Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Mối nguy của khói thuốc lá đến người xung quanh

 

Mối  nguy  của  khói  thuốc  lá  đến  người  xung  quanh

Thứ năm, 17/6/2021, VnExpress.net

Người đã hút thuốc lá gặp nhiều khó khăn trong việc cai nghiện. Ảnh: Unsplash

Hàng năm có khoảng 40.000 người Việt tử vong do hút thuốc lá, trong đó 6.000 người (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em) tử vong vì hít khói thuốc thụ động.

Trên thế giới, mỗi năm hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,2 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM, tình trạng hút thuốc lá thụ động rất đáng ngại với 53,5% người không hút thuốc (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. Tình trạng hít khói thuốc thụ động còn xảy đến với 5,9 triệu người tại nơi làm việc; 2,8 triệu người tại trường học; 1,4 triệu người trên phương tiện giao thông công cộng.

Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất có 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.

Theo đó, lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc có thể hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10 m.

Mầm bệnh từ khói thuốc

Bác sĩ Trần Văn Ngọc nhấn mạnh, thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam và nhiều nước.

Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai, hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mạn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá khiến đường thở dễ bị tổn thương nên người hút thuốc dễ nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính , ung thư phổi.

Ngoài ra, thuốc lá tăng nguy cơ loét dạ dày, hành tá tràng. Với người trung niên, thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa các khớp nghiêm trọng và loãng xương sớm. Thuốc lá gây nên nhiều loại ung thư ở phổi, thận, bàng quang, hậu môn trực tràng, cơ quan sinh dục...

Thuốc lá còn là nguyên nhân gây nên tình trạng vảy nến ở da, làm xấu đi và biến dạng móng tay chân, tăng sinh lớp tế bào sừng của da khiến da đỏ và bong nhiều vảy, nguy cơ đục thủy tinh thể, giảm thính lực, tăng nguy cơ sâu răng. Với nam giới, thuốc lá làm biến dạng tinh trùng từ trong cấu trúc ADN, giảm tưới máu cho dương vật, từ đó tăng nguy cơ dị dạng thai nhi, giảm khả năng sinh dục và sinh sản.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho bản thân, mà những người xung quanh là người thân, vợ, con... đều bị ảnh hưởng. Mọi người nên từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà và nơi công cộng... để tránh gây hại tới sức khỏe những người khác.

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Ngọc, một khó khăn hiện nay là người đã hút thuốc lá rất khó để cai nghiện, chỉ 25% cai thành công. Tuy vậy, hơn 50% tái nghiện sau khi cai thành công; 75% người được tư vấn cai nghiện tiếp tục hút thuốc lá, một nửa trong đó tái nghiện do nhiều nguyên nhân như lên cân, bạn bè rủ rê, nhớ không khí hút thuốc...

Điều này khá tương đồng với khảo sát "Tác hại của thuốc lá" diễn ra trên VnExpress vào cuối tháng 5 với hơn 4.000 người tham gia trả lời. Trong đó, gần 93% nghĩ đến việc cai thuốc lá. Tuy vậy, gần 43% từng thử cai thuốc lá nhưng chưa thành công. Ngoài ra, hơn 26% đã cai thành công nhưng tái nghiện. Nguyên nhân là thói quen hút thuốc, áp lực cuộc sống, cảm giác thèm, buồn miệng hay bị bạn bè rủ rê... Dù vậy, 94% trong số họ đều đồng tình việc giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá có ý nghĩa rất quan trọng và quan trọng.

Để giảm tác hại của thuốc lá đến xã hội, bác sĩ Trần Văn Ngọc thể hiện ý kiến nên giáo dục sớm cho trẻ về tác hại của loại hình này đồng thời có biện pháp về kinh tế, pháp luật (nghiêm cấm, chế tài trẻ dưới 18 tuổi hút thuốc; sử dụng thuốc lá nơi công cộng), cấm quảng cáo...

Những người tham gia khảo sát trên VnExpress cũng đề xuất một số giải pháp giảm tác hại thuốc lá như ăn uống (kẹo, trái cây, kẹo cao su...) nhằm giảm cảm giác thèm hút; tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến cộng đồng; tập thể dục; chọn các giải pháp thay thế, ít tác hại hơn...

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho biết nhiều nước áp dụng các giải pháp thay thế thuốc lá điếu đốt cháy như: miếng dán nicotine, kẹo ngậm nicotine, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới... để giúp giảm thiểu tác hại, bởi lẽ khoa học đã chứng minh đây là những sản phẩm có thể ít rủi ro hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu truyền thống.

"Thay vì chọn đối đầu và tuyên chiến với thuốc lá điếu, kêu gọi người dân bỏ thuốc lá một cách vô vọng, Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc... cho phép những người có ý định tiếp tục lựa chọn hành vi hút thuốc có thêm nhiều hơn một lựa chọn", bác sĩ Phương chia sẻ thêm.

Bác sĩ Trần Văn Ngọc cũng đề xuất nên có cách tiếp cận như FDA hay Bộ Y tế Nhật đang làm bằng cách chỉ định "biện pháp giảm thiểu tác hại", đặc biệt những bệnh nhân COPD, ung thư, tim mạch... gây ra do nghiện thuốc lá, dưới sự giám sát của ngành y tế hơn là cấm đoán. Điều quan trọng là ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán cũng như chất lượng sản phẩm.

Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét