“VÌ HỌ, CON XIN THÁNH HIẾN CHÍNH MÌNH CON”
(Gioan
17: 19).
Tháng sáu là tháng dành
riêng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc tôn sùng này bắt nguồn một phần từ việc Hội
Thánh công nhận những mặc khải riêng tư mà Chúa đã ban cho Thánh Magarita Maria
Alacoque (1647-1690), một nữ tu người Pháp vào thế kỷ 17, trong đó Ngài cho
thánh nữ biết rằng Ngài khát khao chúng ta bày tỏ tình yêu và sự tôn sùng Thánh
Tâm của Ngài. Thánh Magarita Maria đã viết: “Trái tim đáng tôn thờ của Chúa
Giêsu muốn thiết lập triều đại tình yêu của Ngài trong mọi trái tim, để lật đổ
[triều đại của] Satan. Bất chấp mọi sự phản đối, Trái tim thần linh này cuối
cùng sẽ chiến thắng. Satan cùng với tất cả các kẻ theo nó sẽ bị thất bại. Phúc
cho những ai trở thành tiềm lực thiết lập vương quốc của Ngài [của Chúa
Giêsu]”.
Việc tôn sùng Thánh Tâm
Chúa Giêsu có nền tảng Kinh Thánh, sách Tin Mừng thánh Gioan thuật lại, sau khi
Chúa Giêsu chết trên cây thập giá, “một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh
sườn Ngài, và lập tức có máu cùng nước chảy ra” (Gioan 19, 31-37). Một biểu lộ
nữa về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người được nói đến trong đoạn Tin Mừng
theo Thánh Mátthêu: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta
và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Ta và học cùng Ta vì Ta dịu
hiền và khiêm nhường trong lòng...” (Mt 11, 25-30).
Sách Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo số 478, với lời tựa Trái tim của Ngôi Lời Nhập Thể, viết: “Trong suốt
cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giêsu biết và yêu mến mọi người
và từng người chúng ta. Ngài đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta.";
"Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2, 20). Ngài
đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị đâm thâu
vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x.Ga 19, 34), "được coi là dấu
chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên
Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai”. (Haurietis aquas: DS.
3924; x. DS 3812).
Một bản văn của Thánh
Bônaventura (thế kỷ 13) được sử dụng trong kinh thần vụ dành cho ngày lễ trọng
kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có tiêu đề “Cây sự sống”, với tâm tình ngưỡng vọng,
và phụ đề là một câu trích dẫn từ thánh vịnh 36: “Ngài quả là nguồn sống” (Tv
36: 10);
“Anh em là người đã được cứu chuộc, hãy chăm
chú xem xét Đấng bị treo trên Thập giá vì anh em là ai, sự cao cả của Ngài là
gì, sự thánh thiện của Ngài là gì, Ngài là Đấng đã chịu chết để đem lại sự sống
cho những người đã chết, Ngài là Đấng cả trời và đất để tang cái chết của Ngài,
và khiến cho những viên đá cứng nhất bị phá vỡ. Để cho Giáo hội có thể phát
sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô đang ngủ yên trên Thập giá, và để lời Kinh
thánh có thể được ứng nghiệm: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Gioan 19:
27), sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã muốn ngọn giáo của một người lính mở ra và
đâm thâu cạnh sườn này. Máu và nước chảy ra, và chính cái giá cứu độ chúng ta
đã chảy trào ra như vậy. Tuôn trào từ suối nguồn, nghĩa là từ sâu thẳm trái tim
của Chúa Kitô, máu và nước đó đem lại cho các bí tích của Giáo hội một sức mạnh
để trao ban sự sống, ân sủng và, đối với những ai đã có trong mình sự sống của
Chúa Kitô, Ngài cho uống “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”
(Gioan 4: 14).
Thánh Bônaventura khích lệ
các Kitô hữu:
“Vậy hãy chỗi dậy, hỡi bạn
tình của Đức Kitô, hãy giống như chim câu làm tổ bên bờ vực thẳm, để ở đó, như
chim sẻ tìm được mái ấm, bạn canh thức không ngừng. Ở đó, như chim gáy, bạn hãy
đem giấu những đứa con nhỏ do tình yêu thanh khiết sinh ra. Ở đó, bạn hãy ghé
miệng uống thoả thuê tận nguồn suối của Đấng Cứu Độ. Quả thật, Ngài là mạch nước
chảy ra từ giữa vườn địa đàng, được chia làm bốn nhánh, rồi đổ tràn vào các tâm
hồn sốt sắng, mạch nước đó tưới gội và làm cho toàn cõi đất được phì nhiêu.
Hỡi linh hồn tận hiến cho
Thiên Chúa, dù bạn là ai, bạn hãy mau chạy đến nguồn suối ban sự sống và ánh
sáng với lòng khao khát nồng nhiệt, và hãy đem hết sức mạnh của cõi lòng mà kêu
lên với Ngài: “Ôi vẻ huy hoàng của Thiên Chúa tối cao, ôi ánh sáng vĩnh cửu
tinh tuyền rực rỡ, ôi sự sống ban sức sống cho mọi sự sống, ôi ánh sáng ban sức
sáng cho mọi ánh sáng và giữ cho các tinh tú thiên hình vạn trạng luôn chói ngời
trong ánh huy hoàng vĩnh cửu, trước thiên toà của Ngài ngay từ buổi bình minh
tiên khởi.”
Ôi dòng nước tuôn trào,
dòng nước vĩnh cửu không ai tới được, dòng nước trong ngần, dịu ngọt, xuất phát
từ nguồn mạch mắt phàm không thể thấy, dòng nước sâu không đáy, cao vô tận, rộng
vô biên, dòng nước tinh tuyền không gì có thể khuấy đục. Từ nơi Ngài, “một con
sông tuôn chảy, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời,” (Tv 46:5) để cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ, chúng con
sẽ cất cao bài ca tụng Ngài, vì đã kinh nghiệm và làm chứng được rằng: “Ngài quả
là nguồn sống, và nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng [Tv
36: 10]” (Cây sự sống, suy niệm của Thánh Bônaventura).
Và khi sự sống của Chúa
Giêsu đang suy tàn trên thập giá, Ngài nói “Ta khát”, (Gioan 19:28), một tiếng
kêu mà các nhà thần học trong nhiều thế kỷ đã chú giải đó không hẳn là một cơn
khát thể lý nhưng là một cơn khát tâm linh sâu xa, khao khát các linh hồn, trong
những gì mà Thánh Alphôngxô Liguori gọi là “Sự khao khát cháy bỏng của Chúa
Giêsu mong mỏi cứu độ tất cả nhân loại!”.
Chúa Giêsu đã từng nói với
Chị Josefa Menendez (1890-1923), một nữ tu người Tây Ban Nha vào những năm
1920, rằng, “Trái tim Ta không thể chứa nổi sự nồng cháy mong muốn chia sớt
chính mình, và ban phát chính mình, và luôn ở bên những kẻ tội lỗi [tất cả chúng
ta!]. Ta mong mỏi họ mở rộng trái tim của họ ra với Ta biết chừng nào, để Ta ở
trong họ, và ngọn lửa tình yêu cháy bừng trong Ta sẽ củng cố và nhen nhóm lên một
ngọn lửa trong lòng họ!”
“Chính con sẽ là dấu hiệu
của Ta. […] Ta sẽ mặc khải cho con những bí mật cháy bỏng của Trái tim Ta và
nhiều linh hồn sẽ được hưởng lợi từ đó. Ta muốn con viết ra và giữ lại tất cả
những gì Ta nói với con. Nó sẽ được đọc khi con ở trên Thiên đường. Đừng
nghĩ rằng Ta dùng con vì công lao của
con, mà Ta muốn các linh hồn nhận ra Quyền năng của Ta đã tận dụng như thế nào
những khí cụ nghèo nàn và khốn khổ.”
Vào ngày 13 tháng 11 năm
1923 ngay trước khi Sơ Josefa qua đời, Chúa Giêsu đã nói với chị:
“Những lời nói của Ta sẽ
là ánh sáng và là sự sống cho một số lượng lớn các linh hồn, và Ta sẽ ban cho họ
những ân sủng đặc biệt để hoán cải và được soi sáng sáng.” [1]
Đây là những mặc khải
riêng tư được cả Giáo Hội và công chúng công nhận, nơi đó chúng ta cảm nhận được
cường độ mãnh liệt của tình yêu Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chúa Giêsu nói với
các Tông đồ trong bài diễn từ Bữa ăn tối cuối cùng “Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13:34 và 15:12). [2]
Chúng ta cũng đọc thấy từ
bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như một tấm gương, dành cho các
gia đình, trong chuyến hành hương tông du năm 1986 của ngài đến
Paray-le-Monial, nơi Thánh Nữ Magarita Maria Alacoque sống đời tu trì trong tu
viện Đức Bà Thăm Viếng: [2]
“Ta sẽ ban tặng các ngươi
một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.” (Êdêkien 36, 26). . .
“thần khí của ta”. Thưa anh chị em, xin cho mỗi người chúng ta biết phó thác
mình choThánh Linh của Chúa thanh tẩy và hoán cải! Mong cho mỗi người chúng ta
tìm thấy ở Thánh Linh của Chúa một nguồn cảm hứng cho cuộc đời mình, một ánh
sáng cho tương lai, một sự trong sạch để thanh lọc những khát khao của mình! …
Hôm nay, tôi muốn đặc biệt thông báo cho các gia đình tin mừng về món quà đáng
ngưỡng mộ mà Thiên Chúa ban cho những trái tim trong sạch, Thiên Chúa cho phép
tình yêu đích thực được sống! … Đây là công trình tuyệt vời của Chúa Giêsu. Để
tình yêu Ngài được bộc lộ, cần phải đợi cho đến giây phút cuối cùng, cho đến
khi Ngài chết trên Thập giá. Và khi Chúa Giêsu Kitô “phó dâng” thần trí mình
vào tay Đức Chúa Cha, thì sự kiện này xảy ra: “Một người lính lấy giáo đâm vào
cạnh sườn Ngài. Tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Gioan19: 34). Trái tim bị đâm
thấu của Chúa Giêsu là lời chứng cuối cùng của Ngài. Và Đức Gioan-Phaolô II kết
thúc bằng câu trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Không gì có thể tách
chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô” (Rôma 8: 39).
Năm chúng ta đang sống
cũng là Năm Gia Đình, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn chúng ta sống tinh thần
tông huấn “Amoris Laetitia – Niềm vui của tình yêu” của Ngài:
“Là người thật, Chúa
Giêsu cũng đã biểu lộ các xúc cảm của Ngài. Ngài đau đớn vì bị Giêrusalem từ bỏ
(Mt 23:27) và điều này làm rơi nước mắt Ngài (Lc 19:41). Ngài cũng xúc động sâu
xa trước nỗi đau khổ của người khác (Mc 6:34). Ngài cảm nhận sâu xa cảnh tang chế
của họ (Ga 11:33), và Ngài khóc trước cái chết của một người bạn (Ga 11:35).
Các điển hình nhậy cảm này của Ngài cho thấy trái tim nhân bản của Ngài đã rộng
mở ra sao đối với người khác.” (Tông thư Amoris Laetitia, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô, chương IV, số 144).
Vào Lễ Sinh Nhật Thánh
Gioan Tẩy Giả, chúng ta được nhắc lại những lời nói như có lửa đốt mà vị Thánh
Tiền Hô đã nói với những người đặt câu hỏi cho mình về sứ vụ của Chúa Giêsu và
sứ vụ của Ngài:
“Tôi đây không phải là Đấng
Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể.
Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe
tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.
Ngài phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi. Đấng từ trên cao mà đến thì ở
trên mọi người” (Gioan 3: 28-31).
Trong tháng kính Thánh
Tâm Chúa Giêsu, người tín hữu được mời gọi cách đặc biệt đón nhận và sống thái
độ của người bạn chàng rể, chăm chú lắng nghe giọng nói và lời mời gọi của
chàng rể - Chúa Giêsu - như được bày tỏ trong sách Khải Huyền:
“Này đây Ta đứng trước cửa
và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với
người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Khải Huyền 3: 20).
Người Kitô hữu cần luôn
nhớ rằng mình được sinh ra với một linh hồn do Chúa ban cho, một linh hồn mà
Chúa coi trọng và yêu thương bất kể hoàn cảnh của họ trong cuộc sống này là gì!
Linh hồn đó chính là mục tiêu thực sự quan trọng nhất trong cuộc chiến giữa
Chúa Kitô và Satan. Dù những người vô thần duy vật có thể chủ trương điều gì đi
nữa, thì thực sự có một sự sống đời sau, và mỗi người chúng ta sẽ trải nghiệm sự
sống đó, hoặc như niềm vui của Thiên đàng không lời nào diễn tả được, hay như sự
khốn khổ đời đời trong hỏa ngục, tùy thuộc vào cách mỗi người chúng ta đáp lại
những ân huệ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống này.
Phải thừa nhận rằng, nhiều
người trong chúng ta đang ở trong những thử thách đau thương dữ dội về tinh thần
và cảm xúc khác nhau, đặc biệt là những ngày dịch bệnh tràn lan đầy lo âu này!
Có thể chúng ta đang cảm thấy hoang mang sợ hãi, cả khô khan lẫn trống rỗng,
ngay khi phục vụ Chúa, vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời mình. Điều
đó không lạ chút nào, đối với mọi người, giáo sĩ, tu sĩ, giáo hữu. Những lời cầu
nguyện của chúng ta không được đáp trả. Rắc rối dường như đang chực chờ chung
quanh chúng ta. Có những áp lực trong công việc, trong gia đình hoặc đại loại
như thế, thật là quá nhiều không thể chịu đựng được!
Những lời sau đây cần
vang dội trong cõi lòng sâu lắng của mỗi tín hữu, đặc biệt là khi chúng ta hiệp
thông cách thánh thiện với Mình Máu Thánh Chúa Kitô: “Hãy đến mà ăn bánh của
Ta, và uống rượu do Ta pha chế! Đừng
ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu
biết” (Châm ngôn 9: 6). Chúng ta cần ở gần với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện
và tham dự các bí tích của Ngài, ngay cả và nhất là khi chúng ta dường như
không thấy Ngài ở đâu hết:
“Đến cả đi, hỡi những người
đang khát, nước đã sẵn đây!
Dầu không có tiền bạc, cứ
đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa,
không phải trả đồng nào.
Sao lại phí tiền bạc vào
của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào
thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì
các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao
lương mỹ vị.
Hãy lắng tai và đến với
Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một
giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với
Đavít.”
(Isaia 55: 1-3)
Thánh Gioan, môn đệ được
Chúa Giêsu cho tựa đầu vào trái tim, xác quyết: “Chúa Giêsu biết đã đến giờ
Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về
mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.” (Gioan 13: 1)
Và chúng ta đừng bao giờ
quên chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy
thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của
Thầy” (Gioan 15: 9).
Nhờ vậy chúng ta sẽ được
hạnh phúc chân thật như Thánh Bônaventura nói: “Hạnh phúc thì không gì khác hơn
là vui hưởng sự Toàn Thiện, và vì sự Toàn Thiện ở trên chúng ta, nên chúng ta
không thể có hạnh phúc nếu không vượt lên trên chính mình. Tự sức mình, chúng
ta không thể siêu thoát nếu không có sự trợ giúp của quyền lực siêu nhiên mà
quyền lực ấy đã hạ xuống thấp để nâng chúng ta lên. Dù đời sống nội tâm của
chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy
không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm
kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân
thành cầu nguyện. Như vậy, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi hành trình tiến đến
Thiên Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trở về với đời sống cầu nguyện và
thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con trên con đường của Chúa, để con
có thể bước đi trong chân lý của Ngài [Tv 25: 5]”
Trong tháng này, Giáo Hội
ước mong con cái mình siêng năng khấn cầu cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, như Thánh
Alphongsô Liguori:
Lạy Chúa Giêsu, trái tim
yêu thương của Chúa đã khơi nguồn các Bí tích, nhất lá Bí tích Thánh Thể.
Con mong có thể dâng lên
Chúa vinh dự và vinh quang sao cho bằng Chúa dâng lên Chúa Cha trong mầu nhiệm
thánh thiêng này.
Con biết bây giờ Chúa vẫn
yêu con cùng một mức độ yêu thương đã thôi thúc Chúa chết trên thập giá vì co
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu!
Xin hãy làm cho những ai chưa tin được nhận biết Chúa. Nhờ công nghiệp của
Chúa, xin giải thoát các linh hồn nơi luyện ngục. Hay ít là làm cho họ bớt đau
khổ, vì Chúa đang chuẩn bị cho họ trở thành người yêu muôn đời của Chúa.
Con thờ lạy Chúa, con tạ
ơn Chúa, on yêu mến Chúa hiệp cùng mỗi linh hồn đang yêu Chúa vào lúc này. Xin
hãy tháo gỡ khỏi linh hồn con mọi quyến luyến trần gian và lấp đầy linh hồn con
bằng tình yêu Chúa. Xin hãy làm chủ linh hồn con hoàn toàn đến nổi con có thể
nói ngay từ bây giờ rằng: “Ai có thể tách tôi ra khỏi Tình Yêu Chúa?”
Lạy Thánh
Tâm Chúa Giêsu, xin hãy ghi khắc vào tim con những nỗi khốn cực Chúa chịu vì
con, để khi con nhìn ngắm chúng, con sẽ chấp nhận hoặc ước mong đau khổ vì yêu
mến Chúa.
Lạy Thánh
Tâm khiêm hạ vô cùng, xin hãy thông chi sự khiêm hạ của Chúa cho con. Ôi trái
tim rất mực hiền từ, xin khiến lòng con hiền lành như Chúa. Xin hãy gạt bỏ khỏi
lòng con những gì Chúa không thích. Xin hãy hướng lòng con tới Chúa để nó chỉ
khát khao một mình Chúa mà thôi. Xin hãy cho con chỉ sống vâng phục Chúa thôi,
chỉ yêu thương Chúa thôi và chỉ làm đẹp lòng Chúa thôi. Con biết con có món nợ
lớn lao phải trả. Cho dù chính con thề hứa phụng sự Chúa, con cũng khó lòng đền
trả được.
Ôi Thánh
Tâm Chúa Giêsu! Chúa là Chúa của lòng con. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung.
Chú thích:
[1] Sơ Josefa Menendez
sinh ngày 4 tháng 2 năm 1890 tại Madrid, Tây Ban Nha. Là người gốc Tây Ban Nha,
ban đầu cô tìm cách bước vào đời sống tu trì ở Tây Ban Nha, nhưng sự Quan phòng
của Chúa dẫn cô đi nơi khác và cuối cùng, sau nhiều thử thách, chị vào một Tu
viện Pháp và trở thành Nữ tu của Hội dòng Thánh Tâm Chúa vào năm 1920 ở tuổi
30. Đời tu của chị được dành cho việc dọn dẹp và may vá, và chị được cho là đã
nhận được những thị kiến của Chúa Giêsu.
The Way of Divine Love –
Con Đường Tình yêu Thiên Chúa, được tái bản bởi TAN Books, Inc. (nay là một phần
của St. Benedict Press) là một trình thuật về cuộc đời và những thị kiến của chị.
http://www.jesusmariasite.org/sister-josefa-menendez-description-of-hell/
[2] Trong tu viện này,
Thánh nữ Magarita Maria Alacoque đã nhận được một số mặc khải riêng về Thánh
Tâm, lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 12 năm 1673 và lần cuối cùng là 18 tháng
sau đó. Các thị kiến đã mặc khải cho chị biết hình thức của lòng sùng kính, đặc
điểm chính là rước lễ vào thứ Sáu đầu tháng, thực hiện “Giờ Thánh Chầu Thánh Thể”
vào các ngày thứ Năm, và cử hành Lễ Thánh Tâm.
Tham khảo:
- sacrecoeur-paray.org.
- catholicexchange.com
Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét