Suy Niệm KINH LẠY CHA
(Thu,
21/07/2016 - Trầm Thiên Thu)
Hằng
ngày, chúng ta nhiều lần đọc Kinh Lạy Cha. Vâng, chúng ta thật diễm phúc vì
được gọi Thiên Chúa là Cha – dù chúng ta chỉ là phàm nhân hèn mọn, bất xứng.
Tác giả Thánh Vịnh đã tự vấn: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm
nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh
là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay
Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8:7). Vô cùng kỳ diệu,
chúng ta không thể hiểu nổi. Tuy nhiên, có thể vì chúng ta đọc nhiều rồi quen,
và quen quá hóa lờn. Nếu suy cho thấu đáo, chúng ta sẽ cảm thấy rất… sợ!
Kinh
Lạy Cha là “đệ nhất kinh”, vì là lời kinh do chính Chúa Giêsu dạy, và Ngài căn
dặn: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ
nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em
cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:7-8).
Kinh
Lạy Cha ở Mt 6:9-13 dài hơn và chi tiết hơn Lc 11:2-4. Trong Kinh Lạy Cha có 7
lời cầu, chia làm hai phần: Phần một gồm lời xưng tụng và ba lời cầu dành cho
Thiên Chúa, phần hai gồm bốn lời cầu dành cho chính chúng ta – các nhu cầu thể
lý và tâm linh.
I. XƯNG TỤNG THIÊN CHÚA
• LẠY CHA (của) CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI
Đây
là lời xưng tụng Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên niềm hạnh phúc của chúng ta
là được gọi Thiên Chúa là Cha. Chính Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết Cha của
chúng ta là Đấng ngự trên trời. Thánh Phaolô xác định rõ ràng điều này: “Anh
em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như
xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu
lên: Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:15).
• CHÚNG CON NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG
Đây
là lời cầu thứ nhất. Lời cầu này nhắc nhở chúng ta về bổn phận và trách nhiệm
đối với Thiên Chúa – Cha của chúng ta. Lời cầu này cũng cho chúng ta biết rằng
Thiên Chúa là Đấng chí thánh, hằng hữu và hằng sinh, hoàn toàn khác biệt chúng
ta. Điều này giúp chúng ta nhận biết tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình,
vì thế chúng ta phải tôn thờ Ngài, chỉ một mình Ngài mà thôi: “Ngươi không
được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20:3; Đnl 5:7).
Trong
Cựu Ước, tên của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, là chí thánh. Tiếng Do Thái
chỉ nói tên Ngài là “ha-shem” – nghĩa là “cái tên”. Vì thế, khi chúng ta cầu
xin cho “Danh Cha cả sáng” là mong muốn Danh Thánh Ngài là thánh, được muôn
loài tôn thờ và được kính mến đúng mức, nhận biết Ngài là Đấng tạo dựng vũ trụ
và cai quản mọi loài, mọi vật.
• XIN CHO NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN
Nước
Chúa có những gì đúng với Ý Chúa, theo trật tự của Ngài. Chúng ta xin cho “Nước
Cha trị đến” là xin cho mọi thứ xảy ra theo đúng Thánh Ý Ngài. Cựu Ước có niềm
khao khát thời đại Thiên Chúa cai trị thế giới trong vinh quang và quyền năng
của Ngài. Nước Chúa được Thiên Chúa điều hành bằng công lý và tình yêu. Nước
Chúa không có nỗi ưu sầu, sự cô độc hoặc cảnh thiếu thốn.
• XIN CHO Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI
ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI
Lời
cầu này “xin cho Ý Cha nên trọn”, nghĩa là chúng ta muốn tuân phục Ý Chúa trong
mọi trường hợp, thế nhưng chúng ta lại có “thói quen” chỉ thích “xin được như
ý” – tức là theo ý mình. Nếu như thế thì không hợp với Ý Chúa, tất nhiên là
“bất lợi” cho chúng ta!
Rất
khó để chúng ta có thể chân thật xin cho Ý Cha nên trọn. Trong Vườn Dầu, Chúa
Giêsu đã “minh họa” cho chúng ta thấy rằng khó có thể làm theo Ý Chúa, vì Ý
Chúa hoàn toàn không như ý của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta thường xin
những điều mình mơ ước, mong muốn. Điều chúng ta cho là tốt cho mình (hoặc cho
người khác) nên chúng ta mới cầu xin Chúa, nhưng điều đó có thể bất lợi cho
chúng ta, do đó mà Ngài không ban cho chúng ta. Thật là không dễ để hành động
theo Ý Chúa để Ý Chúa nên trọn, nhất là khi chúng ta lo buồn, thất vọng, bị mất
mát người thân,... Thậm chí có người đã từng kêu trách Chúa!
II. NHU CẦU ĐỜI SỐNG
• XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG
NGÀY
Chúng
ta luôn cần Thiên Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống – thể lý, tinh thần, và
tâm linh. Đó là nhu cầu hằng ngày của mỗi người. Chúng ta cần thường xuyên “gặp
gỡ” Thiên Chúa, nhiều lần và nhiều cách, vì chúng ta luôn bất túc. Nhưng Chúa
Giêsu muốn chúng ta hoàn toàn tín thác vào Ngài: “Đừng lo lắng về ngày mai:
ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).
Lời
cầu này xin các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống: Lương thực. Có thực mới vực
được đạo. Chúa biết chuyện ăn uống là cần thiết nên Ngài dạy chúng ta xin “hằng
ngày dùng đủ” chứ không xin sang giàu, ăn ngon, mặc đẹp. Chữ Tiền với chữ Tật
cùng vần T, và có “dính líu” với nhau. Việc xin “cơm ăn, nước uống” hằng ngày
nhắc chúng ta nhớ đừng tích trữ của cải thế gian mà hư thân. Ngài muốn chúng ta
sống đơn giản để có thể than thản bước theo Ngài mọi nơi và mọi lúc, tin tưởng
Ngài quan phòng mọi sự trong mọi tình huống. Dĩ nhiên không phải là cầu xin rồi
cứ ung dung tự tại, không cần tính toán, lười biếng và chờ sung rụng!
Cầu
nguyện liên quan hành động. Nói và làm phải song song. Chúng ta no đủ, còn tha
nhân? Có thể chúng ta là những người được Chúa chọn để thỏa mãn nhu cầu thiết
yếu của người nghèo. Khi Thiên Chúa phán xét, Ngài không hỏi chúng ta học hành
ra sao, có mấy bằng cấp, có bao nhiêu tài sản, làm từ thiện ít hay nhiều, xây
dựng bao nhiêu cơ sở, dâng cúng bao nhiêu của cải, hoạt động tông đồ ra sao,...
Nhưng Ngài chỉ đề cập đức ái: “Ta đói, các ngươi đã/không cho ăn; Ta khát,
các ngươi đã/không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã/không tiếp rước; Ta
trần truồng, các ngươi đã/không cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã/không thăm viếng;
Ta ngồi tù, các ngươi đã/không hỏi han” (Mt 25:31-46).
• XIN CHA THA NỢ CHÚNG CON NHƯ
CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON
Nợ
này là “tội lỗi” – không chỉ xúc phạm tới Thiên Chúa mà cả với tha nhân, đặc
biệt là sự bất công mà chúng ta làm cho họ, bằng cách nào đó. Chúng ta phạm
tội, xin Chúa tha và muốn được Ngài tha. Tất nhiên Ngài tha nếu chúng ta thành
tâm. Nhưng còn “nợ” của tha nhân, chúng ta có tha không? Chắc hẳn chúng ta còn
nhớ dụ ngôn “người quản gia bất lương” (Lc 16:1-8). Chữ “như” trong mệnh đề này
thật độc đáo. Chữ “như” nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta tha thứ cho tha nhân
thế nào thì Ngài cũng tha thứ cho chúng ta như vậy. Chúng ta đong cho tha nhân
loại đấu nào thì Ngài cũng đong cho chúng ta loại đấu đó (Mt 7:2; Mc 4:24; Lc
6:38). Hoàn toàn công bằng! Vả lại, Chúa Giêsu đã thẳng thắn: “Nếu anh em
tha lỗi cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng
nếu anh em không tha thứ cho người ta thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho
anh em” (Mt 6:14-15).
• XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC
CÁM DỖ
Lời
cầu này chúng ta xin Chúa đừng để các cơn cám dỗ thắng vượt chúng ta, vì chúng
ta rất yếu đuối. Chúng ta không cầu xin Chúa cho thoát đau khổ, nhưng xin Ngài
đừng bỏ mặc chúng ta trong đau khổ. Cũng vậy, sự cám dỗ nguy hiểm với chúng ta
nhưng cũng thực sự cần thiết, vì chính sự cám dỗ sẽ làm cho chúng ta vững mạnh
hơn. Có ngã mới biết đau, có đau mới biết sợ, có sợ mới cố tránh và biết mình
cần tới Thiên Chúa. Lô-gích lắm!
Cám
dỗ nào cũng ngọt ngào, rất hấp dẫn, thú vị. Vì thế mà người ta mới nghe “bùi
tai”, thấy “bắt mắt”, và sa ngã. Ở đời, người ta bị lừa cũng chỉ vì những lời
đường mật, những lời hứa hẹn “khác thường”. Bà Tổ Êva sa ngã vì kiêu ngạo và
nghe lời đường mật của ma quỷ, Ông Tổ Ađam sa ngã vì lời ngọt ngào của Bà Xã!
Chứ chẳng ai sa ngã vì những thứ chẳng ra gì!
• XIN CỨU CHÚNG CON KHỎI MỌI SỰ DỮ
Lời
cầu cuối cùng chúng ta xin được Cha trên trời bảo vệ chúng ta. Khi bị cám dỗ,
chúng ta có nhiều cách biện hộ để thỏa mãn. Ma quỷ, thế gian, và xác thịt,
trong “ba thù” đó phải đặc biệt lưu ý “xác thịt”, vì không kẻ thù nào nguy hiểm
bằng chính mình. Chiến thắng chính mình cũng là điều khó nhất.
Khi
Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ, Ngài dội ngay một “gáo nước lạnh” vào mặt hắn: “Đã
có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời
miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Trong lúc gian nan, Chúa Giêsu vẫn
nhận biết Thiên Chúa là Nguồn Cứu Độ, chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát.
Chúng ta cũng phải cố gắng tỉnh táo và cậy nhờ Thiên Chúa mỗi khi phải đối diện
với ma quỷ. Thế giới đầy những nỗi đau khổ và cám dỗ, lơ là một chút là “chết”
ngay!
Khi
cầu nguyện, chúng ta không chỉ phải biết cách thức cầu nguyện mà còn cần có
phong cách cầu nguyện. Phong cách đó đã được Chúa Giêsu chỉ dạy: “Khi cầu
nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong
các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật
anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng,
đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Cha
của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:5-7).
Khi
cầu nguyện, chúng ta có xu hướng “nhiều lời”, nhưng Chúa Giêsu bảo chúng ta cầu
nguyện chứ “đừng lải nhải” (Mt 6:7). Chúng ta chưa xin thì Chúa đã biết rồi,
Ngài chỉ muốn thấy chúng ta thật lòng cần tới Ngài để chứng tỏ lòng tôn thờ và
yêu mến Ngài. Và Ngài coi đó là “công trạng” của chúng ta. Cứ tin tưởng như
Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh,
anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa
những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên
trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu”
(Pl 4:6-7).
Cầu
nguyện không chỉ là “xin” mà còn phải biết tạ ơn. Và cầu nguyện chứ đừng tham lam.
Thánh Phaolô nói: “Nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1 Tm 6:8).
Khi
cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta được Thiên Chúa tôn trọng nhân vị, nhân
phẩm và nhân quyền của chúng ta, vì chúng ta không còn là tôi tớ hoặc nô lệ, mà
chúng ta thực sự là con cái của Ngài trong mối quan hệ Phụ Tử thân thiết: “Lạy
Cha (của) chúng con, Đấng ngự trên trời…”. Đó là phần thưởng đặc biệt Ngài
dành cho chúng ta, dù chúng ta hoàn toàn bất xứng đối với Ngài. Nhưng chúng ta
cũng phải nhớ rằng mọi người khác là anh em với chúng ta, cùng là con của Cha
trên trời. Như vậy, chúng ta phải yêu thương nhau. Mối liên kết rất chặt chẽ.
Vì
thế, Thánh Phaolô xác nhận: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự
sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức
mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không
có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể
hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39). Quả thật, chúng ta
không thể tách rời khỏi Thiên Chúa và tha nhân, dù chỉ trong một khoảnh khắc.
Khi
cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, mọi thứ thực sự xảy ra, nhưng đôi khi chúng ta
không nhận thấy vì cách Chúa ban không chính xác như ý muốn của chúng ta.
Nhưng
Chúa Giêsu đã nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ
cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa
thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại
cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là
những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha
anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu
xin Người sao?” (Mt 7:7-11; Lc 11:9-13).
Cầu
nguyện là điều quan trọng, nhưng khi cầu nguyện phải có niềm tin mạnh mẽ. Các
môn đệ đã biết xin thêm đức tin, và Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin
lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới
biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). Và rồi chính Chúa
Giêsu cũng đã dạy chúng ta cầu nguyện qua Thánh nữ Faustina Kowalska
(1905-1938), với lời cầu ngắn gọn mà súc tích: “Lạy Chúa Giêsu, con tín
thác vào Ngài”.
TRẦM THIÊN THU
Thưởng
thức hợp xướng Kinh Lạy Cha: http://gloria.tv/?media=479543&language=3SsSaAhCEfb
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét