Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Lương tâm một người đáng giá bao nhiêu?


Lương  tâm  một  người  đáng  giá  bao  nhiêu?
Sưu Tầm •Thứ Bảy, 05/05/2018 • trithucvn.net



Lương tâm một người đáng giá bao nhiêu?
Lương tâm một người liệu có thể đo được bằng tiền?

Hà Tam là lái xe chở hàng hóa. Hôm nay, xe đang bon bon chạy trên đường bỗng nhiên “khực” một cái rồi dừng lại. “Xe hỏng rồi!”. Anh xuống xe, đến bên vệ đường vác hai hòn đá to chặn bánh sau lại, rồi chui vào gầm sửa xe. Khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ thì xong. Anh lên xe nổ máy chuẩn bị đi tiếp.

Đúng lúc đó có một ông lão chăn bò bên cạnh đường chạy đến đập đập tay vào cửa xe, nói rất to: “Này anh lái xe, anh đánh rơi đồ kìa!”. Ông lão vừa nói vừa chỉ chỉ về phía sau xe. Hà Tam đoán ông lão nhắc đến hai hòn đá chặn bánh sau xe mà mình vác ra lúc nãy. Anh toét miệng cười, nói do vội đi nên quên mất. Nói vậy song anh vẫn cố ý nhấn ga cho xe chạy.

Ông lão vừa đuổi theo vừa quát to: “Anh làm người như thế à? Làm người phải có lương tâm chứ? Anh bỏ hai hòn đá to ở trên đường để cho người ta…”

Những lời trách cứ của ông lão chăn bò bị bỏ lại cùng đám bụi phía sau xe. Hà Tam cười thầm trong bụng: “Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân?”

Chạy hơn trăm cây số vào thành phố, đến trạm kiểm tra của cảnh sát, Hà Tam hết sờ túi này lại nắn túi nọ, tìm mãi không thấy giấy phép lái xe đâu. Anh thừ người ra: “Giấy phép lái xe rõ ràng là để trong chiếc ví da lúc nào cũng mang trong người, vậy sao lại tìm không thấy?”. Cẩn thận nhớ lại, anh mới chắc là chiếc ví da đã bị rơi khi mình chui vào gầm xe sửa chữa. Đành phải để xe lại trạm cảnh sát, Hà Tam vội vã vẫy taxi quay lại chỗ sửa xe ban nãy.

Khi quay lại, Hà Tam tìm khắp nơi không thấy cái ví cũng không thấy ông lão chăn bò đâu. Hai hòn đá chặn bánh xe đã được ai đó khuân vào để bên vệ đường. Trên hòn đá thấy dán mảnh giấy có mấy chữ xiêu xiêu vẹo vẹo: “Muốn lấy lại giấy tờ thì phải vác hòn đá này lên trên đồi”.

Ôi trời ơi! Hòn đá vừa to vừa nặng, ngọn đồi trước mặt lại vừa cao vừa dốc, vác hòn đá này liệu có bò lên được trên đó không? Hà Tam kêu to lên: “Đừng bắt ép người ta như thế! Cần bao nhiêu tiền cứ ra giá đi!”.

Khi Hà Tam vác hòn đá đến chân đồi thì thấy một cái mũ lá có kẹp một tờ giấy viết mấy chữ: “Đừng nói đến tiền, xin mời lên đồi”. Hà Tam tiếp tục đi, được một đoạn lại thấy cái mũ lá cũng có tờ giấy yêu cầu Hà Tam cứ vác đá lên đồi, các chuyện khác miễn bàn. Không còn cách nào khác, Hà Tam đành phải bê hòn đá vất vả từng bước bò lên.

Lên được đỉnh đồi thật không dễ gì. Vậy mà trên đó không thấy có người cũng không thấy giấy tờ lái xe, chỉ thấy có tờ giấy dán trên một thân cây yêu cầu Hà Tam vác hòn đá theo hướng chỉ dẫn đi xuống phía dưới.

Xuống được dưới chân đồi vẫn không thấy giấy tờ, ngoài một tờ giấy yêu cầu Hà Tam vác hòn đá đi ngược trở lên. Cứ như thế theo hướng chỉ dẫn trên các tờ giấy, Hà Tam vác hòn đá đi qua mấy quả đồi nhỏ, mệt tưởng chết, cuối cùng mới thấy cái ví da của mình đặt trên một nấm mồ đất trơ trọi.

Giấy tờ đủ cả, tiền bạc không thiếu một xu.

Dưới cái ví tiền còn có một tờ giấy viết:
“Cái ví này là do tôi nhặt được, bây giờ nó đã trở về với chủ của nó. Anh có biết vì sao tôi lại bắt anh vác hòn đá đi một quãng đường xa đến trước nấm mồ này không? Đây là mộ của con trai tôi. Vào một đêm 2 năm trước, nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá to của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý:

“Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm”.

(Sưu tầm)



25 điều cấm có thể bạn không nghĩ chúng tồn tại

Xung đột vì khác biệt văn hóa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khi bạn đến một đất nước khác, nhưng chúng lại xảy đến dưới muôn hình vạn trạng, có thể bạn không ngờ tới. Một cái ôm vô hại tới việc châm điếu thuốc ngoài đường,… hành vi có thể là bình thường ở nước bạn nhưng lại bị coi là phạm pháp ở quốc gia khác.
Bạn nên ghi nhớ một số điều cấm có vẻ lạ lùng và thậm chí có phần vô lý dưới đây cho những chuyến du lịch sắp tới để tránh khỏi bị ngỡ ngàng, bị phạt hay thậm chí còn tệ hơn nữa.

1. Thuốc hít Vicks bị cấm tại Nhật Bản



(Ảnh: PUHHHA/SHUTTERSTOCK)


Tại Nhật Bản, các loại thuốc không cần kê đơn với những loại bệnh dị ứng hoặc viêm xoang mũi có chứa chất kích thích (pseudoephedrine) như ống hít Vicks, thuốc chống dị ứng Sudafed,… bị cấm theo Luật cấm các loại thuốc chứa chất kích thích của quốc gia này.
Các loại thuốc giảm đau đặc trị cũng bị cấm và bạn không nên mang theo khi đi du lịch Nhật Bản.

2. Không được ăn uống trên các bậc thềm nhà thờ Ý

Ở Ý, hãy cẩn trọng và tìm hiểu về những nơi bạn có thể thư giãn để ăn bữa trưa hoặc uống nước giải khát. Tại thành phố Florence, sẽ là phạm luật nếu ăn uống khi ngồi trên các bậc thềm hay trong khuôn viên của nhà thờ. Luật này cũng áp dụng khi ăn uống ở gần các tòa nhà công. Hãy tránh những nơi này ra khi muốn ăn uống để không bị phạt.

3. Đến Fiji không được phép tắm ‘khỏa thân’ ở bãi biển

Fiji là thiên đường xinh đẹp vùng nhiệt đới, nơi tắm nắng và bơi lội là một phần của cuộc sống thường ngày, nhưng đừng để bị bắt phạt khi không mặc quần (hoặc áo). Khỏa thân nơi công cộng và tắm trần bị cấm tại đây.  

4. Cho chim bồ câu ăn ở San Francisco là phạm luật



Cấm cho chim bồ câu ăn ở San Francisco
(Ảnh: CHINGYUNSONG/SHUTTERSTOCK)


Sẽ là phạm luật nếu cho chim bồ câu ăn trên đường phố ở San Francisco. Thành phố nổi tiếng với cây cầu Cổng Vàng cho rằng lũ chim bồ câu có mặt khắp nơi này phát tán dịch bệnh và gây hư hại tài sản. Nếu bị bắt gặp đang cho chim bồ câu ăn ở San Francisco, bạn có thể đối mặt với một mức phạt nặng. Công dân ở đây còn được khuyến khích tố cáo người nào cho chim bồ câu ăn với Sở Cảnh sát thành phố.

5. Nhớ để cuốn Kinh Thánh ở nhà trước khi đến Maldives

Tại Maldives (nơi bạn có thể tìm thấy bãi biển phát sáng trong đêm), bất kỳ sự tôn kính đối với tôn giáo nào khác ngoài Hồi giáo đều bị cấm, và sẽ là phạm pháp nếu mang Kinh Thánh khi nhập cảnh vào đất nước này. Để tránh gây bức xúc cho người dân bản địa hoặc phạm luật, đừng mang Kinh Thánh theo khi đến đây.

6. Cẩn thận với chiếc máy ảnh của bạn ở Kazakhstan

Bạn muốn tranh thủ chụp một tấm ảnh cuối cùng của gia đình trong sân bay trước khi lên máy bay? Điều này là phạm pháp tại Kazakhstan. Chụp ảnh bên trong và xung quanh các sân bay là phạm luật, và việc chụp các tòa nhà quân đội hoặc công sở cũng không được phép. 

 7. Đừng hút cần sa ở Jamaica

Cần sa bị cấm ở rất nhiều quốc gia trên thế giưới, nhưng có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng cần sa bị cấm ở Jamaica. Bởi lẽ, Jamaica là nước sản xuất cần sa lớn nhất Mỹ Latin. Kể từ năm 1913, nước này đã ban hành luật quy định việc trồng trọt, sử dụng và sở hữu cần sa là bất hợp pháp. Người nào bị bắt với một lượng nhỏ cây cần sa cũng có thể đối mặt mức án tù dài hạn.

8. Chuẩn bị sẵn dụng cụ đo nồng độ cồn khi lái xe ở Pháp



mang theo thiết bị đo nồng độ cồn khi đến Pháp
(Ảnh: ANDREY_POPOV/SHUTTERSTOCK)


Tại Pháp, theo luật pháp quy định, tài xế phải đem theo dụng cụ đo nồng độ cồn di động trong xe của mình. Nếu bạn bị bắt gặp không có dụng cụ này trong xe, bạn sẽ phải chịu phạt 11 Euro ngay lập tức. Với du khách ngồi sau tay lái, luật này cũng áp dụng với các bạn đấy nhé.

9. Đừng thổ lộ tình cảm ở nơi công cộng khi đến các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất

Bạn nên tránh những cử chỉ thể hiện tình cảm nơi công cộng như ôm, hôn, nắm tay khi đến các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Đã có những du khách bị bắt giam trong tù vì tội hôn nhau nơi công cộng. Hãy giữ những giây phút tình tứ này ở chốn riêng tư trong phòng. 

10. Nhớ luôn mặc quần dài khi đến Hy Lạp

Người Hy Lạp không thích hành vi khiếm nhã. Bạn nên mặc quần cạp cao và có thể dùng thắt lưng để gia cho cạp không bị trễ xuống. Mặc quần mà bị hở quần trong là hành vi phạm tội ở Hy Lạp, có thể bị lãnh mức phạt tiền rất nặng hoặc thậm chí là ngồi tù.

11. Đồ bơi chỉ được mặc trên bãi biển ở Barcelona

Nhớ đừng có mặc bikini hoặc quần bơi lang thang ngoài khu vực bờ biển Barcelona nhé. Tại thành phố của đất nước Tây Ban Nha này, mặc đồ bơi trên các đường phố nơi công cộng bị cấm. Hãy mặc quần áo vào hoặc thay đồ bơi ra nếu bạn dự định rời bãi biển để dạo quanh thành phố, nếu không bạn sẽ nhẵn túi vì mức phạt rất nặng.

12. Không được vứt mẩu thuốc lá và hãy cẩn thận khi nhai kẹo cao su ở Singapore



(Ảnh: ACOB LUND/SHUTTERSTOCK)


Luật cấm hút thuốc ở Singapore còn khắt khe hơn cả ở Bắc Mỹ. Hút thuốc ở những nơi công cộng như nhà hàng, ngoài phố, trong công viên, đều bị ‘tặng’ một vé phạt tại đất nước Đông Nam Á này. Kẹo cao su cũng không nằm ngoài các quy định nghiêm ngặt này. Nhai kẹo cao su khi đi trên hệ thống tàu cao tốc ở Singapore là trái pháp luật, hút thuốc cũng vậy, hành vi này cũng bị phạt. 

13. Đừng trút hết tiền xu trong ống heo để đi mua sắm ở Canada 
Nếu bạn muốn mua sắm ở Canada, đừng có mong thu ngân chấp nhận bạn thanh toán chỉ bằng đống tiền xu. Theo quy định tiền tệ của Canada, các cửa hàng có thể từ chối thanh toán cho khách hàng trả tiền lượng lớn tiền xu. Chẳng hạn với những đồng xu lẻ, khách hàng sẽ bị từ chối nếu muốn sử dụng nhiều hơn 25 đồng 1 xu cho mỗi lần thanh toán.

14. Tuân theo hướng dẫn đặt tên con ở Đan Mạch

Những ai sắp làm cha mẹ không thể thoải mái sáng tạo khi đặt tên cho con mình. Theo Luật Tên riêng ở Đan Mạch, tên con phải được chọn từ danh sách 7.000 tên sẵn có đã được chính phủ phê duyệt. Nếu họ muốn chọn một cái tên đặc biệt hơn, họ phải được có quan có thẩm quyền phê duyệt. 

15. Đừng mang theo hay chơi súng nước ở Phnom Penh

Dường như cư dân ở Phnom Penh (thủ đô Campuchia) có thể ‘phát điên’ với súng nước. Năm 2001, Thống Đốc Chia Sôphara ban hành lệnh cấm bán và nhập khẩu tất cả súng nước nhằm giảm thiểu tai nạn và xô xát đối với những ai có ác ý khi sử dụng loại đồ chơi này. Ông lo sợ việc sử dụng chúng có thể gây ra bất ổn trong xã hội và mất an ninh trong dịp Tết Khơ me.

16. Đạp xe cẩn thận ở Mê-xi-cô



điều cấm lạ lùng, điều cấm
(Ảnh: SYDA PRODUCTIONS/SHUTTERSTOCK)

Bạn đã từng nghe về việc đạp xe bất cẩn, nhưng ở Mê-xi-cô, họ còn quan tâm tới những người đạp xe. Bất kỳ ai đi xe đạp đều bị cấm nhấc chân ra khỏi bàn đạp khi xe đang di chuyển bởi họ có thể mất kiểm soát tay lái. Nghe có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng những nhà lập pháp thực chất chỉ lo cho sự an toàn của những người đạp xe mà thôi.

17. Không được làm người khác say rượu ở Úc

Các quán rượu trên khắp thế giới đều mở với một mục đích là phục vụ bia rượu. Tuy nhiên, Luật pháp Úc quy định bất kỳ công dân nào có giấy phép kinh doanh rượu đều bị cấm tổ chức các “chiêu trò hoặc khuyến mãi thi uống bia rượu nhanh hoặc uống nhiều quá mức”.  Làm cho khách hàng say quá mức ở đất nước này có thể chịu mức phạt 12.600 USD. 

18. Giữ trật tự ở Canada

Thành phố Petrolia ở bang Ontario có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với Bomont, một thị trấn hư cấu trong bộ phim Bước Nhảy Vui Nhộn. Nhảy không bị cấm, nhưng ồn ào quá thì lại là một rắc rối lớn, có nghĩa là không được hát hò, huýt sáo và la hét từ 11 giờ đêm tới 7 giờ sáng.

19. Giày cao gót bị cấm ở các khu di tích lịch sử của Hy Lạp

Chính quyền nước này cấm bất kỳ ai mang giày cao gót đến một số di tích cổ xưa vì chúng có thể gây hư hại cho di tích. Đài Phát thanh Công chúng Quốc Gia cũng đưa tin rằng đồ ăn thức uống cũng bị cấm, sau khi các công nhân trùng tu phát hiện 22,38 kg kẹo cao su dính ở dưới ghế của một nhà hát được xây dựng từ năm 161 sau Công Nguyên.

20. Phải trân trọng tiền ở Thái Lan



điều cấm lạ lùng, điều cấm
(Ảnh: CRSTUDIO/SHUTTERSTOCK)


Chúng tôi không đề cập đến việc phải tiêu xài tiền một cách khôn ngoan. Việc giẫm đạp lên tiền Thái, gọi là Baht, bị cấm bởi vì có chân dung của nhân vật gia đình hoàng gia Thái Lan trên đó. Việc thể hiện sự bất kính với hình ảnh của người trong gia đình hoàng gia đã bị cấm từ năm 1908, và bạn có thể bị phạt tù.

21. Phải thường xuyên đến thăm cha mẹ nếu bạn sống ở Trung Quốc

Vào năm 2013, Trung Quốc thông qua Luật Quyền Lợi của Người Cao Tuổi, trong đó quy định những người trưởng thành phải có trách nhiệm “thường xuyên” về thăm cha mẹ già của mình. Không có từ nào giải thích rõ ràng “thường xuyên” là bao nhiêu lần, nhưng nếu người nào không thực hiện, tòa án có thể buộc phải ấn định số lần mỗi tháng họ phải đến thăm cha mẹ mình.

22. Đừng có đem khoai tây Ba Lan vào Anh quốc

Năm 2004, quan chức chính phủ Anh quốc cấm nhập khẩu khoai tây có xuất xứ từ Ba Lan. Nhưng điều đó không có nghĩa người Anh có điều gì chống đối lại người Ba Lan. Luật này ban hành do sự lây lan của dịch bệnh thối vòng vi khuẩn (một loại dịch bệnh có thể phá hoại mùa màng khoai tây) có trên khoai tây của Ba Lan. Trong khi luật này có mục đích chính đáng thì luật tương tự ở Mỹ không được xem như vậy. 

23. Đừng có gian lận trong thi cử ở Bangladesh



điều cấm lạ lùng, điều cấm
(Ảnh: ntvbd.com)

Ai cũng biết là gian lận trong thi cử là sai trái. Nhiều trường học, đặc biệt là các trường đại học, học sinh sẽ bị cảnh cáo đuổi học nếu bị bắt gặp gian lận, nhưng ở Bangladesh, hình phạt còn nghiêm khắc hơn. Trẻ em từ 15 tuổi trở lên có thể phải ngồi tù nếu gian lận trong các kỳ thi cuối năm.


24. Nghe nhạc của nghệ sĩ Canada tại Canada

Hãy mở những bản nhạc của Celine Dion, Michael Bublé và Justin Bieber… khi ở Canada. Ủy ban Phát thanh-Truyền hình và Truyền thông Canada quy định rằng tất cả các đài phát thanh tiếng Anh và tiếng Pháp phát những ca khúc thịnh hành (như 40 ca khúc đứng đầu được ưa thích nhất của Mỹ) phải đảm bảo rằng 35% các ca khúc đó phải do các nghệ sĩ Canada thực hiện.

25. Đừng chửi thề ở vùng Caribe

Ở đảo quốc Saint Kitts, cũng được gọi là Đảo quốc Christopher, có luật lệ khắt khe đối với hành vi văng tục, nói bậy nơi công cộng và nếu không tuân thủ bạn có thể bị bắt. Đó là chuyện đã xảy ra với tay rapper 50 Cent khi anh chàng buông lời tục tĩu trong một buổi diễn năm 2016. Đừng có đùa với cảnh sát ở đây.  
Theo RD
Thanh Nhàn

ĂN THẦN LƯƠNG HƯỞNG THẦN DƯỢC


ĂN  THẦN  LƯƠNG  HƯỞNG  THẦN  DƯỢC
( Lễ  Mình  Máu  Thánh  Chúa  Giêsu,    năm B)


CHÚA GIÊSU LÀ BÁNH THÁNH HẰNG SỐNG
NGƯỜI LÃNH NHẬN THỎA LINH HỒN ẤM NO

Trong Ga 6:35, Chúa Giêsu đã xác định điều đó. Người lãnh nhận không còn đói khát nữa, không chỉ được sống mà còn sống dồi dào, và đặc biệt là “khỏi phải chết” (Ga 6:50). Ngược lại, nếu không lãnh nhận Mình Máu Ngài, chúng ta sẽ sống èo uột và tất nhiên sẽ không có sự sống đời đời. Thánh Thể vừa là Thần Lương vừa là Thần Dược.
Đối với phàm nhân, việc ăn uống là “cái sự sung sướng” đệ nhất trong tứ khoái. Tuy nhiên, ăn uống không chỉ là khoái khẩu mà còn là nuôi sống thân xác. Ăn uống cũng là nét văn hóa: Văn hóa ẩm thực. Ăn uống không chỉ là đưa ẩm thực vào miệng, nhai, nuốt và tiêu hóa theo sinh lý tự nhiên, mà còn phải học cách ăn để biết cách ăn, như tục ngữ Việt Nam nói: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Là thụ tạo, thân xác con người cần có lương thực để sống; tương tự, tâm hồn cũng cần loại lương thực đặc trưng để sống. Người Công giáo hạnh phúc có được một loại “siêu ẩm thực” – gọi là Thần Lương, đó chính là Thánh Thể của chính Đức-Kitô-Thiên-Chúa-Nhập-Thể-Làm-Người. Ai ăn Thánh Thể Ngài và uống Bửu Huyết Ngài thì không còn đói khát và được hứa ban sự sống đời đời.
Chúng ta thường thấy chữ IHS (hoặc JHS), nghĩa là Iesus Hominum Salvator – Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ Nhân Loại. Chữ viết tắt này xuất hiện từ thế kỷ VIII: DN IHS CHS REX REGNANTIUM. Ba chữ đầu được viết tắt từ câu “DomiNus IHeSus CHristuS” – “Chúa Giêsu Kitô là Vua các vua”. Chân phước Gioan Colombini (qua đời năm 1367) thường viết chữ này trước ngực. Người ta còn thêm mẫu tự V (hình ba dấu đinh) vào chữ IHS thành IHSV. Dạng này được Thánh Inhaxiô dùng làm biểu tượng của các tu sĩ Dòng Tên. IHSV là viết tắt câu “In Hoc Signo Vinces” (Nhờ dấu này, bạn sẽ chiến thắng), được coi là ám chỉ chiến thắng mà Hoàng đế Constantine đã đánh bại Maxentius tại Cầu Milvian ngày 28 tháng Mười năm 312.

HUYẾT ƯỚC ĐƯỢC THIẾT LẬP
Cựu Ước cho biết rằng từ ngàn xưa, ông Môsê xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, CHÚNG TÔI SẼ THI HÀNH” (Xh 24:3). Đó là lời phàm nhân hứa với Đức Chúa. Chính ông Môsê đã chép lại mọi lời của Đức Chúa đã truyền.
Ngay sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Đó chính là Giao Ước và là Thập Giới (Mười Điều Răn). Dâng lễ toàn thiêu, ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa rồi ông Môsê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24:7). Ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24:8). Một Huyết Ước đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và nhân loại – giữa Tạo Hóa (Tạo Vật) với Thụ Tạo.
Được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài với bản chất “nhân chi sơ tính bổn thiện”, thế nhưng con người ngang ngược và kiêu căng, tự biến mình thành tội nhân – nghĩa là tất cả chúng ta đều hoàn toàn bất xứng. Tuy vậy, Thiên Chúa không coi chúng ta là tôi tớ và lại thiết lập Giao Ước Mới với nhân loại. Vì thế, chúng ta lại càng phải biết dâng lời tạ ơn. Giáo Hội đã dùng Tv 116 để dâng lời tạ ơn, vì Thánh Vịnh này chính là Lời Kinh Tạ Ơn. Thiên Chúa chí thánh và cao sang vô cùng, chúng ta không có gì đền đáp cho cân xứng: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho?” (Tv 116:12). Tự vấn như vậy rồi thì cũng nhận ra mình là Con-Số-Không quá lớn, và chỉ còn biết tin cậy vào Thiên Chúa mà tự thề hứa: “Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu Thánh Danh Ðức Chúa” (Tv 116:12-13).
Ôi, ân nghĩa Thiên Chúa cao dày khôn ví! Chúng ta phải chân thành khiêm nhường nhìn nhận: “Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi” (Tv 116:16), và phải tự hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Ngài” (Tv 116:18). Vâng, chính chúng ta tự hứa thì cũng phải tự xử trước khi Thiên Chúa xử.
Liên quan Giao Ước và Máu, Thánh Phaolô cho chúng ta biết qua thư gởi giáo đoàn Do Thái: “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Ngài đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Ngài đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với CHÍNH MÁU CỦA MÌNH, Ngài vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ƠN CỨU CHUỘC VĨNH VIỄN cho chúng ta” (Dt 9:11-12). Rồi thánh nhân vừa giải thích vừa kết luận: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch thì Máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Ngài THANH TẨY LƯƠNG TÂM chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi QUYỀN LÃNH NHẬN GIA NGHIỆP VĨNH CỬU Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9:13-15). Thánh Phaolô nói rõ ràng quá chừng!
Máu là loại chất lỏng rất đặc biệt, nó duy trì sự sống trong cơ thể con người – và động vật. Mất máu nhiều thì không thể sống, nghĩa là chết. Ngày xưa, khi thề hứa với nhau điều quan trọng, người ta thường “cắt máu ăn thề” (mỗi người tự lấy chút máu của mình, hòa vào chung rượu, rồi chia nhau uống), nhất là khi kết nghĩa huynh đệ. Và Thiên Chúa cũng đã thiết lập Huyết Ước với nhân loại chúng ta.

HUYẾT ƯỚC ĐƯỢC THỰC HIỆN


Thánh sử Mác-cô cho biết: Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, ngày sát tế chiên Vượt Qua, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta” (Mc 14:13-15). Hai môn đệ ra đi vào thành, các ông thấy mọi sự y như Ngài đã nói. Và các ông dọn dạ tiệc Vượt Qua.
Khi đang bữa ăn, Đức Giêsu CẦM LẤY bánh, dâng lời CHÚC TỤNG, BẺ RA, TRAO CHO các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14:22). Rồi Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các ông, và nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14:24). Đây là phép lạ lớn nhất và là mầu nhiệm đức tin, nếu không có đức tin thì không thể nào tin nổi. Bánh và rượu được thánh hóa để trở thành Thánh Thể của Đức Giêsu Kitô, làm Thần Lương nuôi sống chúng ta hằng ngày. Đó cũng là Giao Ước được thực hiện, đúng với lời hứa mà Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về cùng Chúa Cha: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài lập Bí tích Thánh Thể và cũng lập chức Linh mục kỳ diệu, bởi vì phàm nhân mà được Chúa trao quyền hành động thay mặt Ngài.
Sau khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ân cần nhắn nhủ: “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14:25). Ngài về Thiên quốc trước để dọn chỗ cho chúng ta, những người tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ.
Để tỏ lòng kính mến Thánh Thể và đáp lại Tình Ngài, mỗi ngày chúng ta nên RƯỚC LỄ THẬT, rước lễ xong thì hãy đắm mình trong Ngài để hòa tan với Ngài và chuyện trò với Ngài. Mọi lúc khác trong ngày, chúng ta cũng nên RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG, nếu có thể thì chầu Thánh Thể chung hoặc riêng. Thánh LM TS Thomas Aquinas, thần học gia lỗi lạc, cho biết: “Rước lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như rước lễ thật, nhưng còn tùy chúng ta dọn mình kỹ hay không, có tha thiết ao ước Chúa hay không, và có yêu mến Chúa nhiều hay không”.
Chúa Giêsu vẫn luôn ở nơi Nhà Tạm chờ đợi chúng ta tâm sự với Ngài, không phải chúng ta an ủi Ngài mà chúng ta được Ngài an ủi. Thánh Thể và Thánh Tâm phải được chúng ta ưu tiên, và đó cũng là tôn kính Lòng Chúa Thương Xót vậy.
Liên quan Thánh Thể, trên trang CongGiaoDanThan.com, tác giả Nguyễn Hy Vọng kể câu chuyện xảy ra thật tại Việt Nam thế này: Năm 1954, sau khi chiếm miền Bắc, một toán công an cộng sản vào nhà dòng kín Bùi Chu lục soát. Khi đến Nhà Nguyện, lúc các nữ tu đang chầu Mình Thánh, một tên cộng sản lớn tiếng la lối: “Chúa của các người ở đâu?”. Nữ tu chỉ Nhà Tạm trên bàn thờ, tên này lấy súng mang trên người nhắm Nhà Tạm. Hắn bắn vỡ chén thánh và Mình Thánh Chúa đổ ra vương vãi. Bắn xong, hắn vẫn đứng yên, chĩa súng vào Nhà Tạm như muốn bắn tiếp. Các nữ tu vô cùng đau lòng vì Mình Thánh Chúa bị xúc phạm, nên quỳ xuống, van xin anh đừng bắn nữa, nhưng khi chạm đến hắn, các nữ tu mới biết hắn chỉ còn là cái xác không hồn: HẮN CHẾT ĐỨNG!

Lạy Thánh Tử Giêsu, xin thanh tẩy tâm hồn chúng con để chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể Ngài mỗi ngày, xin Thánh Thể Ngài ban cho chúng con phúc trường sinh, chứ không là cớ khiến chúng con bị án phạt đời đời vì tội bất xứng. Ngài là Đấng cứu độ nhân loại, hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

TÔI MUỐN TỰ LÀM MẸ VÀ DẬY CON THEO Ý MÌNH


TÔI  MUỐN  TỰ  LÀM  MẸ  VÀ  DẬY  CON  THEO  Ý  MÌNH
Wed, 16/05/2018 -Trần Mỹ Duyệt




Cách đây không lâu, con gái của một người bạn tôi nói với anh ta: “Con muốn có một đứa con với bạn trai của con nhưng con không muốn lấy anh ta”. Một tư tưởng nghe hơi lạ đối với phần đông phụ huynh như chúng ta. Những người mà ảnh hưởng giáo dục về tình yêu, hôn nhân, gia đình và vai trò làm cha mẹ được đặt nặng và xây trên nền tảng luân lý, đạo đức. Những người mà xã hội tiên tiến ngày nay có cái nhìn phê phán cho rằng họ “cổ hủ”, “lỗi thời”, và lối sống “kém văn minh”.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về quan niệm của cô con gái này, làm sao để có một lối giải thích, một hướng dẫn cho tuổi trẻ ngày nay khi mà những giá trị căn bản về tình yêu, hôn nhân, gia đình và trách nhiệm cha mẹ được đánh giá bằng những suy nghĩ phóng khoáng, bất chấp luân lý, đạo đức. Khi mà nền tảng của xã hội đang bị băng hoại, nền tảng gia đình đang bị phá vỡ, sụp lở bởi những trào lưu đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai, và ly dị.

Thế giới hôm nay, phần đông tuổi trẻ và cũng có cả những người lớn tuổi hiện đang tiến tới một lối suy nghĩ và hành động theo trào lưu Relativism - triết lý sống cho rằng kiến thức, sự thật, và luân lý hiện hữu trong tương quan của văn hóa, xã hội, và cấu trúc lịch sử không tuyệt đối (the doctrine that knowledge, truth, and morality exist in relation to culture, society, or historical context, and are not absolute.) Một tư tưởng dẫn đến lối sống làm đảo ngược những giá trị luân lý, đạo đức, và truyền thống tốt đẹp của xã hội. Điển hình như câu truyện một người bạn đã kể cho tôi mới đây, người này cho tôi biết là có một nữ bác sỹ trẻ, đẹp, và thành công. Cô muốn tự mình có một đứa con và tự mình nuôi dậy con theo ý của cô. Trường hợp này còn đi xa hơn tư tưởng có một đứa con với bạn trai mà không cần cưới hỏi của con gái bạn tôi. Tôi ngạc nhiên và hỏi lại:

- Thế người đó làm sao để tự mình có con?

Thấy câu hỏi hơi có vẻ thiếu hiểu biết về kiến thức khoa học, bạn tôi liền nói:

- Anh học hành đến đâu mà không biết chuyện “tự mình có con?” Thời nay, người ta chỉ cần tìm đến một ngân hàng tinh trùng rồi mua một lượng tinh trùng khỏe, có nguồn gốc người bán là giỏi, đẹp trai, và thông minh. Sau đó sẽ cấy những tinh trùng ấy với trứng của mình. Tiến trình tiếp theo sau khi trứng và tinh trùng đã thành phôi thì đem vào tử cung rồi chờ ngày đứa trẻ chào đời.

Nghe câu trả lời tôi cứ như người trên mây, tư tưởng chao đảo, nhưng tôi vẫn cố lý luận:

- Thế nhưng đứa trẻ sau này vẫn có quyền hỏi mẹ nó về một nửa xuất xứ của đời mình. Có nghĩa là nói muốn biết cái tinh trùng làm nên một nửa nó là của ai? Và như vậy thì dù cách nào đi nữa, một đứa con sinh ra cũng phải có cha, có mẹ chứ.

Đến đây thì vấn đề coi như bị bỏ lửng, chúng tôi chuyển qua câu truyện khác. Câu truyện liên quan đến hai chiếc răng hàm đang làm tôi lo lắng. Chúng cần phải trám để cứu khỏi lung lay và bị nhổ bỏ. Tôi nằm im, há miệng để cho bạn tôi trám hai chiếc răng mà không cảm thấy đau đớn gì, vì có lẽ lúc đó đầu óc tôi còn đang choáng váng với nội dung của câu truyện.

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam trước đây có câu để chế nhạo, hoặc coi thường những cô gái hoang thai:

“Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thói toan người đời”.

Nhưng quan niệm này đang bị chê là cổ hủ, là không hợp thời, và đạo đức nửa mùa. Ngày nay “người ta chửa hoang đầy đường”. Đó là lời bào chữa của giới trẻ ngày nay với lý luận, kể ra cũng còn may mắn cho những đứa trẻ được mẹ chúng cho sống, nếu không thì còn bị giết bởi phá thai. Phá thai hiện tại đã được pháp luật cho phép, và được hiến pháp của nhiều quốc gia công nhận, trong đó có cả Hoa Kỳ và Việt Nam.

Sự thừa nhận của xã hội và những tranh đấu đòi quyền tự quyết của những nhóm tranh đấu bình quyền đã làm mờ nhạt ý nghĩa tình mẫu tử. Nó biến sự ràng buộc thiêng liêng của người con với người mẹ trở nên một sự gắn bỏ hoàn toàn thể lý, một tác dụng của sinh lý hóa giữa người phụ nữ và một người mà họ gọi là con.

Những vấn nạn của người mẹ chỉ cần mua tinh trùng sau đó bằng những phương pháp của khoa học để may mắn sinh ra một người mà họ gọi là con không những là vấn nạn về tư tưởng, luân lý, đạo đức, xã hội mà còn là một sai lầm xét cả về tâm lý và giáo dục. Tôi đã có kinh nghiệm khi trực tiếp thẩm định một bé trai sinh ra qua hình thức ống nghiệm. Trước mắt tôi lúc bấy giờ, em là một tổng hợp của cái gọi là tâm lý chậm phát triển (mental retardation) và chậm phát triển thể lý (physical retardation). Trong hoàn cảnh như vậy, tôi không biết bằng cách nào người mẹ đơn thân của em có thể nuôi nấng và huấn luyện em nên một thanh niên, một người đàn ông phát triển và trưởng thành cả về tâm lý và thể lý như ý bà muốn, dù bà là một nữ khoa học gia chuyên nghiên cứu về hóa học tại một đại học nổi tiếng Hoa Kỳ.

Trở lại vấn đề giáo dục là một vấn đề vẫn được coi như khó khăn và cực nhọc nhất đối với phụ huynh trong thời đại hiện tại. Việc mà một người mẹ đơn thân hay độc thân quả là không dễ dàng để hoàn thành trách nhiệm của mình một cách tốt đẹp. Họ có thể tự lo cho con về thể lý, về cơm ăn, áo mặc, gửi con đến trường, nhưng giáo dục một đứa trẻ thì công việc cần đòi hỏi cả cha lẫn mẹ.  

Theo tâm lý phát triển và giáo dục, khi đứa trẻ lên 3 lên 4 là đã bắt đầu ý thức về phái tính của nó. Sự chọn lựa đồ chơi, cách ăn mặc đã bắt đầu làm nên nếp sống để rồi thành hình trong cái nhìn, suy nghĩ và chấp nhận phái tính của đứa trẻ. Trong những biến đổi tâm sinh lý và tâm lý ấy, đứa trẻ rất cần tình thương của mẹ cũng như sự hướng dẫn và dìu dắt của người cha. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình cha mẹ đơn thân, sẽ hụt hẫng và khó có thể phát triển quân bình về mặt tình cảm, tâm lý. Nó sẽ thiếu vắng mẫu hình và lối sống của người cha, hoặc cái nhìn và bàn tay dịu dàng của bà mẹ. Tóm lại, thiếu bất kỳ một trong hai hoặc bất hạnh thiếu vắng cả cha lẫn mẹ, đứa trẻ cũng sẽ lớn lên với tâm lý mồ côi.

Trong cái nhìn của giáo dục, gia đình là một trường học đầu đời của người con, và cha mẹ chính là những người thầy gương mẫu có ảnh hưởng suốt đời đến tương lai con cái. Điều này ai cũng cảm thấy một cách dễ dàng khi nhìn lại và so sánh lối suy nghĩ cũng như lối sống của mình với cha hoặc mẹ. Ngoài ra, gia đình cũng là một xã hội thu nhỏ mà trong đó mọi thành phần phải học sống, học nhường nhịn, học chấp nhận, học chịu đựng, hy sinh với nhau và cho nhau. Trong môi trường này, nó sẽ rèn luyện những đức tính xã hội, đời sống cộng đồng sau này. Nhà tư tưởng và thần bí Thomas Merton nói: “Không ai là một hòn đảo”. Chính trong gia đình mà người con học được vai trò, bổn phận và trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm anh, chị, em, và làm con cháu. Xa rộng hơn là cái nhìn đại gia đình trong đó còn có ông bà, cô chú, bác và những người thân.

Thật ra, nếu cha mẹ nào có điều kiện mà vì ích kỷ chỉ sinh một đứa con thì vô tình đã làm cho đứa trẻ lớn lên trong bầu khí cô đơn. Một khi cha mẹ qua đi, thiếu vắng người thân, thiếu vắng anh chị em nó sẽ cảm thấy lạc lõng trên cõi đời. Nếu bất hạnh, cuộc đời nó gặp những thử thách thì sự chịu đựng ấy càng tăng thêm áp lực và nỗi tủi phận.



Người ta có thể đổ lỗi cho cha mẹ về một số quan niệm và hình thức giáo dục con khi chúng còn nhỏ không? Có thể. Nhưng một người với học vị bác sỹ, với địa vị cao trong xã hội mà nuôi những ý tưởng qui về mình như vậy, theo tôi, là một tư tưởng bệnh hoạn. Và cũng có thể, nó đến từ những trào lưu, lối sống và suy tư của con người thời đại. Nếu vậy, ta càng cần nhìn lại và quan tâm hơn đến bầu khí gia đình và những ảnh hưởng giáo dục mà phụ huynh có thể làm để ảnh hưởng tốt sau này cho con cái.

Trần Mỹ Duyệt