Hãy Trân trọng Người Thân và Cầu Nguyện Cho Quê Hương
Ở đời người ta hay nói:
“Khôn Nhà Dại Chợ” như ám chỉ cách cư xử của chúng ta thường là thiếu công bằng
với người thân của mình. Hiếm khi chúng ta đánh giá cao về người thân, và càng
hiếm khi chúng ta cám ơn về những việc mà người thân đã rất vất vả làm cho
chúng ta. Có đôi khi còn có những lời, những việc làm đau lòng người thân.
Người ta nói rằng khó mà
có một người đàn ông cư xử với vợ nhã nhặn, ôn hòa như anh ta từng nhỏ nhẹ , ân
cần với phụ nữ quen biết ở công ty hay gặp gỡ bên ngoài xã hội.
Và người ta cũng nói rằng
khó mà có một người phụ nữ ăn nói nhỏ nhẹ và cười duyên dáng với chồng như cô
ta đã từng cư xử với đồng nghiệp nam bên ngoài.
Cuộc sống luôn cho ta cơ
hội để vươn lên nhưng đừng quên rằng mỗi bước tiến của chúng ta luôn có sự hỗ
trợ của người thân bên cạnh trợ giúp chúng ta. Họ luôn là hậu phương hỗ trợ rất
nhiều cho sự thành công của chúng ta, nhưng đáng tiếc , chúng ta thường quên
công sức của họ và có khi còn xem thường người thân của mình.
Chính Chúa Giê-su cũng phải
chịu cùng một số phận đó. Dầu danh tiếng, địa vị của Ngài được mọi người khắp
nơi nhìn nhận, thế mà về quê hương vẫn bị sự thành kiến lấn át đến nỗi chỉ xem
Chúa Giê-su là một anh thợ mộc bình dị trong làng. Họ xì ra tán vào với nhau rằng:
“Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê,
Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của
ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,3). Từ cái nhìn
đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giê-su đã từng chua xót nói rằng:
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà
con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4).
Thật đáng tiếc cho người
đồng hương Nagiaret, vì đánh giá Chúa Giê-su theo lớp vỏ bên ngoài, nên họ cũng
đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giê-su ưu ái dành cho họ. Ở đời
phẩm giá cao trọng hơn chức quyền. Ở đời năng lực quan trọng hơn gia thế. Người
có chức quyền mà không có tư cách cũng chỉ làm hại cho xã hội. Người có gia thế
giầu có mà không có năng lực thì tiền núi bạc bể cũng tiêu tan. Rất đáng tiếc
khi người Do Thái lại đánh giá Chúa Giê-su dựa vào gia thế, nghề nghiệp mà không
dựa vào phẩm chất, năng lực mà Chúa đã thể hiện qua lời nói, việc làm đầy uy
quyền của mình trên hành trình truyền giáo..
Ở đời có khi “quen quá
hóa nhàm” đã làm cho chúng ta không nhìn được ưu điểm của người bên cạnh. Ở đời
có đôi khi chúng ta cũng chạy theo xu nịnh những người có gia thế giầu sang và xem thường người nghèo khó, cơ
hàn. Chúng ta tôn vinh người quyền thế mà xem thường người bé nhỏ tầm thường.
Chúng ta đề cao vật chất mà quên giá trị tinh thần. Chúng ta chạy theo số lượng
mà không quan tâm đến chất lượng. Chúng ta mãn nguyện vẻ bề ngoài mà bỏ quên
rèn luyện vẻ đẹp tâm hồn.
Khi viết lại cái nhìn lệch
lạc của người Do Thái về Chúa Giê-su, hình như thánh Marco cũng nhắc đến con
người hôm nay đừng đánh giá nhau trên vẻ bề ngoài mà hãy đánh giá nhau trên giá
trị của nhân phẩm. Đừng coi trọng cái áo người mặc mà hãy kính trọng tâm hồn
cao đẹp của nhau. Hãy nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn của nhau hơn là trầm trồ vẻ đẹp
bên ngoài, vì chưng: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu
nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người” .
Xin Chúa giúp chúng ta biết
sống cảm thông nâng đỡ những người bên cạnh và xin đừng vì thành kiến mà chúng
ta đối xử với nhau thiếu yêu thương và kính trọng. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét