Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Món quà dâng Chúa Hài Đồng


Món  quà  dâng  Chúa  Hài  Đồng
(Sat, 06/12/2014 - Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)


 Trong các ca khúc giáng sinh có một số không là Thánh ca nhưng lời ca tương tự Thánh ca. Một trong số đó là ca khúc “The Little Drummer Boy” (Chú Bé Đánh Trống, L’Enfant au Tambour).

Ca khúc này được viết ở âm thể Trưởng, giai điệu đơn giản nhưng vẫn quyện vào nhịp 4/4 với tiết tấu rộn ràng. Bài hát chỉ là một đoạn nhạc, câu nhạc lại ngắn gọn, nhưng được lặp đi lặp lại. Sau mỗi câu ngắn đều có tiếng “gõ” theo nhịp trống: Pa-rum-pa-pum-pum (Pa rám păm pắm păm).

Ca khúc này được nhạc sĩ Harry Simeone sáng tác năm 1941, được nhóm The Trapp Family Singers thu âm năm 1955, phổ biến từ năm 1958 nhờ Ban hợp xướng Harry Simeone thu âm trong album “Sing We Know of Christmas”, và đã được dịch sang 7 ngôn ngữ. Sau đó, ca khúc này còn được Katherine Kennicott Davis và Henry Onorati thu âm, và rồi hai người này đòi quyền để tên chung với NS Harry Simeone (như chúng ta thấy ghi tên ba tác giả ở bản nhạc này).

Lời ca nói về một chú bé nghèo được các Đạo Sĩ mời đến hang Belem cùng thờ lạy Vương Nhi mới sinh, nhưng chú bé nghèo này không có quà dâng cho Hài Nhi Giêsu. Thế là chú bé xin được đánh trống để làm món quà dâng Chúa Hài Đồng. Được Đức Mẹ “gật đầu” đồng ý, chú bé đánh trống với cả tài sức mình có. Chú bé khua trống rộn ràng, tiếng trống âm vang. Mấy con bò và mấy con chiên (cừu) hòa tấu và giữ nhịp bằng cách gật gật và lắc lắc cái đầu. Nghe xong, Bé Giêsu đã mỉm cười với chú bé. Đó là ơn phước Chúa Hài Đồng dành cho chú bé nghèo đáng thương kia.

Chắc hẳn chú bé cũng cười toe toét, cười “hết cỡ thợ mộc”. Một đứa trẻ nghèo đâu dám mong gì hơn là được hưởng niềm hạnh phúc giản dị với tâm hồn đơn sơ và trong trắng. Món quà đơn sơ chỉ là một “bài khua trống”, nhưng đó lại là món quà Bé Giêsu rất thích nên mới mỉm cười với chú bé đánh trống.

Có thể vì gia cảnh nghèo hoặc mồ côi mà chú bé phải mưu sinh bằng nghề đánh trống. Chắc hẳn chú bé chẳng được ai dạy đánh trống, chỉ đánh mãi thành quen. Trăm hay không bằng tay quen, nghề lại dạy nghề thôi.

Ngay trong đêm Giáng Sinh, đêm hạnh phúc của những trẻ em có cha mẹ, đêm vui mừng của mọi người, đêm bình an của nhân loại, nhưng chú bé kia không được hưởng chút niềm vui đơn giản nhất của kiếp người, vì em còn phải tự mưu sinh. Nghèo không là tội nhưng là cái vạ của kiếp người, vì người nghèo luôn bị mọi người khinh miệt và xa lánh!

Thế giới văn minh ngày nay với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, những Công Tử Bạc Liêu vẫn “vô tư” ném tiền qua cửa sổ, những đại gia giàu sụ vẫn vung tay quá trán và sẵn sàng “rửa tiền”, thế nhưng có biết bao người phải cực khổ mưu sinh mà không đủ sống, đáng lưu tâm là có biết bao trẻ em đang phải làm những việc không phù hợp với lứa tuổi, không được đi học, thiếu tình thương gia đình. Những người có chức, có quyền (cả đời và đạo) vẫn hô hào ầm ĩ, nhưng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Chắc hẳn người Việt nào cũng thuộc lòng câu ca dao này:
 Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hoặc là:
 Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Còn Đức Kitô đã dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13:34; Ga 15:12). Ngài còn đòi buộc cao hơn: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:27-28).

Chúng ta nghe nhiều lần và đã thuộc ca dao hoặc Lời Chúa, nhưng vấn đề là có THỰC HÀNH hay không. Giữ đạo quá dễ, sống đạo mới khó, và sống đạo mới là thể hiện đức tin.

Chú bé nghèo kia không chỉ đánh trống mà còn “đánh thức” đức tin của chúng ta. Chúa Giêsu sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo, vậy tại sao chúng ta khinh ghét người nghèo? Chúa Hài Đồng không cần những của ngon vật lạ, những món quà giá trị vật chất, mà Ngài chỉ cần (và bắt buộc) chúng ta hành động như chú bé đánh trống. Đừng nói suông, đừng nghĩ rồi thôi, mà phải HÀNH ĐỘNG ngay trong Mùa Giáng Sinh này.

Lời Anh ngữ của ca khúc “The Little Drummer Boy” cũng ngắn gọn với ca từ đơn giản:
 Come, they told me (pa-rum-pa-pum-pum) – A newborn king to see (pa-rum-pa-pum-pum) – Our finest gifts we bring (pa-rum-pa-pum-pum) – To lay before the king (pa-rum-pa-pum-pum) – So, to honor Him (pa-rum-pa-pum-pum) – When we come.
Little baby (pa-rum-pa-pum-pum) – I am a poor boy too (pa-rum-pa-pum-pum) – I have no gifts to bring (pa-rum-pa-pum-pum) – That's fit to give a king (pa-rum-pa-pum-pum) – Shall I play for you(pa-rum-pa-pum-pum) – On my drum.
Mary nodded (pa-rum-pa-pum-pum) – The ox and lamb kept time (pa-rum-pa-pum-pum) – I played my drum for Him (pa-rum-pa-pum-pum) – I played my best for Him (pa-rum-pa-pum-pum) – Then, He smiled at me (pa-rum-pa-pum-pum) – Me and my drum.

Lời Việt ngữ do NS Phạm Duy soạn khá sát nghĩa với lời Anh ngữ:
Người ơi! Ðến nhé (pa rám pa pắm păm) – Ðể cùng coi Chúa giáng thế (pa rám pa pắm păm) – Quà tặng đâu, xin mang theo (pá rám pa păm pằm) – Qùy lạy bên chân Ngôi Cao (pa rám pa păm pằm – rám păm păm pùm, rám păm păm pằm) – Quà dâng tới Ðức Chúa (pa rám păm pắm păm) – Ơi người ơi người!

Hài nhi Giêsu (pa rám păm pắm păm) – Lạy Ngài! Con, bé đánh trống (pa rám păm pắm păm) – Nghèo nàn nên đôi tay không (pa rám păm păm pằm) – Vì lòng yêu thương Giêsu (pa rám pa păm pằm – rám păm păm pằm, rám păm păm pằm) – Ðể con đánh tiếng trống (pa rám păm pắm păm) – Con (ờ) dâng Người.

Mẹ Maria (pa rám pa pắm păm) – Gật đầu cho phép đánh trống (pa rám pa pắm păm) – Lòng thật vui, con khua vang (pa rám pa pắm păm) – Nhịp này đây con dâng lên (pa rám pa păm pằm – rám păm păm pằm, rám păm păm pằm) – Nhìn con đánh trống, Chúa (pa rám pa pắm păm) – Vui (là) vui cười.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét