Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

BẤT CÔNG VỚI CHÍNH MÌNH!


BẤT  CÔNG  VỚI  CHÍNH  MÌNH!
Thứ ba - 17/04/2018



Ở đời, thấy người ta hay ta thán với nhau xã hội bất công, con người bất công ...
Bản thân tôi, cảm thấy không ai bất công bằng chính mình.
Vì sao? Thật đơn giản. Con người khi sinh ra trong trần gian này, dưới con mắt đức tin thì con người có 2 phần: xác và hồn. Điều này không cần nói nhiều thì ai ai cũng biết cả.
Nhìn vào cuộc đời, con người luôn bị cuốn hút bởi: CƠM – ÁO – GẠO – TIỀN !
Tất cả những thứ ấy chi phối đời sống của con người để rồi ai ai cũng phải nổ lực để tìm cho thật nhiều tiền để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Điều này hoàn toàn đúng chứ không sai. Thế nhưng, bất chợt, có khi nào đó trong cuộc đời, ta lại nhìn lại đời ta và ta giật mình qua lời nhắc nhớ của Thầy Chí Thánh Giêsu: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".
Lời nhắc nhở này xem ra là xác đáng và hữu ích cho cuộc đời mỗi người và nhất là trong thời đại hôm nay.
Con người, dường như ai ai cũng cuốn cuồng trong một thế giới lao động để tìm của nuôi thân. Nhưng, bi đát ở chỗ ngày hôm nay không ai chết vì đói mà chết vì no và chết vì trong người có quá nhiều hóa chất.
Trên bàn ăn của con người ngày hôm nay, nhìn tới nhìn lui chỉ hóa chất và hóa chất.
Con người bất công với chính mình. Vì sao?
Thân xác con người thì hữu hạn mà linh hồn là vô cùng. Xác con người sẽ chấm hết sau cái chết nhưng linh hồn vẫn còn và linh hồn đó đi về đâu mới là chuyện quan trọng.
Chính thánh Inhaxio cũng đã hơn một lần nhắc nhớ con người:  Được lời lãi cả và thế gian, mất linh hồn nào được ích gì?
“Hãy tin vào Thiên Chúa”
Lời mời gọi Chúa mời gọi chúng ta hết sức thực tế. Niềm tin vào Thiên Chúa đó, chúng ta diễn tả như thế nào? Câu trả lời cũng tự mỗi người chúng ta trả lời với Chúa mà thôi.
Mới hôm qua, có một người nhắn tin cho con như thế này: “Con nghe Tin mừng Lời Chúa và bài giảng của Cha ấy, con cảm thấy con sống đúng là quá "Thực dụng" cầu lợi nhiều hơn là cho đi. Thú thật cùng Cha gia đình chúng con còn khô khan về việc Thờ Phượng Kính Mến Chúa Lắm. Xin Cha cầu nguyện cho gia đình chúng con. Con cảm ơn Cha nhiều, kính chíc Cha thật nhiêu sức khỏe và ơn Thánh Chúa đầy tràn trên Cha”.
Con có chia sẻ với vài người tâm tình này và những người này đều giật mình rằng chính bản thân họ cũng khô khan về việc thờ phượng kính mến Chúa lắm!
Có nghĩa rằng, người ta đến với Chúa cũng thực dụng như những người Do Thái ngày xưa nghĩa là đi tìm mối lợi cho được ăn bánh no nê thôi chứ không tin Chúa.
Thật vậy, con người, trong thân phận làm người rất dễ bị rơi vào tình cảnh thực dụng của một chia sẻ rất thực này. Thực dụng với Chúa và với nhau nữa. Nghĩa là họ đến với nhau tất cả cũng chỉ vì thực dụng chứ không hề biết sẻ chia.
Và rồi, nhìn lại cuộc đời, cứ nhìn thật, nhìn thẳng và nói với nhau đừng giấu diếm rằng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi năm ta dành thời gian chăm chút cho phần hồn chúng ta được bao nhiêu?
Có người bỏ hàng giờ vào shopping và đi lựa hết đồ này đến đồ khác và đi mua mang về nhà. Điều oái ăm là ở nhà, trong cái tủ quần áo của mình, có những món chưa mặc 1 lần hay chỉ mặc 1, 2 lần sau khi mua về để đó. Tối nay về nhà, ta cứ thử lục lại trong tủ đồ của ta, ta sẽ thấy có quá nhiều món dư thừa mà ta không hề đụng đến và cứ để trong xó tủ cho vui. Nhưng, tâm lý lúc nào cũng thấy thiếu và đi mua.
Mất thời gian cho shopping thì thoải mái và chả bao giờ thấy đủ cả.
Ngày nay, nhiều dịch vụ làm đẹp, nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nghe đâu có nhiều cái dịch vụ là đi tập thể dục, đi đến phòng gym để làm đẹp, làm tốt cho sức khỏe.
Nói thì có thể là đụng chạm, xin các bà các cô tha thứ cho. Mỗi khi đi làm tóc mất mấy tiếng thì các bà các cô là người hiểu hơn ai hết.
Phim một bộ dài bao nhiêu thì người xem trả lời.
Một chầu nhậu mất bao nhiêu thời gian thì người nhậu mới biết.
Hẳn nhiên, làm đẹp, nhậu, xem phim tự nó không phải là xấu vì là nhu cầu của con người hết sức bình thường. Thế nhưng, bất thường ở chỗ là ta bỏ thời gian quá nhiều để chăm chút cho nó, còn phần hồn của ta, ta bỏ cho nó coi như là chết đói.
Cứ thực lòng thực tâm, một ngày, ta cho linh hồn ta ăn được bao nhiêu thời gian hay ta chỉ bỏ đói phần hồn của ta?
Đến Nhà Thờ, cha nào giảng dài một tí là ai oán. Không thích cha đó thì không đi lễ ... và hóa ra là người ta theo đạo cha chứ không phải theo đạo Chúa.
Mùa này là mùa mà nhiều giáo phận thuyên chuyển. Cứ không thuyên chuyển thì thôi mà cứ thuyên chuyển là có chuyện. Cha ở xứ nào đó thì chừng 5 năm là đổi đó là chuyện hiển nhiên và bình thường. Thế nhưng khi đổi là ai oán và có người bỏ không đi nhà thờ vì giám mục dám chuyển cha của họ. Hóa ra họ theo đạo cha chứ không theo đạo Chúa.
Chả có cha nào giảng dở cả. Cha nào cũng phân tích, chia sẻ và mời gọi mọi người sống Lời Chúa thôi. Có điều anh bất công, anh chê cha này, anh khen cha kia. Thế nhưng chuyện quan trọng cần đó là anh có sống Lời Chúa hay không mà thôi.
Không chăm chút phần linh hồn, không nuôi dưỡng phần hồn mà cứ mãi chạy theo thứ lương thực hay hư nát.
Thử hỏi mỗi người, dù chăm chút cho sắc đẹp, dù giành nhiều thời gian để tập gym, dù ăn thật kỹ và thật bổ để lo cho thân xác nhưng thử hỏi cái mạng sống này giữ được bao lâu? Có người ăn uống cho thật kỹ nhưng rồi chết vẫn chết và không thoát khỏi cái chết.
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi thôi như Thánh Vịnh nhắc nhở.
Chính vì thế, cũng cần chăm sóc cho cơ thể, cho sắc đẹp nhưng chuyện cần hơn là chăm chút cho phần hồn của chúng ta. Thế nhưng, ta cứ tự lòng nhủ lòng và tự lương tâm ta trả lời với Chúa là ta dành cho phần hồn của chúng ta được bao nhiêu hay ta cứ mãi lo thân xác mà không chăm chút phần hồn.
Lời Chúa ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta nhìn lại bản thân của mỗi người. Có khi ta quá bất công với chính bản thân chúng ta mà chúng ta không biết.
Hãy tội nghiệp cho bản thân chúng ta hơn là tội nghiệp cho con người và xã hội.

Huệ Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét