Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

CÚM TÀU... LIỆU CÓ GIẦU TÂM CHÁNH

 

CÚM  TÀU... LIỆU  CÓ  GIẦU  TÂM  CHÁNH

Fri, 09/07/2021 - Lm Hương Quất

Tớ buộc phải đi thay đầu (cắt tóc)

Nói 'buộc', một phần tóc dài, lù xù, ngứa ngày, khó chịu

Phần 'buộc' hơn vì cái đầu, nếu nhìn kỹ có chút... nham nhở.

Chả là, có lần tìm được tiệm ưng ý, tớ vào cắt tóc

Em trai- chủ tiệm mới cầm tăng đơ ủi vài miếng thì...rụp cái, điện mất.

Thế là tớ ôm cái đầu có chút dở dang, nham nhở.

Cũng may, tuần này do cúm tàu, Tĩnh tâm Năm Linh mục không được quy về Nhà Tổ (Tòa Giám mục), tớ tự cắm phòng- Tĩnh Tâm, hạn chế tối đa đi, tiếp xúc... nên cái 'dang dở' chỉ riêng tớ biết (thêm Em trai cắt tóc nữa).

Kết thúc Tuần Tĩnh Tâm, tớ chạy đến tiệm cũ, đển Em trai hoàn tất công trình đã khởi công.

Thấy tiệm đang cắt tóc, lại thêm một khách đợi nữa...

Tớ ‘biến’ chỗ khác!

Tự dưng tớ nảy ý chạy vào các hẻm đường làng...

Gần Nhà thờ X. có tiệm cắt tóc nam, vắng khách...

Vì đang dịch cúm tàu, tớ và và Em trai cắt tóc, nghiêm túc thường trực miệng đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện tối đa.

Không chuyện trò khi cắt tóc lại hay... Tớ có thể lần được vài chuỗi Hạt, cầu nguyện cho cúm tàu mau qua.

Tớ lần được một chuỗi, ngừng!

Ngừng để trong im lặng, theo cảm giác, tớ 'nhìn' và cảm nhận từng đường dao cạo, kéo cắt...

Em trai có quy trình hơi lạ, hơi khác các tiệm cắt tóc khác: Lấy ráy tai trước sau đó mới cạo... râu kết thúc (thường tiệm cắt khác, khâu lấy ráy tai cuối cùng)

Nhìn chung Em trai làm kỹ, cẩn trọng từng đường húi tóc...

Nhìn chung Em trai có tay nghề, làm việc có trách nhiệm.

Tớ ưng ý cái đầu Em trai thay, cả cách lấy ráy tai tỷ mỉ.

Xong! ...

- Bao nhiêu Em trai?

- Chú cho con xin ba chục.

Tớ đưa em tờ năm chục ngàn Hồ tệ, bảo khỏi thối, tặng Em.

Có chăng, tớ xin mấy cây bông ngoáy tai.

Có lẽ Em trai bất ngờ trước ông khách 'chú' lạ, chơi sang...

Tớ có niềm vui nho nhỏ...

Nhất là đương lúc dich cúm Tàu lộng hành, làm ăn ế ẩm, khó khăn điêu đứng kinh tế bao người, làm nhiều nước điêu đứng, nhất là Việt nam.

Tớ nói điêu đứng nhất Việt Nam về mặt kinh tế, vì dường như là nước đầu tiên (và hiện chưa thấy nước 'đồng chí' thứ hai) công khai kêu gọi xin người Dân- từng người Dân đóng góp quỹ vắc xin, dẫu mới trước đó không lâu từng tự hào chống dịch tốt (mà tốt thật!) nhờ thể chế ưu việt; Cúm Tàu làm cả kinh tế thế giới liêu siêu nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng số dương, thuộc loại top thế giới; kinh hãi hơn lời  như thánh phán: ‘Mây đen bao phủ kín toàn cầu nhưng mặt tròi vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’

Cúm ‘bạn vàng’ quay lại tấn công đợt bốn, ác nghiệt hơn! …

Và nhờ Mặt Trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam thật nên lộ dần những chân tướng…

 Đâu chỉ nơi nơi tuyên truyền, mà ngay cả mỗi cước điện thoại cần gọi đã nghe điệp khúc xin ủng hộ quỹ vắc xin.

(Nhiều nước khác lấy ngân qũy mua Vắc xin, tiêm miễn phí... Đáng ghét nhất thằng ‘giẫy chết’ (Mỹ) còn đưa ra nhiều phần thưởng khuyến khích Dân đi tiêm, có Tiểu Bang hàng tuần còn chơi xổ số, với nhiều giải trúng thưởng, tính ra mỗi giải ôm cả nhiều tỷ Hồ tệ…).

Việc kêu gọi Dân chia sẻ giữa lúc khó khăn chung vai gánh vác cũng bình thường, chẳng có gì đáng nói (giá mà đừng huênh hoang thì… dễ thương hơn, đỡ gượng hơn!)

Chỉ mong đừng phụ Dân khi mua vắcxin  chuốc họa- Trung cộng, điều thực tế cho thấy còn hạn chế về chất lượng, đã có nước trả lại hoặc từ trối thẳng khi Trung cộng ngỏ ý tài trợ vắcxin.

Như lời bác Tổng tuyên bố: Mặt Trời vẫn đang chiếu rạng ở Việt Nam (!) và nhờ cúm tàu  không ít những gồ ghề, đen tối của ‘đỉnh cao trí tuệ’ phơi bụng…

Nếu cúm Tàu giúp 'đầy tớ' tỉnh ngộ trở về với Nhân Dân, biết Khiêm tốn, trân trọng Sự Thật, tôn trọng, can đảm thực hiện Nhân quyền chuẩn quốc tế theo Hiến Pháp, theo những cảm kết Nhân Quyền với quốc tế...

Thì đấy là cái Phúc trong đại họa cúm tàu!

Lm. Đaminh Hương Quất

"Sống Hết Mình Cho Ngày Hôm Nay"


"Sống  Hết  Mình  Cho  Ngày  Hôm  Nay"

Chủ nhật - 27/06/2021- tinvui.org


Ngày Mai Có Ra Sao Thì Hãy "Sống Hết Mình Cho Ngày Hôm Nay" Thôi!

Cuộc sống:

 Con người sinh ra đều mang những đặc điểm gần giống nhau, nhưng họ lại " trang bị" cho bản thân một thái độ sống khác nhau, vậy thái độ nào sẽ tạo nên thành công cho họ?

1. Quá khứ -Hiện tại- Tương lai.

  Quá khứ là những gì đã qua đi là của ngày hôm qua hay đơn giản là vừa xảy ra. Lắng nghe trái tim mình đập từng nhịp từng nhịp tích tắc trôi qua giống như quá khứ của bạn đang trôi vậy. Đến tận bây giờ, bạn đã đi được bao nhiêu quãng đường trong cuộc đời mình rồi, quãng đường càng dài thì quá khứ của bạn càng dài. Con người ai sinh ra mà chẳng có quá khứ, bởi quá khứ là điểm xuất phát cho hiện tại và tương lai. Nhắc đến quá khứ, nó như gợi cho ta cả một trời kí ức, kỉ niệm, những điều mà thiên thần ban tặng cho ta, dù là vui hay buồn thì nó vẫn luôn tạo ra những sắc thái khác nhau của con người, thường thì nó gợi cho ta cảm giác man mác nhớ nhung, cảm thấy may mắn,vui vẻ vì đã làm được điều mình mong muốn, thấy hối tiếc vì đã lỡ mất cái gì vừa qua. Tất cả những chi tiết ấy đã góp phần tạo nên, hình thành nên hai chữ :quá khứ. Bởi nó vốn dĩ là điều hiển nhiên trong cuộc sống, nó là điểm mốc, điểm xuất phát cho cuộc hành trình của chúng ta. Quá khứ là một phần khá quan trọng trong bộ não của bạn, góp phần tạo nên những mảnh kí ức, những khoảnh khắc đẹp nhất đi cùng chúng ta từ lúc sinh ra đến trưởng thành. Với mỗi người một khác, có thể họ có một quá khứ không suông sẻ êm đềm như bao người khác, nhưng có những người rất may mắn được sống trong sự bao bọc của người thân. Con người sinh ra họ thường hướng về quá khứ nhiều hơn, vì thế người không có quá khứ chẳng khác gì cái xác không hồn cả, nhưng chúng ta không vì thế mà lạm dụng chỉ biết sống trong quá khứ mà quên mất những gì đang xảy ra hằng ngày, quá khứ là nơi giúp bạn nhận ra những sai lầm mà mình đã từng mắc phải, những điều sai trái còn thiếu sót mà ta chưa làm được, để bạn rút ra kinh nghiệm chứ không phải là nơi để bạn "sống".

         Có lẽ bạn đã quên mất một điều rằng chúng ta đang sống trong hiện tại, đó là những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Bạn đang làm gì? Học sinh? Sinh viên? Hay đã đi làm? Cuộc sống của bạn đang diễn ra như thế nào? Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại không? Tôi có thể chắc chắn một điều rằng bạn đang hít thở, đang đọc bài" Ngày mai có ra sao thì hãy sống hết mình cho hiện tại thôi' của tôi .Chúng được gọi là hiện tại đấy bạn, là hành vi gọi là"sống". Hiện tại, nó đơn thuần chỉ tồn tại trong chốc lát, khi xảy ra rồi sẽ quy hồi thành quá khứ, còn những ước mơ bay xa, hoài bão mà bạn ấp ủ được mang tên là" tương lai', là những điều bí ẩn với "sẽ",dĩ nhiên là điều mình mong muốn nhưng tương lai của mỗi con người thế nào thì không ai có thể biết trước được. Tương lai - khác với quá khứ và hiện tại, bởi nó khiến bạn phải chờ đợi trong sự hồi hộp, là chuẩn đoán của bạn trong hiện tại rồi suy luận đến tương lai. Tương lai - là con đường mù mịt hay ánh sáng ban mai, thì chúng đều dựa trên cơ sở của hiện tại để phán đoán. Tương lai đặt ta vào thế bấp bênh, lo lắng, ép buộc ta phải đi lên từ hai bàn tay trắng, những gì bạn làm được, kết quả thế nào là tương lai mà bạn chọn.vào thế bấp bênh, lo lắng, ép buộc ta phải đi lên từ hai bàn tay trắng, những gì bạn làm được, kết quả thế nào là tương lai mà bạn chọn.

Quá khứ dù thế nào đi nữa dù tốt hay xấu ta cũng không thể thay đổi được. Chúng ta không nên buồn rầu tự ti vì những gì đã qua. Những gì xảy ra trong quá khứ rồi nó sẽ trở thành bài học đắt giá để ta rút kinh nghiệm ứng xử trong hiện tại, sống tốt trong hiện tại sẽ đem lại cho ta một tương lai  tươi sáng. Vậy nên" Ta không nên nuối tiếc quá khứ, cũng đừng chỉ biết mơ mộng trong tương lai. Nếu muốn xây dựng một cuộc sống bình yên và tốt đẹp, hãy bắt đầu từ giây phút này, ngay chính khoảnh khắc này. Quá khứ và tương lai là trợ lực cho ta, còn hiện tại chính là cuộc sống!"

2. Luôn tạo cho bản thân một lối sống tích cực.

 Trong mẩu kí ức của Dale Carnegie, bà Shields đã kể cho Dale về câu chuyện của mình.Có thể thấy quá khứ của bà là một trang mực đen, với bao tai họa ập đến. Năm 1937, người chồng yêu quý của bà đã qua đời. Mất hết tất cả, bà bắt đầu công việc mà trước đây đã từng làm. Luôn nhắn nhủ bản thân mình làm thật nhiều công việc có thể sẽ quên đi mẩu kí ức đau buồn đó.Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản như vậy, trước dòng đời nghiệt ngã, số phận ép bà tới cùng, từ là người đang có một cuộc sống hạnh phúc mà thoắt cái tất cả đã biến mất. Bà phải sống những nơi ổ chuột,tồi tệ,dạy học ở những vùng núi sâu xa, không đủ chi phí cho tiền ăn uống. Cái cảm giác cô đơn mệt mỏi khiến bà chẳng còn thiết tha cuộc sống này nữa. Qua vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, những suy nghĩ tiêu cực đã lấp đầy phần trống của bộ não, khi không giữ được lí trí cuối cùng, bà đã sợ hãi khi đối diện với chính mình, sợ tất cả mọi thứ xung quanh bản thân, nó bắt đầu trở thành cơn ác mộng xuất hiện trong cuộc sống của bà. Nhưng đến một ngày, bà tình cờ đọc được một bài báo, những điều mà tác giả đã viết. Và thật không ngờ rằng tờ báo đấy đã giúp bà thoát khỏi tâm trạng chán chường, tuyệt vời hơn là nó đã tiếp thêm nghị lực sống cho bà, chỉ bởi một câu nói đơn giản mà đến tận khi chết bà vẫn mãi biết ơn :" Đối với một người biết nhận thức các giá trị của cuộc sống  thì mỗi ngày luôn là cuộc sống mới." Điều mà bà nhận ra rằng, chấp nhận sống hết mình trong hiện tại không phải là điều khó khăn. Từng ngày một bà học cách quên đi quá khứ và không vội nghĩ đến tương lai. Mỗi buổi sáng thức dậy, bà tự nhắc nhở bản thân mình rằng" Hôm nay là cuộc sống mới." Rồi cuối cùng bà đã chiến thắng bản thân mình, bà đã thành công và rất hài lòng với cuộc sống ở hiện tại. Bởi trong bà luôn tràn đầy nhiệt huyết với tình yêu cuộc sống. Nói một cách đơn giản hơn bà luôn sống trong thái độ lạc quan, dẫu có bị cuộc đời đưa đẩy với bao sóng gió nhưng bà vẫn luôn lạc quan nhắn nhủ bản thân mình rằng"tất cả đều ổn" . Đó là chiến thắng lớn nhất, không phải là chiến thắng bất kì kẻ thù đang đối đầu với mình, mà là chiến thắng chính bản thân mình, vượt qua bản thân chính là điểm mốc đầu tiên để ta vươn lên trong cuộc sống.

       "Sống và nỗ lực hết mình trong từng khoảng khách ở thực tại sẽ trở thành đòn bẩy biến bạn trở nên phi thường của tương lai"

   Cuộc đời nó vốn dĩ ngắn lắm vậy nên hãy trân trọng những gì bạn đang có, hãy luôn giữ cho bản thân mình một tâm hồn tươi sáng như đóa hoa hướng dương luôn rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời, hãy luôn lạc quan yêu đời, dù cuộc sống có nhiều chông gai đến đâu đi nữa. Nhớ rằng, khi tâm hồn bạn mở rộng như một hồ nước thì những khó khăn gian khổ trong cuộc sống không làm mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với tâm hồn nhỏ như cốc nước, bạn sẽ tự biến cuộc sống của mình trở nên đắng chát và chẳng bao giờ thành công trong bất cứ việc gì.

3. Sống hết mình cho ngày hôm nay.

 Ai rồi cũng đôi lần đứng giữa ranh giới của sự nhạt nhẽo thường nhật. Cảm thấy mờ mịt về tương lai phía trước. Thâm chí không muốn bước chân ra ngoài khi nghĩ đến việc sẽ đi về đâu. Nhưng cuôc jsoongs là như vậy. Nếu không mạnh mẽ như một chiến binh, nếu không chọn HÔM NAY, chọn HẠNH PHÚC thì bạn sẽ mãi mãi dừng lại ở phía sau . Quá khứ - Hiện tại - Tương lai  vốn dĩ là quy luật hiển nhiên của đời người, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết mình ở đâu.

Tiếp tục với câu chuyện của Dale Carnegie viết, Edward S. Evans một con người không được may mắn, sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó, hằng ngày ông chỉ làm các việc vặt để đủ ăn qua ngày. Phải mất 8 năm, ông mới đủ can đảm để bắt đầu sự nghiệp của bản thân. Nhưng không may tai họa đã ập đến, khiến ông trắng tay, bao nhiêu công sức tích lũy mấy chục năm đã trở thành mây khói. Cú sốc đó khiến ông mất ngủ, mệt mỏi vì suy nghĩ lo lắng khiến ông ngày càng già yếu. Cuối cùng, bác sĩ nói rằng ông chỉ sống tuần nữa. Quá bàng hoàng, ông đã dành hết những thời gian còn lại để viết những gì còn lại cuối đời rồi phó mặc tất cả,để tâm hồn thư thái và đi ngủ, chờ đợi ngày trút hơi thở cuối cùng. Nhưng phép màu xảy ra khiến chính ông cũng không ngờ đến, chính bản thân ông cứu vớt những gì còn thiếu sót. Sau 2 tuần ngủ liên liên, ông đã nghĩ thông suốt và bắt đầu lại cuộc sống mới. Mỗi năm ông chỉ đơn giản cố gắng kiếm được 20.000 đola nhưng giờ đây ông thực sự hài lòng với công việc 30.000 đola trong 1 tuần. Điều quan trọng là ông đã học được một bài học từ chính bản thân ông "Tôi đã không còn lo lắng, không còn hối tiếc vì những gì đã xảy ra, không còn e sợ tương lai. Tôi dồn toàn bộ thời gian, sức lực và nhiệt huyết vào hiện tại.

   Thực ra "Bạn đã quá để tâm đến thế giới bên ngoài mà quên mất đi ý nghĩa thực của cuộc sống. Điều mà bạn cần làm chính là trân trọng những giây phút bình dị nhất từ hôm nay, nếu có cố gắng đều gì đó, hãy cố gắng từng giây phút này. Đừng để đến khi bạn không còn có mặt trên cõi đời này nữa, khi bạn không thể ăn uống đi lại, bạn mới thấy nuối tiếc."Hối hận' luôn là thứ cảm xúc đáng ghét nhất".

 Sống là phải biết mình là ai, đang ở đâu,đang làm gì trong hiện tại. Nhớ rằng, quá khứ là nơi cất giữ kí ức của bản thân, là cột mốc vững chắc tạo nên hiện tại, còn tương lai bí ẩn sẽ phụ thuộc vào"thái độ" của hiện tại, là"kho báu" bí mật mà bạn cần khám phá. Vì thế, hãy chôn cất quá khứ, không nghĩ đến tương lai, hãy nỗ lực hết mình sống cho hiện tại thôi. Bởi thời gian sẽ không chờ đợi bất kì một ai cả, nếu bạn không nỗ lực phấn đấu trong hiện tại thì sẽ không có cái gọi là "tương lai" đâu. Đừng để đến già mới nhận ra, đó sẽ là sự hối tiếc lớn nhất của đời người.

       "Hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay!

        Vì đó chính là cuộc sống, cuộc sống thực sự

        Một ngày - Ôi thời gian ngắn ngủi!

        Chứa chan mọi điều sự thật đời ta

            Niềm vui trưởng thành

             Sự hãnh diện khi hành động

             Nét rực rỡ của dung nhan

           Quá khứ chỉ là một giấc mơ

           Và tương lai là một viễn ảnh

           Sống hết mình trong hiện tại là làm đẹp mỗi ngày qua

          Và biến mỗi ngày mai thành ngày chứa chan hy vọng.

Nguồn tin: Internet

LINH ĐỘNG TRONG ƠN KHÔN NGOAN CỦA CHÚA THÁNH THẦN


LINH  ĐỘNG  TRONG  ƠN  KHÔN  NGOAN  CỦA  CHÚA  THÁNH  THẦN

Thứ sáu - 18/06/2021 - ĐGMGB. Bùi Tuần


1.

Tình hình lúc này là rất phức tạp. Tình hình càng phức tạp, thì sống đạo càng cần phải biết linh động, trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Đức Mẹ đang dạy tôi điều đó.

Cụ thể là thế này.

2.

Vì không thể đến nhà thờ để tham dự thánh lễ được, vì nguy cơ bệnh dịch lây lan, thì:

Chính cuộc sống của mỗi tín hữu hãy là thánh lễ. Cuộc đời trở thành thánh lễ thế nào, thì Chúa Thánh Thần sẽ ban ơn khôn ngoan để thực hiện.

 3.

Ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho từng tín hữu biết linh động, tùy nơi, tùy lúc, tùy cách, để cuộc sống của mình vừa trở thành thánh lễ, vừa có sức làm chứng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ giàu lòng thương xót.

 4.

Linh động trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, đó là khát vọng, mà tôi đang thấy lan tỏa tại Việt Nam hôm nay, trong mọi tầng lớp cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là nơi các người có trách nhiệm đứng đầu.

 5.

Một trong những hình thức sống linh động trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần là tinh thần cầu nguyện.

6.

Tôi thực sự rất cảm động, khi thấy cầu nguyện tại Việt Nam lúc này đang trở thành một hiện tượng lan tỏa vừa bề rộng, vừa bề sâu, hầu như khắp mọi tấm lòng tốt trên đất nước Việt Nam hôm nay.

Mọi tôn giáo đều cầu nguyện.

Mọi tín ngưỡng đều cầu nguyện.

 7.

Cầu nguyện đang được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cầu nguyện có tổ chức.

Cầu nguyện một cách tự phát, hồn nhiên.

 8.

Có thể nói, mọi người Việt Nam trên đất nước Việt Nam hôm nay đều là những con người cầu nguyện.

 9.

Nhờ vậy, mà hầu hết mọi người Việt Nam lúc này đang khám phá thấy con đường cứu độ thực chất và bền vững là niềm tin vào một Đấng thiêng liêng.

 10.

Niềm tin đó rất linh động một cách khôn ngoan.

11.

Nhờ vậy, lương tâm mỗi người sẽ nhận ra điều gì là thiện, điều gì là ác, một cách đơn sơ, mà tôi gọi là trực cảm, trực giác lành mạnh.

12.

Đúng là như vậy. Lúc này, ngay chính tôi cũng quá mệt mỏi, nên không ưa những gì là lý luận, mà chỉ thích những gì là trực cảm.

13.

Một bài thánh ca có nhạc hay, có Lời Chúa, cho dù vắn, vẫn làm cho tôi dễ nâng hồn lên với Chúa.

Trái với một bài giảng mà vừa nặng về lý luận, vừa dài dòng, áp đặt.

 14.

Rất nhiều trường hợp, chỉ một cử chỉ đơn sơ mà lại có sức đánh động lương tâm, hơn cả một ngày thuyết trình, nhồi nhét hết lý luận này đến lý luận khác.

 15.

Nếu không khôn ngoan, nhiều hoạt động tôn giáo sẽ phản tác động. Thay vì lôi kéo được người ta, thì lại làm cho người ta chán ngán.

 16.

Linh động, trong ơn khôn khoan của Chúa Thánh Thần, đó là điều chúng ta cầu chúc cho nhau.

17.

Riêng tôi, lúc này nhìn lại đời mình, tôi thấy rất rõ: Chúa đã cứu tôi một cách linh động, trong ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.

Ngày nào, giờ nào, Chúa cũng cứu tôi khỏi bỏ Chúa, mà theo ác quỷ.

Cách Chúa cứu thì linh động, lúc cách này, lúc cách khác.

Có lúc, nhờ một thành công, mà tôi trở về với Chúa. Có lúc tôi lại trở về nhờ một đau khổ, một thất bại.

18.

Điều, mà tôi được Đức Mẹ luôn nhắc bảo, đó là hãy cầu nguyện và tỉnh thức.

Nhất là lúc này đầy giông bão, cầu nguyện và tỉnh thức phải là bầu khí thiêng liêng bao trùm lấy toàn thể hồn xác những môn đệ Chúa.

19.

Nhưng, phải biết cầu nguyện và tỉnh thức. Mà đó là những việc không dễ chút nào. Đức Mẹ sẵn sàng giúp chúng ta. Hãy cậy tin ở Mẹ. Hãy sống bé nhỏ với Mẹ.

Long Xuyên, ngày 15.6.2021

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

NGOẠI TÌNH CÓ THỂ THA NHƯNG KHÓ QUÊN!

 

NGOẠI  TÌNH  CÓ  THỂ  THA  NHƯNG  KHÓ  QUÊN!

Thu, 15/07/2021- Trần Mỹ Duyệt

Rất khó để có một thống kê chính xác về ngoại tình. Tuy nhiên, con số đàn ông ngoại tình nhiều hơn so với con số đàn bà ngoại tình. Tính chung, có khoảng 15-20% những người đã có gia đình ngoại tình.

Một khảo cứu khác cũng cho thấy trong số những người ngoại tình, có đến 350% cơ hội sẽ ngoại tình trở lại. Không phải chỉ tuổi trẻ, những người ngoại tình bao gồm ở tuổi 50 và 60. Phần lớn họ đã sống trong đời sống hôn nhân từ 20 đến 30 năm.   [1]

Hậu quả của ngoại tình dĩ nhiên là tồi tệ, vì nó phá hoại hạnh phúc hôn nhân, gia đình, và tương lai con cái. Nhưng câu hỏi ở đây là trong những trường hợp lỡ lầm, gạo thổi thành cơm, hay ván đã đóng thuyền, có nghĩa là chuyện ngoại tình đã xảy ra rồi thì phải làm gì để cứu vãn, để sửa sai?

Câu trả lời trong hướng tích cực vẫn là tội gì thì cũng có thể tha, cũng có thể chừa miễn sao người phạm tội biết nhận ra tội của mình, nói lời xin lỗi, và quyết tâm chừa lỗi. Một lý do phụ thuộc khác nhưng cũng rất quan trọng, đó là nạn nhân trong những trường hợp này có sẵn sàng tha thứ hay không?

BA CÁI LĂNG NHĂNG 

Trong tứ đổ tường là cờ bạc, rượu chè, trai gái, và nghiện hút tất cả đều khó bỏ, khó chừa một khi nó đã thành thói quen, thành nghiện. Theo tâm lý thì không ai nhận mình là say sưa, cũng như chẳng ai cho mình là đam mê bài bạc hoặc thuốc xái. Những câu trả lời chống chế như: vui thôi mà, đánh vài ván cho vui thôi, ăn thua gì... Nghiện hút và trăng hoa gái gú cũng vậy, hút điếu thuốc cho ấm lòng, đỡ nhạt miệng, hay đỡ căng thẳng. Hoặc chút tình cảm hương hoa để đời bớt tẻ nhạt, cho có chút bóng mát giữa trưa hè nóng bức của sa mạc cuộc đời... Tất cả là đẹp, là dễ thương, là hấp dẫn ở bước đầu, nhưng một khi đã đi sâu, đã rơi vào tình trạng nghiện rồi, việc từ bỏ những thứ đó không hề dễ. Nó lệ thuộc rất nhiều yếu tố: Yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Yếu tố tâm lý, tâm linh, và xã hội.  

Với kinh nghiệm của một người ăn chơi đã được văn chương hóa đó là Tú Xương, ông đã thành thật với chính những đam mê của mình:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,

Chừa được thứ nào hay thứ nấy,

Có chăng chừa rượu với chừa trà.” [2]

Nói một cách rõ ràng là chuyện gái gú, trăng hoa là chuyện khó chừa nhất.

 CẦN MỘT LÝ DO

Khi đã để mình vướng vào bất cứ tệ nạn xã hội nào thì việc chừa bỏ luôn luôn là khó. Nói là khó chứ không phải là không thể. Một số bạn hữu tôi quen biết đã bỏ rồi lại không bỏ hút thuốc. Một số khác đã chừa nhưng lại uống rượu lại. Và một số vướng vào chuyện tình cảm thì cũng đã chừa nhưng lại không chừa được.

Trong thực tế, dù chừa hay chừa rồi lại quay trở lại, hoặc chừa, bỏ dứt khoát tất cả đều cần một lý do. Cái khó khăn trong việc sửa một khuyết điểm, một lỗi lầm là người phạm lỗi bằng một hình thức nào đó nhận ra cái lỗi hay khuyết điểm của mình. Tiếp đến là dám mạnh dạn nói lời xin lỗi. Làm được như vậy đã kể như đi được một nửa con đường hoàn thiện. 

Khi nói về việc nhận ra những lỗi lầm hoặc đam mê cần sửa là bước đầu của nhận thức, tôi nhớ lại câu truyện của một người. Anh là một người uống rượu mạnh. Thời trai trẻ, tửu lượng của anh được cho là không có đối thủ. Nhưng rồi sau khi miền Nam Việt Nam bị sụp đổ, mang kiếp tha hương, trong một phút của bản năng trổi dậy, trong lúc đang lái xe anh thèm một ly bia hay một ly rượu. Và anh dừng lại ở một quán bên đường mua một loon bia để tạm giãn cơn khát, đè nén sức kháng cự của nồng độ rượu. Nhưng chợt nghĩ lại, anh thấy bạn bè mình đứa còn, đứa mất, đứa đi tù trong các trại cải tạo không có ngày về. Bỗng quá khứ hiện về và lòng anh thổn thức. Anh tự nhủ: “Còn mình, mang kiếp tha hương nơi đất lạ, xứ người vui gì mà uống.” Thế rồi anh quăng loon bia vào thùng rác và từ đó đến nay anh không bao giờ đụng đến rượu, bia. Có một lần trong lúc bạn bè trên bàn ăn hỏi anh sao không uống chút cho vui, và anh đã trả lời: “Sợ bệnh cũ tái phát!”. Câu trả lời của anh cùng với quyết tâm chừa rượu của anh là một bài học rất quí giá. Theo tôi, cái giá anh phải trả không chỉ là tình cảm mà còn cả lý trí và ý chí. Bởi vì chừa rượu, chừa trà, chừa thuốc, ngay cả chừa thói trăng hoa tuy dễ, nhưng bỏ được dứt khoát là một nỗ lực đòi hỏi nhiều cố gắng. Tôi phục anh!    

Nhưng tiến trình còn lại của một nửa chặng đường phía trước, đặc biệt đối với trường hợp ngoại tình, là nạn nhân hay người phối ngẫu cũng phải biết giơ tay ra nâng đỡ người trở về với sự tha thứ và khích lệ.

 CẦN MỘT BÀN TAY

Trở lại vấn đề của người trở về, tuy khó nhưng theo tâm lý và trong thực hành việc duy trì được tình cảm, được quyết tâm cũng phải cần một bàn tay đưa ra, một sự nâng đỡ, và khích lệ. Trường hợp ngoại tình, bàn tay ấy chính là bàn tay của người vợ hay người chồng. Chính bàn tay này sẽ nâng dậy bước chân sa ngã, và làm vững lòng người muốn quay trở về đường chính.

Nếu một người ngoại tình đã thật tâm muốn quay trở về nhưng không được sự thông cảm, tha thứ của người phối ngẫu thì việc họ quay trở lại đường cũ là chuyện đương nhiên. Trong số những người ngoại tình, có đến 350%  cơ hội sẽ ngoại tình trở lại. Sự thiếu thông cảm, nâng đỡ và tha thứ của người phối ngẫu phải chăng cũng ở trong số những cơ hội này. 

CẦN SỰ THA THỨ

Hành động tha thứ của người phối ngẫu ở một khía cạnh nào đó, xét về lý thuyết cũng tương đương với hành động đứng dậy và quay trở về của người ngoại tình. Vì trong trường hợp ngoại tình, người phối ngẫu cũng bị xúc phạm và tổn thương.

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. [3]

Làm lẽ hay làm chánh trong chế độ đa thê luôn luôn là một đề tài tâm lý trong hôn nhân của người phụ nữ trong nền văn hóa nước ta trước đây. Không phụ nữ nào cam phận làm cái bóng của người khác trong hôn nhân. Cũng không ai cam tâm để tình yêu của mình bị lợi dụng, bị chia sẻ. Bởi đó, trong trường hợp ngoại tình, nếu việc trở về của người ngoại tình khó một, thì việc chấp nhận và tha thứ khó hơn gấp nhiều lần. Vì theo tâm lý, hình ảnh người chồng, người vợ ngoại tình là hình ảnh mà không dễ dàng quên được. Nó càng trở nên thách đố hơn, nếu thời gian và hoàn cảnh ngoại tình đã để lại những vết thương lòng trầm trọng.

Do đó, chỉ có thể nói được rằng vì tình yêu mới có thể bỏ qua một lỗi lầm như vậy. Một lỗi lầm gây tổn thương về danh dự, về tình cảm, về tâm lý, đôi khi về tài chính nữa. Và đó cũng là lý do tại sao ngoại tình là tội có thể tha, nghĩa là nó có thể được tha tùy vào mức độ hối cải và tùy vào tình yêu của người phối ngẫu. Tuy nhiên theo tâm lý, người phụ nữ tha nhưng khó quên.

THA NHƯNG KHÓ QUÊN

“Tha nhưng khó quên” hay đúng ra phải nói “tha nhưng không quên” là một tâm lý sống của người phụ nữ. Điều này có thể kiểm chứng được qua những giao tế và cách sống thường ngày. Và nó cũng là một điều nhắc nhở cho những đàn ông trăng hoa phải nghĩ lại trước khi lao vào những cái mà làm cho vợ hay người yêu của mình “khó tha thứ” hoặc  “không tha thứ” cho mình.

Nhưng đó cũng là điều nhắc cho các chị em phụ nữ rằng nếu như không may có người chồng mang thói trăng hoa, ngoại tình. Tự bản chất, nếu hành động ngoại tình khiến chị em đau khổ, khó tha thứ, thì cũng nên nghĩ lại vì tình yêu, vì hạnh phúc gia đình, vì hạnh phúc và tương lai con cái để nhịn nhục và tha thứ. Tâm lý của những người sau khi phạm sai lầm nhưng thành tâm muốn ăn năn trở lại là mặc cảm tự ty. Họ rất sợ khi nghe nhắc lại quá khứ, đặc biệt, với thái độ hoài nghi và dằn vặt. 

Sẽ có người nêu lên câu hỏi: “Làm sao tha khi những hình ảnh ấy luôn luôn quanh quẩn trong đầu tôi? Hoặc chính tôi đã tha nhưng xem như người ấy không thật tâm đối với sự tha thứ của tôi?

Câu trả lời là, một vết cắt luôn để lại một cái sẹo. Muốn hay không muốn cái sẹo ấy vẫn là hình ảnh nhắc nhớ về một quá khứ. Nhưng không lẽ chúng ta cứ mãi phải sống với quá khứ đó. Hãy mở lòng mình với sự tha thứ để tâm hồn được bình an, và để đời sống có ý nghĩa, “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. [4] Và mỗi lần tha như vậy là ta làm cho tình yêu mình trở thành lớn lao, lòng người trở về được nhẹ nhàng, và hạnh phúc sẽ đong đầy con tim của các bạn.   

___________

Nguồn:

1.

Infidelity Statistics on Men, Women, and Relationships ...

https://divorce.lovetoknow.com › Divorce › About Divorce

2. Ba Cái Lăng Nhăng. Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hoá - Thông tin, 1998

3. Lấy Chồng Chung. Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008

4.Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô

TÌNH THƯƠNG VÀ THA THỨ CỦA CHÚA...

 

TÌNH  THƯƠNG  VÀ  THA  THỨ  CỦA  CHÚA  CÓ  TỰ  ĐỘNG  ĐẾN  VỚI  CON  NGƯỜI  MÀ  KHÔNG  CẦN  AI  MUỐN  ĐÓN  NHẬN  HAY  KHÔNG?

Hỏi: xin cha giải thích rõ về điều kiện để được hưởng lòng  Chúa thương xót, và tha thứ .

Trả lời:

Thiên Chúa là tình yêu và giầu lòng thương xót, nên đã tạo dựng  và cứu chuộc con người nhờ Chúa Giê su-Kitô, Đấng  cũng vì thương xót  nhân loại  mà đã vui lòng đến trần gian làm CON NGƯỜI để hy sinh “ mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20:28).

Trong thời Cựu Ước, khi hiện ra với ông Mô-sê từ trên đám mây, Thiên Chúa đã phán bảo ông như sau:

 “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận; giầu lòng nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ…” ( Xh 34: 5-7)

LỜI Chúa trên đây đủ minh chứng Người là Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương xót. thứ tha  vô biên.

Đó là chân lý chúng ta phải nắm chắc mỗi khi suy niệm hay nghĩ đến Chúa trong tâm tình biết ơn và suy tôn tình thương và lòng thương xót của Chúa. Phải ca tụng và biết ơn Chúa vì Chúa  tạo dựng và cứu chuộc con người tuyệt dối không vì lợi ích nào của riêng Người, mà hoàn toàn chỉ vỉ yêu thương và muốn chia sẻ hạnh phúc của mình  cho mọi con cái loài người mà thôi.

Do đó, đừng ai nghĩ sai lầm là Thiên Chúa có lợi gì mà phải   tạo dựng và cứu chuộc con người, đến nỗi đã hy sinh chính Con Một của mình là Chúa Giê-su-Kitô  chết đau thương trên thập giá cách nay trên 2000 năm để cho con người có hy vọng được cứu độ và sống hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Phải nói là có hy vọng thôi chứ chưa bảo đảm 100% ngay từ bây giờ, không  phải vì Chúa Cha không thương yêu đủ hay công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô còn thiếu , mà vì con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa đã ban và  luôn tôn trọng cho con người sử dụng, để hoặc   muốn  chọn Chúa  và sống theo đường lối của Chúa để hưởng công nghiệp cứu chuộc  của Chúa Kiô, hay từ khước  Chúa để chọn con đường nào khác theo ý muốn riêng  mình, khiến công nghiệp cứu chuộc vô giá  của Chúa Kitô  trở nên vô ích cho người đó.

Thật vây, Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng thương xót.Nhưng Người không bắt buộc ai phải yêu mến Người để hưởng tình thương và lòng thương xót đó.Chúa chỉ mời gọi  để tùy con người đáp trả mà thôi.

 Dụ ngôn về tiệc cưới trong Tin Mừng Thánh Matthêu (Mt 22: 1-10)  và Thánh Luca ( Lc 14: 15- 21) đã chứng minh điều này. Hạnh phúc  Nước Trời ví như  tiệc cưới mà ông vua kia mở ra để mời khách đến dự nhân ngày thành hôn của con mình. Nhưng các khách được mời đều lấy cớ này hay lý do nọ để khước từ lời mời đó, khiến  nhà vua phải sai gia nhân ra  mời hết mọi người ngoài đường phố vào dự cho đầy nhà . Những khách chính thức được mời mà từ chối không đến chính là những  người đã và đang từ chối không muốn yêu Chúa và sống theo đường lối của Người, như Chúa đòi hỏi  để được chúc phúc.

 Thật vậy, Thiên Chúa, “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm  2: 4).Nhưng con người phải có thiện chí muốn lãnh nhận ơn  cứu độ  đó bằng quyết tâm qui hướng đời mình vào Chúa để sống theo đường lối của Người hầu xứng đáng được hưởng công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, Đấng đã hy sinh mạng sống mình trên thập giá để đền tội thay cho cả loài người để  ai cũng được vui hưởng tình yêu và ơn cứu độ đó, . Nhưng thực tế cho thấy là có biết bao người đã và đang khước từ lời mời của Chúa,  vì quá yêu thế gian và những thực tại chóng qua ở đời này như tiền của ,vui thú bất chính  và danh vọng  phù phiếm.

Họ quá gắn bó với những thực tế hư hão chóng qua của trần gian đến nỗi không thể nâng lòng lên tới Chúa và ao ước  những giầu sang phú quí và  vui thú của Nước Trời nơi “ trộm cắp không bén bảng, mối mọt cũng không đục phá.” (Lc 12: 33) 

Thiên Chúa không bắt buộc ai phải nhận tình yêu và lòng thương xót của Người.

Chúa chỉ mời gọi và tùy con người đáp trả mà thôi. Do đó, nếu ai từ khước Chúa để sống theo thế gian, làm nô lệ cho ma quỷ,và làm những sự dữ,   thì Chúa không can thiệp để ngăn cấm, nhưng con người phải chịu mọi hậu quả của việc mình chọn lựa . Và đó là lý do phải có Thiên Đàng  để dành cho những  người quyết tâm  yêu mến Chúa  và sống theo đường lối của Người trong suốt cuộc sống cho đến khi nhắm mắt lìa đời .. Ngược lại, phải có  hỏa ngục là nơi dành cho những ai đã hoàn toàn khước từ  Chúa  để sống theo thề gian, đầu hàng ma quỷ     làm những sự dữ như oán thù, giết người, giết thai nhi, gian tham , trộm cướp, bóc lột , vô nhân đạo, tôn thờ  tiền của, ham chuộng khoái lạc ( hedonism) dâm ô thác loạn, buôn  bán  phụ nữa và trẻ em để bán cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn,  thay chồng đổi vợ, tiếp tay với thế quyền để bóc lột, hà hiếp người dân lành thấp cổ bé miệng, và dửng dưng trước sự nghèo đói, bệnh tật và  mọi bất công xã hội.

Nếu những người này không mau kíp ăn năn sám hối để từ bỏ con đường tội lỗi đang đi, thì họ không thể hưởng được  tình yêu và lòng thương xót (love and mercy) của Chúa cùng với công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng với các Thánh và các Thiên Thần đang  thờ lậy, ngợi khen và vui hưởng Thánh Nhan Chúa, là Cha cực tốt cực lành.

Như thế  có nghĩa là tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha cùng với công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô không tự động ban phát cho ai  mà không đòi hỏi sự cộng tác của người đó qua quyết tâm sống theo đường lối của Chúa và bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường, là Sư Thật và là sự sống.” (Ga 14;6).

Tinh thương của Chúa Cha và công nhiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được tạm vì như giòng suổi nước kia chảy liên lỉ đêm ngày. Nhưng  ai  nằm bên dòng suối đỏ phải cúi  mình xuống để  múc nước lên mà uống cho khỏi chết khát, vì  giòng  nước kia  không có chức năng tự động nhảy lên bờ để chậy  vào miệng ai cả.Nghĩa là  nếu không tự cúi mình xuống để múc nước lên mà uống , thì  người nằm bên bờ suối vẫn chết khát như thường.

Cũng vậy, về mặt thiêng liêng,  nếu không cộng tác với ơn Chúa để sống theo đường lối của Chúa là đường dẫn đến hạnh phúc Nước Trời, thì Chúa không thể cứu ai được, vì Người còn phải tôn trọng ý muốn tự do ( free will)  của con người.

Nói rõ hơn, muốn hưởng tinh thương và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, thì phải có thiện chí muốn từ bó tội lỗi, phải ăn năn sám hối để xin Chúa thứ tha mọi tội mình đã phạm vì yếu đuối con người. Chúa rộng lòng tha thứ nếu con người thực tâm sám hối như  Chúa Giêsu đã nói với bọn biệt phái xưa kia, khi họ đến hỏi Chúa xem có phải mấy người bị Tổng Trấn Phi-la-Tô giết chết cùng với 18 người khác bị thác Si-lô-a đổ xuống đè chết,  là những người tội lỗi hơn người khác hay không,

Chúa đã trả lời họ như sau:

“Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông  cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13: 3).

Như thế rõ ràng cho thấy là Chúa cần thiện chí của con người muốn được thương xót và cứu độ thể hiện qua quyết tâm xa tránh tội lỗi, vì chỉ có tội mới ngăn cản con người đến với Chúa để được thương xót và cứu độ. Chúa yêu thương kẻ có tội: đúng. Nhưng yêu thương để lôi kéo kẻ có tội ra khỏi con đường hư mất, chứ không yêu thương để dung dưỡng, nuông chiều kẻ có tội để  họ  cứ sống trong tội rồi  nại lòng thương xót của Chúa để không ăn năn chừa bỏ.

Nếu họ cứ sống như vậy, thì lòng thương xót của Chúa Cha và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô sẽ không ích gì cho họ, vì họ đã lợi dụng lòng thương xót và công nghiệp ấy để cứ làm sự dữ, sự tội  mà không biết ăn năn chừa bỏ. Phải có thiện chí muốn cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa và quyết tâm từ bỏ tội lỗi thì mới xứng đáng được hưởng lòng khoan dung tha thứ của Chúa.

Xưa Chúa Giê su đã đối xử khoan dung với một phụ nữ phạm tội ngọai tình mà  bọn biệt phái kia  đã  dẫn  chị đến  để xin Chúa cho ném đá theo luật Mô-sê.  Nhưng Chúa đã  không lên án chị này như bọn biệt phái giả hình  kia đòi hỏi , và  đã nói với chị ấy như sau:

“Tôi cũng không lên án chị đâu.Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8: 11)

Tại sao Chúa không nói: chị cứ về đi , và nếu có phạm tội thêm  lần nào nữa,  thì lại đến tôi tha cho ? Ngược lại Chúa nói rõ là  từ nay đừng phạm tội nữa.

Đó cũng là điều Chúa  nói với tất cả mọi người chúng ta  ngày nay đang sống đức tin trong Giáo Hội, giữa bao khó khăn thử thách đến từ thế gian vô luân vô đạo  với đầy rẫy gương xấu và dịp tội,  nhất là đến từ ma quỷ mà Thánh Phêrô ví như “ sư tử đói gầm thét  rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5: 8) để lôi kéo chúng ra ra khỏi tình thương của Chúa và mất hy vọng được cứu rỗi..

Chúa đầy lòng xót thương, nhưng con người không được lợi dụng tình thương này  để đi hàng hai, là một chân bước đi theo Chúa, còn chân kia  bước đi theo thế gian và làm nô lệ cho ma quỉ. Ai sống như vậy thì hãy nghe lời Chúa Kitô nghiêm khắc cảnh cáo trong Sách Khải Huyền như sau:

Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lanh, Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi cứ hâm hâm chẳng nóng, chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3: 15-16)

Chúng ta đang sống trong những ngày tiếp theo của   Năm Thánh Lòng Thương xót (Jubilee of Mercy đã kết thúc tháng 11 năm 2016) .Năm này được  mở ra để kêu gọi mọi người chậy đến đón nhận lòng thương xót của Chúa. Chậy đến như đứa con đi hoang trở về nhà cha và nói với cha rằng “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha. Chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” ( Lc 15: 21).

 Nhưng người cha đã  không la mắng con mà còn sai gia nhân làm tiệc ăn mừng  con  đi  hoang đã trở về. Tuy miệng  không nói ra, nhưng trong lòng, người cha cũng thầm nói với con rằng : cha tha tội đi hoang lần này  của con. Con trở về rồi thì từ nay đừng đi hoang nữa nhé. Nghĩa là chắc chắn người cha không muốn nói với con rầng : cha đầy lòng xót thương, nên con cứ đi hoang đi, rồi khi nào  trở về   thì cha lại tha thứ cho!

Chúng ta, không ít thì nhiều, cũng là những đứa con đi hoang và nay đã  trở về nhà  Cha  để xin tha thứ. Chắc chắn Cha sẽ mở rộng vòng tay để ôm lấy và sẽ mở tiệc ăn mừng.Nhưng chúng ta phải quyết tâm không bao giờ đi hoang nữa,  tức là phải xa tránh tội lỗi để không tự làm hại mình và làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Làm hư công nghiệp này,  vì nếu không quyết tâm đoạn tuyệt với tội lỗi thì Chúa không thể cứu ai được , dù đã một lần Chúa chịu đóng đanh và chết trên thập giá để đền tội thay cho con người.

Đó là lý do tại sao Chúa  Giêsu  xưa đã chữa lành cho  một người tàng tật, sau đó Chúa lại gặp  anh  này  trong Đền Thờ,  và Người đã nói với anh như sau:

“Này anh, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn hơn trước.” (Ga 5: 14)

Như thế, rõ ràng cho thấy là nếu cứ coi thường hay lợi dụng lòng thương xót của Chúa  để cứ đi hoang, cứ phạm tội thì sẽ tự làm hại mình và làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Cụ thể, nếu một người cứ lén lút phạm tội ngoại tình mà không có  quyết tâm từ bỏ, thì sẽ có ngày mất hết danh dự và cả  mạng sống   nữa khi tình địch khám phá ra mình ngoại tình với vợ hay chồng  người ta. Hoặc ai lái xe  cứ  quen thói chạy  vượt đền đỏ, thì chắc chắn có ngày sẽ gây tử thương cho mình và cho người khác trên công lộ. Lại nữa, cứ xâm nhập gia cư của người khác để ăn trộm,  thì có ngày sẽ bị bắn chết,  vì ở  tư gia Mỹ  rất nhiều người có súng  đạn để tự vệ và bảo vệ tài sản của mình.

Tóm lại, lòng thương xót của Chúa mời gọi ta thêm yêu mến Chúa  và sống sao cho đẹp lòng Người để mưu ích cho ta, chứ không có lợi gì cho Chúa, vì Người đã quá  đủ hạnh phúc rồi.Nhưng vì lợi ích cho ta mà Chúa không  dung dưỡng cho ai lợi dụng  dùng làm bình phong lá chắn , để cứ ngoan cố phạm tội mà không có thiện chí từ bỏ. Amen.

Ước mong những lời giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, DMin.

 

Những quan niệm sai lầm ít người biết khi ăn trái cây

 

Những  quan  niệm  sai  lầm  ít  người  biết  khi  ăn  trái  cây

LĐO | 22/06/2021


Trái cây cung cấp vitamin, chất xơ… nhưng không phải loại trái cây nào cũng tốt cho cơ thể của bạn nếu như không ăn đúng cách.

Ăn trái cây sau bữa ăn

Đa số chúng ta thường mắc phải sai lầm là ăn trái cây sau bữa ăn để tráng miệng. Tuy nhiên, điều này thật sự không tốt đối với sức khoẻ.

Bởi vì, khi bạn ăn no dạ dày cần một khoảng thời gian để tiêu hoá thức ăn. Nếu lúc này bạn ăn trái cây ngay thì sẽ không hấp thụ được hết dưỡng chất và thậm chí gây nên tình trạng đầy bụng, khó tiêu.

Ăn trái cây để giảm cân

Cách giảm cân bằng trái cây không còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ ăn trái cây để giảm cân mà không bổ sung các thực phẩm khác thì thật sự là sai lầm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Thay vì loại bỏ các thực phẩm khác trong thực đơn giảm cân, bạn hãy kết hợp chúng cùng với việc ăn trái cây hoặc chia nhỏ bữa ăn và xen kẽ bữa phụ bằng trái cây.

Ăn trái cây khi đói

Ăn trái cây lúc đói sẽ khiến bạn có cảm giác cồn cào ruột. Bởi vì, trong trái cây có chứa một lượng axit, đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hoá.

Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không được ăn trái cây vào lúc đói. Thay vào đó, bạn hãy ăn nhẹ bằng các thực phẩm lành mạnh như salad rau củ.

Trái cây cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu nhưng không phải loại trái cây nào cũng tốt cho cơ thể của bạn nếu như không ăn đúng cách. Ảnh minh họa. Đồ họa: B.C

Ăn trái cây quá nhiều

Theo nghiên cứu, trong một số loại trái cây chứa chỉ số glycemic khá cao, khiến cho mức calo và lượng đường huyết trong cơ thể tăng vượt mức.

Ngoài ra, việc ăn trái cây nhiều còn khiến dạ dày bị giãn to ra và khiến bạn muốn ăn nhiều hơn sau đó.

Ăn trái cây bỏ vỏ

Hầu hết chúng ta đều có thói quen bỏ vỏ trái cây trước khi ăn. Nhưng có một số loại vỏ trái cây chứa rất nhiều vitamin và chất chống ôxy hoá mà bạn ít ai biết được.

Chỉ uống nước ép trái cây

Nước ép trái cây rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu thay thế hoàn toàn trái cây thành nước ép tức bạn đang lãng phí nguồn chất xơ dồi dào từ trái cây.

Không những thế, nước ép trái cây còn làm chậm quá trình giải phóng ra glucose trong cơ thể. Bạn nên kết hợp việc ăn trái cây hợp lý và dùng sinh tố thay vì chỉ uống nước ép.

Hoa quả có thể thay thế rau xanh

Hoa quả và rau xanh mỗi loại đều có những dinh dưỡng khác nhau. Hàm lượng vitamin và muối vô cơ trong hoa quả không thể thay thế được rau xanh.

Vì vậy, chỉ ăn hoa quả không bao giờ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể. Người trưởng thành mỗi ngày cần ít nhất 500g các loại rau xanh mới cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên điều tiết lượng trái cây được nạp vào cơ thể hợp lý mỗi ngày.

BẠCH CÚC (THEO HEALTHLINE)

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ không muốn có con

 

Vì  sao  ngày  càng  nhiều  phụ  nữ  không  muốn  có  con

Thứ ba, 15/6/2021, VnExpress.net

Ảnh: Intermountain Healthcare.

Nhận thức được áp lực của việc làm cha mẹ, nhiều phụ nữ chọn cuộc sống không con cái và hài lòng với quyết định đó.

Tháng trước, tờ New York Times đăng tải bộ ảnh do nhiếp ảnh gia người Đức Zoë Noble thực hiện về cuộc sống và câu chuyện của những phụ nữ không có con.

"Mọi người thắc mắc lý do tôi không có con. Vậy sao chúng ta không hỏi một cách khác đi, rằng nguyên nhân nào khiến bạn có con?", một nhân vật trong bộ ảnh chia sẻ. "Đó là câu hỏi lớn hơn. Bạn có đủ nguồn lực và khả năng không? Hay bạn muốn có con chỉ vì cảm thấy mình phải làm như vậy".

Người phụ nữ này lập luận rằng thế giới đã quá đông và đang đối mặt với biến đổi khí hậu. Chưa kể, giá thuê nhà và học phí đại học ở Mỹ đều có xu hướng tăng. Ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ chưa tính tiền học đại học là hơn 230.000 USD. "Nếu ai đó nói không muốn có con, người khác nên khen ngợi và ủng hộ họ", nhân vật này bày tỏ.

Thực tế, ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống không con cái. Năm 2018, số trẻ sinh ở Mỹ đạt mức thấp nhất trong 32 năm và từ đó đến nay tiếp tục giảm. Theo các nhà nhân khẩu học và xã hội học, dù đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải ở nhà nhiều, tỷ lệ sinh vẫn khó tăng lên.

"Tôi nghĩ ngày nay, nhiều người ý thức được rằng có con kéo theo những thách thức", Caroline Sten Hartnett, phó giáo sư nhân khẩu học và xã hội học tại Đại học South Carolina (Mỹ) nhận định. Theo bà, xã hội giờ đây hiểu rằng làm bố mẹ là một điều khó khăn. Các nhóm bạn bè, nhất là phụ nữ, cũng hay chia sẻ với nhau về nỗi vất vả khi phải cân bằng giữa trách nhiệm chăm sóc con cái với công việc. Những cuộc hội thoại như thế khiến một số cá nhân nhận ra mình không nên có con.

Thậm chí, những phụ nữ muốn có con cũng sinh nở ít đi. Các báo cáo chỉ ra phụ nữ Mỹ muốn có trung bình 2,6 đứa trẻ nhưng chỉ đẻ 1,73. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nuôi dưỡng trẻ quá cao, bấp bênh về tài chính và không được nghỉ phép có lương.

Trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến quyết định có con. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 7% phụ nữ chưa tốt nghiệp cấp ba không sinh con. Tỷ lệ này tăng gấp đôi ở nhóm phụ nữ đã tốt nghiệp cấp ba và có trải nghiệm đại học. Đối với nhóm phụ nữ tốt nghiệp cử nhân trở lên, khoảng 20% không sinh con.

"Người học càng cao càng ít có con", Beverly Yuen Thompson phó giáo sư xã hội học tại Đại học Siena cho biết.

Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra ở Mỹ, phụ nữ đã kết hôn và có con ít hạnh phúc hơn phụ nữ đã kết hôn nhưng không có con. Các công trình cũng chỉ ra rằng phụ huynh Mỹ có cách biệt hạnh phúc lớn nhất so với người không có con do nước này thiếu các chính sách giúp đỡ như trợ cấp chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có trả lương. Đây cũng là hai trong số nhiều lý do khiến Helen Hsu 47 tuổi, nhà tâm lý học làm tại Đại học Stanford, không sinh con. Theo Hsu, nuôi dạy con cái với chị gần như là điều bất khả thi về mặt tài chính.

Mọi người trong gia đình Hsu bảo rằng đến tuổi 30, chị sẽ có "mong ước cháy bỏng" được sinh con. "Điều đó chẳng bao giờ xảy ra", nhà tâm lý nói.

Hsu cho rằng chị không có con một phần do tính chất công việc. Là nhà tâm lý trị liệu, Hsu dành phần lớn thời gian trong ngày giúp đỡ các bố mẹ và gia đình bị tổn thương. Chị không muốn đến lúc trở về nhà, mình phải tiếp tục chăm sóc ai đó. Chưa kể, Hsu nhận thấy xã hội ngày càng chấp nhận lối sống không có con

Jameelah Woodard 28 tuổi ở Los Angeles cũng lựa chọn không có con. Là chị cả nên từ bé, Woodard đã phải làm đủ thứ việc nhà, từ nấu nướng, dọn dẹp đến thay tã cho các em.

"Cuộc sống đó không làm tôi hạnh phúc", Woodard nói. "Tôi có một tuổi thơ đầy tổn thương và tôi không muốn vô tình đẩy những tổn thương đó cho con mình".

Woodard không giấu giếm việc không muốn có con và phải gánh chịu sự dè bỉu từ những người phụ nữ trong gia đình. Cô kể rằng đến nay, mẹ cô vẫn cầu Chúa cho cô có con.

Cách xã hội nói về phụ nữ không có con đang thay đổi, dù chậm. Trên Internet, các nhóm cộng đồng của phụ nữ không có con được lập nên để động viên nhau, ví dụ như trang Instagram tên Rich Auntie Supreme của nhà văn kiêm nhà hoạt động Rachel Cargle với hơn 75.000 người theo dõi.

Thông qua hình ảnh, trích dẫn và những bài luận ngắn, Cargle muốn truyền đi thông điệp "người không có con vẫn sống hạnh phúc" chứ không hề buồn bã, chán nản và đáng bị chỉ trích như các thế hệ trước vẫn nghĩ.

"Tôi luôn thấy buồn cười và khó hiểu khi phụ nữ không sinh con bị buộc tội ích kỷ", Hsu, nhà tâm lý, nói. "Có khế ước xã hội nào quy định chúng ta phải sinh con không? Tại sao người không sinh con hoặc sống độc thân cứ bị cho là ích kỷ".

Với Hsu, chị hạnh phúc vì được làm "một bà cô tuyệt vời". Hsu không thích trẻ nhỏ nhưng khi các cháu của mình đủ lớn, chị có thể dẫn chúng đi xem hòa nhạc, uống trà chiều hoặc tập tạ. Khi đi chơi với nhau, Hsu và những đứa cháu tuổi niên thiếu có thể trò chuyện về mọi thứ, từ xu hướng tình dục đến tình yêu và chuyện học hành.

Ở Australia, Mengzhu Wang 32 tuổi làm nghề nha sĩ cũng từng bị chê là ích kỷ vì không có con. Trước đại dịch, Wang thường đi tới các nước đang phát triển để làm tình nguyện viên. Nếu sinh con, Wang chắc rằng mình không thể làm như thế nữa.

"Liệu tôi có ích kỷ không khi cống hiến hết mình để xoa dịu nỗi đau của hàng trăm người", nữ nha sĩ đặt câu hỏi.

Với Ali Ha, tuổi trẻ là quãng thời gian gây dựng sự nghiệp. Ở tuổi 43, nữ nghệ sĩ vẫn bị phán xét về quyết định không có con. Một người bạn thậm chí bảo chị: "Janet Jackson mới có con, cậu vẫn còn hy vọng".

Ha thừa nhận những lời đó không dễ nghe nhưng hy vọng phụ nữ trẻ ngày nay có thể tự quyết định cuộc đời thay vì đi theo con đường định sẵn. Bên cạnh đó, chị cho rằng càng lớn tuổi, bạn càng dễ gạt bỏ các bình luận đó.

"Hiện tại, tôi là người duy nhất trong gia đình đã ở tuổi 40 mà không có con. May mắn, bố mẹ tôi thấy ổn với chuyện đó. Tôi cũng thấy ổn và đó mới là điều quan trọng", Ha nói.

"Dù có con hay không, cuối cùng, bạn là người duy nhất sống với lựa chọn của mình", nữ nghệ sĩ đúc kết.

Thu Nguyệt (Theo HuffPost)