CHUYỆN ÍT – NHIỀU
MONDAY,
NOVEMBER 5, 2018- TRẦM
THIÊN THU
GIÀU HOẶC
NGHÈO ĐỀU SINH RA TAY TRẮNG
SƯỚNG HAY
KHỔ CŨNG CHẾT VẪN TRẮNG TAY
Đó là chân lý bất biến
muôn thuở mà ai cũng biết. Sinh ra và lớn lên, cuộc sống mỗi người đều khác
nhau về mọi phương diện, nhưng giống nhau về cái khoản “tay không” lúc đến
(sinh) và lúc đi (chết), dù cả đời vốn liếng NHIỀU hay ÍT.
Thật “thú vị” với cách
nói của người Việt: Giàu sang và nghèo hèn. Ai “giàu” thì thường cũng được coi
là “sang”, còn ai “nghèo” thì thường bị coi là “hèn”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy
có khi “giàu” mà không “sang”, hoặc “nghèo” mà không “hèn”. Điều đó còn tùy
nhân cách của người đó. Thể thụ động ĐƯỢC hoặc BỊ của Việt ngữ rất độc đáo –
“được” dùng cho cái tốt, “bị” dùng cho cái không tốt, ngoại ngữ không thể lột tả
hết tình trạng thụ động như Việt ngữ.
Chắc hẳn không ai muốn
nghèo, và càng chắc chắn hơn là chẳng ai muốn hèn. Cũng vậy, ai cũng muốn mình
giàu và sang. Nhưng người chịu cảnh “đời hèn” khác hẳn với người “sống hèn”.
Người nghèo bị coi là hèn, nhưng có thể người đó không hề sống hèn; còn người
giàu luôn được coi là sang, nhưng chưa hẳn đã “sống sang” mà thậm chí còn “sống
hèn”. Đó mới là chuyện đáng nói!
Trong cuộc sống đời thường,
người ta thường khôi hài thực tế: “Đi xe khỏe hơn đi bộ, đi bộ ngộ hơn đi xe”.
Nhưng thật ra chưa chắc ai hơn ai! Tiền nhân cũng đã phân tích và xác định rõ
ràng, như một dạng cảnh báo mà thực tế đã chứng minh:
Chớ thấy áo rách mà cười
Những giống gà nòi lông
nó lơ thơ
Đề cập động tác “đi” là
ngụ ý phải sử dụng đôi chân – theo nghĩa đen. Tuy nhiên, theo nghĩa bóng thì
người ta không chỉ “đi” bằng đôi chân mà còn phải “đi” bằng cái đầu. Hơn thua
nhau là “cách đi” – nhanh hay chậm không thành vấn đề mà là không “bán đồ nhi
phế”, quyết tâm kiên trì tới cùng.
Trình thuật 1 V 17:10-16
cho biết một “sự lạ” về chuyện ít – nhiều khá thú vị thế này...
Vào một ngày nọ, ông Êlia
đi Xarépta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi
bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống” (1 V
17:10). Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng
bánh nữa!” (1 V 17:11). Bà trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông,
tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong
vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi.
Chúng tôi sẽ ăn rồi chết” (1 V 17:12). Nhưng ông Êlia liền nói: “Bà đừng sợ, cứ
về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi
một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà”
(1 V 17:13). Rồi ông nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa: “Hũ bột sẽ KHÔNG VƠI, vò
dầu sẽ CHẲNG CẠN, cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất” (1 V 17:14).
Không hề đắn đo hoặc so hơn
tính thiệt, bà góa liền làm theo lời ông Êlia nói. Điều đó chứng tỏ bà ấy có
lòng tin mạnh mẽ, vì bà ấy tin ông Êlia nói thật, đặc biệt là bà ấy vững tin
vào lời Chúa hứa. Và phép lạ đã xảy ra đúng như vậy: Bà ấy cùng với ông Êlia và
con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, y như lời Đức
Chúa đã dùng ông Êlia mà tuyên phán. Quả thật, bà góa này nghèo khổ nhưng vẫn
“sống sang”, vẫn quên mình, trọn lòng yêu thương và bác ái vô điều kiện.
Cách bác ái của bà góa lá
cấp độ yêu thương cao nhất, như vậy mới thực sự là bác ái. Bình thường thì
chúng ta chỉ ở mức BỐ THÍ (cho để tránh bị quấy rầy) hoặc CÔNG BẰNG (dư thì
cho, thậm chí là cho đồ thừa). Còn BÁC ÁI là CHO CÁI MÀ MÌNH VẪN CẦN, yêu
thương vô điều kiện – vì người chứ không vì mình. Người nào thực sự sống đức
bác ái mới đúng là thánh nhân. Quả thật, không hề đơn giản như chúng ta tưởng
hoặc suy luận!
Đấng yêu thương là Thiên
Chúa, luôn chạnh lòng thương xót, động lòng trắc ẩn, và chính Ngài cũng là nguồn
sống: “Ngài là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị
áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn” (Tv 146:7a). Thật vậy, cũng chính Ngài
“giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng
lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ
cô nhi quả phụ, phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146:7b-9). Thiên Chúa yêu quý và
tôn trọng những người nghèo khổ và hèn mọn, không thích “quen thân” với những
người giàu có và sang trọng. Còn chúng ta? Có thể trả lời ngay và dám trả lời
thật?
Đó là tình yêu của Thiên
Chúa, và Con-Tim-Yêu của Chúa Giêsu như thế đấy – chúng ta gọi Trái-Tim-Yêu đó
là Thánh Tâm, là Lòng Chúa Thương Xót, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng giàu
lòng thương xót (Ep 2:4), là Đấng “nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở và hiển
trị ngàn đời” (Tv 146:10). Thiên Chúa cao sang là thế, uy quyền là thế, giàu có
là thế, nhưng Ngài lại chỉ thân thiện với những người bị xã hội xa lánh, ruồng
bỏ. Ai sống như Ngài mới đích thực là đệ tử của Ngài, nếu không thì chỉ là giả
hình, lẻo mép. Sự thật có thể làm “mất lòng” như thế đấy!
Mạnh mẽ minh định, Thánh
Phaolô nói: “Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì
cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Ngài đã vào chính cõi
trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt
9:24). Ngài vào đó không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị
thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. Thế nhưng
“Ngài đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành” (Dt
9:26a). Hai dạng ít – nhiều khác nhau.
Và rồi Thánh Phaolô cho
biết thêm: “Vào kỳ kết thúc thời gian, Ngài đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu
diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Dt 9:26b). Con Thiên Chúa đã chịu
chết để cho phàm nhân chúng ta biết thân phận mình cũng phải chết, chết cho tội
lỗi: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27).
Chính Đức Kitô đã “tự hiến tế chỉ một lần để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (Dt
9:28a). Và Ngài sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này “không phải để xoá bỏ tội
lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Ngài” (Dt 9:28b).
Vậy ai là người trông đợi
Đức Kitô giáng lâm? Đó là các tín nhân – những người tín thác vào Chúa. Ai tín
thác vào Chúa thì phải sống đức tin, ai muốn sống đức tin thì phải yêu thương
tha nhân. Tuy nhiên, yêu tha nhân không phải là chỉ yêu thương người cùng phe với
mình, người giàu sang, người có địa vị, người có quyền thế,… mà PHẢI thành tâm
yêu thương những người khốn cùng trong xã hội, kể cả kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44), “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn
cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ
vu khống anh em” (Lc 6:27-28). Yêu không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động
cụ thể. Đó là cách thể hiện đức tin, là thực hành Lòng Chúa Thương Xót, và cũng
là thực hành Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo.
Ngày xưa, trong một lần
giảng dạy, Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ƯA
dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, THÍCH được người ta chào hỏi ở những
nơi công cộng. Họ ƯA chiếm ghế danh dự trong hội đường, THÍCH ngồi cỗ nhất
trong đám tiệc. Họ NUỐT hết tài sản của các bà goá, lại còn LÀM BỘ đọc kinh cầu
nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mc 12:38-40). Các
chữ “Ưa – Thích – Nuốt” đáng quan ngại biết bao! Đọc lời trực ngôn này của Chúa
Giêsu, có lẽ chúng ta nghĩ Ngài nói người khác chứ mình không hề liên quan. Nếu
thế thì “lầm to”, bởi vì Ngài nói thẳng với mỗi chúng ta chứ chẳng trừ ai ráo
trọi. Có thể chúng ta không tỏ vẻ vênh vang ra mặt, nhưng chúng ta có cách thể
hiện “ta đây” một cách rất tinh vi, rất khó có thể nhận ra. Và rồi nếu có bị
người khác phát hiện thì lại biện hộ với đủ lý do và rất đúng quy trình.
Có thể mỗi nước, mỗi
vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc khác nhau về văn hóa và phong cách, nhưng hẳn là vẫn
có “nét” nào đó tương tự. Tại Việt Nam, người xưa thường mặc khăn đóng và áo
dài, nhất là những người có chức có quyền, nhưng họ có hai loại áo dài: Một loại
có vạt trước ngắn (vạt sau dài), một loại có vạt sau ngắn (vạt trước dài). Áo
gì kỳ vậy, và để làm gì với loại áo “đặc biệt” đó?
Người xưa cũng mưu mô đáo
để đấy, vạt nào dài và vạt nào ngắn đều có đặc dụng của nó. Khi đứng trước vua
chúa hoặc ông quan lớn hơn mình, họ mặc áo-dài-có-vạt-trước-ngắn và vạt-sau-dài.
Nghĩa là họ phải khom lưng, phải qụy lụy, chịu “lép vế”, chịu luồn cúi, ... cần
có vạt trước ngắn để không vướng víu, vạt sau dài để che chắn “khu nhạy cảm”.
Nhưng khi đứng trước đám dân đen, họ mặc áo-dài-có-vạt-sau-ngắn và vạt-trước-dài.
Nghĩa là họ ưỡn ngực, cao ngạo, vênh vang, hống hách, truyền lệnh, thị uy, hét
ra lửa, ... cần có vạt trước dài để che chắn và vạt sau ngắn để không vướng
víu.
Và chính mỗi chúng ta
cũng thường “sử dụng” hai loại áo ấy để… “đối phó” – nói văn hoa là “tùy cơ ứng
biến”. Nhưng những loại “áo đặc biệt” đó ngày nay là loại “siêu trang phục”,
khó phát hiện vạt nào dài và vạt nào ngắn!
Kinh Thánh cho biết rằng,
một hôm Đức Giêsu vào Đền Thờ và ngồi đối diện với thùng tiền (hòm tiền, giỏ tiền)
dâng cúng cho Đền Thờ. Ngài quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó thế nào. Có lắm
người giàu bỏ thật NHIỀU TIỀN, họ ngó quanh rồi hãnh diện “giơ cao, thả mạnh”.
Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng
xu Rôma, bà lúi cúi đến gần thùng tiền rồi bước đi nhanh, sợ người khác nhìn thấy,
bởi vì bà... ngại lắm, thậm chí bà còn “sợ” bị người ta phát hiện mình bỏ ÍT TIỀN
vô cái thùng to đùng kia.
[Xin được mở cái ngoặc bé
xíu: Theo Hy ngữ, đồng tiền kẽm gọi là “lepton” (số ít, “lepta” là số nhiều).
HAI đồng kẽm có giá trị bằng MỘT quadrans, tương đương 1/4 đồng xu Rôma – đơn vị
tiền tệ nhỏ nhất của đế quốc Rôma thời đó. Khi tiền đó được lưu hành ở
Palestine, một lepton trị giá khoảng “sáu phút làm công” theo mức lương trung
bình mỗi ngày].
Chúa Giêsu quan sát thấy
“phong cách” của mỗi người khác nhau, Ngài liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy
bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng NHIỀU hơn ai hết” (Mc 12:43).
Quá “sốc”! Quá khó nghe! Thế nhưng lại hoàn toàn đúng, vì “mọi người đều rút từ
TIỀN DƯ BẠC THỪA của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này rút từ cái túng thiếu của
mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, TẤT CẢ NHỮNG GÌ BÀ CÓ để nuôi sống mình” (Mc
12:44). Có lẽ vóc dáng của bà không cao lớn nhưnh tấm lòng của bà to lớn quá!
Có thể có những người
trong chúng ta vẫn ảo tưởng khi đi làm từ thiện hoặc làm những việc mà chúng ta
gọi là “việc bác ái” hoặc “việc tông đồ”, cho rằng như vậy là “oai” lắm, nhưng
đôi khi lại chỉ là “chiếc áo tàng hình”. Lời Chúa hôm nay khiến chúng ta phải tự
minh định lại động lực thúc đẩy mình hành động. Xét để Sửa là tốt!
Trên website CWN (ngày
29-10-2012) có đăng một tin ngắn về việc TGM Socrates Villegas, TGP
Lingayen-Dagupan (Philippines), viết thư gởi các linh mục thuộc giáo phận của
ngài, trong đó ngài nhấn mạnh: “Chư huynh linh mục thân mến, CÁC BÍ TÍCH KHÔNG
ĐƯỢC CỬ HÀNH ĐỂ LẤY TIỀN. Thương mại hóa sự thánh thiêng là BUÔN THẦN BÁN THÁNH
(practice of simony). ĐÓ LÀ TỘI LỖI”. Một giám mục cương quyết như vậy mới đúng
là chủ chăn đích thực của Thiên Chúa, chỉ vì lợi ích cho chính Thiên Chúa và
nhân dân của Ngài. Tin tức đã cũ nhưng ý tưởng vẫn luôn mới nguyên!
Quả thật, đó là một trong
những điều khiến chúng ta phải “giật mình” mà phải “tự xét mình” một cách
nghiêm túc hơn, trước khi Đức Kitô đến thế gian lần thứ hai để xét xử – vì lúc
đó không thể chấn chỉnh chi được nữa!
Lạy
Thiên Chúa muôn trùng cao cả, con thành tâm xin lỗi Chúa, xin giúp con biết noi
gương Con Chúa là sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi đau của những con người hèn mọn hằng
ngày ở xung quanh con, bằng cách mở rộng tấm lòng và mở rộng đôi tay, tất cả chỉ
để vinh danh Chúa chứ không vì tiếng tăm riêng đời này, để cứu các linh hồn, và
để đền tội riêng của con ngay ở đời này. Ngài ở đâu thì xin cho con cũng được ở
đấy. Xin cậy nhờ công nghiệp của Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét