Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Lá thư Giáng Sinh



Lá  thư  Giáng  Sinh
(Tue, 16/12/20 - Trầm Thiên Thu - Thanhlinh.net)




Giáng Sinh là mùa gợi cho người ta nhiều cảm xúc và nhiều tư tưởng khác lạ. Những người tuổi trung niên trở lên hẳn chẳng xa lạ với ca khúc “Lá Thư Trần Thế” của Nhạc sĩ Hoài Linh.

Ca khúc “Lá Thư Trần Thế” được viết ở âm thể thứ nhưng không buồn lê thê, mà chỉ thoáng nỗi buồn xa vắng. Ca khúc này được viết ở cấu trúc quen thuộc của thập niên 1960-1970 là A – Á – B – A’’, nhưng vẫn không gây nhàm chán.

Trong ca khúc “Lá Thư Trần Thế”, NS Hoài Linh dùng những từ khiến tôi nghĩ ông là người Công giáo: “Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống”, vì người ngoại đạo không hiểu thế nào là Ngôi Hai.

Ca khúc này cũng được NS Hoài Linh “khoác” cho một tình cảm đặc biệt và nền tảng: Tình cảm gia đình. Tình cảm gia đình càng trở nên sâu đậm và da diết hơn khi chiến tranh làm cho vợ chồng và con cái phải xa cách nhau. Chiến tranh luôn mang tính ác liệt, ai đã từng sống trong làn tên, mũi đạn thì mới khả dĩ cảm nhận được tính độc ác của chiến tranh.

Ca khúc “Lá Thư Trần Thế” là một tập hợp những lời cầu nguyện của các thành viên gia đình ngay trong đêm Giáng Sinh. Như vậy, chúng ta cũng có thể coi đây là Lá Thư Giáng Sinh.

Mới đầu là lời cầu nguyện của người chồng và người cha: “Lạy Chúa, con là lính trận ngoài biên, vì xa thành phố xa quá nên quên, đêm nay Ngôi Hai Trời xuống, ánh sao lung linh muôn màu, con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu”.

Chiến tranh khiến người ta quên mất thời gian, quên cả đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, quên mất lễ Giáng Sinh. Chợt nhận thấy bầu trời nhiều sao sáng, người ta mới biết là đêm Giáng Sinh, nhưng những ánh sao sáng kia lại khiến người ta liên tưởng tới những ánh hỏa châu trong những đêm hành quân hoặc trận mạc.

Đêm Giáng Sinh là đêm bình an, đêm giao hòa trời đất, đêm vui mừng chan hòa, thế mà người ta lại cảm thấy lo sợ và sầu não. Buồn thật!

Tiếp theo là lời cầu nguyện của người vợ và người mẹ: “Lạy Chúa, con là thiếu phụ miền quê, chồng con vì nước nên đã ra đi, hai ba năm chưa thỏa chí, hết Thu qua Xuân sang Hè, còn đợi tàn Đông mới tin về”.

Thiếu phụ trẻ ở miền quê vẫn ngày đêm chờ mong tin chồng. Chồng đi mấy năm rồi, hết mùa Thu rồi qua mùa Xuân, lại qua mùa Hè, vẫn bặt vô âm tín. Cũng may là người vợ trẻ được biết tin chồng vào mùa Đông, mùa Giáng Sinh. Có còn hơn không!

Đoạn B là cao trào, cho biết lý do gia đình chia cách: “Đạn xé không trung, đêm từng đêm vẫn nghe, từng lớp trai đi, trong ngày mai vẫn đi”. Tiếp theo là một lời cầu nguyện ngắn gọn mà đầy ý nghĩa:“Đêm nay Người xuống đời, xin đem nguồn vui tới những đôi môi cằn cỗi lâu không cười”.

Lời cầu nguyện đầy tính nhân bản và bác ái Kitô giáo, tức là không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn cầu nguyện cho những người đang sống trong cảnh khổ của trần gian, những người đã lâu không biết cười, đến nỗi đôi môi hóa cằn cỗi. Thương làm sao!

Cuối cùng là lời cầu nguyện của người con: “Lạy Chúa, con còn lứa tuổi học sinh, vì cha là lính con thiết tha xin: An vui cho người đầu tuyến, trẻ thơ yên tâm sách đèn, để mẹ hiền con hết ưu phiền”.

Lời cầu nguyện đơn sơ của một thiếu niên xin ơn bình an cho mọi tầng lớp trong một gia đình: Cha, Mẹ, và Con cái. Chắc hẳn Chúa Giêsu Hài Đồng rất vui và ban ơn cho những tấm lòng thành như vậy.

Noel – Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

TRẦM THIÊN THU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét