Trào lưu 'hợp tác sinh con' không cần tình yêu
Thứ
tư, 4/11/2020, VnExpress.net
Không muốn mất thời gian
cho yêu đương, lo hôn nhân đổ vỡ, gánh nặng tài chính hay sợ ràng buộc nhưng vẫn
muốn có con, nhiều người tìm đến dịch vụ "đồng phụ huynh".
Khi xem hồ sơ của nhau
trên mạng, cả Jenica Anderson lẫn Stephan DuVal đều không có ý tìm người yêu. Họ
chỉ muốn có con. Cả hai đều đã gần 40 tuổi, có nhiều điểm chung về sức khỏe và
giáo dục, thu nhập ổn định. Thay vì mối quan hệ lãng mạn, họ cần một đối tác để
cùng sinh và nuôi dạy con cái.
Anderson, nhà địa chất học
38 tuổi ở Montana (Mỹ) đã hẹn hò với 10 người đàn ông khác nhau, chủ yếu qua
các trang web mai mối cho người muốn có con mà không cần tình yêu. Mùa xuân năm
2019, Anderson có cú điện thoại đầu tiên với DuVal 37 tuổi, làm nghề quay phim ở
Vancouver (Canada). Sau những lần trò chuyện thâu đêm, tháng 6 năm đó, Anderson
bay đến gặp DuVal. Họ tâm sự, đi bộ đường dài và bơi lội cùng nhau.
"Mọi thứ giống như một buổi hẹn hò, trừ việc chúng tôi cởi mở về mong muốn có con sớm mà không cần tán tỉnh, yêu đương. Chúng tôi tìm cách đạt mục tiêu chung", DuVal chia sẻ.
Những trường hợp như
Anderson và DuVal được gọi là các "đồng phụ huynh". Họ nuôi dạy con
cái một cách thuần túy, không ràng buộc tình cảm, thậm chí không sống chung. Đến
nay, hiện tượng này còn tương đối mới mẻ. Nó ban đầu xuất hiện trong cộng đồng
đồng tính nam và ngày càng phổ biến với những người dị tính.
Các "đồng phụ
huynh" chủ yếu tìm đối tác thông qua các trang web. Trên Coparents - trang
web được thành lập từ năm 2008 ở châu Âu, hai phần ba trong số 120.000 thành
viên đến từ khắp nơi trên thế giới là người dị tính. Modamily, ra mắt năm 2012 ở
Los Angeles, có hơn 30.000 thành viên quốc tế, 80% dị tính. Ở Anh, trang web
PollenTree.com thu hút 53.000 người đăng ký, nữ giới chiếm 60%. Thời gian phong
tỏa do Covid-19, lượng truy cập của Modamily và PollenTree tăng 30-50%.
Giáo sư Susan Golombok,
giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gia đình thuộc Đại học Cambridge, tác giả cuốn
sách We Are Family (Chúng ta là gia đình) đã nghiên cứu các hình thức gia đình
mới từ thập niên 1980. Bà nhận thấy xu hướng "sinh con không tình
yêu" nổi lên từ năm 2015 và hiện theo dõi 50 gia đình như vậy để đánh giá ảnh
hưởng của nó đến trẻ em.
"Câu hỏi chính đặt
ra là mối quan hệ không yêu đương giữa người bố và người mẹ ảnh hưởng thế nào tới
họ cũng như đứa trẻ? Tỷ lệ đổ vỡ sẽ cao hơn hay thấp hơn?", giáo sư
Golombok cho biết.
Theo Golombok, chất lượng
mối quan hệ và mức độ thân thiết của hai bố mẹ tác động mạnh đến đứa trẻ.
"Dù vậy, có thể việc không có quan hệ lãng mạn lại tạo ra môi trường ổn định
hơn", nữ giáo sư nhận định.
Anderson đã có một con
trai. Cô chia tay với bố đứa bé khi con mới một tuổi. Đầu năm 2019, Anderson
đăng ký hai trang web dành cho đồng phụ huynh vì muốn con mình lớn lên với đủ bố
mẹ. "Tôi không muốn có quan hệ yêu đương. Tôi nghĩ nó sẽ phức tạp hóa mọi
chuyện", cô giải thích.
Bố mẹ Anderson lại nghĩ
khác. "Tôi chắc họ mất ngủ vì những gì tôi làm. Họ lo lắng về tài chính và
cả vấn đề đạo đức nữa", nhà địa chất học chia sẻ.
Cách đó hơn 800 dặm,
DuVal, thất vọng vì không thể tìm người chung mong muốn nuôi dạy con cái, cũng
đăng ký tài khoản trên Modamily. "Tôi muốn có con để đời sống ý nghĩa hơn.
Nhiều người quen của tôi 'kết hôn' với công việc", anh nói.
DuVal gặp ba người trước
khi kết nối với Anderson. Anh ngưỡng mộ sự dũng cảm và phong cách nuôi dạy của
người phụ nữ Mỹ. "Chúng tôi nói rất nhiều về các kịch bản nuôi dạy con trẻ
và thường có chung ý kiến. Cả hai cũng chia sẻ về cuộc sống cá nhân, những mối
quan hệ quá khứ", DuVal tiết lộ.
Anderson thì bị thu hút bởi
tính cách phiêu lưu và linh hoạt của DuVal. Cô bày tỏ: "Tôi cảm giác rằng
anh ấy có thể thích ứng tốt trước những tình huống bất ngờ. Anh ấy có những phẩm
chất tuyệt vời của một người cha và tôi nhanh chóng tin tưởng vào mối quan hệ kỳ
lạ này".
Kết thúc kỳ nghỉ cuối tuần
đó, Anderson và DuVal đã tìm được đối tác ưng ý. Tháng 9, họ thụ thai tự nhiên
thành công. "Tôi đã nghĩ mình sẽ nhờ y học can thiệp nhưng sau thời gian ở
cạnh nhau, chúng tôi quyết định mang bầu tự nhiên", Anderson nói.
Một năm kể từ ngày Anderson và DuVal gặp nhau lần đầu tiên, con gái họ ra đời.
Jenica Anderson và Stephan DuVal quen biết qua trang web dành cho người muốn tìm đồng phụ huynh. Ảnh: Matthew Hamon/The Guardian.
Oliver và Kate cũng là một
cặp "đồng phụ huynh". Suốt nhiều năm, Oliver cố có con với người yêu
cũ. Ở tuổi ngoài 40, anh kết thúc mối quan hệ nhưng vẫn mong mỏi có con nên
đăng ký vào The Stork, trang web được thành lập cách đây năm năm dành cho
"những người sẵn sàng làm bố mẹ" và đã giúp 15 đứa trẻ chào đời.
"Nhiều người bạn của
tôi kết hôn, sinh con nhưng kết thúc bằng những cuộc ly dị tồi tệ, tốn kém và
thỉnh thoảng mới được gặp con", Oliver giãi bày. "Tôi nghĩ rằng sẽ tốt
hơn nếu tìm được một đối tác phù hợp và nhanh chóng có con".
Oliver được giới thiệu với
Kate. Bài kiểm tra tương thích cho thấy họ hợp nhau tới 93%. Ban đầu, họ cũng
mong chờ tình yêu lãng mạn nhưng sau vài buổi hẹn và quan hệ tình dục, họ quyết
định trở thành đồng phụ huynh.
"Tình cảm không nảy
nở nhưng chúng tôi có chung các nguyên tắc nuôi dạy con cái. Ví dụ như phải vui
vẻ và tự nhiên, không quá nuông chiều, đề cao giáo dục", Oliver nói.
"Mọi thứ thật đơn giản, Kate chấp nhận tôi. Cô ấy dễ chịu và không đòi hỏi".
Về phía Kate, cô đã gần
40 tuổi nên không muốn trì hoãn việc có con. Chưa kể, cô thấy Oliver tốt bụng,
ga-lăng và đủ khả năng bảo vệ hai mẹ con mình.
Bốn tháng trôi qua, Kate
có thai, cũng bằng phương pháp tự nhiên. "Suốt thai kỳ, chúng tôi làm mọi
điều như các cặp vợ chồng bình thường, từ siêu âm, mua sắm đồ em bé đến nhắn
tin cho nhau khi em bé đạp. Tôi cũng có mặt lúc con chào đời", Oliver kể.
Tuy nhiên, mọi chuyện
không hoàn toàn suôn sẻ. Vì sợ bị đánh giá mối quan hệ đồng phụ huynh, Oliver
và Kate giả vờ với gia đình, bạn bè rằng họ yêu nhau cho đến khi con trai được
18 tháng.
"Đó là một trò hề
nhưng gia đình hai bên đều bảo thủ. Đến giờ, chỉ có một - hai người bạn biết sự
thật", Kate bộc bạch. "Chúng tôi đáng lẽ phải được sống mà không lo bị
đánh giá. Nhưng thực tế, mang thai do tình một đêm có lẽ còn dễ chấp nhận hơn
chuyện này".
Con trai của Oliver và
Kate năm nay đã bốn tuổi. Bé dành cuối tuần và một đêm trong tuần với bố, còn lại
ở với mẹ. Oliver và Kate sống cách nhau một giờ lái xe. Họ vẫn đi nghỉ và ăn mừng
các ngày lễ với nhau. Mối quan hệ giữa hai đồng phụ huynh giờ giống như bạn
thân.
Cả Oliver với Kate đều có
người yêu mới. "Không có sự thù hận nào ở đây cả. Tôi hy vọng con trai
mình sẽ thấy bố mẹ có mối liên kết tuyệt vời và luôn cho con tình thương, sự ủng
hộ. Chúng tôi sẽ giải thích cho con khi nó đủ lớn", Oliver nói.
"Tôi nghĩ có những
cách tệ hơn để đưa một đứa trẻ đến cuộc đời này. Con trai tôi không cần thấy bố
mẹ ôm hôn nhau trong cùng một ngôi nhà để nhận ra cả hai chúng tôi đều yêu
thương nó", Kate bổ sung.
Không tính được bao nhiêu
em bé ra đời từ những mối quan hệ "đồng phụ huynh" không ràng buộc
tình cảm. Các trang web lớn phỏng đoán con số lên tới hàng nghìn nhưng không có
bằng chứng cụ thể.
Trong nghiên cứu năm
2015, nhóm nghiên cứu của giáo sư Golombok phát hiện động cơ chính để một người
tìm "đồng phụ huynh" trên mạng là muốn con mình biết mặt cả bố lẫn mẹ
đẻ. Vài trường hợp khác lo lắng về chuyện già đi và gánh nặng tài chính.
Như bất cứ mối quan hệ
nào, mối quan hệ giữa hai đồng phụ huynh sinh con không cần tình yêu cũng đối mặt
với vô số khó khăn và có thể đổ vỡ.
Cách đây sáu năm, Amy 37
tuổi ở California sinh con gái Amy với một người bạn lâu năm. Cả hai đều khao
khát làm cha mẹ, cùng quan điểm nuôi dạy trẻ và sống cách nhau 15 phút đi xe. Họ
thảo luận về kế hoạch có con chung suốt ba tháng và thụ thai thành công ngay lần
thử đầu tiên.
"Tôi từng mơ về tình
yêu đẹp và vỡ mộng nhưng vẫn muốn đẻ con. Tôi có thể trả 500 USD cho ngân hàng
tinh trùng nhưng biết chắc có cách khác miễn phí", Amy kể. Đối với cô, lần
quan hệ tình dục đó như một nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu.
Mẹ Amy phấn khích vì có
cháu ngoại song bố cô lại cho rằng đây là một lựa chọn "tồi tệ".
Lúc Emma chào đời, đồng
phụ huynh của Amy ngủ trên sofa để giúp cô cho bé ăn vào ban đêm. Khi Emma lớn
lên, họ chia đôi việc chăm con và sắp xếp thời gian biểu sao cho cả hai đều được
gần gũi con gái. "Đã có những lúc tôi cảm ơn Chúa vì đưa anh ấy đến với
tôi", Amy hồi tưởng. "Chúng tôi chụp ảnh gia đình, hái bí ngô vào
Halloween, ăn Giáng sinh và Lễ Tạ ơn cùng nhau. Mọi thứ dường như rất tốt đẹp".
Thế nhưng, quãng thời gian sau đó lại trở thành ác mộng bởi cuộc chiến giành
quyền nuôi con.
"Quan hệ tình dục để
thụ thai đã khiến cả hai chúng tôi bối rối. Anh ấy bắt đầu gọi tôi là em yêu và
hy vọng vào một mối quan hệ thực sự", Amy chia sẻ. "Chúng tôi phải
tìm đến nhà trị liệu. Nỗi lo lớn nhất của tôi là rời xa Emma, còn anh ấy sợ nhất
bị bỏ rơi".
Giờ đây, nếu có ai hỏi ý
kiến Amy về việc sinh con không cần tình yêu, cô chắc chắn sẽ nói
"không". Tìm một đồng phụ huynh để tránh tổn thương song Amy lại cảm
thấy mình như vừa trải qua một cuộc ly dị.
"Tôi cảm thấy xấu hổ
vì lựa chọn của mình. Nhìn lại, tôi tự hỏi liệu con mình thực sự cần một người
cha hay đó là áp lực xã hội", cô bộc bạch.
Với Anderson và DuVal, mối
quan hệ không lãng mạn cuối cùng vẫn xuất hiện tình yêu. Khi Anderson mang thai
tháng thứ ba, họ đã trở thành một cặp.
"Tôi phải lòng anh ấy
vì chính lý do tôi chọn anh ấy làm đồng phụ huynh: dễ chia sẻ, thành thật và cởi
mở", Anderson nói. DuVal thì tiết lộ Anderson là người phụ nữ duy nhất anh
đưa về gặp bố mẹ mình trong suốt 10 năm qua.
Vào một ngày nắng đẹp giữa
tháng 6 năm nay, con gái của Anderson và DuVal chào đời ở Montana. Họ vẫn là một
cặp nhưng khẳng định dù tình cảm thế nào, cùng nuôi dạy con vẫn là ưu tiên số một.
"Tôi nghĩ bạn hoàn
toàn có thể sinh con mà không cần tình yêu. Nhưng nếu nảy sinh tình cảm thì
cũng có lợi", DuVal nói.
"Tôi nghĩ cùng nuôi
dạy con đồng nghĩa với tình yêu, cho dù đó có thể không phải là tình yêu lãng mạn",
Anderson nói thêm.
Thu Nguyệt (Theo The
Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét