Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Giải pháp Đavít



Giải   pháp   Đavít

Vũ Văn An



Với chủ trương cởi mở và lời thúc giục “quậy” (making a mess) của Đức Phanxicô, các cuộc tranh luận trong Đạo Công Giáo đang hết sức phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết, liên quan tới nhiều phạm vi sinh hoạt của Giáo Hội, trong đó có hướng đi tương lai cho khối người tương đối thuần nhất hơn 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo hoàn cầu.

Về phương diện trên, nhiều nhà bình luận thả nổi ý tưởng về một “giải pháp Bênêđíctô” (không phải Đức Bênêđíctô XVI mà là Thánh Bênêđíctô lập dòng), theo nghĩa một Giáo Hội rút lui khỏi nền văn hóa đương thịnh để sống như “những người còn sót lại” (remnant). Nhưng linh mục Jeffrey F. Kirby thì đề nghị nên theo “giải pháp Đavít” (không phải Camp David của Mỹ mà là Thánh Vương David của Thánh Kinh) theo nghĩa mạnh bạo bắt tay với nền văn hóa đương thịnh, không phải bằng quyền lực hay ưu đãi, mà bằng sức mạnh của thế giá tinh thần.

Ai cũng biết Thánh Bênêđíctô là cha đẻ của phong trào đơn tu Tây Phương. Di sản của vị thánh vĩ đại cuối thế kỷ thứ năm đầu thế kỷ thứ sáu này đã gợi hứng cho nhiều cố gắng và phong trào văn minh hóa trong lịch sử Giáo Hội.

Giải pháp Bênêđíctô
Thời nay, cuộc đời và chứng tá của ngài đã làm xuất hiện điều người ta thường gọi là “giải pháp Bênêđíctô”.

Dù nhiều học giả vẫn còn tranh luận về ý nghĩa thực sự của giải pháp Bênêđíctô: nó có nghĩa gì và nó nên như thế nào, nhưng xét chung, giải pháp này bao hàm việc rút chân ra khỏi thế gian, để duy trì và nuôi dưỡng các khía cạnh tích cực của văn minh và của đức tin Kitô Giáo, rồi sau đó và cuối cùng sẽ tiếp cận thế gian trở lại với một sự thật tinh thần và một nền văn hóa tốt đẹp.

Khi thực hành một giải pháp như thế, Giáo Hội sẽ mang hình ảnh của nhóm người còn sót lại, tức một bộ phận nhỏ các tín hữu được tuyển chọn.

Người ta tự hỏi liệu giải pháp trên có phải là một khả thể chính đáng cho các tín hữu không, nó có phải là giải pháp tốt đẹp nhất trong lúc này không? Liệu hình ảnh “những người còn sót lại” có giúp ích gì cho sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay hay không?

Giải pháp Đavít
Còn “giải pháp Đavít” thì sao? Ai cũng biết Đavít là một thánh vương xuất thân là một người chăn chiên từng đánh bại người khổng lồ Gôliát. Theo Cựu Ước, Gôliát là mối đe dọa áp đảo, bạo tàn, đang tấn công và gây nguy kịch cho người Do Thái.

Cậu thiếu niên chăn chiên Đavít không khuất phục trước sợ hãi và không ru rú nép mình phía sau trận tuyến Israel. Cậu đối đầu với Tên Philistine này, ăn mặc đơn giản, không áo giáp, không cung tên đạn pháo. Duy nhất trang bị cho mình một cảm thức chính trực và công lý, cậu đã khéo léo đánh trúng đầu Gôliát bằng những viên đá đơn sơ lượm từ đất lên, đem lại chiến thắng cho Israel!

Hành động của Đavít, được sự trong trắng và lòng tốt của cậu tăng thêm nét cao qúy, đem lại cho cậu một thế giá tinh thần không những đối với Israel mà còn đối với các dân tộc khác.

Dựa vào điển hình trên, Giải Pháp Đavít là một thách đố và là một cơ hội cho Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Noi gương nhà vua chăn chiên, nó kêu gọi Giáo Hội sống đơn giản, không trang trí, lụa là gấm vóc hoàng gia cũng không áo giáp phòng ngự lẫm liệt. Nó mời gọi Giáo Hội chú tâm vào sự thánh thiện và bắt tay thế gian với tinh thần công lý và lòng tốt chân thực, không phải ý thức hệ, thèm khát quyền lực, hay nghị trình chính trị.

Một cách biểu tượng, Giải Pháp Đavít khuyến khích Giáo Hội sử dụng “đá” đánh “đầu” các tên Gôliát thời đại; tức là sử dụng lý lẽ và các luận điểm kính trọng làm phương tiện quy hồi trí thức nền văn hóa đương thịnh.

Chủ nghĩa duy tín (fideism), các hệ thống thần học nặng nề, phán đoán luân lý hấp tấp, sự ngạo mạn, chủ nghĩa cô lập, và các tinh thần và phương thức tương tự không có chỗ đứng trong Giải Pháp Đavít. Không có chỗ cho những người còn sót lại trong giải pháp này. Nó rõ ràng cho thấy: chỗ đứng thích đáng của Giáo Hội là ở giữa gia đình nhân loại, nhất là lúc sự thật tinh thần bị tra vấn và làm ngơ và thời gian xem ra đen tối.

Chọn Đavít không chọn Gôliát
Để Giải Pháp Đavít thành công khi được chọn lựa, Giáo Hội phải hữu ý chọn làm Đavít chứ không Gôliát. Các hình ảnh này trong trình thuật Thánh Kinh không thể nào lẫn lộn được.

Thí dụ: trong đời sống Giáo Hội, khi con người xem ra không quan trọng, khi cái xấu bị tố cáo nhiều hơn là nhân đức được ca ngợi, và sự thật tinh thần được trình bầy theo cách để hạ nhục và cô lập người ta, thì Giáo Hội quả đang là Gôliát. Khi lòng trung thành và cổ vũ định chế được tưởng thưởng và được đề cao hơn nhân phẩm và việc bảo vệ trẻ em và các người yếu thế khác, thì Giáo Hội quả đang bước chân theo Gôliát.

Khi con người và việc thực hành các việc thương người một cách cảm thương bị che phủ ngay bên trong những định chế vốn được tạo ra để quản trị chúng, thì Giáo Hội quả đang là Gôliát. Khi những tòa đại pháp (chancery) quan trọng hơn những nhà dành cho các bà mẹ không cheo cưới, hoặc các lễ phục và các đồ trang hoàng nhà thờ được trân qúy hơn người nghèo hoặc người bệnh, thì Giáo Hội quả đang bước chân theo thằng khổng lồ Gôliát.

Tuy nhiên, khi trở về với Giải Pháp Đavít, Giáo Hội sẽ từ bỏ quyền lực của mình và không còn tìm kiếm những cái bề ngoài hoặc quyền kiểm soát trật tự xã hội. Đặc quyền đặc lợi sẽ được trao lại, và Giáo Hội nhất quyết tín thác vào lòng tốt của nhân loại và sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro của việc tôn trọng tự do của nó.

Một cách đơn sơ và tin tưởng vào sự thật, Giáo Hội sử dụng lý lẽ và lòng tốt để bắt tay với thế giới và đấu tranh chống những tên gôliát đầy tối tăm của thời đại. Đây là một giải pháp làm người ta khiêm hạ và là một giải pháp mà Giáo Hội cần phải nghiêm chỉnh xem xét vì sự khôn ngoan của Thánh Kinh dạy rằng Thiên Chúa bác bỏ kẻ kiêu căng, cho dù họ đúng.

Do đó, khi Giáo Hội chọn Giải Pháp Đavít và tích cực sống theo nó một cách không thỏa hiệp, Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho việc làm của Giáo Hội. Những người thiện chí, hết còn là thù địch của Giáo Hội, sẽ trở thành bằng hữu và người cộng tác với Giáo Hội.

Giáo Hội sẽ thấy những chiến thắng đầy ngạc nhiên trước bóng tối vì Giải Pháp Đavít tôn trọng và lôi kéo lòng tốt nơi mọi người. Và với đà phai đi của quyền lực Giáo Hội nhờ Giải Pháp Đavít, Giáo Hội sẽ lấy lại chỗ đứng và thế giá tinh thần của mình giữa lòng các dân tộc.

Linh Mục Kirby cho rằng Giải Pháp Đavít là giải pháp giống nhất với thừa tác vụ giáo hoàng của Đức Phanxicô và là Giải Pháp mà Giáo Hội nên mạnh bạo lãnh nhận cũng như trung thành thực hành.

Và khi trả lời các đóng góp của Phó Tế Greydanus, Linh Mục Kirby thêm rằng “Giải Pháp Đavít” chuyên biệt dựa trên trình thuật Đavít đối đầu với Gôliát mà thôi, chứ không sử dụng toàn bộ cuộc đời của ngài, trong đó, dĩ nhiên có nhiều điều không đáng bắt chước. Hơn nữa, khi đề cập tới “giải pháp Bênêđíctô” hay “giải pháp Đavít”, tác giả không có ý định nói đến “một lối sống” hay “một linh đạo… viễn kiến và đặc sủng” đặc thù, mà đề cập nhiều hơn tới phương pháp luận: làm thế nào để Giáo Hội tiếp cận thế giới ngày nay. Về phương diện này, giải pháp Bênêđíctô xem ra hơi khép kín, kềnh càng và quá thụ động. Trong khi ấy, giải pháp Đavít tích cực hơn, dấn thân hơn và có hy vọng xử lý được thế giới và trình bầy được sự thật tinh thần và đấu tranh cho sự thiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét