CHÂN DUNG CHA GIẢI TỘI
Lm.
JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR- Sat, 26/06/2021
Một trong những việc cao
quý, quan trọng và cần thiết hơn cả mà chỉ có linh mục mới làm được cho các tín
hữu Chúa Kitô là ban Bí Tích Giải Tội cho họ. Thế nhưng thật đau lòng khi có
nhiều linh mục không yêu quý công việc cao trọng này. Càng đau lòng hơn nữa khi
có nhiều linh mục thay vì giúp các tín hữu đến gần Chúa và nên thánh nơi tòa giải
tội, thì họ lại giết hại linh hồn các hối nhân và đẩy họ rời xa Thiên Chúa và Hội
Thánh, bằng lối sống buông thả biếng nhác và những lời khuyên bảo lầm lạc độc hại
theo ý riêng của họ.
Để giúp các linh mục trở
nên những cha giải tội đích thực, nên những sứ giả và khí cụ hữu hiệu của Lòng
Chúa Thương Xót, trong dịp đến thăm Thánh Đường Thánh Anphong ở Pagani để kính
viếng hài cốt Thánh Anphong Maria Liguori-Tổ Phụ Dòng Chúa Cứu Thế-ngày 12/11/1990,
Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã ban huấn từ về Thánh Anphong cho các sĩ tử
Dòng Chúa Cứu Thế. Trong huấn từ này, dựa vào các giáo huấn của thánh nhân, Đức
Thánh Cha đã ghi lại những đặc nét căn bản nơi chân dung của một cha giải tội
đích thực như sau:
“Chúng con đã biết Thánh
Anphong chuyên tâm nghiên cứu thần học luân lý với tấm lòng yêu thương, đầy
khôn ngoan từ kinh nghiệm mục vụ và đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong nên
hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 23/07/1871. Trước đây 40 năm, ngày 26/04/1950, Đức
Giáo Hoàng Piô XII cũng đã đặt ngài làm ‘Thánh Quan Thầy Các Cha Giải Tội và
Các Nhà Thần Học Luân Lý’.
“‘Quan Thầy Các Cha Giải
Tội’-Thánh Anphong thật vô cùng xứng đáng với danh hiệu này. Từ những năm đầu đời
linh mục, thánh nhân đã siêng năng giải tội, đặc biệt trong những kỳ tĩnh tâm đại
phúc và có những kinh nghiệm độc đáo trong lãnh vực này. Vì thế, thánh nhân ý
thức được tính chất phức tạp của sứ vụ này, cũng như những lợi ích phong phú của
sứ vụ trong đời sống thiêng liêng của người tín hữu.
“Trong cuốn Giải Tội Thực
Hành, ngài đã đề ra những hướng dẫn cụ thể và hữu ích. Thánh Anphong víêt: ‘Cha
Giải Tội không được bằng lòng với sự giới hạn trong tình trạng được ơn thánh,
nhưng phải thấm nhuần tình bác ái khoan dung và sự thận trọng’. Nhờ có những đức
tính này, Cha Giải Tội sẽ trở nên thừa tác viên ban phát tình thương của Thiên
Chúa và chu toàn trách vụ có phần khó khăn của một hiền phụ, một lương y, một
tôn sư và một thẩm phán.
“Là hiền phụ,
Cha Giải Tội tiếp đón hối nhân trong sự chân thành và dành tình thương lớn hơn
cho những ai lỗi phạm nhiều hơn. Bằng những lời lẽ khoan dung, Cha Giải Tội
khích lệ họ tiếp tục hành trình đời sống Kitô hữu.
“Là lương
y, Cha Giải Tội cần thận trọng chẩn trị căn rễ
tội lỗi và đề ra phương thức trị liệu thích hợp cho bệnh nhân; nhờ đó hối nhân
có thể bắt đầu một đời sống mới xứng đáng hơn với nhân phẩm và trách nhiệm của
người con được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
“Là tôn sư, Cha
Giải Tội cần thông biết luật Thiên Chúa và đào sâu các khía cạnh của khoa thần
học luân lý. Cần tránh trình bày cho hối nhân ý kiến riêng, nhưng trình bày
giáo huấn đích thực của Hội Thánh.
“Là thẩm phán, Cha
Giải Tội phải công bình. Ngài luôn phán quyết theo sự thật, tuyệt nhiên không
theo vẻ bề ngoài, và cố gắng giúp hối nhân tin rằng họ luôn có chỗ trong quả
tim của Thiên Chúa là Cha Từ Ái.
“Những gợi ý thực tiễn
này vốn là kết quả của bao năm kinh nghiệm mục vụ của Thánh Anphong và ngày nay
vẫn còn giá trị cho những ai được kêu gọi để đưa Chúa Kitô đến trong Bí Tích
Hòa Giải: ‘Chúa Kitô, người anh em của nhân loại, thượng tế từ ái, trung tín và
khoan dung, người chăn chiên lành luôn tìm con chiên lạc’. Toàn bộ tác phẩm Thần
Học Luân Lý nhằm đến sứ vụ giải tội. Danh phẩm này không chỉ là một công trình
học thuật, nhưng là kết quả kinh nghiệm truyền giáo của thánh nhân. Thực vậy,
đó là bí mật giải thích tại sao danh phẩm ấy đạt tới mức thành công rực rỡ và
trường tồn. Kết tinh bao kinh nghiệm phục vụ thần học luân lý của Thánh Anphong
luôn được nuôi dưỡng từ nguồn tu đức phong phú và nhắm đến việc cứu rỗi.
“Thánh Anphong quả thực
là tôn sư về đời sống thiêng liêng! Trọn đời thánh nhân là chuỗi ngày hiến toàn
thân cho Chúa Kitô, yêu mến và dõi bước theo Ngài, cùng canh tân đời sống Kitô
hữu. Bằng cầu nguyện và chiêm niệm, hy sinh hãm mình và lòng tận tụy trong việc
mục vụ, trong việc nghiên cứu và giảng dạy thần học luân lý, Thánh Anphong đã
không ngừng đào sâu mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa, cội nguồn sự thánh thiện
chân thật.
“Theo vị tôn sư thánh thiện,
mục đích và bí quyết của sự trọn lành theo tinh thần Phúc Âm hệ ở điểm này: đáp
trả tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu của chúng ta.
“Chúng con, các tu sĩ
thân mến!
“Qua việc thánh hiến cho
Thiên Chúa, chúng con được kêu mời đi vào cuộc tình thâm giao với Đấng Hằng Sống.
Đừng để tạo vật nào chi phối ngoài Đức Kitô! Thánh Anphong từng nhắc nhở: Chúa
Kitô là cội nguồn thiện hảo và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Việc tuyên khấn các lời
khuyên Phúc Âm chẳng phải cốt ở sự từ bỏ mọi sự để theo Đấng ‘đã trút bỏ trọn vẹn
sự sống của mình để thu hút tình yêu của chúng ta’ đó sao? Không phải những diệu
cảm mà Ngài đã gieo vào mỗi người và Hội Dòng chúng con giúp chúng con tỏ lộ niềm
tri ân quảng đại đó sao?
“Hội Thánh và nhân loại
đang mong chờ nơi chúng con là những người đã tận hiến cho Thiên Chúa chứng từ
căn bản này: Thanh thoát mọi ràng buộc để chỉ sống cho Đức Kitô và Nước Trời.
Nói đến sống cho Đức Kitô và Nước Trời là nói đến tình yêu, một tình yêu dẫn đến
hành động và đòi hỏi sự bỏ mình liên lỉ, lòng trung thành kiên vững và một đời
sống gương mẫu. Chúng ta không thể đạt được điều này với sức riêng mình, nhưng
nhờ vào lòng thương xót Chúa.
“Chúng con thân mến,
“Hãy nhìn lên vị thánh
quan thầy, ngài là một tôn sư về sự thánh thiện cho chúng con và toàn thể dân
Chúa. Hãy làm môn đệ của ngài. Thánh nhân sẽ nói với chúng con, ngài thường
khuyên nhủ các con cái thiêng liêng trong cuốn Dẫn Đường Mến Chúa: ‘Tất cả sự
thánh thiện cốt ở lòng mến Chúa, và tất cả lòng mến Chúa cốt ở việc thực thi
thánh ý Ngài’.
“Nhưng làm sao ta có thể
khám phá ra thánh ý Chúa? Câu trả lời của Thánh Anphong thật sâu xa và chính
xác. Người thành thực ước muốn đón Chúa vào trong đời mình sẽ có phương thế để
biết được thánh ý Ngài. Trước tiên, họ lắng nghe tiếng lương tâm, qua đó họ sẽ
nghe được lời phán dạy của chính Thiên Chúa. Kế đến, lắng nghe Lời mặc khải
trình bày chương trình cứu độ của Thiên Chúa và kêu gọi mọi người sống theo Lời
Ngài. Sự hiểu biết Lời Chúa được trợ giúp bởi giáo huấn của Hội Thánh dưới sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, những suy tư của các thần học gia, những
người dùng lý trí được đức tin soi sáng trong sự thông hiệp với Hội Thánh, cũng
giúp tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn trong dòng lịch sử.
“Thánh Anphong ý thức
trách nhiệm đóng góp những suy tư này. Trong suốt cuộc đời, thánh nhân đã ra
công nghiên cứu thần học và coi đó là thực thi lòng mến đối với tha nhân. Những
sửa đổi ngài thực hiện trong lần tái bản bộ Thần Học Luân Lý là bằng chứng hùng
hồn về sự tận tâm son sắt của ngài. Với tư cách là nhà thần học luân lý, ngài
luôn suy tư và tìm kíêm trong tinh thần trung thành với sự thật của Phúc Âm, với
phẩm giá con người và sự kính trọng sự tự do chân chính của họ.
“Hai thế kỷ đã trôi qua.
Những vấn đề mới, gắn liền với những tiến bộ về kỹ thuật và thay đổi về văn hóa
xã hội, hiện thách đố các chuyên gia thần học luân lý. Thế nên những suy tư thần
học và những hướng dẫn mục vụ của Thánh Anphong cần được hội nhập và cập nhật
hóa. Tuy vậy những tiêu chuẩn chỉ đạo của thánh nhân trong lãnh vực thần học và
mục vụ vẫn luôn có giá trị. Ngày nay, các nhà thần học luân lý và người làm việc
mục vụ vẫn có thể học hỏi được từ đó. Tìm kiếm thánh ý Chúa trong hoàn cảnh cụ
thể- một điều mà Thánh Anphong không ngừng nhấn mạnh-chỉ có thể tìm ra dưới ánh
sáng Lời Chúa và sự hướng dẫn của giáo huấn Hội Thánh. Có thế, đời sống chúng
ta mới đầy lòng mến và nhiệt thành cho việc cứu rỗi các linh hồn.
“Cha khấn xin Thánh
Anphong phù trợ cho chúng con trong sứ vụ tông đồ và ước ao rằng mỗi Kitô hữu
ngày càng thêm xác tín rằng: Mở rộng tâm hồn đón nhận lòng thương xót Chúa là
con đường trưởng thành nhất dẫn đến chân lý trong sự tự do của con cái Chúa. Thực
vậy, luật trọn hảo của người tín hữu là lòng mến Đức Kitô, Đấng đã hiến mình
cho nhân loại để nhân loại lãnh nhận ơn tha thứ và cứu độ.
“Với ước nguyện này, Cha
chúc lành cho tất cả chúng con.
“Ngợi khen Chúa Giêsu và
Mẹ Maria”
Lạy Chúa,
xin ban tràn đầy Thánh Thần tình yêu và chân lý của Chúa cho các linh mục của
Chúa, để các ngài luôn có cùng trí ý với Hội Thánh và trung thành dẫn dắt mọi
tín hữu chúng con bước đi trên đường cứu độ và toàn thiện mà đạt tới Nước Trời,
để chúng con sẽ được diễm phúc cùng Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh,
và các ngài-những linh mục Chúa đã đang hay sẽ gửi đến trong đời chúng con-đời
đời ca ngợi Lòng Thương Xót Chúa. Amen.
(April 14th, 2010)
PS: “Tình huynh đệ đích
thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là
thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài
viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở mục “Trong Lòng Hội
Thánh” trong số tháng 5 năm 2010. Nay xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả
Thanhlinh.net. HP (June 25th, 2021).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét