ĐIỆU LÝ YÊU THƯƠNG
MONDAY,
OCTOBER 29, 2018-TRẦM THIÊN THU
Điệu lý là thể loại âm nhạc
liên quan quê hương – gọi là dân ca. Các điệu lý có khi rất đơn giản nhưng luôn
có sức hút kỳ lạ. Tuy nhiên, trong tất cả các điệu lý hẳn là chẳng có điệu lý
nào hấp dẫn và cần thiết bằng Điệu Lý Yêu Thương – đặc biệt là trong lĩnh vực
tâm linh.
MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI là
toát yếu của Thập Giới – tóm lược Thánh Luật của Thiên Chúa. Chỉ có hai điều và
bốn chữ (theo Việt ngữ), nhưng có thể rút gọn thành Yêu Thương (hai chữ), và
cũng có thể cô đọng thành Yêu (một chữ) – gọi là Luật Yêu. Nghe chừng rất đơn
giản, và cũng quá quen thuộc, thế mà sao khó thể hiện quá chừng. Vâng, “biết rồi,
khổ lắm, nói mãi!”.
Có một sự trùng hợp rất kỳ
lạ: Luật Chúa gồm hai điều – liên quan chiều dọc (mến Chúa) và chiều ngang (yêu
người), Thập Giá cũng gồm hai nhánh – nhánh dọc (hướng tới Thiên Chúa) và nhánh
ngang (hướng tới tha nhân). Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến
Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai KHÔNG yêu
thương người anh em mà họ trông thấy thì KHÔNG THỂ yêu mến Thiên Chúa mà họ
không trông thấy” (1 Ga 4:20). Rất thực tế. Yêu thì phải thật, chứ không thể
yêu ảo. Thánh nhân tái xác định: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh
em mình” (1 Ga 4:21). Rất hợp lý, rất lô-gích.
Chính Chúa Giêsu đã từng
nói đến việc “mến Chúa, yêu người”, và nói thẳng ra là Ngài đang trách mỗi
chúng ta, trách thật và rất thẳng thắn: “Dân này tôn kính Ta BẰNG MÔI BẰNG MIỆNG,
còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng VÔ ÍCH, vì giáo
lý chúng giảng dạy chỉ là GIỚI LUẬT PHÀM NHÂN” (Mt 15:8-9; Mc 7:6-7). Cũng liên
quan “luật yêu”, một lần khác Chúa Giêsu xác định: “Không phải bất cứ ai thưa với
Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành
ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Ôi,
nghe mà “nhột” quá chừng, chắc hẳn ai cũng thấy giật mình vì ai cũng thấy mình…
“có tật”!
Chúa có cách nói nghe chừng
“nhẹ nhàng” thế mà “nặng nề” lắm, giản dị mà phức tạp, nhẹ như “xoa” mà “đau”
thấm thía! Khi nói đến “luật” thì luôn liên quan “quyền”, nói đến “quyền” thì
thường liên quan sự “cạnh tranh”. Thường là thế, vì cái quyền (hành) luôn gây
phiền (toái)!
Kinh Thánh cho biết rằng
Vua Đariô (người Mê-đi, lên ngôi vua năm 62 tuổi) quyết định đặt trên vương quốc
của ông 120 thống đốc để họ cai trị toàn vương quốc dưới quyền 3 tể tướng
(tương đương “thủ tướng” ngày nay), trong đó có ông Đanien. Họ phải phúc trình
mọi việc cho 3 vị này để nhà vua khỏi bị thiệt hại. Ông Đanien vượt hẳn các tể
tướng và thống đốc, nhờ có một THẦN KHÍ SIÊU PHÀM, nên vua có ý định đặt ông đứng
đầu cả vương quốc. Do đó, các tể tướng và thống đốc cố tìm cách BẮT LỖI ông
Đanien về việc triều chính. Bới lông tìm vết, bới bèo ra bọ. Vì ghen ghét mà
con người thường nhỏ nhen và hèn hạ như thế đấy.
Tương tự, người Việt có
câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Con gà như thế thì con người cũng vậy, ai
“gáy” hay thì người khác thường cảm thấy “ngứa” tai và “xốn” mắt. Chúa Giêsu bị
ghét và bị giết chết nhục nhã cũng chỉ vì Ngài là “cái gai” trong cách nhìn của
người khác. Những người ghen ghét cũng chẳng ai xa lạ vì đó là chính những người
thân thiết nhất của mình, như Chúa Giêsu đã nói thẳng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và
trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4 ≈ Mt 13:57; Lc 4:24; Ga 4:44). Quá phũ
phàng! Đời là thế! Thật vậy, CHỈ CÓ NGƯỜI GIỎI MỚI KHẢ DĨ CÔNG NHẬN TÀI NĂNG CỦA
NGƯỜI GIỎI. Thật đáng sợ, bởi vì “người ta có thể phạm tội chỉ vì một mẩu bánh”
(Cn 28:21).
Không ưa dưa cũng có
giòi. Ngu dốt thì bị khinh, thông minh thì bị ghét. Quái gở thật! Ông Đanien bị
ghét chỉ vì ông “trổi vượt” hơn người khác, âu cũng là lẽ thường. Ngày xưa,
trung thần Chu Văn An đã “điểm mặt” 7 nịnh thần nên bị họ triệt tới cùng. Xưa
đã vậy, nay cũng thế thôi. NGƯỜI ĐỜI “KÈN CỰA” NHAU ĐÃ ĐÀNH, NGƯỜI THEO ĐẠO
CHÚA CŨNG CHẲNG HƠN GÌ, thậm chí người thời nay còn tinh vi hơn nhiều. Vậy làm
sao có thể truyền giáo?
Họ ghét thì rất ghét,
nhưng họ đã không thể tìm được một cái cớ nào hoặc một sai sót nào để bắt lỗi,
vì ông Đanien vốn là người trung tín; họ đã không tìm được điều gì sơ suất hay
thiếu sót nơi ông. Do đó, những người ấy mới cùng nhau bày mưu lập kế: “Chúng
ta sẽ chẳng tìm được một cớ nào để bắt lỗi tên Đanien này đâu, trừ phi tìm lý
do tôn giáo để hại y” (Ðnl 6:6). Ác nhân quá thâm độc, thật đáng sợ tà tâm!
Ngày nay, con người cũng
vẫn đã và đang lăn vào “vết xe cũ”, nhưng theo cách thức tân kỳ hơn, kỹ xảo
hơn, vậy mà vẫn “hãnh diện” về cái mưu thâm kế độc của mình, rồi biện hộ là
“đúng quy trình”. Có lẽ vì thế mà Thiên Chúa soi sáng cho Giáo Hội biết phải
khuyến khích việc Tân Phúc Âm hóa, xem xét lại đức tin của chính mình trước rồi
mới nói chuyện liên quan người khác. Cứ ảo tưởng và ảo giác thì không thể thay
đổi được gì. Nguy hiểm lắm!
Rõ ràng ông Đanien là hiện
thân của những người “ăn ngay ở lành”, sống nghiêm túc. Dù hoàn cảnh có thế
nào, những con người ấy vẫn một lòng kiên cường tín thác vào Thiên Chúa: “Con
yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con” (Tv 18:2). Họ luôn tin yêu và không
ngừng tin cậy Thiên Chúa: “Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát
con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu
độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 18:4). Chắc chắn rằng “người công chính
nhờ đức tin sẽ được sống” (Gl 3:11).
Trong con mắt của người đời,
họ là những kẻ bị lép vế, bị thua thiệt, bị khinh miệt, bị ghen ghét, bị xa
tránh, bị trù dập, nhưng họ vẫn âm thầm tin tưởng cầu nguyện và nương tựa vào
Chúa. Họ không ngần ngại xác định: “Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai,
Ngài đặt tôi đứng vững trên đỉnh núi” (Tv 18:46). Ngay trong gian truân, họ vẫn
hiên ngang tuyên tín: “Đức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Ngài là núi đá cho tôi
trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi” (Tv 18:47). Đúng như Thánh Vịnh
gia đã chia sẻ kinh nghiệm: “Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Đức Vua
chính Ngài đã lập. Chúa hằng ưu ái Đấng mà Ngài đã xức dầu tấn phong, là Đa-vít
cùng dòng dõi đến muôn đời” (Tv 18:51). Đích thực là người của Chúa mới đáng
tin, chứ “đừng mong gì nhiều nơi những người quyền thế của thế gian này – vì hầu
hết họ đều bỏ mặc những người nghèo khó trong cảnh bần hàn, họ vừa hèn hạ vừa
thiếu quảng đại, giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu than của những người yếu đuối
và bất lực” (Chân phước Placid Riccardi, 1844-1915).
Vừa phân tích vừa xác định,
Thánh Phaolô cho biết: “Trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư
tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức Giêsu, chính vì
Ngài hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Ngài tồn tại mãi mãi. Do đó,
Ngài có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Ngài mà tiến lại gần Thiên
Chúa. Thật vậy, Ngài hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7:23-25). Đó chính là
vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến, với các đặc tính cần thiết: “Một vị Thượng Tế
thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt
các tầng trời” (Dt 7:23-26).
Trong thư gởi giáo đoàn
Do Thái có những điều xem chừng không ăn nhập gì, vì nói tới chức tư tế, nói tới
thừa tác vụ. Thế nhưng lại vẫn “ăn nhập” lắm đấy. Tại sao? Tư tế là những người
có trách nhiệm củng cố đức tin cho giáo đoàn. Cây càng cao, gió càng lay. Tất
nhiên thôi! Vì thế, Chúa Giêsu đã hỏi ngư phủ Phêrô không chỉ một lần mà ba lần:
“Anh có mến Thầy HƠN các anh em này không?” (Ga 21:15). Và đó cũng là câu hỏi hằng
ngày Chúa Giêsu vẫn đặt ra cho mỗi chúng ta. Mỗi người có cách trả lời khác
nhau, nhưng đó là điều kiện Chúa đòi hỏi từng người phải thật lòng trả lời và
nghiêm túc thực hiện, để chứng tỏ đức tin của chính mình – và cũng chia sẻ niềm
tin đó cho tha nhân.
Chắc hẳn là rất dễ đọc:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Thế nhưng vấn đề không chỉ là “thuộc
lòng” và “đọc như vẹt”, mà là thể hiện lời tuyên tín đó một cách sống động bằng
hành động cụ thể. Ôi chao, chẳng hề dễ dàng chút nào!
Như để giải thích, Thánh
Phaolô nói: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ
tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần
Ngài, Ngài đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môsê thì đặt
làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật,
lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7:27-28).
Chính Đức Kitô đã hiến tế,
chúng ta không thể làm khác – nghĩa là cũng phải hiến tế. Chúa Giêsu đã hóa
thành “tấm bánh” để nuôi sống chúng ta, thế thì chúng ta cũng phải CẦM LẤY, TẠ
ƠN, BẺ RA và TRAO TẶNG chính Tấm-Bánh-Cuộc-Đời-Mình cho tha nhân, nhất là đối với
những con người bé mọn, yếu đuối, nghèo khổ, lạc loài, cô độc,...
Một hôm, có một người
trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận
với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Ngài và hỏi: “Thưa Thầy,
trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12:28). Đức Giêsu ôn tồn: “Điều
răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức
Chúa duy nhất. Ngươi PHẢI yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết
linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi PHẢI
yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều
răn đó” (Mc 12:29-31). Hai điều răn quan trọng nhất với hai động từ PHẢI mạnh mẽ
và dứt khoát – không thể không thi hành.
Nghe Đức Giêsu nói vậy,
ông kinh sư thấy “đã tai” nên liền nói với Ngài: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói
rất đúng. Thiên Chúa là ĐẤNG DUY NHẤT, ngoài Ngài ra KHÔNG CÓ ĐẤNG NÀO KHÁC.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận
như chính mình là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:32-33). Chắc
hẳn chúng ta cũng mang tâm trạng như ông kinh sư này, cũng thấy rất thú vị và hợp
lý, nhưng NGHE và CHẤP NHẬN là một chuyện, còn THỰC HIỆN lại là chuyện khác.
“Khoảng cách” đó vừa gần vừa xa, vừa hẹp vừa rộng. Trách nhiệm mỗi chúng ta là
“lấp đầy” khoảng cách đó.
Có lẽ Chúa Giêsu cũng ngạc
nhiên khi thấy ông kinh sư trả lời khôn ngoan như vậy, và Ngài xác nhận: “Ông
không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34). Quả thật, không khó gì khi nói
“mến Chúa” và “yêu người”. Chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi. Nhưng vấn đề quyết định
cuối cùng phải là THỰC HÀNH điều mình nói để chứng tỏ ĐỨC TIN một cách cụ thể.
Tại sao? Bởi vì “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:26). Nói được
– đó chỉ là “chuyện nhỏ”. Làm được – đó mới là “chuyện lớn”, và là điều cần thiết
mà Thiên Chúa muốn thấy nơi mỗi chúng ta.
Lạy
Thiên Chúa toàn năng chí thánh, thật hạnh phúc khi chúng con được nhận biết và
tin vào Ngài nhờ Đức Kitô mặc khải, xin cảm tạ Ngài và xin giúp chúng con sống
đức tin qua từng động thái hằng ngày, xin giúp chúng con biết chạnh lòng thương
trước nỗi đau của tha nhân và dân tộc, nhất là những con người nhỏ bé và yếu đuối
vì bất công xã hội. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ
của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét