KHƯỚC TỪ và GIŨ SẠCH
Monday, July 5, 2021
Trong cuộc sống có nhiều
thứ cần phải biết khước từ và giũ sạch. Rất cần can đảm để có thể dứt khoát.
Khước từ cái xấu là hành động tốt, khước từ cái tốt là hành động xấu. Khước từ
không dứt khoát thì như giặt đồ không sạch. Đối với tâm linh cũng tương tự.
Có kiểu khước từ đáng yêu
thì cũng có kiểu khước từ đáng sợ. Kinh Thánh nói: “Người tội lỗi khước từ lời
khiển trách, tìm đủ lẽ để làm theo ý mình.” (Hc 32:17) Thật đáng quan ngại biết
bao!
Theo Chúa đòi hỏi phải
khước từ mạnh mẽ hơn – cả tinh thần và vật chất. Xét theo nghĩa đen, khước từ
là giũ bỏ cái gì đó. Muốn nhẹ mình thì
phải bỏ, muốn bỏ thì phải buông, càng bám chặt thì càng nặng người, đúng như
người ta thường nói: “Già lừa ưa nặng.”
Chắc rằng ai cũng có kinh
nghiệm ít nhiều về sự từ bỏ, nhất là đối với chất gây nghiện như rượu bia hoặc
thuốc hút. Quả thật, không dễ gì mà bỏ ngay được, có người bỏ năm lần bảy lượt
vẫn chưa được. Chất gây nghiện bình thường mà còn vậy, huống chi ma túy. Người
nghiện ma túy cứ tái nghiện nhiều lần, rất hiếm người bỏ được. Nghiện thứ gì
thì khổ thứ đó.
Ngày nay còn thứ nghiện @
gọi là nghiện internet, internet addiction hoặc cyber addiction. Chứng nghiện
này cũng gây rối loạn tâm sinh lý. Không ai có thể cứu mình, ngoại trừ chính
mình. Điện thoại thông minh là điện thoại khôn, nhưng nó khiến người ta hóa khốn.
Kinh Thánh nhắc nhở chí lý: “Trong mọi chuyện lớn nhỏ, đừng tỏ ra vô ý thức.”
(Hc 5:15)
Nghiện là đam mê lệch lạc
quá độ. Nghiện gì cũng “chết” – chết ảo và chết thật. Nhưng vì sức khỏe của
chính mình, và có liên quan người khác, rất cần quyết tâm khước từ. Khước từ chất
gây hại để bảo vệ hệ miễn nhiễm, nhất là trong tình trạng dịch bệnh lây lan lúc
này. Chất gây hại cho thân xác còn nguy hiểm như vậy thì chất gây hại cho linh
hồn càng nguy hiểm hơn bội phần. Dù xác hay hồn, có khỏe mạnh mới có thể làm việc
hiệu quả. Sức khỏe thể lý có ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và linh hồn.
Từ bỏ những thứ tầm thường
để có thể làm những điều tốt đẹp – cho mình và cho tha nhân, đặc biệt là lợi
ích cho Thiên Chúa, cụ thể là công việc chung của mọi tín nhân: Loan báo Tin Mừng.
Chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15) Đó là trọng trách Chúa Giêsu
trao cho những người tin vào Đức Giêsu Kitô – Đấng Ngôi Lời.
Không hẳn “ra đi” là phải
đến nơi kia, tới nơi nọ. Thánh nữ Teresa Lisieux không ra khỏi bốn bức tường
dòng kín mà vẫn đến được mọi nơi trên thế giới này. Vấn đề quan trọng là tinh
thần truyền giáo của Chị Thánh. Ngày nay, với internet, người ta có thể đi đến
bất cứ nơi nào và biết được nhiều chuyện dù chỉ ngồi một chỗ. Đó là một lợi thế
cho những ai biết tận dụng theo hướng tốt, nhưng có thể là mối nguy hiểm cho những
ai tò mò, chỉ tìm hiểu những chuyện không nên biết. Lợi bất cập hại.
Ngày xưa, sau khi xung khắc,
Amátgia nói với Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm
ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì
đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.” (Am 7:12-13)
Ông Amốt đã không được người ta tiếp nhận. Nghe lạ mà không lạ, bởi vì chính
Chúa Giêsu – Ngôn sứ của mọi ngôn sứ – cũng đã bị người ta khước từ khi Ngài trở
về Nadarét. (Mt 13:53-58; Mc 6:1-6; Lc 4:16-30) Một tình huống phũ phàng như vậy
khó có thể tưởng tượng được!
Ông Amốt nói với Amátgia:
“Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ
là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi
khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm
cho Israel dân Ta.” (Am 7:14-15) Ngôn sứ Amốt không dám nhận mình là ngôn sứ
nhưng ông thực sự là ngôn sứ, dù ông bị “ép buộc” làm ngôn sứ, đi rao giảng cho
dân Israel.
Ngôn sứ Amốt là ai? Ông
là người thuộc miền Nam Giuđê nhưng đi rao giảng ở miền Bắc Israel. Ông là người
đương thời với hai ngôn sứ Hôsê và Isaia, hoạt động vào khoảng năm 750 TCN, thời
vua Giêrôbôam II. Ngôn sứ Amốt qua đời năm 745 TCN.
Xưa nay đức tính được đề
cao là lòng trung hiếu. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, cụ Đồ Chiểu đã đề cập đức
trung hiếu ở ngay câu lục bát đầu tiên: “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời
tiết hạnh làm câu trau mình.” Nói là nói vậy, chứ nam hay nữ đều cần cả trung
hiếu và tiết hạnh. Thiên Chúa cũng quý mến người trung hiếu. Thánh Vịnh gia bộc
bạch: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn
sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả
trên đất nước chúng ta.” (Tv 85:9-10) Chắc chắn ai cũng mơ ước một đất nước “đại
đồng” như vậy, nhưng có lẽ ước mơ vẫn chỉ là mơ ước đối với chúng ta trên thế
gian này, càng tệ hại hơn đối với cư dân ở các quốc gia vô thần.
Dù có thế nào thì chúng
ta cũng vẫn phải không ngừng ước mơ, khao khát, mong mỏi,… Nếu có Thiên Chúa
thì chắc chắn điều đó sẽ đạt được. Thời kỳ “đáng mơ ước” đó thực sự đã đến với
chúng ta, ngay trên thế gian này: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công
lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời
cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.” (Tv 85:11-14)
Nước Chúa đã đến, việc còn lại là trách nhiệm của chúng ta: Bài trừ mọi bất
công và thực hiện công lý. Có công lý ắt sẽ có hòa bình. Chưa có hòa bình vì
chúng ta chưa thực hiện công lý – nghĩa là chúng ta còn đàn áp nhau, áp bức kẻ
yếu, đè bẹp kẻ nghèo khổ, thậm chí còn “dàn cảnh” để đàn áp dân lành. Thánh
Phaolô khuyên: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng
ác.” (Rm 12:21)
Napoléon nói: “Thế giới
phải chìm đắm trong đau khổ không vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì
sự im lặng của những người tốt.” Đúng vậy. Và có liên quan vấn đề cá
nhân: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không đủ trí óc để trung
thực.” (Benjamin Franklin)
Thiên Chúa biết phàm nhân
“dẻo miệng” lắm, hứa rồi quên, nhưng Ngài vẫn hết mực yêu thương và chính thức
thiết lập Kế Hoạch Cứu Độ – ngay từ khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội bất tuân lệnh
của Thiên Chúa. Thật diễm phúc khi chúng ta có một Thiên Chúa tuyệt đối như vậy.
Thảo nào Thánh Phaolô đã không thể lặng im mà phải lên tiếng: “Chúc tụng Thiên
Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời,
Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong
Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan
Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Ep
1:3-4)
Rõ ràng hạnh phúc chồng
lên hạnh phúc, niềm vui nối kết nỗi mừng. Tại sao? Bởi vì không chỉ chúng ta được
gọi Thiên Chúa là Thân Phụ, mà còn được Ngài quan tâm chăm sóc không ngừng:
“Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử
nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng
cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta
được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.”
(Ep 1:5-7)
Quả thật, dành cả đời đời
của tỷ tỷ người để tạ ơn Ngài cũng không đủ chứ nói chi tới một cuộc đời của mỗi
chúng ta. Thánh Phaolô cho biết chi tiết: “Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban
cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý
nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức
Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng
làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi
đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu
tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.” (Ep
1:8-12)
Tất cả là hồng ân. Thật vậy,
Cựu Ước đã xác định: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa.”
(Hc 11:14) Không gì ngoài Thánh Ý Chúa, nhưng trong mọi hoàn cảnh, “Thiên Chúa
làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ
được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8:28) Sống theo Thánh Ý Chúa là
điều quan trọng tuyệt đối. Nhận biết được như vậy là bắt đầu trưởng thành tâm
linh. Nhưng muốn trưởng thành trong đời sống Kitô giáo, chúng ta cần phải có ba
yếu tố quan trọng: Yêu Thương, Tha Thứ, và Chấp Nhận. Đó là tam-giác-sống như
điều kiện ắt có và đủ.
Để động viên chúng ta sống
tích cực, Thánh Phaolô cho biết: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được
nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin,
anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng
phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc,
để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.” (Ep 1:13-14) Có tin tưởng thì mới chờ đợi,
khi chờ đợi thì phải hành động, chứng tỏ bằng hành động là can đảm gặp gỡ tha
nhân, muốn gặp gỡ thì phải đứng dậy và vào đời, vào đời hôm nay để vào trời
ngày mai. Đức Mẹ Fatima đã đặt vấn đề: “Nếu người ta biết thế nào là đời đời
thì người ta sẽ hành động bằng mọi giá.” Và có điều đặc biệt này: “Cửa Thiên
Đàng rất thấp, chỉ những người hạ mình mới có thể vào được.” (Thánh Elizabeth
Seton)
Trình thuật Mc 6:7-13 (≈
Mt 10:5-15; Lc 9:1-6) đề cập việc Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng.
Ngài sai họ đi từng đôi, từng cặp. Để cung cấp “hành trang” cho họ lên đường,
Ngài ban cho họ quyền trừ quỷ. Tuy nhiên, Ngài đưa ra chỉ thị xem chừng “không
giống ai” chút nào: Không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được
mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được
mặc hai áo. Chúa Giêsu nói rất rõ ràng, không úp mở, không bóng gió, thế mà
ngày nay vẫn thấy có người làm trái ngược, xao lãng cái chính mà chú trọng cái
phụ, lem nhem về chuyện tiền bạc, tìm mọi cách để có thể vơ vét...
Biết con người sợ khó,
thích nhàn, mê tiền, hám lợi, thế nên Chúa Giêsu bảo các môn đệ “ra đi với đôi
tay trắng,” không được dính bén vật chất, vì vật chất sẽ gây mù quáng. Ngài căn
dặn rất cặn kẽ: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, cứ ở lại đó cho đến
lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, khi ra khỏi
đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” (Mc 6:10-11) Người ta không tiếp nhận
mình thì thôi, đi nơi khác chứ cũng không ghét bỏ ai. Tự nhiên vậy thôi, như tục
ngữ Việt Nam có câu: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.” Chúa Giêsu luôn sống bình
dân, tự nhiên và thanh thản. Ngài không muốn ai miễn cưỡng nên Ngài không bao
giờ ép buộc ai.
Vâng lời Thầy Giêsu, các
môn đệ ra đi rao giảng Nước Trời, kêu gọi hoán cải, trừ quỷ, xức dầu và chữa khỏi
bệnh tật. Sống tốt giữa đời thường, thể hiện lòng thương xót, nhất là trong
tình trạng dịch bệnh hiện nay, để nêu gương sáng. Đó là cách sẵn sàng và can đảm
vào đời và sống giữa bầy sói. Khước từ tiện nghi cho mình để giũ sạch mọi thứ
tham lam, tà tâm, mưu ma chước quỷ.
Lạy Thiên
Chúa nhân lành, xin giúp chúng con biết khước từ chính mình để có thể thay đổi
những gì cần thay đổi, biết chia sẻ những gì cần chia sẻ, dám giũ sạch mọi đam
mê trần tục, biết khó với chính mình và sống nghiêm túc, để người khác có thể
nhận ra Ngài là Cha giàu lòng thương xót. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét