Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Tản mạn về Giáng Sinh

Tản  mạn  về  Giáng  Sinh
(Fri, 26/12/2014 - Vũ Văn An-thanhlinh.net)


Trong những điều ta thường được nghe là ngày lễ Giáng Sinh trước đây vốn là một ngày lễ ngoại giáo, tức ngày thờ thần mặt trời. Nhưng Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng nói như thế là không đúng vì quả tình ngày 25 tháng Mười Hai là ngày sinh của Chúa Giêsu.

Ngài lý luận như sau: Thánh Kinh cho ta hay Bà Êlisabét thụ thai Thánh Gioan Tẩy Giả sau khi chồng bà là ông Giacaria thi hành nhiệm vụ tư tế trong Ngày Xá Tội. Ngày đó thường rơi vào cuối tháng Chín hay đầu tháng Mười. Thánh Kinh cũng nói rằng sau khi thiên thần truyền tin cho Đức Maria rằng ngài sẽ thụ thai Chúa Giêsu, thì ngài đi thăm bà Êlisabét, lúc đó đã mang thai được sáu tháng. Điều này có nghĩa Đức Maria thụ thai Chúa Giêsu vào cuối tháng Ba. Chín tháng sau là cuối tháng Mười Hai.

Dù Giáo Hội Công Giáo Rôma chỉ chính thức cho mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai kể từ thế kỷ thứ tư, sau khi Đạo được Hoàng Đế Constantinô cho tự do hoàn toàn, nhưng Thánh Irênê (130-202) vốn đã cho rằng Chúa Giêsu được thụ thai vào tháng Ba, do đó, ngày sinh của Người là ngày 25 tháng Mười Hai. Thánh Hippôlitô thành Rôma (170-235) cũng cùng một chủ trương như thế. Sextus Julius Africanus (160-240) cho rằng Chúa Giêsu được thụ thai vào ngày xuân phân tức ngày 25 tháng Ba của Lịch Rôma, do đó, ngày 25 tháng Mười Hai là ngày Chúa Giêsu sinh ra đời.

Đạo Công Giáo không bị ám ảnh bởi ngoại giáo

Tìm hiểu sâu xa hơn, có tác giả như Mark P. Sea cho rằng Đạo Công Giáo, ngay từ đầu, không quan tâm bao nhiêu tới ngoại giáo, mà quan tâm hơn tới Cựu Ước, chìm đắm trong các hình ảnh, lời lẽ, ý niệm của Cựu Ước. Ông cho rằng đọc Tân Ước với hy vọng khám phá ra thứ ngoại giáo bí mật coi nó như gốc gác thực sự của Kitô giáo thì cũng giống như người đọc Shakespeare để mong tìm thấy dấu vết văn chương Đại Hàn.

Thực sự, Tân Ước tắm mình trong tư tưởng, hình tượng, thi ca, lời tiên tri, luật lệ và đức khôn ngoan của Do Thái. Các Kitô hữu tiên khởi không lưu tâm bao nhiêu tới ngoại giáo, coi nó đại loại như a) một dấu ấn mờ nhạt của những gì người Do Thái Giáo và Kitô Giáo biết rõ nhờ mạc khải của Thiên Chúa; b) một thứ dối trá của ma qủy; c) một nguồn khôn ngoan nhân bản, chứ không phải mạc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, họ say mê đến ám ảnh đối với điều Thánh Phaolô gọi là “lời sấm của Thiên Chúa” (Rm 3: các Kitô hữu tiên khởi hướng về nó để soi sáng bất cứ điểm mù mờ nào, như khi Thánh Phaolô trích dẫn các thi sĩ Hy Lạp để tỏ sự liên hệ với các người Hy Lạp địa phương, giống như một diễn giả đi vận động hẳn phải nhắc tới đội banh địa phương để tìm cách nối kết với thính giả nơi đó). Cả ngày nay nữa, các Kitô hữu hiện đại cũng thường sử dụng các ngôn từ của nền văn hóa bình dân như “Chúa Giêsu: Người là Hàng Thật” (Jesus: He’s the Real Thing), “Chúa Kitô: Đừng Rời Trái Đất Mà Không Có Người” (Christ: Don’t Leave Earth Without Him)…

Nhưng điều các Kitô hữu đó làm là không bao giờ lấy một câu chỉ về Chúa Giêsu mà áp dụng vào thần Apollo hay một thần minh ngoại giáo nào khác. Họ cũng không dùng bất cứ thần minh ngoại giáo nào để nói về Chúa Giêsu; họ hoàn toàn biết rằng Chúa Giêsu có thể được diễn tả như Mặt Trời Công Chính và Ánh Sáng Thế Gian trước cả khi Aurelian sáng chế ra ngày lễ ngoại giáo này.

Đặc biệt đối với câu truyện Ba Nhà Chiêm Tinh, Mark Shea cho rằng đây không phải là một mớ dã sử hay huyền thoại được Thánh Máthhêu đem vào chương hai Tin Mừng của ngài, mà dựa vào nhiều cơ sở lịch sử và lời tiên tri của Cựu Ước.

Điều trước nhất, và là điều thường bị nhiều người hiện đại, nhất là những người có thiên kiến vô lý đối với Thánh Kinh, làm ngơ, chính là chương hai Tin Mừng Mátthêu. Chương này nói tới “các hiền triết (tiếng Hy Lạp: magoi) từ Đông Phương”, một ngày kia, xuất hiện ở Giêrusalem, trên đường đi tìm “vị sinh ra làm vua người Do Thái”. Họ cho rằng mình đã “nhìn thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương” và tới để thờ lạy Người. Thánh Mátthêu cho ta hay: họ mang tới vàng bạc, nhũ hương và mộc dược làm lễ vật và cuộc viếng thăm của họ khiến Vua Hêrốt đầy hoang tưởng sát hại mọi bé trai dưới hai tuổi tại Bêlem. Thánh Mátthêu cũng cho biết các nhà hiền triết này bí mật rời Bêlem sau khi được báo mộng đừng trở lại gặp Hêrốt.

Không một điều gì trên đây cho thấy dấu chỉ một huyền thoại. Thánh Mátthêu không cho biết có bao nhiêu nhà hiền triết cũng như dấu chỉ nào họ là vua cả. Như vậy thì tại sao họ có vương miện và con số ba?

Con số là điều dễ hiểu: ba lễ phẩm, tất nhiên ba nhà hiền triết. Vả lại, khi suy niệm ý nghĩa việc dân ngoại tới thờ lạy Chúa Giêsu, tự nhiên các Kitô hữu nối kết các nhà hiền triết với ba chủng loại người trong Thánh Kinh vốn là hậu duệ các con trai của Nôê là Shem, Ham và Japheth, và do đó, là đại biểu cho toàn thể nhân loại.

Còn tư cách vua chúa của họ, thì có hơi phức tạp hơn một chút. Ngoài các ghi chép trong Thánh Kinh ra, ta còn chứng cớ khác nữa. Các nhà hiền triết này xem ra là đẳng cấp tư tế tại các lãnh thổ Đông Phương. Sử gia Hy Lạp Herodotus cho ta hay: các nhà hiền triết (magoi) là đẳng cấp thánh của người Medes. Và Tiên Tri Giêrêmia có nhắc tới một trong các tư tế Đông Phương này, Nergal Sharezar, như là Rab-Mag, “Trưởng Hiền Triết” (Gr 39:3, 13; bản CGKPV dịch là quan chiêm tinh). Các hiền triết magoi này vốn có liên hệ với nhiều cuộc tranh chấp tôn giáo và chính trị của Ba Tư và ảnh hưởng của họ vẫn tiếp diễn qua các thời đế quốc Assyri, Babylon, Ba Tư và Parthia. Tới thời Chúa Giêsu, họ cung cấp các tư tế cho Ba Tư và gây ảnh hưởng tôn giáo lớn trên các nước trong vùng. Một nhà văn cổ tên là Strabo cho hay: các tư tế hiền triết tạo nên một trong hai hội đồng của Đế Quốc Parthia.

Magoi, lẽ dĩ nhiên, được liên kết với từ tiếng Anh “magic” (ảo thuật) nhưng nếu coi họ là các ảo thuật gia thì thực sự không chính xác. Họ sống vào một thời đại người ta chưa phân biệt được giữa cố gắng hiểu biết và kiểm soát thiên nhiên bằng điều ta gọi là “khoa học” với cố gắng hiểu biết và kiểm soát thiên nhiên bằng điều ta gọi là “ảo thuật”. Nên có thể nói các nhà hiền triết magoi thực hành những điều sơ đẳng của cả khoa thiên văn lẫn khoa chiêm tinh.

Chính xác họ thấy ngôi sao nào, hay việc thực ra đó là một biến cố tự nhiên hay một biến cố siêu nhiên, là điều ta không biết. Nhưng ta biết rằng Sao Mộc (Jupiter) tới gần Sao Thổ (Saturn) ba lần trong 7 tháng của năm thứ 7 trước CN. Ta cũng biết Sao Hỏa (Mars) tới gần hai sao vừa kể và tạo ra một hình tượng hết sức lạ lùng cũng vào khoảng thời gian vừa kể. Ngoài ra, có suy đoán cho rằng Sao Bêlem rất có thể là hiện tượng mặt trăng che khuất Sao Mộc vào năm thứ 6 trước CN, và Sao Mộc tái hiện đàng sau mặt trăng. Ta còn có biên niên sử Trung Hoa xưa gọi là Ch’ien-han-shu, nhắc tới một vật, có thể là tân tinh (nova) hay sao mới, xuất hiện vào tháng Ba năm thứ 5 trước CN và kéo dài trong 70 ngày.

Những ai cho rằng bất cứ tiếp xúc nào giữa các niềm tin của Thánh Kinh và các niềm tin của ngoại giáo đều chỉ dẫn tới việc ngoại giáo hóa giáo huấn của Thánh Kinh, thì họ nên nhớ rằng ta có đủ lý lẽ để nghĩ rằng các niềm tin của các nhà hiền triết magoi là một tổng hợp khoa chiêm tinh của Ba Tư với các ý niệm về Đấng Mêxia (messianic) rất phổ biến lúc đó tại đấy, nhờ sự hiện diện của khá nhiều người Do Thái sống tại đó từ thời Nêbucađônôxa (Nebuchadnezzar), trước đó 5 thế kỷ. Một thời gian dài như thế đủ làm cho câu truyện thánh thiêng của người Do Thái được giới ưu tú của xã hội Ba Tư biết đến. Hơn nữa, kiến thức của các hiền triết magoi đối với các bản văn thánh Do Thái cũng khá ăn khớp với tác phong của Hêrốt trong việc hạ sát các trẻ thơ vô tội của Bêlem.

Một số nhà phê bình coi câu truyện dã man của Hêrốt là điều phi lý. Nhưng nhờ các nguồn không phải Thánh Kinh, ta biết Hêrốt thực sự là con người hoang tưởng sâu xa đối với các địch thủ muốn tranh ngôi báu của ông ta. Ông ta sẵn sàng giết cả con mình để bảo vệ ngôi báu đó, đến nỗi Augustus, người vốn trao vương quyền bù nhìn cho ông ta, từng nhận xét rằng vì Hêrốt tuân giữ luật kosher (không ăn thịt heo) để làm vui lòng thần dân Do Thái của ông ta, “nên thà làm heo của Hêrốt còn hơn làm con của ông ta”. Nhưng ngoài chứng cớ tâm lý học này, trong Thánh Kinh, còn có gợi ý rất khả tín cho thấy tại sao Hêrốt đã phản ứng một cách dữ dằn đến thế trước tin một vị vua mới của Do Thái vừa hạ sinh, một lý do rất tương hợp với những gì ta biết về các hiền triết magoi.

Ta biết Hêrốt, “vua dân Do Thái”, thực ra không phải là người Do Thái. Ông ta là người Ê-đôm hay I-đu-mê như ai cũng biết vào thời Chúa Kitô. Người Ê-đôm vốn thuộc dòng dõi Êsau, anh trai Giacóp. Như ai cũng biết, Giacóp nhận được sự chúc lành và quyền trưởng nam từ cha ông là Ixaác, mà đáng lẽ ra phải là của Êsau (St 27). Từ đó trở đi, hận thù xuất hiện giữa hai anh em và dòng dõi của họ. Nhiều thế kỷ sau Giacóp và Êsau, khi người Do Thái thoát khỏi Ai Cập và đang trên hành trình tới Đất Hứa, Môsê từng yêu cầu được băng qua lãnh thổ Môáp, một sắc dân có quan hệ gần gũi với người Ê-đôm, nhưng bị từ khước. Trên thực tế, người Môáp còn tìm cách tiêu diệt Dân Do Thái. Một phần trong kế hoạch của họ là Balắc, vua người Môáp, thuê tiên tri Balaam nguyền rủa người Do Thái (Ds 22-24). Tuy nhiên, càng cố gắng bao nhiêu, Balaam càng chúc lành cho dân Chúa Chọn.

Điều đáng lưu ý là trong lời chúc thứ ba, Balaam tuyên bố một điều vẫn được coi là lời tiên tri về Đấng Mêxia, được thể hiện vào thời Hêrốt:

“Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc,
tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;
một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp,
một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en

sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết,
và xâm chiếm Ê-đôm,
cả Xê-ia cũng bị xâm chiếm nữa.
Ít-ra-en sẽ biểu dương sức mạnh,
Gia-cóp sẽ thống trị quân thù,
và tiêu diệt kẻ trốn khỏi thành phố." (Ds 24:17-19).

“Một vì sao…từ nhà Giacóp” sẽ “xâm chiếm Ê-đôm”. Liệu một ông vua Ê-đôm nào với thành tích tâm lý hoang tưởng như Hêrốt mà không bồn chồn lo âu trước thông tin của các nhà hiền triết về ngôi sao và câu hỏi của họ “vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu?”. Liệu có ông vua nào như thế, người từng chứng tỏ sẵn sàng sát hại con mình để giữ vững ngôi báu mà còn do dự không dám giết những đứa con của nông dân vô danh tại căn làng cũng vô danh không kém nếu ông ta cho rằng làm thế đủ để giữ vững ngôi báu. Nói theo Augustus, thì trong hoàn cảnh ấy, thà làm heo của Hêrốt hơn làm thần dân của ông ta. Cho nên có đủ lý do, cả Thánh Kinh lẫn không, để nghĩ rằng các chiêm tinh gia Ba Tư có thể đã thấy các dấu hiệu và điềm báo như thế trong các vì sao và các sách thánh của người Do Thái và Hêrốt chắc chắn hành động như ông ta đã hành động.

Còn việc sinh hạ đồng trinh?

Kimberly Winston của Sở Tin Tức Tôn Giáo thì cho rằng việc một thiếu nữ “chưa cưới xin” mang bầu, nhưng cha đứa nhỏ không phải là một người đàn ông mà là chính Thiên Chúa là điều “khá khó bán”. Lại còn chuyện này nữa, thiếu nữ ấy là một người đồng trinh, và không thiếu người tin rằng, cô vẫn còn đồng trinh sau khi hạ sinh bé trai kháu khỉnh.

Nhưng đó chính là câu truyện Hạ Sinh Đồng Trinh, một trong các tín điều chính của 2 tỷ Kitô Hữu khắp thế giới. Câu truyện này được tôn kính bởi mọi hệ phái Kitô Giáo, từ Chính Thống Đông Phương tới Đạo Mormon, Đạo Công Giáo và Thệ Phản.

Tuy nhiên, không thiếu thần học gia, mục tử và Kitô hữu cho rằng việc Hạ Sinh Đồng Trinh ít được ai chú ý vào dịp Lễ Giáng Sinh. Thực vậy, thấy ý niệm ấy “khó nhá”, phần đông tín hữu lưu ý tới bé trai kháu khỉnh nằm trong máng cỏ chứ không lưu ý tới cách Người được hạ sinh ra sao.

Còn đối với phần đông Kitô hữu, việc Hạ Sinh Đồng Trinh là điều không thể bỏ qua. Bạn có thể lưỡng lự đối với một số phép lạ trong Thánh Kinh, nhưng việc Hạ Sinh Đồng Trinh thì phải được chấp nhận là Tin Mừng. Họ cho rằng không có nó, Kitô Giáo sẽ sụp đổ.

Gary Burge, giáo sư Tân Ước tại Wheaton College, cho rằng “loại bỏ phép lạ khỏi Lễ Giáng Sinh là loại bỏ câu truyện chính của Kitô Giáo. Việc này sẽ hủy diệt chính tâm điểm của tư tưởng Kitô Giáo và lấy đi viên đá chính của tòa nhà thần học Kitô Giáo”.

Tại sao việc Hạ Sinh Đồng Trinh lại là cột trụ của Kitô Giáo? Nó là một phép lạ hay chỉ là một phúng dụ? Và bạn có thể vẫn là Kitô hữu dù không chấp nhận ý niệm này được không?

Đối với Burge, một người tin lành và tác giả cuốn “Các Câu Hỏi Thần Học Mà Ai Cũng Hỏi”, thì việc Hạ Sinh Đồng Trinh là điều chủ yếu. Ông lý luận như sau: Nếu không sinh hạ đồng trình, Chúa Giêsu không phải là Con Thiên Chúa; nếu Người không phải là Con Thiên Chúa, thì Người chỉ là một người chịu đóng đính nữa mà thôi chứ không phải là hy lễ có thể chuộc tội thế giới”.

Ông bảo: “Nơi Chúa Giêsu, ta không có vị tiên tri chỉ nói về Thiên Chúa như một con người. Ta có Con Thiên Chúa đem Chúa Cha tới cho ta. Có sự khác biệt rất lớn ở đây, tuyệt đối rất lớn. Đặt việc Hạ Sinh Đồng Trinh vào thế hiểm nghèo… thì Kitô Giáo chỉ còn là một việc phàm nhân, chứ không phải một mạc khải của Thiên Chúa”.

Suy nghĩ của Burge được nhiều người theo. Cuộc thăm dò của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho thấy: gần 3/4 người Mỹ cho rằng việc Hạ Sinh Đồng Trinh chính xác về lịch sử. Nơi người Tin Lành, tỷ số này còn cao hơn, lên tới 96%.

Nhưng việc Hạ Sinh Đồng Trinh chỉ tìm thấy trong hai sách Tin Mừng. Trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, thiên thần nói với Thánh Giuse “đừng sợ nhận Maria làm vợ, vì con trẻ được thụ thai trong bà là do Chúa Thánh Thần”. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, thiên thần nói với Đức Maria: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà; nên con trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, Con Thiên Chúa”.

Câu trả lời thời danh của Đức Maria: “điều ấy xẩy ra thế nào được?” đã được cả kẻ hoài nghi lẫn người tin lặp lại từ đó. Một số bản dịch đã dịch lời Đức Maria nói tới đức đồng trinh của mình trong tư cách một thiếu nữ độc thân, hay, một cách bí ẩn, “tôi không biết tới đàn ông”.

Một số học giả coi việc không nhắc tới sự Sinh Hạ Đồng Trinh trong hai Tin Mừng Máccô và Gioan như là chứng cớ cho thấy câu truyện này có nguồn gốc sau khi Chúa Giêsu qua đời, để biến Người thành một người đặc biệt, để minh chứng rằng Người là Đấng Người nói Người là với một thế giới hoài nghi.

Nhưng Ben Witherington, một giáo sư Tân Ước tại Chủng Viện Thần Học Asbury, tìm được chứng cớ cho việc Hạ Sinh Đồng Trinh về phương diện siêu nhiên. Ông bảo thánh Mátthêu và thánh Luca cảm thấy bó buộc phải kể lại câu truyện vì các ngài hoàn toàn xác tín điều thực sự đã xẩy ra. Không ai tin các ngài nếu không có chứng cớ rõ ràng, thuyết phục cho thấy việc ấy thực sự xẩy ra.

Nhiều học giả khác dựa vào các trước tác của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô sống gần cùng thời với Chúa Giêsu, tuy chưa bao giờ gặp Người, ấy thế mà không bao giờ Thánh Nhân nhắc tới việc Hạ Sinh Đồng Trinh cả, chỉ nói rằng Chúa Giêsu “sinh ra từ một người đàn bà” và Người sinh ra “dưới lề luật”. Căn cứ vào đó, một số học giả cho rằng ngài không nói tới việc này có nghĩa là nó không có. Nhưng nhiều vị khác cho hay lời của ngài ám chỉ Chúa Giêsu không có cha phàm trần.

Dù câu truyện này phát xuất từ đâu đi nữa, thì tới năm 381, niềm tin vào nó đã được chính thức hóa trong Kinh Tin Kính Nixêa, tức hình thức tuyên xưng đức tin được mọi ngành Kitô Giáo sử dụng, trừ Đạo Mormon.

Dù có nhiều bản văn khác nhau đôi chút, nhưng kinh tin kính này nói rõ rằng Chúa Giêsu “từ trời xuống thế, và nhập thể bởi Chúa Thánh Thần từ Trinh Nữ Maria, và đã làm người”.

Một số Kitô hữu hiện đại coi đó là một phúng dụ, chứ không phải là một phép lạ. Đối với John Shelby Spong, một giám mục Tin Lành đã về hưu và là tác giả cuốn “Sinh bởi một Người Đàn Bà”, câu truyện sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu loại bỏ các yếu tố siêu nhiên.

Spong cho rằng việc hạ sinh đồng trinh “bôi lọ nhân tính của ta. Sinh học là một thứ kỳ điệu: một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau rồi tạo ra một đứa con tượng trưng cho cả hai; theo tôi đó là một biểu tượng mạnh mẽ và là một biểu tượng kỳ diệu”.

Nhưng đối với Christian Smith, một nhà xã hội học về tôn giáo của ĐH Notre-Dame, nghĩ về Đức Maria kiểu đó là đi quá xa. Ông bảo: “Nếu Thiên Chúa không có khả năng thực hiện một phép lạ như việc Hạ Sinh Đồng Trinh, thì Người là thứ Thiên Chúa gì đây? Nếu bạn bác bỏ tín lý Chúa Giêsu là Thiên Chúa trọn vẹn và là con người trọn vẹn, thì Người chỉ còn là một vĩ nhân. Nhưng nếu thế đâu là trọng điểm của cái chết trên thánh giá nếu nó không được liên kết với vị Thiên Chúa nhập thể, vị Thiên Chúa ở với chúng ta?”

Gay Byron, một mục sư của phái Trưởng Lão và là giáo sư Tân Ước tại ĐH Howard, nói rằng một lý do khiến một số Kitô hữu tra vấn việc Hạ Sinh Đồng Trinh là vì Giáo Hội nói chung rất nghèo nàn trong việc giải thích về nó.

Nói như thế chỉ có thể đúng đối với các Giáo Hội Tin Lành và Thệ Phản. Các Giáo Hội này không thích nói tới bất cứ điều gì có thể nâng Đức Maria lên khỏi hàng tạo vật, nên dù tín lý Hạ Sinh Đồng Trinh là cột trụ của Kitô Giáo, họ vẫn sợ không dám nhấn mạnh. Chứ các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo thì lúc nào cũng nhấn mạnh tới tín điều này như Kinh Tin Kính Nixêa đã xác nhận, dựa vào chính Thánh Kinh. Do đó, đối với hai Giáo Hội này, khó có thể là Kitô hữu mà lại không tin vào việc Hạ Sinh Đồng Trinh. Không những thế, hai Giáo Hội này còn nhấn mạnh tới mầu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh trước, trong khi và sau khi sinh con.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét