Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Tôi muốn nên thánh

Tôi   muốn   nên   thánh
(Sun, 23/11/2014 -  Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)


 Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Đó là Ngài bảo chúng ta phải nên thánh, đồng thời cũng chỉ cho chúng ta biết bí quyết làm thánh.

Các thánh cũng là thụ tạo như chúng ta, sống bình thường như chúng ta, nhưng niềm tin vào Đức Kitô nơi các ngài rất mãnh liệt, được thể hiện qua việc chịu đau khổ về tinh thần và thể lý. Nhờ đó họ đã trở thành thánh nhân của Thiên Chúa ngay từ trần gian này.

Bạn có muốn nên thánh? Chắc chắn ai cũng trả lời: “Có. Rất muốn”. Nhưng mức độ trả lời còn tùy thuộc mỗi người. Điều đó được chứng tỏ qua cách sống của chính chúng ta.

Tôi phải thú thật rằng tôi thực sự có ý muốn nên thánh là nhờ ĐGH Phanxicô.

ĐGH Phanxicô có là một vị thánh? Chỉ có Thiên Chúa biết. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng ngài cũng thực sự muốn nên thánh. Từ khi ngài kế vị Thánh Phêrô, tôi trải nghiệm niềm khao khát sự thiện sâu sắc và ý thức việc tôi muốn làm thánh. Đây là 7 lý do tôi tin rằng ĐGH Phanxicô chính là “chất xúc tác nên thánh” đối với tôi:

1. Sự “ám ảnh” về Phúc Âm:  Sức mạnh cứu độ của Kitô giáo không đến từ sự lý luận mà từ sự gặp được tình yêu do chính Thiên Chúa đã mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Khi các phương tiện truyền thông phỏng vấn ĐGH Phanxicô về vấn đề luân lý của Giáo hội, họ đã bỏ lỡ quan điểm của ngài. Ánh sáng Chân lý và sức mạnh mà chúng ta theo chính là một tặng phẩm, không xuất phát từ nỗ lực của con người mà từ việc kết hiệp với Con Thiên Chúa, Đầng cư ngụ trong chúng ta. Tôi thấy rất dễ bỏ quên tặng phẩm đức tin và sa ngã vì cám dỗ về kiêu ngạo, nên tôi tự nhủ: “Nếu tôi nói rõ ràng về các giáo huấn của Giáo hội với mức độ đủ chính xác và khôn ngoan, họ sẽ phải tin”. Nhưng tôi nghe ĐGH Phanxicô nói về Tông Truyền, ngài nhắc tôi nhớ rằng đức tin của tôi chưa xứng đáng và và chưa đủ thuyết phục: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).

Sứ điệp của Phúc Âm không là cuộc tranh luận về triết học. Đó là một sự kiện, một cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời, Đấng hóa thành nhục thể, chịu đóng đinh và phục sinh. Nay Chúa Giêsu vẫn sống. Ngài chuyển động giữa chúng ta. Khi chúng ta nhận biết điều này, tội lỗi và sự chết sẽ không còn khả năng đối với chúng ta, và các giáo huấn luân lý của Giáo hội trở nên minh nhiên hơn.

Tông huấn “Evangelii Guadium” (Niềm Vui Tin Mừng) nói: “Chỉ nhờ cuộc gặp gỡ này với tình yêu của Thiên Chúa, làm phong phú mối quan hệ, chúng ta mới được giải thoát khỏi tính nhỏ nhen và ích kỷ của mình. Chúng ta trở nên con người trọn vẹn khi chúng ta trở nên con người hơn, khi chúng ta để Thiên Chúa đưa chúng ta vượt ra ngoài chúng ta để đạt được sự thật viên mãn nhất của chính mình. Ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng về mọi nỗ lực để tân Phúc Âm hóa. Nếu chúng ta tiếp nhận tình yêu để lấy lại ý nghĩa đối với cuộc sống, làm sao chúng ta lại không chia sẻ tình yêu đó với tha nhân chứ?” (số 8).

ĐGH Phanxicô đã truyền dẫn trong tôi cách tập trung mới về tình yêu Thiên Chúa được biểu hiện trong Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, và qua các giáo huấn khôn ngoan của ngài, từ trong sâu thẳm linh hồn, tôi nghe tiếng Chúa kêu gọi tôi bước vào huyền nhiệm của niềm vui Kitô giáo.

2. Đồng nhất với sứ vụ: Giáo lý định nghĩa Giáo hội là “bí tích về sứ vụ của Đức Kitô” (GLCG số 737-738). Là thành viên của bí tích này, ĐGH Phanxicô không phân biệt gì. Ngài thường nhận mình là “Con của Giáo hội”, và căn tính của ngài được nối kết với Nhiệm Thể Đức Kitô: “Sứ vụ làm người ở trong tim của mọi người không chỉ là một phần cuộc sống hoặc chiếc phù hiệu mà tôi có thể gỡ ra, đó không là một khoảnh khắc ‘ngoại hạng’ hoặc một khoảnh khác khác trong cuộc sống. Thay vì thế, đó là điều tôi không thể loại bỏ khỏi tôi mà không triệt tiêu chính mình. Tôi có sứ vụ trên thế gian này, đó là lý do tôi hiện hữu ở đây, trên thế gian này” (Tông huấn Evangelii Guadium, số 273).

Nếu đó không là sự tự ý thức của một thánh nhân, tôi không biết gọi là gì nữa. ĐGH Phanxicô mời gọi tôi dìm mình vào Đức Kitô. Ngài nhắc nhở tôi về sứ vụ của thánh nhân, và cả cuộc đời tôi phải đám chìm vào Ơn Cứu Độ đến với chúng ta qua Giáo hội.

Tông huấn “Evangelii Guadium” nói: “Chúng ta phải coi mình là người đã được đóng ấn tín, được gắn nhãn, bằng sứ vụ lan tỏa ánh sáng, trao phúc lành, làm sinh động, nâng đỡ, hàn gắn và giải thoát… Nhưng khi chúng ta tách công việc với đời sống riêng, mọi thứ trở nên u ám và chúng ta sẽ phải luôn tìm kiếm sự nhận thức hoặc đòi hỏi nhu cầu của chúng ta. Và chúng ta không còn là một dân tộc” (số 273).

Khi đọc điều này, tôi nhớ sứ vụ của tôi là sứ vụ của một thánh nhân, tôi cảm thấy được mời gọi làm cho sứ vụ này hiệp nhất trong mọi thứ tôi làm.

3. Tìm kiếm người nghèo: Có tin đồn rằng ĐGH Phanxicô, khi còn là Hồng y Tổng giám mục, đã lẻn ra ngoài vào ban đêm để đến với người nghèo, cùng ăn uống với họ, và cho họ biết họ được yêu thương. Chúng ta không chắc chắn về các hoạt động ban đêm của ngài từ khi làm giáo hoàng, nhưng điều này là thói quen của ngài khi còn là Hồng y, và chúng ta biết rằng ngài đã bổ nhiệm một vị ít có danh tiếng làm “Vatican Almoner” (Người phát chẩn của Tòa Thánh). TGM Konrad Kajewski (sinh 25-11-1963), người Ba Lan, được bổ nhiệm làm trưởng nghi lễ từ 1998 tới 2013. TGM Konrad Kajewski kể lại lời của ĐGH Phanxicô: “Hãy bán bàn ghế đi. Anh không cần đến nó”.

Năm 2014, Người Phát Chẩn của Tòa Thánh đã cho đi hơn 2 triệu euro. ĐGH Phanxicô dùng vị trí này để giảm tình trạng quan liệu trong Giáo triều và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người nghèo tại Rôma. ĐGH Phanxicô nói với TGM Konrad Kajewski: “Anh cần đi ra ngoài Vatican. Đừng đợi người ta đến gõ cửa. Anh cần đi ra ngoài tìm kiếm người nghèo”.

Điều này gợi hứng cho tôi như thế nào? Từ sâu thẳm trong tôi có điều gì đó không muốn tôi quan tâm những người nghèo, vì người nghèo luôn ở bên tôi (x. Mt 26:11). Bằng cách lặng lẽ nào đó, ĐGH Phanxicô nhắc tôi về những gì thực sự có ý nghĩa trên con đường nên thánh.

4. Bỏ đôi giày đỏ: Tôi yêu mến ĐGH Bênêđictô XVI, và tôi cũng thích đôi giày đỏ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ phản ứng cho tới khi ĐGH Phanxicô bỏ đôi giày đỏ. Khi ĐGH Bênêđictô XVI mang giày đỏ, đó là hành động khiêm nhường. Ngài quên mình vì Giáo hội. Đứng trên máu của các thánh tử đạo, ngài thề bảo vệ Đức Tin. Đôi giày đỏ là lời nhắc nhở ngài. Nhưng thế giới đã chế giễu và coi đó là sự chiến thắng mang tính tôn giáo (triumphalism).

Người ta cho rằng việc bỏ đôi giày đỏ của ĐGH Phanxicô là thể hiện sự khiêm nhường. Ngài có sứ vụ và không có thời gian giải thích sự phong phú của biểu tượng mà thế giới không muốn hiểu. Ngài khôn ngoan “khoác vào” một biểu tượng đồng nghĩa mà thế giới hiểu, bằng cách không mang giày đỏ. Phải công nhận rằng tình cảm có điều kiện của tôi sẵn sàng đón nhận các động thái của ngài. Có thể đó là sự yếu đuối của tôi, nhưng biện pháp mục vụ của ngài nhắc nhở tôi về ơn gọi khiêm nhường như Đức Kitô, thậm chí còn giúp tôi đánh giá đầy đủ về chính đôi giày đỏ.

Một vị thánh luôn sẵn sàng thể hiện chân lý của Đức Kitô bằng sự thích hợp về văn hóa. ĐGH Phanxicô thách thức tôi chú ý tới cách hiểu các hành động, và khiêm nhường điều chỉnh các nỗ lực của tôi.

5. Kết án tội lỗi: Như một người cha, ĐGH Phanxicô không muốn mất mặt khi ngài can đảm đề cao những đứa con tinh thần của ngài. Nếu bạn chưa đọc Tông huấn Evangelii Gaudium thì hãy đọc đi, và bạn sẽ không thất vọng. Chương hai (đặc biệt các đoạn 76-101) rất quan trọng đối với tôi. Nó làm cho tôi tự kết án các hành vi sai trái của mình và chân thành sám hối vì tội lỗi của tôi là người trong cộng đồng Kitô hữu. Tôi thấy mình tiếp tục “bị quở trách” bằng sự can đảm nhìn nhận tội lỗi để chấn chỉnh. Tông huấn này giúp tôi xét mình kỹ lưỡng hơn.

Đa số những điều ngài nói đều khiến lòng tôi “đau nhói”, nhưng điều đó làm cho tôi tỉnh ngộ. Ngài khuyên: “Tính trần tục tâm linh (spiritual wordliness) tiềm ẩn bên trong vẻ trắc ẩn và yêu mến Giáo hội… Một cách tinh vi tìm kiếm tư lợi… dựa trên vẻ tu dưỡng bề ngoài”. Đó chỉ là giả hình và ích kỷ, chỉ biết quan tâm chính mình theo kiểu Prômêthê (self-absorbed promethean neopalagianism). Họ chỉ tin vào khả năng của mình và cảm thấy nổi trội hơn người khác vì họ tuân theo một số quy luật nào đó. Cái gọi là giáo thuyết hoặc quy luật như vậy chỉ dẫn tới sự tự yêu mình, tự cho mình là ưu tú và độc đoán, thay vì truyền bá Tin Mừng. Họ chỉ trích người khác chứ không mở cửa ân sủng.

Tôi cảm thấy bị thúc giục bởi “tính trần tục xảo quyệt” này. Tôi thực sự nói về lĩnh vực tội lỗi của tôi. Tôi rất biết ơn về sự xét mình cần thiết mà ĐGH Phanxicô đã khuyến khích tôi vượt qua sự cám dỗ đó.

6. Hành động tốt lành: Theo dòng thời gian, ĐGH Phanxicô đã trở nên biểu tượng hữu hình của tình yêu Thiên Chúa. Ngài được coi là vị giáo hoàng của mọi người. Tôi không quan tâm các phương tiện truyền thông đời, nhưng khi báo Time chọn ngài là giáo hoàng bảo thủ và là người của năm (Person of the Year), tôi nhận thấy sự tốt lành của ngài là hiển nhiên. Ngài hôn chân các bệnh nhân, ngài ôm những người bị xã hội xa lánh và ruồng bỏ. Thế giới phải chú ý, và cũng là điều nhắc nhở tôi. Khi tôi thấy ngài âu yếm ôm một bệnh nhân u sợi thần kinh (NF – neurofibromatosis), sự thờ ơ lãnh đạm trong tôi tiêu tan. Đã bao lần tôi nhẫn tâm với những người dị dạng và không để cho tình yêu Thiên Chúa tuôn chảy qua hành động của tôi bằng sự dịu hiền và trắc ân. Bằng một cách rõ ràng không thể phủ nhân, ĐGH Phanxicô đã cho tôi thấy tình yêu như thế nào.

7. Tông Truyền và sứ vụ: Giáo hội có truyền thống về sự phát triển giáo lý và giáo huấn về luân lý, tôi biết ơn về điều đó. Tôi gặp gỡ Đức Kitô khi tôi mở rộng lòng mình với những gì tôi tin và với tha nhân. ĐGH Phanxicô đang thể hiện điều đó với phong cách riêng của ngài, duy nhất là tầm nhìn Đức Tin, tôi thấy mình bị thu hút vào trái tim của Giáo hội từng ngày. Lòng yêu mến Tông Truyền của tôi lớn lên, với ngọn lửa mới bùng cháy. ĐGH Phanxicô kêu gọi Tân Phúc Âm hóa, và trên hết, cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc sống Tin Mừng. Là giáo hoàng và là trưởng của Giáo hội hữu hình, ngài trao sứ vụ cho tôi rõ ràng qua sự đại diện của ngài. Giáo huấn của ngài, kể cả cách sống gương mẫu của ngài, đang đào tạo con người của tôi. Tôi tin rằng triều đại giáo hoàng của ngài là sự chọn lựa của Thiên Chúa, và là tặng phẩm dành cho thế giới hiện đại ngày nay, vì tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được mời gọi nên thánh như bây giờ.

ĐGH Gioan Phaolô II là một thi sĩ, một chiến sĩ, một triết gia và một thánh nhân. ĐGH danh dự Bênêđictô XVI là thần học gia lớn của thế kỷ XX. Còn ĐGH Phanxicô? Ngài không vụng về khi đến với triết học và thần học, nhưng ngài đang thực sự chứng tỏ là một mục tử. Tôi tin rằng các vị tiền nhiệm của ngài đã chuẩn bị con đường để vị chủ chăn thánh thiện này sẽ được các con chiên lạc bước theo. Vâng, và tôi tin tôi sẽ làm thánh!

Vấn đề là nhiều người trong chúng ta muốn nên thánh nhưng không sống thánh. Nhìn vào cuộc đời các thánh, chúng ta thấy luôn có sự đấu tranh.

     1. Con đường nên thánh không bao giờ rộng mở.
     2. Họ quyết chí nên thánh.
     3. Họ thay đổi thế giới.
     4. Mọi sự sẽ tốt đẹp.

Và họ đã chết trong niềm hạnh phúc, dù cuộc đời các ngài không suôn sẻ, luôn đầy chướng ngại vật. Theo tôi, đây là 7 con đường nên thánh của các thánh:

     1. Cha mẹ ngăn cản ơn gọi. Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas muốn làm tu sĩ Dòng Đa-minh, nhưng gia đình ngăn cấm, nhốt ngài 2 năm, thậm chí còn cho gái điếm tới cám dỗ, nhưng ý ngài không thay đổi. Thánh Phanxicô và Thánh Clara cũng có những chuyện liên quan việc gia đình cấm cản đi tu.

     2. Bị bề trên chống đối. Thánh Padre Piô (Piô năm Dấu) có khả năng đặc biệt khi giải tội và được Chúa in Năm Vết Thương. Nhưng ngài đã từng bị giáo hoàng cấm dâng lễ công khai hoặc giải tội. Thánh Philip Neri cũng bị các viên chức trong Giáo hội chống đối khi ngài đến với người nghèo.

     3. Bị người ta chống đối. Cuối đời Thánh Phanxicô Assisi, các tu sĩ đã tìm cách thay đổi mọi thứ mà ngài đã tạo nên. Thánh Teresa Avila bị các nữ tu ghen ghét vì bà cố gắng cải cách Dòng.

     4. Người hướng dẫn. Trong đời Thánh Bênêđictô, một số tu sĩ đã xin ngài làm Bề trên. Mặc dù ngài nói trước rằng cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn, các tu sĩ vẫn muốn ngài làm Bề trên, và ngài đã chấp nhận. Nhưng khi các tu sĩ không thích tu luật của Thánh Bênêđictô, họ đã tìm cách đầu độc ngài!

     5. Bị bệnh và chết trẻ.
 Chân phước Pier-Giorgio Frassati chết vì bệnh bại liệt (Polio, Poliomyelitis), Thánh Damian Moloki chết vì bệnh phong cùi, Thánh Têrêsa Hài Đồng và Thánh Faustina chết vì bệnh lao phổi.

     6. Tử đạo là con đường phổ biến. Thánh Teresa Bênêđicta Thánh Giá (Edith Stein), Thánh Gioan Arc, Thánh Maxamillian Kolbe, và Thánh Thomas More to name a few. Thánh Gioan Brebeuf đã chịu đau khổ tới cực điểm khi những người Mỹ gốc Ấn đã cắt ngón tay ngài để ngài không dâng lễ được nữa! Rồi ngài trở về Âu châu nhưng vẫn có thể dâng lễ. Rồi ngài lại đến Mỹ và trở thành một trong các thánh tử đạo lớn nhất trong lịch sử Giáo hội.

     7. Đau khổ tinh thần và thể lý. Mẹ Teresa Calcutta và việc giúp những người khốn cùng là tấm gương sáng về vấn đề này. Thánh Phaolô đã tổng kết các chướng ngại vật mà ngài phải đối mặt trong 1 Cr 11:24-28

Có thể có nhiều cách hơn, nhưng đó là 7 cách tôi phát hiện. Nếu chúng ta muốn làm thánh, chúng ta phải sẵn sàng chịu đau khổ. Thánh Phêrô nói với chúng ta: “Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em. Đừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác; mà nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó. Bởi lẽ thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa” (1 Pr 4:12-17). Đối với các Kitô hữu, đau khổ là điều bất thường, nhưng đau khổ làm gia tăng Đức Tin của chúng ta.

Đời sống Kitô hữu có thể tràn đầy niềm vui mà chúng ta có được bằng cách bước theo Đức Kitô, yêu thương tha nhân. Nhưng khi gặp đau khổ, chúng ta đừng ngạc nhiên là “tại sao điều đó lại xảy ra với mình”. Hãy coi đó là cơ hội tốt để bạn nên thánh.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com và Focus.org)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét