Nov 4, 2018 - Chúa nhật 31 thường niên năm B - Điều Răn Duy Nhất
Các Bạn thân mến,
Thời tiết đã bắt đầu lạnh lạnh
thường xuyên, cái lạnh se se nhẹ nhàng cuối Thu, của thời tiết chuẩn bị vào Đông
làm chúng ta dễ chịu phải không các Bạn? Dù báo hiệu Mùa lạnh lẽo đã kề bên, nhưng
lại nhiều trông chờ hy vọng: hân hoan chờ vọng Chúa Hài Đồng; mong mỏi chờ đợi
kết thúc một năm thời gian; tưng bừng chờ đợi một Tết Dương Lịch và da diết đợi
chờ một Tết Âm Lịch buồn vui lẫn lộn của con dân Việt Nam hải ngoại! Năm nào
cũng vậy, cứ gần đến cuối năm, tất cả đều như mong chờ một điều gì mới lạ, một
bước ngoặc, một hy vọng, một phép lạ làm thay đổi bộ mặt hiện tại với những chán
chường, thất vọng, hay nuối tiếc của mình, của người thân, của gia đình, của
quê hương và của cả thế giới...
Cả những người đã đi vào lòng đất
lạnh trước chúng ta mà còn bị giam nơi Luyện Ngục, các linh hồn đó cũng vẫn
đang chờ đợi chúng ta, chờ đợi mọi người thân quen, chờ đợi Thiên Chúa thương
xót, tha thứ hết lỗi lầm để sớm được hưởng nhan Thánh Ngài. Hãy nhớ đến họ
trong tháng Mười Một này, tháng cầu riêng cho họ đấy!
Trở lại Tin Mừng Thánh Macco chúa
nhật tuần này, ghi lại câu chuyện đàm đạo của một vị kinh sư cũng đã chờ mong được
phỏng vấn Đức Giesu vì ông đã nghe Ngài và những người thuộc nhóm Xadoc tranh
luận với nhau. Cảm phục Ngài nên ông đến gần và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu?”
Đức Giesu trả lời: “Điều răn đứng đầu
là ngươi phải yêu mến Thiên Chúa duy nhất của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết
trí khôn và hết sức lực ngươi.”
Vị kinh sư không hỏi thêm gì, nhưng Đức
Giesu nói ngay: “Điều răn thứ hai là phải yêu người thân cận như chính mính.”
Cuộc đàm thoại rõ ràng, ngắn gọn,
đơn giản nhưng nó đã giải đáp được vấn đề vẫn bàn cãi rất nhiều trong giới rabi.
Bởi trong Do Thái giáo vốn có hai khuynh hướng trái ngược nhưng đồng thời với
nhau, đó là một bên muốn mở rộng luật pháp vô hạn định, một bên muốn tóm tắt
luật pháp lại chỉ với một câu!
Đức Giesu đã trả lời bằng cách nhập
chung hai điều răn quan trọng lại với nhau căn cứ trên:
1. “...Gia ve Chúa chúng
ta là Thiên Chúa độc nhất...”:
- Câu duy
nhất này là tín điều của Do Thái giáo. Nó có ba cách dùng:
.
Đây là câu đã và vẫn được đọc lên khi khởi sự giờ kinh thờ phượng trong
nhà hội.
Là bản tuyên ngôn, là nền tảng độc thần của Do Thái giáo.
. Được ghép lại trong các thẻ bài mà người Do
Thái ngoan đạo đeo trên trán hay cườm tay để khi cầu nguyện nhắc nhở mình.
. Được ghép trong một hộp nhỏ hình trụ treo
trước cửa nhà, trên mọi phòng trong nhà để nhắc nhở nhớ đến Thiên Chúa mỗi lúc
đi ra đi vào.
- Khi Đức
Giesu trích dẫn câu này như điều răn thứ nhất thì mọi người Do Thái mộ đạo đều
nhất trí ngay với Ngài.
-
Ngày này các gia đình Công giáo, tín hữu chúng ta vẫn giữ được thói quen
tốt lành ấy, là treo, trưng bầy trong nhà, nơi trang nghiêm nhất, cũng như
nhưng phòng ốc sinh hoạt chung riêng, hay đeo mang trên mình những hình ảnh về
Thiên Chúa, Đức Kito chịu đóng đinh, nguồn ân sủng Thánh Thần, Đức Mẹ, thánh
Giuse, các thánh nam nữ, những Thánh Vịnh sâu sắc, những thông điệp đặc biệt
của Đức Giesu, của Giáo Hội…với mục đích nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa luôn
hiện diện trước mặt chúng ta để quan phòng, đồng hành với chúng ta trong mọi
nơi mọi lúc. Cùng sự thông công của các vị Thánh với chúng ta.
-
Như vậy chúng ta sẽ dễ dàng nhớ chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa cùng tránh
được rất nhiều sai lầm, tội lỗi. Và an tâm sống trong từng giây phút.
-
Đây là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm đặc biệt để giáo dục giúp
đỡ con cháu mình nối tiếp thói quen tốt đẹp cần thiết và dễ dàng này.
-
Hiển nhiên chúng ta cũng đừng quá mầu mè, tham lam, ôm đồm mà trang trí
rườm rà tổ ấm gia đình mình như những đền thánh linh thiêng, ngai tòa vinh
quang của vị này vị kia làm mất đi không gian thoải mái, ấm cúng tự nhiên của
gia đình và làm bọn trẻ ngộp ngạp, dị ứng!
2. “Hãy yêu thương người thân cận như chính
mình.”
- Là câu trích dẫn từ sách Levi.
- Thời trước thân cận được
hiểu là người Do Thái, nhưng ở đây Đức Giesu trích dẫn câu ấy mà
không xác định, cũng không giới hạn đối tượng của nó.
- Nhưng chúng ta cần hiểu rằng"thân cận" không chỉ giới
hạn trong quan hệ máu mủ, bạn bè, mà còn là cả trong quan hệ thân cận với một
Chúa, một tôi, là những người tuân giữ luật lệ Thiên Chúa như Ngài đã nói: “Ai tuân giữ lề luật của tôi là cha mẹ anh em của tôi.”
-
Và hơn thế nữa, còn là mối quan hệ giữa các tạo vật với nhau vì cùng một
Đấng Tạo Hóa.
-
Như thế được hiểu là tất cả mọi người, không một chút phân biệt: chủng
tộc, sắc mầu, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, thân phận, tôn giáo…đều là những người
thân cận với nhau, thân cận của chúng ta.
-
Đúng là: “Tứ hải giai huynh đệ!” như
lời dạy của các thánh hiền Đông phương chúng ta.
-
Tuy nhiên Thiên Chúa cũng thông cảm cho mức độ thân cận ưu tiên theo
quan niệm của thế gian: ưu tiên đời thứ nhất, trực hệ, là những người cùng máu
mủ gần nhất như cha mẹ, vợ chồng con cái; rồi dần xuống tới những người mà
chúng ta gọi là họ hàng, đời thứ hai, thứ ba… là ông bà, chú bác, cô dì, và con
cháu của họ…
-
Sởi dĩ có ưu tiên ấy là vì đôi khi hoàn cảnh quá khó khăn, phức tạp
khiến chúng ta bối rối không đủ khả năng, không biết cư xử sao cho phải lẽ. Chứ
chắc chắn trong yêu thương sẽ chẳng bao giờ được giới hạn, cũng chẳng được chọn
lọc theo ý riêng mình...
-
Nhưng có một thực tế là nhiều khi vì lý do nào đấy mà chúng ta muốn giúp
đỡ, thích “yêu người lân cận” ngoài
vòng, xa hơn, lạ hơn. Điều này không
phải là sai trái, nhưng nếu với những lý do không đúng đắn thì việc làm ấy hẳn
không giá trị, vô ích! Và chúng ta vẫn là người có lỗi nếu chúng ta bỏ rơi,
không yêu thương giúp đỡ người thật sự thân cận cần phải giúp đỡ, yêu thương mà
khả năng, giới hạn của mình có thể.
-
Điều răn thứ hai này rộng rãi, bao quát, khó khăn nhưng cần thiết cho sự
hòa thuận, bình an… nên dù vị kinh sư không hỏi, Đức Giesu cũng nêu ra.
-
Bởi ngay từ tạo thiên lập địa đến muôn thuở, con người đã biết rằng yêu
thương nhau không hề dễ dàng chút nào. Và như thế những bất ổn sẽ thường xuyên
xẩy ra.
-
Thật vậy, Tổ tiên loài người chúng ta chỉ có hai người con, nhưng họ
cũng không thể yêu thương nhau lâu dài, dù khi đó họ không phải căng thẳng lo
toan tứ bề đối phó như con người sau đấy, nhất là con người thời nay!
-
Đức Giesu hiểu rõ như vậy, biết rõ rằng con người tuân giữ điều răn
trọng nhất là tôn thờ, kính yêu Thiên Chúa thì dễ dàng vì là điều đương nhiên,
hợp lý bởi Thiên Chúa là Tạo Hóa, là Đấng chân thiện mỹ hoàn hảo, lại luôn giấu
mặt…
-
Còn yêu thương tôn kính con người thì khó quá, bởi cái này, vì cái
kia…lại sờ sờ bên cạnh chúng ta như chướng ngại vật, làm sao xứng đáng!
-
Nên để nhân lọai thấu hiểu tình thương của Ngài, cùng tạo thuận lợi giúp
chúng ta tuân giữ điều răn quan trọng thứ hai này, Ngài đã nâng điều răn ấy lên
ngang hàng với điều răn trọng nhất dành cho Thiên Chúa.
- Không những thế, Đức Giesu còn ghép chung hai
điều răn ấy lại với nhau thành một điều răn duy nhất và Ngài công khai tuyên bố
cho nhân loại biết đó là luật mới của Thiên Chúa.
- Bởi với Ngài thì đạo giáo có nghĩa là yêu Chúa
và yêu người.
- Ngụ ý dạy rằng phương pháp duy nhất để người
ta chứng minh được mình yêu mến Thiên Chúa là yêu thương người khác, vì đó
chính là hình ảnh của Ngài. Một thực tế chính xác, một chân lý tuyệt vởi! Làm
sao chúng ta có thể chống lại mà không tuân theo?
3. Tình yêu tốt hơn mọi
thứ của lễ:
- Vị kinh sư ở đây đã công nhận điều Đức Giesu
nói và đánh gía đó là điều qúi hơn mọi lễ vật toàn thiêu và hy lễ.
- Trong vấn đề này, vị kinh sư đã ở trong cùng
một luồng tư tưởng cao thượng nhất của dân tộc ông: “Ta
ưa nhân từ chứ không thích lễ tế.”
- Và “Vâng
phục thì tốt hơn là dâng hy lễ”.
- Nhưng thực tế người ta vẫn để cho lễ tế chiếm
chỗ của tình thương, thờ phượng là vấn đề của nhà thờ!
- Quan niệm và ý thức của vị kinh sư này đã vượt
hẳn lên trên người đồng thời, nên ông đồng cảm ngay với Đức Giesu và cũng được
Ngài nhìn bằng ánh mắt trìu mến.
- Hiển nhiên mọi người đều biết như vậy,
nhưng không phải ai cũng có thể thực hành, cũng có thể thắng được bản thân mình
cùng những thói thường ở đời.
- Bởi chúng ta vẫn bị quan niệm hình thức, lề
lối, ngoại cảnh ràng buộc, cộng với thái độ phân biệt đối xử, và gần như còn
thuộc lòng những cụm từ cho là liên hoàn đã được truyền khẩu trong dân
gian:"giầu sang - phú qúi -
vinh hoa - quyền thế - tiền tài - qúi
vật tìm qúi nhân..." và ngược lại, những bất hạnh cũng luôn đi liền nhau
như: " nghèo khổ - đói rách - bệnh
tật - đau buồn - hèn nhát - đói ăn vụng, túng làm liều ..."
- Nên con người có khuynh hướng trọng trên,
khinh dưới, qúi giầu khinh nghèo... thậm chí đã ăn sâu, ẩn kín trong
tâm lòng, khiến chúng ta đôi khi không muốn gác lại, không dám bỏ lơ những việc
phụng vụ Thiên Chúa để đi làm những việc mà Thiên Chúa công nhận là ngang hàng
với nhau. Nghĩa là chúng ta vẫn muốn hành xử như người Do Thái khi xưa, không
muốn kéo con bò sa xuống giếng trong ngày Sabat!
- Ngày
nay, ý thức đã được nâng cao, thì vấn đề đạo đức cũng đã được hiểu rộng, hiểu
đúng và cụ thể, nhưng phần lớn chúng ta vẫn chưa dứt bỏ được những thói quen
hình thức cách vô thức như thế.
- Gần
gũi, ra vào thấy nhau, nhưng chúng ta vẫn muốn dùng bó hoa thay lời chúc mừng,
dùng tấm cart thay cho lời thăm hỏi ân tình, dùng bữa cơm để làm hòa với nhau,
dùng tiền bạc thay cho bổn phận…
- Trong
các đại lễ của phụng vụ, các nơi đang ra sức phô trương cờ quạt mầu sắc, ánh sáng
nhấp nháy, âm thanh tùng phèng, quần áo súng sính sặc sỡ quay qua múa lại như
những lễ hội dân gian…trước những cặp mắt thơ ngây dại khờ của con trẻ, và những
đôi mắt trân tráo của những kẻ hiếu kỳ…
-
Mà không biết bao nhiêu tín hữu đang cố gắng để hướng lòng dâng lên
Thiên Chúa những đau buồn khó nhọc của mình?! Cùng bao thanh niên nam nữ xa xa
đang phì phèo điếu thuốc, cười nói rôn rả, chấm điểm đoàn này, phê phán hội
kia!
-
Sống trong thời kinh tế thị trường, mọi thứ đều như được cụ thể hóa, nên
chúng ta cần phải thực tế tình yêu, phải thiết thực trong quà tặng cho nhau,
trong của lễ dâng lên Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mọi sự, mọi loài. Ngài
chẳng thiếu gì, chẳng cần gì của cải vật chất và càng không muốn những lời đầu
môi chót lưỡi! Ngài chỉ mãi luôn muốn một tình yêu nồng ấm, chân thành, tuyệt
đối…
Lạy Chúa, vẫn biết rằng hình thức chỉ có thể
làm tăng hay giảm nội dung, chứ không thể thay thế được nội dung chủ yếu. Nhưng
vì mắt trần chúng con chỉ nhìn thấy những gì đã được biểu lộ, được phô trương,
và chỉ muốn tôn trọng những gì cao sang, tài giỏi, lộng lẫy… còn những điều ẩn
kín, nhỏ thấp thì dù quan trọng và quí gía tới đâu, chúng con cũng không nhìn ra,
cũng không muốn mất công sức nhiều vì nó.
Xin Chúa cho chúng con biết tôn trọng gía trị thật
sự của mọi sự vật, đặc biệt là con người, để dễ dàng thực hành lời Chúa dạy mà
không bao giờ lỗi phạm điều Kính Chúa và yêu người thân cận như chính
mình. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.
Thân mến,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét