Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Cuộc sống ở Nam Cực:...


Cuộc  sống  ở  Nam  Cực:
 Không  được  đi  tiểu  trong  lúc  tắm
17/11/ 2018-Thanh Nguyên sưu tầm





Nếu bạn cảm thấy hơi lười biếng khi phải đi học, đi làm vào mấy ngày đầu tuần thì hãy nghĩ lại đi. Ít nhất, bạn không phải chào ngày mới ở Nam Cực!

Nam Cực còn có tên gọi khác là sao Hỏa Trắng, vì điều kiện sống ở đây quá khắc nghiệt. Dẫu vậy, bên cạnh các loài sinh vật bản xứ được thiên nhiên “chỉ điểm” cho sống ở đây, con người cũng muốn chinh phục vùng đất này nữa…

Ví dụ như có 1 cơ sở nghiên cứu vẫn hoạt động bền bỉ từ năm 2005 – Trạm Năng lượng Mặt trời Concordia do Pháp và Ý thành lập. Vào lúc này, ước tính có khoảng 60 người đang làm việc tại Concordia. Hãy xem họ đã sống như thế nào nhé, ít nhất có 6 điều vô cùng đặc biệt mà chỉ thấy ở Nam Cực mà thôi!

1.  Lạnh đến vi khuẩn cũng run luôn:

Mì chưa kịp ăn đã ngưng đọng vì quá lạnh lẽo.

Nhiệt độ trung bình của Nam Cực là -50 độ C, xuống thấp nhất là -80 độ C. Điều kiện như vậy khiến nhiều loài vi khuẩn cũng không sống nổi nữa!
Còn các nhà Khoa học, Kỹ sư ở Nam Cực, họ phải mặc nhiều lớp áo, đi giày đặc biệt, đeo găng tay và kính. Trọng lượng của bộ đồ nặng không kém gì đồ Phi hành gia, chứng minh cái tên “sao Hỏa Trắng” đặt cho Nam Cực không hề sai đâu mà!

2. Xung quanh trắng xóa và không mùi:

Ở Nam Cực, hầu như mọi người không thể ngửi thấy mùi gì cả.

Tương tự với sa mạc khắp 4 bề là cát, ở Nam Cực mọi phía đều trắng xóa, khiến việc xác định phương hướng rất khó khăn. Chuyện đi lòng vòng không lối ra, hay phải dựng lều trú ẩn khi có bão tuyết từ lâu đã không còn lạ gì đâu na!

Hơn nữa, Trạm nghiên cứu Concordia và nhiều điểm khác ở Nam Cực nằm trên độ cao 3.000m so với mặt nước biển, nên có không khí loãng, và lượng oxy rất thấp. Hầu như mọi người không thể ngửi thấy mùi gì cả.

Vì vậy, trên chuyến bay trở về quê nhà, nhiều Khoa học gia đã xúc động vì rất lâu rồi họ mới được ngửi những mùi hương, hay thum thủm quen thuộc!

3. Ở Nam Cực, nhiều khi chẳng biết là ngày hay đêm nữa:

Ở đây, nhịp độ sinh học của con người bị đảo lộn hoàn toàn.

Vào mùa Đông: Mặt trời không bao giờ lên cao khiến mọi thứ chìm trong tối tăm suốt 4 tháng liền. Vào mùa Hè: Mặt trời không bao giờ lặn.

Do vậy, nhịp độ sinh học của con người bị đảo lộn hoàn toàn. Việc “ăn không ngon, ngủ không yên” thường xuyên xảy ra.

Tuy vậy, có 1 niềm vui gọi là đón ánh mặt trời đầu tiên! Sau 4 tháng mùa Đông, mọi người sẽ dừng hết mọi việc lại, chỉ để trèo lên nóc nhà, và xem mặt trời lần đầu “tái xuất” sau quãng thời gian đi tìm giấc ngủ vùi.

4. Siêu thị cách xa 4.000 cây số:

Mọi thứ ở Trạm nghiên cứu đều phải dự trữ sẵn, gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, và rau củ quả.

Mà đó là siêu thị gần nhất tính từ Trạm nghiên cứu Concordia đấy. Vì vậy, mọi thứ ở Trạm nghiên cứu đều phải dự trữ sẵn, gồm: Thịt, cá, trứng, sữa, và rau củ quả. Các thực phẩm được cho đông lạnh, trứng thì bọc trong sáp.

Và bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi 1 trong những món đồ trên cạn kiệt? Nhà Nghiên cứu Sông băng đến từ Nga – Alexey Akaikin, từng kể rằng: “Hôm nay mọi người nhận được tin Concordia đã hết sạch sữa tươi rùi ! Thế là đành dùng sữa bột, cho đến khi nào được tiếp tế nữa nha hôn !”.

5. Cấm đi tiểu trong lúc tắm:

Tại Nam Cực, mọi người cố gồng mình sao cho không đi tiểu trong lúc tắm, để sau đó nước sẽ được làm sạch và tái sử dụng.

Nước sạch ở Corcodia làm từ tuyết, và tốn rất nhiều nhiên liệu để tan chảy tuyết. Do đó mọi người ở đây luôn ý thức tiết kiệm nước. Họ cố không đi tiểu trong lúc tắm, để sau đó nước sẽ được làm sạch và tái sử dụng.

Nếu hệ thống tái chế phát hiện nồng độ ammoniac tăng cao, nhân viên bảo trì sẽ thông báo điều này trong cuộc họp chung.

6. Sau tất cả, mọi người không chỉ làm việc, mà còn cùng nhau chia sẻ cuộc sống:

Do công việc chuyên môn ở Corcordia khá đa dạng nên khi rảnh rỗi, mọi người cũng giới thiệu, chia sẻ cho nhau. Họ có thể dẫn bạn thăm viếng Phòng thí nghiệm của mình, hoặc cùng nhau chơi bóng rổ trên băng, hay khiêu vũ, và hòa mình vào tiệc ngủ!

Vào cuối tuần, các Giáo sư, nhà Khoa học lại gọi điện thoại ơi ới cho bạn bè, gia đình, người thân, và cả học trò của họ qua Skype. Lúc đó sẽ xuất hiện đủ mọi ngôn ngữ như: Đức, Pháp, Ý, Anh, và Nga. Và do những cư dân tại Corcordia đến từ nhiều nước như thế , nên họ cũng nấu đủ mọi món ăn đã luôn!

Một người từng làm việc ở Nam Cực – Giáo sư Jenny Baeseman nói rằng: ”Chúng tôi cảm thấy hào hứng và may mắn khi có mặt ở đây. Trạm nghiên cứu ở Nam Cực giống như một hầm mỏ xa xôi vậy. Nó không phải là ngôi nhà vĩnh cửu của ai hết. Vì thế nó là ngôi nhà của tất cả mọi người!”

Dù với nhiều chuyên môn khác nhau, nhưng tất cả những người làm việc ở Nam Cực đều quyết tâm phục vụ cho nghiên cứu Khoa học. Họ yêu công việc và cuộc sống của mình, bất chấp điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Thật thú vị và đáng học hỏi quá phải không?
(Hèn gì gọi Nam Cực phải gồi! Túm lại là: Cực quá !!!).

Những loại thực phẩm cho một bữa sáng tràn đầy năng lượng

Công việc bận rộn khiến chúng ta luôn “xuề xòa” trong việc chọn món ăn vào bữa sáng. Các món ăn nhanh sẽ đáp ứng được yêu cầu nhanh-gọn-nhẹ nhưng chúng lại có nhiều chất béo, nhiều protein, nhiều calo, nhiều đường. Nếu liên tục ăn những đồ ăn này, bạn sẽ bị mất cân bằng dinh dưỡng và nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
Trước khi ăn sáng, bạn nên uống một cốc nước lọc. Khi thức dậy, cơ thể luôn trong tình trạng thiếu nước, nếu bạn chỉ ăn sáng thì không đủ bổ sung lượng nước đã thiếu hụt. Bạn nên để sẵn một cốc nước nguội (được đậy kín) ở bàn cạnh đầu giường để sáng dậy uống ngay. 500-800 ml nước nguội sẽ bổ sung cho lượng nước đã mất và làm sạch đường ruột của bạn.
Có câu rằng: “Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như hoàng hậu và ăn tối như một kẻ hành khất”. Vậy bữa sáng nên có những loại thực phẩm nào để đảm bảo sức khỏe của bạn?

1. Yến mạch

Yến mạch cắt dạng tấm chứa gấp đôi lượng ngũ cốc nguyên chất và không chứa đường so với hạt granola. Bạn nên dùng khoảng 250g yến mạch để nấu cháo ăn vào buổi sáng.

Những loại thực phẩm cho một bữa sáng tràn đầy năng lượng
(Ảnh: Pixabay)

2. Bánh mỳ làm từ ngũ cốc

Bánh mỳ từ ngũ cốc nguyên chất chứa nhiều chất xơ và ít calo hơn so với một chiếc bánh vòng (hoặc bánh donut). Các loại bánh mỳ ngọt như bánh bơ, bánh dừa đều có lượng carb lớn. Chúng nhanh chóng bị tiêu thụ và khiến bạn thấy đói trước bữa trưa. Nếu muốn ăn bánh mỳ, bạn nên chọn loại nguyên hạt, thêm quả bơ và bơ lạc, vừa đủ protein và chất béo. Hai lát bánh mỳ ngũ cốc sẽ cung cấp cho bạn 138 calo.

Những loại thực phẩm cho một bữa sáng tràn đầy năng lượng
(Ảnh: Unsplash)

3. Sữa chua Hy Lạp

Sữa chua không béo Hy Lạp chứa gấp đôi lượng protein so với sữa chua nguyên chất. Không chỉ giúp giảm đói hiệu quả mà còn chứa ít đường và hoa quả tươi có lợi cho đường ruột. Vậy nên thay vì ăn một cốc sữa chua hoa quả nguyên chất, bạn hãy ăn sữa chua không béo Hy Lạp kèm một chút hoa quả tươi (Combo này chứa 18g protein).

Những loại thực phẩm cho một bữa sáng tràn đầy năng lượng
(Ảnh: Pixabay)
4. Lòng trắng trứng

Thịt xông khói là món ăn được ưa thích trong bữa sáng nhờ sự tiện lợi và mang lại cảm giác no bụng. Tuy nhiên 3 miếng thịt xông khói đã chứa 554 mg natri còn 2 lòng trắng trứng chỉ có 211 mg natri. Lòng trắng trứng còn giàu protein, axit béo omega 3 và vitamin A. Những người tập thể dục giảm cân, lên cơ đều phải ăn lòng trắng trứng trong bữa ăn hàng ngày.

Những loại thực phẩm cho một bữa sáng tràn đầy năng lượng
(Ảnh: Unsplash)

5. Quả mọng

Uống nước đóng hộp vào buổi sáng là một sai lầm, vì chúng chủ yếu là đường và carbs. Một cốc nước ép trái cây chứa 21 g đường. Bạn nên ăn quả mọng ít đường như dâu tây, việt quất để bổ sung chất xơ.

(Ảnh: Unsplash)

6. Bánh muffin ngũ cốc

Một chiếc bánh muffin ngũ cốc cung cấp 132 calo còn muffin trái cây 444 calo. Tuy nhiều calo hơn nhưng muffin trái cây lại không có nhiều chất xơ. Một chiếc bánh mì kẹp thịt hay một suất khoai tây chiên nghe có vẻ là món lý tưởng cho bữa sáng. Tuy nhiên, các món đồ ăn nhanh thường là đồ rán, nhiều mỡ và carb, không chỉ gây hại cho vòng eo của bạn mà còn khiến bạn nhanh đói hơn. Vào buổi sáng, bạn nên ưu tiên chọn món có chất xơ và lượng protein vừa phải hơn nhé.

(Ảnh: Unsplash)

7. Hạt lanh, hạt chia, mầm lúa mì

Bạn có thể cho hạt lanh vào sữa chua vì chúng chứa nhiều axit béo omega 3 và chất xơ tốt cho cơ thể. Hạt chia có omega 3 và mang lại cảm giác no lâu. Mầm lúa mì giàu vitamin E và folate.

(Ảnh: Pixabay)

Minh Minh

CÓ LINH HỒN NÀO MỒ CÔI VÀ “KHỐN NẠN” KHÔNG?


CÓ  LINH  HỒN  NÀO  MỒ  CÔI  VÀ  “KHỐN  NẠN”  KHÔNG?
Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Hỏi: xin cha giải thích rõ về những linh hồn được gọi là “mồ côi”  và “khốn nạn” trong nơi Luyện hình.

Trả lời:

I-Trước hết về những linh hồn gọi là “mồ côi”

Giáo dân ViệtNam thường có thói quen xin lễ cầu cho những linh hồn “mồ côi” vì cho rằng  những linh hồn này không có thân nhân, bạn hữu còn sống để cầu nguyện cho.

Điều này không đúng theo giáo lý của Giáo Hội vì những lý do sau đây :

1- Các linh hồn mà Giáo Hội  cầu nguyện cho là AI ?

Họ là những tín hữu đã ly trần “ trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn,  mặc dù  được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời, nhưng vẫn phải chịu một sự thanh luyện cần thiết sau khi chết hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng.” (SGLGHCG, số 1030).

Nói khác đi, những ai đã chết trong tình trạng đang hiệp thông với Chúa nghĩa là không có tội trọng (mortal sin) hoặc có nhưng đã ăn năn kịp thời và được tha qua bí tích hoà giải, thì được bảo đảm về ơn cứu rỗi đời đời, nhưng vẫn phải trải qua một thời gian ở nơi gọi là “Luyện tội=Purgatory” để được thanh tẩy khỏi mọi hình phạt hữu hạn ( temporal punishment) của tội đã được tha, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì “ sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau. “(Mt 12:32). Xin nhắc lại tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người.

Giáo Hội chỉ dạy cầu cho các linh hồn còn đang được thanh luyện trong Luyện tội mà thôi, chứ không cầu cho những linh hồn ở nơi gọi là “ Hoả ngục=Hell”  được vì không còn  sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên đàng và Giáo Hội lữ hành trên trần thế. Nghĩa là những linh hồn ở đây “đã vinh viễn xa lìa Thiên Chúa và các thánh trên trời” (x. Sđd ,số 1033).

Tuy nhiên, chúng ta không biết được những ai đang bị phat trong hoả ngục. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Cha quá nhân từ, nên “Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3: 9) để được cứu rỗi.Và chỉ một mình Ngài biết số phận đời đời của những ai đã ly trần mà thôi. Giáo Hội không biết được nên chỉ dạy cầu cho các linh hồn đã ly trần, chứ chưa  hề tuyên bố ai đã  sa hoả ngục  rồi nên khỏi cầu xin nữa.Tuy nhiên,  Giáo Hội có quyền phong thánh ( canonization) cho một số tín hữu đã qua đời  để long trọng tuyên bố rằng “ những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa…” ( x. Sđd, số 828) như thánh Maria  Goretti, Tê-rê-xa Giê su Hài Đồng, Thánh Phan xicô Xaviê,  và 17 anh hùng tử đạo ViệtNam ( ngày 19-6-1988).v.v.Dĩ nhiên,  muốn được phong thánh, phải hội đủ những điều kiện theo luật của Giáo Hội đòi hỏi.

2- Có linh hồn nào gọi là “mồ côi” không?

Đối với tất cả các tín hữu đã ly trần, hàng ngày , khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn ( The Eucharist), Giáo Hội cầu nguyện cách chung cho tất cả  như sau:

“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa.

Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa. (Kinh nguyện Tạ Ơn II)

Các Kinh Nguyện Thánh Thể (Tạ Ơn) I, III và IV đều  có những lời cầu xin tương tự như vậy cho các linh hồn đã ly trần,  nghiã là không có chỗ nào phân biệt linh hồn có thân nhân còn sống đang xin lễ cầu nguyện cho hay những linh hồn không có thân nhân  còn sống để cầu nguyện cho nữa..

Người có thân nhân còn sống xin lễ cầu nguyện cho ai đã ly trần thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu sau đây:

   “Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là… (tên thánh) mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa  thì cũng được sống lại như Người” .

Như vậy, nếu có ai xin lễ cầu cho một hay vài linh hồn nào, thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu trên đây, nhưng vẫn không quên cầu cho tất cả các tín hữu đã ly trần không phân biệt người còn thân nhân hay “mồ côi” vì không có ai xin lễ cầu nguyện cho.

Nói linh hồn “mồ côi” là nói theo suy nghĩ của con người mà thôi; và điều này  không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội , vì  Giáo Hội không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân còn sống  như người ta quen nghĩ  mà chỉ cầu chung cho tất cả  các tín hữu đã ly trần ngay cả  trong những thánh lễ có người xin cầu riêng cho những linh hồn thân nhân của họ đã qua đời.

Như vậy, không có vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và thực hành của Giáo Hội.

Cũng xin được nói lại ở đây một lần nữa là những linh hồn đang được thanh luyện trong chốn Luyện hình đã là những linh hồn thánh (Holy souls) nhưng họ chưa thánh thiện đủ để vào Thiên Đàng hưởng nhan thánh Chúa cùng các thánh nam nữ khác. Vì thế, họ cần được “tạm trú” ở đây một thời gian  dài ngắn tuỳ theo lương khoan dung và công bằng của Chúa.  Họ cần sự giúp đỡ của những tín hữu còn sống trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế và các Thánh ở trên Thiên Đàng nguyện giúp cầu thay cho họ sớm được tha hình phạt hữu  hạn để vào Thiên Quốc.

II- Có linh hồn nào bị coi là “Khốn nạn “ trong  nơi luyện  tội  hay không ?

Trong một kinh đọc trước thánh lễ ở một vài cộng đoàn ViệtNam, người ta nghe thấy có những câu đại ý như sau:

“Xin Chúa ban những ân xá nào có thể chỉ được cho các linh hồn, nhất là những linh hồn khốn nạn trong luyện ngục…

Tôi không nhớ rỏ từng chữ trong kinh này nhưng chắc chắn có nghe cụm từ “những linh hồn khốn nạn trong luyện hình.”

Vậy Ai là những linh hồn “khốn nạn “trong luyện hình ? Mà ‘khốn nạn” theo nghĩa nào?

Chắc chắn đây chỉ là tưởng tượng của ai đã đặt ra kinh “quái dị” nói trên để giáo hữu một số nơi cứ đọc mà không ai chịu sửa chữa cho phù hợp vơi giáo lý, tín lý của Giáo Hội.

Như đã giải thích ở phần trên, các linh hồn , dù đau khổ trong nơi luyện tội, đã là các linh hồn thánh (Holy Souls) rồi và có thể chuyển cầu đắc lực cho các tín hữu trên trần thế , nhưng không thể tự giúp mình được vì thời gian đả mãn, không cho phép họ làm việc lành thêm hoặc phạm tội thêm được nữa. Họ là những người có hy vọng chắc chắn được cứu rỗi, và chỉ còn chờ  thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vậy làm sao họ có thể bị coi là “khốn nạn” được? Có chăng chỉ có những linh hồn đã phải lìa xa Chúa đời đời trong nơi gọi là “hoả ngục” thì mới “khốn nạn” mà thôi, vì phải lìa xa Chúa vĩnh viễn. Và chúng ta cũng không thể làm gì để cứu họ được, vì không có sự hiệp thông nào giữa những ai ở hoả ngục với các thánh ở trên trời và các tín hữu còn trong Giáo Hội lữ hành trên trần gian. (x. SGLGHCG số 1033)

Vậy dứt khoát không có vấn đề cầu cho những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình vì từ ngữ này không đúng để mô tả tình trạng của các linh hồn ở nơi đó.

Họ có đau khổ bao lâu chưa được hưởng Nhan Thánh Chúa, là nguồn mọi vinh phúc, hoan lạc của các thánh và các thiên thần, nhưng họ được bảo đảm ơn cứu độ muôn đời, vì đã ra đi trong ơn nghĩa của Chúa, nghĩa là sẽ có ngày họ được hưởng Nhan Thánh Ngài. Tuy nhiên, như đã nói ở trên,  vì chưa được thánh thiện hoàn toàn để vào ngay Thiên Đàng nên  họ phải chịu thanh tẩy ở nơi thanh lọc cuối cùng này trong một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bình của Chúa đòi hỏi. (x Sđd, số 1030-1031)

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Bạn đã rửa rau củ quả đúng cách


Bạn  đã  rửa  rau  củ  quả  đúng  cách  để  loại  bỏ  dư  lượng  thuốc  trừ  sâu?
Thanh Xuân •Thứ Tư, 14/11/2018 • trithucvn.net

Ảnh từ Shutterstock

Do chịu ảnh hưởng bởi phong trào an toàn thực phẩm, mọi người ngày càng quan tâm đến vấn đề “ăn” an toàn và lành mạnh. Chủ đề “dư lượng thuốc trừ sâu” vẫn luôn là chủ đề nóng hổi. Có rất nhiều các sản phẩm như chất rửa rau củ quả, máy ozone… liên tục xuất hiện cũng đã trở thành chủ đề được mọi người quan tâm.

Để phá vỡ quan niệm sai lầm xưa nay của mọi người và đối diện với vấn đề bằng thái độ đúng đắn, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu các thành phần của thuốc trừ sâu dùng cho rau củ quả:

Thuốc trừ sâu được chia làm những loại nào?
Khi nhắc đến thuốc trừ sâu, ấn tượng của mọi người có thể đều là đến từ những tin tức như “uống thuốc trừ sâu tự tử”, vì vậy khó tránh sẽ có tâm lý lo sợ thuốc trừ sâu là thứ nguy hiểm đến tính mạng, dính vào tay là sẽ bị hư da.

Thuốc trừ sâu chia làm hai loại chính là “tính tiếp xúc” và “tính hệ thống”. Thuốc trừ sâu loại tiếp xúc được phun trực tiếp lên bề mặt rau củ quả nhằm diệt trừ sâu hại, loại này sẽ phân giải dưới ánh mặt trời theo thời gian hoặc bị nước mưa rửa trôi. Thuốc trừ sâu có tính hệ thống thì sẽ đi vào bên trong thực vật qua lỗ khí trên lá hoặc từ rễ và lưu lại bên trong thực vật lâu hơn, được phân giải dần qua enzym của cây.

Làm thế nào để lựa chọn rau củ quả nhằm tránh dư lượng thuốc trừ sâu?
Dù là thuốc trừ sâu (hay thuốc bảo vệ thực vật) loại nào thì thật ra đều cần thời gian để phân giải một cách tự nhiên, vì vậy, điều đầu tiên cần biết đó là “thời gian thu hoạch an toàn”: Để thuốc trừ sâu được phân giải tự nhiên, sau khi phun không được thu hoạch ngay mà phải qua một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, rau củ được thu hoạch trước bão vì là tranh thủ thu hoạch nên có thể sẽ có khả năng còn dư lượng thuốc trừ sâu khá cao.

Thứ hai, “không ăn khác mùa”. Rau củ quả phát triển nhiều một cách tự nhiên vào đúng mùa do có điều kiện khí hậu phù hợp mà không cần dùng quá nhiều thuốc trừ sâu; nếu trái mùa, để rau củ phát triển tốt sẽ khó tránh dùng khá nhiều thuốc trừ sâu. Vì vậy những người tiêu dùng như chúng ta tốt nhất đừng có suy nghĩ rằng “trái cây khác mùa là khá quý”, thật ra thì sẽ gây hại cho bản thân cũng như môi trường.

Có một số loại rau củ quả như cà tím và ớt sẽ không ngừng ra quả mới vào thời điểm thu hoạch, người nông dân phải hái liên tục, vì vậy nên họ không có cách thiết thực để tuân thủ “thời gian thu hoạch an toàn”: hôm nay phun thuốc, ngày mai lại có quả đã chín rồi, vậy thì có hái không? Ngoài ra, có những loại rau củ khá đắt vì bị sâu ăn mất thì sẽ bị lỗ nên sẽ cần phải dùng khá nhiều thuốc trừ sâu. Khi rửa những loại rau củ quả này chúng ta phải đặc biệt chú ý đến dư lượng thuốc trừ sâu.

Cách rửa thường thấy
Thật ra việc định ra tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả và xác định dư lượng đều được là kiểm nghiệm trực tiếp trên rau củ quả chưa rửa, điều này cho thấy, nếu được rửa sạch thì thật ra không cần quá sợ hãi dư lượng thuốc trừ sâu. Vậy rốt cuộc thì nên rửa như thế nào? Đầu tiên chúng ta hãy cùng xem một số “bước” thường gặp liệu có phù hợp với kiến thức hóa học thông thường hay không.

1.Nước vo gạo, nước muối
Quan niệm thông thường cho rằng rau củ quả sẽ được rửa sạch hơn nếu ngâm trong nước vo gạo.

Chúng ta biết rằng trong nước vo gạo có chứa tinh bột, khoáng chất và chất hữu cơ, nếu dùng để tưới cây thì không sai, nhưng đồng thời trong nước này cũng có chứa các loại bụi bẩn, vi khuẩn, thuốc trừ sâu và ấu trùng, nếu ngâm rau củ thì liệu có sạch hay không? Vì vậy cũng cần cân nhắc xem có nên rửa các loại thực phẩm khác bằng nước vo gạo hay không.

Còn về nước muối thì không hề có khả năng làm tan thuốc trừ sâu, nếu ngâm quá lâu ngược lại có thể sẽ khiến thuốc bị hấp thu vào bên trong, vì vậy tốt hơn là không nên sử dụng.

2. Chất rửa rau củ quả
Thật ra chất rửa rau củ quả là chất hoạt động bề mặt, quả thật là có thể rửa trôi thuốc trừ sâu, nhưng sau khi dùng vẫn phải rửa lại một lần nữa bằng nước sạch, nếu không chất tẩy rửa này sẽ còn dư lại gây nên hậu quả tệ hơn.

3. Máy ozone rửa rau củ quả
Có rất nhiều thuốc trừ sâu mà ozone không thể phân giải được, hơn nữa hoạt tính của ozone rất mạnh, nếu phản ứng với các thành phần khác ngược lại sẽ gây ra những nguy cơ không cần thiết.

Vậy thì nên rửa như thế nào?
Vậy thì rốt cuộc nên rửa như thế nào? Đáp án thật ra rất đơn giản: đó chính là nước sạch! Sau khi sơ chế rau củ quả, trước tiên hãy ngâm trong nước sạch khoảng 5 – 10 phút rồi rửa lại một lần nữa, cũng có thể kết hợp với việc chà nhẹ bề mặt bằng bàn chải, chỉ cần như vậy thôi là rất đủ rồi.

Thuốc trừ sâu không chịu được nhiệt độ cao, nếu là các loại rau, thật ra chỉ cần trụng qua nước sôi là gần như không còn dư lượng thuốc trừ sâu nữa. Vì vậy đừng ăn rau sống mà hãy trụng qua nước sôi là rất an toàn. Đương nhiên là phải đổ nước trụng đầu tiên đi, đừng giữ lại để uống.

Khi pha trà cũng vậy, nếu bạn lo lắng túi trà hay lá trà có dư lượng thuốc trừ sâu thì có thể đổ nước ngâm lần đầu đi, sau đó mới bắt đầu pha trà là sẽ không cần quá lo lắng nữa.

Ngoài ra, đa phần thuốc trừ sâu đều là loại có tính tiếp xúc, cũng có nghĩa là chỉ được phun bên ngoài chứ không bị hấp thu vào bên trong rau củ quả, vì vậy chỉ cần gọt vỏ là có thể hoàn toàn tránh được dư lượng. Mọi người đừng quá băn khoăn về việc nên rửa rau củ quả bằng gì nữa, mà cần phải biết cách “làm thế nào để rửa sạch rau củ quả bằng nước”.

Thanh Xuân

4 dấu hiệu cho thấy mạch máu đang dần bị tắc...


BS  cảnh  báo:
 4  dấu  hiệu  cho  thấy  mạch  máu  đang  dần  bị  tắc, 
 xử  lý  ngay  để  tránh  nguy  hiểm
Ngày 14 Tháng 11, 2018-giadinh.net



Mạch máu bị tắc, có cục máu đông hay độ nhớt máu cao không chỉ khiến bạn khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt, mà còn có nguy cơ gây tai biến não, tim mạch, đột quỵ.
Cơ thể của chúng ta được bao phủ bởi hệ thống các mạch máu lớn và nhỏ phủ khắp từ đầu đến chân. Thông qua hệ thống này, máu chảy qua lại giữa các bộ phận trong cơ thể một cách liên tục và nhịp nhàng.

Máu không chỉ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, mà còn có chức năng vận chuyển nhiều chất thải trao đổi chất khác nhau để giữ cho mạch máu sạch và khỏe mạnh.

Khi máu trở nên đặc/dày lên, lưu lượng máu lưu thông trong mạch sẽ chậm lại, dẫn đến một số bộ phận nào đó trên cơ thể không thể lấy oxy và chất dinh dưỡng một cách kịp thời, đồng thời dễ dàng để hình thành cục máu đông, trường hợp nặng có thể làm tắc nghẽn mạch máu, và có thể dễ dàng dẫn đến vỡ mạch hoặc tai biến tim mạch sau huyết khối.

Do đó, điều quan trọng là giữ cho máu sạch và khỏe mạnh. Theo các chuyên gia sức khỏe trên kênh Bác sĩ Gia đình (TQ), nếu bạn thường xuyên có 4 biểu hiện sau đây, bạn phải nhanh chóng tìm giải pháp thanh lọc máu, không nên trì hoãn.

Nếu cơ thể không có 4 dấu hiệu này, thì xin chúc mừng, mạch máu của bạn vẫn rất sạch sẽ!

1. Ngủ dậy chóng mặt, đầu óc thiếu minh mẫn

Thông thường, sau một đêm nghỉ ngơi đầy đủ, mọi người thức dậy sẽ giống như được tiếp thêm sinh lực, cơ thể và đầu óc đều tràn đầy năng lượng sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Nhưng, loại trừ ảnh hưởng của các bệnh khác, nếu buổi sáng sau khi ngủ dậy bạn có một cảm giác chóng mặt, đầu óc thiếu minh mẫn, cảm giác bị chậm chạp cả hành động lẫn tư duy, đặc biệt là sau khi ăn sáng xong mới dần dần tỉnh táo và có năng lượng hơn, đó chính là dấu hiệu cảnh báo mạch máu của bạn đang bị đậm đặc quá. Đây có thể là máu đông (đậm đặc, nhớt) ở mức độ khá cao.

Bởi vì độ nhớt máu cao, tuần hoàn máu kém, dẫn đến tình trạng máu không đủ cung cấp cho não, phục vụ các hoạt động tức thời, từ đó sinh ra chóng mặt, loạng choạng và các triệu chứng khác.

2. Tầm nhìn đột ngột mờ đi

Khi thị lực bất ngờ bị giảm sút, tầm nhìn mờ hoặc mắt nhòe cũng là một biểu hiện của độ nhớt máu cao. Khi độ nhớt máu cao hơn bình thường, máu sẽ không di chuyển thông suốt, võng mạc và hệ thần kinh điều khiển mắt không thể nhận được chất dinh dưỡng và oxy kịp thời dẫn đến dễ bị thiếu oxy máu thoáng qua - thiếu máu cục bộ.

Biểu hiện phổ biến nhất của triệu chứng này là tầm nhìn đột ngột mờ, khoa học y tế gọi hiện tượng này là mờ ảo giác. Trừ việc bạn đang bị ảnh hưởng của các bệnh khác, nếu có hiện tượng thị lực thường xuyên bị mờ, mọi người nên cảnh giác với thực tế rằng máu đã trở nên dính, cần phải sớm xử lý.

3. Ngồi xổm làm việc có cảm giác thở gấp, hơi thở ngắn

Khi bạn cần phải ngồi xổm để làm một việc gì đó, sau đó xuất hiện cảm giác khó thở, hơi thở ngắn, thít thở khó khăn thì đây cũng được xem là một dấu hiệu cảnh báo máu của bạn đã bị nhớt dính.

Bởi vì khi bạn giữ tư thế ngồi xổm làm việc, máu trở về tim sẽ đột ngột giảm, nếu máu bạn quá nhớt, tuần hoàn máu chắc chắn sẽ kém, không thể trao đổi kịp thời của oxy và carbon dioxide lên vùng não và phổi dẫn tới các cơ quan khác sẽ thiếu máu cục bộ.

Điều này rất dễ dàng xuất hiện các triệu chứng như khó thở và hụt hơi. Vì vậy, nếu bạn làm việc trong tư thế ngồi xổm mà có trường hợp khó thở, hãy chú ý đi khám sớm.

4. Không nghỉ ngơi vào giờ trưa thì sau đó buồn ngủ không chịu nổi

Nếu bạn có sức khỏe tốt, trong một ngày nào đó bạn không ngủ trưa, buổi chiều vẫn có thể làm việc bình thường. Nhưng nếu bạn gặp hiện tượng hễ không ngủ trưa là sau đó mệt mỏi buồn ngủ cả buổi chiều thì hãy xem lại.

Đây cũng là một tiêu chí đáng giá tình trạng máu của bạn có vấn đề, biểu hiện rõ nhất là nguồn máu nhớt bẩn.

Đối với những người thuộc nhóm không có nhớt máu, tức mạch máu luôn sạch sẽ thông suốt, thì ngủ hay không ngủ trưa cũng không có vấn đề gì, mặc dù ngủ nghỉ đủ sẽ tốt hơn, nhưng không ngủ sẽ vẫn duy trì được lịch làm việc buổi chiều.

Trong khi, người bị nhớt máu luôn cần một giấc ngủ trưa ngắn để ổn định tinh thần. Không ngủ sẽ có cảm giác vừa mệt, vừa buồn ngủ, mắt không thể mở lên được, toàn cơ thể mệt mỏi thiếu sức sống.

Điều này xuất phát từ nguyên nhân sau bữa ăn trưa, tuần hoàn máu sẽ hoạt động nhanh hơn, những người bị nhớt máu cao sẽ xuất hiện tình trạng máu lên não kém, dẫn đến cảm giác buồn ngủ mệt mỏi sau bữa ăn. Nếu bạn có hiện tượng này, hễ vừa ăn là buồn ngủ, không ngủ là sẽ mệt mỏi, thì nên thận trọng, xin ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt để giải quyết tình hình.

Bệnh nhớt máu, cục máu đông, hay máu bị bẩn là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây ra đột quỵ, tắc mạch máu não hoặc các triệu chứng tim mạch liên quan. Hễ có vấn đề nghi ngờ, bạn nên đi khám sớm.

Theo Trí thức trẻ




Dec 2, 2018 - Chúa nhật I Mùa Vọng năm C


Dec 2, 2018 - Chúa nhật I Mùa Vọng năm C
Con  đường  chúng  ta  phải  đi



Các Bạn thân mến,
Mùa Vọng ngày xưa gọi là Mùa Áp, là thời gian đặc biệt trong năm Phụng Vụ để chuẩn bị tâm hồn mừng ngày Chúa đến với thế gian lần thứ nhất. Nhưng Mùa Vọng cũng là thời gian để nhớ tới ngày Chúa đến với chúng ta lần thứ hai vào ngày tận thế. Nên Mùa Vọng là thời gian tĩnh tâm dài để cầu nguyện, suy nghĩ về ngày cuối cùng, ngày chúng ta lìa bỏ đời này để bước sang cuộc sống vĩnh cửu đời sau.
Tin Mừng hôm nay nói đến ngày tận thế ấy, với các hiện tượng lạ lùng, kinh sợ sẽ xảy ra. Rồi Con Người sẽ đến đầy quyền năng và uy quyền cao cả...Ngày Tận Thế đến bất ngờ, nên Chúa dạy:"Chúng con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, bởi chè chén say sưa, và quá lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với chúng con...Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."
Dù mọi người đã quen thuộc với nội dung tiên báo này. Nhưng vẫn luôn lo lắng, rồi đoán già đoán non về ngày ấy. Đặc biệt năm 2012, theo lịch của người Maya, đông chí của năm đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ 144.000 ngày. Chu kỳ đó đã lặp lại 12 lần trong lịch của người Maya. Lần thứ 13 sẽ chấm dứt vào ngày 21.12. 2012, khép lại một chu kỳ lịch kéo dài 5.126 năm. Nhưng rồi cũng không xẩy ra!
Và những điều Nasa tiên đoán về trái đất âm u tối đen vào các ngày 23, 24 và 25 tháng 12.2012; sau đó như thế nào, không ai biết! Thế rồi thế giới vẫn tiếp tục sống! Trước những điều tin đoán này, người ta lo chuẩn bị đủ điếu! Nghĩ mà buồn cười vì nếu tận thế thì còn gì mà chuẩn bị?! Có lẽ người ta tưởng tận thế là một tai họa, một thiên tai đến rồi sẽ qua đi, nên có thể đề phòng, có thể đối phó!
Nhưng điều rõ ràng là một sự trùng hợp ý nghĩa khi Tin Mừng chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ lại luôn cùng nội dung với chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, thời điểm mà mọi người nghĩ sắp tận thế.
Thánh Luca ghi lại lời Đức Giesu nhắc nhở việc Ngài quang lâm. Bởi chúng ta đang sống giữa khoảng thời gian hai lần Chúa đến thế gian. Lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm, tại Belem, trong sự âm thầm khiêm hạ với thân phận yếu đuối của con người trần gian. Lần thứ hai Ngài sẽ đến trong vinh quang uy quyền của một vị Vua. Đó là ngày cánh chung, ngày cuối cùng của thế giới, để bước sang sự sống vĩnh cửu. Nhưng chẳng ai biết được thời điểm ấy, nên mọi người vẫn bị cám dỗ lôi cuốn vào vui chơi hưởng thụ, mê đắm trần gian mà lãng quên ngày mình phải bỏ tất cả mà ra đi.
Lời báo trước đầy thách đố, chứa nhiều đe dọa, thiên tai, hoạn nạn, khổ đau, làm con người kinh hoàng, chán nản, lung lay niềm tin, không còn sẵn sàng chờ cuộc vượt qua nữa. Vì thế Đức Giesu dạy chúng ta phải kiên trì, phải tỉnh thức cầu nguyện để đứng vững khi gặp những dấu chỉ ấy. Bởi ngày đó sẽ mang lại niềm vui vô vàn cho những ai sống theo tinh thần Tin Mừng của Ngài.
 Cũng chỉ còn vài tuần nữa chúng ta lại mừng Chúa Giáng Sinh, thế là một năm qua đi nhanh chóng với bao nỗi lo sợ, và một năm mới lại đến. Mừng năm cũ qua, năm mới đến, chúng ta lại bước gần tới điểm tận cùng của đời mình hơn! Có phải là vòng luẩn quẩn không nhỉ? Nếu phải thì sao chúng ta không trở lại được thời tuổi trẻ? Vậy có gì đó chưa đúng hay là nghịch lý? Suy nghĩ tận tường, chúng ta sẽ hiểu ra.

1.    Vấn đề lịch sử:
Vẫn luôn là khúc mắc của loài người, và khó thống nhất dù Đức Giesu đã xuống trần gian hơn hai ngàn năm nay để giải thích và rao truyền chân lý, nhưng loài người vẫn chưa thuần phục, vẫn cố tình bám theo quan niệm riêng:
    a)  Theo quan niệm thông thường của người đời thì lịch sử đi theo vòng tròn:
-    hết Xuân tới Hạ, rồi Thu, Đông và sau đó lại trở lại theo chu kỳ ấy;
-     cây cỏ hoa lá héo tàn rồi lại mọc xanh tươi tốt đẹp vào mùa sau, năm sau;
-     mặt trời mọc lên vào buổi sáng, lặn vào buổi chiều rồi sáng hôm sau lại mọc, chiều lại lặn như vậy;
-     năm này trôi qua rồi tới năm khác, năm khác ấy qua đi thì lại tới năm sau đó;
-     cùng với những cảnh ấy, việc ấy, lao nhọc và khó khăn ấy…
-     nghĩa là mọi sự luôn tái diễn, bắt đầu rồi bị tiêu hủy, rồi lại bắt đầu lại, con người cũng loanh quanh như vậy!
 *   Quan niệm này thoạt nghe có vẻ hợp lý, vì nó đúng với thực tế chung quanh con người. Nhưng suy nghĩ kỹ thì chẳng đi tới đâu, đơn giản như một bông hoa năm nay mọc lại đâu phải là bông hoa năm ngoái đã chết mà năm nay sống lại! Và làm sao giải thích được thời gian trên chính bản thân mình? Với nhiều điều cao trọng hơn nữa như ý nghĩa cuộc đời, may mắn, bất hạnh trong cuộc sống?
     b) Theo quan niệm Thánh Kinh thì lịch sử đi theo một đường thẳng, nghĩa là có cùng đích, và hướng tới tương lai càng ngày càng tốt đẹp hơn theo kế hoạch của Thiên Chúa, tại đó Đức Giesu sẽ làm Vua chủ tể mọi sự, mọi loài.
 -    con người không sống trong tình trạng bất biến, mà trong tình trạng mong đợi;
 -     thời trẻ, tuổi xuân xanh của con người trôi qua, không bao giờ trở lại, mà càng ngày càng đi đến gìa nua, rồi chết;
 -     mỗi ngày qua đi là chúng ta tiến gần hơn tới đích hạnh phúc hay tới hố sâu thăm thẳm tối đen,
 -     mỗi người chỉ có duy nhất một cuộc đời, không có cuộc đời nào khác, cơ hội khác, nên cuộc đời đang sống là món quà tặng vô cùng quí gía.
 *   Đây là quan niệm đứng đắn, không chỉ con người, mà tất cả mọi sự mọi vật đều chỉ có một cuộc đời, bông hoa này chết đi, bông hoa khác mọc lên. Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sống là vậy! Đó là sự thật, là chân lý chúng ta phải nhớ mãi.

 2.    Những điềm báo lạ:
 -   Theo quan điểm nào thì tạo vật vẫn là tạo vật, chung số phận là phải đi đến điểm tận cùng, không gì có thể bền vững mãi.
 -   Xưa nay người ta thường cho rằng những thế lực vững chắc nhất trong vũ trụ là mặt trời, mặt trăng, các tinh tú…
-   Nhưng rồi những quyền lực ấy cũng sẽ bị lay chuyển, gây tai họa thình lình giáng xuống địa cầu, đó là điềm báo lạ.
-   Dưới đất thì những điềm báo ngày càng thể hiện rõ rệt: biển sóng gào thét, chiến tranh, đói khát, lụt lội, dịch bệnh, tai họa, tội ác, đạo đức gỉa, ngôn sứ gỉa, lòng người chai lì khô nguội…
-   Trước những tai ương lạ lùng đó làm con người lo sợ kinh hãi, đặc biệt những người không có đức tin, những kẻ tội lỗi; còn các môn đệ, các người trung tín với Chúa thì được căn dặn nhìn thấy điềm báo thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ Chúa đến ban thưởng.
-   Tuy nhiên ngày ấy đến như kẻ trộm, nghĩa là không ai biết cụ thể, không ai biết trước. Về thời gian thì không biết thời điểm, về hình thức thì không biết sẽ xẩy đến bằng cách nào, nghĩa là Chúa đến hoàn toàn bất ngờ, theo một cách khác hẳn với suy nghĩ của mọi người.
-   Thế nên người ta đã đưa ra nhiều lý luận để suy đóan viển vông rằng khi nào những điểm báo đó xẩy đến và xẩy đến như thế nào, trước khi lời hứa trở lại của Đức Giesu được thực hiện.
-   Tuy nhiên điều khẳng định vẫn là vũ trụ này sẽ bị xáo trộn, đảo điên, rồi qua đi, nhưng xáo trộn kinh khủng nhất vẫn là nơi tâm lòng con người.

 3.    Ngày Chúa đến:
 -    Lịch sử loài người đang tiến dần đến cùng đích theo kế hoạch của Thiên Chúa.
 -    Và Đức Giesu đến lần thứ hai, đưa lịch sử loài người tới cùng đích ấy hầu tất cả mọi người đều phải trình diện trước Thiên Chúa.
 -    Đó là ngày Thiên Chúa toàn thắng ma quỉ cùng những sự thuộc về chúng…nên là ngày hết sức vui mừng cho những người sống tốt lành, những người được chọn.
 -    Và là ngày khủng khiếp cho những kẻ tội lỗi gian ác, những thế lực xấu xa sẽ bị trừng trị, bị tiêu diệt.
 -    Nên Mùa Vọng mang đến lời kêu gọi tỉnh thức cấp bách cho mọi Kito hữu để chọn lựa thái độ đúng đắn khôn ngoan cho mình:
    a)   Thái dộ tỉnh thức:
-    Chúa nói việc trở lại của Ngài hoàn toàn bất ngờ, nhưng Ngài vẫn cho biết trước bằng những biến cố, những dấu chỉ, bằng sự khuyên dạy phải tỉnh thức đón chờ với nhiều dụ ngôn nói lên sự vô cùng cần thiết phải sẵn sàng.
-    Vì chắc chắn ngày ấy sẽ đến, chúng ta sẽ phải trình diện trước mặt Chúa.
-    Tỉnh thức đấy là một thái độ tinh thần, không ngăn cách với đời sống hiện tại, nhưng mà là một phần của đời sống hằng ngày.
-    Nó không có gì khác thường, không phải từ bỏ các hoạt động hằng ngày để theo đuổi một cái gì xa xôi.
-    Tỉnh thức là sống với ý nghĩa thật của cuộc sống mình, sống có chủ ý, có ý thức, biết vì sao mình được sinh ra, sống và rồi sẽ ra sao, đi về đâu.
-    Dù đẹp xấu, khôn dại, giầu nghèo, sang hèn, khỏe yếu…cũng không ai thoát được cái chết.
-    Nó luôn rình rập, bám sát, chờ thời cơ tóm bắt chúng ta, vì thế nhiều người đã chẳng qua được tuổi gìa.
-    Để đối phó với sự chết, là sẵn sàng, bình tĩnh giáp mặt với nó bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Đừng trốn tránh nó.
-    Cần sống sao cho thần chết không gặp chúng ta lúc chưa chuẩn bị, lúc mê mẩn chuyện thế gian, lúc đang phạm tội.
-    Vậy đừng coi thường, đừng chậm trễ, hãy đề phòng, sẵn sàng ngay từ bây giờ, lo việc phải lo, làm việc phải làm, sống thánh thiện, thương yêu hoà hợp với nhau, cảnh giác việc phải thận trọng, bất ngờ, đó là ý nghĩa của tỉnh thức.
-    Hãy tập cho mình không sợ chết, bằng cách thường xuyên nghĩ đến nó, và liên tục cầu nguyện, chúng ta sẽ được an tâm trước phút giây cám dỗ nguy hiểm nhất của cuộc đời là giờ phút hấp hối.
-    Tỉnh thức để đón nhận những bất ngờ, thú vị, sung sướng hạnh phúc và cả bất ngờ làm đau khổ day dứt.
 -    Thái độ tỉnh thức quan trọng là chú ý tới việc đón Chúa đến, không để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài, rồi chán nản chè chén say sưa, hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chuyện thế gian.
 -    Cũng cần luôn bồi dưỡng tình thương để chia sẻ với anh em hầu cùng bền tâm nhất chí trông chờ ngày Chúa quang lâm.
 -   Thái độ tỉnh thức sẵn sàng không làm thiệt hại, mà giúp chúng ta sống khôn ngoan, an tâm hạnh phúc hơn.
 -    Cầu nguyện cũng không chỉ là đọc kinh, mà còn là tâm trạng luôn hướng về Chúa, hợp nhất với Chúa, trong ý hướng và hành động sẵn sàng làm bất cứ việc gì Ngài muốn.
     b) Thái độ dại khờ:
 -    Nhiều người sống như không bao giờ phải chết, như thế giới là vô tận, như thế gian là thiên đàng vĩnh cửu, mà quên rằng cuộc đời này tạm bợ, con người chỉ là những lữ hành.
 -    Nhiều khi còn ru ngủ mình bằng cách tìm đến những hoan lạc vật chất, để rồi chìm đắm trong những đam mê danh vọng, quyền lực, giầu sang, lạc thú, tính toán làm ăn, lo toan tích trữ cho cuộc sống hiện tại.
 -    Bị cuốn hút theo những làn gió mới, những trào lưu tiến bộ cải cách, muốn ngang hàng, muốn thay thế tạo hóa, mà quên đi ngay cả những bất ngờ đơn giản cũng có thể thiêu đốt giang san sự nghiệp và cả con người họ.
 -    Buông mình vào đời sống phóng đãng, say sưa, cư xử bất công, sống ngày nào hay ngày ấy, không cần biết đến công lý, đến tương lai.
 -    Quên hẳn thời gian ngày đêm đang gặm nhắm chính cuộc đời mình.
 -    Quên cả tai nạn, sự tàn phá, thiên tai, bệnh tật …chẳng trừ một ai, mà bất cứ lúc nào cũng có thể lấy đi mạng sống chúng ta cách dễ dàng nhanh chóng.
 -    Kinh nghiệm đau thương nhất nói lên sự ngây ngô dại khờ của loài người và cả khoa học, đó là tai nạn xẩy ra cho con tàu Titanic tự hào cao vút, đã chìm đắm năm 1912 mà nay người ta còn đang tìm kiếm báu vật nó mang theo!
 -    Vậy nếu con tàu đời chúng ta đang chìm dần, liệu chúng ta có miệt mài kiếm sống, mải mê tranh giành và xin Chúa chờ một chút bởi chúng ta đang bận bịu, chưa kịp chuẩn bị đến gặp Ngài không?

Lạy Chúa, Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, mong chờ kỷ niệm Chúa đến lần thứ nhất và đặc biệt là lần thứ hai để khai mở một thời đại mới tốt đẹp vĩnh cửu.
 Xin cho những vất vả khổ đau của cuộc sống cũng như những vẻ đẹp trần gian không làm chúng con quên đi sự luôn sẵn sàng, thanh thoát để việc Chúa đến lúc nào cũng là niềm vui mừng hoan lạc cho chúng con.
Cùng cho chúng con biết tận dụng mọi cơ hội Chúa gởi tới, hầu nhanh chóng đến được cuộc đời viên mãn hạnh phúc.
 Giờ đây chúng con mới chỉ ở ngưỡng của của năm phụng vụ mới, nhìn tương lai chúng con cũng băn khoăn lo lắng vì gian truân vất vả đang chờ, nhưng nhớ Lời Chúa dạy:"Anh em hãy đứng thẳng, và ngẩng đầu lên vì anh em sắp dược cứu rỗi” mà chúng con tin tưởng, lạc quan sống, hầu tỉnh thức chờ đợi Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
 Than men,
duyenky