi mà biết bao xí nghiệp, công ti đã thua chổng vó, đã lỗ sặc gạch hay đã biến thành một thứ “công ti năng tan” chỉ vì ngài giám đốc hay cô thư ký biển thủ.  Biết bao đường giây hụi bị bể, chỉ vì người cầm trịch ẵm tiền bỏ trốn.
Chẳng hạn trong lãnh vực điều hành đất nước : Một tệ trạng đang bành trướng hiện nay và gây nên nhiều phiền hà cũng như đau khổ cho người dân, đó là tệ trạng ăn hối lộ.
Sách Cổ học tinh hoa có kể lại một câu chuyện như sau :
Một viên quan mới được bổ nhiệm về huyện. Ngay tối hôm đầu tiên, có một đại gia đã lén lút tìm đến hối lộ cho ông một món tiền lớn. Người ấy nói :
- Trời thì tối, không một ai biết được, vậy xin quan nhận cho.
Thế nhưng, viên quan vốn là một người liêm khiết, đã trả  lời :
- Trời biết, đất biết, ông biết và tôi cũng biết, sao lại bảo không ai biết được. Vậy ông hãy mang tiền về đi.
Cách cư xử của người xưa hoàn toàn khác với cách cư xử của các viên chức ngày nay. Nhiều lúc gã có cảm tưởng những người có chức có quyền thường lợi dụng địa vị của mình để vơ vét về cho đầy túi tham, hầu bù lỗ những công lao chạy chọt của mình. Bởi đó, nhiều vị tai to mặt lớn mới ung dung ăn hối lộ một cách trắng trợn.
Thí dụ như muốn mua chức quan đầu tỉnh thì phải tốn mất bao nhiêu cây vàng. Vì thế, một khi đã ngồi vào cái ghế đầu tỉnh thì phải ra sức vơ vét, hầu bù lỗ cho những cây vàng đã bỏ ra.
Bình thường làm cán bộ vốn nghèo với tiền lương ba cọc ba đồng, thế nhưng có nhiều vị quan sau một thời gian nắm giữ quyền hành, đã có dư tiền bạc để mua đất, làm nhà và cho con cái đi du học tận nước ngoài…Vậy hối lộ là gì ?
Hối lộ là lợi dụng quyền hành và chức vụ để lấy tiền của người dân bằng cách đòi họ phải lo lót khi nhờ cậy việc nọ việc kia. Hình như việc lo lót bây giờ đã trở thành một thông lệ,một thói quen, một điều kiện không thể thiếu. Thực vậy, nếu người dân không chịu lo lót thì công việc cứ dẫm chân tại chỗ và gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu  có tí tiền “bôi trơn” thì tất cả sẽ êm xuôi và mau chóng :
- Có tiền việc ấy mà xong nhỉ.
Tiền bạc làm cho các quan chức mờ cả mắt để rồi đã có những quyết định sai lạc, làm thiệt hại cho dân lành. Chẳng hạn quan tòa ăn hối lộ cho kẻ có tội được thắng kiện như tục ngữ vốn diễn tả :
- Nén bạc đâm toạc tờ giấy.

BẤT ỔN THỨ HAI LÀ CHIA RẼ
Sống trong một chế độ hà khắc, người dân không phải chỉ gian tham, mà còn nghi ngờ lẫn nhau. Nghĩ rằng người này là chỉ điểm và người kia là “ăng ten” của công an. Luôn nhìn nhau bằng cặp mắt “đề cao cảnh giác”, kẻo bị tố giác. Chính vì vậy, mà người Việt Nam thường hay chia rẽ và thiếu tinh thần cộng tác.
Một giáo sư ngoại quốc đã nhận xét về các sinh viên Việt Nam như sau :
- Sinh viên Việt Nam rất giỏi, chỉ số thông minh của họ rất cao, nếu một chọi một, nghĩa là một sinh viên Việt Nam địch với một sinh viên ngoại quốc, họ dễ dàng nắm phần thắng. Thế nhưng một nhóm sinh viên Việt Nam đấu trí với một nhóm sinh viên ngoại quốc, thì họ lại thua xa. Sở dĩ như vậy là vì họ không biết hay không thể cộng tác với nhau.
Cũng vì sự thiếu cộng tác này mà cho đến ngày hôm nay dân tộc mình không để lại được cho đời một công trình nghệ thuật tầm cỡ nào.
Thí dụ như về kiến trúc : các lăng tẩm ở Huế còn quá nhỏ nhoi so với khu đền Ăng ko của người anh em Campuchia. Về văn học, hiện giờ chúng ta chưa có được một bộ bách khoa tự điển đầy đủ…Mạnh ai, người ấy viết. Mạnh ai người ấy làm. Mà sức làm, sức viết của mỗi cá nhân thì thật hạn hẹp. Một cái đầu làm sao bằng hai cái đầu.
Một bộ tự điển “Larousse” của Pháp mà thôi cũng đã có biết bao nhiêu người cộng tác, rồi từ năm này qua năm khác, họ vẫn luôn duy trì sự cộng tác chặt chẽ ấy, để có những bổ túc cập nhật hóa, khỏi bị lỗi thời. Thấy mà thèm.
Điểm qua những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, gã ghi nhận được không biết bao nhiêu tờ báo, không biết bao nhiêu trang Web, không biết bao nhiêu đảng phái và cũng không biết bao nhiêu khuynh hướng chính trị. Anh này chửi anh kia và anh kia chửi lại anh này.
Hơn thế nữa, với sự hỗ trợ của internet, của mạng lưới thông tin toàn cầu, sự chửi bới lẫn nhau được phổ biến một cách mau lẹ và rộng rãi khắp bốn phương trời. Bàn dân thiên hạ, sau khi đọc có kẻ bỗng cả thấy ngứa miệng và ngứa tay, nên cũng tung lên mạng mà chửi theo. Và vì thế, đạo cũng chửi mà đời cũng chửi, người người cùng chửi bới lẫn nhau, nhưng lại chẳng làm được một cái quái gì cụ thể cho quê hương đất nước.

BẤT ỔN THỨ BA LÀ THIẾU Ý THỨC CỘNG ĐỒNG
Cũng vì gian tham, chỉ biết nhắm tới những cái tiện và lợi cho bản thân hay gia đình, nên ý thức cộng đồng, hay nói cách khác, cái tình thần chung cũng như cái tinh thần trách nhiệm tụt xuống rất thấp, thấp tới mức đáng báo động.
Thực vậy, nhiều người vốn thầm nghĩ :
- Làm gì thì làm, miễn là được việc cho mình thì thôi.
Chẳng hạn sau khi tan sở, ta muốn mau chóng trở về nhà. Vào giờ cao điểm, xe cộ ùn tắc, ta chỉ sợ có ông cảnh sát, còn hệ thống đèn xanh đèn đỏ chỉ là chuyện nhỏ, ta coi như pha, để rồi mặc sức luồn lách mà ngoi lên phía trước. Nếu không luồn lách được, thì ta leo lên cả vệ đường, hầu tranh thủ vượt qua đoạn đường đầy ắp những đoàn xe còn đang kẹt cứng.
Chẳng hạn khi ngồi trên xe hơi, nhất là với mấy cô bạn gái, ta được xơi đủ thứ, từ nhãn, chôm chôm, bắp luộc…đến kẹo bánh hầm bà lằng. Khi xơi xong, ta cứ vô tư ném ra ngoài các thứ rác rưởi từ vỏ nhãn, vỏ chôm chôm, lõi bắp…đến giấy gói bánh kẹo, có khi trúng cả vào đầu khách đi đường thì cũng…mặc kệ.
Một hướng dẫn viên du lịch đã tâm sự trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 32, ra ngày 21 tháng 8 năm 2005, như sau :
Một hôm, đoàn khách nước ngoài đang chụp hình lưu niệm tại nhà thờ Đưc Bà, bỗng có một chiếc xe @ chở hai thanh niên tấp vào bên hông nhà thờ, trước con mắt ngạc nhiên của những du khách, hai thanh niên kia vẫn cứ vô tư “trút bầu tâm sự” vào tường, rồi lên xe bỏ đi. Sự ngạc nhiên của những du khách đã được chuyển thành câu hỏi dành cho tôi :
- Bộ đó là thói quen của người thành phố bạn hả ?
Tôi chẳng biết giải thích ra sao, chỉ biết chống chế :
- Chắc hai người đó say rượu.
Sau đó, tôi mau chóng chuyển qua đề tài khác và tôi biết họ không hài lòng với cách trả lời của tôi.
Khi đoàn qua đường Đồng Khởi – Nguyễn Du, bỗng hai du khách lại gần tôi với dáng vẻ bối rối, họ nói ra chuyện họ đang cần :
- Xin lỗi! Bạn có thể cho tôi biết nhà vệ sinh ở đâu ?
Chẳng biết chỉ cho họ nhà vệ sinh nào, vì quanh đấy không có lấy một nhà vệ sinh công cộng, tôi đành dẫn hai du khách vào một quán ăn gần nhất, giải thích với họ để họ hiểu, rồi kêu một chai nước uống ngồi chờ. Xong việc trở ra, họ nói nhỏ với nhau :
- Thật kinh khủng.
Saigon, một thành phố xinh đẹp, vốn được gọi là hòn ngọc Viễn Đông, với những con đường rợp bóng cây, vậy mà lâu lâu ta vẫn bắt gặp đâu đó đây trên các bức tường hàng chữ “Cấm đái” một cách thô thiển. (trang 7).
Thiết tưởng hai chữ “kinh khủng” trên đã quá đủ để diễn tả tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần chung của những người sử dụng nhà vệ sinh nơi đó.

BẤT ỔN SAU CÙNG, ĐÓ LÀ THÍCH XÀI CỦA…CHÙA.
Từ tình trạng thiếu trách nhiệm, cũng như thiếu tinh thần chung trên đây, gã ghi nhận thêm cái khuynh hướng thích xài của…chùa.
Chữ “chùa”ngày nay vốn được sử dụng như một tĩnh từ, ám chỉ những gì là của chung, mà chẳng có ai chịu trách nhiệm trông coi và quản lý, theo kiểu cha chung không ai khóc. Vì là của chung miễn phí, nên cứ vô tư và mặc sức xài và sử dụng.
Chẳng hạn đến cơ quan, bao nhiêu bóng điện, bao nhiêu quạt máy, bao nhiêu máy lạnh ta cứ việc mở tối đa, thậm chí khi ra về cũng chẳng cần phải tắt, bởi vì  đó là điện…chùa mà.
Tới công sở, ta thoải mái rửa tay rửa mặt, vòi nước mở hết cỡ, rồi khi dùng xong, ta bỗng dưng ta quên, không chịu đóng lại. Ôi dào, nước… chùa mà.
Thậm chí có người còn quan niệm : bất cứ cái gì của nhà nước đều là của chùa, ta cứ mặc sức lấy, ta cứ mặc sức vơ, vì ăn trộm ăn cắp của nhà nước, thì không tội vạ chi cả.
Tuy nhiên, phải khôn ranh một tí để khỏi bị sờ gáy và tóm cổ. Nếu lỡ bị sờ gáy hay tóm cổ, thì hãy liệu mà chạy thuốc, lo lót càng sớm càng tốt, vì đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn. Tiền bạc có một sức mạnh vạn năng, khả dĩ bẻ cong được cả cán cân công lý, nên ta còn phải sợ gì nữa.
Cũng do chủ trương như vậy, mà một số người đã tìm mọi cách để ăn cắp điện, ăn cắp nước,  bởi vì điện nước đối với họ đều là của chùa.
Một số người khác, mặc dù vẫn may gia công ở nhà, hay làm nghề tự do, nhưng lại khai với nhà nước rằng mình đang thất nghiệp, để được hưởng trợ cấp. Tiền chùa mà, không hưởng cũng uổng.
Tiền của nhà nước đều là tiền chùa và đã trở một mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tham nhũng phát triển. Vậy thế nào là tham nhũng ?
Gã xin thưa :
- Tham nhũng là lợi dụng quyền hành và chức vụ để lấy tiền của nhà nước bằng cách ăn gian, ăn bớt hay rút ruột những công trình xây dựng…
Chẳng hạn mỗi khi hộp họp, những người tham dự đều được hưởng chế độ của mình, như tiền đi lại, tiền ăn uống…Vì thế, mặc dù chỉ có 50 đến họp, nhưng ban tổ chức bèn kê lên thành 100 người. Làm như vậy, đại hội vừa thành công tốt đẹp và số tiền phụ trội được chia đều cho mỗi người. Ai cũng có lợi và ai cũng vui vẻ.
Chẳng hạn để thực hiện một công trình nào đó, như xây dựng một cây cầu, trước hết muốn được trúng thầu thì công ty phải lo lót với các quan chức. Tiếp đến, trong thời gian thi công, quan chức và công ty luôn cấu kết với nhau để mà rút ruột bằng cách bớt xén vật tư, nâng cao giá mua… để hưởng lợi.
Vì thế mới xảy ra tình trạng cột ci măng cốt tre, cầu vừa mới làm xong đã vội sụp lún, đường vừa mới khánh thành đã loang lổ những ổ gà và ổ vịt, thậm chí có cả ổ trâu và ổ voi.
Có những quan chức còn bạo phổi ăn bớt, ăn xén cả tiền cứu trợ những đồng bào gặp phải thiên tai bão lụt. Số tiền giúp đỡ của bá tánh gửi về rất nhiều, thế mà những nạn nhân lại chẳng được bao nhiêu, vì những đồng tiền ấy đã chui tọt vào túi của những vị quan tham.
Các vị ấy luôn ghi nhớ trong lòng hai nguyên tắc :
Nguyên tắc thứ nhất, đó là có làm thì mới có ăn. Càng vẽ ra nhiều, thì lại càng được xơi nhiều. Mỗi công trình, chi phí bị bốc hơi lên tới ba bốn chục phần trăm cũng chỉ là chuyện nhỏ. Tiền chùa mà, dại gì không ăn. Mình không ăn, người khác cũng ăn.
Nguyên tắc thứ hai, đó là của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng. Chỉ cần một chút khôn khéo, biết điều với cấp trên, hào phóng với cấp dưới, mọi sự sẽ êm ru bà rù.
Những quan chức tham nhũng ấy được sánh ví như một loài sâu mọt, đục khoét công quĩ, làm nghèo đất nước và làm khổ người dân.
Lâu lắm rồi gã có đọc cuốn “Người Mỹ xấu xí”, bây giờ cũng chẳng nhớ nội dung của nó là gì và tác giả của nó là ai. Tuy nhiên, qua những điều vừa trình bày, gã cũng xin ăn theo mà đặt tựa đề  cho chuyện phiếm này là “Người Việt xấu xí”.
Tuy nhiên, cái vẻ xấu xí này thật đáng thương và tội nghiệp, bởi vì nó xuất phát từ thân phận nghiệt ngã của một dân nước nhược tiểu, từng bị bóc lột suốt một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây và ba mươi năm nội chiến từng ngày…
Gã Siêu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét