Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

2014 là năm của Đức Phanxicô

2014  là  năm  của  Đức  Phanxicô
(Mon, 29/12/2014 - Vũ Văn An-Vietcatholic.net)



Chỉ còn hơn hai ngày nữa ta bước qua năm mới 2015. Giáo Hội vẫn có thói quen xét mình không phải chỉ để thấy lầm lỗi mà còn để nhận ra ơn phúc mà hát bài “Te Deum” (Tạ Ơn Chúa) vào cuối năm. Không ai lại tạ ơn Chúa long trọng như Giáo Hội chỉ vì các lầm lỗi của mình và của con cái mình. Thành thử nhân những ngày cuối năm, năm 2014 được nhiều người đánh giá cả thoái lui lẫn tiến tới.

Âu Châu không còn là Kitô Giáo nữa
Ngày 21 tháng 12, RomeReports có bản tường trình về nhận định của Martin Kugler thuộc Vọng Quan Sát Bất Khoan Dung và Kỳ Thị Kitô Hữu tại Âu Châu. Theo nhà quan sát này, một trong các đặc điểm của Âu Châu là trong nhiều thế kỷ qua, nó vẫn là lục địa Kitô Giáo. Sự vật đã thay đổi khiến ý niệm này đã trở thành ý niệm của quá khứ. Vì nếu tính số người thực hành đạo, thì các Kitô hữu Âu Châu không còn là đa số nữa. Nếu không còn niềm tin trong đời sống thì bạn đâu có lo âu chi khi phải hợp tác với những lối hành động vô đạo đức nữa.
Vọng Quan Sát Bất Khoan Dung và Kỳ Thị Kitô Hữu tại Âu Châu theo dõi các cuộc gây hấn trực tiếp hay gián tiếp chống lại người Kitô hữu. Năm 2013, Vọng này tìm thấy 241 vụ bất khoan dung. Trong số này, có 133 vụ tấn công bạo lực vào các nơi thờ phượng. Các vụ khác liên quan tới kỳ thị tại sở làm và các luật lệ mới.
 Martin Kugler cho hay: “Có sự kỳ thị trong lãnh vực luật pháp khi bạn sử dụng tự do lương tâm. Chẳng hạn như khi ta nói về các nhân viên y tế, các bác sĩ y khoa, các dược sĩ, các cô đỡ bó buộc phải cộng tác vào một vụ phá thai hay thụ thai trong ống nghiệm hoặc an tử”.

Công Giáo một nửa
Sự xuống dốc trên đây có nguyên nhân ngoại tại. Người Vô Danh trên trang mạng First Things, ngày 17 tháng Mười Hai vừa rồi, nhìn vào yếu tố đáng sợ hơn đó là yếu tố nội tại. Kẻ nội thù bao giờ cũng nguy hiểm hơn. Tác giả này cho hay mình có mặt tại một ngôi trường Công Giáo địa phương, tạm gọi là Trường Thánh Dismas (Kẻ Trộm Lành), để huấn luyện các em giúp lễ.
Trường này tọa lạc tại miền nam California, nên phần lớn nam sinh của trường mặc quần cụt quanh năm. Các em được yêu cầu tham dự thanh lễ với nhà trường mỗi tháng một lần. Nhưng không ai yêu cầu các em mặc quần dài tham dự thánh lễ cả. Các nữ sinh thì mặc váy, những chiếc váy mà nếu là năm 1966, người ta sẽ mô tả là “cực kỳ cũn cỡn” (micro-minis). Khi tác giả nói với cha mẹ các trẻ trai rằng các em nên mặc quần dài đồng phục khi giúp lễ, vị hiệu trưởng nhà trường, khoảng ba mươi tuổi, người nằng nặc đòi người ta gọi mình là “tiến sĩ” nhưng thông thường cứ quần thung dép nhật đi làm việc, đẩy tác giả ra một góc phía ngoài văn phòng ông ta để nói chuyện. Ông ta cảnh cáo tác giả nên nhớ “chúng tôi chỉ là một trường Công Giáo một nửa (medium-Catholic) chứ thực sự không Công Giáo như ông tưởng”.
Khi bước vào gian chính nhà nguyện của trường Công Giáo một nửa này, không một em nào cúi đầu hay bái gối trước Nhà Tạm. Các em không hề biết đấy là một việc các em nên làm. Các em không biết vì có em nào đi lễ Chúa Nhật đâu. Khi trở thành em giúp lễ, cha mẹ thả các em vài phút trước khi Thánh Lễ bắt đầu rồi đến đón chúng trước khi đàn organ đánh đến nốt cuối bài ca sau lễ! Họ có ở lại trong giờ lễ, thì cũng đứng bên ngoài nhà thờ, tai dán cứng vào chiếc điện thoại di động hay iphone, chờ cho Thánh Lễ kết thúc.
Vì chỉ đi lễ ngày thường mỗi tháng một lần với cả trường, không đi lễ Chúa Nhật, nên phần lớn các em không hề biết Kinh Sáng Danh, Kinh Tin Kính hay bài đọc hai. Ngày huấn luyện đầu tiên, nhiều em làm dấu thánh giá theo kiểu Đông Phương khiến tác giả phải sửa lại, dù nhà trường xác nhận: ngày học nào, các em cũng làm dấu Thánh Giá đọc kinh buổi sáng! Điều này cho thấy không ai lưu tâm sửa lại lối làm dấu Thánh Giá của các em. Tác giả nhận thấy không một giáo viên nào tham dự Thánh Lễ cả, nên việc lưu ý tới những chi tiết như vừa nói đâu có ưu tiên gì đối với họ.
Các em không biết gì về lễ phục, các á bí tích, các kinh trong Giáo Hội ngoại trừ Kinh Kính Mừng và Kinh Lạy Cha; các em cũng không biết gì về ngày lễ và nhất là Ơn Thánh Hóa. Kể từ lần xưng tội đầu tiên, các em chưa bao giờ xưng tội lần thứ hai, nhưng tất cả đều lên rước lễ, không hề thắc mắc. Nếu buộc phải dự lễ, cha mẹ các em cũng không ngần ngại lên rước lễ cách vui vẻ. Các thầy cô không phải là người Công Giáo giữ đạo, cha mẹ không phải là người Công Giáo giữ đạo, còn cha xứ thì không bao giờ dám gợi ý với cộng đoàn rằng họ nên đi xưng tội. Chắc sợ mếch lòng.
Cha xứ nhà thờ Thánh Dismas là một người có khuynh hướng đồng tính. Rất có thể vị linh mục này, cứ gọi ngài là Cha Dave đi, sống cuộc sống độc thân. Không ai hoài nghi ngài về điểm này. Nhưng ngài quả là một vị linh mục truyền thống, tốt bụng, lịch thiệp, được các em thương mến. Ngài làm mọi điều có thể làm để tham dự vào sinh hoạt của Trường, và ngài luôn có những lời nói ấm áp đối với giáo dân, học sinh và phụ huynh. Phong thái của ngài tại tòa giải tội hết sức chính thống, không hề phân tích tâm lý ai, và ra việc đền tội rất thích đáng. Ngài chủ tọa Thánh Lễ cách sốt sắng, không “tạo hoẹt” này nọ, coi Thánh Lễ là việc nghiêm túc và long trọng.
Chỉ có điều, ngài biết nhiều hơn việc chỉ biết khuyên tín hữu sống làm người Công Giáo ra sao. Vì ngài không nói tới tội, không bao giờ. Ngài cũng không thảo luận về các thánh, các việc sùng kính, kinh mân côi hay cầu nguyện các loại, hôn nhân, sự chết, các bí tích, đời sống gia đình Công Giáo, ma qủy, người nghèo, người bệnh, người già, người trẻ, lòng thương xót, sự tha thứ, hay bất cứ khía cạnh Đức Tin Công Giáo nào khác có ích cho người tín hữu giáo dân. Các bài giảng lễ của ngài áp dụng một cách hết sức nghèo nàn bài đọc Tin Mừng của ngày lễ, nghe chúng như hệt các bài suy niệm Tin Mừng hồi năm 1975. Không giáo dân nào mang các bài giảng này ra thảo luận!
Các hàng ghế không đầy người. Thánh lễ đông người dự nhất là thánh lễ 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật, lúc các hàng ghế đầy khoảng 2/3. Tác giả dự lễ Vọng Phục Sinh năm rồi, nhà thờ chỉ đầy một nửa. Những người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật khá đa dạng. Khá đông là giáo dân cao tuổi, họ ngồi chung với nhau và xem ra không quan tâm bao nhiêu tới “luật chữ đỏ”: không qùy sau khi rước lễ, nắm tay nhau khi đọc kinh Lạy Cha, nói chuyện to tiếng trước và sau Thánh Lễ, đi lại trong nhà thờ tìm gặp bằng hữu, không biết rằng nhiều người khác cần im lặng để cầu nguyện. Những giáo dân có tinh thần cầu nguyện và tôn kính là một nhóm gia đình Phi Luật Tân. Những nhóm khác là các gia đình trung lưu, người Công Giáo độc thân “lang bang” và một số người Châu Mỹ La Tinh bảo thủ. Sau Thánh Lễ, các người cao niên nán ở lại tìm cách bắt tay cha xứ, những người khác thì lái xe về nhà ngay sau đó. Còn tác giả, vì không quen biết nhiều người trong số này, nên dù muốn nêu các vấn đề này ra với họ, mà không dám.

2014 là năm vĩ đại đối với phong trào phò sự sống
Becky Yeh thuộc phong trào Live Action thì vui mừng nêu ra 9 lý do khiến phong trào lấy làm vui trong năm 2014. Có thể nói năm 2014 là năm phong trào phò sự sống gặt hái được những thành công lớn lao trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Nhất là đối với tổ chức Live Action, do Lisa Rose sáng lập lúc cô mới 15 tuổi.
Cuốn video “What is Human?” (Nhân Bản là gì?) của Live Action đã được truyền bá nhanh như vi khuẩn (go viral) trong năm 2014, hàng triệu người đã coi nó trên Facebook. Cuốn video này cho thấy sự thật xấu xa của việc phá thai vào thai kỳ cuối, căn cứ vào chính lời khai của các tay chuyên môn phá thai. Nó nhằm tố cáo tội ác của kỹ nghệ phá thai, không chịu nhìn nhận nhân tính của các trẻ em chưa sinh ra đời…
Phò sự sống đang trở thành phong trào công bình xã hội của thế hệ này. Nhờ các tiến bộ kỹ thuật và sức mạnh của các phương tiện truyền thông, tâm trí người ta đang thay đổi đối với việc phá thai. Phần lớn khán thính giả của Facebook Live Action thuộc lứa tuổi dưới 25, đông nhất thuộc lớp tuổi từ 13 tới 17. Lớp tuổi này vốn là mục tiêu của tổ chức phò phá thai Planned Parenthood. Nhưng hiện nay Live Action đang nắm được lớp tuổi này trước nhất. Các phương tiện truyền thông của Live Action khắp thế giới đang vận động để lớp tuổi này trở thành tiếng nói phò sự sống.
Mùa xuân 2014, Live Action công bố một tường trình và một cuốn video chi tiết hóa 6 năm điều tra các dối trá, hủ hóa, và tai tiếng của Planned Parenthood, cơ sở cung cấp phá thai lớn nhất Hoa Kỳ. Được tài trợ phần lớn bởi người đóng thuế, tổ chức phá thai khổng lồ này cho thấy họ là tổ chức đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe và phúc lợi của phụ nữ và trẻ em. Các vi phạm của Planned Parenthood do Live Action vạch trần gồm có: che đậy các lạm dụng về tình dục, sẵn sàng trợ giúp và tiếp tay cho những tổ chức buôn bán tình dục, sẵn sàng thực hiện việc sát nhi và các vụ phá thai căn cứ vào phái tính và chủng tộc, rao bán và thao túng các thông tin sai lạc về y khoa.
Live Action gửi tới mỗi nhà làm luật tại Capitol Hill, một phúc trình về các khám phá của mình qua cuộc điều tra Planned Parenthood kéo dài 6 năm; bản phúc trình nay cung cấp chi tiết liên quan tới các lạm dụng đáng kể đang lan tràn trong liên hợp Planned Parenthood. Từ những cuộc họp báo trình bày các phá hoại của kỹ nghệ phá thai tới các cuộc tụ tập hàng ngàn người trong Cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Live Action đang đứng lên tranh đấu cho sự sống trong năm 2014.
Sứ điệp phò sự sống đang tới tận tay người trẻ khắp nước Mỹ. Tập san miễn phí phò sự sống The Advocate dành cho sinh viên học sinh đã được phân phối tới 250,000 người trong các trường học và cộng đồng toàn quốc. Thực vậy, The Advocate gia tăng 235 phần trăm về in ấn và phân phối trong năm 2014. Được chủ tịch Live Action là Lisa Rose sáng lập, tập san này chia sẻ sự thật về phá thai một cách đầy thuyết phục và lôi cuốn về hình ảnh.
Live Action mạnh dạn chia sẻ các sự thật về phá thai và phẩm giá của mỗi con người nhân bản với mọi phương tiện truyền thông, từ các cơ sở cung cấp tin tức địa phương tới CNN, Fox News và The Blaze. Năm 2014, Live Action tạo được tin sốt dẻo nhờ cuộc điều tra bí mật, các bài xã luận mạnh dạn, các cuộc tranh luận và phỏng vấn trên truyền hình, truyền thanh cũng như ấn phẩm toàn quốc. Khiến cho cả những phương tiện truyền thông phò phá thai xưa nay cũng phải tường thuật việc làm của phong trào. Và họ càng tường thuật, nước Mỹ càng thấy phá thai thực sự là một bất công như thế nào.
Chủ tịch của Live Action, Lisa Rose, là khách thường xuyên trên các chương trình truyền hình The O’Reilly Factor, Hannity, The Laura Ingraham Show, và nhiều đài truyền hình và chương trình phát thanh toàn quốc. Các công trình của cô được trình bầy trên hầu hết các cơ quan tin tức quan trọng, từ CBS tới CNN, từ Los Angeles Times tới the Washington Post.
Trong khi các phương tiện truyền thông chính dòng không chịu tường thuật các sự thật liên quan tới phá thai, thì cơ sở tin tức của Live Action mạnh dạn chia sẻ giá trị và phẩm giá của con người nhân bản. Ấn bản Live Action News tới tay hàng trăm triệu độc giả mỗi tuần. Năm 2014, Live Action News đạt con số kỷ lục độc giả với những chủ đề đầy tính thông tri liên quan tới các biến cố thời sự và tính thánh thiêng của sự sống con người.
Năm 2014, hơn 700,000 người ái mộ Facebook và 25,000 người ái mộ Twitter của Live Action đã vận động bè bạn và gia đình thảo luận về tính thánh thiêng của sự sống và tính tàn bạo của phá thai. Hàng trăm ngàn những người này đang chia sẻ với người khác các nội dung của Live Action, giúp cho sứ điệp của Live Action tới tai hàng triệu người.

Cuộc điều tra của Live Action về giáo dục tính dục (SexEd) đã vạch trần những lời khuyên đầy nguy hiểm của Planned Parenthood trong lãnh vực này: họ đã khuyến khích trẻ vị thành niên 15 tuổi cách “đột nhập” các cửa tiệm tình dục, cách mua các trò chơi tình dục và cách thử nghiệm với BDSM (bondage and discipline, dominance and submission, sadism and masochism [nô dịch và kỷ luật, thống trị và tùng phục, ác dâm và khổ dâm]). Các điều tra của Live Action cũng cho thấy cơ sở này khuyến khích các vị thành niên chơi những trò chơi có tính bạo lực về tình dục.
Sau khi Live Action cho công bố kết quả cuộc điều tra SexEd, bộ trưởng tư pháp của Colorado, John Suthers, công bố sẽ mở cuộc điều tra riêng về vấn đề này.

2014 là năm của Đức Phanxicô


John L. Allen Jr. thì cho rằng cuối cùng, trong năm 2014, Đức Phanxicô đã chiếm được cảm tình của dân Mỹ. Không như hồi đầu năm, khi Đề Xuất Kasper được tung ra và người phản đối mạnh mẽ đầu tiên là Đức HY Raymond Burke, vị Hồng Y Mỹ duy nhất nắm một bộ sở của Vatican. Với ngày giờ qua đi sau đó, càng ngày xem ra người Công Giáo Mỹ càng “đứng sau lưng” vị giáo phẩm tại Vatican của họ. Nhất là sau THĐ đặc biệt về gia đình, nơi vị Hồng Y này tỏ ra cương quyết và bộc trực hơn hết đến độ gần như thách thức thẩm quyền tối cao của Đức Phanxicô, tin ngài bị “sa thải” và do đó, không còn một vị giáo phẩm Mỹ nào tại Vatican nữa, thì dư luận Mỹ gần như tỏ ra thất vọng đến độ có người, như Ross Douthat của tờ New York Times, nói tới bóng ma “ly khai” (xem “The Pope and the Precipice”, New York Times, 25 October 2014).
Chính Đức HY Raymond Burke, trong cuộc phỏng vấn của Tờ Breitbart News (Áo) ngày 5 tháng 11, năm 2014, cũng cho hay Giáo Hội Công Giáo có nguy cơ ly giáo nếu người ta thấy các giám mục “đi ngược lại” các giáo huấn đã thành nề nếp xưa nay.
John Allen, sau khi thuật lại các nhận định của một số nhân vật tên tuổi như nhà văn và sử gia Ý Roberto de Mattei, Đức Cha Rogelio Livieres Plano, Paraguay, nói về viễn tượng ly giáo từ ngày Đức Phanxicô lên cầm quyền, có nhắc tới hai phản ứng “nhẹ nhàng hơn”. Theo ông, vì lúc này, chưa thể có một ly giáo. Muốn có ly giáo, một giám mục phải đứng ra thành lập một Giáo Hội song hành. Hiện chưa có một giám mục nào như thế cả. Ngoài ra, các vị giám mục bảo thủ không hài lòng với hiện tượng xa rời tín lý truyền thống hiện nay khó bề ly khai hơn các đối tác cấp tiến của các ngài, vì phe cấp tiến vốn có liên hệ lỏng lẻo với Vatican.
Thành thử, chỉ có thể có hai viễn tượng sau: một số vị bảo thủ sẽ tự giam mình vào thứ lưu đầy nội bộ, nghĩa là chỉ biết chăm lo giáo phận mình, hoàn toàn làm ngơ Vatican. Allen cho hay ngay trong tuần có Bản Tường Trình Tạm Thời của THĐ 2014, một nhà bảo thủ nổi tiếng của Mỹ không ngần ngại nói lên quan điểm này: nhất định không hướng về Rôma để tìm sự lành mạnh cho linh hồn!
Thứ hai, thôi không bênh vực Đức Phanxicô nữa, không dành cho ngài điều mà người Mỹ vẫn gọi là “the benefit of doubt” (tin không cần chứng cớ), tỏ ra ngờ vực đối với bất cứ điều gì ngài tuyên bố và thực hiện. Đây là thái độ cố hữu của các người Công Giáo cấp tiến suốt thời Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI.
Vì là một người Hoa Kỳ trong hoàn cảnh tư duy Hoa Kỳ không được tôn trọng, Allen nêu ra bóng ma “tài chánh” như là hệ luận của hai thái độ trên. Theo ông, người Công Giáo bảo thủ thường là những chi thể tận tụy nhất của Giáo Hội và do đó, đóng góp nhiều nhất về phương diện tài chánh. Ông cho hay: trong tuần lễ gay cấn nhất của THĐ về Gia Đình năm 2014, một vị đứng đầu một cơ quan nghiên cứu chính sách (think tank) ở Rôma cho hay đã nhận được một cú điện thoại của một trong những người tặng dữ cho biết: nếu sự việc cứ tiếp tục như hiện nay, người này sẽ thôi không đóng góp nữa.
Và ông kết luận: “nói rộng hơn, những người Công Giáo bị gán cho nhãn hiệu ‘bảo thủ’ thường là những người xách nước cho Giáo Hội ở mọi lãnh vực, từ địa phương tới hoàn vũ. Nếu cái nguồn vốn nhân lực này cạn đi, thì quả là khó khăn cho Đức Phanxicô đẩy mạnh nghị trình của ngài”.
Nói thế, nhưng ông tin Đức Phanxicô “không ngây thơ về chính trị và đã từng chứng tỏ là người có khả năng ‘giải giới’ những kẻ phê bình mình”.
Mà ngài giải giới họ thật, ít nhất đối với Hoa Kỳ. Thực vậy, gần vào cuối năm 2014, ngài đã thực hiện hai việc “kỳ diệu” gần như làm người Công Giáo Hoa Kỳ quên khuấy vết thương “Raymond Burke”.
Việc đầu tiên là Phúc Trình Về Các Nữ Tu Hoa Kỳ, kết qủa cuộc điều tra kéo dài 6 năm mà khởi đầu ai cũng tưởng sẽ lâm vào ngõ bí. Nhưng phúc trình 5,000 chữ không những khai thông ngõ bí mà còn trở thành điều một nhà phê bình cho là một cuộc tỏ tình (love fest): đầy lời khen nồng nàn và không một biện pháp kỷ luật!

Liền sau đó, vào ngày hôm sau, tin vui bừng nở thứ hai: Đức Phanxicô là phương thế chính tái lập bang giao Mỹ - Cuba! Và đây là lời của TT Hoa Kỳ: “Tôi muốn cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà gương sáng tinh thần cho ta thấy sự quan trọng của việc theo đuổi thế giới như nó đáng là, chứ không phải thứ thế giới hiện nó đang là”. Nghĩa là một con người nhìn xa trông rộng. Obama quả đang nhắn nhủ người bảo thủ Hoa Kỳ: đừng nhìn gần hãy nhìn xa như vị giáo hoàng của qúy vị!





Happy New Year 2 0 1 5




Happy  New  Year  2 0 1 5 



Các  Bn  Thân  Mến,
Xin  Thiên  Chúa  Ban
 Mt  Năm  Mi  An  Vui  Nhé!
Thân  Mến,
duyenky


Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Trầm tư Gioan Tông đồ

Trầm  tư  Gioan  Tông  đồ
(Tue, 16/12/2014 - Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)





Thánh Gioan là nhân vật bí ẩn trong sách Công Vụ, điều này phù hợp với một tác giả sách Tin Mừng cao siêu về thần học. Trong một số văn chương thần bí, Thánh Phêrô và Thánh Gioan được coi là các nhân vật có cá tính mạnh: Thánh Gioan biểu hiện cái đầu (tư tưởng, suy niệm, nội tại), Thánh Phêrô biểu hiện trái tim (hành động, rao giảng, ngoại tại).

Thánh Gioan được mô tả là người điềm đạm và bình tĩnh, được tựa đầu vào ngực Thầy Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và không chạy trốn khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá, xứng đáng là người con ưu tú được trao phó cho Mẹ Thiên Chúa.

Còn Thánh Phêrô là người nóng tính, xốc nổi, đã thẳng tay rút gươm chém đứt tai của Man-cô (Malchus). Thánh Phêrô được khen vì đã tuyên xưng Thầy Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng rồi cũng lại bị Thầy Giêsu gọi là Satan vì dám cản Thầy Giêsu chịu đau khổ. Thánh Phêrô bốc đồng như phần cài đặt mặc định, chỉ có thể điềm đạm và bình tĩnh sau khi Chúa Giêsu lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Cả hai người đều hiện diện với nhau trong nhiều trình thuật của sách Công Vụ:

– Thánh Gioan có mặt với những người khác sau khi Chúa Giêsu lên trời.

– Thánh Phêrô và Thánh Gioan cùng tới Đền Thờ và Thánh Phêrô đã chữa lành cho một người què bẩm sinh (Cv 3). Điều này cho chúng ta thấy rằng hai người đi cùng nhau và tiếp tục quan sát việc thờ phượng của người Do Thái. Thánh Phêrô là người năng động, nhưng vẫn nhấn mạnh vai trò thứ hai của Thánh Gioan là người-được-Chúa-Giêsu-yêu-quý.

– Trong chương 4, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đều bị chất vấn bởi hội đồng Sanhedrim (Tòa án Tối cao Do Thái). Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem!” (Cv 4:19). Rõ ràng là Thánh Phêrô nói thay cho cả Thánh Gioan.
– Trong Cv 8:9-13, Thánh Phêrô và Thánh Gioan cùng gặp pháp sư Simon Magus.

Rồi Thánh Gioan không hề nói lời nào trong sách Công Vụ. Có một người tên là “Gioan” được nhắc tới trong nửa sau của sách, nhưng không là người-được-Chúa-Giêsu-yêu-quý. Tại sao Thánh Gioan im lặng?

Chắc chắn chúng ta không thể nói điều đó không liên quan ngài, hoặc ngài không xuất hiện cùng Thánh Phêrô vào những lúc quan trọng. Thánh Phaolô cho chúng ta biết Thánh Gioan là “cột trụ” của Giáo hội ở Giêrusalem, cùng với Thánh Giacôbê và Kêpha (Gl 2:9). Chúng ta cũng có thể nói rằng Thánh Gioan đã dự Công đồng Giêrusalem và là thành phần tạo nên sự quyết định. 

Trong sách Công Vụ, Thánh Gioan luôn để Thánh Phêrô đi trước, vì ngài còn trẻ còn Thánh Phêrô lớn tuổi rồi: Kính lão đắc thọ mà. Thánh Phêrô thành công trong việc đánh cá cùng với gia đình ông Dêbêđê, kể cả Thánh Gioan và người anh là Thánh Giacôbê. Nếu Thánh Phêrô không là “giám đốc” thì ít nhất cũng là thành viên thâm niên.

Thánh Gioan đến mộ Chúa Giêsu trước nhưng lại chờ cho Thánh Phêrô vào trước (Ga 20:7). Thánh Gioan đã nhận biết Chúa-Giêsu-phục-sinh trước nhưng chính Thánh Phêrô lại nhảy xuống nước và bơi vào bờ trước (Ga 21:7). Thánh Phêrô, hỏi về số phận của Thánh Gioan (Ga 21:20).

Trong mọi thứ, Thánh Gioan luôn nhường quyền cho Thánh Phêrô.

Thi ca tuyệt vời của Thánh Gioan đã tạo nên nền tảng Kitô giáo của Giáo hội. Các Giáo hội Đông phương gọi ngài là Thần học gia. Phần suy niệm về Thánh Gioan trong “Các Tông Đồ”, ĐGH Biển Đức XVI kể một truyền thống được ghi lại trong ngụy thư Công Vụ Gioan (Acts of John). Sách này mô tả người-được-Chúa-Giêsu-yêu-quý không chỉ là một trong những người lãnh đạo Giáo hội (cùng với nhị vị Phêrô và Phaolô) mà còn là “người thông truyền đức tin khi gặp các linh hồn hy vọng được cứu độ” (x. Công Vụ Gioan 18:10 và 23:8).

Phúc Âm theo Thánh Gioan là kết quả của sự suy niệm lâu dài và sâu sắc về Chúa Giêsu mà ngài đã biết và những điều mà ngài đã chứng kiến. Thánh Gioan là người trẻ trung, lặng lẽ, trầm tư, lắng nghe, tuân thủ, và tiếp thu.

Thánh Gioan im lặng đến nỗi cho phép ngài nghe được Thần Khí ca hát trong linh hồn ngài bằng những lời có sức định hình sự hiểu biết của ngài về nguồn gốc và sự cấu thành của mọi thứ: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1).

Sách Công Vụ cho chúng ta biết Thánh Gioan nghe được sự thật này, nhưng không cho chúng ta nghe thấy ngài. Sự hiện diện của ngài với Thánh Phêrô cho thấy quyền bính của ngài. Sự im lặng của Thánh Gioan cho thấy sự khôn ngoan của ngài, như tác giả Thánh Vịnh khuyên nhủ: “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người. Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xảo trá” (Tv 37:7).

Thánh Gioan kiên nhẫn chờ đợi suốt 50 năm sau khi các sự việc được ghi lại trong sách Công Vụ trước khi đặt bút viết Phúc Âm thứ tư. Đó là sự im lặng sản sinh điều kỳ diệu. Ước gì mỗi chúng ta đều biết im lặng và lắng nghe tiếng gọi nhỏ nhẹ nhất dành riêng cho mỗi người, như Thánh Gioan vậy.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Patheos.com)





Tôi muốn nên thánh

Tôi   muốn   nên   thánh
(Sun, 23/11/2014 -  Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)


 Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Đó là Ngài bảo chúng ta phải nên thánh, đồng thời cũng chỉ cho chúng ta biết bí quyết làm thánh.

Các thánh cũng là thụ tạo như chúng ta, sống bình thường như chúng ta, nhưng niềm tin vào Đức Kitô nơi các ngài rất mãnh liệt, được thể hiện qua việc chịu đau khổ về tinh thần và thể lý. Nhờ đó họ đã trở thành thánh nhân của Thiên Chúa ngay từ trần gian này.

Bạn có muốn nên thánh? Chắc chắn ai cũng trả lời: “Có. Rất muốn”. Nhưng mức độ trả lời còn tùy thuộc mỗi người. Điều đó được chứng tỏ qua cách sống của chính chúng ta.

Tôi phải thú thật rằng tôi thực sự có ý muốn nên thánh là nhờ ĐGH Phanxicô.

ĐGH Phanxicô có là một vị thánh? Chỉ có Thiên Chúa biết. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng ngài cũng thực sự muốn nên thánh. Từ khi ngài kế vị Thánh Phêrô, tôi trải nghiệm niềm khao khát sự thiện sâu sắc và ý thức việc tôi muốn làm thánh. Đây là 7 lý do tôi tin rằng ĐGH Phanxicô chính là “chất xúc tác nên thánh” đối với tôi:

1. Sự “ám ảnh” về Phúc Âm:  Sức mạnh cứu độ của Kitô giáo không đến từ sự lý luận mà từ sự gặp được tình yêu do chính Thiên Chúa đã mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Khi các phương tiện truyền thông phỏng vấn ĐGH Phanxicô về vấn đề luân lý của Giáo hội, họ đã bỏ lỡ quan điểm của ngài. Ánh sáng Chân lý và sức mạnh mà chúng ta theo chính là một tặng phẩm, không xuất phát từ nỗ lực của con người mà từ việc kết hiệp với Con Thiên Chúa, Đầng cư ngụ trong chúng ta. Tôi thấy rất dễ bỏ quên tặng phẩm đức tin và sa ngã vì cám dỗ về kiêu ngạo, nên tôi tự nhủ: “Nếu tôi nói rõ ràng về các giáo huấn của Giáo hội với mức độ đủ chính xác và khôn ngoan, họ sẽ phải tin”. Nhưng tôi nghe ĐGH Phanxicô nói về Tông Truyền, ngài nhắc tôi nhớ rằng đức tin của tôi chưa xứng đáng và và chưa đủ thuyết phục: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).

Sứ điệp của Phúc Âm không là cuộc tranh luận về triết học. Đó là một sự kiện, một cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời, Đấng hóa thành nhục thể, chịu đóng đinh và phục sinh. Nay Chúa Giêsu vẫn sống. Ngài chuyển động giữa chúng ta. Khi chúng ta nhận biết điều này, tội lỗi và sự chết sẽ không còn khả năng đối với chúng ta, và các giáo huấn luân lý của Giáo hội trở nên minh nhiên hơn.

Tông huấn “Evangelii Guadium” (Niềm Vui Tin Mừng) nói: “Chỉ nhờ cuộc gặp gỡ này với tình yêu của Thiên Chúa, làm phong phú mối quan hệ, chúng ta mới được giải thoát khỏi tính nhỏ nhen và ích kỷ của mình. Chúng ta trở nên con người trọn vẹn khi chúng ta trở nên con người hơn, khi chúng ta để Thiên Chúa đưa chúng ta vượt ra ngoài chúng ta để đạt được sự thật viên mãn nhất của chính mình. Ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng về mọi nỗ lực để tân Phúc Âm hóa. Nếu chúng ta tiếp nhận tình yêu để lấy lại ý nghĩa đối với cuộc sống, làm sao chúng ta lại không chia sẻ tình yêu đó với tha nhân chứ?” (số 8).

ĐGH Phanxicô đã truyền dẫn trong tôi cách tập trung mới về tình yêu Thiên Chúa được biểu hiện trong Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, và qua các giáo huấn khôn ngoan của ngài, từ trong sâu thẳm linh hồn, tôi nghe tiếng Chúa kêu gọi tôi bước vào huyền nhiệm của niềm vui Kitô giáo.

2. Đồng nhất với sứ vụ: Giáo lý định nghĩa Giáo hội là “bí tích về sứ vụ của Đức Kitô” (GLCG số 737-738). Là thành viên của bí tích này, ĐGH Phanxicô không phân biệt gì. Ngài thường nhận mình là “Con của Giáo hội”, và căn tính của ngài được nối kết với Nhiệm Thể Đức Kitô: “Sứ vụ làm người ở trong tim của mọi người không chỉ là một phần cuộc sống hoặc chiếc phù hiệu mà tôi có thể gỡ ra, đó không là một khoảnh khắc ‘ngoại hạng’ hoặc một khoảnh khác khác trong cuộc sống. Thay vì thế, đó là điều tôi không thể loại bỏ khỏi tôi mà không triệt tiêu chính mình. Tôi có sứ vụ trên thế gian này, đó là lý do tôi hiện hữu ở đây, trên thế gian này” (Tông huấn Evangelii Guadium, số 273).

Nếu đó không là sự tự ý thức của một thánh nhân, tôi không biết gọi là gì nữa. ĐGH Phanxicô mời gọi tôi dìm mình vào Đức Kitô. Ngài nhắc nhở tôi về sứ vụ của thánh nhân, và cả cuộc đời tôi phải đám chìm vào Ơn Cứu Độ đến với chúng ta qua Giáo hội.

Tông huấn “Evangelii Guadium” nói: “Chúng ta phải coi mình là người đã được đóng ấn tín, được gắn nhãn, bằng sứ vụ lan tỏa ánh sáng, trao phúc lành, làm sinh động, nâng đỡ, hàn gắn và giải thoát… Nhưng khi chúng ta tách công việc với đời sống riêng, mọi thứ trở nên u ám và chúng ta sẽ phải luôn tìm kiếm sự nhận thức hoặc đòi hỏi nhu cầu của chúng ta. Và chúng ta không còn là một dân tộc” (số 273).

Khi đọc điều này, tôi nhớ sứ vụ của tôi là sứ vụ của một thánh nhân, tôi cảm thấy được mời gọi làm cho sứ vụ này hiệp nhất trong mọi thứ tôi làm.

3. Tìm kiếm người nghèo: Có tin đồn rằng ĐGH Phanxicô, khi còn là Hồng y Tổng giám mục, đã lẻn ra ngoài vào ban đêm để đến với người nghèo, cùng ăn uống với họ, và cho họ biết họ được yêu thương. Chúng ta không chắc chắn về các hoạt động ban đêm của ngài từ khi làm giáo hoàng, nhưng điều này là thói quen của ngài khi còn là Hồng y, và chúng ta biết rằng ngài đã bổ nhiệm một vị ít có danh tiếng làm “Vatican Almoner” (Người phát chẩn của Tòa Thánh). TGM Konrad Kajewski (sinh 25-11-1963), người Ba Lan, được bổ nhiệm làm trưởng nghi lễ từ 1998 tới 2013. TGM Konrad Kajewski kể lại lời của ĐGH Phanxicô: “Hãy bán bàn ghế đi. Anh không cần đến nó”.

Năm 2014, Người Phát Chẩn của Tòa Thánh đã cho đi hơn 2 triệu euro. ĐGH Phanxicô dùng vị trí này để giảm tình trạng quan liệu trong Giáo triều và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người nghèo tại Rôma. ĐGH Phanxicô nói với TGM Konrad Kajewski: “Anh cần đi ra ngoài Vatican. Đừng đợi người ta đến gõ cửa. Anh cần đi ra ngoài tìm kiếm người nghèo”.

Điều này gợi hứng cho tôi như thế nào? Từ sâu thẳm trong tôi có điều gì đó không muốn tôi quan tâm những người nghèo, vì người nghèo luôn ở bên tôi (x. Mt 26:11). Bằng cách lặng lẽ nào đó, ĐGH Phanxicô nhắc tôi về những gì thực sự có ý nghĩa trên con đường nên thánh.

4. Bỏ đôi giày đỏ: Tôi yêu mến ĐGH Bênêđictô XVI, và tôi cũng thích đôi giày đỏ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ phản ứng cho tới khi ĐGH Phanxicô bỏ đôi giày đỏ. Khi ĐGH Bênêđictô XVI mang giày đỏ, đó là hành động khiêm nhường. Ngài quên mình vì Giáo hội. Đứng trên máu của các thánh tử đạo, ngài thề bảo vệ Đức Tin. Đôi giày đỏ là lời nhắc nhở ngài. Nhưng thế giới đã chế giễu và coi đó là sự chiến thắng mang tính tôn giáo (triumphalism).

Người ta cho rằng việc bỏ đôi giày đỏ của ĐGH Phanxicô là thể hiện sự khiêm nhường. Ngài có sứ vụ và không có thời gian giải thích sự phong phú của biểu tượng mà thế giới không muốn hiểu. Ngài khôn ngoan “khoác vào” một biểu tượng đồng nghĩa mà thế giới hiểu, bằng cách không mang giày đỏ. Phải công nhận rằng tình cảm có điều kiện của tôi sẵn sàng đón nhận các động thái của ngài. Có thể đó là sự yếu đuối của tôi, nhưng biện pháp mục vụ của ngài nhắc nhở tôi về ơn gọi khiêm nhường như Đức Kitô, thậm chí còn giúp tôi đánh giá đầy đủ về chính đôi giày đỏ.

Một vị thánh luôn sẵn sàng thể hiện chân lý của Đức Kitô bằng sự thích hợp về văn hóa. ĐGH Phanxicô thách thức tôi chú ý tới cách hiểu các hành động, và khiêm nhường điều chỉnh các nỗ lực của tôi.

5. Kết án tội lỗi: Như một người cha, ĐGH Phanxicô không muốn mất mặt khi ngài can đảm đề cao những đứa con tinh thần của ngài. Nếu bạn chưa đọc Tông huấn Evangelii Gaudium thì hãy đọc đi, và bạn sẽ không thất vọng. Chương hai (đặc biệt các đoạn 76-101) rất quan trọng đối với tôi. Nó làm cho tôi tự kết án các hành vi sai trái của mình và chân thành sám hối vì tội lỗi của tôi là người trong cộng đồng Kitô hữu. Tôi thấy mình tiếp tục “bị quở trách” bằng sự can đảm nhìn nhận tội lỗi để chấn chỉnh. Tông huấn này giúp tôi xét mình kỹ lưỡng hơn.

Đa số những điều ngài nói đều khiến lòng tôi “đau nhói”, nhưng điều đó làm cho tôi tỉnh ngộ. Ngài khuyên: “Tính trần tục tâm linh (spiritual wordliness) tiềm ẩn bên trong vẻ trắc ẩn và yêu mến Giáo hội… Một cách tinh vi tìm kiếm tư lợi… dựa trên vẻ tu dưỡng bề ngoài”. Đó chỉ là giả hình và ích kỷ, chỉ biết quan tâm chính mình theo kiểu Prômêthê (self-absorbed promethean neopalagianism). Họ chỉ tin vào khả năng của mình và cảm thấy nổi trội hơn người khác vì họ tuân theo một số quy luật nào đó. Cái gọi là giáo thuyết hoặc quy luật như vậy chỉ dẫn tới sự tự yêu mình, tự cho mình là ưu tú và độc đoán, thay vì truyền bá Tin Mừng. Họ chỉ trích người khác chứ không mở cửa ân sủng.

Tôi cảm thấy bị thúc giục bởi “tính trần tục xảo quyệt” này. Tôi thực sự nói về lĩnh vực tội lỗi của tôi. Tôi rất biết ơn về sự xét mình cần thiết mà ĐGH Phanxicô đã khuyến khích tôi vượt qua sự cám dỗ đó.

6. Hành động tốt lành: Theo dòng thời gian, ĐGH Phanxicô đã trở nên biểu tượng hữu hình của tình yêu Thiên Chúa. Ngài được coi là vị giáo hoàng của mọi người. Tôi không quan tâm các phương tiện truyền thông đời, nhưng khi báo Time chọn ngài là giáo hoàng bảo thủ và là người của năm (Person of the Year), tôi nhận thấy sự tốt lành của ngài là hiển nhiên. Ngài hôn chân các bệnh nhân, ngài ôm những người bị xã hội xa lánh và ruồng bỏ. Thế giới phải chú ý, và cũng là điều nhắc nhở tôi. Khi tôi thấy ngài âu yếm ôm một bệnh nhân u sợi thần kinh (NF – neurofibromatosis), sự thờ ơ lãnh đạm trong tôi tiêu tan. Đã bao lần tôi nhẫn tâm với những người dị dạng và không để cho tình yêu Thiên Chúa tuôn chảy qua hành động của tôi bằng sự dịu hiền và trắc ân. Bằng một cách rõ ràng không thể phủ nhân, ĐGH Phanxicô đã cho tôi thấy tình yêu như thế nào.

7. Tông Truyền và sứ vụ: Giáo hội có truyền thống về sự phát triển giáo lý và giáo huấn về luân lý, tôi biết ơn về điều đó. Tôi gặp gỡ Đức Kitô khi tôi mở rộng lòng mình với những gì tôi tin và với tha nhân. ĐGH Phanxicô đang thể hiện điều đó với phong cách riêng của ngài, duy nhất là tầm nhìn Đức Tin, tôi thấy mình bị thu hút vào trái tim của Giáo hội từng ngày. Lòng yêu mến Tông Truyền của tôi lớn lên, với ngọn lửa mới bùng cháy. ĐGH Phanxicô kêu gọi Tân Phúc Âm hóa, và trên hết, cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc sống Tin Mừng. Là giáo hoàng và là trưởng của Giáo hội hữu hình, ngài trao sứ vụ cho tôi rõ ràng qua sự đại diện của ngài. Giáo huấn của ngài, kể cả cách sống gương mẫu của ngài, đang đào tạo con người của tôi. Tôi tin rằng triều đại giáo hoàng của ngài là sự chọn lựa của Thiên Chúa, và là tặng phẩm dành cho thế giới hiện đại ngày nay, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được mời gọi nên thánh như bây giờ.

ĐGH Gioan Phaolô II là một thi sĩ, một chiến sĩ, một triết gia và một thánh nhân. ĐGH danh dự Bênêđictô XVI là thần học gia lớn của thế kỷ XX. Còn ĐGH Phanxicô? Ngài không vụng về khi đến với triết học và thần học, nhưng ngài đang thực sự chứng tỏ là một mục tử. Tôi tin rằng các vị tiền nhiệm của ngài đã chuẩn bị con đường để vị chủ chăn thánh thiện này sẽ được các con chiên lạc bước theo. Vâng, và tôi tin tôi sẽ làm thánh!

Vấn đề là nhiều người trong chúng ta muốn nên thánh nhưng không sống thánh. Nhìn vào cuộc đời các thánh, chúng ta thấy luôn có sự đấu tranh.

     1. Con đường nên thánh không bao giờ rộng mở.
     2. Họ quyết chí nên thánh.
     3. Họ thay đổi thế giới.
     4. Mọi sự sẽ tốt đẹp.

Và họ đã chết trong niềm hạnh phúc, dù cuộc đời các ngài không suôn sẻ, luôn đầy chướng ngại vật. Theo tôi, đây là 7 con đường nên thánh của các thánh:

     1. Cha mẹ ngăn cản ơn gọi. Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas muốn làm tu sĩ Dòng Đa-minh, nhưng gia đình ngăn cấm, nhốt ngài 2 năm, thậm chí còn cho gái điếm tới cám dỗ, nhưng ý ngài không thay đổi. Thánh Phanxicô và Thánh Clara cũng có những chuyện liên quan việc gia đình cấm cản đi tu.

     2. Bị bề trên chống đối. Thánh Padre Piô (Piô năm Dấu) có khả năng đặc biệt khi giải tội và được Chúa in Năm Vết Thương. Nhưng ngài đã từng bị giáo hoàng cấm dâng lễ công khai hoặc giải tội. Thánh Philip Neri cũng bị các viên chức trong Giáo hội chống đối khi ngài đến với người nghèo.

     3. Bị người ta chống đối. Cuối đời Thánh Phanxicô Assisi, các tu sĩ đã tìm cách thay đổi mọi thứ mà ngài đã tạo nên. Thánh Teresa Avila bị các nữ tu ghen ghét vì bà cố gắng cải cách Dòng.

     4. Người hướng dẫn. Trong đời Thánh Bênêđictô, một số tu sĩ đã xin ngài làm Bề trên. Mặc dù ngài nói trước rằng cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn, các tu sĩ vẫn muốn ngài làm Bề trên, và ngài đã chấp nhận. Nhưng khi các tu sĩ không thích tu luật của Thánh Bênêđictô, họ đã tìm cách đầu độc ngài!

     5. Bị bệnh và chết trẻ.
 Chân phước Pier-Giorgio Frassati chết vì bệnh bại liệt (Polio, Poliomyelitis), Thánh Damian Moloki chết vì bệnh phong cùi, Thánh Têrêsa Hài Đồng và Thánh Faustina chết vì bệnh lao phổi.

     6. Tử đạo là con đường phổ biến. Thánh Teresa Bênêđicta Thánh Giá (Edith Stein), Thánh Gioan Arc, Thánh Maxamillian Kolbe, và Thánh Thomas More to name a few. Thánh Gioan Brebeuf đã chịu đau khổ tới cực điểm khi những người Mỹ gốc Ấn đã cắt ngón tay ngài để ngài không dâng lễ được nữa! Rồi ngài trở về Âu châu nhưng vẫn có thể dâng lễ. Rồi ngài lại đến Mỹ và trở thành một trong các thánh tử đạo lớn nhất trong lịch sử Giáo hội.

     7. Đau khổ tinh thần và thể lý. Mẹ Teresa Calcutta và việc giúp những người khốn cùng là tấm gương sáng về vấn đề này. Thánh Phaolô đã tổng kết các chướng ngại vật mà ngài phải đối mặt trong 1 Cr 11:24-28

Có thể có nhiều cách hơn, nhưng đó là 7 cách tôi phát hiện. Nếu chúng ta muốn làm thánh, chúng ta phải sẵn sàng chịu đau khổ. Thánh Phêrô nói với chúng ta: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em. Đừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác; mà nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó. Bởi lẽ thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa” (1 Pr 4:12-17). Đối với các Kitô hữu, đau khổ là điều bất thường, nhưng đau khổ làm gia tăng Đức Tin của chúng ta.

Đời sống Kitô hữu có thể tràn đầy niềm vui mà chúng ta có được bằng cách bước theo Đức Kitô, yêu thương tha nhân. Nhưng khi gặp đau khổ, chúng ta đừng ngạc nhiên là “tại sao điều đó lại xảy ra với mình”. Hãy coi đó là cơ hội tốt để bạn nên thánh.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com và Focus.org)


Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

MUA GIANG SINH, XIN DOC.
"THẦN  BÒ - BOUL"
Tượng  Chúa  Hài  Ðồng  Ban  Nhiều  Ơn  Lạ


Ðể chuẩn bị cho cuộc thăm viếng Thái Lan của bà Rosalynn Carter, - phu nhân Tổng Thống Hoa Kỳ, - vào đầu tháng 11 năm 1979, Bộ Ngoại Giao và An Ninh Mỹ đã phải âm thầm hoạt động trước nhiều tháng trời.
Mục tiêu của cuộc viếng thăm này là bà Rosalynn Carter muốn đích thân quan sát tìm hiểu về thảm cảnh tại các Trại Tị Nạn trên đất Thái Lan, điều mà báo chí và các hãng thông tấn, truyền hình... đã nhiều lần tường thuật như là một vết thương đại thảm khốc do cộng sản gây ra cho lịch sử nhân loại vào thời bấy giờ.
Chắc chắn ông Carter, vị Tổng Thống mà nụ cười luôn luôn đậu trên môi, một lúc nào đó đã phải chau mày, suy tư về thảm họa kinh hoàng của hàng trăm ngàn người đang sống tại các trại tị nạn Ðông Nam Á.  Không một bản tường thuật nào sẽ sống động và thành thật hơn những nhận xét của chính vợ ông, bà Rosalynn.
Vậy nên nhiệm vụ của 14 người trong “phái đoàn tiền sát” được cử qua Thái Lan đầu tháng 10-1979 thực là quan trọng.  Phái đoàn sẽ đến Thái Lan như những người du lịch, sẽ tìm hiểu và ghi nhận trước tất cả mọi khía cạnh của vấn đề; một bản phúc trình tỉ mỉ về tị nạn sẽ được thiết lập với những nhận xét và đề nghị thật chuẩn xác, để cuộc tới thăm của bà Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ sẽ chỉ là duyệt lại các điều mà bà đã biết từ trước.
Riêng tôi, một trong 14 nhân viên của phái đoàn tiền sát, tôi hoàn toàn không hay biết mảy may gì về mục tiêu, mục đích của cuộc ra đi này.  Tôi lại cũng mù tịt về mọi lãnh vực ngoại giao và an ninh của Mỹ.  Thế mà tôi lại được đi trong phái đoàn, điều mà chính tôi cũng phải ngạc nhiên.  Trong 14 người, thì 11 là Mỹ chính hiệu “con nai trắng”, còn 3 ngoại kiều là một cô Cam-bốt, một giáo sư  Thái Lan và tôi là Việt Nam.  Sở dĩ có tên tôi là bởi một sự bất ngờ rất tếu.  Tôi có anh bạn trong “Hội Nhà Thờ Bảo Trợ”, tên John, anh này là cựu sĩ quan, trước từng ở Việt Nam hai năm, làm cố vấn cho đơn vị tôi.  Ngẫu nhiên nay gặp lại nhau, anh rất khoái tôi.  Thường thường tụi tôi có các buổi họp mặt weekend là có John.  Anh ta cũng ngồi xếp bằng tròn quanh mâm nhậu, bóc lon la-de và nốc một hơi trăm phần trăm y chang như các tay tổ trong băng độc thân vậy.  John nói được một ít tiếng Việt, ăn được nước mắm, khoái món phở tái, chả giò ... và đôi khi chúng tôi nhậu khan với nhau bằng mực khô nướng, củ kiệu, John cũng xáp vô nhai khô mực ra rít lắm.  Bởi cái chỗ thân tình ấy nên tụi tôi coi John như một người bạn chí thiết.  Một lần đang cơn nhậu, John hỏi chúng tôi, ngoài tiếng Mỹ có ai biết nói tiếng Lào không?  Tôi phét lác nhận là nói được và xổ ra một tràng tiếng Lào líu lo líu lường... làm cho cả bọn cười bò.  Thật tình tôi có học được một ít tiếng Lào trong thời gian hành quân Hạ Lào, lâu không nói thì nay cũng đã quên nhiều, nói bậy bạ dỡn chơi thì được, chớ còn phiên dịch thông ngôn thì không nổi.
Thế mà nửa tháng sau tôi nhận được giấy mời lên Văn phòng Ngoại giao.  Người tiếp tôi chính là John.  Anh ta nói muốn dành cho tôi cơ hội để về thăm miền Ðông Nam Á trong nhiệm vụ tiền sát như đã nói trên.  Tôi thú thật với John tôi quá kém về Lào ngữ.  Nhưng anh ta trấn tĩnh tôi rằng, có một nữ nhân viên Cam-bốt nói tiếng Lào giỏi sẽ giúp tôi, và có thể phái đoàn cần tôi trong nhiệm vụ giao dịch tiếng Việt nữa.
 Chúng tôi đã đến Thái Lan như những du khách, và đã nhờ Hồng Thập Tự địa phương đưa đến các trại Tạm cư Tị nạn.  Hai trại lớn mà chúng tôi đã ở lại nhiều ngày là trại U-thong (phía Tây Bắc cách Bangkok trên 300 dặm) hiện có 36 ngàn người Lào tị nạn; và trại Sa-kaeo nằm trên quốc lộ số 8 cách Bangkok 650 dặm về phía Ðông, chứa tới 200 ngàn dân Căm-bốt tị nạn.
 Có ai tưởng tượng được (vào thời điểm năm 1979) chỉ ở một trại tạm cư thôi mà con số những người tị nạn Căm-bốt đã lớn lao đến thế không?  Hàng trăm ngàn người đó đang sống vô cùng thiếu thốn, đói khổ và bệnh tật, ở chui rúc trong các tàng cây, những lều lá xiêu vẹo mà họ gọi là cái nhà.  Thiếu thực phẩm, thuốc men, quần áo.
– Một vài hình ảnh khiến ta có thể tưởng như lớp người đó đang sống ở thời thượng cổ, thời đại sống trong hang hốc, ăn lông, ở lỗ.  Sau này khi bà Rosalynn Carter đến viếng thăm đã phải thốt lên:  “Thật quả là thê thảm, những cảnh tượng này tôi chưa hề bao giờ thấy như vậy, đã làm cho tôi xúc động kinh hoàng.”  (“It’s like nothing I ‘ve ever seen, it’s emotionally overwhelming”).
 Nếu muốn viết về chuyến đi Thái Lan  của tôi thì sẽ có một chuyện dài, nhưng tôi không thể đưa lên báo bản phúc trình chỉ dành riêng cho vị Ðệ Nhất Phu Nhân đọc.  Ở đây, tôi muốn kể lại một câu chuyện nhỏ- một kỷ niệm mà mãi mãi tôi không quên.
Buổi chiều hôm đó, sau những giờ đã làm việc khá mệt mỏi, chúng tôi chia nhau bánh mì và thịt hộp để ăn bữa tối, Saleng (cô gái Căm-bốt trong phái đoàn) gọi tôi:
- Anh có muốn đi coi Ông Thần Con Nít không?
Tôi vừa nhai bánh vừa cười, hỏi đùa:
- Có Ông Thần Con Nít hả?  Vậy Saleng làm ơn bồng ông Thần Bếby ấy tới đây, tụi mình chụp hình phỏng vấn, chớ đi nữa thì... mệt quá rồi.
      Saleng nghiêm sắc mặt:
- Anh chớ nói dỡn, Thần Con Nít thiêng lắm, Thần đã cứu nhiều người ta và đã đưa họ đến đây tị nạn.
     Tôi hỏi một hơi:
- Sao cô biết? Thần con nít là Ông Thần gì ? ở Ðâu?  Cứu ai?  Chuyện đầu đuôi ra sao?
     Saleng liếc xéo tôi:
- Bộ anh muốn ghi vô biên bản phúc trình hả?  Muốn biết thì đi! Đi tôi dẫn tới cho coi.

     Tôi uống cạn ly cà phê rồi ngoắc John cùng đi theo.  Chúng tôi lên một ngọn đồi nhỏ, chung quanh toàn là dân di tản Căm-bốt ở chen chúc dưới các lùm cây tàng lá.  Những cảnh sống cơ cực hiện ra trước mắt trong suốt mấy ngày nay đã làm chúng tôi quen rồi.  Các em nhỏ, phần lớn là ở trần truồng, gầy gò, xanh xao và bệnh hoạn.  Các ông già bà cả ngồi trầm lặng như những pho tượng.  Nhiều cặp mắt lo âu nhìn về phía chúng tôi, không biết họ đang nghĩ gì.  Nhưng có điều chắc chắn là nếu ai bảo họ trở lại với quê hương cộng sản của họ thì họ lắc đầu cương quyết phản đối ngay.
 Saleng dừng lại ở đỉnh đồi – nơi có những đá lớn chồng chất – trên một tảng đá, tôi thấy có bầy biện như một bàn thờ, cắm nhiều cây nhang, có một cặp nến đỏ viết chữ Miên chằng chịt như đạo bùa.
  Một bầy trẻ con chừng 20 đứa ốm o đang cầu kinh và ca hát chung quanh.  Vài người lớn thấy chúng tôi, rê lại gần đứng nhìn.  Ðến gần bàn thờ, tôi và John đã ngạc nhiên khi nhận ra vị “Thần Con Nít” mà Saleng đặt tên cho, chính là tượng “Chúa Hài Ðồng nằm trong máng cỏ”.  Tượng bằng thạch cao lớn cỡ bằng quyển tự điển, một góc bị bể nên bàn chân Chúa mất một nửa.
 Rất tự nhiên, John và tôi cùng qùy gối xuống cạnh những em bé trần truồng.  Chúng tôi làm dấu Thánh Giá.  John hát lên một bài ca Sinh Nhật bằng tiếng Mỹ, tôi cũng ca tiếp bài “Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...”  Cử chỉ cung kính của chúng tôi trước vị Thần Con Nít đã phút chốc gây cảm tình với các em bé và bà con cô bác tị nạn Căm-bốt.  Số đông đã bu lại quanh chúng tôi có tới năm sáu chục người.  Họ nói chuyện ồn ào, và Saleng làm nhiệm vụ thông dịch cho chúng tôi hiểu.  Trong đám đông đó, Saleng dẫn tới giới thiệu với chúng tôi một bà già tên Lam-Pranak và con gái bà, bé Bòboul.  Câu chuyện ly kỳ “Thần Bò-Boul” đã sẩy tới cho hai mẹ con bà, đầu đuôi thế này:
  Ông Lam-Pranak, vị đại úy thời Lon-Nol, bị Miên cộng hạ sát năm 1975.  Hai đứa con của ông đã bị ném vô lửa trước mắt ông, trước lúc chúng bắn ông.  Vợ ông và 4 đứa con khác trốn về tỉnh Kompong Kdey, một năm sau bị phát giác và cũng bị bắt.  Miên cộng nhốt năm mẹ con bà Pranak cùng với khoảng 400 người khác thuộc “chế độ cũ” trong một Nhà Thờ Chánh Tòa đổ nát ở tỉnh nhỏ Khum Samrong.  Chính tại nơi đó, con gái út của bà, em bé Bòboul, đã tìm thấy tượng Chúa Giêsu Hài Ðồng nằm trong máng cỏ.  Thoạt đầu, em chỉ thấy đẹp và muốn giữ chơi như một búp-bê.  Nhưng rồi bà mẹ em đã nghiệm thấy dường như có một uy quyền, một phép lạ nào đó ẩn tàng trong Búp-bê Thần này.  Cứ mỗi lần Bòboul bị đau ốm, mà em được ôm lấy Búp-bê Thần thì em liền được khỏi bịnh.  Rồi nhiều em nhỏ khác bị nhốt trong Nhà Thờ đau ốm cũng đã được ơn cứu chữa ấy.  Chí đến các người lớn bệnh hoạn cũng đã được khỏi khi cầu xin Búp-bê Thần; và lòng sùng kính tôn thờ tự nhiên dâng lên. Trước con mắt nhòm ngó dữ dằn của bọn lính Miên cộng, những người tù khốn khổ trong Nhà Thờ đã không dám lập nên một bàn Thờ cho Vị “Chúa Con Nít” của họ.  Ðền đài của Chúa Giêsu Hài Ðồng nơi đây chính là cái túi vải rách rưới đeo trên lưng em bé Bòboul, một đứa trẻ gầy gò bẩn thỉu.  Ðến nỗi chính danh hiệu cao cả của Chúa cũng chẳng ai biết nữa.  Ðoàn người tù tội đã dùng ngay tên em bé để gọi Chúa Hài Ðồng, bây giờ tên Ngài là “Thần Bòboul”.
Nhiều đêm, cửa Nhà Thờ mở ra, những họng súng chĩa vào, vài tên Miên cộng thò đầu vô gọi tên một số người.  Những người bị gọi đi trong đêm sẽ không bao giờ trở lại.  Họ đến quỳ gối bên em bé Bòboul, hôn tượng Chúa Hài Ðồng:
- Lậy Thần của Bòboul, bây giờ con sắp đi vào cõi chết, con muốn khi chết đi được Thần của Bòboul thương con, đem con về cõi Trời với Thần!
 Cầu nguyện xong, họ hôn em Bòboul và vĩnh biệt ra đi, trong khi đó Bòboul vẫn ngủ say sưa không biết gì cả.  Số tù nhân vô tội vơi xuống lần lần.
 Một đêm nọ, bà Pranak bị gọi tên.  Bà choáng người như bị sét đánh, gọi cả bốn con dậy, mẹ con ôm lấy nhau khóc mướt rồi bà cầu nguyện:
- Lậy Thần của Bòboul, xin cứu con, xin cho con được sống với bốn đứa nhỏ này, cha nó đã bị bắn, hai anh nó đã bị đốt lửa; xin Thần hãy cứu con để chúng nó còn có mẹ, và để mẹ con chúng con suốt đời thờ lạy Thần.
 Bà hôn các con rồi ra đi trong đêm tối theo lũ Miên cộng...
 Chừng hơn tiếng đồng hồ sau, cánh cửa hậu Nhà Thờ bỗng hé mở.  Bà Pranak len lén bò vào.  Bà thì thào với các con:
- Mẹ và nhiều người bị đẩy xuống một cái hố, tụi nó xả súng bắn càn rồi lấp đất lên, và bỏ đi.  Mẹ không bị trúng đạn, moi đất chui lên được về đây với các con.  Ðúng là Thần của Bòboul đã cứu mẹ!
  Năm mẹ con lại ôm nhau khóc... và tạ ơn Thần.
 - Việc bà thoát chết, mò mẫm đêm khuya trở lại Nhà Thờ (đúng ra là nhà tù), cũng như việc lính gác ngủ vùi và cửa Nhà Thờ hé mở, cho đến bây giờ, bà Pranak vẫn không hiểu tại sao được như vậy. Bà chỉ một mực tin rằng đó chính là Thần Bò-Boul ra ơn cứu mạng

      Ngày chế độ Pol-Pot bị lật đổ, bọn lính canh tù trước khi tháo chạy đã thảy đại vô Nhà Thờ 3 trái lựu đạn.  Bé Bòboul thất kinh, cầm tượng giơ ra ngăn cản.  Lạ thay, cả 3 qủa đạn đều tịt ngòi lăn long lóc trên nền Nhà Thờ.  Một người trong toán tù đã liều mình nhặt vứt ra ngoài.  Khi qủa lựu đạn cuối cùng ném ra khỏi cửa sổ, cả 3 đã phát nổ dữ dội khoét thủng một lỗ ở chân tường, và do đó đoàn tù đã thoát ra rồi tản mát, mạnh ai nấy chạy trốn vượt biên giới qua Thái Lan tị nạn.
 Bé Bòboul lạc gia đình, một mình chạy nhủi ở trong rừng, hết lòng cầu xin, hai ngày sau thì gặp lại được mẹ và anh em như cũ.
 Khi năm mẹ con đắt díu nhau vượt biên tại Ban Nong Pru chính là chỗ quân đội hai bên đang canh phòng ghìm nhau rất cẩn mật.  Bé Bòboul cầm tượng Chúa đi trước dẫn đầu cho gia đình đi ngang qua hai trạm lính canh gác, lạ thay, thấy lính Miên cộng và lính gác Thái đều ôm súng ngủ khì.  Câu chuyện thuật lại như khôi hài và hoang đường vậy.
  John tỏ ra đặc biệt chú trọng đến mọi chi tiết của câu chuyện.  – Anh hỏi và Saleng thông ngôn:
- Cho đến nay, Chúa Hài Ðồng còn tiếp tục làm phép lạ không?
Bà Pranak trả lời:
- Không! không phải phép lạ, Thần của Bòboul không làm phép ra lửa, ra ánh sáng đâu. Thần chỉ cứu người thôi.  Ai cầu xin Thần sẽ được, nhưng phải ở hiền, ở tốt, đừng có dữ dằn, ai yêu thương người ta, Thần của Bòboul mới cho ơn.  Thần còn cho ơn nhiều nhiều, phải tin Thần thì mới được chứ!.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ nhìn bà Pranak, có phải bà vừa đọc một đoạn Thánh Kinh nào đó cho tôi nghe không?  Tôi nhìn kỹ mặt bà, gương mặt cằn cỗi xám xịt, hàm răng vàng khè, cặp mắt đục và mệt mỏi.  Bà quê kệch, xấu xí và rách rưới, nhưng tâm hồn bà dường như tràn ngập niềm tin và sự vui mừng.
 Bốn đứa nhỏ của bà cùng với lũ trẻ tị nạn khác đang xúm quanh John nhai kẹo cao-su.  John nhờ Saleng giảng dịch cho chúng hiểu sơ lược về Chúa Cứu Thế, mà bức tượng của Bòboul chính là Thánh tượng Ngài.  Thật mà nói, tôi thấy lũ nhỏ chăm chú vào việc nhai kẹo nhiều hơn là lắng nghe câu chuyện Thánh Sử.
 Khi chúng tôi từ biệt bà con tị nạn để về lều, John chưa kịp nói Good Night thì một thanh niên chạy tới rối rít lên:
- Ðem Thần của Bòboul tới mau, xin cứu vợ tôi, nó sắp đẻ rồi, chẳng có cô mụ bác sĩ gì ráo, khéo nó chết mất!  Lạy Thần, xin cho vợ con của con được sống.
     Tượng Chúa Hài Ðồng được rước đi tức khắc.  Chúng tôi cũng cấp tốc trở về lều.  Khi John trở lại với một bác sĩ thì mọi sự đã song.  Một em bé tị nạn đã sinh ra bằng yên,  Người sản phụ đang thiu thiu ngủ, và người chồng đang quỳ dưới đất chắp tay lạy Chúa Hài Ðồng như tế sao.
  Bà Rosalynn Carter, sau này khi đến thăm trại, đã bồng đứa bé đó trên tay và ứa lệ nói rằng:  “I want to go home as fast as I can and mobilize people and do all we can to help the people here”.  [Tôi muốn trở về Mỹ càng sớm càng tốt để vận động dân chúng làm tất cả những gì chúng ta có thể làm được để giúp dân chúng nơi đây.]

                                                                                Trần Quốc Bảo

                                                                               Richmond,VA/USA