Nhậu | Chuyện Phiếm Gã Siêu
Một nhà học giả kia đã
bàn về cái cười của người dân Việt, đại khái như sau: Dân An nam ta cái gì cũng
cười. Vui cũng cười mà buồn cũng cười. Động một tí là vén môi cười…tồ tồ. Mà
đúng thế. Một vị linh mục, gốc Canada, ngày nọ loan báo cho đám học trò của
mình: Cha Bolumburu, vị giáo sư khả kính của chúng ta mới qua đời. Bỗng một tiếng
cười ồ của đám học trò vang lên, làm cho vị linh mục tức giận đến nỗi đỏ mặt
tía tai. Bởi đó, ngài liền mắng te tua: Tôi không hiểu được tại sao khi loan
báo một tin buồn như thế mà các anh lại cười được. Cuối cùng, mấy tên đầu sỏ, đại
diện cho đám học trò, bèn phải gặp gỡ để giải thích: Chúng con cười không phải
vì mất đi một vị giáo sư, nhưng cười vì tên của ngài nghe thật lạ tai.
Bolumburu mà. Tuy hiểu là như thế, nhưng xem chừng vị linh mục ngoại quốc này vẫn
còn tức như bị”tê giác húc” ấy.
Cũng một thể thức ấy, gã
có thể phán về sự nhậu của người Việt mình như sau: Dân An nam ta cái gì cũng
nhậu. Vui cũng nhậu mà buồn cũng nhậu. Động một tí là nhậu liền tù tì. Gã đã lượm
lặt trên báo “Tuổi trẻ chủ nhật” một mẩu ngăn ngắn với tựa đề: “Quá trời là nhậu”.
Tác giả đã viết: “Khó mà kể hết có bao nhiêu cách để nhậu, bao nhiêu chuyện để
nhậu. Này nhé: Nhờ người bạn mua giúp chiếc xe honda, cũng nhậu. Hôm qua mới
lĩnh lương, cũng nhậu. Tuần rồi mới nhận hàng “bển” gửi về, cũng nhậu. Rồi này:
Vừa tậu được xe mới hả, nhậu “tân xe” đi. Mới trúng số hả,”khao đi”. Kỳ này lên
chức hả, làm một chầu “rửa lon”. Rõ ràng nhậu không hề có “luật” chi hết, nhưng
đã trở thành “lệ” rồi. Khánh thành, cũng nhậu. Tổng kết, cũng nhậu. Cuối năm,
cũng nhậu. Đám cưới, đám giỗ, đám hỏi, đám ma, đám đầy tháng, đám thôi nôi, đám
sinh nhật, đám khai trương tiệm may, đám mừng tốt nghiệp, đều nhậu tất. Coi bộ
thật khó mà sửa cái thói đã thành nếp này”. Gã có một tên bạn thuộc hạng nghèo
kiết xác, nghèo rớt mùng tơi. Hôm trước anh ta đi chợ, đụng phải một tên thương
phế binh. Tóc tai bờm xờm, râu ria rậm rạp. Tên thương phế binh này vừa mời vừa
bắt anh ta mua vé số kiến thiết. Bất đắc dĩ anh ta phải mua một tấm cho yên
chuyện. Rủi thay tấm vé số bất đắc dĩ giúp người ta lại trúng ngay lô hạng bét,
lãnh được hai chục ngàn đồng. Bè bạn hay tin anh ta trúng số, lục tục kéo đến mừng,
rồi cắm dùi tại nhà anh ta, thành thử anh ta bèn phải miễn cưỡng tổ chức một chầu
nhậu xương xương ngoài ý muốn tốn gấp đôi, gấp ba số tiền thưởng. Quả là một tấm
vé số bất hạnh.
Cũng trên báo “Tuổi trẻ
chủ nhật”, tác giả Danh gia đã mô tả cái bàu khí “nhậu” thật ồn ào náo nhiệt của
thành phố Saigon như sau: “Mỗi buổi chiều cắp cặp đi làm về đều chạy qua khu
“chợ nhậu hải sản” đường Thi sách. Tiếng bao khăn lạnh nổ đôm đốp, tiếng bia từng
thùng được vác ra chất đống cứ như thể ngồi bên cái “đề bô” bia mới gọi là
sang, tiếng réo nhau ơi ới trên điện thoại cầm tay rủ nhau đến đông vui xen vào
giữa những tiếng hò “dzô, dzô”, tiếng tâng bốc, tiếng “tứ hải giai huynh đệ kết
nghĩa”, tiếng khích bác, tiếng chửi thề, tiếng gây gỗ quyện lẫn với mùi tôm,
mùi cá, mùi lươn, mùi nghêu, mùi sò. Tất cả tạo thành một cảnh hỗn mang mà bất
cứ một cái chợ cá nào cũng phải hổ thẹn vì thua kém. Quẹo ra đường Tôn Đức Thắng,
rẽ qua Thị Nghè, Hàng Xanh về nhà cũng bấy nhiêu cảnh tương tự dọc hai bên đường.
Không biết có bao nhiêu “chợ nhậu” như thế trong thành phố này? Chỉ biết đi đâu
cũng thấy, khiến phải băn khoăn đặt câu hỏi: Phải chăng đây là “hoạt động văn
hóa” chủ yếu của thành phố này vào giờ tan tầm? Cứ thế ngày này sang ngày khác,
các độ lớn, độ nhỏ, độ XO, độ VSOP, độ bia, độ đế, độ rượu thuốc từ lâu đã thay
thế bữa cơm tối vợ chồng, con cái đoàn tụ trong nhiều gia đình. Mù mịt đến
khuya chồng mới bò về đến nhà, vợ có hỏi, may mắn lắm mới được chồng nạt: Làm ăn mà. Thời buổi kinh tế thị trường không
nhậu làm sao làm ăn, làm sao ký hợp đồng được chớ? Còn rủi phận hơn thì ăn đấm,
ăn đá”.
Chúng ta thường nói: Con người không sống để mà ăn, trái lại con
người ăn để mà sống. Nhờ ăn, mà cơ thể được bồi dưỡng, có đủ sức để lao động sản
xuất. Nhờ uống chút ít mà chúng ta có thể tạo được một bàu khí vui vẻ, cởi mở
và thân mật. Chính vì thế, khi ngồi vào bàn tiệc, chúng ta thường được nghe những
câu nói để tạo “khí thế”, chẳng hạn như: Nam vô tửu như kỳ vô phong. Có nghĩa
là con trai mà không uống rượu thì như cờ không có gió, rũ rợi, ủ dột, buồn tẻ.
Những kẻ đạo đức hơn một tí thì khôi hài sánh ví: Cỗ không có rượu, như kiệu
không có cụ. Nghĩa là đi rước kiệu mà thiếu vắng cha chủ sự, thì quả là nhạt nhẽo
vô duyên tệ. Trong Thánh vịnh cũng đã từng có câu: Chúa ban rượu ngon làm vui
thỏa lòng người. Và trong cuộc sống, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần tham dự những
đám tiệc. Ngài đã khởi đầu cuộc sống công khai bằng tiệc cưới tại Cana và kết
thúc bằng bữa tiệc Vượt qua với các môn đệ.
Tuy nhiên, nhân đức bao
giờ cũng phải ở vào cái thế trung dung, “virtus in medio stat”, bởi vì phàm cái
gì thái quá thì cũng bất cập. Ăn nhiều quá sinh ra bội thực, rồi từ chỗ bội thực
sinh ra bệnh nọ tật kia. Còn uống nhiều quá thì “hóa rồ hóa rại” như tục ngữ đã
bảo: Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm. Có nghĩa là rượu vào thì như cọp dữ giữa rừng.
Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị. Có nghĩa là rượu vào thì như chó điên cắn
càn giữa chợ. Làm mất nhân phẩm của mình đã đành, mà còn gây nên đổ vỡ cho gia
đình, đồng thời va chạm với những người chung quanh, làm sứt mẻ tình nghĩa bà
con lối xóm.
Trước
hết là đối với bản thân.
Dân bợm nhậu thường nói:
Chưa hề có một mộ bia nào trên đó khắc ghi hàng chữ: Đây là nơi an nghỉ của kẻ
đã chết vì rượu. Thế nhưng trong cuộc sống thường ngày, không thiếu chi những
chuyện vui buồn xảy đến cho những kẻ say xỉn. Uống say rồi lăn kềnh ra ngủ, thì
còn đơ đỡ và không cần nói tới. Nhưng uống say mà phát rồ phát rại, thì cần phải
đặt lại vấn đề. Không rồ không rại mà tại sao có những kẻ khi rượu vào thì lại
thi nhau nhai ly, nhai cốc, nhai chén, nhai bát. Không rồ không rại mà tại sao
có những kẻ khi rượu vào người mềm nhũn như con chi chi, đứng lên không nổi, phải
có người kè người vực. Không rồ không rại mà tại sao có những kẻ khi rượu vào
thì chân nam đá chân chiêu, đường rộng rãi thênh thang không muốn đi, chỉ muốn
đi vào bụi rậm cho gai đâm sứt cằm, xẻ mũi. Lái xe thì xiên bên nọ xọ bên kia
khiến cho mấy thày cảnh sát phải thổi còi biên phạt. Không rồ không rại mà tại
sao có những kẻ khi rượu vào đã chửi bới, rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay “mí”
nhau, thậm chí còn vác cả gậy gộc, dao búa phang nhau túa máu đầu, gây thành án
mạng như báo chí không ngớt đăng tải. Không rồ không rại mà tại sao thiên hạ lại
diễn tả về họ, những kẻ say xỉn, như sau:
.
Một
xị thì mở mang trí hóa.
.
Hai
xị thì giải bớt cơn sầu.
.
Ba xị thì mũi chảy đầy râu.
.
Bốn
xị thì ngồi đâu khóc đó.
.
Năm
xị thì cho chó ăn chè.
.
Sáu
xị thì làm xe lội nước.
.
Bảy
xị thì vợ rước không về.
.
Tám
xị thì ra nhị tì mà ở.
Đồng thời, thiên hạ cũng
thường hát vui về họ như sau:
– Hiu hiu gió thổi đầu
non,
Những người uống rượu là
con ngọc hoàng.
Ngọc hoàng ngự tại ngai
vàng,
Thấy con uống rượu hai
hàng lệ rơi.
Tưởng rằng con uống con
chơi.
Ai dè con uống, con rơi
xuống sình.
Tiếp đến là những bất ổn
cho gia đình.
Thường xuyên rủ nhau đi
nhà hàng hay thường xuyên tổ chức ăn nhậu tại nhà đã là một sự tốn kém cho ngân
quĩ vốn dĩ eo hẹp của gia đình trong cái
thời buổi khó khăn, gạo châu củi quế này, bởi vì những sự cần cho được uống rượu
nên xem ra cũng rất đắt, Ấy là chưa kể đến những cực nhọc cho vợ con, nhất là
khi phải thu dọn những bãi cho chó ăn chè. Thực vậy, người ta đã hỏi một tên bợm
nhậu, thuộc hạng thâm niên quân vụ, nhiều năm trong nghề, như sau: Hỏi phải làm
mấy sự cho được uống rượu nên? Đúc kết kinh nghiệm của bản thân sau nhiều năm
lăn lóc trên các chiến trường với những chiến hữu lưu linh của mình, hắn ta đã
trả lời: Thưa phải làm ba sự này, một là tốt cái nhắm, hai là lắm anh em, ba là
muốn nhắm thì nhắm. Đông, vui, hao, đó là qui luật của muôn đời. Thế mà “nghệ
thuật ăn nhậu” lại đòi hỏi vừa phải tốt cái nhắm, lại phải lắm anh em, thì chỉ
có nước đập bể nồi cơm gia đình khiến vợ con phải treo niêu, ăn chay trường dài
dài mà thôi.
Còn nếu đi uống rượu ở
nơi khác, khi trở về nhà, mà giữ được tác phong cốt cách thì còn đơ đỡ, nhưng
như trên gã đã nói: Nhiều kẻ đã bị rượu bốc lên, làm cho hóa rồ hóa rại. Đúng
thế, không rồ không rại mà tại sao có những kẻ khi rượu vào lại tung hê nồi
niêu xoong chảo cùng với bát đũa ra ngoài sân, để rồi khi tỉnh cơn say. Lại phải
hì hục lao động kiếm tiền mua sắm. Không rồ không rại mà tại sao có những kẻ
khi rượu vào, bỗng trở thành “vũ phu chi cục mịch”, chửi vợ đánh con, khiến cho
gia đình bị đổ vỡ tan hoang. Hay ít nữa, khi tỉnh cơn say thì cũng phải bỏ tiền
mua thuốc men và bỏ công sức chăm sóc cho vợ con đã bị chính mình hành hung một
cách dã man trong lúc xỉn. Thấy thiên hạ lao mình vào tệ nạn cờ bạc, một đức
ông chồng, uống rượu thuộc hạng dân ghiền, đã hãnh diện tâm sự với bà xã: Em phải
cám ơn anh nhiều lắm đấy, bởi vì anh không bài bạc như mấy tên hàng xóm. Thế
nhưng, bà xã đã phản pháo một cách rất chính xác: Ông không bài với bạc, nhưng
tối ngày những rượu cùng chè, những say cùng xỉn, khiến tôi phát chán cả lên.
Nhưng phiền hơn cả là
trong những lúc say xỉn như vậy, chúng ta lại thường gây nên những sự rắc rối,
phiền toái cho bà con lối xóm. Thực vậy, thiên hạ thường bảo: Tửu nhập, ngôn xuất.
Rượu vào thì lời ra. Cái thứ “ngôn xuất” này, cái thứ “lời ra” này, cũng thường
thay đổi thiên hình vạn trạng, đến quỉ thần cũng không lường nổi. Có kẻ khi say thì cười, nhưng cũng có kẻ khi
say thì lại khóc. Có kẻ khi say thì hát nhưng cũng có kẻ khi say thì lại sổ tiếng
Ăng lê. Có kẻ khi say thì vui miệng, vợ mình không khen, lại cứ nhè vợ người ta
mà khen, nên mới rách việc, dẫn đến chuyện đánh đấm nhau phun cả máu đầu. Có kẻ
mượn hơi men để có đủ can đảm mà đi…xưng tội, nhưng cũng có kẻ mượn hơi men để
chửi xéo người này người nọ, đôi khi chửi cả cha mẹ và những người họ hàng thân
thích, khiến cho tình nghĩa ruột thịt cũng như lối xóm nhiều lúc như muốn đứt
đoạn. Có những kẻ bình thường rất hiền lành, thế nhưng do ma men dẫn đường, rượu
ngấm vào, máu yêng hùng nổi lên, cũng sẵn sàng vác gậy, vác đá đi hỏi thăm sức
khỏe người khác, giống như một kẻ côn đồ thứ thiệc, để rồi khi hết cơn yêng
hùng, lúc phải ký vào biên bản, thì như quả bóng xì hơi, năn nỉ ỉ ôi hết người
này đến người khác, như tục ngữ đã diễn tả: Chưa đánh được người, mặt đỏ như
vang. Đánh được người rồi, mặt vàng như nghệ.
Có thể nói được rằng:
Chuyện ăn nhậu ở Việt Nam hiện nay luôn được liên tục phát triển. Chỉ cần rảo
qua một vòng phố xá, chúng ta liền thấy, tiệm cà phê và quán nhậu mọc lên như nấm
sau cơn mưa. Đường nào cũng có, góc phố nào cũng có. Đúng là trăm hoa đua nở.
Những tháng ngày sau năm
1975 thì thiên hạ cho rằng: Đờn ông thanh niên bấy giờ vì thiếu những phương tiện
giải trí nên đâm ra nhậu nhoẹt say sưa. Còn lúc này, những phương tiện giải trí
không thiếu, nhưng thiên hạ vẫn hăng hái nhậu liên tu bất tận. Có thể vì trong
túi có sẵn tí tiền còm, nhất là tiền hối lộ, tiền buôn lậu, tiền áp phe, áp chảo…không
nhậu cũng uổng. Có thể vì nền kinh tế thị trường, có nhậu thì mới bắt được mánh
làm ăn, mới làm được những giao lưu và trao đổi. Thôi thì có đủ một ngàn lẻ một
lý do để biện minh cho cái “dịch vụ ăn nhậu này”. Tuy nhiên, cũng trên báo “Tuổi
trẻ Chủ nhật”, tác giả Danh Gia đã đưa ra một vài nhận định nho nhỏ về đờn ông
phương tây như sau: Đừng đổ thừa cho kinh tế thị trường khi chưa từng thấy “mặt
mũi” đích thực của nó. Không tin cứ đi hỏi các giám đốc ngân hàng nước ngoài sẽ
nghe họ nghĩ gì về cách duyệt hồ sơ cho vay “quen thuộc” của các ngân hàng
trong nước khác với cách của họ như thế nào. Bởi thế mới đẻ ra bao vụ “Tamexco”
lớn nhỏ, mới có tỉ lệ thua lỗ “bộn”, nợ nần dính chùm như thế. Đàn ông các nước
công nghiệp, tức các nước kinh tế thị trường nhất, đến giờ tan sở mệt nhoài vì
công việc chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, ba chân bốn cẳng leo lên tàu
điện, đổi dăm ba tuyến đường mới về được đến nhà phụ vợ con dọn cơm, rửa chén rồi
đi ngủ sớm, đến cuối tuần cần tranh thủ sửa sang nhà cửa, chở vợ đi chợ. Xu hào
đủng đỉnh lắm thì tối thứ sáu đưa vợ, đưa con đi ăn tiệm hoặc đưa vợ con đi nghỉ
mát cuối tuần, chứ không ai rỗi hơi nát rượu tối này sang tối khác với bạn bè.
Không tin, nếu có dịp đi tây, chiều tối cứ xuống các trạm xe điện ngầm ở Paris
chen chúc với bốn triệu người, ta sẽ thấy rõ thế nào là nếp sống kinh tế thị
trường đích thực. Chớ tưởng dân đi chơi tối giữa Paris, Luân đôn là người dân bản
xứ. Trừ một thiểu số nhung lụa hoặc của “thế giới về đêm”, người lao động lĩnh
lương trong tháng, cho dù có là giám đốc, chẳng mấy khi léo hánh đến quán xá
vào những tối trong tuần. Khi người ta phải đóng thuế thu nhập giá chót cũng
30%, khi người ta ở nhà thuê hay mua trả góp mỗi tháng cũng phải đóng từ 1/3 đến
1/5 lương cho tiền nhà, khi người ta sắm cái xe hơi, cái máy giặt, cái máy sấy
khô quần áo…sao cho cuộc sống gia đình tiện nghi hơn, để rồi cuối tháng bị ngân
hàng tự động trừ nợ, người ta mới không dám vứt thì giờ và tiền bạc cho các độ
nhậu triền miên vì sợ ngày mai dậy không nổi, mất năng xuất, mất óc sáng tạo dễ
có ngày thất nghiệp.
“Khi người ta phải ngày
ngày mất ít nhất hai giờ để di chuyển, khi người ta phải làm việc ngày tám tiếng
ra tám tiếng mới được chủ trả lương, thì người ta mới biết quí thì giờ và sức lực
của mình. Ngay cả đàn ông xứ Thái sát cạnh đây, tức một nước chưa công nghiệp
bao nhiêu, thưở còn thịnh vượng có phần trễ nải hơn ở hàng quán, song giỏi lắm
cũng chỉ uống một chai bia Singa nội địa chứ hiếm ai uống đến chai thứ nhì.
Thói quen rượu chè say
sưa là một tật xấu khó chừa, bởi nếu không nhậu thì nhạt miệng, nên phải đi tìm
chỗ gài độ để khỏi ngồi ngáp vặt.
Vì thế Tản Đà đã bảo:
– Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời
cứ say.
Thành thử người say xỉn
nghiện ngập cứ kéo lê cuộc đời mình trong một tình trạng be bét. Cần phải có một
ý chí vững mạnh mới có thể dứt khoát được với tật xấu này. Một dân bợm nhậu nọ
quyết tâm giã từ rượu chè. Cứ mỗi lần ngồi vào bàn tiệc là anh ta nhỏ một giọt
nến vào chiếc ly uống rượu. Cứ thế, cứ thế…ngày qua ngày…cho tới khi chiếc ly đầy
nến và anh ta cũng bỏ được tật say xỉn của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét